Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Quan niệm về thời gian trong thơ Xuân Diệu

Quan niệm về thời gian trong thơ Xuân Diệu 

CHƯƠNG 1: ĐÔI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA XUÂN DIỆU TRƯỚC CMT8
1.1. Đôi nét về cuộc đời của Xuân Diệu
Xuân Diệu họ Ngô tên đầy đủ Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 (năm Bính Thìn), tại Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, mất năm 1985. Cha là Ngô Xuân Thọ, quê ở xã Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tú tài kép Hán học, vào làm thầy dạy học ở Bình Định, kết duyên cùng cô hàng nước mắm Nguyễn Thị Hiệp và sinh ra Xuân Diệu. Vì vậy mà nhà thơ đã chịu ảnh hưởng chất đồ nghệ, cần cù hiếu học, thích văn chương của cha, và tính hiền hậu cuả mẹ, người miền trung bộ.
Thuở nhỏ Xuân Diệu học chữ nho, quốc ngữ và cả tiếng Pháp với cha, năm 1927 xuống học ở Qui Nhơn đỗ bằng thành chung năm 1934. Thời kỳ này Xuân Diệu đã tập làm những bài thơ theo các thể thơ truyền thống và rất mến phục Tản Đà.
1935 - 1936: Xuân Diệu ra học tú tài phần thứ nhất ở trường trung học bảo hộ Hà Nội, từ năm 1936 đến năm 1937 ông vào học tú tài lần thứ hai ở trường trung học Khải Định Huế. Tại đây Xuân Diệu gặp Huy Cận học sau hai lớp, một tình bạn bền bỉ và thắm thiết đã hình thành. 
Từ 1938 - 1940 Xuân Diệu cùng với Huy Cận ở gác 40 Hàng Than, Xuân Diệu dạy học ở trường tư thục Thăng Long.
Đầu năm 1940 anh thi tham tá thương chính và vào nam bộ nhận việc ở “Sở Đoan” Mỹ Tho. Năm 1943 Xuân Diệu xin thôi làm tham tá nhà Đoan và sống với Huy Cận tại Hà Nội, bằng số tiền lương của Huy Cận. Đôi bạn Huy - Xuân đã có lúc tự đứng ra xuất bản tập “thơ thơ” (in lần thứ 2) với tên “Nhà xuất bản Huy - Xuân”. Xuân Diệu cùng với Huy Cận tham gia mặt trận Việt Minh hồi bí mật.
Xuân Diệu sinh ra và lớn lên trong thời đại phức tạp, đã trở thành nhà thơ lãng mạn trong thời kỳ này. Ông sống sôi nổi sớm tiếp thu nền văn hóa phương tây, mà văn hoá phương tây lúc ấy được xem “như một luồng gió mạnh xua tan những tàn dư tư tưởng của trật tự phong kiến cũ và đã chiếm lĩnh đời sống đất nước (chủ yếu là thành thị) thông qua tầng lớp thanh thiếu niên và tiểu tư sản trí thức”.
1.2. Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu trước CMT8
Ngày noel năm 1938, “Thơ Thơ” ra đời với tựa của Thế Lữ và trình bày mỹ thuật của Lương Xuân Nhị.
Năm 1939, Xuân Diệu tập hợp các truyện ngắn của mình đã đăng trên báo Ngày Nay và cho xuất bản tập “Phấn Thông Vàng”.
Với bốn năm (1940-1943) anh biết thêm một phần đất mới với dòng sông Cửu Long mênh mông sóng nước, đậm chất nhân tình để sau này viết “Miền nam nước Việt và người miền nam” và nhiều bài thơ đấu tranh thống nhất. 
Năm 1945, Xuân Diệu cho ra đời tập thơ văn xuôi “Trường Ca” và tập “Gửi Hương Cho Gió” (NXB Thời Đại). Tháng 2 năm 1945 Xuân Diệu làm cuộc diễn thuyết đầu tiên trong đời mình với bài “sinh viên với quốc văn” do tổng hội sinh viên Việt Nam tổ chức. 
Cùng với văn xuôi lãng mạn, thơ lãng mạn ra đời và đề cao “cái tôi” cá nhân. Nếu trong văn xuôi, đời sống cá nhân được khẳng định qua sự đấu tranh đòi quyền dân chủ giải phóng tư tưởng tình cảm cảu tuổi trẻ. Thì đối với thơ trong thời kỳ này “cái tôi” được bột lộ bằng sự khao khát đòi giải phóng tình cảm, phát huy cái bản ngã và tự do cá nhân trước cuộc sống. Và sức hấp dẫn của thơ Xuân Diệu trước CMT8 năm 1945 là ở lòng yêu tha thiết cuộc sống, ở sự chân thực của tình cảm, và nghệ thuật làm thơ vừa giản dị vừa tinh vi cô đọng.
Xuân Diệu là nhà thơ viết cho tuổi trẻ, cho tình yêu “anh say mà không đắm, anh mơ mà không màng dẫu có lúc thoát ly thực tế, nhưng anh không đi vào siêu hình” . Với Xuân Diệu “cái tôi” được ý thức sâu sắc và mới mẻ hơn. Lần đầu tiên trên thi đàn “cái tôi” tiểu tư sản mạnh dạn bày tỏ những tâm tư thầm kín, những xúc cảm yêu đương, những khát vọng hưởng thụ, được yêu và được sống hết mình cho tình yêu. Xuân Diệu yêu tha thiết cuộc sống nơi trần thế, ông mê đắm thiên nhiên cảnh sắc và con người nơi đây. Vì thế ông rất sợ sự trôi chảy của thời gian. Thời gian của con người thì có hạn mà vũ trụ vô hạn nên ông sống cuống quýt, vì ông sợ tuổi trẻ một đi không trở lại. Cái tư tưởng sống vội ấy, đã được thể hiện qua hai tập thơ “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”.
Xuân Diệu là một tài năng đa dạng và những đóng góp của ông trước CMT8 rất lớn, tiêu biểu là tập “Thơ Thơ“ (1938), “Gửi Hương Cho Gió” (1945), “Trường Ca” (1945)…
Hai tập “Thơ Thơ” và “Gửi Hương Cho Gió” đã tạo nên tên tuổi cho Xuân Diệu khi ông mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Xuân Diệu đã đưa thơ mới đến huy hoàng rực rỡ nhất.
Chương 2: MỘT SỐ QUAN NIỆM THỜI GIAN VÀ QUAN NIỆM CỦA XUÂN DIỆU VỀ THỜI GIAN TRONG THƠ CỦA ÔNG TRƯỚC CMT8
2.1 Một số quan niệm về thời gian
1. Nói đến thời gian, ai cũng cho nó là một vấn đề khó hiểu. Ngay từ thời xưa đã có nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng tìm cách hiểu về thời gian. Có người cho là thời gian giống như cái đồng hồ, có người lại cho rằng thời gian không thể nào nắm bắt được. Và cũng từ những thắc mắc đó, từ lâu đã hình thành nhiều khái niệm, quan niệm khác nhau về thời gian.
Theo Newton thì: thời gian là độc nhất, tuyệt đối, và có giá trị phổ quát khắp mọi nơi, còn đối với Eintstein thì cho rằng: thời gian trôi đi chỉ là ảo ảnh mọi khác biệt giữa quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là những ảo ảnh dai dẳng mà thôi. 
Theo tạp chí "Tia sáng" có trích một số quan niệm về thời gian như sau:
“Thời gian" là gì?
Đối với nhà vật lý (thông thường), thời gian là cái mà một đồng hồ chính xác đo được. Với nhà toán học đó là cái không gian một chiều được xem là liên tục, nhưng có thể được chia thành các “thời khắc” giống như từng tấm ảnh của một cuộn phim. Với số đông thời gian là cái luôn trôi từ quá khứ qua hiện tại để tới tương lai. Trong thuyết tương đối, thời gian là chiều thứ tư của vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa nó đồng nhất với ba chiều không gian, vì công thức tính khoảng cách không thời gian khác công thức tính khoảng cách không gian. 
Sự phân biệt không gian và thời gian là bệ đỡ cho quan hệ nhân quả, vốn có vai trò thiết yếu trong vận hành vũ trụ. Tuy nhiên, một số nhà vật lý tin rằng, ở thang bậc planch (10 – 33 cm và 10 – 43 giây), là thang bậc nhỏ nhất có ý nghĩa vật lý, có thể không gian và thời gian không còn chia tách với nhau”.
Trên đây là một số quan niệm của các nhà khoa học và nó cũng cho ta thấy được về sự đa dạng trong việc cảm thức thời gian một con người.
Ngoài ra, trong một số cuốn từ điển lại có cách nói khác về thời gian: “thời gian" hình thức tồn tại cơ bản của vật chất diễn biến một chiều theo ba trạng thái là hiện tại, quá khứ và tương lai”.
Còn đối với các giáo sư, nhà khoa học thời nay lại có những quan niệm khác về thời gian. Theo giáo sư Trịnh Xuân Thuận – một nhà vật lý thiên văn học nổi tiếng người Việt quốc tịch Mỹ đã nói rằng: “các vấn đề về thới gian và phương hướng vận động của nó còn lâu mới được giải quyết và còn bị bao bọc trong môt màn sương mù dày đặc”. Không dừng lại ở đó giáo sư còn cho rằng thời gian là một khái niệm không phải để ta nắm bắt và thời gian thường có 2 loại là thời gian tâm lý và vật lý. Thời gian tâm lý là thời gian chủ quan và thời gian vật lý là thời gian khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người, nó là thời gian đồng hồ. 
Trong bài viết của Minh Chi đã dẫn lời của thầy Matthieu đã nói: “thời gian chỉ là một điều kiện chủ quan của nhận thức trực cảm của chúng ta, nó không tồn tại ở ngoài chủ thể”.
Như vậy thời gian là một khái niệm khó định nghĩa, khó hiểu và việc cảm thức nó lại càng khó hơn. Trong triết lý nhà phật thì cho rằng thời gian không phải là một thực tại cứu kính, nó không tồn tại tách biệt hiện tượng và người quan sát, họ cũng thừa nhận tính ảo ảnh của thời gian. Thời gian qua đi rất mau, nó còn nhanh hơn mũi tên bị bắn khỏi cung và cũng chính thế đối với phật tử thời gian là cái duy nhất và không nên để lãng phí nó.
Có thể nói thời gian là vấn đề luôn luôn được tìm hiểu trong mọi thời kỳ, từ quá khứ đến hiện tại và còn đến tương lai. Nó là vấn đề làm cho nhiều lĩnh vực khác phải quan tâm và trong số đó có cả lĩnh vực văn học nghệ thuật.
2.2 Quan niệm của Xuân Diệu về thời gian

Trong văn chương nghệ thuật, viết về thời gian cũng vận động trên cả ba chiều: quá khứ, hiện tại, tương lai. Tuy nhiên văn chương không gò bó cách thức thể hiện quan điểm về thời gian mà nó có thể được đảo lộn trình tự hoặc cũng có thể bỏ qua một hoặc hai trong ba chiều vận động vốn có của nó. Có nhiều cách thức thể hiện thời gian khác nhau, tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ một mốc thời gian nhất định trong thời gian. Từ đó có thể làm ngưng lại một khoảnh khắc của dòng đời dài đằng đẵng mà cũng có thể dồn nén một quãng thời gian hàng chục năm, hàng trăm năm vào một thời khắc.
Với bàn tay của người nghệ sĩ, thời gian không còn theo chiều vận động vốn dĩ của nó mà đã được đưa vào cái nhìn, suy nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ, và trong thơ ca, quan điểm về thời gian của người nghệ sĩ gắn liền với nguồn cảm hứng sáng tạo của thi nhân bởi hình tượng thơ và hình tượng cảm xúc. Sự cảm thụ thời gian trong thơ chính là mối rung động của nhà thơ trước cuộc đời và ý nghĩa chung của đời sống nhân sinh. Nhà thơ càng nặng cõi đời thì sự quan tâm trước mọi thời khắc càng trở nên mãnh liệt. Quan niệm về thời gian đã là vấn đề được lưu tâm từ xưa, thơ xưa không ít bài than thở về sự hữu hạn của thời gian, về một kiếp người. Cổ nhân từng coi đời người trôi qua nhanh chẳng khác gì bóng ngựa qua cửa sổ.
Thế nhưng, cố nhân không vì thế mà hoang mang hoảng hốt, họ quan niệm vũ trụ tuần hoàn, thời gian quay tròn trở lại và con người là một phần tư của vũ trụ sẽ hoà nhập vào cái vĩnh hằng của trời đất. Trước Xuân Diệu, cũng không ít thi sĩ nhắc đến thời gian trong thơ ca của mình, với đại thi hào Nguyễn Du thì: 
“Sầu đông càng lắc càng đầy
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân”

Nguyễn Công Trứ:
“Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi
Vạn sáu chơi nhăng đã hết rồi”

Còn Tản Đà thì:
“Đời người thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn, một ngày dài hơn”

Đến Xuân Diệu và thế hệ thơ mới thì thời gian là một đi không trở lại, vũ trụ là khách thể độc lập với con người. Và với Xuân Diệu, thời gian không còn tính theo chiều vĩ mô: một đời, nghìn năm, vạn năm, thiên thu… như trong thơ cổ mà với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc, nhà thơ cảm nhận rõ hơn ai hết sự thật đáng buồn “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, cho dù mùa xuân của đất trời vẫn cứ tuần hoàn, vũ trụ có thể vĩnh hằng.
Những luồng tư tưởng phương tây đưa lại giúp Xuân Diệu nhận ra cái giới hạn của đời sống cá nhân. Đời người thì ngắn ngủi mà khát vọng lại vô cùng. Vì vậy phải mau mau chiếm đoạt hương hoa cuộc đời. Giới hạn cuộc đời nằm trong vòng tuổi trẻ, giới hạn của tình yêu nằm trong vòng khoảnh khắc. Thơ Xuân Diệu ghi lại rất nhiều khoảnh khắc cuộc đời, khoảnh khắc của tình yêu, của tuổi trẻ. Trong các nhà thơ thời bấy giờ, có lẽ Xuân Diệu là nhà thơ đã dành nhiều sáng tác của mình nhất vào vấn đề thời gian, đồng thời qua đó khái quát lên thành những ý nghĩa về nhân sinh, về cuộc sống. 
Những bài thơ viết về thời gian của Xuân Diệu thì nhiều như: Đi thuyền, Thời gian, Giờ tàn, Chiếc lá, Vì sao, Giã từ thân thể, Vội vàng, Giục giã, Hết ngày hết tháng… đều thể hiện những quan điểm cá nhân của nhà thơ về thời gian, dòng thời gian hay cũng là dòng đời luôn luôn chuyển động, thay đổi không ngừng. Bài “Thời gian” có thể coi là sự phát ngôn đầy đủ cho sự cảm nhận về thời gian của nhà thơ:
“Dưới thuyền nước trôi
Trên nước thuyên chuồi
Và nước, và thuyền
Xuôi dòng đi xuôi”

Thông qua hình tượng “nước” và “thuyền” nhà thơ nói lên sự nhận thức rõ ràng nhịp điệu trôi chảy của thời gian. Thời gian trong thế giới vũ trụ thì vĩnh cửu, còn thời gian đời người là hữu hạn. Con người bất lực hoàn toàn trước sức mạnh của thời gian vũ trụ và luôn có nguy cơ bị cuốn trôi hoặc bị nhấn chìm, bài: “thời gian” là tiêu biểu cho ý trên:
“Nước cũng mất luôn
Nhưng nước còn nguồn
Thuyền chìm trong lúc
Đêm ngày nước tuôn”

Bài “Đi thyền” nhà thơ cũng vẫn mượn hai hình ảnh ấy:
“Thuyền qua mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tô tưởng cũng thay khác rồi”

Với cách mượn dòng chảy cảu nước để nói đến dòng chảy của thời gian là quá quen thuộc, thơ ca từ xưa đến nay nói đến điều đó không ít. Xuân Diệu với cách nghĩ, cách nhìn của một nhà thơ mới, thì thời gian còn gấp rút hơn rất nhiều:
“Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này”

Nói lên sự nhạy cảm vô cùng trước sự thay đổi của thời gian, sự thay đổi không còn là năm là tháng là ngày nữa mà sự thay đổi diễn ra trong từng phút một, cái “tôi” của phút trước đã khác với cái “tôi” của phút này. Chính vì ý thức rõ rệt được từng sự biến chuyển của thời gian nên Xuân Diệu đã sống vội vàng, sống cuống quýt để tận hưởng cuộc sống, trong “vội vàng”:
“Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Rồi đến bài “Giục giã” thì:
“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi,
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi”

Thái độ sống nôn nao, mọi sự đợi chờ thi sĩ đều sợ bỏ phí mất từng khắc của tuổi thanh xuân, trong bài thơ có tựa “thanh niên” Xuân Diệu viết:
“Ngươi đang ở! Ta vội vàng dữ quá!
Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn!
Sống toàn tâm và thức cả giác quan
Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ;
Sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ.”

Xuân diệu phát hiện ra ở thiên nhiên, ở con người gần gũi quanh ta biết bao điều mới lạ thật đáng yêu, cuộc đời trần thế đẹp và hấp dẫn biết bao càng thấy đẹp ta càng muốn tận hưởng, càng muốn tận hưởng thì lại thấy cuộc đời càng đáng sống biết bao, nhưng không ai có thể sống mãi mãi để hưởng mọi lạc thú trần gian. Năm tháng trôi chảy, thời gian một đi không trở lại, với “vội vàng” càng làm ta thấm thía hơn:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

Do đó người thi sĩ này không chờ đợi nắng mới hoài xuân, và cũng chính ước mơ ấy mà nhà thơ có một suy nghĩ thật táo tợn và ngược đời, được thể hiện trong “vội vàng”:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Thi sĩ muốn đoạt quyền tạo hoá, muốn đi ngược lại sự vận động của thiên nhiên, muôn tự mình nắm giữ điều chỉnh thời gian, bởi một người như Xuân Diệu sống để yêu và yêu để sống thì thời gian mà tự nhiên định sẵn từ ngàn xưa đến nay không thể nào đủ, Xuân Diệu muốn lưu giữ lại cái khoảnh khắc của tuổi xuân, muốn thời gian ngưng đọng lại, muốn và muốn như vậy mới có đủ thời gian để thỏa mãn lòng khao khát trong tâm hồn nhà thơ. Thiên nhiên đẹp quá, nó được nhà thơ hình dung thật gần gũi, mà cũng thật táo bạo và mới mẻ:
“Và đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Mỗi buổi sáng thức dậy mở mắt là thi sĩ được chứng kiến một cảnh tượng mới mẻ, diễm lệ. Ánh bình minh rực rỡ chiếu sáng thế giới vạn vật. Nguồn ánh sáng ấy như được toát ra từ vẻ đẹp của người thiếu nữ, và ở đây khác với thơ xưa, luôn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp thì ở đây con người lại làm chuẩn cho cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp trở nên mới mẻ hơn và cũng trần thế, gần gũi hơn rất nhiều. Cái đẹp của thiên nhiên dường như chẳng đợi thời gian, chỉ cần trong lòng thi sĩ thấy cảnh đẹp thi được rồi và “xuân không mùa” cũng nói:
“Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng”
“Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng”

Bỡi thi sĩ là kẻ yêu bất kể thời gian, bất kể tuổi tác, tình yêu là bất diệt và trong “đa tình” thì:
“Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi
Lúc chưa sinh, vơ vẩn giữa dòng đời”
Và “Tôi đã yêu khi đã hết tuổi rồi
Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng”
Rồi “Kẻ đa tình không cần đủ thịt da
Khi chết rồi, thì tôi yêu ma”

“Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” 
Tuy nhiên thực tế vẫn là thực tế:
“Hoa nở để mà tàn
Trăng tròn để mà khuyết,
Bèo hợp để chia tan
Người gần để ly biệt”

Vũ trụ vẫn chuyển động như vốn dĩ, thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc, nhà thơ cảm nhận hơn ai hết một sự thật đáng buồn “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, cho dù mùa xuân của đất trời vẫn cứ tuần hoàn, ngày hôm nay đã khác hôm qua, huống chi năm này với năm khác, nàng xuân thì trường sinh còn tuổi trẻ mỗi người đều có giới hạn.
Đến đây cái vui rạo rực của phần trên dường như đã tan biến, nhường chỗ cho một nỗi u buồn, một nỗi niềm nuối tiếc khôn nguôi đối với cuộc sống tươi đẹp trên thế gian này. Nỗi buồn ở đây chẳng qua là cách biểu hiện khác của lòng ham sống lòng yêu đời tha thiết mà thôi. Tình cảm mãnh liệt này trong “vội vàng” lại được diễn tả một cách tài hoa bằng chính những hình ảnh, màu sắc đầy quyến rũ của mùa xuân:
“Cơn gió xinh thì thào trong gió biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ tàn phai sắp sửa?”
Cảnh xuân càng đẹp càng lộng lẫy bao nhiêu thì sự nuối tiếc của thi sĩ càng lớn bấy nhiêu. Người ta chỉ ham sống khi họ thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa, Xuân Diệu cũng vậy càng yêu, càng đắm càng say cảnh đời lại càng phát hiện ra biết bao cái tươi đẹp đang chờ đón, để rồi lại cay đắng nhận ra rằng thời gian trôi đi càng lúc càng vội vã, “chưa có một nhà thơ nào luyến tiếc thời gian đến xót xa như Xuân Diệu. Vì vậy trong niềm say sưa bồng bột trước cuộc đời, tình yêu, sự hiện hữu của thời gian khiến ông chưa bao giờ bình thản”, “Đọc Thơ thơ và Gửi hương cho gió ta dễ dàng nhận ra một Xuân Diệu đang cô đơn chống trả lại sự tàn phá của thời gian”. Trong “Núi xa” ông viết:
“Lẫn với đời quay, tôi cứ đi
Người ngoài không thấu giữa lòng si”
Và cô độc trong “Hư Vô” với:
“Đêm lùa ta thức, một mình đau
Nghe tiếng giờ đi, não dạ sầu”

Bỡi không như các thi nhân xưa, vốn quan niệm rằng, thời gian đi rồi sẽ trở lại, con người sống luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, còn Xuân Diệu thì không. Ông là nhà thơ sống ở hiện tại và sống cho hiện tại, tuổi trẻ đi thì tuổi già sẽ đến đó là sự thật trước mắt mà nhà thơ không thể không nghĩ tới. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà thơ chịu khuất phục trước thời gian, để tận hưởng ông sống thật vội vã, bởi ông biết ngày sẽ trôi rất nhanh:
“Những ngày cứ thắt đi từng phút
Rồi mặt trời cao. Nắng cháy tràn
Trưa đến thôi rồi! Bình đã vỡ
Nửa ngày xinh đẹp đã tiêu tan”

Nhà thơ dường như chú ý đến từng bước đi của thời gian từng chút một, như chính “mùa thu tới”:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”

Thời gian chuyển động qua từng sắc lá trong vườn, và trong “Đây mùa thu tới” tác giả Đỗ Lai Thuý đã có nhận định rằng: “Đó là tiếng gọi của thời gian, hối hả và thôi thúc bằng một điệp khúc “Đây mùa thu tới – mùa thu tới”. Thời gian là dấu hiệu của tàn phai và rơi rụng. Thời gian là sự tuôn chảy “một đi không trở lại”. Chính ý thức về thời gian một chiều chứ không phải tuần hoàn, thời gian định hướng chứ không phải định tính, đã tạo nên cái nhìn nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của anh” .
Theo Đỗ Lai Thuý thì: “Nếu mùa xuân được coi là bình minh của tuổi trẻ thì mùa thu được Xuân Diệu coi như bình minh của tuổi già... Mà bình minh bao giờ cũng là thời khắc ngắn ngủi, nhất là bình minh – thu, bởi vì sau đó không phải là trưa nồng mà là chiều lạnh. Bởi vậy ý thức về thời gian trong mùa thu trở nên sâu sắc”. 
Với năng lực trực cảm, Xuân Diệu đã nắm bắt cái độ di chuyển nhạy bén của thời gian. Thơ của ông không chỉ có tả cảnh mà còn là sự nhận thức của các giác quan về sự biến chuyển của thời gian qua “xuân không mùa”:
“Thế là xuân này chỉ ấm hơi hơi
Như được nắm một bàn tay son sẻ”
Hay trong “Mùa thu tới”:
“Đã nghe rét mướt luồng trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”

Và “ý thu” cũng vậy:
“Bông hoa rét cánh rơi không tiếng
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần”

Thi sĩ như dồn tất cả các giác quan để dỗi theo từng bước chuyển của thời gian, một sự tinh tế đến vô cùng. Thời gian trong thơ Xuân Diệu có nhiều khoảng ngưng đọng chẳng hạn trong bài “Vội vàng”:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất”

Chữ “này đây” như cái đinh ghìm ghìm cho thời gian đứng lại, mặc dù cũng cảnh sắc ấy nhưng thời gian tạm ngừng trôi, được giữ nguyên ở trạng thái “này đây” và giây phút ấy con người như đã cảm nhận hết cái vô biên của tạo vật:
“Trái tim ngừng trong một lúc vô biên
Thời gian hết đất trời không có nữa”
Và trong giây phút ấy, thời gian như kéo ra, con người đã hoà tan vào trời đất lúc này có lẽ là lúc mà Xuân Diệu đã chiến thắng thời gian, làm cho thời gian ngưng đọng lại để tâm hồn hoà nhập vào thiên nhiên. Nhưng cái giây phút tồn tại không lâu, thế nên không chỉ sống vội vàng mà ngay cả trong tình yêu Xuân Diệu cũng vội vàng gấp gáp:
“Gấp đi em anh rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”

Bởi lẽ đối với ông thì:
“Thà một phút huy hoang rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Cho dù rất hiều rằng “yêu là chết ở trong lòng một ít” thế nhưng Xuân Diệu cũng không vì thế mà không yêu bỡi cuộc đời đẹp nhất là tuổi trẻ mà tuổi trẻ đẹp nhất là tình yêu. Một người như Xuân Diệu yêu cuộc sống đến vậy thì tình yêu của ông cũng mãnh liệt biết bao và khi đọc “Mời yêu” chúng ta mới cảm nhận hết:
“Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam một chút cũng đành”

Hay:
“Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi”
Trong tâm tưởng của Xuân Diệu, ngày hôm nay qua đi rồi tháng, rồi năm, rồi đời người sẽ hết, tuổi già, cái chết là nỗi ám ảnh lớn trong lòng nhà thơ:
“Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi
Tóc ngời mai mốt không đen nữa
Tuổi trẻ khô đi mặt xấu rồi”

Và với những vần thơ trong bài “thanh niên”ta mới thấy hết được sự nuối tiếc thời gian của nhà thơ:
“Ôi thanh niên! Người mang hết xuân thì
Hình ngực nở nụ cười tươi màu tóc láng
Già sẽ đến giơ tay xua ánh sáng
Đuổi bướm đi làm sợ cả hương hoa”

Thời gian với những bước chuyển động tàn nhẫn, sự đối lập giữa thời gian vũ trụ với thời gian của một kiếp người:
“Ngọn gió thời gian không ngớt thổi
Giờ tàn như những cánh hoa rơi”

Trong bài “cảm xúc” với tuyên ngôn sống của nhà thơ là:
“Tôi chỉ là một cây kim nhỏ bé
Mà vạn vật là muôn đá nam châm”

Nhà thơ bị thu hút bởi muôn mặt của cuộc sống, Lý Hoài Thu đã có nhận xét rằng: “Xuyên suốt hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió thời gian là người đếm nhịp là chất xúc tác kì dịu tạo nên độ nồng nàn đắm đuối riêng mà chỉ người thật sự lưu luyên nuối tiếc từng giọt thời gian như Xuân Diệu mới có được”.
Với một quan niệm nhân sinh tích cực luôn sống sôi nổi, mãnh liệt hết mình vì cuộc sống, Xuân Diệu đã dâng cho đời một sự nghiệp văn học đồ sộ, kết quả của những năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài, quyết liệt, không hề biết mệt mỏi. Con người ấy đến phút chót của cuộc đời vẫn để lại những dòng thơ yêu đời đến cháy bỏng, đến si mê: 
“Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”

Đọc thơ Xuân Diệu ta thấy cuộc đời thật đáng yêu, đáng sống hơn biết bao nhiêu và phải mở lòng hơn nữa với cuộc đời. Không thể dửng dưng, hờ hững đến phải nuối tiếc những năm tháng đã trôi qua vô ích.
Chương 3: MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỐI VỚI QUAN NIỆM THỜI GIAN QUA THƠ XUÂN DIỆU
3.1 Ý kiến của các nhà phê bình
Trong chương 2 là những quan niệm của Xuân Diệu về thời gian, ông đã quan niệm hoá thời gian trong những câu thơ của mình và không dừng lại chỉ riêng Xuân Diệu. Thơ ông, đặc biệt là hai tập thơ trước CMT8 là “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” đã gây xôn xao trong lòng bạn đọc và các nhà phê bình văn học về quan niệm thời gian của ông.
Đối với mọi người, khi nói đến thời gian ai cũng nghĩ đến sự tuần hoàn theo quy luật của nó, cũng nghĩ đến thời hạn ba vạn sáu ngàn ngày cho một con người. Và cũng có lẽ mỗi người đều thấy bình thường về điều này. Xong trong nhận định của Đỗ Lai Thuý về thời gian qua tác phẩm Xuân Diệu thì lại khác.Ông nói: “Nhưng chỉ mới Xuân Diệu, thời gian mới trở thành nỗi ám ảnh. Thời gian trong thơ ông không chỉ là cảm xúc, là thi hứng, mà còn là nhân tô kiến trúc của tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói, Xuân Diệu nhìn đời bằng con – mắt – thời – gian”. Chất Xuân Diệu, phong cách thơ ông là ở đó .
Đối với Xuân Diệu thì: “thời gian cũng như đời người một đi không trở lại” 
Và ở đâu đó, thời gian trong thơ ông phản phất một chút của sự sống, của tuổi trẻ tuổi xuân mọi nơi: “thời gian với Xuân Diệu mang tính lưỡng giá. Một mặt, ngọn – gió – thời gian đem tuổi trẻ tình yêu đến. Và sự sống tình yêu lại được gió mang đi gieo vãi khắp nơi (Gửi hương cho gió)” . Có lẽ đối với mọi người, một ngày qua đi là một ngày ta bước gần đến ngôi mộ đã định sẵn cho mình, và ta cũng thấy nó bình thường thôi. Chuyện con người sống rồi phải chết là hết sức bình thường có gì đâu phải luyến tiếc, mà dù có luyến tiếc đi chăng nữa thì trong cuộc sống hiện tại ta vẫn phải tồn tại, vẫn phải sống vui mà thôi. Nhưng đối với Xuân Diệu thì lại khác: “Mất thời gian là mất tất cả thậm chí cái tưởng như tuyệt đối: sự thật hôm nay không thật đến ngày mai!” . mọi thứ đều chìm vào không gian vũ trụ, tất cả sẽ không còn ý nghĩa nữa. Sự tàn khốc của thời gian là vậy và con người cũng chẳng làm gì để ngăn cản nó, ngăn cản cái thời gian mà khoa học thường gọi đó là thời gian khách quan.
Nhưng tuyệt thay, kỳ dịu thay, đều là con người, đều chịu sự bào mòn của thời gian nhưng Xuân Diệu lại thấy: “Phút giây hiện tại là sự cô đặc của thời gian… cái thời gian khách quan đó đếm được bằng máy móc không tồn tại nữa, mà đã chuyển qua thời gian của cảm giác, tâm trạng. Đó là thứ thời gian tâm linh, không có quá khứ, hiện tại, tương lai, khoảnh khắc, thiên thu” . Ông đã chống lại được cái khốc liệt của thời gian và sống với: “Cái điệu sống vội vàng, cuống quýt của Xuân Diệu bắt nguồn xâu xa từ ý thức về thời gian, về sự ngắn ngủi của kiếp người, về cái chết như là kết cục không tránh khỏi mai hậu” .
Đối với ông: “đời người là ngắn ngủi, cần tranh thủ sống. Sống hết mình sống đã đầy thế nên phải chớp lấy từng khoảnh khắc, phải chạy đua với thời gian” . Và trong quan niệm của ông, thời gian là của tuổi xuân, sắc xuân, cảnh xuân là tuyệt nhất song cũng đắng cay nhất. Ông đã ví: “Mùa xuân đến giống như cặp môi gần, nó ngọt ngào song vô cùng ngắn ngủi và người hưởng thụ được cái ngon của xuân non trẻ mà thôi. Và chính vì vậy xuân và cái vị ngon ngọt của nó đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này” . Đúng là lần đầu tiên chúng ta mới thấy, và được cảm nhận một quan niệm như vậy, cái mà qui luật thời gian đã ngầm áp đặt.
Thời gian đối với con người là sự tuần hoàn liên tục của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, còn Xuân Diệu thì khác: “Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định: “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn - nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” thước đo thời gian của thi sĩ là tuổi trẻ. Tuổi trẻ một đi không trở lại thì làm gì có sự tuần hoàn." Đối với Xuân Diệu thì thời gian chính là: “Tuổi thanh niên mang theo biết bao niềm vui thú, hứa hẹn cho những ngày hiện tại. Gắn bó với cuộ đời chính là gắn bó với tuổi xuân, khi tất cả đang còn ở độ thanh xuân Xuân Diệu ca ngợi tuổi trẻ yêu đời, tuổi trẻ muôn năm”. Có thể và cũng vì vậy mà: “Tác giả rất có ý thức với hiện tại. Thời gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là thời gian hiện tại. Hiện tại luôn được miêu tả trong tương quan với quá khứ, so sánh với quá khứ…”. Sự tồn tại của ông là tồn tại với cái hiện hữu đang có, ông tồn tại ngay trong đời và cũng vì thế nên: “Thời gian của Xuân Diệu mang tính chất trần thế. Cả hai trăm bài thơ tình cũng bị thời gian… ám ảnh”. Song hoa tươi tốt cũng phai tàn theo thời gian và từ nỗi đau đớn ấy ông đã: “Bộc lộ lòng ham sống, bộc lộ nỗi hốt hoảng trước sự chảy trôi của thời gian, ông khẩn thiết kêu gọi mọi người lòng tận tâm, siêng năng mà sống mà yêu…” .
Thơ Xuân Diệu: “Không thầm thì, không thâm trầm, mà thích kêu to, nói lớn,vì nó chân tình thiết tha say đắm nên không ai thấy, đôi khi nó cũng khá ào ạt: mau lên chứ vội vàng lên với chứ… vội vàng sống, giục giã yêu, tận hưởng giờ phút hiện tại, đời người ngắn ngủi thời gian không đợi”. Xuân Diệu đã thi vị hoá thời gian, đã chống trả quyết liệt với cái tàn phà của nó bnằg một thứ thời gian rất Xuân Diệu đó là thời gian nghệ thuật: “Thời gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu mang một sắc thái riêng: thi sĩ dồn nén quá khứ, tương lai về hiện tại và trong cái hiện tại, nhà thơ chỉ chú ý đến cái bây giờ”
3.2  Ý kiến bạn đọc
Cái tham lam, lòng ham sống, sợ thời gian, và cũng chống lại thời gian đã là một Xuân Diệu tuyệt vời, đáng để cho các nhà nghiên cứu văn học phải suy nghĩ lắng nghe. Còn đối với bạn đọc trẻ thì càng gây thêm nhiều xúc cảm và sự tò mò. Có một đoạn trong bài văn như sau: “Ôi, biết bao là mong đợi, sợ hãi, hững cảm giác quá nhiều hân hoan, nhục cảm trong những câu thơ trong vắt ấy…nếu thời gian có màu trong thơ Xuân Diệu, tôi thường nghĩ nó trong suốt màu nhục cảm, hoặc ở đó màu nhục cảm đã thành trong suốt qua thơ Xuân diệu, đến mức mùa thu đến với ông, đã được vị thi sĩ Huê Tình này chiêm bái, ngưỡng vọng như một thân xác đẹp đã đầy của thiếu nữ vừa ửng chín: Đây mùa thu tới mua thu tới - với áo mơ phai dệt lá vàng”. 
Có lẽ đúng như bạn ấy nói, một dẫn chứng khác để có thể làm rõ hơn cho cái nhận định về lòng ham sống của Xuân Diệu là: “Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là tình yêu vội vàng giục giã. Ông sợ thời gian, ông muốn vũ trụ ngưng đọng”.
Trong bài viết “viết cho bè bạn: có đoạn nói về Xuân Diệu rất hay và cũng đúng như in một Xuân Diệu đã từng tồn tại: “Xuân Diệu không phải chỉ là một Xuân Diệu gói kín trong thơ mà là một Xuân Diệu nồng nhiệt vội vàng, đam mê như đang đứng trước chúng tôi” 
Đó là những ý kiến, nhận định của giới chuyên môn cũng như suy nghĩ của bạn đọc trẻ về Xuân Diệu. Vâng, quan niệm thời gian của Xuân Diệu chính là như thế, chính là cái thời gian tâm linh, thời gian sống của ông.
LỜI KẾT LUẬN
Nghiên cứu về Xuân Diệu có nghĩa là nghiên cứu về một hiện tượng nghệ thuật điển hình trong phong trào thơ mới, thơ ca tiêu biểu cho thế hệ thi nhân tiền chiến 1932 -1945 ở hai thời kì trước và sau CMT8. Xuân Diệu đã từng nói rằng: “Thơ mới là một trong các hiện tượng dân tộc, nó đã đóng góp vào “văn mạch dân tộc”…. Trong phần tốt của nó, thơ mới có một lòng yêu đời, yêu thiên nhiên, đất nước, yêu tiếng nói dân tộc. Thơ mới là một tiếng hát đau khổ, không chia vui ở cái xã hội ngang trái, vùi dập đương thời”.
Và ở giai đoạn đầu với hai tập Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945) Xuân Diệu được coi là gương mặt tiêu biểu trong trào lưu thơ ca lãng mạn, mà nói như Nguyễn Hoành Khung thì là “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”. Với tư tưởng tiến bộ, Xuân Diệu đại diện cho thế hệ trẻ cấp tiến. Yêu và sống hết mình, dám bày tỏ quan điểm suy nghĩ tình cảm của “cái tôi” cá nhân. Muốn giải phóng từ bỏ cái quan niệm cổ hữu của thơ xưa, với một ý thức cá nhân sâu sắc, đến với thơ Xuân Diệu ở giai đoạn này, ta bắt gặp một anh chàng thi sĩ bồng bột biết bao trước cuộc sống, yêu cuộc sống thiết tha đến sống vội vàng cuống quýt để tận hưởng cho hết hương hoa cuộc đời, một chàng trai trẻ yêu vội vàng mà cũng rất cuồng si, yêu vội mà mãnh liệt, biết quí trọng từng thời khắc của tuổi trẻ.
Xuân Diệu đã mang đến cho thi đàn Việt Nam những năm 30 một nguồn cảm hứng tình yêu rào rạt, một luồng rung động mới mẻ trước tình yêu, một nhịp sống mới với một “cái tôi” giàu màu sắc, hình tượng. Về hình thức, Xuân Diệu đã tạo ra một bước mới trong lĩnh vực thơ ca, thơ của ông với kiểu cấu trúc hiện đại, mới mẻ tạo nên một sự đột phá trong phong trào thơ mới.
Đến với Xuân Diệu ta sẽ thấy “Xuân Diệu là ngòi bút chiến đấu, không ngừng chiến đấu, chiến đấu rất tích cực cả về chính trị và văn chương, cả về tiểu luận phê bình và thơ ca.Bút lực của anh thật là mạnh mẽ, phong phú uyển chuyển dù không phải lúc nào cũng chân xác. Nhưng các bạn đọc quý anh, trong anh nhà thơ có tài năng đi từ thế giới cũ đến thế giới mới, đi từ sáng tạo này đến sáng tạo khác, tinh thông văn học trong nước và thế giới, một người có công trong văn học mới. Một người đáng bật thầy cho các thế hệ nhà thơ trẻ”.
Với hơn nửa thế kỷ hành trình sáng tạo, từ một nhà thơ lãng mạn trở thành một nhà thơ cách mạng, Xuân Diệu đã để lại trong kho tàn văn học dân tộc một di sản lớn. Ông có đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực và đều đặn ở nhiều thời điểm lịch sử khác nhau (Trước CMT8: trong thời kỳ kháng chiến, sau hòa bình; thời kỳ đấu tranh thống nhất sau ngày miền Nam giải phóng…). Thế nên vị trí của Xuân Diệu trên thi đàn văn học dân tộc Việt Nam sẽ là không nhỏ.
Chúng ta đã, đang, và sẽ còn có những công trình nghiên cứu về Xuân Diệu nói riêng và trào lưu thơ mới nói chung, để thế hệ hôm nay và mai sau không chỉ hiểu đúng mà còn hiểu đủ về thế hệ cầm bút đi trước. Nó chẳng những có đóng góp lớn lao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn có giá trị tích cực trong lịch sử chính trị.
Chúng tôi đã trình bày một số quan điểm của các ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề thời gian qua đó so sánh đối chiếu với quan niệm cá nhân của Xuân Diệu về thới gian qua đó làm nổi bật tư tưởng cá nhân, quan điểm của nhà thơ đối với vấn đề này, để thấy được cách sống, cách suy nghĩ của ông trong giai đoạn phong trào thơ mới. Biết thêm về một Xuân Diệu ham sống và quý cuộc sống đến nhường nào. Qua đó để làm bài học cho thế hệ chúng ta thời nay: phải biết quý trọng từng khoảnh khắc của tuổi trẻ.
Vì là thời gian nghiên cứu có hạn, đề tài chúng tôi chỉ nghiên cứu một phần rất nhỏ trong kho tàn văn học đồ sộ của Xuân Diệu, chúng tôi mong sẽ có dịp có điều kiện hơn để cóthể nghiên cứu sâu hơn nữa về Xuân Diệu - một tác gia lớn trong văn đàn dân tộc Việt Nam.
Đỗ Văn Ngà 
Theo http://vietnamcayda.com/


1 nhận xét:

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...