Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Gió đời hương đạo - Đóa hoa vô thường

Gió đời hương đạo - Đóa hoa vô thường
 Đóa Hoa Vô Thường
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG
Trịnh Công Sơn
1.
Tìm em tôi tìm
Mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn
Một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm
Một hồn giấy mới

Đóa Hoa Vô Thường có lẽ là một ca khúc khó “giải mã” nhất của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đóa hoa này có tên là Vô Thường, vì mang phận hoa nên phải chịu kiếp “sớm nở tối tàn” theo luật đổi thay của trời đất? Hay có thể là Đóa hoa bất hoại, vĩnh hằng, dù giữa vô thường vẫn không úa héo?
“Tìm em tôi tìm”, “Tìm em xa gần”, “Bỗng tôi thấy em”, “Tôi mời em về” … Những câu như thế này rất rõ để thấy được chủ để “tìm và gặp” trong tác phẩm. Em là ai? Một người con gái bình thường, thế tục? Hay một nàng thiếu nữ của đạo hóa thân? Xin được “dông dài” ở những phần sau.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ít dùng điển tích bằng tên người, tên địa danh như Lưu Nguyễn, Thiên Thai giống Văn Cao (Thiên thai), hay Quỳnh Như, Cô Tô giống Cung Tiến (Hương xưa). Hình ảnh thường được sử dụng nhiều hơn, như “tên mục đồng”, “con ngựa hồng” nói lên hai chí hướng khác nhau cùng xuất hiện trong một con người, v.v... Chiều sâu trong nhạc Trịnh quả tình làm khó, làm choáng những người ít đọc sách xưa , nhất là sách tâm linh, tôn giáo, triết học.
Ngay từ đoạn mở đầu của Đóa Hoa Vô Thường, hình ảnh “mình hạc xương mai”, chuyên chở ý Đạo, đã hiện lên vừa đẹp, vừa khó hiểu! Mai và hạc tương trưng cho điều gì?
“Mai” làm ta nhớ đến “Tiền đình tạc dạ nhất chi mai” (đêm qua sân trước một nhành mai) trong bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của thiền sư Mãn Giác.
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một cành mai

(Ngô Tất Tố dịch)

Cành mai này là một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian. Thiền sư đã đưa mắt nhìn tất cả các pháp sinh diệt, các pháp thế gian (xuân đi, hoa tàn, việc qua, tóc trắng) mà vẫn nhìn thấy một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian (cành mai với tính bất hoại). Sinh tử (xuân, hoa, việc, tóc trắng) và Niết Bàn (cành mai trên đất tâm bất hoại trước thời gian).
Trong Đóa Hoa Vô Thường, Trịnh Công Sơn có viết câu “Có tôi trong dáng em ngồi trước sân”, chắc là có ít nhiều ý tứ liên hệ đến bài thơ này.
Giờ đây, chúng ta cùng đến với “Hạc” của Tản Đà và Thôi Hộ.
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi .

(Tống Biệt - Tản Đà)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

(Lầu Hoàng Hạc - Thôi Hộ - Bản dịch của Tản Đà)
Cánh hạc, dù trắng hay vàng, vẫn thường là hình ảnh tải ý đạo rất hay. Hạc thường đi đôi với trăng và hoàng hôn. Hạc là hình ảnh của những ông tiên thoát tục, cưỡi hạc bay về chốn thanh cao, xa rời tục lụy thế gian.
Ba bài thơ vừa dẫn ở trên chỉ là một gợi ý, bạn đọc nào có hứng thú, muốn tìm hiểu sâu hơn, chỉ việc “gú gồ”, tài liệu có sẵn rất nhiều trên mạng.
Như vậy, hình ảnh “Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai” trong Đóa Hoa Vô Thường cho chúng ta thấy con đường tầm đạo của Trịnh. Đường tìm về với bản tâm, cội nguồn tâm thức trong trắng, thanh khiết như “cành hoa khôi”, sáng như “bờ giấy mới”, thơm như “bờ môi thơm” trong chính mình. Bởi khó tìm, nên “nụ cười” ấy rất “mong manh”, không dễ thấy. Có thấy được chăng, cũng “yếu đuối”, rất khó để duy trì sự bền vững, lâu dài.
2.
Tìm em tôi tìm
Nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng
Tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn
Ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông
Những dấu hài

Đoạn hai gồm tám câu bốn chữ. Bốn câu đầu xin được diễn Nôm như thế này: “Tôi đang và sẽ mãi đi tìm Em, luôn tự nhủ rằng dù đêm hay ngày cũng không bao giờ dừng lại cuộc hành trình tìm về lại sự tinh khôi, thuần khiết của Em, của cội nguồn tâm”.
Chữ “tinh khôi” trong câu này đã được dùng trong “cành hoa khôi” (cành hoa tinh khôi) ở đoạn một. Tính từ này đồng nghĩa với “hồn nhiên” trong “em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”. Có một lần Trịnh gọi cái hồn nhiên, cái tinh khôi cội nguồn này là “sự nguyên vẹn của tâm”. Bốn câu còn lại cũng rất hay, chim ngậm hạt sương và dấu hài trên sông, phần sau sẽ tiếp.
Một lần nữa, xin giới thiệu Độc Huyền của nhà thơ Phạm Thiên Thư, chuyên làm thơ về Đạo. Việc đăng nguyên bài thơ của một tác giả khác có thể hơi lan man, không tập trung vào chủ đề chính. Nhưng đây là một bài đặc biệt có nhiều điểm tương đồng với Trịnh khi gọi Tâm là Em, với “hình hài diễm lệ”, nên cũng xin được “bạo tay” vậy.
ĐỘC HUYỀN
(Phạm Thiên Thư)
Khép mắt - ta nhìn em
Thấy hình hài diễm lệ
Đứng trên ngàn sóng bể
Trấn át làn phong ba .
Tà áo trắng kiêu sa
Đôi mắt huyền như ngọc
Đôi môi thuyền độc mộc
Chở thơm khoang đào hoa
Mái tóc dài thướt tha
Cài đóa hồng tuệ nhật
Phải em - là sự thật
Từ một ngày rất xa .
Mở mắt - ta nhìn ra
Thấy em là nốt nhạc
Trên dây tình ngơ ngác
Em là một điểm âm
Em nạm vàng chữ Tâm
Trên nền đêm biêng biếc
Em là con cá diếc
Trong tim ta dòng sông.
Ẩn trong sợi tơ đồng
Ngân lên từng cung điệu
Năm ngón hồng kỳ diệu
Anh rung thành tiếng tim.
Mở mắt - ta nhìn thêm
Thấy chúng mình vô ngã
Thấy em xanh thảm mạ
Anh xoè cánh hạc bay .
Ta tình cờ ra đây
Cũng như là tất cả
Ơi! Dây tình kỳ lạ
Hội tròn một điểm ngân.

Trong Độc Huyền, chúng ta cùng rung động với những câu thơ nhẹ nhàng, yên ắng khi nói về Em chân lý. Em sự thật vốn trắng bạch như vỏ ốc, đẹp như một đóa hoa hồng dưới ánh sáng của mặt trời khi thoát khỏi mây. Em đã ở đó từ rất lâu rồi, tà áo trắng, đôi mắt, đôi môi huyền diệu, mái tóc thướt tha của Em, Một chữ tâm vàng.
Hay nói “quái” như thi sĩ Bùi Giáng:
Em ơi Em đẹp vô cùng
Vì Em có cái lạ lùng bên trong

Muốn thấy “em có cái lạ lùng” “từ ngàn xưa” này phải vượt qua được rào cản hay lớp sơn giả tạo của chữ nghĩa, ngôn từ.
Người nằm đó từ ngàn xưa vang bóng
Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần.

Khi thấy được Em thì đời sẽ “lẫy lừng”, “líu lo” như Trịnh đã tưng bừng với “Từ nay ta đã có nàng” trong đoạn tiếp theo của Đóa Hoa Vô Thường.
3.
Tìm chim trong đàn
Ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông
Những dấu hài

Tạm diễn bốn câu này như sau “Tìm cánh chim nào có ngậm hạt sương trong đàn chim đang bay. Tìm những dấu hài, dấu chân đã để lại của người xưa trên đường vượt qua bờ bên kia dòng sông tục lụy”.
Hạt sương vốn trong vắt trong veo, long lanh thuần tịnh, tinh khiết, thanh tao. Ai là người đã có hạt sương như ngọc này? Cánh chim nào có ngậm hạt sương đã từng bay qua trái đất này và đã dâng tặng cho nơi này ý nghĩa của hạt sương tuyệt vời này?
Ai biết chút ít thơ thiền đều nhớ câu thơ của Trần Nhân Tông “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (trong nhà có sẵn ngọc, không cần phải tìm kiếm ở đâu xa). Viên ngọc ấy có phải là một cách nói khác của hạt sương? Thánh nhân như Phật, như Chúa là những người đã “ngậm” viên ngọc này và đã chỉ ra rõ ràng rằng trong mỗi người chúng ta viên ngọc này đều có sẵn. Tiếc thay, không nhiều người biết để có thể “ngậm” như các ngài.
Có chuyện xưa kể rằng khi Thượng Đế sáng tạo ra loài người, biết loài người rất thông minh nên sau khi bàn bạc với thần thánh trên trời về chỗ cất dấu viên ngọc đó. Đỉnh núi cao nhất? Đáy biển sâu nhất? Tất cả những nơi này đều không phải là nơi an toàn bí mật, vì loài người vẫn có khả năng tìm được. Cuối cùng quyết định đặt viên ngọc ấy vào ngay trong tâm của con người. Và rất ít người tin vào sự kỳ diệu của viên ngọc đó, không tha thiết tìm cầu, nên điều thiêng liêng ý nghĩa nhất của kiếp sống trăm năm này đã dần dần bị mai một. Phải chăng đây là ý nghĩa của “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người”?
Chúng ta đều biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người mê sách. Ông đọc rất nhiều, có thể nói vui là biết nhiều đàn chim. Mỗi cuốn sách như một cánh chim mà Ông đã từng say sưa tìm trong đó hạt sương của chân lý, hạt sương của ánh sáng, tình yêu và sự thật. Những khúc Trịnh ca làm rung động biết bao trái tim cũng xuất phát từ một tâm hồn khát khao cháy bỏng với hạt sương, dấu hài.
Ai cũng đắng lòng khi đọc những dòng tâm sự: “Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu luôn một cõi đời tôi đã mất”.
Hai câu cuối có hình ảnh “dấu hài” và “dòng sông”. Dòng sông thì có bờ bên này, bờ bên kia. Tại sao từ dấu hài được dùng mà không phải là dấu chân? Thực ra, cả hai từ này vẫn có thể thay thế cho nhau được, nhưng dấu hài gợi rõ hình ảnh tiên phong đạo cốt hơn.
Chỉ có những ai thấy được con đường thực sự đi về bến giác, qua được bờ bên kia, mới có khả năng để lại dấu hài trên những lời kinh để “chiều em ra đứng hát kinh đầu sông” mà chúng ta sẽ nghe trong đoạn bảy.
4.
Tìm em xa gần
Ðất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng
Trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận
Chưa từng tuyệt vọng
Ðâu em

“Sương hồng”, “Chiều bạc mệnh”? Thử thêm chữ sáng vào để thành “sáng sương hồng”, “chiều bạc mệnh” xem sao. Nghe cũng tạm ổn. Thời gian một ngày? Thời gian một đời? Trong hữu hạn từ  tuổi trẻ bình minh đến tuổi già bóng xế? Rất chóng vánh, tạm bợ nhưng ta vẫn tìm em, dù ở đâu, “xa” hay “gần”. Ta biết khi ta gặp em là hiểu được sự tinh khôi “rộn ràng” của “đất trời”.
Em là ai? Em ở đâu? Có phải em là “cành hoa khôi” hiếm quý “trên non ngàn” xa thẳm, tựa đóa Linh Chi nở trên núi Tuyết Sơn ngàn năm một thuở? Hay núi non, rừng rậm trong trái tim ta? Ta biết chỗ của Em rồi đây: “dưới chân cội nguồn” (đoạn bốn)! Cội nguồn vốn như hư không trống rỗng, gốc của vạn pháp, dung chứa tất cả mọi “vô thường”. Dẫu sự sống có mất đi nhưng cội nguồn đó không bao giờ thay đổi. Cội nguồn đó, viên ngọc đó nằm chính giữa tâm ta.
“Trăng tàn nguyệt tận” là một cách nói khác của “sông cạn đá mòn” mà chúng ta đã gặp trong Lặng Lẽ Nơi Này, nhưng “trăng” gợi một ý nghĩa bền vững hơn, khó cạn, khó mòn hơn sông và đá. Bền vững như thế, khó tàn, khó tận như thế, mà ta vẫn đi tìm cho đến lúc trăng không còn nữa. Quả thật, nếu hiểu sâu hơn ý tứ sau mỗi chữ mỗi câu, ta càng rung động thêm với Trịnh.
“Chưa từng” có lẽ là từ dễ thương nhất. Dù đã xuất hiện một lần trong “tìm em chưa từng” ở đoạn hai, nhưng với đoạn ba này, “chưa từng” đi theo cùng “tuyệt vọng” làm tăng thêm sự rõ ràng trước đó chưa được rõ. “Chưa từng tuyệt vọng đâu em” về sau đã trở thành “tôi ơi đừng tuyệt vọng” vang nhẹ suốt với chúng ta trong những lúc thăng trầm.
5.
Tìm trong vô thường
Có đôi dòng kinh
Sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em
Dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về
Ðêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề
Thơm ngát hương trầm

Mấy câu này xin được dùng văn xuôi để diễn tả ý tứ như sau “Trong biến thiên không ngừng thay đổi của vạn pháp hữu vi gọi là vô thường, tôi đã thấy được những lời kinh vang lên tiếng vọng sấm sét của người xưa. Giữa những lời kinh đó, tôi đã bất ngờ rung cảm được một đôi dòng chỉ thẳng về phía cội nguồn: “trực chỉ chân tâm”. Tôi thấy em, tôi đã thấy tôi chân thật của chính mình. Tôi trân trọng đảnh lễ cái suối nguồn xưa tinh khôi ấy, như nước mưa cam lồ gội rửa bụi trần, làm trong mát tâm tôi giữa mùi hương trầm bốn phương thơm ngát”. 
Kinh như sấm! Ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ thanh thoát. Đơn giản là chuông thôi nhưng xao xuyến, rung động biết bao.
Hãy cảm nhận thêm bên cạnh âm thanh dịu nhẹ, chuông còn làm “giật mình” thức tỉnh qua hai câu thơ của Chu Mạnh Trinh đã viết.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng

Trong kinh Phật, lời kinh còn được ví như tiếng rống sư tử (lion’s roar). Khi chúa sơn lâm cất tiếng, mọi loại khác đều run sợ và quy phục. Khiêm tốn như chuông, mạnh cường như rống đã như vậy, nói chi tới độ rền vang của tiếng sấm mà Trịnh đã hát, đủ biết sức cảm đạo phấn khích, bay bổng như thế nào trong người nghệ sĩ này.
Đoạn bốn này vẫn còn nhiều từ hay như “gội”, gội rửa tâm cho trong (tĩnh tâm hay thanh tịnh tâm) mà sau này chúng ta nghe thoang thoảng trong câu “mười năm tắm gội, giật mình ôi chiếc lá thu phai”.
Cuối cùng, từ dịu nhất vẫn là “hương trầm”. “Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay” là một trong nhiều câu hát  thật xé lòng trong Ru Ta Ngậm Ngùi. Khó mà không ứa lệ khi nghĩ đến niềm hân hoan, ngây ngất xưa “em ngồi bốn bề, thơm ngát hương trầm” đã theo thời gian phai nhạt. Lồng lộng gió đời đã lấn át hương đạo ngát thơm.
Cùng ý với “hương trầm”, còn có “cành mai”, đôi khi cũng chịu chung số phận: “Hòn đá lăn trên đồi, hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai vàng, chim chóc hót tiếng qua đời” (Ngẫu nhiên).
Cành mai ngày xưa nở vàng bên tiếng chim trong trẻo, giữa trời đất rộn ràng, nay đã rụng cánh. Chim vẫn hót nhưng là tiếng hót qua đời. Nếu không cũng là “Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm”. Không còn là tiếng líu lo như xưa nữa.
6.
Trong vườn mưa tạnh
Tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội
Một đoá hoa quỳnh

Biến động của cuộc đời có lẽ là ý nghĩa gần nhất của mưa, như “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động” (Diễm xưa). “Vườn mưa tạnh” là sự yên tĩnh của vườn tâm. Ai có đọc Tagore không thể không nhớ “Người làm vườn” (Gardener) rất hay của nhà thơ nổi tiếng này. Trịnh Công Sơn cũng có Vườn Xưa nói lên tâm trạng cô đơn của mình khi nhớ đến khu vườn đã từng có “nhạc”, có “trăng”, có “hoa quỳnh” thơm ngát mùi “hương trầm” mà ta đang gặp ở đây.
Khi mưa đời đã tạnh thì theo sau là “tiếng nhạc hân hoan”, cung đàn của đạo. Lời kinh vang lên như tiếng chim hót tươi vui, như nhạc trời thanh tao, trong suốt.
Đó là lúc ta “có tình”, “có người”. Lòng tựa đứa bé hồn nhiên, reo vui khi nhận quà từ tay mẹ. Nét thơ ngây này nếu để diễn tả tình yêu nam nữ thì khó chấp nhận được. Cùng nghe trước đoạn sáu.
Từ nay tôi đã có người 
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình 
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa

“Một đóa hoa quỳnh” giữa “Trăng vàng khai hội” xin được nói thêm sau.
7.
Trăng vàng khai hội
Một đoá hoa quỳnh
Một bức tranh thật đẹp! Hoa quỳnh, hoa chung thủy, hoa của tình yêu đầu tiên và duy nhất. Loài hoa chỉ nở về đêm giữa mộng mị chìm đắm của nhân gian. Diễm kiều, lộng lẫy như nữ hoàng nhưng rất khiêm nhường, kín đáo. Hương thơm quý phái chỉ dành cho mặc khách, tao nhân.

Sau này, qua những ca khúc của Trịnh, ngoài Quỳnh Hương ra, ta cũng gặp thêm nhiều loại hoa khác như Mai, Tường Vi v.v… Hoa của Trịnh luôn luôn sáng lên một cái gì đó rất thánh thiện, cao cả. Nhạc của Ông được gọi là “kinh tình yêu” vì bên cạnh tình yêu nam nữ, còn có hương vị tình yêu của kinh, tình yêu của đạo. Cùng đọc lại mấy câu này:
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa

(Đêm thấy ta là thác đổ)
Chợt nhớ một người con gái xa xưa, đã từng say đắm một thời, nhưng phố nọ vườn xưa đã phai mờ trong trí ? Hay chợt nhớ những lời kinh xưa từng tìm, từng gặp nhưng giờ đây đã lãng quên? Từng câu nhẹ nhàng như thế thôi nhưng càng hát càng cứa vào lòng ta thật xoáy nhức. Hay bốn câu khác.
Em đến nơi này bao điều chưa nói
Lặng lẽ chia xa sao lòng quá vội
Một cõi bao la ta về ngậm ngùi
Em cười đâu đó đông vui

(Hoa vàng mấy độ)
Một tình yêu mới quen, chưa hiểu nhau nhiều sao đã chia xa, mà lại xa chia vội vàng, lặng lẽ ? Hay một tình yêu dành cho chân lý, mới hân hoan như khai hội ngày nào, còn nhiều điều để hiểu, để đi thêm, nhưng lại nửa chừng chóng buông, vội bỏ? Nụ cười như hoa ánh sáng của mặt trời vẫn chiếu sáng giữa chốn đông vui nhưng ta lại quay lưng hững hờ, để lúc nào cũng thốt lời ngậm ngùi giữa cõi bao la?
Rất nhiều những hình ảnh có sự đan quyện giữa hai màu sắc đạo đời thế này đã làm cho dòng nhạc Trịnh trở nên bất tử.
Mượn những bức tranh tối, buồn ở trên để cảm nhận sự thanh thoát của hoa quỳnh, tương phản, nổi bật dưới ánh trăng vàng lung linh ngày khai hội.
8.
Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân

Sự hồn nhiên, trong sáng của tiết tấu, giai điệu lẫn ca từ nổi lên rất rõ trong đoạn sáu này. “Có” lặp đi lặp lại như nỗi vui mừng của một người gặp được của quí sau thời gian miệt mài tìm kiếm. “Có người” là có những dòng kinh hướng đạo cho mình thấy bản chất thực của kiếp sống phù du, người đó có tên là Trí tuệ. “Có tình” là có thêm được một trái tim bác ái, bao dung, yêu thương mọi loài, tình đó có tên gọi là Từ bi. Trí tuệ và Từ bi ấy còn được gọi là “Em”, là Tâm, là Đạo.
“Em đi đứng líu lo bên đời” luôn luôn cho tôi sự thăng hoa, không phải như em tình yêu đôi lứa, cũng rất đáng yêu nhưng thường mang theo mưa nắng khó lường.
“Em yêu dấu lẫy lừng nói thưa” mãi mãi cho tôi những lời tỉnh thức, không giống như em tình yêu nam nữ, dễ làm rơi lệ buồn trên giọt máu cuồng điên.
Những chữ hay nhất ở đây là “trước sân”. Chúng ta chắc vẫn còn nhớ câu thơ “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai” của thiền sư Mãn Giác, đã được giới thiệu trong phần đầu. “Em ngồi trước sân” là cách nói gọn của “cành mai sân trước”.
Xin được trích lại một phần: “Cành mai này là một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian. Sự có mặt của cành mai này vượt qua sự tàn phá của thời gian. Thiền Sư đã đưa mắt nhìn tất cả các pháp sinh diệt, các pháp thế gian (xuân đi, hoa tàn, việc qua, tóc trắng) mà vẫn nhìn thấy một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian (cành mai với tính bất hoại)”
Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra ý tứ của Trịnh: “Trong tôi và bất cứ ai cũng có một Em cành mai. Em này có khả năng đắp thêm sự tươi mát, bồi thêm sự phong phú trong cách nhìn, cách cảm nhận về cuộc đời”. Đừng để “Rụng cánh hoa mai vàng, chim chóc hót tiếng qua đời” (Ngẫu nhiên).
9.
Mùa đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành

Sáu đoạn đầu của Đóa Hoa Vô Thường, chúng ta thấy Nhạc sĩ ghi chú trên bài: Tìm tình Nhịp thong dong, Đưa tình về Nhịp hớn hở, Thanh thoảng, Bình an. Giai điệu dù có chuyển trên nhiều điệu thức trưởng (major) khác nhau nhưng chất tươi sáng của yên bình, hân hoan vẫn đậm. Đến đoạn bảy thì điệu thức chuyển qua thứ (minor), hát tự do, nghe buồn vì đây là một đoạn hồi tưởng về những ngày xưa còn bơ vơ trong mùa Đông lạnh.
Mùa Đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông

Ngày ấy chỉ có nỗi buồn. Mỗi ngày bên dòng sông, nhìn dòng chảy vô thường của cuộc đời, nhìn dòng sông tâm thức, “đứng hát”, đứng gẫm suy, nhưng vẫn mù tắc, chưa rạng tỏ lối đi.
Đóa Hoa Vô Thường được Trịnh viết năm 1972. Sau Mậu Thân 1968, quê hương Việt mình đầy những xác người, nhiều nhất là Huế. Vào thời điểm bi thương ấy, chứng kiến bao điêu tàn phi lý của chiến tranh, nghe kể Trịnh khủng hoảng nặng. Có thể nói đây cũng là một “mùa Đông” rất băng lạnh trong cuộc đời Ông. Nhưng rồi Đông cũng qua, con nước đến.
Tàn Đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành

“Con nước kéo lên” sau buổi “tàn đông” ấy là một sự chuyển hóa bùng vỡ cực mạnh trong cách nhìn của Trịnh về đời, về đạo. “Chút tình mới chớm” là sự khởi đầu cho những tác phẩm hay sau này. Hầu như bài nào cũng ánh lên một phần sự “viên thành” của một trái tim thanh lương, đầy tình thương và hiểu biết.
10.
Từ nay anh đã có nàng
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái - ân.

“Từ nay tôi đã có người”, “từ nay tôi đã có tình”, rồi bây giờ “từ nay anh đã có nàng”, càng lúc càng tăng lên độ nâng niu, trìu mến. Những câu hỏi tha thiết “Nàng ở nơi đâu?”, “Em ở phương nào?” cất lên đã nhận được câu trả lời. “Sự thật ở đâu?” đã được “núi sông đền đáp”.
“Tiếng ca” vang lên rộn rã khi gặp được những “dấu hài bên sông” khiến trời đất cũng “rộn ràng”. Sự trong trẻo của “Cái thuở ban đầu ngây ngất ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (thơ Thế Lữ, xin sửa “lưu luyến” thành “ngây ngất”) thật quá đẹp trong đôi mắt của người thấy được ánh sáng tràn vào khi cửa mở toang. “Chút tình mới chớm đã viên thành” trong đoạn trước chắc ý không khác nhiều so với “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”?
Sau này, trong Dấu Chân Địa Đàng, tiếng ca này đã được Trịnh nói cách khác “Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió, từ vào trong đá xưa” và cũng ở bài hát này, tiếng ca ấy đã nhuốm màu tiếc nuối, nhạt phai.
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền…
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng…
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi…
Lời ca đau trên cao.

Nhưng từ vui và hay của đoạn này là “ái ân”, dễ “đánh lừa” thiên hạ. Có con chim hót tên là tình yêu, hay yêu thương gì đó thì bình thường.
Cũng tựa như Bùi Giáng, đùa cợt, ngông ngông với “cái lạ lùng”, “ái ân” có lẽ là lối dùng chữ điệu nghệ của Trịnh Công Sơn. Thường thì từ này gợi lên chút gì đó hơi hẹp hẹp, nhưng nếu hiểu “ái” là lòng từ, tình thương, tình nhân ái và “ân” là ân tình, ân nghĩa, ân đức thì đây quả là một từ hay vì nghĩa khá rộng.
Cánh chim mang tên “ái ân” nặng tình thương đời, thương người vẫn đang hót lên những âm điệu mùa xuân trên những “mái nhà” cần được thương yêu.
11.
Sen hồng một nụ
Em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau
Có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao
Ðến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ
Em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình

Trong đoạn chín này của Đóa Hoa Vô Thường, từ cành mai ngồi sân trước đến đóa quỳnh giữa trăng rằm khai hội, ý đạo đã “lộ nguyên hình” qua dáng vẻ của “sen hồng”, một hình ảnh quá quen trong kinh Phật.
Hai hình ảnh “sen” và “em” là hai cái tôi trong một con người, “tôi sen” và “tôi bùn”, tuy hai mà một, dung chứa lẫn nhau, hòa quyện với nhau. Hay rõ ràng hơn là “tôi trên cao” và “tôi dưới thấp”. “Tôi sen” trên cao ví như dòng sông trong veo và “tôi bùn” bên dưới đầy tạp nhiễm. Hãy cùng nghe lại vài câu trong Cũng Sẽ Chìm Trôi.
Nhật nguyệt (í a) trên cao
Ta ngồi (ôi à) dưới thấp
Một dòng (í a) trong veo
Sao lòng (ôi à) còn đục

Cũng có thể nói “tôi sen trên cao trong veo” và “tôi bùn dưới thấp ngầu đục” cùng song song tồn tại trong một tâm hồn, cùng “Có vui cùng sầu” trong sáng tối, cùng hiện diện bên nhau  “Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào”.
Đoạn thơ nhạc đang thơ thới, nhẹ nhàng như thế đột nhiên đổi màu ở hai câu cuối. Thật khó hiểu!
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình

Từ “sen hồng”, “em hồng” chuyển qua “sen buồn”, “em buồn” là một ý lạ. Tại sao sen hồng lại trở nên buồn? Sen buồn vì sự có mặt của mình không được để ý đến? Sen một nụ ngát thơm nhưng không có người chăm sóc, đẹp như thế nhưng chỉ nhận được sự hờ hững, thờ ơ? Rồi tại sao em buồn? Em buồn vì em muốn đi về phía nhân gian để “đền trọn mối tình” cho nơi ấy, nơi dù có những hương hoa ngào ngạt nhưng cũng lắm xót xa. Em biết em sẽ buồn vì xa sen nhưng “đường trần đâu có gì” phía xa xa ấy vẫn đưa tay mời gọi. Em phải “trả nợ người” thôi.
Chính cái “em buồn” này là nỗi ưu tư đầy khắc khoải của Trịnh, là niềm riêng sâu kín “tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta”. Ông chỉ im lặng, cô độc trải dài những điều ấy trên suốt những bài hát của mình, lấy tiếng hát vừa u trầm với đạo, vừa rạo rực với đời để mang đến sự xoa dịu cho cuộc sống vốn buồn nhiều hơn vui này.
12.
Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà.

Hát câu “Một chiều em đứng cuối sông” mở đầu cho đoạn mười này, không thể không nhớ “Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông” trong đoạn bảy, lúc đón kinh vào đời sau “mùa Đông” buồn. Bây giờ, cũng dòng sông ấy, không phải “đầu sông” mà là “cuối sông”, em lại đứng nhưng lần này là “mùa thu” với gió ân cần, nhờ gió “chở lời kinh đến núi non” cùng những lời tình tự của em như một lời trối cuối.
Lời trối trăng là gì? “Khi nào tình yêu với trần gian đã qua, đã cạn, em sẽ quay về quê nhà. Em biết chốn trần gian ấy có xót xa nhưng đẹp lắm, nào là tình yêu của những người con gái thật dễ thương, nào là tình bạn, tình người nồng ấm. Khi nào “ngựa hồng mỏi vó”, em sẽ rời “gót hồng” ấy để trở về mái nhà xưa thanh bình một thuở.”
Ở đoạn nhạc này, nhạc sĩ có ghi chú: “Con sóng bể dâu đã đưa tình về quê quán cũ”. Sau này, dù vẫn chưa về vì “sóng bể dâu” chưa qua, nhưng dễ dàng cảm nhận hạnh phúc của Ông khi biết rằng mình lúc nào cũng có một quê hương bên trong sâu lặng. Quê hương ấy đã trở thành một nơi nương tựa vững vàng trong cuộc đời sau những lần “gối mỏi chân chùng”.
Câu hát “Chở lời kinh đến núi non” trong làn gió thu ân cần nghe quá dễ thương. Hai chữ “ân cần” toát ra một cái gì thật gần gũi, thân thiết của một tình thương chân thật.
Hình ảnh núi xa xa sau này cũng trở lại nhiều lần: “Cuồng phong cánh mỏi, về bên núi đợi” (Chiếc là thu phai) hay “Núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm, chân ta rộn ràng” (Giọt lệ thiên thu). Ước mơ làm cánh vạc bay về núi luôn luôn thao thức trên những bước chân giang hồ phiêu lãng.
Đoạn cuối cũng “Một thời yêu dấu đã qua, gót hồng em muốn quay về” thì bình thường. Nhưng câu “Dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà”, nghe kỹ sẽ thấy hơi kỳ kỳ.
Nếu “dù trần gian có gấm hoa,…” hay gì gì đó tươi đẹp, thì hợp với “cùng đành (phải) về với quê nhà”. Nhưng tại sao ở đây lại là “xót xa”? Xót xa, đau khổ, phù phiếm, giả tạm thì phải chia tay, cần gì phải “đành” miễn cưỡng.
Phải chăng “Trần gian có xót xa” là “quê hương” có “những đời bão tố, nhọc nhằn trong nắng mưa” ta đã yêu và đã từng sẻ chia tình yêu của ta nơi ấy (Cánh chim cô đơn)?
Những tiếng nói yêu thương dành cho “trần gian” như vậy là đủ rồi, dừng được rồi. Ta phải “rời gót hồng” để “về với quê nhà” thôi.
13.
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Ðã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hý vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê
Ðể thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa
Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Ðợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đoá hoa vô thường.

Sáu khổ thơ cuối cùng của Đóa Hoa Vô Thường âm hưởng thật bi tráng. Một cánh chim đại bàng vừa rời tổ ấm vút lên bay lượn giữa trời cao, mang theo bên cánh nỗi buồn ly hương nặng trĩu.
Quê hương của Trịnh không giống như quê hương của những người khác, nhưng tâm trạng ly hương thì ai cũng trùng trùng nỗi nhớ như nhau. Chúng ta cùng nghe lại Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy và Hòn Vọng Phu của Lê Thương để đồng cảm thêm tâm sự bịn rịn trên bước chân tang bồng, hay “tình đi người ở lại” như Trịnh đã nói “Một chuyến xe tựa như, vừa đến nơi chia lìa”.
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường

(Phạm Duy - Thuyền Viễn Xứ)
Đuờng chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi…
Dấn buớc tang bồng giữa nơi núi rừng
Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san
Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan tiễn đưa bóng chàng

(Lê Thương - Hòn Vọng Phu)
Để rồi “từ đó”… “ta nằm đau”, “ta nằm nghe”, “ta là đêm” v.v… Lời kinh xưa nổi lên lồng lộng trong vườn mỗi đêm khuya, tiếng chuông gọi về tịch lặng của núi non không ngừng ngân vang, hòa theo vó ngựa phiêu linh giữa đất trời nhân gian vọng suốt. Nhiều khi thấy mình sẽ mãi mãi vĩnh biệt quê nhà dấu yêu, không bao giờ trở lại, tựa Kinh Kha cảm thán thốt lên bên bờ sông Dịch trước lúc qua Tần.
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản

(Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không trở về)

Phần này xem như vài lời dẫn nhập cho hai đoạn cuối mười một và mười hai. Khúc bi tráng, trầm hùng, và cũng là khúc nhạc hay nhất của Đóa Hoa Vô Thường mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ.
14.
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Ðã thoáng qua đời ta

Từ khi biết “hát kinh”, ta biết cách nhìn đời, có “tuệ nhãn” hiểu thực chất của những gì đến và đi qua trong đời sống này chỉ là tạm bợ, như khói, như mây. Vạn pháp, không chỉ riêng tình yêu, đều phải như vậy. Dòng sông chảy trôi bất tận, “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” như ai đó đã nói.
Trên bài hát, Trịnh viết “Tình do tâm ta mà sinh”. “Vườn” là “tâm”, “áo xưa” là “tình”. Tình ví như mây, mỗi chút tình là một chút mây. Mây không bền vững nên phù du, tồn tại một thoáng thôi rồi biến. Biết vậy, nhưng chiếc áo xưa này có hấp lực rất mạnh, trời chiều mênh mông như thế mà đôi lúc còn bị xô dạt một bên.
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều

Cứ nghe Tình Nhớ là ta có thể cảm nhận được rất rõ sức mạnh này. Dẫu chỉ là “Một chút mây phu du” thoáng qua nhưng muốn quên không dễ. Biết chỉ một bóng hình đi qua giống như “sóng xa” sẽ đưa về quên lãng, nhưng vẫn còn đó, không chỉ “rộn ràng” mà còn “quá bao la”.
“Vườn” cũng là một hình ảnh hay khi nói về không gian của tâm thức. Trong không gian này, suy nghĩ, tình cảm như hoa lá cỏ cây, lúc xanh lúc vàng, khi héo khi tươi, theo mưa theo nắng. Cùng nhớ lại vài câu có “vườn” trong tác phẩm Vườn Xưa.
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Vườn mưa xuống hành lang tối tăm
Chào chiếc lá nằm giữa vườn hoang

“Vườn khuya” trong đoạn mười một này là tâm trạng những đêm khuya thanh vắng nghĩ về quá khứ, ngập đầy những chiếc áo màu sắc khác nhau. Tình yêu vương vấn với bóng hồng luôn luôn là “áo xưa” đẹp nhất và buồn nhất. Có lần ta nghe Trịnh nói “Kỷ niệm nào cũng đẹp nhưng vẫn cứ phải lãng quên”, cũng như từng hát “Tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng”. Lý trí thì nói vậy nhưng tình cảm có khi chẳng chịu chiều theo!.
15.
Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hý vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia

Trong đoạn này, tính kịch cao nổi lên rõ ràng nhờ âm thanh của “chuông não nề” và “ngựa hý vang”. Một tiếng nhu trầm, một tiếng cương mãnh. Một kịch tính bí mật giữa đạo và đời đang xảy ra “trong hồn ta”, giống như sự đối kháng của hai luồng nội công thâm hậu. Một bên biến ảo trùm khắp như “Vô tướng thần công”, một bên uy lực như “Giáng long thập bát chưởng”. Đôi khi hỗ tương cho nhau, đôi khi kinh mạch đảo lộn.
Tiếng chuông ở đây cũng là tiếng hát đã nói đến trong bài mười hai. Xin được trích lại vài dòng.
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền…
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi…
Lời ca đau trên cao…

Tiếng chuông, tiếng ca này là tiếng kinh một thời đã hát và cũng đã được gởi về núi non, mong hẹn ngày gặp lại phút cuối đời, để “nở hết trong hoàng hôn” như sẽ gặp ở đoạn mười hai. Cũng nhờ tiếng chuông này mà ngựa hồng tăng thêm lòng yêu đời, yêu người trong những ngày nhân gian gió bụi. Và cũng chính nó đôi khi rung lên làm cho ta cảm thấy mình “ngốc dại”, lạc lõng, bơ vơ “tựa bé không nhà” những khi mỏi mệt giữa mưa nắng phù vân.
“Ngựa hý vang rừng xa”? Hình ảnh ngựa, không phải ngựa chiến hay ngựa hoang, mà là ngựa nghệ sĩ, ngựa tâm linh độc đáo chỉ của riêng mình đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thích và sử dụng rất nhiều trong âm nhạc lẫn hội họa.
Đôi khi được đặt cạnh “mục đồng” để rõ ý đạo đời hai hướng như trong Chỉ Có Ta Trong Một Đời.
Đời vẽ tôi tên mục đồng
Đời vẽ tôi tên ngựa hồng
Từ đó tôi lên đường phiêu linh

Đôi khi chán nản vì gối mỏi chân chùng như trong Dấu Chân Địa Đàng: “Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần” hay “Ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương” trong Xin Mặt Trời Ngủ Yên.
Tiếng “Ngựa hý vang rừng xa, vọng suốt đất trời kia” ngày một xa dần quê cũ, như trong Phúc Âm Buồn: “Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi”.
16.
Từ đó ta ngồi mê
Ðể thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa

Mê là gì nhỉ? Là vô minh, không thấy ánh sáng? Là không thấy rõ đâu là bến bờ thực sự cho chuyến xe cuộc đời? Là không tỉnh thức để định hướng đi cho trăm năm hữu hạn? Có phải đường ta chọn là đường lạc về phía vực thẳm, cuối đường ta sẽ cất lời tuyệt vọng trước khi rơi xuống vực sâu?
Thật sự khi hát lên những dòng này, chúng ta sẽ cảm nhận được một Trịnh “rất sáng, không mê” ở đây. Vì kẻ “mê” không bao giờ biết mình đang “muội”, như một câu kinh Phật: “Kẻ mê biết mình mê, mới là người có trí, kẻ mê tưởng mình trí, mới thực sự là mê”.
Thế nào là mê? Bài Một Cõi Đi Về có thể giải đáp câu hỏi này. Con đường mê là con “đường chạy vòng quanh” dẫn đến khổ, “tiều tụy”, “mỏi mệt”. Con đường sáng như “hai vầng nhật nguyệt” dẫn đến vui, an lạc, tự tại ung dung. Rồi thế nào là khổ, thế nào là vui? Cứ hỏi, cứ nghe Trịnh, cứ nghe chính tiếng nói nội tâm mình, chắc không khó để tìm một lời giải đáp.
Ngoài hình ảnh của ngựa hý vọng suốt đất trời kia và tiếng chuông vang mãi đất trời này,  chúng ta cũng gặp lại một hình ảnh quen thuộc khác là con đường và chuyến xe. Đường xa? Đường nào đây, đường đi hay đường về?
Một đằng là chuyến xe trên đường xa về phía bụi hồng nhập thế. Một đằng là chuyến xe trở về quê cũ trong lành thoát khói nhân gian. Thế mà….
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại, vô thường nhớ em
Em đi bỏ lại dậm trường
Ngàn dâu cố quận, muôn trùng nhớ thêm

(Em đi bỏ lại con đường)
Đường dẫn đến bờ xa chỉ có cỏ dại vô thường, con đường ấy rất nhớ ta. Đường về “ngàn dâu cố quận” ta cũng muôn trùng nhớ. Bỏ mặc đường nào? Có những lúc ta cảm nhận được hai xung lực này giày xéo Trịnh. Bỏ. Bỏ. Bỏ hết! Mặc kệ, đường nào cũng kệ, như từng “Thôi kệ” thật khoan dung, độ lượng với nơi ông từng thấy mình chỉ là “cỏ xót xa đưa”.
Bỏ mặc hư vô, bỏ ngậm ngùi
Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người

Rồi trên chuyến xe đời nơi xa xăm ấy, có tiếng nói nào đây mà mỗi đêm thấy mình như “thác đổ”?
Chiều nay em ra phố về  

Thấy đời mình là những chuyến xe
Còn đây âm vang não nề  

Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ.
(Nghe những tàn phai)
“Âm vang não nề”? Có phải là âm vang của tiếng chuông não nề trong Đóa Hoa Vô Thường đã ngân lên từ độ ấy?
17.
Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu

Vừa mới “ta ngồi mê”, giờ là “ta nằm đau”. Tư thế khác, biểu hiện khác, nhưng vẫn là “tâm bệnh”. Trịnh Công Sơn là tên của “bệnh nhân”, “bác sĩ” đang chẩn đoán tên là Sơn Trịnh. Cả hai đã ra đi. Chúng ta đang lật lại “hồ sơ bệnh án” để hiểu thêm chứng “bệnh lạ” của ”dị nhân”này, xưa từng đến thăm trái đất đáng yêu một thời không lâu.
“Ôi núi cũng như đèo”? “Núi” là hình ảnh của lý tưởng, khát vọng, của hoài bão, ước mơ. “Đèo” là con đường dẫn đến núi.
Đường lên núi vẫn lộng gió trắng mây nhưng có một người đã già rồi, tóc chiều rồi, vẫn còn quên ngủ. Giờ nằm đau đây chỉ biết than ôi.
Núi là nơi cho ta hát được lời kinh, nhìn được ánh sáng, và  lời kinh cũng đã được chở về gởi đó. Lúc nào lòng ta cũng hướng về đỉnh núi “địa đàng” cuối trời mờ xa ấy.
“Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoang trời vắng chân mây địa đàng”

(Xin mặt trời ngủ yên)
Đóa Hoa Vô Thường như một dự phóng cho định mệnh, một bản đồ cho sự chọn lựa về số phận. Cuộc đời Trịnh đã nói lên dự phóng, chọn lựa ấy. Một trái tim tươi đỏ, ca hát yêu đời hòa với giọt lệ khô buồn bên những mũi tên cắm lên rướm máu. Số phận bi hùng của một cánh chim trời sống xa đàn, cô độc.
Như là chim xa đàn
Giấu nỗi buồn trong cánh
Hẹn hò với giấc mơ

(Cánh chim cô đơn)
Núi ơi! Hãy chờ ta nhé! khi nào ”cuồng phong cánh mỏi” ta sẽ “về bên núi đợi” (Chiếc lá thu phai)
Hẹn thì hẹn thế, nhưng đôi khi Ông thấy mình như người đã phụ rẫy một tình yêu lớn bao la, may mắn lắm mới gặp được trong đời. “Nhiều đêm muốn quay về” nhưng nhiều đêm cũng thấy đường về núi kia chắc “là một đường không bến bờ” (Lời thiên thu gọi).
Khi cảm nhận được tâm sự trùng trùng này ta sẽ hiểu thêm những lời Trịnh nói như “một cõi đời tôi đã mất”. Ông vừa thấy mình là “kẻ chiến thắng”, vừa là “kẻ chiến bại”. Vui khi sống được với lý tưởng mình đã chọn: “Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi” (chiến thắng). Nhưng cũng buồn vì không hoàn toàn tìm lại được “cõi tịch lặng vô ngôn“ như vẫn từng mơ ước. Hay nói theo Nguyễn Du trong Kiều là chưa thấy được “sương tan đầu ngỏ, vén mây cuối trời”(chiến bại).

Có lẽ “Từng phút cao giờ sâu” là câu lạ nhất ở đoạn này. Có hai cách hiểu nhưng cũng gần giống nhau.
Ở đây, hai trục thời gian và không gian được mở ra bằng những từ ngữ dung dị. Cách thứ nhất, tình yêu núi yêu đèo ấy lúc này lúc kia, trước kia thăng cao, bây giờ giáng sâu, xuống thấp. Cách thứ hai là tình yêu chân lý trước đây đã từng lên cao nhưng chỉ lên ngắn ngủi như phút, bây giờ sâu xuống thì xuống nhiều gấp sáu mươi lần.
Và tình yêu tưởng nguyên vẹn, bền vững ấy cũng phải bị chi phối bởi luật vô thường, nhưng dễ thương  là chỉ “một chút” thôi. Yên tâm đi, có thay đổi, nhưng không sao. Trước sau gì cũng về mà. Hãy đợi đấy!.
18.
Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Ðợi gió vô thường lên

“Từ đó hoa là em”? Hoa trở thành Em, hóa thân của Đạo. Hoa đó vẫn hiện hữu trong tâm của mỗi con người, thường được gọi là Phật tính (Buddha nature) hay bản chất Thượng đế (God nature) như ta vẫn thường nghe trong kinh Phật hay kinh Thánh: “Phật tại Tâm”, “Chúa ở cùng anh chị em”. Hoa cũng là hình ảnh của những bậc chân nhân, thánh hiền với trí tuệ và đức hạnh tỏa  hương thơm ngược gió. Cùng đọc thêm một câu kinh Phật:
"Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời”

(Pháp cú 54)
“Một sớm kia rất hồng”? Với màu hồng, rất dễ nhận ra đây là màu của đóa hoa sen, đã chớm nụ từ “một sớm kia”. Hoa “sen hồng một độ” ngày nào từng làm ta ngất ngây, tươi tắn: “Em hồng một thuở xuân xanh”. Ta đã “Chở lời kinh đến núi non”, gởi gắm tâm tình của ta với hoa nơi xa xăm ấy, hy vọng ngày không xa sẽ “nở hết trong hoàng hôn”. Ta sẽ tận hưởng hương vị ngọt ngào tinh khôi này sau khi “trả nợ” cho thế nhân trái tim ta đã vay từ ngàn năm trước. Ta sẽ ung dung, thanh thản với mây trời để “đợi gió vô thường lên”, kết thúc những ngày tháng rong chơi nơi hành tinh này.
Cách nói “từ đó hoa là em” (hay em là hoa) sau này chúng ta cũng thấy lại trong Nguyệt Ca: “Từ khi trăng là nguyệt”. Trong Nguyệt Ca, hoa đã hóa thành trăng. Ánh sáng trăng rằm và hương thơm hoa sen cũng đều là biểu tượng của chân lý, của đạo.
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời

Hay
Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời.

19.
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đoá hoa vô thường

 Đóa Hoa Vô Thường
Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung
Trong đoạn cuối cùng này, hai hình ảnh đẹp, sương rơi buổi sáng và hoa nở về đêm. “Sương hồng” ở đoạn ba hay “một đóa hoa quỳnh” ngày “trăng vàng khai hội” trong đoạn năm cùng nhau xuất hiện trở lại. Hai bức tranh, một sáng một tối, nằm song song, bức này làm tăng thêm vẻ đẹp của bức kia, tương phản nhưng nằm bên cạnh nhau đã làm cho Đóa Hoa Vô Thường trước khi kết thúc, vang lên những lời thơ dịu dàng, sâu sắc, đầy ấn tượng.
Mưa rơi, hoa rơi là những từ ngợi ca về sự kỳ diệu của những lời kinh. Mỗi câu kinh như giọt mưa, như đóa hoa rơi xuống đem đến mát mẻ cho muôn loài. Trong đạo Phật, hình ảnh này còn gọi là ‘mưa pháp” hay “hoa pháp”. Ở đây, thay vì mưa và hoa, ta gặp thêm hình ảnh của sương, “sương pháp”.
Khi nói lên tâm trạng vui mừng tắm mình trong những giọt sương “rụng mát trong bình minh” này, Trịnh đã vẽ bằng “líu lo”, “lẫy lừng”, hồn nhiên như tiếng chim non, như bước trẻ trong đoạn sáu. Hay nhiều hơn, rõ hơn trong Nguyệt Ca:
Đèn thắp sáng trong tôi…
Tôi như từng cánh diều vui…
Trong tôi có những mặt trời…
Xua tan những nghi ngờ…
Hân hoan giây xuống thế…

Giọt sương ấy, đóa hoa ấy vẫn mãi rực rỡ sắc màu giữa dòng đời vô thường, biến ảo, mộng mộng mơ mơ nhưng cũng tràn đầy tiếng thơ, tiếng nhạc.
Ý nghĩa của “sương”, “hoa”, “trăng” về con đường, sự sống, và sự thật đã nở trên những bước ngựa hồng, vừa nồng nàn, vừa ngậm ngùi với hương vị vui buồn giữa đêm hồng một thời bỏ ngỏ.

6 DẠ KHÚC Minh Đỗ - Tác giả trình bày
Minh Tuệ Đỗ Minh
Theo http://duongchimbaykhongdau.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...