Hương Ngọc Lan
Ngọc Lan - loài hoa có cái tên thật dịu dàng. Nhắc đến ngọc lan người ta nghĩ ngay đến
loài hoa có sắc trắng ngần và mùi hương thật dễ làm lòng say đắm. Không ngào ngạt
như hoa sữa, không day dứt như lưu ly, hoa ngọc lan chọn cho mình mùi thơm thật
dịu nhẹ. Mùi thơm ấy vấn vương mãi không thôi - ngay cả khi mùa hoa ngọc lan đã
bỏ ta lại với bao hoài niệm vấn vương, bao chờ mong khắc khỏa hương ngọc lan vẫn
lan tỏa đâu đó giữa không gian mà không thôi ám ảnh.
Trước
hiên nhà tôi ngày trước có trồng một cây ngọc lan. Mỗi sáng thức dậy hương thơm
dìu dịu bay vào cánh mũi, len lỏi trong từng ngóc ngách của căn phòng nhỏ, vào
tận chăn ấm như thúc giục hãy thức dậy nào, ngày mới đang đến rồi! Có gì an
yên bằng sớm mai được đánh thức bởi mùi hương của một loài hoa. Mùi hương
ấy là cách bắt đầu một ngày mới thật dịu dàng. Còn nhớ những buổi tối trời đầy
sao tôi cùng ông ra ghế đá ngồi lắng nghe tiếng gió reo ca trong thinh lặng, uống
vài ngụm trà thoảng hương ngọc lan mà thấy lòng mình bình yên đến lạ. Ông tôi
bao năm vẫn giữ thói quen ướp trà bằng hương hoa. Khi cái vị đăng đắng thanh
tao của trà thoáng chút dìu dịu quyến rũ của hương ngọc lan chạm vào đầu lưỡi
chợt làm lòng người se lại. Có những buổi tối chìm trong giấc ngủ, tôi như vẫn
còn nghe thấy đâu đây hương thơm quyến rũ của ngọc lan dìu dịu thoảng trong
gió.
Minh họa: Trà My
Có
một bầu trời phảng phất hương thơm ngọc lan được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ
tôi. Ngày nhỏ, tôi thường cùng chúng bạn ngồi dưới gốc cây chơi banh chuyền,
hái hoa kết thành vòng chơi trò cô dâu chú rể. Những vui buồn hờn giận của tuổi
thơ cũng diễn ra dưới những tán ngọc lan xanh mượt. Biết bao ký ức tuổi thơ bên
những mùa hoa nở đã để lại trong tôi những hoài niệm êm đềm về một thời thơ ấu
trong trẻo có sắc trắng của loài hoa ngọc lan.
Mộc
mạc mà đằm thắm, hoa ngọc lan đã trở thành cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc
sĩ gửi gắm cảm xúc của mình. Có khi là sự thổn thức trong tình yêu: “Có một
loài hoa tên Ngọc lan/Đêm nay hương tỏa giữa mênh mang/Em cài hoa trắng trên
mái tóc/ Len lén mắt nhìn, tim chứa chan…”. Có khi là những nỗi niềm khắc khỏa
tiếc nuối về một mối tình đẹp nhưng chỉ thoảng qua như hương ngọc lan: "Sẽ
tiếc mãi nếu biết lúc chớm đông hoa thơm lụi tàn. Để gió mãi cuốn đi... bâng
khuâng nơi anh hẹn với em…”.
Đến
hẹn lại lên, khi hoa ngọc lan nở trắng cũng là lúc lòng người bồi hồi thương nhớ.
Nhớ về ngọc lan là nhớ về căn nhà nhỏ, nhớ ký ức tuổi thơ, nhớ những con phố trải
đầy sắc hoa ngọc lan đã qua. Mới hôm nào dưới tán ngọc lan hoa chen chúc nở, có
cô em nhỏ áo dài trắng thướt tha bần thần đứng lại. Hương ngọc lan nhẹ nhàng
níu giữ bước chân người…
Qua
bao năm, gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới, xa con phố nhỏ, xa hương ngọc lan
thuở nào. Ngày trở lại, ngọc lan vẫn thế, vẫn chung thủy, vẫn dịu dàng để rồi
làm bâng khuâng những tâm hồn mong manh yêu cái đẹp. Còn đó những con phố hằng
ngày đạp xe đi qua có hoa ngọc lan âm thầm nở. Những đóa hoa trắng tinh khôi
chúm chím dưới nắng hè cứ vẽ lên trong tâm thức những đứa con gái mộng mơ bao nỗi
niềm ao ước. Con phố ngọc lan mỗi chiều ngang qua nào ai biết bao nhiêu tuổi,
hoa ngọc lan nơi đấy nở được bao mùa, chỉ thấy lòng dâng lên nỗi thèm muốn được
níu giữ cái sắc trắng trong ngần và mùi hương quyến rũ ấy bên mình.
Thương
ngọc lan, thương ký ức tuổi thơ, thương tuổi học trò tinh khôi bên những mùa
hoa nở, hôm nay ngang qua lối cũ có người con gái bần thần đứng dưới tán ngọc
lan cuối mùa, tay vân vê từng nụ hoa, cố tìm kiếm trong đám lá xanh như ngọc những
bông hoa e ấp cất vào túi áo để dành…
Nguyên
Hạnh
Theo
http://baodaklak.vn/
Hương Ngọc Lan
Đường cao tốc đầu xuân, mưa
phùn ẩm ướt, cả khu chìm trong mù mưa. Xe xé màn mưa mù reo réo. Nhiều tiếng
phanh ô tô rít lên. Xe máy lầm lụi qua đường, lập lòe, ẩn hiện. Một thanh niên
đi như lẫn vào mưa, gõ cửa ngôi nhà ven đường. Đèn cổng bật sáng.
- Vào đi.
Mái đầu xanh bên cạnh mái đầu
bạc. Phòng khách khá khang trang. Rượu Tây vàng óng ánh. Người trẻ tuổi nhấp một
ngụm lặng lẽ nhìn ra ngoài trời. Tiếng tàu xe vọng vào rõ mồn một. Đến mươi
phút người trẻ tuổi lên tiếng:
- Chướng quá ông ạ. Thật
không ra thể thống gì cả.
Người tóc bạc trầm tư, trên
nửa thế kỷ ở đất này, ông quá hiểu thế nào là sóng gió. Sóng từ đất dội lên trầm
trầm và xoáy lốc. Bao nhiêu quan chức ngậm ngùi. Quan nhất thời, dân vạn đại.
Những thời khắc gian nan chợt hiện về. Thóc thiếu cân, quân thiếu người cũng nhịn
đói nhịn khát mà vắt kiệt cả khu cho đủ. Bắt tay cấp trên mà như cắt từng thớ
thịt mình. Đấy là thời chiến. Thời bình cơn cớ gì bắt nhau làm mẫu. Kẻng gióng
lên, nam phụ lão ấu ra khỏi nhà, hoặc đào mương xẻ rãnh hoặc cày cấy phân gio,
hoặc đến trường đến lớp hoặc ẵm nhau vào cái cũi bốn chân chiều mẹ đón. Thảy đều
như thế, lầm lũi, an nhiên. Mọi thứ gia hạn mà cả với nhau bằng lý lịch. Hôm hợp
tác xã quyết đánh kẻng ăn cơm tập thể các cụ đã chửi ầm ầm: “Cha chúng mày. Từ
cha sinh mẹ đẻ tao không phải tranh ăn với đứa con đen. Thời buổi tôm tép lộn
sòng”.
Khó vậy rồi cũng qua. Đói
quá phải ăn chui làm chui. Ruộng khoán chui, trâu cày chui. Thóc mót của hợp
tác xã mẩy hơn thóc công điểm. Đêm đêm chia nhau rơm về đập lấy hạt thóc sót. Cụ
già bảo: “Phải đổi mùa thôi”. Cờ đỏ bảo: “Tao lờ đi thì chúng mày cứ lấy thật lực
vào”. Mẹ bảo: “Hôm qua phân u-rê ở kho đứa nào chọc tiết mất một tấn”. Bố thở
dài. Bao giờ đàn ông thở dài là bật đèn xanh thôi. Bật đèn xanh tấm tức thế trẻ
con biết sao được. Trẻ con, cứ ra sân kho khắc biết. Đói rã họng còn thi nhau lấy
roi phi lao xóc củ khoai ô bi vút lên trời. Nghe tiếng gió rít mà ca tụng nhau.
Trời xanh thản nhiên. Mấy củ khoai ô bi vút lên như những hạt cát nhỏ lấp lánh.
Vẫn im lặng.
Người trẻ tuổi lại nhấp một
ngụm rượu. Anh ta uống vẻ rất ngon và bình thản. Người tóc bạc trầm tư uống
trà. Cả hai im lặng như hai kẻ độc ẩm. Đêm buông. Mưa bụi rơi.
Sương mù bay kín mặt đường
cao tốc. Tiếng tàu xe phanh gấp. Mọi thứ ở đây đã định hình, cứ lùi lũi tự
nhiên, tự tại. Thì anh trẻ tuổi nói chướng là chướng cái gì. Người tóc bạc bỗng
nhìn thẳng vào người trẻ tuổi cất tiếng.
- Họ đuổi cô Lan đi rồi phải
không?
- Từ hôm qua. Cả hai mẹ con.
Sao ông không lên tiếng?
- Thì cậu bảo tôi phải ăn
nói thế nào?.
Đường vô Thành nội – Bột màu – HS HOÀNG SÙNG
Thì ra ông ấy đã biết cả. Sự
khôn ngoan nào đã níu kéo mọi phản ứng của ông với mẹ con người đàn bà tên Lan.
Sự an toàn. Lòng khinh khi hay vở kịch cần có cao trào, có nút thắt. Ông ấy là
người có quyền hành ở khu. Tất nhiên ông có thể vin cớ rằng trên còn đặc khu,
còn tỉnh lỵ, còn… Và tất nhiên ông ta có thể lấy ngay cái gia đình mẫu mực của
mình ra che chắn, mặc cả. Thế cho nên Lan chả là gì. Cho là ngọc lan cũng vậy cả
thôi. Hương hoa đêm trang sức cho ai khi thân mình trần trụi và cô độc. Lời nói
gió bay hương lan vấn vít níu chân ai một khắc một đêm còn một đời lại là chuyện
khác. Người trẻ tuổi vân vê ly rượu óng vàng chợt thấy trên bàn mấy nụ ngọc lan
chụm đầu trong khay trà. Thì ra hương hoa thầm thì nãy giờ ở đó. Người tóc bạc
nhìn phía trời sương. Thi thoảng tiếng ô tô rít phanh gấp gáp đầy bất trắc.
Các dự án đổ về khu. Những
con mèo thi nhau chết dần trên bàn tiệc vì thị hiếu của các chủ dự án. Những
con chó không cắn đêm hoặc ngày vì nhiều lý do. Đám con gái bỗng nhiên thấy
mình quan trọng. Mở miệng thành công nhân. Hò hẹn thành đối tác, thành một phần
đời của ông chủ. Rồi thì có thai. Chẳng sao. Rồi thì kiện cáo. Cũng chẳng sao.
Con gái biết mặt đô la sớm hơn đàn ông và thành thạo nắm vững thời giá. Ai bảo
họ một tuần không biết thời trang. Kể cả là trang sức. Bản cửu chương không thuộc
nhưng thuộc vé, thuộc cây, thuộc vàng tây vàng ta rồi còn thạo đổi chác, đơm đặt
biết mấy. Khi trượt xuống dốc không cần ai đó phải dạy dỗ ai.
Cây ngọc lan đứng một mình.
Khi người ta chén hết phần thịt cũng là lúc bộ xương hiện ra. Ừ nhỉ, thì đã
thơm một thời, nhiều thời. Ừ đã trẫm mình vào tuổi cụ tuổi kỵ đồng dao đồng vọng.
Đã bất tử còn sợ gì chết nữa. Nhưng mà… chướng mắt lắm. Doanh nghiệp nào cũng
bảo: “Ừ có cụ thơm đấy nhưng anh em cần mặt bằng, nhìn mắt cấp trên đang thấy cụ
là gai đấy”.
Hoa lan lặng lẽ tỏa hương
cũng là nước mắt truyền kiếp của mình. Người đàn bà góa và cậu con trai ở nếp
nhà nép dưới gốc lan đi đến đâu hương lan tỏa đến đó. Người đàn bà cũng đã già,
lưng đã sọm chỉ đôi mắt như ngơ ngác, thảng thốt là trẻ trung đến vô tình. Còn
cậu bé đã bắt đầu lớn vổng lên vào mấy mùa lan trước. Cậu hái lan cho mẹ bán.
Hoa lan bán chẳng được bao nhiêu. Trước đây người ta thường đến nhặt hoa lan rụng
để về ướp trà, có mua cũng gọi là.
Cây lan ngày một cao lớn và
vâm váp. Cây đứng ở đấy đã 50 năm, 100 năm hay lâu hơn chẳng ai biết đích xác.
Khi những người còn sống hiện tại ở khu sinh ra đều thấy cây có mặt rồi. Những
cụ cao tuổi trong khu Tết Trung nguyên nào cũng đem chậu thau đồng đặt dưới gốc
hoa lan chờ lan rụng thắp hương rồi lầm rầm khấn vái. Các cụ bảo đây là nơi
lính Pháp chặt đầu nghĩa binh của cụ Tán Thuật khi cuộc khởi nghĩa ở vào giai
đoạn suy vong. Lúc cụ Tán giận dỗi chém đá ở phương Bắc cũng là lúc những dũng
binh cuối cùng ngã xuống gốc lan của khu. Máu những nghĩa binh cật ruột đã thấm
vào từng thớ đất và nhân vật sống chứng giám lại là loài cây chỉ biết dùng
hương của mình thả vào trời đất.
Dân trong khu đồn đất chỗ
cây lan rất thiêng. Trẻ con nghịch ngợm vặt lá trộm hoa thoải mái không sao mà
khi anh chị nào đêm hôm tìm ra chỗ thanh tịnh này sàm sỡ y như rằng hôm sau nửa
tỉnh nửa điên phải đem hương hoa lễ tạ mãi mới khỏi. Hồi còn Tây có một chuyện
là Lý trưởng họ Phạm lừng lẫy một thời say rượu về đến gốc lan thấy cô nàng bán
chè mạn Kinh Bắc đi qua toan giở thói cuồng của kẻ say cưỡng bức bỗng chốc
trúng gió ngã vật xuống chết bất đắc kỳ tử, gia đình sợ bị kiện giấu nhẹm vẫn bị
cánh Lý Phúc bới móc, đe loi về sau ruộng vườn mất sạch, vợ con ly tán chẳng
còn ai. Ngay như thời chống Mỹ, có cậu đi B không hiểu thế nào thành “B quay” về
đến gốc lan thì chân không bước được cứ đứng ì ra mất mấy hôm gia đình phải làm
lễ tạ, lại phải hứa đem trả tận cho đơn vị mới cất được bước. Huyền thoại xung
quanh gốc lan rất nhiều cái như chưa muốn kết thúc mà gần đây khi nhóm doanh
nhân bức xúc về mặt bằng đã cùng nhau kiến nghị lãnh đạo khu cho họ mở một con
đường cắt qua khoảnh đất có cây lan và lạ lùng thay, nhân sự 3 trong số 9 doanh
nghiệp bỗng dưng bị bắt với tội danh mờ ám về kinh tế, câu chuyện đang làm đau
đầu lãnh đạo khu.
Đứng đầu khu là người đàn
ông xuất hiện phần đầu câu chuyện, ông ta tên Tứ, người đời gọi yêu là “Tứ bất
tử”. Bộ đội chống Mỹ, lính đặc công. Ngang ngạnh, ương bướng nổi tiếng với cả cấp
trên và cấp dưới. Hồi mới gây dựng khu các cụ bảo: “Làm ăn gì nó, chỉ giỏi
phá”. Hôm sau Tứ “bất tử” trân trọng mời tất cả các cụ đến hội trường rước lên
xe ô tô chạy ba bốn vòng quanh các đồng ruộng của khu xong lại rước về hội trường
kính cẩn hỏi: “Quê ta lúa dư 10 tấn chứ không phải 5, đất đai trù phú, truyền
thống dày dặn, con người giỏi cả văn lẫn võ. Vậy với tư cách người dân xin hỏi
các cụ: Tại sao đến bây giờ vẫn nghèo?”. Các cụ nhìn nhau rồi bảo: “Tại lãnh đạo
các anh chứ ai”. “Mời các cụ nói rõ hơn ạ”. “Rõ cái gì. Rõ là không năng động,
bè phái, nhậu nhẹt”. “Các cụ nói đúng lắm. Kể từ hôm nay doanh nghiệp nào vào,
tôi trải thảm đỏ. Ai bè phái tôi cách chức. Ai cản trở công việc trên, kể cả có
sự giật dây của dòng họ nào, ô dù nào, tôi sẽ xử lý. Ngay trong năm nay không
kiếm ra tiền tỷ, tôi xin đến gốc lan cho các cụ chặt đầu”. Chà chà, ăn với chả
nói cứ như phường lục lâm thảo khấu. Khẩu khí rõ oai vệ, phách lược. Dĩ nhiên,
chuyện nhậu nhẹt vẫn phải kính các cụ, vẫn phải có cỗ để các cụ xơi, để mà “Ừ,
cũng phải thông cảm cho nó. Mất cái này, được cái kia”.
Ông “bất tử” đi vào bất tử
thật. Toàn khu thay da đổi thịt từng ngày. Không phải tiền tỷ mà hàng chục,
hàng trăm tỷ nộp ngân sách cho Nhà nước. Không phải hàng chục mà hàng trăm
doanh nghiệp kéo về. Về theo nó là đủ mọi thứ trên đời. Xi-ranh con nghiện vứt
ngập các bãi rác, xó xỉnh. Không ngày nào không có vụ đánh lộn, say rượu và trộm
cướp. Công an khu cực kỳ căng thẳng. Đã từng phụ trách công an hồi còn làm phó
khu, ông “bất tử” thiếu gì mẹo mực, mà vẫn như ngồi trên chảo lửa. Điện thoại
réo suốt ngày. Một hôm có vị cấp trên về thăm khu, dân bu đến chất vấn, điện
thoại khu trưởng reo. “Tôi khu trưởng xin nghe đây”. “Nghe cái con khỉ, đến mà
dạy dân của anh. Loạn, loạn hết rồi”. Nhận ra giọng của vị quan trên, “Tứ bất tử”
không kìm nén được, xổ thẳng: “Không phải dân của các anh hay sao. Các anh hạ lệnh
chúng tôi phải tiến lên, phải khai mở, mà mới tắc đường tí chút đã gắt om lên.
Thưa ông anh, xe ông anh có máy lạnh xin mời cứ ở đấy. Dân hỏi thì trả lời thẳng
họ”. Máy cúp. Khu trưởng mặt đỏ gay lộp cộp đi lại trong phòng. Ông biết sóng
gió sẽ nổi lên. Biết làm sao được. Thì sóng gió vẫn nổi lên đấy thôi.
Dặn dò mấy vị phó tiếp đón cấp
trên xong, ông lững thững đạp xe thẳng vào khu. Từng dãy nhà xưởng san sát,
chình ình như lũ cá sấu nằm đang thở khói lên trời. Những tòa nhà cao tầng
phòng ốc sang trọng, biển hiệu sáng choang phô phang dưới cái nắng đầu hè gay gắt.
Đang giờ làm, chỉ tiếng máy ình ình, rào rào như lứa tằm sông Lăng thơ bé. Ông
quặt xe vào một lối nhỏ, một mùi hương dễ chịu ùa đến với ông. Hương ngọc lan.
Hương hoa đã theo suốt đời ông. Ấu thơ, rồi trận mạc. Vinh quang rồi nhục nhã vẫn
chỉ mùi hương ấy. Căn nhà rất nhỏ hiện ra tinh khiết. Không ình ình, rào rào.
Không tiếng còi xe. Không cả chuông điện thoại. Chỉ thoang thoảng một mùi hương
níu bám bão hòa cả không gian.
Người đàn bà hiện ra ở cửa,
gầy guộc, mong manh nhưng thơ thới đăm đăm nhìn ông, nhìn cái dáng hộ pháp quen
thuộc, cả cái mùi nồng nã hôi hôi của ông như đang tỏa ra từ chiếc xe đạp Liên
Xô cũ kỹ, trần trụi. Ánh mắt người đàn bà thảng thốt.
- Người ta cách chức ông rồi
phải không?
- Chưa. Nhưng tôi sẽ từ chức.
- Từ chức? – Người đàn bà lẩm
bẩm: “Từ chức thì hay ho gì?”.
Người đàn ông không nói, lặng
lẽ rút thuốc lá ra hút.
Họ ngồi với nhau ngay bậc đá
đầu hè, dưới gốc lan già. Cả căn nhà, cả hai người như bé lại dưới tán hoa lan.
Ấm trà được ủ rất khéo trong
chiếc giành tre đen bóng. Bộ chén gỗ mít nhẵn thín như sót lại từ thuở hồng
hoang trật tự với vị trí của mình. Không biết hương lan từ chén trà hay từ
không khí thấm vào đầu lưỡi ông. Ông nhắp liền mấy chén, lặng lẽ châm thuốc
hút.
- Thằng bé dạo này học hành
thế nào?
- Bé bỏng gì nữa, cuối năm
nay tốt nghiệp.
- Ừ, mà người ta đến làm khó
dễ bà lắm phải không?
- Khó dễ gì cũng là quyền
tôi – Người đàn bà nhìn ra xa – Cuối năm nó tốt nghiệp đi làm, tôi tự rời khỏi
đây. Chả cần họ đuổi.
- Không được! Bà định đi
đâu?
- …
- Tôi còn sống người ta sẽ
không dám làm gì bà. Bà không tin tôi sao?
- Còn đi đâu. Tôi vào chùa
Lăng ở với các đồng đội. Giọt máu của bạn ông đã trưởng thành, ông còn ép gì
tôi nữa.
- Bà vẫn giận tôi.
… Hai người lại chìm vào im
lặng. Chỉ mùi hương xen mãi, xen mãi vào ký ức. Những tháng ngày thơ ấu nhông
nhổng trên lưng trâu lê la quần thủng áo vá lặn ngụp trên sông Lăng. Những đêm
hè trăng vàng vằng vặc cấy lúa hái sen rồi thiếp ngay trên vạt đê làng sau những
trận hò í ới gán ghép tùm lum. Lũ con nít ai cũng phục tài anh Tứ cán bộ Đoàn
hát hay đàn giỏi mà mấy cô thôn nữ cứ đấm lưng nhau thùm thụp, má đỏ bồ quân. Rồi
tổng động viên. Anh cán bộ Đoàn con một gia đình liệt sĩ xung phong lên đường.
Những cánh rừng dài theo chiều dài Tổ quốc vun vén và tiếp sức, chở che và
khích lệ các chiến binh. Những trận đánh tao ngộ trên các kênh rạch chằng chịt
vùng ven Đồng Tháp để bất đồ “nhặt được” đồng hương “hoa lan” trong buổi chuyển
thương thằng bạn lên “R”. “Ủa. Phải anh Tứ sông Lăng không?”. “Tứ, Tứ sông Lăng
chính hiệu đây. Em là…”. “Lan, con dì Huệ xóm Đồng đây. Ở nhà nghe nói anh hy
sinh rồi”. Rồi cô nhìn Tứ, dạn dĩ, tò mò. “Ui cha. Em lớn quá. Thanh niên xung
phong hả. Bọn anh lính đặc công sao chết dễ thế được. Bạn anh nè, đạn bắn mãi mới
bị thương một giò. Giò lớn thôi. Các giò kia nguyên một cây”. Người con gái chợt
đỏ mặt nhìn xuống. Chàng thương binh cũng không nén được nhăn nhó cười mấp máy
“Con xin cha nội. Đồng hương dễ thương quá mà cha cứ ào ào như với mấy mẹ gái
góa trong nầy. Mấy bữa nữa về kỷ luật đó nghen”. “Ừ, kỷ luật. Mà phải để Tứ này
kỷ luật A trưởng mới hay. Cố gắng lên Lan à”. Tứ nháy mắt đẩy chiếc xuồng xuôi
dòng kênh rồi nhảy phắt lên bờ trông theo. Lan muốn nói thêm nhưng nước thuận
dòng, xuồng trôi rất nhanh… Thế mà đã hai mấy năm. Từ cuộc chiến tranh bước ra.
Người ta trở về với vinh quang. Lan trở về với sự im lặng và một thằng bé con.
Đội trưởng sản xuất Tứ vẫn sắp xếp công việc cho Lan bất chấp sự xì xèo. Rồi suốt
hàng chục năm lo cho cái dạ dày đói chả ai để ý đến ai còn hơi đâu hành tỏi.
Lan cất một chái nhà nhỏ dưới gốc lan già. Một số người phản đối, Tứ bảo: “Ở đấy
nếu thần linh phản đối thì tự cô ấy đi. Người ta gia đình chính sách”.
Sự tốt bụng của Lan xóa nhòa
mọi đố kỵ và ganh ghét, nhưng đố kỵ và ganh ghét cũng giống như cái tốt, diệt rồi
chúng lại tự nảy sinh, chẳng buông tha cái tốt cũng là chuyện bình thường, bao
giờ cũng đang tiếp diễn…
Đã rất lâu, người đàn bà mới
lên tiếng.
- Ông cũng nên nhường người
ta một bước. Mình còn trẻ trung gì.
- …
- Đằng nào người ta chả chiếm
bằng được chỗ này. Thời thế bây giờ nó khác.
- Bà trách tôi rước họ vào
đây ư? Rồi phù thủy không điều khiển được âm binh ư…?
- Không. Ông làm thế là
đúng. Mọi việc phải như thế. Trời đã định phải như thế rồi.
- Ông lẩm cẩm mất rồi. Trước
ông chả bảo quá khứ và tương lai mới quyết định là gì…
Công văn, giấy tờ, các văn bản
chỉ đạo, cả các đoàn thanh tra, kiểm tra liên tiếp về khu. Cán bộ khu đã bận
càng trở nên bận rộn tối mắt tối mũi. Vậy mà cứ hết giờ hành chính, ông trưởng
khu xin lỗi tất cả đạp xe vào con đường nhỏ ngay sát mọi ồn ào náo hoạt. Đã lâu
ông không dùng đến chiếc xe hơi. Xe vẫn lăn bánh cho các công việc của khu. Các
cán bộ thuộc quyền ông đều là những người chính trực nên mọi sự thanh tra, kiểm
tra diễn ra hết sức nhanh chóng. Vấn đề mấu chốt còn lại là tại sao một con người
luôn luôn đi tiên phong đến bất chấp trong việc tạo điều kiện mời các đối tác về
như ông “bất tử” lại không đồng ý giải phóng một mảnh đất nhỏ con con có cây
lan án ngữ trước sự kiến nghị quyết liệt của hàng chục đối tác quan trọng, kể cả
sức ép của một số vị cấp trên. Văn bản giải trình lên trên của ông quá đỗi đơn
giản và không ăn nhập với sự việc cũng như trình độ lý luận của ông. Nó lạ lùng
như sau:
… Về việc giải phóng mặt bằng
điểm K, tôi không đồng ý chừng nào tôi còn tại chức. Tôi nghĩ là các anh đã
không hiểu tôi…
Năm năm sau.
Tôi, người viết truyện ngắn
này chính là chàng trẻ tuổi trong đêm mưa vào hỏi ông về việc mẹ con cô Lan.
Ngay sau đó tôi trúng tuyển một cua du học nước ngoài. Năm năm sau trở về nước,
ngay trên máy bay, đọc tờ báo ngày bỗng thấy có tin cáo phó về ông, người trưởng
khu, người bạn vong niên của tôi. Tôi đặt tờ báo xuống ngồi lặng đến mươi phút.
Mọi suy nghĩ về ông, về quê hương cứ tràn lên, tràn lên. Tôi mở máy tính và gõ,
gõ… Thiên truyện này được hoàn thành trước khi tôi đặt vòng hoa đến đám tang
ông.
Đám tang rất đông người đưa
tiễn. Cả người lạ và người quen. Không phải ngày nghỉ mà hàng ngàn công nhân trẻ
của khu đi sau linh cữu ông. Không biết từ đâu, mùi hương hoa lan quen thuộc
thoang thoảng, phảng phất đằm dịu ngấm đến. Dường như đoàn người ai cũng cảm thấy
mùi hương. Chắc hẳn cây lan mà ông cố giữ vẫn còn, chắc bây giờ xum xuê lắm.
Đoàn người rẽ vào lối nhỏ ấy trước khi tiến ra nơi chôn cất. Vẫn nếp nhà nhỏ
nép dưới bóng cây lan. Một trời hoa lan nở trắng. Mọi người cúi đầu yên lặng.
Tôi khe khẽ cúi đầu. Giây lâu, khi tất cả đoàn người ngẩng lên thì trước cửa hiện
ra một người đàn bà mỏng mảnh, thân thuộc. Cô Lan! Trời ơi! Chỉ có điều cô Lan
với bộ quần áo nâu sồng…
Phùng Văn Khai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét