Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Trong hang động của Platon

Trong hang động của Platon 
Phó Đức Tùng
Tôi đã thấy việc tranh luận về hội họa trừu tượng của chúng ta sẽ không đi tới đâu, vì chúng ta đều bàn ở ngọn mà chưa đào xới vấn đề từ gốc. Có rất nhiều hình dung khác nhau về khái niệm “trừu tượng” cũng như hội họa trừu tượng, vì thế nếu không có sự thống nhất cơ bản, chúng ta sẽ tranh luận về những thứ rất khác nhau. Nhân đây, tôi cũng muốn khởi xướng một tranh luận kỹ hơn về lịch sử mỹ thuật. Cũng xin nói, tôi không phải chuyên gia về mỹ thuật cũng như lịch sử mỹ thuật, vì thế, những thứ tôi nói chỉ là hiểu biết thiển cận của người ngoại ngạch, rất có thể sai, và chắc chắn là phiến diện và non nớt. Tuy vậy, hy vọng nó sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho sự đóng góp của mọi người vào một hiểu biết sâu sắc hơn.
Đầu tiên, xin khẳng định là mọi khái niệm, quan điểm quan trọng trong nghệ thuật, mọi trường phái lớn, đều có căn nguyên rất sâu rộng trong cả hệ thống nhận thức, triết lý, lịch sử, văn hóa. Chúng không phải những món đồ bày bán ở siêu thị mà ta có thể dễ dàng chọn lựa theo sở thích. Để hiểu được nó, nhất thiết phải hình dung được bối cảnh tổng thể. Trong đó, gần nhất là những triết lý quan trọng về mỹ học và khái niệm nghệ thuật. Riêng lịch sử phương Tây có ít nhất khoảng 15 hệ thống quan trọng, còn ảnh hưởng sâu rộng tới ngày nay. Nếu không hiểu được sơ bộ những hệ thống này thì mọi tranh cãi đều hết sức vô căn cứ. Vì thế tôi muốn đề xuất một chuỗi diễn đàn, tranh luận về từng hệ thống một. Qua đó, chúng ta sẽ thấy nhiều điều, và chí ít cũng thấy được khái niệm abstract đã thay đổi rất nhiều lần như thế nào.
Nhân vật đầu tiên xin được điểm qua là Platon.
PLATON (427-347 TCN)
Chúng ta đều thống nhất là nền tảng văn minh phương Tây nói chung và nghệ thuật phương Tây nói riêng có liên quan rất chặt chẽ tới Hy Lạp cổ đại. Trong hệ thống Hy lạp, ba thầy trò Socrates, Platon và Aristote đóng vai trò đặc biệt. Socrates không viết. Những điều ta biết về ông đều qua lời Platon. Vì thế, Platon đặc biệt quan trọng. Trong các lý thuyết về mỹ học và nghệ thuật, có thể nói Platon là khởi điểm đáng kể nhất.
1. Dụ ngôn Hang động và vũ trụ quan Platon
Triết học Platon có rất nhiều vấn đề, nhưng một trong những quan điểm liên quan mật thiết đến lý luận mỹ thuật là vũ trụ quan của ông, được thể hiện rõ trong dụ ngôn Hang động mà có lẽ ai cũng biết, nhưng xin nêu lại ý chính:
Hình dung loài người là một bầy tù nhân bị trói chặt trong một hang động, quay mặt vào vách đá ở đáy động. Vì bị trói chặt, đám người không thể ngoái nhìn ra cửa hang, cũng không thể đi ra ngoài hang. (Hệ thống dây trói này là gì, sau này có nhiều kiến giải. Nhưng chí ít chúng là những hạn chế của thể xác với hệ thống giác quan của nó. Ngoài ra còn những trói buộc về tư tưởng, phong tục tập quán v.v.)
Bên ngoài cửa hang là cả một thế giới. Thế giới này được Platon cho là chân, thiện, mỹ. Trong thế giới đó có vô số thứ hay ho, được Platon gọi là các Ideas, ta dịch là các ý tưởng. Theo Platon thì tất cả các Ideas đều tuyệt đẹp và vĩnh cửu, bất biến.
Thế giới bên trong và bên ngoài hang
Các vị thần là những sinh linh hay siêu nhân có thể ra ngoài thế giới tự do đó, và biết tất cả những ideas đó. Thương loài người bị cầm tù, các thần làm một số bản copy của một số ý tưởng đó để mang vào hang cho loài người xem. Những bản copy này có thể được coi như những con rối, hay búp bê, làm theo hình mẫu ngoài thế giới vĩnh hằng. Những con rối này được làm bằng các loại vật liệu nào đó, vì thế, chúng có tính vật chất, tính “thực” của chúng, nhưng đó là cái thực của con rối, khác với cái thực của hình mẫu lý tưởng. Từ một ý tưởng mẫu có thể làm ra muôn vàn con rối khác nhau, bằng những vật liệu khác nhau.
Tuy nhiên, do trong hang tối om, và quá nhiều người tù bị trói, nên muốn cho mọi người cùng xem các con rối, các thần làm một hệ thống chiếu phim, giống như hệ thống xem rối bóng hay projector của ta bây giờ. Họ làm một bức tường đằng sau các người bị cầm tù, đặt các con rối lên đó, rồi đốt một đống lửa đằng sau, để cho bóng của các con rối được hắt lên tường. Đống lửa này có thể coi như mặt trời mà ta biết. Nhờ ánh sáng của nó mà ta thấy được bóng của các con rối.
Theo cách hiểu phổ thông thì các con rối chính là những vật, những objects trong thế giới mà ta gọi là tự nhiên khách quan. Ta có thể đoán biết về sự tồn tại của chúng, nhưng vì chúng nằm ngược sáng nên ta không thể nhìn rõ chúng. Còn những thứ mà ta thấy chỉ là cái bóngcủa chúng mà thôi. Ví dụ như con ngựa ngoài tự nhiên chính là con búp bê ngựa mà các thần làm ra từ ý tưởng, hình mẫu là con ngựa vĩnh cửu. Nhưng cái mà ta cảm nhận được về con ngựa chỉ là cái ảnh của con rối ngựa đó khi được ánh sáng chiếu vào, và cái ảnh này chỉ là một phần của con ngựa ngoài tự nhiên. Và điều quan trọng nữa là bản thân những ảnh này rất khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, phụ thuộc vào điều kiện chủ quan của từng người. Có thể nói mỗi con ngựa chúng ta nhìn thấy là tổng hợp của 3 yếu tố: nguồn sáng, bản thân con ngựa ngoài tự nhiên và hệ thống giác quan, cảm nhận chủ quan của mỗi người.
Tới đây, ta có thể tóm tắt một hệ vũ trụ 3 bậc:
- Thế giới vĩnh hằng với các ideas chân thiện mỹ, vĩnh cửu, là mẫu mực của mọi sự vật trong tự nhiên
- Thế giới tự nhiên, vật chất với những con rối, objects được các thần copy từ các idea
- Thế giới của các cái bóng của những con rối, là hình ảnh về những sự vật khách quan theo cảm nhận chủ quan của con người
SOI: Cho bài tiếp theo:
- Từ mô hình cái hang này, Platon quan niệm thế nào về cái đẹp?
- Có mấy loại nghệ sĩ tương ứng với những loại người trong hang?
Mời các bạn đón xem bài thứ 2: Quan niệm về cái đẹp của Platon.
Soi hy vọng đây sẽ là một mục mới. Xin lưu ý, bạn nào không thích tranh luận hay học thêm về lý thuyết thì đừng vảo đọc nhé, đọc những mục khác thôi, tránh tình trạng quăng những cmt rất vô duyên về việc vì sao lại có những bài này  
Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang”, phần 1 
Hoàng Lan dịch
Mara Lea Brown (2005): Ẩn dụ Cái Hang của Plato. Mực trên giấy
Dụ ngôn về cái Hang nằm trong tập 7 của “The Republic” (Cộng hòa) – tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato. Đây là một đoạn đối thoại dài về bản chất của công lý. Trích đoạn dưới đây lấy từ bản dịch ra tiếng Anh của Benjamin Jowett (nhà xuất bản Vintage, 1991), trang 253 – 261.
Socrates: Và giờ – tôi nói – để tôi trưng ra một hình ảnh (cho thấy) bản chất của chúng ta là được khai sáng hay không được khai sáng tới đâu: Nhìn kìa! loài người sống trong một cái hang dưới lòng đất, miệng hang mở, hướng về phía ánh sáng và ánh sáng chiếu dọc theo hang; họ đã sống tại đây từ bé, chân cũng như đầu bị xích nên không thể cử động, và chỉ có thể nhìn ra phía trước mặt, vì xích ngăn không cho họ ngoái đầu. Ở trên cao và phía sau họ, phía xa xa, là một ngọn lửa bập bùng, giữa ngọn lửa và các tù nhân có một lối đi nhô lên, và anh sẽ thấy, nếu nhìn kỹ, có một bức tường thấp xây dọc theo lối đi ấy, giống như bức màn mà những người diễn rối vẫn có trước mặt họ, qua đó họ biểu diễn rối cho chúng ta xem.
Glaucon: Tôi thấy.
Socrates: Và anh có thấy – tôi nói – có những người đi dọc theo bức tường, đem theo đủ các loại bình, tượng cũng như hình thú vật làm từ gỗ, đá, và nhiều chất liệu khác, những hình ảnh này hiện ra bên kia bức tường? Một vài người đang trò chuyện, một số khác thì im lặng.
Glaucon: Anh đã cho tôi xem một hình ảnh kỳ lạ, và những tù nhân này cũng kỳ lạ.
Socrates: Giống chúng ta thôi – tôi đáp; và họ chỉ thấy bóng của chính mình, hoặc bóng của nhau, do ánh lửa hắt lên bức tường đối diện của cái hang?
Glaucon: Đúng thế – anh ta nói; làm sao họ có thể thấy cái gì khác ngoài những cái bóng nếu họ không bao giờ được phép quay đầu?
Socrates: Và những vật kia được mang vào theo cung cách để họ chỉ có thể thấy được như những cái bóng?
Glaucon: Đúng vậy – anh ta nói.
Socrates: Và nếu có thể nói chuyện với nhau, họ có tin rằng mình đang đặt tên cho các vật ở trước mặt mình?
Glaucon: Quả thế thật.
Socrates: Và giả định sâu hơn nữa, nếu trong nhà tù này có một âm dội đến từ bên kia bức tường, liệu họ có chắc chắn để không tưởng rằng, khi mấy người ở đằng sau nói chuyện, âm thanh mà họ nghe thấy là đến từ cái bóng đang chuyển động?
Glaucon: Chắc chắn là không rồi – anh ta trả lời.
Socrates: Đối với họ – tôi nói – sự thật, theo nghĩa đen, sẽ không là gì khác ngoài những cái bóng của các hình ảnh.
Glaucon: Đúng thế. 
[Socrates] And now, I said, let me show in a figure how far our nature is enlightened or unenlightened: –Behold! human beings living in a underground cave, which has a mouth open towards the light and reaching all along the cave; here they have been from their childhood, and have their legs and necks chained so that they cannot move, and can only see before them, being prevented by the chains from turning round their heads. Above and behind them a fire is blazing at a distance, and between the fire and the prisoners there is a raised way; and you will see, if you look, a low wall built along the way, like the screen which marionette players have in front of them, over which they show the puppets.
[Glaucon] I see.
[Socrates] And do you see, I said, men passing along the wall carrying all sorts of vessels, and statues and figures of animals made of wood and stone and various materials, which appear over the wall? Some of them are talking, others silent.
[Glaucon] You have shown me a strange image, and they are strange prisoners.
[Socrates] Like ourselves, I replied; and they see only their own shadows, or the shadows of one another, which the fire throws on the opposite wall of the cave?
[Glaucon] True, he said; how could they see anything but the shadows if they were never allowed to move their heads?
[Socrates] And of the objects which are being carried in like manner they would only see the shadows?
[Glaucon] Yes, he said.
[Socrates] And if they were able to converse with one another, would they not suppose that they were naming what was actually before them?
[Glaucon] Very true.
[Socrates] And suppose further that the prison had an echo which came from the other side, would they not be sure to fancy when one of the passers-by spoke that the voice which they heard came from the passing shadow?
[Glaucon] No question, he replied.
[Socrates] To them, I said, the truth would be literally nothing but the shadows of the images.
[Glaucon] That is certain.

Nguyên bản “Dụ ngôn về cái hang” – phần 2 
Hoàng Lan dịch
 SOI: Bạn nào đang theo dõi loạt bài của Phó Đức Tùng thì đừng bỏ qua những bài này nhé.
Cảnh trong một vở kịch về cái hang của Platon – Ảnh: Paolairun
Socrates: Và giờ hãy nhìn lại lần nữa, chứng kiến chuyện gì sẽ tự nhiên diễn ra tiếp nếu các tù nhân được thả và thôi không bị trừng phạt vì những lỗi lầm của mình. Đầu tiên, khi bất cứ ai trong số họ được giải phóng và bất thình lình bị thôi thúc phải đứng lên, ngoái cổ lại, và đi tới, nhìn về phía ánh sáng, anh ta sẽ phải chịu những cơn đau buốt; ánh sáng chói lóa sẽ làm anh ta khốn khổ, và anh ta sẽ không thể thấy thực tại của cái thứ mà hồi còn ở trạng thái cũ, anh đã thấy lúc nhìn những cái bóng; và rồi anh ta tưởng tượng có ai đó đang nói với anh, rằng những gì anh thấy trước đây chỉ là ảo ảnh, nhưng lúc này, khi đến gần hơn với hiện tồn, và mắt anh hướng đến một tồn tại cũng thực hơn, anh đã có một cái nhìn rõ hơn, – câu trả lời của anh ta sẽ là gì?
Và anh (Glaucon) có thể tưởng tượng xa thêm nữa: kẻ hướng dẫn cho người này chỉ vào các vật khi chúng lướt qua và yêu cầu anh ta gọi tên chúng, – Liệu anh ta không bị bối rối chứ? Liệu anh ta có không tưởng tượng rằng những cái bóng mình thấy trước kia là thực hơn những vật đang bày trước mặt bây giờ?
Glaucon: Thật hơn nhiều.
Socrates: Và nếu anh ta bị thôi thúc phải nhìn thẳng vào ánh sáng, liệu mắt của anh ta có bị đau, khiến anh ta phải quay mặt đi để chỉ thâu nhận những vật thuộc ảo tưởng mà mắt anh ta có thể thấy, cái ảo tưởng mà anh sẽ cho rằng thuộc một thực tại còn rõ ràng hơn những thứ người ta đang cho anh xem lúc này?
Glaucon: Đúng, giờ thì anh ta như vậy.
Socrates: Và giả định một lần nữa, rằng anh ta miễn cưỡng lết lên một con đường dốc ngược và gồ ghề, bám chắc cho đến lúc buộc phải diện kiến mặt trời, anh ta sẽ đau chứ? khó chịu chứ? Khi tiếp cận ánh sáng, mắt anh ta sẽ lóa, và anh ta sẽ không thể thấy bất kỳ cái gì mà giờ đây được gọi là thực tại.
Glaucon: Trong một lúc là hoàn toàn không – Glaucon nói.
Socrates: Anh ta đòi hỏi phải quen dần với khung cảnh của thế giới bên trên. Và thoạt tiên anh ta sẽ dễ thấy những cái bóng nhất, kế là hình phản chiếu của con người và những vật khác trong nước, rồi mới đến bản thân các vật; xong anh ta sẽ nhìn chằm chằm vào ánh sáng của mặt trăng, của các vì sao, và thiên đường dát vàng dát bạc, và hẳn anh ta sẽ thấy bầu trời và những vì sao vào buổi đêm dễ hơn là ngắm mặt trời và ánh sáng của mặt trời vào ban ngày?
Glaucon: Chắc chắn rồi.
Socrates: Cuối cùng hết, anh ta sẽ có thể nhìn thấy mặt trời, và không chỉ hình phản chiếu của mình trong nước, mà anh sẽ thấy mình tại một nơi xứng hợp với anh, chứ không phải một nơi nào khác; và anh ta sẽ tự ngẫm về bản thân như anh ta, là anh ta.
Glaucon: Chắn chắn thế.
Triển lãm “Cái gương của Platon” – Mischa Kuball, 2011, dựa trên dụ ngôn cái hang.
Socrates: Rồi anh ta bắt đầu tiến tới lập luận rằng chính anh ta đã tạo ra mùa màng và năm tháng, là người bảo hộ của tất cả những thứ thuộc về cái thế giới có thể nhìn thấy đây, và theo cách nào đó, là nguyên nhân của mọi vật mà anh ta và bè bạn của anh ta từng quen nhìn?
Glaucon: Rõ rồi – Glaucon nói – anh ta sẽ thấy mặt trời trước tiên, rồi mới lý sự về bản thân.
Socrates: Và khi nhớ lại nơi ở cũ của mình, và thứ thông thái của cái hang cũng như của các bạn tù, liệu anh (Glaucon) có cho rằng anh ta sẽ tự khen ngợi mình về sự thay đổi này, và thương hại những thứ kia?
Glaucon: Chắn chắn anh ta sẽ thế.
Socrates: Và nếu trong đám họ vẫn có thói quen suy tôn những ai nhanh nhẹn nhất trong việc quan sát những cái bóng lướt qua lại, trong việc bình xem cái bóng nào tới trước, bóng nào theo sau, bóng nào đi cùng nhau, và đó sẽ là người giỏi nhất, có thể rút ra các kết luận về tương lai; Anh (Glaucon) có nghĩ rằng anh ta có còn quan tâm tới các danh hiệu cũng như vinh quang đó, hoặc ghen tị với những ai đang sở hữu chúng? Liệu anh ta có nói theo Homer
Thà làm một đầy tớ nghèo của một ông chủ nghèo
và chịu đựng mọi thứ, còn hơn là suy nghĩ như đám bạn tù nghĩ và sống, theo cung cách họ?
Glaucon: Vâng – Glaucon nói – tôi nghĩ rằng anh ta thà phải chịu đựng bất kì chuyện gì còn hơn là nuôi dưỡng những quan niệm sai và sống theo cung cách khốn khổ này.
“Cái gương của Platon” 2011, tác phẩm sắp đặt tương tác của Mischa Kuball
[Socrates] And now look again, and see what will naturally follow if the prisoners are released and disabused of their error. At first, when any of them is liberated and compelled suddenly to stand up and turn his neck round and walk and look towards the light, he will suffer sharp pains; the glare will distress him, and he will be unable to see the realities of which in his former state he had seen the shadows; and then conceive some one saying to him, that what he saw before was an illusion, but that now, when he is approaching nearer to being and his eye is turned towards more real existence, he has a clearer vision, -what will be his reply? And you may further imagine that his instructor is pointing to the objects as they pass and requiring him to name them, -will he not be perplexed? Will he not fancy that the shadows which he formerly saw are truer than the objects which are now shown to him?
[Glaucon] Far truer.
[Socrates] And if he is compelled to look straight at the light, will he not have a pain in his eyes which will make him turn away to take and take in the objects of vision which he can see, and which he will conceive to be in reality clearer than the things which are now being shown to him?
[Glaucon] True, he now.
[Socrates] And suppose once more, that he is reluctantly dragged up a steep and rugged ascent, and held fast until he ‘s forced into the presence of the sun himself, is he not likely to be pained and irritated? When he approaches the light his eyes will be dazzled, and he will not be able to see anything at all of what are now called realities.
[Glaucon] Not all in a moment, he said.
[Socrates] He will require to grow accustomed to the sight of the upper world. And first he will see the shadows best, next the reflections of men and other objects in the water, and then the objects themselves; then he will gaze upon the light of the moon and the stars and the spangled heaven; and he will see the sky and the stars by night better than the sun or the light of the sun by day?
[Glaucon] Certainly.
[Socrates] Last of he will be able to see the sun, and not mere reflections of him in the water, but he will see him in his own proper place, and not in another; and he will contemplate him as he is.
[Glaucon] Certainly.
[Socrates] He will then proceed to argue that this is he who gives the season and the years, and is the guardian of all that is in the visible world, and in a certain way the cause of all things which he and his fellows have been accustomed to behold?
[Glaucon] Clearly, he said, he would first see the sun and then reason about him.
[Socrates] And when he remembered his old habitation, and the wisdom of the cave and his fellow-prisoners, do you not suppose that he would felicitate himself on the change, and pity them?
[Glaucon] Certainly, he would.
[Socrates] And if they were in the habit of conferring honors among themselves on those who were quickest to observe the passing shadows and to remark which of them went before, and which followed after, and which were together; and who were therefore best able to draw conclusions as to the future, do you think that he would care for such honors and glories, or envy the possessors of them? Would he not say with Homer,
Better to be the poor servant of a poor master,
and to endure anything, rather than think as they do and live after their manner?
[Glaucon] Yes, he said, I think that he would rather suffer anything than entertain these false notions and live in this miserable manner.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...