Phó Đức Tùng
SOI: Các bạn đã đi qua 3 bài về 3 khái niệm căn bản của Platon,
cũng như dụ ngôn cái hang, để hôm
nay, vào vấn đề then chốt nhất mà loạt bài này hướng tới: “Trừu tượng là gì?”,
mà như một lần trong một cuộc thảo luận đã nêu ra, là “trừu cái tượng”? hay “tượng
nó trừu”?
Cảm ơn kiến trúc sư Phó Đức Tùng, và mong nhận được nhiều thảo
luận của các bạn quan tâm đến lĩnh vực này.
Wassily Kandinsky – Không đề
Khái niệm trừu tượng theo đúng nghĩa được coi là có khởi nguồn
trong triết học Platon
Chữ Form viết hoa trong thuyết Platon, đồng nghĩa với từ Idea
của ông, được coi là hình dung triết học hoàn chỉnh quan trọng nhất về một
abstract object, tức là vật thể trừu tượng. Có thể gọi đầy đủ đây là Abstract
Form. Vì thế, chỉ cần xét các đặc điểm của Form này là ta sẽ hiểu thế nào là một
vật thể trừu tượng tuyệt đối:
a. Phi vật thể – nonmaterial, phi thời gian atemporal, phi
không gian – aspatial,…
Đây có lẽ là đặc điểm hay được dùng nhất, hay liên tưởng nhất
của khái niệm trừu tượng. Sau này, những gì không có tính vật chất thường hay
được gọi là trừu tượng. Đặc điểm này chủ yếu dùng để phân biệt nó với cái tượng
thông thường, tức là hình ảnh của vật cụ thể. Trong một số khái niệm trừu tượng
đương đại, những đặc điểm khác sau đây của Form Platon sẽ có thể không còn được
công nhận, mà chỉ còn lại tính phi vật thể, phi thời gian, không gian này.
Vì những đặc điểm này là đặc điểm phủ định, âm bản, tức là vật thể trừu tượng
“không là” cái gì, chứ không phải nó “là cái gì”, nên việc xác định tính trừu
tượng này còn được gọi là “the way of negation”, là một trong những cách xác định.
b. … nhưng vẫn là tượng, là Form
“Trừu” nghĩa là “rút ra”. “Trừu tượng” tức là hình ảnh được
rút ra, (tương tự như “ấn tượng” là hình ảnh được in vào, “biểu tượng” là hình ảnh
tiêu biểu, “tưởng tượng” là hình ảnh được tưởng ra.) Một hình ảnh được rút ra
thì vẫn là hình ảnh, trừu tượng vẫn là tượng. Vì thế Platon vẫn dùng
chữ Form, cho thấy nó có liên quan về mặt bản chất với chữ form thông thường.
Như vậy, chữ trừu tượng có nội dung tự nó, positive là form, chứ không phải chỉ
là khái niệm negative là nonmaterial.
Người ta có thể nhận ra tính positive, tính “tượng” này ở khả
năng chuyển hóa thành tượng cụ thể. Chẳng hạn khái niệm “tam giác” là trừu tượng,
nonmaterial, nhưng có thể được cụ thể hóa thành các hình tam giác khác nhau, bằng
gỗ, vẽ trên bảng v.v… Tuy những hình cụ thể này không phải cái tam giác trừu tượng
nữa, nhưng rõ ràng vẫn là tam giác.
Trong lý thuyết Platon, ngoài những Form trừu tượng này,
không tồn tại khách quan những thứ gì khác không phải Form mà vẫn phi vật thể.
Vì thế, Picasso nói người ta không thể hình dung ra cái gì ngoài form, bởi vì
cái trừu tượng nhất, phi vật thể nhất, tức là các ý tưởng thì về bản chất
vẫn là Form.
Cái abstract Form là khuôn mẫu lý tưởng, là cái cốt yếu trong
mọi sự vật. Nhờ có nó mà ngựa được gọi là ngựa, tròn được gọi là tròn. Nếu
không có tính khuôn mẫu, tinh túy này thì abstract form sẽ là vô nghĩa, vì
không liên quan.
Chữ “trừu” tiếng Hán tương ứng với gốc từ abstract tiếng Anh,
có nghĩa là rút lấy cái tinh chất, tinh túy. Từ này khác với khái niệm “chiết
xuất” hay extract, cũng có thể coi là một loại rút ra, nhưng theo nghĩa là tách
một thành phần ra khỏi một hỗn hợp.
Khi ta làm tóm tắt nội dung chính của một cuốn sách dày, ta gọi
đó là abstract. Nhưng nếu ta trích từ cuốn sách đó ra một ý mà ta cần, thì gọi
là extract. Khi ta lấy bơ ra khỏi sữa thì gọi là abstract, vì bơ được coi là
tinh chất của sữa. Trong khi đó tách dầu khỏi nước thì là extract. Nếu ta tạo
ra một tinh chất thực vật theo nghĩa một sản phẩm cô đặc, cao toàn tính hay
tinh bột của loài thực vật đó, với đầy đủ sự phức tạp đặc trưng của nó, nhưng
khối lượng tinh giản, nồng độ cao hơn thì sản phẩm đó được gọi là abstractum.
Còn nếu ta tách một chất, chẳng hạn riêng tinh dầu, ra khỏi một loài thực vật,
thì gọi là extract.
Trừu tượng do vậy bao giờ cũng phải là một loại tượng
tinh chế, nồng độ cao, có tính mẫu mực. Nếu chỉ là phi hình thể không thôi thì
chưa thể được coi là trừu tượng.
Vì đặc tính cốt yếu này, người ta có thể tinh chế ra cái trừu
tượng từ cái cụ thể, như đã nói ở chương về vai trò nghệ thuật. Sau này, triết
học đương đại gọi đó là “the way of abstraction”, cũng là một phương pháp để tạo
ra hay xác định vật thể trừu tượng. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nói “trừu tượng
hóa” có nghĩa là một thủ pháp lược bỏ những hình ảnh riêng, cụ thể của nhiều cá
thể cùng tên để tạo ra một hình ảnh tinh chất cho cả họ đó, gọi là Archetyp.
d. Tính chân – truth
Platon phân biệt hai thế giới tồn tại khách quan, có nghĩa là
không phải do cảm nhận hay tưởng tượng của đầu óc con người. Đó là thế giới lý
tưởng của các Form trừu tượng và thế giới vật lý của các object, vật thể tự
nhiên, được coi là bản copy hay mimic từ các form đó. Trong hai thế giới đó, thế
giới của các abstract form được coi là chân, còn thế giới các object
là giả, theo nghĩa hàng nhái, hàng rởm. Còn cái thế giới hình ảnh mà ta cảm nhận
được thì còn không được coi là thực tại, mà là ảo – Illusion. Như vậy, ta thấy
trong quá trình copy từ abstract form ra thành object, rồi từ đó thành ảo ảnh
thì tính chân mất hoàn toàn.
Tính chân, hay ít nhất là sự tồn tại thực khách quan của các
vật thể trừu tượng là đặc điểm quan trọng của thuyết Platon. Các quan điểm hiện
đại về khái niệm trừu tượng có rất nhiều kiến giải khác nhau về đặc điểm của trừu
tượng, nhưng đều thống nhất ở một điểm là chúng có tồn tại dưới dạng object
khách quan. Tất cả những người theo cách nghĩ đó đều được gọi là Platonist.
Trong khi đó, phe đối lập gọi là Nominalist, cho rằng tuyệt đối không tồn tại bất
kỳ một thực thể trừu tượng nào. Vì vậy, trong tranh luận nghệ thuật, nói là
không thể tồn tại nghệ thuật trừu tượng cũng không phải là không có cơ sở lý luận.
Còn nếu nói là có loại nghệ thuật trừu tượng, thì chắc chắn dây mơ rễ má có họ
hàng với Platon.
Không đề – Mark Rothko. 1969
e. Tính thiện – tính mẫu mực
Khái niệm thiện thường được dùng với nghĩa là công dụng tạo lợi
ích, có nghĩa là khả năng sinh sôi nảy nở, nên cũng có chữ “thiện dụng”. Vì những
abstract form là chân, nên nó được dùng làm khuôn mẫu để làm ra vạn vật. Bởi thế,
chúng đồng thời là thiện.
Trong khi đó, các object vật chất là đồ rởm nên không có giá
trị mô thức, và do vậy không thiện. Nếu đưa ra một ý tưởng hình tam giác trong
một lớp học, thì một trăm học trò sẽ có thể thể hiện ra hàng vô số hình tam
giác cụ thể. Trong khi đó một hình tam giác cụ thể đã vẽ trên bảng không thể tự
nhân bản, cũng không thể được copy nguyên vẹn mà không mất đi một số đặc điểm.
Đó là vì bản chất của vật chất làm nên chúng là cụ thể, giống như câu nói nổi
tiếng của Heraclit “không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Còn các ảo
ảnh thì không những không chân, lại cũng chẳng thực sự tồn tại, nên càng không
có tính thiện, giống kiểu ảnh con gà không thể đẻ trứng. Vì thế, Platon cho rằng
các object vật chất và các ảo ảnh là vô giá trị. Sau này, khả năng nhân bản
thành nhiều phiên bản cụ thể mà không mất đi bản chất gốc được coi là một đặc
điểm nhận dạng của vật thể trừu tượng.
Một tác phẩm nghệ thuật, cho dù có hình hài cụ thể hay không,
đều có thể được hiểu trước hết là một vật chất cụ thể. Còn nó có được coi là trừu
tượng hay không thì một trong những tiêu chí có thể chính là tính mô hình phổ
quát của nó. Người ta phải cảm nhận được rằng đằng sau bức tranh phi hình thể
đó có một ý tưởng phổ quát, có khả năng diễn đạt bằng nhiều ví dụ khác, chẳng hạn
như tình yêu, đau, sợ, chó, mùa thu hay một ý tưởng hoàn toàn xa lạ, không thể
gọi tên, nhưng vẫn rõ ràng.
f. Tính thẩm mỹ – Aesthetics
Platon cho rằng các abstract Form có tính thẩm mỹ. Chúng là định
nghĩa của cái đẹp tuyệt đối. Platon cho rằng các abstract Form có tính thẩm mỹ.
Chúng là định nghĩa của cái đẹp tuyệt đối. (Tất nhiên nếu nói hoàn toàn tuyệt đối
thì chỉ có mặt trời trong thế giới lý tưởng, tức là cái lý tưởng sinh ra mọi
abstract Form, mới là chân thiện mỹ, vì đã gọi là tuyệt đối thì không thể có số
nhiều. Các abstract Form thừa hưởng 3 đặc tính này của nguồn năng lượng duy nhất
là mặt trời, nên cũng có phần nào 3 đặc điểm này. Nếu so sánh với các con rối
hay bóng của chúng thì ta có thể coi các abstract Form là tuyệt đối, là chân,
thiện và mỹ.)
Chính vì việc truyền một phần cái đẹp này mà việc copy trở
nên có ý nghĩa. Nhờ có nó mà người ta ham muốn, say mê, ngay cả khi biết rõ là ảo,
chẳng hạn kể cả khi xem phim, chơi game, hay thậm chí mơ. Và cũng chính vì cái
đẹp tương đối này không đi liền với chân, thiện mà Platon muốn kéo con người khỏi
trạng thái si mê, khỏi rạp chiếu phim, để anh ta có thể tự thoát khỏi xiềng
xích, về với tự do. Chính cái đẹp là mối liên hệ giữa cái form abstract và cái
form cụ thể. Và theo Platon, không phải vật chất nào cũng có một form abstract
làm hình mẫu. Chỉ khi nó đẹp thì mới có thể nghĩ là đằng sau đó có form
abstract. Còn khi nó gây phản cảm thì không, khi đó nó chỉ là con rối đổ nát, một
con búp bê hỏng thôi. Rác rưởi theo Platon là destruction, là phá hủy mô hình,
chứ không phải là mô hình theo một khuôn mẫu nào. Một sản phẩm xấu, phản cảm do
đó không bao giờ có thể được biện minh bằng một ý tưởng trừu tượng. Chúng chỉ
đơn thuần là rác, rác cụ thể, không có tí trừu tượng nào.
g. Tính tiên nghiệm – transcendental
Socrates nói người ta biết đến các abstract form một cách
tiên nghiệm, trước khi sinh, vì khi đó người ta, hay linh hồn, đã từng ở
thế giới lý tưởng. Sau này, những mô hình làm gợi nhớ lại về các abstract form,
vì thế người ta nhận ra ngựa là một form, người cưỡi ngựa là một form khác, chứ
không bị dính hết vào một khối. Cảm nhận về cái đẹp do đó cũng là tiên nghiệm.
Khi nhìn một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, cho dù nó không giống bất kỳ thứ
gì trên đời, người ta vẫn nhận ra được cái đẹp, tính đồng bộ, tức là tính mô thức,
nếu nó có hàm chứa abstract form trong đó.
Như vậy, về lý thuyết không bao giờ có thể nói tác phẩm trừu
tượng là khó cảm nhận, phải cần trình độ học vấn đặc biệt mới nhận thấy đẹp. Tất
nhiên, trên thực tế có thể cho rằng nhiều người trong quá trình sống đã bị những
tập tục, kiến thức v.v… làm lấp đi cái năng lực hay hồi ức tiên nghiệm này, nên
không còn nhận ra cái đẹp nữa. Nhưng chắc chắn là việc cảm nhận này không phải
do dạy mà biết.
h. Tính Siêu nghiệm – transcendent
Nếu chỉ là tiên nghiệm, lý thuyết này sẽ không dẫn tới một hệ
quả về luân lý mà chỉ giải thích năng lực cảm nhận của con người. Nhưng trong
thuyết Platon có niềm tin siêu nghiệm, có nghĩa là con người có thể hòa đồng
về ý tưởng với thế giới lý tưởng đó, có nghĩa là tự giải thoát khỏi xiềng
xích để ra khỏi hang, nếu anh ta thực sự nhận ra tình trạng bị xiềng của mình
và thực sự muốn thoát. Đây là lý do để giải thích tại sao có người làm được ra
tác phẩm trừu tượng, đa số người khác thì không, vì không phải ai và lúc nào
cũng hòa nhập được tinh thần vào thế giới lý tưởng đó.
i. Bằng chứng hậu nghiệm – empirical evidents
Đi từ những quan sát hậu nghiệm, tức là từ các cái bóng, hay
từ quan sát bình thường của con người, tất nhiên không thể dẫn đến cái biết thực
sự về thế giới lý tưởng, thậm chí về thế giới vật lý của các con rối. Nhưng người
ta cũng có thể cảm nhận về sự tồn tại của abstract Formmột cách hậu nghiệm,
thông qua nhận định về tên gọi, hay về những thứ hoàn hảo như các hình hình học
mà ta không thấy trong thực tế, nhưng rõ ràng cảm nhận là chúng tồn tại. Nếu
không có những bằng chứng hậu nghiệm này, lý thuyết sẽ hoàn toàn không có cơ sở
gì để thuyết phục, vì người ta sẽ chẳng có một chút gì kiểm chứng được về nó.
Đây cũng là lý do người ta có thể giải trình và bàn luận về
cái đẹp. Chẳng hạn ta có thể giải thích bằng những tỷ lệ vàng, tính đối xứng,
nhịp điệu v.v… Tất nhiên những giải thích đó không tạo ra cảm nhận về cái đẹp,
vì cảm nhận này tiên nghiệm, nhưng nó giải thích được tại sao mà đẹp, đẹp như
thế nào. Một tác phẩm trừu tượng đẹp tất nhiên không theo khuôn mẫu có sẵn nào,
nhưng sau đó người ta có thể giải trình cái đẹp của nó, nhìn ra được những quy
luật có tính mô thức trong đó.
Gray-Alphabets của Jasper Johns
Đó là sơ lược về khái niệm “trừu tượng” của Platon. Platon có
thể được coi là cha đẻ của khái niệm này. Sau ông, khái niệm này gần như
không còn quan trọng trong lĩnh vực Triết học nữa. Thứ nhất là bởi vì khái niệm
này không còn triển khai rộng hơn, kỹ hơn, hoàn hảo hơn được nữa, nên coi như
đã bàn xong, và thứ hai là bản thân sự tồn tại của những abstract Form bị đặt dấu
hỏi. Cho tới tận đầu thế kỷ 20, khái niệm trừu tượng mới được lật trở lại, làm
chủ đề cho rất nhiều tranh luận. Vấn đề đặt ra không phải là đưa ra những kiến
giải mới, khác hẳn Platon, mà là giới hạn lại tiêu chí về object trừu tượng chỉ
còn một phần trong những điều Platon đưa ra để áp dụng cho loại object có sinh
diệt, trần tục hơn và cũng gần đời thường hơn. Trong cuộc tranh luận này, mỗi
trường phái lại nhấn mạnh vào một khía cạnh, tùy theo họ muốn dùng cho loại đối
tượng nào. Cũng vì thế sinh ra rất nhiều khái niệm trừu tượng khác nhau, mỗi
người định nghĩa một khác. Điều quan trọng, và cũng là lý do tại sao chúng ta lần
ngược tới tận Platon, là vì tuy rằng những định nghĩa hiện đại sát thực hơn,
nhưng lại ít ảnh hưởng, ít phổ biến hơn. Mỗi trường phái chẳng qua là một dòng
nhỏ, bàn về một khía cạnh cụ thể, và có gây ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ quan
tâm. Còn đối với đại chúng thì hình dung của Platon vẫn là một quan điểm được sử
dụng mấy nghìn năm, và cho dù người ta có biết đến và đồng ý với mô hình triết
học hay không thì vô thức cũng đã chấp nhận rất nhiều khía cạnh của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét