Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Trần Mai Hường với những giọt thơ rơi

Trần Mai Hường với những giọt thơ rơi 
(Đọc Những ngọn sóng tỏa hương, thơ Trần Mai Hường, NXB Hội Nhà văn- 2012)
Ai đã từng gặp Trần Mai Hường hẳn không quên nụ cười, nhất là giọng nói. Hình như chị thích nói, muốn nói, mà nói là phải đúng lúc đúng chỗ, đúng đối tượng để được sẻ chia. Bởi qua hai tập thơ Sóng Khát (NXB Văn học) và Đó là Em (NXB Hội Nhà văn) là sự trăn trở về tình đời. Phải chăng" Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì đừng trách lẫn trời gần trời xa được… Chị làm thơ đâu chỉ giải tỏa cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng day dứt từ những điều trông thấy trước mắt cùng những va vấp trượt ngã giữa đường đời vốn thênh thang và cần khẳng định trách nhiệm người cầm bút trong việc định hướng cách viết cũng như dành tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam trong hôm nay. Chính vì thế Những ngọn sóng tỏa hương (NXB Hội Nhà văn, 2012) của Trần Mai Hường kịp ra đời đúng thời gian mong đợi.
Với chị, làm thơ rất khó, ngoài cảm hứng từ sự việc, con người cho cái tình trào dâng thì tứ thơ mới xuất hiện. Trần Mai Hường rất cẩn trọng từng con chữ nhưng phóng khoáng, không khắt khe vần điệu nên mạch thơ theo dòng chảy tự nhiên như suối đổ ra sông, sông ung dung lượn lờ cũng ra biển. Biển tích tụ cho đời làm nên những hạt muối trắng phau nuôi sống người dẫu bao đời luôn nhịp nhàng theo con sóng. Chị tự khẳng định "Người đàn bà làm thơ/ Xô lệch từng đêm/ Vắt khô mình/ Nước mắt…Người đàn bà làm thơ/ Nửa đời mặn đắng/ Nén nỗi buồn/ Những/ giọt/ thơ/ rơi…Người đàn bà trong em/ Muốn tan chảy vào ngôn từ vô tận/ Không đắn đo toan tính/ Còn/ Mất/ Thiệt/ Hơn”(Em).Thì ra, Người đàn bà làm thơ biết bao trăn trở suy tư có khác gì với người đàn ông hay không?!      
Những ngọn sóng tỏa hương đầy ắp tình yêu ban đầu rạo rực khao khát cháy bỏng trái tim đương xuân của thời con gái. Đó là vẻ đẹp tinh khôi "Mùa thiếu nữ/ Chảy tràn trên khúc lãng du/ Đắm mình vào góc lặng/ Tự mình hân hoan”/(Mùa). Như ngập tràn nắng xuân ùa về nhớ nhung đắm mình: "Ẩn hiện thơ em những khẽ khàng bối rối/ Viết những dòng về anh - cho anh”.Nhưng thực ra sự tưởng tượng của nhà thơ vô cùng tinh nghịch: "Em hay đùa anh – hai phương trời xa thẳm/ Có một mối tình ngộ lắm- tình chay” (Viết tặng mối tình chay). Để rồi xa xót nỗi buồn đọng lại chơ vơ, chị đi tìm kỉ niệm của thuở nào: "Bỗng nhiên nhớ những tấm ảnh của anh/ Đẹp lạ kì với sắc chiều đồng nội/ Những tấm ảnh như bước ra từ cổ tích/ Sột soạt mắt người”. Đọc đến từ  "sột soạt” cho tôi nhớ ngay đến câu thơ Hàn thi sĩ miêu tả Mùa xuân chín: "Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí đón xuân sang”. Sột soạt của Hàn gợi chuỗi hợp âm náo nức rộn ràng làn gió tinh nghịch cho tà áo em cuốn bay, hay là nền xanh cây lá trong vườn xuân ấm áp ngọt ngào đầy sức sống mở ra phía trước. Còn Sột soạt  trong câu "Sột soạt mắt người” của Trần nữ sĩ là sự đối lập trong đó nước mắt ứa ra là yếu tố gợi cảm nhạy bén cho cái chớp mi liên hồi. Và chỉ có nhà thơ mới nghe trọn vẹn tiếng động ấy từ miền nhớ nhung xa xôi đau đáu, chất chồng bung nở trong khổ thơ văn xuôi ùa về: "Có một ngày đá bỗng thấy nhớ nhung nỗi nhớ vu vơ nơi nào xa lắm như mây mướt hơn khoe trời ngọt nắng ngọn gió mềm lay khẽ phím non tơ…”(Thơ cho người mong gặp).
Những lúc khát khao chín mùi cháy bỏng chị mượn tứ thơ năm chữ trải mình không một chút bâng khuâng đắn đo:
                 "Ngực rằm đang mùa chín
                  Em khuyết một trăng non
                  Có bài thơ lạc tứ
                 Đắm vần chờ nguyệt lên

(Giá anh biết)
Nhịp nhàng thanh bằng thanh trắc đan xen từng dòng như là sự lặp đi lặp lại xa xót tột cùng dẫu chỉ là cái cớ để bộc bạch nỗi lòng trước mắt thật trớ trêu "Kể từ khi cha mất/ Mỗi khi đi ra đường/ Con không quên mang kính/ Tròng to và màu đen” vì:
                  "Chỉ để con được khóc
                  Lúc tủi thân đau lòng
                  Mà không ai biết được
                  Con khóc dù phố đông
”/ (Nhớ cha)
          Có những lúc mượn hình ảnh của phận cỏ thấp hèn để nói đến cái tình người gắn bó vô cùng lớn lao về một giá trị nhân sinh chân chính, đôi lúc giữa người sống với nhau cũng có thể thờ ơ, quên lãng, nhà thơ nhắc nhở nhẹ nhàng trong thể lục bát truyền thống điêu luyện mà hết sức giản dị:
                     "Oằn mình dưới bước người đi
                     Nén lòng thấm tiếng thầm thì nhân sinh
                     Vì sương cỏ nguyện quên mình
                     Dâng đời từng sớm bình minh nõn nà
                     Mai này dẫu đã đi xa
                     Còn nghe trong đất vỡ òa mầm xanh
”./(Cỏ)
Sự lựa chọn nào tốt hơn giữa thật và giả. Dẫu biết cái giả luôn được đánh bóng lớp men tráng kĩ bên ngoài đủ lừa mắt thường làm sao thấy được. Dễ bị lún sâu trong lòng đất khi dẫm phải bùn, lúc này chưa có điểm tựa, ngay giữa buổi chợ đời vẫn còn đồng thau lẫn lộn: 
"Tôi đã hằng tin mây phải bay 
Tôi đã hằng tin sen phải thơm
Tôi đã hằng tin máu phải đỏ” 
Nhưng điều gì làm cho chị hụt hẫng, kịp thời nhận ra những "hồ li ” vất vưởng lúc nhúc đâu đó chẳng là gì so với đóa sen ngàn đời mãi tỏa hương thơm, máu đỏ không thể thay bằng màu khác. Đó là chân lí: 
"Và bây giờ
Tôi vẫn dặn lòng
Tin” 
(Niệm). 
Lòng nhủ lòng: 
"Đừng hoang mang tình người thất lạc nơi đâu
Đừng hoảng loạn trước dối lừa đó kị " 
Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…”
(Nhấn F5). 
Trần Mai Hường mượn câu thơ của Phùng Quán 
"Người làm xiếc đi trên dây rất khó 
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…”. 
Nào phải là một sự chiêm nghiệm hay nói về nhân tình thế thái, mà là thói quen thành thạo có ý thức trách nhiệm trong nghề nghiệp. Công việc Người làm xiếc là giải trí thư giản cuối tuần đem lại tiếng cười sảng khoái. Làm nhà văn đâu chỉ kể lại câu chuyện vui buồn đầy vơi trong cuộc sống, không thể thờ ơ lừa dối trái tim mách bảo những điều mắt thấy tai nghe. Tiếng nói của nhà văn là tiếng nói của lương tri, của dân tộc. 
Đến với Những ngọn sóng tỏa hương ta gặp sự chuyển biến ở Trần Mai Hường sau chuyến ra Trường Sa, chị dồn hết tâm huyết viết về đề tài biển đảo. Trong khuôn khổ chật hẹp trên trang giấy, chị vẫn dành trọn vẹn tình cảm chân tình sâu lắng nhất trân trọng ngợi ca Những ngọn sóng tỏa hương* để kính dâng anh linh những người lính anh dũng hi sinh trong hải chiến Gạc Ma ngày 14. 3. 1988. Chị bồi hồi nhớ lại "Ngày Trường Sa bầm đỏ” đã" Quặn thắt lòng đại dương”:
                "Nơi các anh ngã xuống
                 Máu đã thắm san hô
                 Anh linh hòa sóng biếc
                 Cứ tỏa hương từng giờ
Quả thật đây là nỗi đau lớn nơi thềm lục địa Việt Nam. Là nỗi đau chung của toàn dân tộc Việt Nam. Mà gần nhất là nỗi đau mất mát từ trong gia đình của những người mẹ mất con, của những người vợ mất chồng, của những người em mất anh, của những người con mất cha, …Từ trong sâu thẳm trái tim, giấy báo tử hòa máu và nước mắt đọng lại đâu đây giữa lòng đại dương cho nguồn nước biển ngày càng mặn hơn bật sôi lên những đợt sóng cuồn cuộn dâng trào. Đến với Trường Sa, chúng ta tri ân thắp hương tưởng niệm "người chiến sĩ” có một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng cao cả. Cho "Trường Sa bình yên”*. Nơi ấy là sự sống của quê hương: "Đảo nổi đảo chìm ngắt màu xanh cây cối/ Những em bé bi bô tập nói/ Mỗi hoàng hôn thiêng liêng tiếng chuông chùa”. Nơi ấy là tình yêu tiếp nối bền vững: "Anh lính trẻ thầm yêu cô giáo trẻ/ Con ốc mặt trời giấu lòng mình kĩ thế/ Chợt bừng lên mặt lính lúc cầm tay”. Cho Miên khúc đảo* được lên xanh vời vợi: 
"Đảo đang già thoắt hai mươi tuổi
Trước những cuồng phong
Lại dịu dàng cổ tích 
Phút nụ bàng vuông bung muốt cánh mềm” 
dâng đầy niềm vui rạo rực cho khúc ca bình minh trỗi dậy "Sống lại ngày tân hôn” ùa về nhung nhớ. Và vẻ đẹp những phụ nữ là vợ những người lính nhà giàn đã hi sinh trên thềm lục địa năm nào đã Hóa Sóng* hiện ra theo mạch cảm xúc của Trần Mai Hường rạng rỡ ấm áp:
                " Anh đây rồi
                  Dưới ngần ngật biển xanh
                  Đôi mắt bao dung
                  Nụ cười ấm sáng
                  Bộ quân phục hải quân tỏa rạng
                  Giữa trùng trùng san hô
Không thể đè nén cảm xúc xuân nồng trong tình chồng vợ "Anh ôm chị vào lòng/ Như những ngày xưa/ Ánh mắt bờ môi nói lời của lửa/ Biển cuốn khúc phiêu linh cuồng nhiệt/ Trăng đầm đìa chiêm bao”. Âm thầm tận hưởng hạnh phúc đâu muốn sẻ chia: 
"Chưa bao giờ chị kể ai nghe 
Về những đêm/ Hóa sóng”. 
Thật vậy, trong Những ngọn sóng tỏa hương, với phụ nữ bao giờ cũng kín đáo tế nhị dịu dàng, đôi lúc còn hoài nghi trước cạm bẫy mà mắt thường dễ gì thấy được. Ta hãy nghe lời thủ thỉ nhẹ nhàng: "Biết đâu là lời thật/ "Ngày thấy em – tim rơi”/ Biết đâu là lời thật/ Ngôn ngữ người rong chơi/”cứ cuốn hút một cách kì lạ "Sóng lòng dâng gọi mời/ Em nép vào hoang dại/ Thương giọt sương mê mải/ Đu mình trong nắng xanh” (Đâu là tình thật). Chị tỉnh táo chợt nhận thấy vầng trăng kia sao tránh khỏi mây trời: 
"Gieo mầm từ hạt ngu ngơ 
Nhận về giọt giọt dại khờ vọng âm”. 
Cách dùng cặp từ "giọt giọt” trong câu bát như tiếp nối sự dồn đập tăng dần đến đỉnh cao ngẫm ngợi kéo dài dè dặt:
"Lòng trăng từ ấy thôi rằm
Mặc cho đời cứ trăm năm cuộc người
…” 

(Lòng trăng)
Với vốn nữ tính ấp ủ từ trong bào thai, Trần Mai Hường âm thầm tích tụ nỗi buồn trải dài mở ra chiếm không gian lớn hiện hữu từ trong cảm giác, thị giác, thính giác: "Có nỗi buồn ngang gió/ Mộng du vào tóc tôi/ Thấy dại khờ thêm nhánh/ Tua tủa đau đâm chồi/ Có nỗi buồn ngang nắng/ Lung liêng như mới vừa…/ Xõa vào đêm giấc ngủ/ Nhắc những điều chát chua/ Nỗi buồn rơi ngang mắt/ Ánh cười sao lấm lem/ Mở tròn đôi mi khép/  Lần vách đời mà quên”( Nỗi buồn ngang). Thi sĩ dỗ dành hãy cố "Lần vách đời mà quên” không thể cho nỗi buồn ngang choáng ngợp. Bởi chị nghĩ rằng cuộc đời người nào ai trọn vẹn ba vạn sáu ngàn ngày. Mà dẫu có được đến ba vạn sáu ngàn ngày cũng là quá ít. Ta đã đem niềm vui nụ cười đến cho mình, cho những người thân, họ hàng làng xóm…? Lòng tự dặn lòng hãy tự chiến thắng mình dù nỗi buồn ngang cố tình len lỏi:
                    " Buồn ngang chùa gõ cửa
                      Bình tâm như chưa từng
                      Tinh diệu ồ chuông chín
                      Tự lòng thiền ngân rung
” 

                      (Nỗi buồn ngang). 
Và lúc này, nhà thơ thấy yên tâm hơn, có thể thong dong vững bước. Chị bỏ lại sau lưng những nhánh dại khờ giờ đã héo khô, những chồi đau cũng theo thời gian mục rã. 
Nếu như trước đây "Biển ơi sóng khát giấc mềm/ Ta ơi buồn đã đẫm mèm mắt môi”(Đốt miền chay tịnh). Nếu như trước đây 
"Đêm- một giờ
Một giờ năm mươi- đêm
Con chữ nhông nhao điên cuồng đòi thoát xác
Tỉnh-mê lẫn lạc/ Thắp lửa dẫn nhau về…”
(Vào lúc một giờ năm mươi phút). 
Vâng, chị đã bắt con chữ thoát xác đổi mới thi pháp của mình để có một Trần Mai Hường rất riêng, mạnh mẽ lựa chọn tứ thơ diễn đạt không hề khập khiễng cứng nhắc như sự đối chiếu có nét tương đồng của những nhân vật trong một tác phẩm mà GS. Hà Minh Đức đã mạnh dạn vạch ra trong lời thoại của Chí Phèo khi nhận mình mang dòng máu Việt, không hề tuyệt tự: 
"Đừng lầm lẫn tôi với AQ 
Tôi xem thường thằng hàng xóm ấy
Suốt ngày dương dương tự đắc 
Viết không tròn một chữ O” 
(Chí Phèo).
Một lần nữa muốn khẳng định Trần Mai Hường rất chặt tay trong cách lập tứ, chị dùng những thủ pháp nghệ thuật của thi ca để nói lên tiếng nói nữ quyền của mình, của một thế hệ, không hề đắn đo toan tính vụ lợi, không e dè, nhút nhát. Chị viết những điều cảm và nhận được từ trong đất liền, từ ngoài biển đảo. Đó là một thực tế không suy diễn. Không vì thế im lặng làm ngơ. Đó còn là một nhân chứng của lịch sử đất nước của ngày hôm nay.
Tôi cứ đắm mình theo con chữ trong Những ngọn sóng tỏa hương của Trần Mai Hường, nuối tiếc chỉ vì một tập thơ mong mỏng, đếm đi đếm lại cũng chỉ có bốn mươi hai bài. Mỗi bài thơ là một đóa hồng trinh kia, ngan ngát tỏa hương theo cái tình chị chắt chiu gom góp gìn giữ, buộc lòng thổ lộ gởi gắm không một chút ngại ngần, còn tổng hợp cái sắc màu chính là thân lá cánh hoa lung linh mời đón. Cẩn thận thôi, khéo cành hồng có gai mà e dè dùng đến găng tay gom lại một bó làm mất đi xúc giác ban đầu, hãy thư thả từng bài trên trang giấy tận hưởng phút giây êm dịu cho tâm hồn ngát miền xanh. Nơi ấy ngỡ như "Không hình hài”* mà sao chị khẳng định” Có niềm tin nào vô nghĩa…”(Không hình hài), bởi đó còn là "Bí ẩn vỏ sò”* cặm cụi "Hút tìm ban mai xa” (Bí ẩn vỏ sò). Còn nữa, cũng như bao nhà thơ khác chị nào bằng lòng với thực tại. Bởi thực tại là những gì đã trải qua.
Cứ mỗi lần bụi trần vướng lên tóc áo, nhà thơ phải dừng lại suy ngẫm, rưng rưng rồi mới tiếp bước. Tỉnh táo nhận ra làm thơ luôn là sự thể nghiệm, bứt phá. Đó là nhu cầu văn học. Chị chắt lọc những con chữ ẩn mình trên những câu thơ, phả vào đó hồn cốt tinh tế không hề dễ dãi nhưng đôi lúc dùng dằng những từ như "dại khờ, dại khôn, nỗi buồn, buồn ngang, buồn dài, đâm chồi, trỗi dậy, nhú mầm, mùa xanh, nảy xanh,…” ở một số bài thơ đầu trang sách có phải là điểm nhấn hay dụng ý của tác giả. Nhưng điều đó không hề giảm đi giá trị nghệ thuật thi pháp thơ đương đại thiên về hình tượng ngôn từ. Cho nên mỗi câu thơ như cánh chim bay giữa bầu trời cao rộng. Cả bài thơ ngỡ từng đàn tung cánh ở trên không. Có lúc như thể hình cầu vồng lấp lánh, hay ngược là cánh võng đong đưa. Có lúc như đường viền chân trời sinh động biết bao. Đọc thơ Trần Mai Hường ta tìm ra tính hướng thiện, lòng nhân ái gieo trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người. Nhớ những gì cần nhớ để bảo vệ, để tô điểm, gìn giữ nâng niu. Quên những gì phải quên để cho nụ cười luôn nở trên đôi môi khi mỗi người biết xích lại gần nhau yêu thương và chia sẻ. 
Có đọc kĩ Những ngọn sóng tỏa hương của Trần Mai Hường ta mới hiểu được lời nói của Nicôla Ghiden: "Tôi thích xuất bản một quyển sách trong ba năm, hơn là ba quyển sách trong một năm”. Đối chiếu với thời gian tập thơ trước của chị đã xuất bản là năm 2010 là như vậy.
*Tên những bài thơ trong tập.
 20.10.2012 
Nguyễn Thị Phụng 
Theo http://vanthoviet.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...