Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Một góc nhìn về nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường”

Một góc nhìn về nhạc phẩm 
“Đóa hoa vô thường”
“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” (ns.TCS): âm thanh của cái tên này quen thuộc đối với người Việt. Sự quen thuộc sâu hay nông tùy vào con đường hạnh duyên của từng người với ông. Đa số người biết ông nhờ đã vô tình hoặc hữu ý nghe nhạc Trịnh, nghe rồi có người “để gió cuốn đi”, có người lẩm nhẩm hát theo hoặc học thuộc vài bài tủ … thường là thế!.
Cũng có những người vượt quá hình thức hâm mộ trên, họ hướng lòng theo nhạc sỹ, thả trí theo gió sương, khắc khoải – đòi đoạn cùng tác giả và mong muốn cùng ông Trịnh đạt đến một sự hòa điệu…  thế là, họ lôi các di cảo của Ngài Trịnh ra nghiên cứu.
Có tìm thì có thấy, có làm thì có được. Vâng, đã có nhiều bài viết về ns.TCS: người thì để ý về tư tưởng – triết lý của ông, người khác chú tâm về ca từ, có người tâm đắc về giai điệu – tiết tấu bài hát, cũng có người mê chất thơ… kết quả là có nhiều phát hiện liên quan đến TCS được đưa ra. Nhưng nhiều điều chưa phải là đủ! Vì “Duyên của hiền nhân TCS” không chỉ có thế! Người viết cũng thuộc hàng ái mộ ns, nên đã suy tưởng về ông và các nhạc phẩm. Vừa may, đọc được bài của tác giả Trương Hồng Quang viết về ca từ của TCS trên nhipcautamgiao.net (1).
Nội dung bài viết quá súc tích, có tính khoa học, có sử dụng nhiều ý kiến của các đấng bậc đáng kính… rất tuyệt vời! Tuy nhiên, dù là hậu bối, người viết vẫn có những ý kiến riêng chưa giống với tác giả về tác phẩm “Đóa Hoa Vô Thường”. Nay vì lòng ái mộ ngài Trịnh, vì muốn thể hiện một chút tình cảm cá nhân với ông và vì nhận thấy điều sắp bày tỏ chưa được đề cập kỹ ở các văn bài đã đăng… Người viết xin phép đọc lại tác phẩm trên theo góc nhìn cá nhân. Kính mong quý vị rộng lượng. Xin cảm ơn. 


*Tổng quan về ca từ của nhạc phẩm “Đóa Hoa Vô Thường”
Ca từ của tác phẩm là một bài thơ gồm mười hai khổ thơ. Người viết nhìn bài thơ này như lời kể, lời tâm sự của TCS về tình yêu – hôn nhân – sinh ly tử biệt – đau khổ - giải pháp của ông trước những nghịch cảnh. Chúng ta cùng nghe tâm sự của ông qua ca từ của bài.
1. Mẫu người yêu lý tưởng và hành trình đi tìm người yêu của TCS:
Ba khổ thơ đầu (1,2,3): ông nói về quá trình đi tìm “khúc xương sườn của mình” như sau:
Ở khổ thơ thứ 1: mẫu người yêu lý tưởng của TCS. Chúng ta cùng ngâm thơ với ông:
“Tìm em tôi tìm
Mình hạc sương mai
Tìm trên non ngàn
Một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm
Một hồn giấy mới”.
Rõ ràng ông có chủ định đi “tìm em”, em là ai? Em như thế nào? Ông chưa nhận diện được. Ông chưa biết cô gái này nhưng ông có tiêu chuẩn chọn và tìm người yêu. Cụ thể là cô gái đó phải “mình hạc sương mai” có nghĩa là cô phải có vóc dáng thân hình từ gầy đến vừa, không thuộc tuýp “dư mỡ”. Kế đến, cô gái đó phải đẹp cỡ “hoa khôi hay hoa hậu” vì “một cành hoa khôi” là tiêu chuẩn thứ hai. Người đẹp này gia thế và bản thân không ở cấp bình dân, vì hình ảnh “một cành” khiến ta liên tưởng đến câu “kim chi ngọc diệp”. Tiêu chuẩn thứ tư là cô gái đó phải thật nhẹ nhàng, tế nhị sâu sắc, vén khéo, kín đáo…  cô phải có ít nhất những đức tính trên thì cô mới có được “nụ cười mong manh” (yểu điệu thục nữ). Đó mới chỉ là hình thức bề ngoài.
Còn nội tâm của cô gái phải có các đức tính: có nội tâm sâu sắc, sự tinh tế hiểu người, sự khiêm nhường,… những yêu cầu trên ông thể hiện ở câu “một hồn yếu đuối” (tâm hồn nhạy cảm). Chưa hết! TCS muốn là nếu có cô gái đã hội đủ những yếu tố trên rồi thì cô ta không phải là “một vị thánh!” Vì vị thánh thì còn gì dành cho ông! Ông muốn một tình yêu đôi lứa có tính dục, có “một bờ môi thơm” đàng hoàng, đầy đủ. Có nghĩa là phải có được tình yêu trai gái giữa ông và cô ấy. Tiêu chuẩn cuối cùng của ông về người yêu lý tưởng là “một hồn giấy mới”. Câu này cho người viết hiểu là: đối với cô gái thì tình yêu dành cho ông chính là “mối tình đầu của cô”, cô gái phải ngọc khiết băng trinh theo nghĩa ngây thơ, trong sáng, chưa biết sự gì… Điểm qua khổ thơ thứ nhất, cho chúng ta thấy mẫu người yêu lý tưởng của TCS. Kể ra thì tiêu chuẩn vượt sao! có phải không quý độc giả? Vâng, quý vị khỏi cần cân nhắc chuyện đồng ý hay không đồng ý với người viết, vì TCS đã thú nhận rằng:  “đúng…”. Xin mời cùng xem lời than thở vất vả của TCS ở khổ thơ thứ hai:
“Tìm em tôi tìm
 Nhủ lòng tôi ơi
 Tìm đêm chưa từng
 Tìm ngày tinh khôi
 Tìm chim trong đàn
 Ngậm hạt sương bay
 Tìm lại trên sông
 Những dấu hài”
Ông tự nhủ lòng phải đi tìm “cô ấy”. Cô ấy là ai? ông chưa biết, chưa thấy thì phải đi tìm… tìm từ sáng… đến trưa… đến tối… chưa thấy! hết ngày này sang ngày khác cứ đi tìm “nhủ lòng tôi ơi”. Bỗng ông ngộ ra còn có những nơi chỗ mình chưa tìm, đó là “tìm đêm chưa từng – tìm ngày tinh khôi”. Xin quý độc giả thử đặt mình vào tâm trạng của TCS xem. Ban ngày, trời sáng là lúc mọi người làm việc – hiện diện với nhau, đó là cơ hội để TCS tìm người yêu tiêu chuẩn. Tìm hoài không thấy!!! Ông tự vấn và phát hiện có những khoảnh khắc ông đã không để ý: “lúc mọi người đi ngủ - ông cũng đi ngủ!” biết đâu lúc ông ngủ thì cô ấy xuất hiện!!! Vậy thì phải tìm cô ấy cả trong đêm, cả trong đầu ngày. Vất vả thêm rồi đây!
Nhưng dường như ông đã mệt mỏi tìm người yêu nơi phố chợ, nên trí tưởng của ông lại mượn triết lý “Bánh xe luân hồi của Phật giáo” để nghĩ “Biết đâu em đang là cánh chim “ngậm hạt sương bay” trong một đàn chim đang bay trên bầu trời mà ông ngẫu nhiên nhìn thấy. Rồi ông lại mượn quan niệm của Đạo Lão với “Ngọc Hoàng – Tiên – Bụt” để hy vọng rằng: “biết đâu em là nàng tiên trên trời đã xuống tắm ở một bãi sông… rồi đánh rơi chiếc hài! “Tìm lại trên sông - những dấu hài”.
Nói chung lại là ông Trịnh nhà minh đi tìm người yêu vất vả bằng cả thân – trí – tâm và tròn vẹn thời gian.
Ở khổ thơ thứ ba, ông nói rõ hơn về những dặm trường của công cuộc tìm kiếm: “tìm em xa gần” là tìm ở mọi nơi. Tìm trong “đất trời rộn ràng” là tìm trong mùa xuân rộn ràng, hay cũng có thể hiểu là tìm trong đất trời nổi cơn giông bão. “Tìm trong sương hồng” là tìm trong giá rét ban đêm và mù sương lúc mặt trời thức giấc. Hoặc tìm em “trong chiều bạc mệnh” là tìm cả trong nỗi đau thể lý, tâm lý của mình hay trong những cuộc sinh ly tử biệt của kiếp người.
Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng 
 Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh 
 Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Tìm em thâu đêm, từ lúc trăng lên đến lúc trăng tàn, tìm em từ tháng nguyệt - Tết Nguyên Tiêu đến đêm ba mươi tết “nguyệt tận”… Quá vất vả cho ông Trịnh.
Chúng ta không nghe ông nói đến bạn tri kỷ, bạn đường cùng đi với ông, nên người viết ngồi nghĩ đến ông mà thấu cảm với những cố gắng kiên trì của ông. Dĩ nhiên, “người độc hành” ấy có niềm tin thật vững vàng vì ông “chưa từng tuyệt vọng - đâu em”. Bái phục – bái phục.
2. Tương phùng (khổ thơ 4 và 5)
Tìm trong vô thường” câu thơ đầu của khổ thơ 4, cho người đọc cảm nhận là: Ông TCS chịu ảnh hưởng của triết lý Nhà Phật với khái niệm vô thường và thường hằng. Những vật – những cảnh – những ý tưởng ta đang nhìn thấy, đang cảm, đang niệm… thảy vô thường (luôn thay đổi, không trường cửu), Cõi Phật mới là cảnh giới thường hằng. Ông Trịnh dùng câu thơ trên muốn mượn ý “vô thường” để giới thiệu bối cảnh ông gặp được “cô ấy”, ý khác là câu mở đầu khổ thơ số 4 để dẫn người nghe vào cuộc “tương phùng” của ông với nàng. Khung cảnh ông muốn nói tới là “một ngôi chùa”. Mời quý độc giả đọc tiếp câu sau “có đôi dòng kinh”. Vâng, ông muốn diễn tả rằng: trong chùa đang có người cầu kinh, số người đang cầu kinh là từ hai người trở lên (có đôi …) Đôi dòng kinh cũng có thể hiểu là: tác giả và cô ấy cùng cầu kinh trong chùa, ngẫu nhiên. Và Trời đã ra tay tạo duyên bằng cơn mưa dài và nặng hạt, câu “sấm bay rền vang” nói lên điều đó. Người Trung Quốc có câu nói “vũ vô năng tỏa – năng lưu khách” (mưa không có sức kiềm chế - nhưng lại có khả năng lưu khách ở lại) thật quả hợp với cảnh huống đầy duyên nợ của hai người mà chúng ta đang đề cập đến.
Xin mời tiếp tục nghe lời tâm sự của tác giả.
"Bỗng tôi thấy em – dưới chân cội nguồn”. Nếu chúng ta đã thấu cảm với TCS về quá trình “đi tìm” của ông được nói tới ở ba khổ thơ đầu, thì chúng ta mới có thể ước lượng được sức nặng của niềm vui vỡ òa trong ông khi reo lên câu thơ đầy choáng ngợp “BỖNG TÔI THẤY EM”. Tìm trong mọi nơi, tìm trong mọi sự, tìm trong mòn mỏi mà không tuyệt vọng… Nay “tôi thấy em”, người viết không đủ từ ngữ để nói hết được tâm trạng của ông, nhưng hình dung được cảm giác căng phồng - ngộp thở - thảng thốt trong niềm vui kín hồn của tác giả.
Con tim của nhạc sỹ từ nay đã có chủ và ông tự nguyện dâng tình yêu nồng nàn nhất cho nàng dưới chân bàn thờ qua câu “dưới chân cội nguồn”. Có thể độc giả nghĩ tôi khiên cưỡng trong lý luận này. Xin phép nói thêm vài lời: hai người cùng cầu kinh, đây là hoạt động của niềm tin – cả hai là “tổng hòa của những vô thường”, cầu kinh là cầu với các Đấng Thường Hằng ở trên bàn thờ. Vậy hai người đang quỳ dưới đất kia không phải là đang ở “dưới chân cội nguồn” sao!
Đến đây, chúng ta xác định được: TCS đã “thấy” người yêu lý tưởng rồi. Vấn để tiếp theo là: chinh phục nàng. Ông dùng bốn câu thơ cuối của khổ thơ thứ năm để nói lên công phu chinh phục.
Tôi mời em về đêm gội mưa trong 
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm 
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan 
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Xin điểm sơ vài chiêu: ông bắt chuyện cầu thân  – nhờ mưa dai nên chuyện trò dài – tận dụng lợi thế thiên thời là bầu trời đêm sạch sẽ và mát mẻ se se lạnh sau cơn mưa (đêm gội mưa trong) – mời nàng đến một nơi hết sức lãng mạn và ấm cúng “thơm ngát hương trầm” – rồi ngâm thơ, dệt nhạc tặng nàng (tiếng nhạc hân hoan) – rồi nhờ dịp khai hội trăng vàng… Nói chung là, để chinh phục được tình yêu tinh khôi của nàng. Ông phải tỏ thành ý hết sức… những điều trên cho người viết suy nghĩ và ngộ được nhiều ý rất hay, xin nêu một số cảm nhận: Ông yêu cô ấy, nhưng cũng cần thể hiện thế nào để cô ấy cũng tự nguyện yêu ông. Đây là một tình yêu song phương cần có tình cảm từ cả hai người. Tình yêu của họ càng có tính nhân văn ở chỗ là cả hai “tự nguyện và tôn trọng nhau”, chứ không phải là tình chiếm đoạt. Kết quả: một mối tình đẹp đã chớm nở và ông đặt tên cho mối tình này là “MỘT ĐÓA HOA QUỲNH”
BVHH
Theo http://nhipcautamgiao.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...