Kỷ niệm 14 năm Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ
tài hoa với con tim tràn đầy yêu thương giã từ cõi tạm, kính mời quý thầy cô đọc
bài viết của mình đăng trên báo Một Thế Giới. Bài đạt giải khuyến khích trong
cuộc thi viết về Nhạc Trịnh Trong Tôi 2015 chủ đề "Nối vòng tay lớn".
Con người là loài sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình.
Chứng kiến những mất mát của người thân, những chết chóc đau thương trên quê hương đất nước do chiến tranh tàn khốc gây ra, Trịnh Công Sơn, với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, có lẽ là người hiểu rất rõ nỗi cô đơn của phận người và giá trị hàn gắn của tình yêu đồng loại. Buồn thay, nhân loại vô minh dường như vẫn đang từng ngày đánh mất dần thứ tình yêu thiêng liêng ấy. Trịnh Công Sơn buồn bã nhận ra "Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...". Từ đó với trái tim không nguôi "yêu mọi người, cỏ cây, muôn loài", chàng nhạc sĩ tình nguyện dấn thân làm sứ giả nối vòng tay lớn, nối lại những yêu thương tưởng chừng đã rụng rơi đi nhiều trong trái tim người.
Vòng tay ấy khởi đầu từ người mẹ muôn vàn kính yêu và những người em ruột thịt thân thương trong gia đình, rồi vươn tới những bạn bè nhiều thế hệ, thuộc nhiều nghề nghiệp, sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Họ hòa vào vòng tay chàng nhạc sĩ họ Trịnh một cách tự nguyện và đầy thiện chí cứ như đã thân nhau từ kiếp trước, nhóm nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra cũng mang một cái tên thật gần gũi: Những Người Bạn.Tiếp theo thì đến lượt ai? Thử nghe chàng nhạc sĩ trần tình: "Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình" (Tin vào niềm tuyệt vọng). Ra thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận định rằng, ngoài nhạc phản chiến, "Hầu hết thì giờ còn lại đã được Trịnh Công Sơn dành cho tình ca. Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn (Tình ca Trịnh Công Sơn). Thế thì đối tượng tiếp theo trong vòng tay của Trịnh không ai khác mà chính là người tình. Nói cho cùng, một người tình lãng du không đi tìm người tình thì còn tìm ai.Trong tiếng réo rắt của cây đàn lyre, hãy dõi theo Trịnh Công Sơn đi đến với người tình.
Mở đầu thiên tình sử "Đóa hoa vô thường" ta đã bắt gặp chàng khăn gói đi tìm em, tìm rất chân thành và tha thiết: "Tìm trên non ngàn..., tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Tìm lại trên sông những dấu hài..., tìm em xa gần", tìm tận "trong vô thường". Cũng chẳng cao sang gì, em ở đây chỉ "mình hạc xương mai" thôi, nhưng cũng như chàng Orpheus đi tìm nàng Eurydice tận địa ngục, Trịnh Công Sơn không hề ngã lòng: "Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh. Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em". Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi thường rất ngọt ngào: "Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn", và đương nhiên câu chuyện tiếp theo phải là "tôi mời em về đêm gội mưa trong. Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm" để "bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất".Đối diện với quá nhiều mất mát đau thương "người người yêu nhau đã mất nhau trong đời" (Còn có bao ngày), Trịnh Công Sơn luôn mang một nỗi thảng thốt thường trực về phận người để rồi khắc khoải mong "Bàn chân qua phố thấy người" (có một dòng sông đã qua đời", hay "Chờ từng sớm mai thấy lại mặt người" (Còn thấy mặt người). Ông khẩn thiết kêu gọi "Anh em trên khắp địa cầu hãy gần nhau" (Như tiếng thở dài) không ngoài mục đích để "dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới", thứ mà nhân loại đang rất cần để cứu chuộc thân phận, cứu chuộc thế giới. Vòng tay lớn không chỉ kết nối giữa những con người, trái tim người Nghệ sĩ còn mang một tình yêu bao la với thiên nhiên cây cỏ: "Tôi yêu mọi người, cỏ cây muôn loài" (Tự tình khúc). Trịnh Công Sơn từng thổ lộ "Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên,...Tôi là người tình của thiên nhiên" (Phác thảo chân dung tôi). Trong rất nhiều bài hát của mình, Trịnh Công Sơn xem vạn vật như những người bạn, người tình thân thiết. Đối với Trịnh, "góc phố nào cũng thấy quê nhà..., màu hoa lá quen như mặt người" (Tình yêu tìm thấy). Vì thế ông hết lòng "tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng). Không chỉ đi tìm em, Trịnh còn đi "tìm hạt bụi bay trong cuộc đời" (Môi hồng đào), ông khuyên mọi người hãy yêu nhau không chỉ để cho những người tình có nơi nương náu bình an trong trái tim của nhau mà còn để "cho gạch đá có tin vui" (Hãy yêu nhau đi).Trong "Để bắt đầu một hồi ức", Trịnh Công Sơn viết: "Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi". Quả nhiên, không phụ lòng người, đến lượt mình thiên nhiên cây cỏ cũng dang tay bầu bạn với Trịnh, với em: "Đông sang khoác vai tôi những ngày vui" (Môi hồng đào), "Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về..., ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ" (Biển nhớ), "Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ, đường dìu chân em đi..., cây trái níu chân về" (Tuổi đời mênh mông)...
Thiền Phật giáo quan niệm rằng vạn vật đều có phật tính, là người tiếp xúc với giáo lí nhà Phật từ sớm Trịnh Công Sơn hẳn thấm nhuần điều này. Vì thế, không có gì lạ khi thế giới vạn vật trong nhạc Trịnh cũng xôn xao như con người, cũng khát khao "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ). Trong vòng tay nghìn trùng ấy, ta thấy có rừng núi giang tay với biển, có đêm vui đợi ngày, có thành phố tìm đến thôn xa, có "Dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi" (Bốn mùa thay lá)... Dường như thế giới loài người và vạn vật trong nhạc Trịnh Công Sơn hòa quyện với nhau rất khó mà tách bạch. Hát Trịnh Công Sơn đôi khi ta chợt giật mình không biết đâu là cuộc tình giữa tôi với em, giữa tôi với vạn vật hay giữa vạn vật sỏi đá với nhau. Đây là hẹn hò giữa mưa với hoa: "Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà" (Bốn mùa thay lá); đây là cuộc tình rất khẽ giữa sương với phố: "Đêm bước về thật nhẹ, sương khoác mềm vai phố" (Hôm nay tôi nghe); còn đây là khắc khoải giữa thềm đá với mưa: "Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa" (Có nghe đời nghiêng)...Thế đấy, ngày sau ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau" (Diễm xưa) thì không lẽ những con tim đồng loại trong thế giới loài người lại không thể hòa chung một dòng máu mà "lại gần, gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn" (Lại gần với nhau). Thực ra, thế giới vốn dĩ là một thể thống nhất, làm gì có sự phân chia. Trái đất này chỉ như một hòn bi xanh trong vũ trụ bao la, ở đó vạn vật, chúng sinh "vô tình ta cùng chọn nơi này làm quê hương" (Như một hòn bi xanh). Chẳng biết tự khi nào, nhân loại đầy tham sân si bỗng nhiên phân chia thế giới ra làm trăm ngàn mảnh rồi xâu xé giành giật nhau gây ra bao cảnh tang thương, đầu rơi máu chảy.Theo cái nhìn của Phật giáo, vũ trụ là sự vận động và tương tác lẫn nhau của các hiện tượng tiếp nối vô thỉ vô chung, không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng nương tựa vào nhau tồn tại hài hoà nhau. Cùng một ý tưởng với Pháp duyên khởi của nhà Phật, nhà vật lí vĩ đại Stephen Hawking đã phát biểu trong tác phẩm “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể gây ra mưa ở công viên trung tâm ở New-york”. Trong Liên Hoa Kinh, các đại sư của Thiên Thai Tông cũng thường dạy rằng "toàn bộ vũ trụ nằm gọn trong đầu một hạt cải". Thế thì làm gì có sự phân biệt nào trong thế giới này, nói theo cách của Trịnh Công Sơn "Tôi là em và em cũng là tôi" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Thế thì tìm em cũng chính là tìm tôi, tôi kết nối với vũ trụ cũng như tôi kết nối với tôi vậy.Hóa ra, trong cuộc tìm kiếm vĩ đại để "níu tay nghìn trùng", Trịnh Công Sơn đâu chỉ định "nối tròn một vòng Việt Nam". Đất nước, quê hương chỉ là khởi điểm để Trịnh Công Sơn giang rộng vòng tay kết nối cả càn khôn vũ trụ. Và tận cùng vũ trụ ấy, tại nơi chốn cội nguồn, vòng tay Trịnh Công Sơn bắt gặp chính mình. Cuối cùng tôi đã tìm thấy tôi để "nối liền một vòng tử sinh".
Vòng tử sinh ấy đã kết thúc trên một phận người. Đã mười bốn năm Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm mà về với cõi thiên thu linh thiêng để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc thấm đẫm yêu thương vẫn đang từng ngày bền bỉ chảy tuôn như "dòng máu nối con tim đồng loại". Tự nhận rằng "Tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau" (Tin vào niềm tuyệt vọng) nên có một lần, trong Dã tràng ca, ông từng băn khoăn rằng tiếng hót của mình chỉ như là công việc của dã tràng xe cát: "Dã tràng xe cát hoài công...Công dã tràng muôn đời vỡ tan..., trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên". Không gì an ủi ông cho bằng chính lời bạn thân của ông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Anh Trịnh Công Sơn, anh hãy yên tâm nghỉ giấc ngàn thu, giữa những tài năng ngoại hạng đã tích lũy nên di sản văn hóa của nhân loại. Mỗi người nghe nhạc anh đều xây cất một mộ phần cao sang dành cho anh trong tâm tưởng của họ, để từ đó nghe tên anh từ thiên thu vang dội trên nền cẩm thạch".
Và như thế, Trịnh Công Sơn đã nối linh thiêng vào đời.
Con người là loài sinh vật tuyệt đối cô đơn trong vũ trụ này. Hắn sinh ra một mình, bước đi giữa đời một mình và cuối cùng qua bên kia thế giới cũng chỉ một mình.
Chứng kiến những mất mát của người thân, những chết chóc đau thương trên quê hương đất nước do chiến tranh tàn khốc gây ra, Trịnh Công Sơn, với trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ, có lẽ là người hiểu rất rõ nỗi cô đơn của phận người và giá trị hàn gắn của tình yêu đồng loại. Buồn thay, nhân loại vô minh dường như vẫn đang từng ngày đánh mất dần thứ tình yêu thiêng liêng ấy. Trịnh Công Sơn buồn bã nhận ra "Nhân loại, mỗi ngày, đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Đóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...". Từ đó với trái tim không nguôi "yêu mọi người, cỏ cây, muôn loài", chàng nhạc sĩ tình nguyện dấn thân làm sứ giả nối vòng tay lớn, nối lại những yêu thương tưởng chừng đã rụng rơi đi nhiều trong trái tim người.
Vòng tay ấy khởi đầu từ người mẹ muôn vàn kính yêu và những người em ruột thịt thân thương trong gia đình, rồi vươn tới những bạn bè nhiều thế hệ, thuộc nhiều nghề nghiệp, sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Họ hòa vào vòng tay chàng nhạc sĩ họ Trịnh một cách tự nguyện và đầy thiện chí cứ như đã thân nhau từ kiếp trước, nhóm nhạc do Trịnh Công Sơn lập ra cũng mang một cái tên thật gần gũi: Những Người Bạn.Tiếp theo thì đến lượt ai? Thử nghe chàng nhạc sĩ trần tình: "Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình" (Tin vào niềm tuyệt vọng). Ra thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận định rằng, ngoài nhạc phản chiến, "Hầu hết thì giờ còn lại đã được Trịnh Công Sơn dành cho tình ca. Tình ca đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn (Tình ca Trịnh Công Sơn). Thế thì đối tượng tiếp theo trong vòng tay của Trịnh không ai khác mà chính là người tình. Nói cho cùng, một người tình lãng du không đi tìm người tình thì còn tìm ai.Trong tiếng réo rắt của cây đàn lyre, hãy dõi theo Trịnh Công Sơn đi đến với người tình.
Mở đầu thiên tình sử "Đóa hoa vô thường" ta đã bắt gặp chàng khăn gói đi tìm em, tìm rất chân thành và tha thiết: "Tìm trên non ngàn..., tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Tìm lại trên sông những dấu hài..., tìm em xa gần", tìm tận "trong vô thường". Cũng chẳng cao sang gì, em ở đây chỉ "mình hạc xương mai" thôi, nhưng cũng như chàng Orpheus đi tìm nàng Eurydice tận địa ngục, Trịnh Công Sơn không hề ngã lòng: "Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh. Trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em". Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi thường rất ngọt ngào: "Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn", và đương nhiên câu chuyện tiếp theo phải là "tôi mời em về đêm gội mưa trong. Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm" để "bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất".Đối diện với quá nhiều mất mát đau thương "người người yêu nhau đã mất nhau trong đời" (Còn có bao ngày), Trịnh Công Sơn luôn mang một nỗi thảng thốt thường trực về phận người để rồi khắc khoải mong "Bàn chân qua phố thấy người" (có một dòng sông đã qua đời", hay "Chờ từng sớm mai thấy lại mặt người" (Còn thấy mặt người). Ông khẩn thiết kêu gọi "Anh em trên khắp địa cầu hãy gần nhau" (Như tiếng thở dài) không ngoài mục đích để "dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới", thứ mà nhân loại đang rất cần để cứu chuộc thân phận, cứu chuộc thế giới. Vòng tay lớn không chỉ kết nối giữa những con người, trái tim người Nghệ sĩ còn mang một tình yêu bao la với thiên nhiên cây cỏ: "Tôi yêu mọi người, cỏ cây muôn loài" (Tự tình khúc). Trịnh Công Sơn từng thổ lộ "Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên,...Tôi là người tình của thiên nhiên" (Phác thảo chân dung tôi). Trong rất nhiều bài hát của mình, Trịnh Công Sơn xem vạn vật như những người bạn, người tình thân thiết. Đối với Trịnh, "góc phố nào cũng thấy quê nhà..., màu hoa lá quen như mặt người" (Tình yêu tìm thấy). Vì thế ông hết lòng "tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng). Không chỉ đi tìm em, Trịnh còn đi "tìm hạt bụi bay trong cuộc đời" (Môi hồng đào), ông khuyên mọi người hãy yêu nhau không chỉ để cho những người tình có nơi nương náu bình an trong trái tim của nhau mà còn để "cho gạch đá có tin vui" (Hãy yêu nhau đi).Trong "Để bắt đầu một hồi ức", Trịnh Công Sơn viết: "Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi". Quả nhiên, không phụ lòng người, đến lượt mình thiên nhiên cây cỏ cũng dang tay bầu bạn với Trịnh, với em: "Đông sang khoác vai tôi những ngày vui" (Môi hồng đào), "Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về..., ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ" (Biển nhớ), "Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ, đường dìu chân em đi..., cây trái níu chân về" (Tuổi đời mênh mông)...
Thiền Phật giáo quan niệm rằng vạn vật đều có phật tính, là người tiếp xúc với giáo lí nhà Phật từ sớm Trịnh Công Sơn hẳn thấm nhuần điều này. Vì thế, không có gì lạ khi thế giới vạn vật trong nhạc Trịnh cũng xôn xao như con người, cũng khát khao "xin cho về trọ gần nhau" (Ở trọ). Trong vòng tay nghìn trùng ấy, ta thấy có rừng núi giang tay với biển, có đêm vui đợi ngày, có thành phố tìm đến thôn xa, có "Dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi" (Bốn mùa thay lá)... Dường như thế giới loài người và vạn vật trong nhạc Trịnh Công Sơn hòa quyện với nhau rất khó mà tách bạch. Hát Trịnh Công Sơn đôi khi ta chợt giật mình không biết đâu là cuộc tình giữa tôi với em, giữa tôi với vạn vật hay giữa vạn vật sỏi đá với nhau. Đây là hẹn hò giữa mưa với hoa: "Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà" (Bốn mùa thay lá); đây là cuộc tình rất khẽ giữa sương với phố: "Đêm bước về thật nhẹ, sương khoác mềm vai phố" (Hôm nay tôi nghe); còn đây là khắc khoải giữa thềm đá với mưa: "Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa" (Có nghe đời nghiêng)...Thế đấy, ngày sau ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau" (Diễm xưa) thì không lẽ những con tim đồng loại trong thế giới loài người lại không thể hòa chung một dòng máu mà "lại gần, gần lại với nhau, ngồi gần nhau hơn" (Lại gần với nhau). Thực ra, thế giới vốn dĩ là một thể thống nhất, làm gì có sự phân chia. Trái đất này chỉ như một hòn bi xanh trong vũ trụ bao la, ở đó vạn vật, chúng sinh "vô tình ta cùng chọn nơi này làm quê hương" (Như một hòn bi xanh). Chẳng biết tự khi nào, nhân loại đầy tham sân si bỗng nhiên phân chia thế giới ra làm trăm ngàn mảnh rồi xâu xé giành giật nhau gây ra bao cảnh tang thương, đầu rơi máu chảy.Theo cái nhìn của Phật giáo, vũ trụ là sự vận động và tương tác lẫn nhau của các hiện tượng tiếp nối vô thỉ vô chung, không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng nương tựa vào nhau tồn tại hài hoà nhau. Cùng một ý tưởng với Pháp duyên khởi của nhà Phật, nhà vật lí vĩ đại Stephen Hawking đã phát biểu trong tác phẩm “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” rằng: “Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể gây ra mưa ở công viên trung tâm ở New-york”. Trong Liên Hoa Kinh, các đại sư của Thiên Thai Tông cũng thường dạy rằng "toàn bộ vũ trụ nằm gọn trong đầu một hạt cải". Thế thì làm gì có sự phân biệt nào trong thế giới này, nói theo cách của Trịnh Công Sơn "Tôi là em và em cũng là tôi" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Thế thì tìm em cũng chính là tìm tôi, tôi kết nối với vũ trụ cũng như tôi kết nối với tôi vậy.Hóa ra, trong cuộc tìm kiếm vĩ đại để "níu tay nghìn trùng", Trịnh Công Sơn đâu chỉ định "nối tròn một vòng Việt Nam". Đất nước, quê hương chỉ là khởi điểm để Trịnh Công Sơn giang rộng vòng tay kết nối cả càn khôn vũ trụ. Và tận cùng vũ trụ ấy, tại nơi chốn cội nguồn, vòng tay Trịnh Công Sơn bắt gặp chính mình. Cuối cùng tôi đã tìm thấy tôi để "nối liền một vòng tử sinh".
Vòng tử sinh ấy đã kết thúc trên một phận người. Đã mười bốn năm Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm mà về với cõi thiên thu linh thiêng để lại một gia tài đồ sộ những ca khúc thấm đẫm yêu thương vẫn đang từng ngày bền bỉ chảy tuôn như "dòng máu nối con tim đồng loại". Tự nhận rằng "Tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau" (Tin vào niềm tuyệt vọng) nên có một lần, trong Dã tràng ca, ông từng băn khoăn rằng tiếng hót của mình chỉ như là công việc của dã tràng xe cát: "Dã tràng xe cát hoài công...Công dã tràng muôn đời vỡ tan..., trùng dương ơi sao nỡ bỏ quên". Không gì an ủi ông cho bằng chính lời bạn thân của ông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Anh Trịnh Công Sơn, anh hãy yên tâm nghỉ giấc ngàn thu, giữa những tài năng ngoại hạng đã tích lũy nên di sản văn hóa của nhân loại. Mỗi người nghe nhạc anh đều xây cất một mộ phần cao sang dành cho anh trong tâm tưởng của họ, để từ đó nghe tên anh từ thiên thu vang dội trên nền cẩm thạch".
Và như thế, Trịnh Công Sơn đã nối linh thiêng vào đời.
Nguyễn Quốc Túy
Nguồn http://motthegioi.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét