Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Xin giữ gìn màu lúa chín quê hương

Xin giữ gìn màu lúa chín quê hương
Người già em bé
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
NẮNG THỦY TINH
Năm 1967.
Nàng là cô gái mới lớn đầy mộng mơ “Qua công viên mắt em ngây tròn”. Trong giấc mơ của nàng có công chúa và hoàng tử. Nàng sống ở một thành phố biển miền trung. Cuối tuần, nàng đi xem phim nói tiếng Pháp có Tony Perkin, steve Mc Queen, Audrey Hepburn… Đất nước đang có chiến tranh nhưng nàng không quan tâm vì chiến tranh ở quá xa và vì bộ máy tuyên truyền ở miền nam  quá yếu. Ở trường, nàng không được học về lịch sử Việt Nam cận đại. Nàng rất mù mờ vì tình trạng của đất nước và không hiểu tại sao anh em lại cầm súng giết nhau. Nàng yếu đuối và an toàn như con sâu đo, quanh quẩn trong đám cỏ xanh, mặc cho bầu trời sấm chớp báo hiệu một cơn lũ sắp tràn  qua nhấn chìm tất cả.
CHÀNG HÁT RONG VÀ CÂY SÁO THẦN
Cũng năm đó chàng xuất hiện.
Chàng là dân trường Pháp, sống ở thành thị con nhà trung lưu nhưng những ca khúc của chàng lại nói nhiều về ruộng đồng về cây lúa.
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.
Ruộng đồng mà chàng nói đến không yên ả như trong truyện ngắn của Thạch Lam, thơ Bàng Bá Lân. Đó là những  ruộng đồng rất điêu tàn hoang vắng:
Một ruộng đồng trơ đất đỏ
Một đàn bò không luống cỏ
Từ đó nàng mới nhớ rằng da nàng màu vàng, không giống màu da của Romeo và Juliette. Đất nước nàng quá nghèo, chiến tranh, chết chóc đang bao trùm, không thanh bình như thành phố Liverpool của những chàng trai đẹp như thiên thần The Beatles.
Từ đó nàng ý thức rằng, hằng ngày hằng giờ:
Hằng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Từ đó,  trong nàng bừng lên nỗi sợ rợn người  khi nhìn thấy:
Hằng vạn chuyến xe claymore lựu đạn
Hằng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em.
Chàng hát rong nói cho nàng biết như thế nào là “nội chiến” và lớp trẻ như nàng giật mình vì đã:
Ngủ quên, quên đã bao năm
Ngủ quên không thấy quê hương
Từ đó nàng bắt đầu đặt câu hỏi “ai làm ra chiến tranh? Tại sao nước Việt của nàng bi thảm đến như vậy?” Từ đó nàng hiểu như thế nào là  số phận của một nước nhược tiểu.
Cám ơn chàng, những ca khúc mang tên Da Vàng đã làm cho nàng, một cô gái chưa một lần bước chân xuống ruộng hiểu được thế nào là:
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.
CHỜ NHÌN QUÊ HƯƠNG SÁNG CHÓI
Trong cuộc chiến vừa qua, tôi cho rằng chưa có ai khô nước mắt khóc thương cho dân tộc một cách chân thành như Trịnh Công Sơn. Vì vậy không ngạc nhiên khi ông ngây ngất chờ mong hòa bình.
Chờ cho lòng câm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hòa bình đến
Chờ tiếng bom im
Chờ bước chân đi trên những đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền
Trịnh Công Sơn mơ một ngày no cơm ấm áo khi hết chiến tranh:
Chờ khô nước mắt
Chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi những trẻ con không nhà
Hòa bình đối với ông đẹp quá.
Ông  hớn hở “Dựng lại người, dựng lại nhà”
Ta cùng lên đường
Đi xây lại Việt Nam
Nghĩ đến ngày đất nước thanh bình, lòng ông hân hoan, mắt ông rưng lệ:
Lòng mẹ ta  xưa kia bao la như thái bình dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
BI KỊCH TRINH CÔNG SƠN
Chưa có con người Việt Nam nào  được yêu nhiều và ghét nhiều như Trịnh Công Sơn.
Người yêu ông thì đã rõ. Người ta yêu ông vì ông là người chân thật. Ca khúc của ông là những rung động thật đẹp. Đó là tiếng suối chảy tuôn ra từ một cõi lòng hậu nhân hậu của một người
Tôi là ai mà yêu quá đời này
Người  không ưa ông thì cũng  đúng thôi.
Sau chiến tranh đã có bà mẹ anh hùng và bà mẹ da vàng khóc con thảm thiết của Trịnh Công Sơn đã bị lỗi thời.
Chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối
Chờ mong một ngày
Tay ấm trong tay
Sau Chiến tranh Trịnh Công Sơn đã bị ngoảnh mặt làm ngơ và bàn tay của Trịnh Công Sơn  chưa bao giờ được siết chặt.
CÔ BÉ QUÀNG KHĂN ĐỎ
Trong khi Ca khúc Da Vàng chưa một lần được chính thức công nhận ở trong nước, thì ở nước ngoài xuất hiện hàng trăm bài viết kết án Trịnh Công Sơn với những bằng chứng không chối cãi được.
Chính ông đã hân hoan ca ngợi  một nền hòa bình mà với hầu hết người miền nam là nỗi  xót xa, đớn đau, vì mất mát xua đuổi.
Hai mươi năm nhục nhằn đã qua
Hôm nay thấy mặt trời rực sáng
Trong tim người
Trong tim ta
Trong “Đồng Dao Năm 2000” Ông lạc quan:
Đường Việt Nam hôm nay có những bước chân tự do
Đường Việt nam hôm nay sống với nhau thực thà
Theo tôi, Trịnh Công Sơn mộng tưởng tới một ngày hòa bình giống như cô bé quàng khăn đỏ, khi cô hớn hở mang cái bánh thật ngon bước chân trên con đường đầy hoa lá tới ngôi nhà của  bà nội.
Ông không giả dối, không phỉnh gạt mọi người, nhưng ông không ngờ rằng hai chữ hòa bình mà ông hết lòng chờ mong, hết lòng ca ngợi chỉ là bà nội giả mạo..
Trịnh Công Sơn là người sâu sắc nhất khi mô tả chiến tranh nhưng lại là người vô cùng ngây thơ, nông nổi  khi  vẽ bức tranh hòa bình.
VỀ THU XẾP LẠI
Trước khi ra đi trên đường xa vạn dặm ông  trăn trối:
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Cuối đời ông nghĩ gì khi viết:
Có điều gì gần như  niềm tuyệt vọng
Rơi rất gần rơi xuống trong tôi
Mà sao không tuyệt vọng khi sau:
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ*
Đất nước này vẫn còn rất nhiều điều ”vô hình trói buộc dân ta” và tiếng gọi “Cùng lên đường đi xây lại tình thương“ của Trịnh Công Sơn cũng chỉ là tiếng kêu vô vọng trong “Sa mạc nối dài”.
Dầu sao với riêng tôi, tôi vẫn biết ơn ông vì ông đã từng nhắc nhỡ cho tôi một điều vô cùng giản dị:
Yêu  quê hương như yêu đồng lúa chín.
Người con gái Việt Nam da vàng
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
            25/8/2011
             Huyền Chiêu
Theo http://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...