Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Một chút lắng lòng với bài thơ "Lục bình" của Bùi Trọng Liên

Một chút lắng lòng với bài thơ 
"Lục bình" của Bùi Trọng Liên
"... Bèo dạt mây trôi... chốn xa xôi..."
Nghe câu hát quan họ, gợi cho ta liên tưởng đến một loài hoa bèo quanh năm ngày tháng lênh đênh trên mặt nước, có sắc tím mỏng manh nhưng không kém phần hấp dẫn. Đó là hoa Lục bình!
Đã có rất nhiều áng thơ văn viết về loài hoa này, mỗi bài viết ở mỗi góc độ khác nhau. Trong đó bài thơ LỤC BÌNH của thi sĩ Bùi Trọng Liên mà ta sẽ tiếp cận dưới đây cũng đã tạo nên được một sự cảm nhận và ấn tượng riêng với người đọc.
LỤC BÌNH                                                        
Lênh đênh sông nước cả đời
Tấm thân phiêu bạt nổi trôi tháng ngày
Bồng bềnh nay đó mai đây
Xuôi theo dòng nước vơi đầy nắng mưa
Nông sâu biết mấy cho vừa
Cạn dòng cắm rễ đợi mưa của trời
Phận bèo bao nỗi đầy vơi
Mặt sông, hồ nước là nơi sống cùng
Sóng xô, mưa gió bão bùng
Vẫn màu hoa tím, thuỷ chung với đời... 

B.T.L
Lời bình

Ngay câu đầu bài thơ, tác giả đã cho ta biết khái quát không gian, thời gian và hoàn cảnh sống của loài hoa Lục bình:
"Lênh đênh sông nước cả đời"...
Thực ra thì vòng đời của hoa Lục bình rất ngắn, chỉ 2-3 ngày sau khi nở là sẽ héo tàn. Vậy mà hoa vẫn phải gánh kiếp "lênh đênh"... Hèn chi mà tác giả chạnh lòng đến vậy!
    Lênh đênh... bồng bềnh... Chưa đủ! Tác giả còn ngậm ngùi hơn khi ghi lại hình ảnh"...tấm thân phiêu bạt..."; "...nay đó mai đây..."; "...vơi đầy nắng mưa..." của loài hoa đẹp mà rất đáng thương này. 
Nếu ai đó vì yêu thích hoa Lục bình mà hái ngắt cho riêng mình thì chỉ sau vài giờ hoa sẽ ủ rũ và tàn ngay. Từ ý nghĩa đó mà người đời đã đúc kết thành một câu nói rất hay là:
"Có những vẻ đẹp chỉ có thể chiêm ngưỡng mà không bao giờ có thể sở hữu cho riêng mình" 
Hoặc hiểu theo một nghĩa khác thì tác giả đã muốn nói: Hoa Lục bình đã bị cột chặt vào một định mệnh "... mặt sông, hồ nước..." "... nông sâu biết mấy cho vừa..." và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào nắng vào mưa, vào khí trời khí đất... mà không bao giờ có  được sự nâng niu của bình men lọ sứ...
Phải chăng sự cảm thương đó của tác giả đã dồn vào cụm chữ "phận bèo" trong câu thơ sau:                                                
"Phận bèo bao nỗi đầy vơi
Mặt sông, hồ nước là nơi sống cùng"...
Vậy đấy! Nhưng có bao giờ hoàn cảnh sống của hoa Lục bình được bình yên mãi mãi đâu. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình có khi còn phải đối mặt với "sóng xô, mưa gió bão bùng" nữa chứ. Thật là một sự vùi dập trớ trêu mà không ai là không xót xa thay cho hoa Lục bình...
Người đọc từ đầu đến cuối bài thơ được tác giả dẫn đến một trạng thái trầm buồn thì ở câu cuối cùng tác giả lại gợi lên cho người đọc một trạng thái khác có vẻ lạc quan hơn. Từ bi luỵ chuyển sang yêu mến và trân trọng. Một cái kết có hậu!
"Sóng xô, mưa gió bão bùng
Vẫn màu hoa tím, thuỷ chung với đời..."
Cả bài thơ ta không thấy chỗ nào nói về con người, nhưng khi đọc ta lại thấy ẩn hiện đâu đó hình bóng của thân phận "Người". Đây chính là phép ẩn dụ độc đáo mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để muốn khéo léo bầy tỏ tình cảm của mình tới những con người cụ thể đang có hoàn cảnh "...lênh đênh " như hoa Lục bình kia. Sự thuỷ chung phải chăng là đặc trưng mà ta thường thấy ở những người phụ nữ đoan trang, cho dù cuộc sống của họ gặp phải vô số éo le, trái ngang và đau khổ...
Bài thơ LỤC BÌNH của thi sĩ Bùi Trọng Liên viết theo thể lục bát nhuần nhuyễn mượt mà, mang đậm âm hưởng ca dao, gần gũi và đầy cảm xúc. 
Đọc xong bài thơ ta một chút lắng lòng thì sẽ cảm hết được cái hay của nội dung, cái đẹp của một bức tranh thiên nhiên và cái tình nhân văn của tâm hồn tác giả muốn gửi gắm.
Cám ơn thi sĩ Bùi Trọng Liên đã cho người đọc được cảm thụ thêm một tác phẩm hay, một sự sẻ chia mang nhiều ý nghĩa về Lục bình. 
Chúc thi sĩ tiếp tục có nhiều bài thơ hay trên chặng đường sáng tác của mình.
Khánh Vũ
Theo http://lucbat.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...