Trong bốn mùa của một năm thì có lẽ mùa
thu là mùa đẹp nhất. Đó là khoảng thời gian kết thúc cái oi nồng của mùa hạ,
chưa kèm theo mưa dầm gió bấc của mùa đông. Đó là mùa có gió thu se se lạnh,
sương thu mờ ảo, “Trăng thu bạch, khói thu xây thành” (Tản Đà). Ta hiểu vì
sao, tự cổ chí kim, mùa thu luôn là mùa của cảm xúc, của thương nhớ. Song tiếng
thu ở mỗi người, trong mỗi thời đại lại mang những màu sắc khác nhau, tạo nên
vô vàn những bức tranh thu mà trong đó cảnh thu, tình thu đều thật đẹp, thật độc
đáo.
Trong làng thơ Việt Nam sau Nguyễn Khuyến,
Tương Phố, Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu... đều có những bài thơ thu nổi tiếng.
Tuy vậy giữa Tam nguyên Yên Đổ và các nhà thơ Mới đã có một khoảng cách. Thơ
thu của Nguyễn Khuyến là thơ của làng cảnh Việt Nam đậm đà chân thực dù tác giả
có gửi gắm vào thơ ít nhiều tâm sự. Thơ thu của các nhà thơ Mới từ Giọt lệ
thu( Tương Phố), Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) đến Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) chỉ mượn cảnh thu, sắc thu, màu thu, tiếng thu để gửi gắm tâm trạng
đượm buồn hay lưu luyến bâng khuâng trước cảnh đất trời đã chuyển sang thu. Đó
là sự khác biệt của tiếng thu thuộc hai phạm trù văn học: phạm trù văn học
trung đại và phạm trù văn học hiện đại. Chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt
này qua hai thi phẩm độc đáo nhất viết về đề tài mùa thu: Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) của phạm trù văn học trung đại và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) của phạm trù văn học hiện đại.
1. Sự khác biệt về đặc trưng phạm trù văn học
Phạm trù văn học trung đại là sản phẩm của
hình thái xã hội phong kiến, là hình thái văn hoá thuộc thời đại phong kiến vốn
mang tính chất khu vực, chưa có tính chất toàn cầu, chịu sự chi phối của ý thức
hệ phong kiến.
So với phạm trù văn học trung đại, phạm trù
văn học hiện đại đã đổi mới khác hẳn dù vẫn có sự kế thừa tiếp nối phạm trù văn
học trung đại. Nó là sản phẩm của hình thái xã hội mới: Xã hội thực dân nửa
phong kiến trong đó quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dù mang tính chất thuộc địa
nặng nề, vẫn chi phối đời sống xã hội nhất là ở các đô thị lúc này một cách rõ
rệt, đã là môi trường tồn tại chủ yếu của văn học.
Là sản phẩm của hai phạm trù khác nhau, Thu
vịnh (Nhuyễn Khuyến) và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) có
những điểm khác biệt cơ bản sau:
Nguyễn Khuyến là một nhà nho, chịu ảnh hưởng
sâu sắc của ý thức hệ phong kiến và công chúng của ông chủ yếu cũng là nhà nho.
Xuân Diệu là một trí thức Tây học ly khai với ý thức hệ phong kiến, chịu sự chi
phối của ý thức hệ tư sản (Trước Cách mạng tháng Tám), công chúng chủ yếu của “Nhà thơ Mới nhất trong những nhà thơ Mới” ấy chủ yếu cũng là những trí thức tiểu
tư sản. Nếu Nguyễn Khuyến gần với Khuất Nguyên, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Vương Thực Phủ,
Tào Tuyết Cần ... thì Xuân Diệu lại quen thuộc với Lamactin, Veclen, Bôđờle,
Vichto Huygô ...
Thu vịnh của Nguyễn Khuyến được sáng tác
bằng chữ Nôm - một trong hai thể loại văn tự được sử dụng ở nước ta thời phong
kiến, được viết theo thể loại thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Đây mùa thu tới của
Xuân Diệu được viết bằng chữ quốc ngữ, theo thể thơ tự do. Điều này khiến Thu
Vịnh mang tính chất định hình nghiêm ngặt, chặt chẽ, gò bó của thơ niêm luật,
còn Đây mùa thu tới tự nhiên, sinh động theo qui luật tự do trong sáng tạo
của Thơ Mới.
Là sản phẩm của phạm trù văn học trung đại, Thu
vịnh của Nguyễn Khuyến mang tính qui phạm, tính ước lệ, tượng trưng, bác học,
sử dụng điển cố văn học cổ Trung Quốc; còn Đây mùa thu tới, hơi thở của
văn học hiện đại đã mang lại cho tác phẩm một phong cách ngôn ngữ hiện đại.
Trên phương diện quan điểm nghệ thật, Thu
vịnh giống như bao bài thơ khác của văn học trung đại chủ yếu thực hiện chức
năng giáo huấn với quan điểm quen thuộc “Thi dĩ ngôn chí”, thế nên bài thơ ắt
phải kết thúc bằng hai câu thơ có chiều sâu tư tưởng như thế này:
Nhân
hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Đây mùa thu tới lại là thi phẩm chủ yếu
thực hiện chức năng thẩm mỹ và chức năng nhận thức. Với Xuân Diệu mùa thu được
cảm nhận với tất cả vẻ đẹp rực rỡ và u buồn nhất của nó như là một hiện tượng
thẩm mỹ trong thế giới tự nhiên. Qua đôi mắt của một nhà thơ tình lãng mạn luôn
khao khát yêu, khao khát sống và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế, thì Đây
mùa thu tới còn là sự thể hiện quan niệm của thi nhân về cuộc sống, về thời
gian hữu hạn của đời người...
Nếu Thu vịnh là kết quả của một cái
tôi nhân bản chịu sự chi phối khắt khe của tư tưởng phi ngã trong văn học trung
đại, thì Đây mùa thu tới là sự thể hiện của cái tôi cá thể giàu cảm
xúc, một cái tôi trữ tình được giải phóng triệt để.
Những sự khác biệt trên đã mang lại cho chúng
ta hai bức tranh thu đẹp tiêu biểu cho vẻ đẹp của mùa thu trong thơ ca
trung đại và thơ ca hiện đại.
2. “Thu vịnh” là bức tranh thu đậm đà, chân
thực
Cùng với Thu điếu và Thu ẩm,
Thu vịnh đã tạo nên bức tranh thu ở làng quê Việt Nam đậm đà, chân thực dù
tác giả có gửi gắm vào thơ ít nhiều tâm sự.
Trong chùm thơ “nức danh” về mùa thu của Tam
nguyên Yên Đổ, bài Thu vịnh “Mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái
thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao. Mang cái thần của cảnh mùa thu.” (Xuân Diệu)
Nếu Đây mùa thu tới bắt đầu bằng một
cảm nhận mang tính chủ quan, thì Thu vịnhdường như được mở ra bằng một sự
miêu tả tương đối khách quan:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần
trúc lơ phơ gió hắt hiu
Cảnh thu được cảm nhận từ cao xa đến gần rồi
từ gần mở rộng đến cao xa. Từ bầu trời cao, tác giả quan sát cảnh vật thấp dần:
cành trúc, mặt nước, chùm hoa trước dậu, bóng trăng qua khe cửa. Từ mặt đất,
nhà thơ lại hướng tới bầu trời với tiếng ngỗng trên không. Bức tranh thu được
miêu tả ở những thời điểm khác nhau: một buổi sáng, một buổi chiều, một đêm
trăng. Không gian có tầng cao, tầng thấp, có mầu sắc, có âm thanh: trời thanh,
nước biếc, trăng thưa... Tất cả đều đượm màu thu, mang cái hồn của cảnh vật, cái
thần của mùa thu.
Không giống như Xuân Diệu trong Đây mùa
thu tới đã đi vào miêu tả bức tranh thu trong sự chuyển mình vô cùng tinh
tế của đất trời, ở Thu vịnh, thi nhân đã dùng vài nét chấm phá trong
thơ cổ mà phác nên bức tranh rất đơn sơ mà vô cùng sinh động về mùa thu ở làng
quê Việt Nam với trời, nước, trăng, hoa ...
Trời
thu xanh ngắt mấy tầng cao
Làm nền cho bức tranh thu là bầu trời “xanh
ngắt”, một màu xanh không gợn, không pha tạp, thanh cao, trong sáng, thăm thẳm,
huyền diệu. Nghệ thuật bồi thấn, nhấn thêm vào độ cao của trời “mấy tầng cao”
càng đẩy bầu trời lên một tầm cao vời vợi, một tầm cao hút mắt.In trên nền trời
thu bao la là dáng măng trúc uốn cong như chiếc cần câu, lá lưa thưa, phất phơ
theo làn gió nhẹ:
Cần
trúc lơ phơ gió hắt hiu
Các từ “lơ phơ”, “hắt hiu” gợi cảm giác về
những làn gió heo may của không khí chớm thu ở Bắc Bộ. Nhờ dáng măng trúc, bầu
trời thu vì thế mà cao nhưng không xa, không gian thu chỉ đủ se lạnh chứ không
lạnh lẽo, rợn ngợp.
Trên là trời thu, dưới là nước thu:
Nước
biếc trông như tầng khói phủ
Câu thơ gợi hình ảnh mặt nước mùa thu vào lúc
sáng tinh mơ hay buổi chiều tà khi mặt trời đã khuất? Thật khó mà xác định được
bởi ở hai thời điểm ấy “nước biếc” đều in nền trời xanh ngắt và trời se lạnh,
nước bốc hơi tạo cảm giác trên mặt nước như có tầng khói phủ. Câu thơ với độ
nhoè về thời gian đã tạo nên sự hư thực, huyền ảo của cảnh thu.
Trời thu và nước thu, đó là hai nét vẽ đã trở
thành cổ điển của thơ xưa khi thể hiện cảnh thu. Thơ Đường đã có những câu bất
hủ về trời thu, nước thu: Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc (Sông
thu cùng với trời thu một màu). Truỵên Kiều cũng có những câu thơ tuyệt hay:Long
lanh đáy nước in trời - Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng. Ở
đây Nguyễn Khuyến đã tiếp thu truyền thống mỹ học của thơ ca cổ đồng thời có những
sáng tạo riêng để viết nên những câu thơ đầy ấn tượng về nước trời mùa thu.
Cách miêu tả cổ điển này ta sẽ không còn thấy nữa trong Đây mùa thu tới của
Xuân Diệu.
Sau thu thiên, thu thuỷ là thu nguyệt. Xưa
nay trăng vốn là bạn của thi nhân:
Song
thưa để mặc bóng trăng vào
Câu thơ gợi cảm giác thanh, nhẹ. Nhà thơ viết
“song thưa” mà ta cảm nhận bóng trăng dường như cũng thưa, mỏng, nhẹ nhàng, bảng
lảng lan toả trong không gian. Với hai từ “để mặc” trăng
thu như đã trở thành người khách quen thuộc của thi nhân. Hình ảnh ánh trăng ở
đây không được nhân hoá trực tiếp nhưng cũng mang hồn người, thân quen, gắn bó
với con người.
Trong bức tranh thu cổ cũng không thể thiếu
được hoa thu. Chỉ có điều, tác giả không chi tiết như Xuân Diệu về cành cây, sắc
mầu: Hơn một loài hoa đã rụng cành - Trong vườn sắc đỏ rũa mầu xanh, mà chỉ
có gợi:
Mấy
chùm trước dậu hoa năm ngoái
Hoa trên dậu ấy là hoa nào, là hoa cúc chăng,
vì trong bốn loại hoa quý (lan, sen, cúc, mai) thì hoa cúc chọn mùa thu để trổ
hoa. “Hoa năm ngoái’ là mấy chùm hoa đã trổ từ năm ngoái, nay lại trổ bông?
Hay tác giả dùng theo nghĩa “hoa năm ngoái” gợi về quá khứ, đồng nhất quá khứ
và hiện tại như trong truyện Kiều: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông?
Dù hiểu như thế nào thì hình ảnh thơ cũng mang không khí cổ và có giọng hoài cổ.
Điều này lại càng không hề thấy trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu.
Bức tranh thu có màu sắc, đường nét và một âm
thanh rất đặc trưng:
Một
tiếng trên không ngỗng nước nào
Những con ngỗng bay về phương Nam tránh rét
thường để rớt lại giữa đêm thu thanh vắng những tiếng kêu thảng thốt. Tiếng ngỗng
vừa gợi sự cao rộng, thanh vắng của không gian, vừa gợi không khí lạnh của mùa
thu. ở đây biên độ thời gian được mở rộng: cảnh đã ở vào thời điểm cuối thu.
ở những câu thơ trên ta gặp những động từ thể
hiện những chuyển động rất khẽ, nhẹ của sự vật, giờ đây là một âm thanh. Nhưng
âm thanh ấy không đủ sức để khấy động cái không gian quá ư yên tĩnh ấy. Nó cất
lên thảng thốt trong sự lạc lõng rồi chìm vào trong thinh không. Nguyễn Khuyến
đã mượn động để tả tĩnh giống như bao cổ nhân vậy.
Nếu câu thơ trên là sự bâng khuâng về thời
gian, thì câu thơ này lại gợi sự bâng khuâng về không gian. Cảnh thu vì thế mà
chứa chất tâm trạng của con người. Những câu thơ chợt đượm buồn, đầy tâm trạng
song không phải là nỗi buồn nỗi buồn đìu hiu, nỗi buồn đau uất hận trong Đây mùa
thu tới của Xuân Diệu.
Tình trong Thu vịnh mang một nỗi buồn thâm trầm,
sâu lắng. Buồn đến thẫn thờ, ngơ ngẩn, mất cả ý niệm về không gian, thời gian:
hoa nở năm nay mà ngỡ là hoa năm ngoái. Ngỗng kêu trên trời nước mình mà ngỡ ngỗng
nước nào. Hai câu thơ cuối là một nỗi thẹn của một nhân cách lớn:
Nhân
hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ
ra lại thẹn với ông Đào.
Khác với Xuân Diệu tả cảnh thu là phản ánh
tâm trạng của con người, ở Thu vịnh có tâm trạng, có nỗi buồn, nhưng
cái đích vẫn là “thi dĩ ngôn chí”. Cách “thi dĩ ngôn chí” cũng rất cổ điển: sử
dụng điển cố Đào Tiềm. Đào Bành Trạch năm xưa không vì năm đấu gạo mà uốn gối
khom lưng, ông đã treo ấn từ quan từ hồi trẻ. Tam nguyên Yên Đổ thẹn với Đào
Bành Trạch là thẹn về tài năng hay nhân cách ? Có lẽ vì nhân cách chăng ? Bởi
Nguyến Khuyến cũng đã vứt miếng đỉnh chung về ở ẩn tại quê nhà nhưng có lẽ so với
Đào Tiềm ông vẫn thấy mình từ quan hơi muộn chăng ? Đáng trân trọng thay nhân
cách Tam nguyên Yên Đổ. Nỗi thẹn của ông không làm con người thấp bé đi mà trái
lại làm cho con người thêm lớn lao, cao cả.
Ngôn ngữ trong Thu vịnh trong sáng,
giản dị, tự nhiên mà điêu luyện, đối ngẫu rất chỉnh, gieo vần độc đáo, âm thanh
tinh tế. Thi phẩm thể hiện những đặc điểm của nghệ thuật phương Đông cổ nhưng
đã vượt lên trên khuôn sáo, ước lệ: vẫn với nét bút chấm phá của lối tả cảnh
trong thơ cổ nhưng hình ảnh hiện lên lại rất chân thực sinh động, vừa gợi hình
sắc trực tiếp vừa thể hiện cái hồn, cái thần của cảnh vật.
Nhìn chung Thu vịnh chủ yếu đã vẽ
nên bức tranh mùa thu ở làng quê Việt nam dù tác giả có gửi gắm vào thơ ít nhiều
tâm sự. Đó là bức tranh thu đẹp một cách trong sáng, yên tĩnh, thanh bình.
Cái hồn của bức tranh chính là ở đó. Điều này khiến cho rất nhiều độc giả đọc
bài thơ thường liên tưởng đến những bức tranh thuỷ mặc cổ vẽ làng quê Việt Nam
trên các bình gốm sứ...
3. “Đây mùa thu tới” là bức tranh thu của một
tâm hồn cô đơn, khát khao giao cảm với cuộc đời:
Bức tranh thu của Nguyễn Khuyến thanh thoát,
nhẹ nhàng, trong sáng nhưng man mắc buồn, còn Đây mùa thu tới của
Xuân Diệu là một khối sầu cô quạnh như bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, như
giăng mắc ở khắp chốn không gian. Buồn vì lá rụng hoa tàn. Buồn vì cái rét đã bắt
đầu len lỏi thấm vào lòng người gợi nỗi cô đơn. Hay là nỗi buồn đìu hiu từ
chính hồn người toả ra, thấm vào cảnh vật?
Điểm khác biệt cơ bản ở Xuân Diệu so với Tam
nguyên Yên Đổ về bút pháp là cách hành văn rất “Tây”, cách dùng từ táo bạo,
hình ảnh thơ được miêu tả trực tiếp chứ không còn là những ước lệ, tượng trưng
nữa.
Khác với Nguyễn Khuyến sử dụng những nét phác
rất cổ điển khi viết về thiên nhiên: trời, nước, trăng, hoa ..., lại càng khác
các nhà thơ cổ đã sử dụng hình ảnh sen tàn, cúc nở hoa, lá ngô đồng rụng ...,
Xuân Diệu nhìn thấy tín hiệu mùa thu trước hết ở những hàng liễu:
Rặng
liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc
buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Nếu trong Thu vịnhNguyễn Khuyến tả ít,
chủ yếu là gợi, thì ở Xuân Diệu là sự miêu tả trực tiếp một cách chi tiết: Những
cây liễu yểu điệu bên hồ qua con mắt của nhà thơ, có dáng đứng nghiêng mình
buông suối tóc dài, có hoàn cảnh “chịu tang”, có tâm trạng “đìu hiu”, “buồn”.
Xuân Diệu đã khai thác triệt để thủ pháp láy âm mà ông tiếp thu được của trường
phái thơ tượng trưng của Pháp để gợi tả dáng liễu yểu điệu: đìu- hiu, buồn-
buông- xuống, đang- ngàn- hàng). Nghệ thuật này đã tạo nên một nhạc điệu buồn,
du dương đầy gợi cảm.
Thu vịnh của Nguyễn Khuyến cũng giống
như bao bài thơ Đường luật khác tối kị việc lặp chữ, năm mươi sáu tiếng trong
bài là năm mươi sáu tiếng khác nhau, không hề có sự lặp lại. Nhưng đó không phải
là qui định trong Thơ Mới, vì thế ở Đây mùa thu tới nhận ra tín hiệu
mùa thu trên những hàng liễu, nhà thơ như khẽ reo lên:
Đây
mùa thu tới – mùa thu tới
Với
áo mơ phai dệt lá vàng
Những chữ “mùa thu tới” lặp lại hai lần, kể cả
trong tiêu đề là ba lần, thể hiện sự ngạc nhiên, thích thú của nhà thơ. Đằng
sau những tiếng reo thầm hồ hởi ấy ta có thể hình dung ra ánh mắt trẻ trung,
ngơ ngác của nhà thơ sững sờ trước vẻ đẹp bất ngờ của thiên nhiên khi mùa thu tới.
Những nàng liễu đứng chịu tang không gợi sự tàn tạ mà vẫn choàng tấm áo “mơ
phai” dệt bằng lá vàng, vừa đẹp vừa thơ mộng, gợi cảm giác thanh nhẹ, tươi sáng
rất phù hợp với mùa thu. ở đây lại tiếp tục có một sự khác biệt trong cách dùng
từ của Xuân Diệu so với Nguyễn Khuyến. Trong Thu điếu Nguyễn Khuyến
viết: Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo, lá là lá vàng, còn trong thơ thu
của Xuân Diệu cũng gọi là lá vàng nhưng chưa vàng hẳn đó là màu vàng mơ, hơn thế
còn là màu mơ phai. Một sự miêu tả chi tiết, chính xác đến gần như tuyệt đối. Với
cách miêu tả ấy, thi nhân đã diễn tả rất đúng cái không gian thơ mộng, cái thần
thái của mùa thu: Buồn nhưng không ảm đạm, buồn mà vẫn đẹp, nên hoạ nên thơ.
Hơn
một loài hoa đã rụng cành
Trong
vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những
luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi
nhánh khô gầy xương mỏng manh
Xuân Diệu sử dụng cách nói rất “Tây”: hơn
một loài hoa và cách dùng từ rất táo bạo “rũa”. Đây là cách diễn đạt lạ với
người đương thời và càng xa lạ hơn đối với những con người của thế kỉ trước như
Nguyễn Khuyến. Thực chất cách diễn đạt này là kết quả của một sự quan sát tỉ mỉ
những biến đổi tinh vi của vạn vật ngay khi mùa thu vừa tới, ngay khi mới chỉ hơn
một loài hoa đã rụng cành và khi màu đỏ trong vườn lấn dần màu xanh từng
tí một. Thi nhân đã nhận ra để rồi cùng hoà mình vào với cái lạnh của gió thu,
lá thu, cây thu: Những luồng run rấy rung rinh lá - Đôi nhánh khô gầy
xương mỏng manh. Thủ pháp láy âm một lần nữa phát huy tác dụng . Xuân Diệu như
đem đến cho cho cảnh thu cái giá lạnh của chính hồn mình.
Cái giá lạnh trong bức tranh thu này được
Xuân Diệu diễn tả bằng một câu thơ mới mẻ, đặc sắc, đầy ấn tượng:
Đã
nghe rét mướt luồn trong gió
Đã
vắng người sang những chuyến đò
Đã nghe rét mướt cũng là một cách diễn đạt
rất hiện đại nhờ nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Một chữ luồn khiến
cho cái rét được cụ thể hoá, được vật chất hoá, diễn đạt tinh tế cái rét đầu
còn chưa hiện nguyên hình mà còn đang ẩn thân dấu mặt, len lỏi vào trong gió. Như
vậy là cái lạnh của hơi thu đã thấm dần vào cảnh vật và con người, tạo nên cảm
giác cô đơn. Cô đơn nên trăng cũng bơ vơ, đành tự ngẩn ngơ. Cô đơn
khi nhìn thấy những bến đò bắt đầu quạnh vắng (Chứ không phải là không có người
). Cô đơn vì thấy tất cả như nhuốm màu uất hận chia li: hoa thì đã lìa
cành, lá thì đang run rẩy chờ bay theo gió, người thì vắng vẻ, chim chóc cũng bỏ
đi...
Mùa thu vừa mới khởi sự mà thi nhân đã như
nhìn thấy trước cái chung cục của nó. Đó là một cái nhìn rất Xuân Diệu, cũng
như ông đã từng thấy đối với mùa xuân: Xuân đang đến nghĩa là xuân đương
qua – Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.Thời gian là nỗi ám ảnh kinh khủng nhất
đối với Xuân Diệu. Một con người ham sống, ham yêu như Xuân Diệu luôn lo sợ
cùng với sự trôi chảy của thời gian, mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu cũng trôi đi
mất. Tâm hồn luôn khát khao giao cảm với cuộc đời ấy luôn vội vàng, cuống quýt
trước tất cả, luôn mang nỗi buồn chia li ngay cả khi sự vật mới bắt đầu...
Bài thơ khép lại với hình ảnh những thiếu
nữ buồn không nói và một câu hỏi tu từ: nghĩ ngợi gì ? Đó là một
nỗi buồn có duyên cớ và một câu hỏi đầy ý nghĩa .Cách kết thúc này đã mở ra những
chân trời liên tưởng, cảm nhận riêng của người đọc.
Tóm lại, nếu Thu vịnh là bức tranh
thu tĩnh thì Đây mùa thu tới là bức tranh thu động. Nếu cảnh trong Thu
vịnh đẹp một cách trong sáng, thanh nhẹ và man mác buồn thì cảnh thu ởĐây
mùa thu tới bao phủ bởi một mối sầu cô quạnh, cảnh thu đẹp nhưng buồn và
giá lạnh. Thu vịnh là bức tranh thu đậm đà, chân thực về làng cảnh Việt
Nam mặc dù thi nhân có gửi vào thơ ít nhiều tâm sự còn trong Đây mùa thu tới Xuân
Diệu chỉ mượn cảnh thu, sắc thu, màu thu, tiếng thu để gửi gắm nỗi buồn. Nguyễn
Khuyến chịu sự qui định của tính qui phạm trong văn học trung đại, nên Thu
vịnh có kết cấu chặt chẽ, có niêm luật, vận đối, ngôn ngữ mực thước, trong
sáng, ý tại ngôn ngoại; Xuân Diệu chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học phương
Tây, là đại diện tiêu biểu của phạm trù văn học hiện đại nên Đây mùa thu tới đã
hoàn toàn thoát li tính qui phạm trong văn thơ cổ, kết cấu tự do, dòng thơ chảy
theo mạch cảm xúc, phong cách ngôn ngữ hiện đại. Thu Vịnh là sản phẩm
của tính phi ngã, Đây mùa thu tới lại là tiếng nói của một cái tôi đầy
cảm xúc, một cái tôi được giải phóng triệt để và có nhu cầu khẳng định mình bằng
một tiếng nói riêng, một cảm nhận riêng, một cái nhìn riêng.
Chính những sự khác biệt ấy đã làm nên hai cá
tính sáng tạo độc đáo giúp các thi nhân để lại cho hậu thế ngàn đời hai bức
tranh thu được xếp vào hàng kiệt tác. Song, chúng ta hiểu, có một điểm đồng
nhất giữa hai tâm hồn của hai thế kỉ ấy, đó là một trái tim đỏ thắm, một tâm hồn
xanh và một cây bút diệu kì ...
Đặng Thị Thu Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét