Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Mộng mơ “Dải lụa” Hương giang

Mộng mơ “Dải lụa” Hương giang
Huế vốn nổi tiếng bởi những công trình lăng tẩm, đền đài, cung điện và là kinh đô của triều Nguyễn kéo dài gần hai thế kỷ. Trải qua thời gian, Huế vẫn phần nào giữ được những nét cổ kính và trầm mặc. Chính cái vẻ trầm mặc ấy đã tạo cho Huế một dấu ấn riêng rất dễ nhận ra, đó là dáng vẻ trầm lắng và vô cùng quyến rũ.
Hương giang vọng tiếng Nam Ai, Nam Bình
Sông Hương như một dải lụa hiền hoà miên man chảy rồi như một người dẫn đường xuôi dòng nước đưa chúng ta đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng, rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không, để phiêu diêu cùng với gió mây, với thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính.
Đã biết bao lần đến Huế, lúc vội vã, lúc thong dong, nhẩn nha nhưng quả tình Huế đã để lại cho tôi một tình cảm hết sức đặc biệt tựa như là một cố nhân vậy. Không sao quên được bởi Huế dịu dàng quá, thậm chí đến cái nắng cũng dè dặt sợ làm người khác khó chịu, nhưng cũng rất đỗi ngây thơ tinh nghịch xiên qua vành nón Huế (nay đã là thương hiệu) trêu chọc những cô nữ sinh trường Quốc học, Hai Bà Trưng tha thướt trong tà áo dài. Những ngày mưa Huế lại khoác trên mình tấm áo choàng cổ kính, đượm buồn dễ gợi cho khách cái cảm giác nhớ mong...
Dòng sông Hương êm đềm chảy qua lòng thành phố.
Không những cảnh đẹp, người hay mà Huế xưa còn có nhiều trò chơi lãng mạn và lịch lãm, rồi có cả những thú vui trần tục như: Thả thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những trò chơi ấy nay vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao mới trở thành văn hoá du lịch mà chỉ có ở Huế.
Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Thoạt đầu người ta xuống đò để nghe ca Huế để thoả mãn cái thú tiêu dao trên sông nước cùng với gió trăng và nghe chuyện nhân tình thế thái qua mỗi làn điệu ca Huế. Về sau này cũng có giai đoạn thái quá, ngủ đò có lúc dường như trở thành mua hoa bán nguyệt nhưng đó là chuyện của ngày xưa bây giờ chỉ là những câu chuyện kể lại mà thôi.
Thả thơ là canh bạc văn chương vừa có tính sát phạt vừa đậm chất trí tuệ, tài năng, mưu lược nên được không ít văn nhân sĩ tử đam mê và muốn thi thố. Để có một cuộc thả thơ người ta phải kết những con đò lại với nhau thành những chiếc bằng để tổ chức thả thơ. Nhà cái sẽ trải một cái chiếu giữa thuyền cùng dăm ba ngọn đèn dầu phụng rọi vào và cuộc thả thơ bắt đầu. Cái thú tham gia của kẻ sĩ là vừa được vận dụng hết những kiến thức thánh hiền đã được học vừa được chơi vơi bồng bềnh trên sông nước lại được nghe ca Huế réo rắt, du dương bên tai, hoặc nỉ non cùng với nhã nhạc...
Ca Huế hình thành từ dòng nhạc dân gian với ca nhạc cung đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi có thần thái của ca nhạc thính phòng. Ca Huế thể theo hai dòng lớn là  điệu Bắc và điệu Nam, với trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ. Đến đây du khách sẽ được ngồi trên những con thuyền rồng mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền dàn nhạc rất đa dạng gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh... Các nhạc công, ca công còn rất trẻ, nam mặc áo the, quần thụng đầu đội khăn xếp, nữ  vận những chiếc áo dài cổ từ thời võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ 18, trước mũi thuyền là khoảng không gian rộng để hóng mát, ngắm trăng.
Huế về đêm, sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt xuống dòng sông như tráng một lớp ánh bạc, gió mơn man, dìu dịu như xoa nhẹ lòng du khách, thuyền bồng bềnh trôi giữa dòng chở đầy khách và nhạc công. Các nhạc công dụng các ngón đàn khá chau chuốt như ngón nhấn, ngón mổ, day, búng, ngón phi, ngón rãi những khúc ca tiếng nhạc lúc khoan, lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn lữ khách. Âm Bắc có âm sắc tươi vui, trang trọng như: Phú lục, cổ bản, lưu thuỷ, khúc lộng gồm phẩm tiết, nguyên tiêu, liên hoàn, hồ quảng, tây mai, tẩu mã, kim tiền, xuân phong, long hổ, bình bản. Điệu Nam thì réo rắt, du dương như: Nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Điệu nam là sự sáng tạo tuyệt vời có biệt tài khơi gợi nội tâm, âm hưởng của giai điệu đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi tơ mong manh chạm vào tận đáy lòng du khách, gợi lên nhiều nỗi tương tư... 
Trời về khuya, văng vẳng tiếng gà gáy sáng cùng, tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm năm canh. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo rắt, lời ca vẫn nồng nàn, cái giọng Huế ngọt ngào và dễ thương quá, du khách vừa lâng lâng cùng cung nhã nhạc vừa say đắm trong cái ánh mắt của ca công e lệ kín đáo nhưng cũng vô cùng nồng ấm thiết tha... khúc tương tư theo yêu cầu của du khách qua giọng hát của cô gợi buồn da diết, bài quả phụ  ảo não sầu thương. Sau tuần rượu chúc mừng lại có người đề nghị được nghe cô hát khúc lưu thuỷ. Và bằng một giọng ca thật đắm đuối pha lẫn chút giận hờn trách móc, lời ca lại cất lên giữa sông Hương trong cảnh đêm tàn.
"Kể từ ngày gặp nhau
Trao lời hẹn cho vẹn vàng thau
Dây tơ mành ràng buộc với nhau
Đêm thu rày xuôi mình chạnh nhớ 
Cảm thương ngậm ngùi ba thu... "
Không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng tụ chỉ có lòng du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly... và chợt nhận ra rằng đằng sau cái giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú của người con gái Huế, âm thầm kín đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng tiếng đàn réo rắt, du dương. Đêm ấy tôi thức trắng đêm nghe ca Huế trên sông Hương và để nhận ra rằng người khách "tri kỷ" của tôi còn nhiều điều kỳ diệu mà mỗi lần đến đây lại khám phá thêm những cảm xúc mới, tình cảm mới, cảm nhận mới mà chỉ có Huế mới làm được điều ấy. Trời đã sáng dần lên nhưng nói là ngủ đò nhưng tôi có ngủ đâu, thức nghe ca Huế đấy chứ!.     
Thái Thanh Hương
NguồnLao động và Xã hội
Theo http://baodansinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...