1- Cuối thu, những vạt cỏ ven sông khe khẽ thu
mình lại, yếu đuối và mỏng manh, run rẩy và co ro trước gió. Hình như chỉ có cỏ
là cảm nhận được sự tê tái đang đến thật gần. Cùng với tâm trạng và nỗi niềm của
cỏ, là những hàng tre và con sông duyềnh doàng như không muốn chảy xuôi.
Tôi đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, nhận ra con sông ngày một lười biếng
hơn, mặc dầu nó phải mang trên mình sứ mệnh của thời gian và lịch sử với mỗi
vùng đất nó đi qua. Mặt nước lăn tăn, và dòng chảy chậm rãi, không hăm hở đi về
phía trước như xưa. Đôi lúc có cảm giác như nó ngưng chảy. Cái cảm giác ấy khiến
cho con người lành lạnh, bất ngờ và cô quạnh biết chừng nào. Cái cô quạnh làm
cho sự liên tưởng của con người đến sự rủi ro, bất an và xa vắng...
Tôi đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông,
nhận ra con sông ngày một lười biếng hơn
Dòng sông chứa trong nó bao điều bí ẩn trong đó có cả sự bí
ẩn mà mãi mãi con người không bao giờ có thế hiểu và khám phá nổi. Có những điều
không bất biến nhưng cũng có những điều, sự bất biết luôn là dấu hỏi cho
muôn đời và muôn loài. Con sông sống và tồn tại bởi những điều giản dị dễ hiểu
nhưng cũng bằng sự bí ẩn hoang sơ mà vĩ đại ấy!
Thuở ấu thơ, tôi thường mang những hạt sỏi trắng muốt từ
lòng sông lên, khi thấy dưới ánh nắng, cả vũ trụ lấp lánh bởi tia sáng đặc biệt mà
viên sỏi mang theo. Viên sỏi hình lục lăng, và cũng chính bởi hình khối nó mang
theo ấy mà tôi nhìn thấy vũ trụ xuất hiện muôn vẻ ở các góc cạnh của nó. Nó ẩn
giấu trong mình sự huyền bí, và cả những tinh khôi trong trẻo cũng như sự liên
tưởng của con người.
Tôi đặt viên sỏi lạ và đẹp trên thảm cỏ, dưới ánh mặt trời,
rồi lại phơi nó trong sương. Biết đâu, sự “ngậm sương” bắt buộc và có thể vô
ích này khiến viên sỏi thay đổi diện mạo về màu sắc và tiết lộ sự bí ẩn dưới
lòng sông?
Còn nhớ, ngày ấy, tôi bắt đầu hình dung về một thế giới bí ẩn
và màu nhiệm của cổ tích từ viên sỏi mang từ lòng sông về nhà. Những câu chuyện
tôi tự thêu dệt và kể cho chúng bạn cũng từ viên sỏi đẹp và bí ẩn một cách đặc
biệt này.
Tôi kể cho bạn tôi về những con sóng của biển cả mà chưa một
lần tôi đặt chân tới biển. Nhưng câu chuyện không đầu không cuối ấy là câu chuyện
của viên sỏi trắng muốt tinh khôi kia. Sóng dữ lắm, cao lắm và biển rất rộng. Rộng
đến nỗi viên sỏi đã trôi ra biển đành làm một cuộc hành hương nặng nhọc và vất
vả trở về xứ sở. Nó không có chỗ dung thân. Sự lớn lao đồ sộ và dữ dằn không
thuộc về nó. Ở dưới lòng sông nhỏ, viên sỏi được chở che bởi cát, rong rêu, bởi
những điều kỳ diệu mà dòng sông dành cho nó. .. Viên sỏi kể về những vùng đất
nó đã đi qua.
Sau này nhớ lại, chỉ viên sỏi nhỏ kia thôi cũng khiến
tôi tưởng tượng và “sáng tác” ra rất nhiều câu chuyện cổ tích - dệt thêu mơ ước
cho bạn bè và cho cả chính mình.
Dòng sông đau đớn với những vết thương
trên mình bởi sự tàn nhẫn qua quá trình khai thác cát
2- Còn bây giờ...
Dòng sông lững lờ chảy, đón nhận tất cả, mây trắng và mưa
giông, nắng và bụi, rác và củi khô từ mạn ngược dạt về. Nó đón nhận bình thản
nét đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên được hắt sáng qua tấm gương phản chiếu kỳ diệu
của mặt nước, cũng như cả sự phá hoại của con người. Đó là khi dòng sông đau đớn
với những vết thương trên mình bởi sự tàn nhẫn qua quá trình khai thác
cát, làm biến dạng dòng sông... Ven sông Cầu, từng đoàn thuyền khai thác cát, nạo
vét làm nát cả dòng sông. Những gương mặt lầm lũi, vô hồn bên dòng sông lặng ngắt.
Cái lặng ngắt tĩnh lặng ẩn chứa bao nhiêu điều bí ẩn cũng như hiểm nguy cho con
người.
Cách đây tám năm, cơn lũ từ rẻo cao ập về, đổ ập xuống con
sông này, khiến dòng sông phải bật mình trở dậy. Dòng sông chợt tỉnh thức và giận
dữ bởi sự hòa nhập một cách bắt buộc này. Nó không chịu trách nhiệm về những hiểm
họa của thiên tai, của con người. Bản làng ven sông bị xóa sổ, có cả xác
người trôi dạt trên sông, những thửa ruộng bị lật ngửa, phơi mình lên xơ xác,
tiêu điều...
Mùa lũ, dòng sông lầm lụi với khối củi rác trên mình,
và trong cơn đau của lòng sông đầy cát sỏi, lao về phía trước để hy vọng một
cánh buồm bình yên trong cõi mênh mang. Nó sợ sự cạn khô và mắc níu nửa chừng.
Bằng mọi giá, nó phải đi về phía trước...
Giờ vào cuối thu, dòng sông bình lặng trườn qua những bờ
tre, thảm cỏ, vườn rau ven sông, nó trườn qua cả sự toan tính và mưu sinh của
con người để làm tròn sứ mệnh của mình.
Lâu lắm rồi, tôi đi về trong chiếc thuyền nan. Bến đò trượt
nghiêng trong những ngày hoang vắng và mưa rơi. Có lẽ chưa ở đâu buồn bằng bến
đò lúc chiều mưa. Tôi nhìn qua làn mưa nghiêng, thấy thấp thoáng những bóng người
trùm áo mưa lặng lẽ bấm chân xuống thuyền. Tất cả mong manh, ảo mờ sương khói.
Con thuyền chậm rãi sang ngang, rồi khuất dần sau làn mưa rơi. Con thuyền đi về
bến sông, đã bao năm trôi qua, mang theo nỗi nhớ biền biệt của biết bao người...
Con sóng vỗ duyềnh doàng ngay mép thuyền và cố gắng đẩy con thuyền cập bến.
Những ngày đi học, tôi ngồi trên mép thuyền, cảm nhận sự
chòng chành của con thuyền như chính phận người nơi đây. Bao cuộc đời đã đi qua
con sông này? Bao số phận gắn bó với con sông quê để bất chợt một chiều tỉnh thức,
mới nhận ra mình có lỗi với dòng sông?
Cách đây lâu rồi, con sông Cầu đã vào thi ca và hội họa,
vào những bản nhạc du dương... Chính giai điệu của dòng sông cũng là giai điệu của
bài ca, đã tan vào không gian và ùa vào nỗi nhớ của biết bao người.
Tôi hình dung con sông có dòng nước chảy lơ thơ nằm nép vào
bờ để cho các cô thôn nữ soi bóng mỗi độ thu về. Chỉ có làn nước mùa thu tiết
trời xanh trong và phẳng lặng thì dòng sông mới có thể làm chiếc gương soi
cho thiếu nữ. Bao mối tình đã cùng dòng sông thao thức, và có bao nhiêu chuyến
đò chở hạnh phúc qua sông? Phía bên kia sông Cầu, thỉnh thoảng tiếng còi tàu lại
rúc lên, rơi vào không gian xa thẳm, rơi vào cõi nhớ vu vơ... Nhà máy nhiệt điện
Cao Ngạn nằm nép theo con sông, dùng con sông để làm nhiệt điện và cũng bức
tử con sống, khi bắt nó phải mang trên mình những khí thải chết người của
mình. Con sông không có tội và vệt rau ven bờ, cỏ xanh, hàng cây... kể cả
giấc mơ muôn loài về sự tràn trề tinh khôi của nước cũng không có tội. Sự tàn
nhẫn của con người đôi khi đã trở thành tội ác khiến muôn loài khô khát cả những
giấc mơ sinh tồn chính đáng của mình. Có lẽ trước khi con sông Thị Vải ở phương
Nam bị bức tử, dòng nước cũng đã lên tiếng, trước khi con người lên tiếng.
Chính sự toan tính cạn nông của mình khiến cho con người và muôn loài phải gánh
chịu hậu quả đáng tiếc này.
Tôi đã nhìn những hồ chết, và nhìn cả những dòng sông chết.
Điều còn lại đó là sắc màu đỏ như máu và bụi rác ngập ngụa của những mặt hồ,
dòng sông. Từng đàn cá không còn nơi trú ẩn, sinh tồn, đành phơi bụng lềnh bềnh
chết trắng mặt nước. Những cái chết tức tưởi, thương tâm... Nhưng đau lòng hơn
là những dòng sông, mặt hồ trong veo trở thành nơi kết liễu loài thủy
sinh, kết liễu các sinh vật nước và xóa đi giấc mơ đẹp của con người...
Lúc ấy, tôi ước ao giá như con người đừng quá tham sân si,
đừng quá thực dụng để dòng sông mãi mãi là dòng sông tuổi thơ, êm đềm và nên
thơ trong mỗi con người.
3- Còn bây giờ, trong chiều thu hoang vắng với từng
làn gió hun hút ven sông, tôi nhận ra dòng sông Cầu đang trôi đi cùng ẩn ức. Ẩn
ức của dòng sông khác với con người. Nó không thể phô bạch, nhưng nó khiến cho
ta rưng rưng bởi những ký ức và cảm nhận trong veo một thời đã qua không còn nữa.
Tôi hình dung –vâng, vẫn cứ hình dung để giấc mơ đẹp có quyền tồn tại, rằng ven
bờ cỏ xanh rậm rì kia, từng chú bé chăn trâu ngồi vắt vẻo thổi sáo, sau khi ăn
no căng với chiếc bụng bóng mượt kia, chú trâu đen nhánh sẽ xuống dòng sông để
tắm rồi về chuồng. Từng đoàn trẻ trâu –như những chú lính chì-dong đàn trâu bụng
tròn căng về đường làng. Làng xóm ven sông, xế chiều, bếp từ mái tranh,
khói bắt đầu lan tỏa. Mẹ ra vườn hái rau tập tàng, để làm bữa cơm chiều, cùng với
món cá rô rán câu được ở ao.
Lại có những chiều, cha ra sông mang theo chiếc cần câu, và
buổi xế chiều, mang về hàng xâu cá quả. Mẹ ra vườn hái khế, rau thơm, làm bữa
canh chua. Ngày ấy rất nhiều nhà chưa có điện, chỉ có niềm tin vào hạnh phúc nhỏ
nhoi và sự tụ họp như vậy trong mỗi bữa cơm của gia đình là ấm áp, gợi về một
vùng ký ức thân thương.
Con sông quê... Dưới làn nước trong veo ấy, từng đám mây
rong ruổi, đi qua để trở về nơi vô định. Trong khi dòng sông đêm ngày miệt mài
cùng dòng chảy lao về phía trước thì những đám mây lượn lờ trôi qua. Nó gửi
lại dòng sông một sự mơ hồ nuối tiếc và mênh mang...
Tôi không biết dụng ý của con người khi đặt tên cho những
dòng sông. Nhưng có một điều chắc chắn, dòng sông với những cái tên dung dị như
sông Thương, sông Hồng, sông Chảy, sông Kỳ Cùng, sông Lam... và cả con sông Cầu
quê tôi nữa, đều mang dáng vẻ một cô gái, dịu dàng bí ẩn, kể cả khi giận dữ.
Huyền thoại về dòng sông, cũng chính là huyền thoại về sự
hoang vắng và nỗi nhớ mênh mang của con người...
Linh Sơn
Nguồn Báo GD&TD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét