Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Những "Chiếc lá cuối cùng"

Những "Chiếc lá cuối cùng"
"Chiếc lá cuối cùng!" Cụm từ quả thật có sức thu hút, là tựa đề của vài bản nhạc hay và một truyện ngắn của nhà văn Mỹ.
Có lẽ mọi người khá quen bài này của nhạc sĩ Tuấn Khanh nhưng bài hát cùng tên của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì ít được biết đến. Cả hai, độc lập với nhau, cùng viết về những hoài niệm của một mối tình vô vọng. Nếu đối với Tuấn Khanh, đây là một tác phẩm để đời thì Đoàn Chuẩn cho chúng ta một bản nhạc với nhiều suy tư, nhiều nỗi niềm ray rức, góp phần vào những khúc tình ca tiền chiến một thời.
Chiếc lá cuối cùng – Đoàn Chuẩn
Chiếc lá cuối cùng 
Đoàn Chuẩn - Quỳnh Lan
Em thời gian, sương gió phôi pha
Anh ngồi đây anh nhớ đến em
Như cành khô trước lúc xa cây gọi nắng
Em thời gian, em có biết không
Khi mùa đông đưa nắng qua sông
Để tình yêu giữa nước mênh mông gọi đò
Tôi đi bên người, người đi bên tôi
Sao đôi tâm hồn đã quá xa xôi
Trên những con đường thoảng hương hoa sữa
Em đã nói gì, quá khứ? tương lai ?
Trăng sao trên trời còn khi chia đôi
Nhưng tiếng ca nào còn lắng trong tôi
Tôi ngước lên trời gọi mây hạnh phúc
Mây vẫn âm thầm lãng đãng mây trôi
Hà Nội chiều nay trời lên mây trắng
Chiếc lá cuối cùng rơi xuống chân em
Như nhắc mối tình trót lỡ không tên
Em biết nói gì hỡi anh yêu dấu
Em khóc cho tình mãi mãi không quên
Hà Nội chiều nay còn như in bóng
Dấu vết lâu đài trên cát anh xây
Bóng dáng em về thấp thoáng đâu đây
Chiếc lá cuối cùng là của em đó
Em hãy giữ gìn trước lúc chia tay
Chiếc lá cuối cùng – Tuấn Khanh
Chiếc lá cuối cùng
Tuấn Khanh - Bảo Yến - Y Phương
Ðêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa
Ðêm chia ly buồn gì sao chẳng nói
Chỉ nghe em nói nhỏ trở về thôi
Ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối
Mím môi cười mà nhớ thương khôn nguôi
Mộng về một đêm xuân sang
Em thì thầm ngày đó thương anh
Thuyền về một đêm trăng thanh
Xây mộng vàng đậu bến sông xanh
Mộng tràn ngập đêm trăng sao
Sao đầy trời từng chiếc lấp lánh
Rồi một chiều xuân thơ trinh
Cho lòng mình về với dĩ vãng
Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng
Ðường thênh thang gió lộng một mình ta
Rượu cạn ly uống say lòng còn giá
Lá trên cành một chiếc cuối bay xa

Hai bản nhạc đều hồi tưởng về mối tình đã từng đắm say, hạnh phúc, đã từng mơ mộng với trăng sao, mây nước,...
Khi mùa thu về cũng là lúc tình yêu vỗ cánh bay cao. Cái buồn của mùa thu, buồn man mác, buồn héo hắt không chỉ lòng người mà vạn vật cỏ cây cũng hùa theo, đúng là "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Kiều). Mới chỉ là mùa thu thời gian nhưng đã là mùa đông trong lòng của Đoàn Chuẩn; vừa bắt đầu vào thu của đất trời nhưng đã là thu muộn ở tâm hồn Tuấn Khanh, bởi vì những chiếc lá nhỏ vàng úa lìa cành.
Nếu Đoàn Chuẩn hồi tưởng lại mối tình của mình lúc chớm thu bằng khung cảnh quen thuộc của Hà Nội, những con đường thân quen, mùi hoa sữa hương nồng, nắng phản chiếu lấp lánh bên sông và mây bay lãng đãng thì Tuấn Khanh thả hồn về một giấc mộng của một ngày xuân tươi thắm, thơ trinh với con thuyền tình cập bến tình yêu, với bầu trời ngập tràn trăng sao,...
Thế nhưng, cuối cùng Đoàn Chuẩn phải đối diện với thực tại: Mối tình ấy chỉ là lâu đài trên cát, còn chăng một chiếc lá cuối cùng như là kỷ niệm đau buồn, là chứng nhân cho sự đổ vỡ, là bóng dáng mơ hồ của quá khứ mà thôi.
Em đã đi thật rồi, đi từ mùa thu dạo đó nhưng Tuấn Khanh vẫn không muốn tin, vẫn còn thắc mắc: Thế thật sự xa nhau chưa nhỉ? Hay chỉ là cảm giác "đi là chết trong lòng một ít." Dù muốn níu kéo, muốn tự an ủi nhưng thật sự, lòng vẫn lạnh lùng, cô quạnh; chén rượu nồng không thể sưởi ấm cho lòng đang giá băng. "Lá trên cành, một chiếc cuối bay xa" như là lời than thở cho nỗi niềm mơ hồ nào đó, quả là khó có ngày hội ngộ cùng em.
Và thêm nữa, tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" (The last leaf) của O. Henry, một truyện ngắn đầy tính nhân văn. Behrman, một họa sĩ già, mơ mòng về một tác phẩm để đời nhưng mãi không hoàn thành, sống trong căn hộ với đôi bạn nghệ sĩ trẻ Sue và Johnsy. Mùa đông năm ấy, Johnsy bị sưng phổi. Nghèo đói và bệnh tật toan lấy đi cuộc sống của nàng, khi cơn gió mùa đông lần lượt bứt đi những chiếc lá nho bám trên cành ở bức tường sau cửa sổ. Nàng thầm nhủ, khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì nàng cũng ra đi. Nghe Sue tâm sự, trong đêm mưa gió bão bùng, Behrman đã hoàn thành bức vẽ chiếc lá màu xanh, đeo bám trên cành khô. Những ngày sau, Johnsy thấy chiếc lá cuối cùng ấy kiên trì chống chọi với thiên nhiên đã làm cho nàng nghĩ lại, quyết tâm chống với bệnh tật và nàng đã chiến thắng. Còn lão họa sĩ già đã bị cảm lạnh, sưng phổi và chết ít ngày sau đó. Dù chưa vẽ nên một tác phẩm bậc thầy nào, nhưng chỉ với chiếc lá màu xanh ấy, chiếc lá đầy tính nhân văn, tả thực của con người hồn hậu, dù phải trả giá bằng cái chết của mình để tiếp lửa cho một cuộc sống trẻ ngắc ngoải cố gượng dậy, ngọn lá ấy có khi còn hơn cả tác phẩm bậc thầy nữa.
Các nhạc sĩ trên có lấy cảm hứng từ truyện ngắn này không??.
Nguyễn Hoàng
Theo http://amnhac.fm/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu 26 Tháng Chín, 2023 Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Co...