Bếp lửa nhà sàn
Khi ông Núp anh hùng của Tây Nguyên trở về
làng sau bao nhiêu năm rong ruổi, một đơn vị bộ đội công binh quý người con nổi
tiếng đã chiến đấu suốt đời cho núi rừng quê hương, lỉền tìm đến xây tặng ông một
ngôi nhà hai tầng rất khang trang, hồi bấy giờ được coi là đẹp nhất vùng, đi xa
vài ba chục cây số không cái nào sánh bằng. Ông cảm ơn nhiều, thậm chí còn rưng
rưng nước mắt. Nhưng người biết ông lâu và tinh ý đôi chút, nhận thấy khi bắt
tay anh chỉ huy đơn vị tặng nhà ông có vẻ hơi lúng túng, tần ngần như khó xử thế
nào ấy...
Sáu tháng sau anh thủ trưởng công binh trở lại,
sửng sốt: ngôi nhà được xây thật công phu để làm biệt thự tặng nhân vật huyền
thoại, đã biến thành... một cái kho không hơn không kém. Nói cả toàn bộ nhà thì
oan, gia tài vợ chồng ông anh hùng Tây Nguyên có gì đâu mà chất cho đầy. Chỉ
cái phòng rộng nhất, đẹp nhất, sang trọng nhất, do chính anh đại tá công binh tẩn
mẩn thiết kế và tự tay chỉ huy lính thi công từ phần thô cho đến nội thất tỉ mỉ
với ý định đẹp đẽ làm phòng ngủ thật tình tứ cho ông bà anh hùng, nay đã được
bà Chrớ, vợ ông Núp, rất thích thú và sử dụng thật đúng việc nhất, theo bà: bà
mang toàn bộ thóc lúa suốt trọn một mùa rẫy đổ hết vào đấy, cả ngô nữa, vẫn còn
thừa chỗ nhiều quá, bèn cho luôn tất cả nong nia giần sàng cuốc yết (dụng cụ
làm cỏ lúa - NQT) cùng tất tật quần áo cũ mới của ông và của bà vào... Bà thích
nhất là thóc để trong ấy, đóng kín cửa lớn của sổ cả cửa kính lại, chuột chỉ
còn nước khóc, bà cười phô cả hàm răng chỉ còn lợi...
Thật ra ông Núp cũng không muốn để thóc trong
phòng ấy lắm. Xưa nay ở Tây Nguyên thóc mang từ rẫy về, khô cong, bao giờ cũng
được trang trọng rước vào chòi lúa, và chòi lúa thì được cất riêng, thật đẹp, đến
nay vẫn là kiến trúc truyền thống đẹp nhất còn giữ được ở các làng trên này,
thường ở rìa làng, về hướng Đông, là hướng đẹp, hướng thiêng, đối lập với hướng
Tây là hướng ma, nơi có đường đi ra nghĩa trang... Lúa để ở chòi khó tránh được
chuột, nhưng vách bằng tre đan rất khéo, nhiều khi trát thêm đất, nói dại nhỡ
cháy làng đi nữa, lúa vẫn còn... Cho tới nay vẫn vậy, cửa chòi lúa chỉ được
khép hờ, không bao giờ phải khóa, đến buộc một sợi dây lỏng lẻo cũng chẳng cần.
Ở trên này cũng như mọi nơi thôi, mọi thứ đều có thể bị ăn trộm, chỉ khác duy
có thóc lúa thì tuyệt đối không bao giờ. Trong thế giới của người Tây Nguyên, mọi
vật đều có yang (thần hay hồn), tự nhiên là xứ sở mênh mông rộn rã sinh động
linh hồn, chẳng có gì là vô tri. Người cũng là một trong vô số hồn đó. Riêng
lúa là linh hồn Mẹ. Mẹ của mọi linh hồn. Có thể trộm mọi thứ, ai lại
đi trộm Mẹ?...
Ông Núp còn có lần kể cho tôi nghe: ngày trước
- ông bảo thật ra bây giờ vẫn còn đấy, nhưng người ta kín đáo bí mật hơn vì sợ
bị chê "mê tín", mà cũng hơi ngượng khi tiết lộ - vào đầu mùa, đêm
trước buổi bình minh xuống giống, hai vợ chồng thường lặng lẽ dắt tay nhau lên
rẫy từ khi còn mờ đất, không để cho ai thấy, ai biết. Ở đấy họ cởi hết quần áo,
trần truồng, như trong buổi tinh mơ của nhân loại, trong veo, chồng đi trước cầm
gậy nhọn chọc lỗ, vợ theo sau với bụm giống trong lòng bàn tay còn nóng hổi hơi
bàn tay chồng, nhẹ nhàng tỉa từng hạt lúa xuống lòng đất vừa hé mở háo hức và
thẹn thò. Vậy đó, hạt lúa trên cao nguyên. Là mẹ. Là đàn bà. Là hoan lạc của
giao hòa và thai nghén. Của sinh thành...
Ông Núp rất cảm ơn bộ đội công binh đã thương
quý ông, cho ông ngôi nhà hai tầng khang trang đẹp nhất vùng. Bà Chrớ dùng
phòng ngủ sang trọng làm kho lúa kỳ thật ông không ưng lắm, nhưng thôi thì mục
này ông chiều, đàn bà vẫn thế. Vả lại lúa là thuộc về đàn bà chứ không phải đàn
ông, nói cho đúng chuyện ấy thuộc quyền bà... Duy còn sống luôn ở ngôi nhà đẹp
công binh xây cho, ông thấy khó quá. Ông bảo nó "lạnh". Lạnh theo
nghĩa đen ấy, có lần ông thủ thỉ với tôi. Cụ thể hơn: ông thèm một
cái bếp. Mà nhà tây - ông gọi thế - thì thiếu một cái bếp. Một bếp lửa.
Đích xác hơn nữa: một bếp lửa nhà sàn. Tôi nói điều này, bạn chê hay mắng cũng
được, nhưng mà thật thế đấy, bạn không ở Tây Nguyên, "sống" với nó,
thì xin lỗi, chắc bạn khó hiểu khó cảm thế nào là một bếp lửa nhà sàn. Người
Tây Nguyên thiếu gì cũng được, nhưng thiếu một bếp lửa, một bếp lửa nhà sàn thì
không, tuyệt đối không. Thì khô héo. Thì nghèo. Nghèo trong hồn.
Nhà Tây Nguyên học hàng đầu Jacques Dournes,
sống 25 năm với Tây Nguyên, riêng ăn dầm nằm dề với Gia Rai 15 năm, bảo rằng
người Gia Rai ban ngày có thể là đủ thứ, là ai, vào vai gì cũng được, viên chức
nhà nước, trí thức xã hội, sĩ quan quân đội, cán bộ đảng, doanh nhân, được hết...,
nhưng đến đêm về làng, về nhà thì mới thực lại là người Gia Rai. Khi ngồi bên bếp
lửa nhà sàn, gật gà hút rượu cần, rít ông điếu tre, và cất giọng ề à ngân nga kể khan mà
hóa ra họ thuộc nằm lòng không biết từ bao giờ, thấm đâu đó mơ hồ mà không phai
trong máu. Lúc ấy mới té ra tất cả những chức tước oai phong họ mang ban ngày
chỉ là cái vỏ lỏng lẻo trống trơn, tối về bước lên nhà sàn bên bếp lửa họ cởi
ra dễ như không, tựa như cởi áo. Bếp lửa nhà sàn làm cho con người Tây Nguyên
trở lại là người Tây Nguyên, Gia Rai trở lại Gia Rai, Ê Đê trở lại Ê Đê, Ba Na
trở lại Ba Na... bất chấp cái mà các nhà khoa học ngày nay gọi là "tiếp biến
văn hóa" với lại những "toàn cầu hóa"... rất lôi thôi.
Thế đấy, chẳng lý luận dông dài gì sất, làm
sao thiếu bếp lửa nhà sàn mà còn được Tây Nguyên. Nhưng bạn sẽ phản biện: Thì
trong ngôi nhà khang trang kia của anh thủ trưởng công binh cũng "thiết kế"
được một cái bếp lửa chứ? Ối giời ơi, vậy thì anh không hiểu gì bếp lửa Tây
Nguyên nữa rồi. Nhà bê tông, sàn gạch hoa, tường sơn "Nippon sơn gì cũng đẹp",
lại treo lủng lẳng đèn chùm thủy tinh... thì bếp lửa vào đâu? Bếp lửa Tây
Nguyên ư? Là cái bếp ngay giữa nhà, trên sàn tre của ngôi nhà, ọp ẹp chút cũng
được, nhưng luôn ở vị trí cao quý, vị trí thiêng nhất, vì còn gì thiêng bằng lửa?
Ở đấy Lửa sống, âm thầm ban ngày, thao thức dưới tro, tỉnh dậy về đêm, bùng lên
những tối rộn rã rượu cần, thầm thỉ về khuya khi bọn trẻ say mèm đã lăn ra ngủ
hết, còn những người già thì lại thức dậy sau giấc ngủ mệt mề đầu hôm, càng
khuya càng tỉnh như sáo, chí thú hút nhưng hơi rượu cuối cùng tận đáy ché đậm đến
khé cổ, và... tôi đã có lần nghe trộm được, thầm thì rỉ tai nhau về những cuộc
bồ bịch ngày xưa khi còn cường tráng, và cả ngoại tình nay nữa khi chẳng còn
chiếc răng nào, để cùng nhau rúc rích cười...
Vâng, một bếp lửa như vậy đấy, làm sao có được
trong nhà tây. Ừ anh có thể thiết kế giả, kỹ thuật bây giờ cái gì chẳng giả được,
chỉ có điều nó... giả. Cả ngôi nhà không ám khói bếp, từ cái giàn treo lủng lẳng
bên trên ngọn lửa trên ấy người ta đặt đủ thứ, chùm bắp giống béo ụ như đàn bà
chửa, những gié lúa giống hạt no tròn hệt những con nhộng múp míp... cho đến những
trái bầu đựng nước đen bóng bọn trẻ con cực kỳ tài hoa và tinh nghịch cắt những
mảnh lá nhỏ dài dán chồng chéo lên nhau, năm bữa nửa tháng gỡ ra, để lại những
hình kỹ hà ngang dọc ngẫu hứng lạ lùng và đẹp đến mê hồn, hẳn Picasso cũng phát
ghen... Khói bếp ám đen bóng tất cả cột kèo rui mè, đến cả sàn nhà bằng tre, lạ
vậy, cũng đen bóng... Và khắp nhà đặc sánh một mùi hôi khói không thể nhầm,
không lẫn vào đâu được, không ở đâu khác có, bám vào quần áo, vào tóc tai, vào
da thịt, mùi khói đặc trưmg nhà sàn Tây Nguyên... sẽ trở thành nổi thèm nhớ xốn
xang đến tận đáy tâm can của người vô phúc phải đi xa làng lâu năm... Bạn chê
cái mùi ấy ư, được thôi! Vậy dân tây ghiền phó mát, bít tất thì sao
nào?...
Ông già Georges Condominas hiền minh có lần
nói: muốn biết một món ăn của người Mnong Gar có ngon không thì phải là một người
Mnong Gar, chân lý giản dị và phổ biến. Và không chỉ chuyện miếng ăn ngon dở,
quan trọng, nghiêm trọng hơn nhiều, cả chuyện hạnh phúc nữa. Tính tương đối của
hạnh phúc cũng tuyệt đối như tính tương đối của thời gian và không gian trong vật
lý Einstein vậy. Từng có biết bao nhiêu bi kịch thê thảm nhân loại gây ra cho
nhau bởi niềm tin chân thành và ngoan cố của những người tốt bụng lại có quyền
muốn áp đặt quan niệm tự cho là tuyệt đối về hạnh phúc của mình cho dân tộc hay
cho cả nhân loại...
Anh đại tá công binh đã công phu xây cho ông
Núp một cái nhà lầu giữa rừng đã ngộ ra điều đó khi lần thứ hai anh trở lại
thăm người anh hùng. Bà Chrớ vẫn giữ cái phòng ngủ làm kho lúa chất lẫn với
nông cụ và quần áo nồng nặc mùi khói. Nhưng nhà còn đến bốn năm phòng khác cũng
mênh mông, làm gì đây? Ông Núp chu đáo và thông minh, ông mời xã đến, trân trọng
tặng xã làm nhà khách, xem ra sang đẹp hơn nhà khách của huyện nhiều... Còn hai
ông bà thì lui cui cất một căn nhà sàn tranh tre ở phía sau, đúng kiểu Ba Na,
nhỏ thôi, chỉ vừa chỗ cho hai người nằm ngủ, và một cái bếp giữa nhà, chẳng bao
lâu đã khiến cho cả căn nhà đen nhẻm và sực nức mùi khói, mà bao nhiêu năm rong
ruổi đi làm cách mạng, khắp nam bắc, trong nước và ngoài nước, có lần sang tới
cả Cu Ba tận phía bên kia trái đất..., ông vẫn quằn quại nhớ, mà không dám thổ
lộ cùng ai, chẳng lẽ lại đi nói với ông bạn kết nghĩa Fidel Castro rằng mình nhớ
khói bếp, ai hiểu?...
Nhà sàn bé thế nhưng đám trai gái trong làng
thỉnh
thoảng vẫn tụ tập uống rượu. Cạnh bếp ông Núp đã dựng sẵn một cây cột để buộc ché rượu, không bất tiện như trên nhà lầu hiện đại, chẳng có cột kèo gì cả, đã có lần phải lật ngược cả chiếc ghế xa lông - cũng là của đơn vị công binh tặng - buộc tạm cổ ché vào chân ghế cho khỏi đổ... Uống rượu đến khuya, đánh đàn goong và hát điệu hái cà, lâu lắm mới hát lại... Rồi lăn ra ngủ, chen chúc thế mà đêm rừng Kbang vẫn lạnh thấu xương, giá còn ở trên nhà lầu thì gay rồi, ở đây thế mà tiện hơn nhiều, nằm theo hình ngôi sao quanh bếp, cả chục người, đầu quay ra ngoài, chân chụm vào sát lửa, đặt ngay trên lớp tro hôi hổi, cách ngủ thật khoa học của người Tây Nguyên: chỉ cần hai chân nóng là cả người đủ ấm rang. Có cô cậu ấm quá ngủ mê mệt, đút chân vào lửa, gót cháy xèo xèo mới giật mình...
thoảng vẫn tụ tập uống rượu. Cạnh bếp ông Núp đã dựng sẵn một cây cột để buộc ché rượu, không bất tiện như trên nhà lầu hiện đại, chẳng có cột kèo gì cả, đã có lần phải lật ngược cả chiếc ghế xa lông - cũng là của đơn vị công binh tặng - buộc tạm cổ ché vào chân ghế cho khỏi đổ... Uống rượu đến khuya, đánh đàn goong và hát điệu hái cà, lâu lắm mới hát lại... Rồi lăn ra ngủ, chen chúc thế mà đêm rừng Kbang vẫn lạnh thấu xương, giá còn ở trên nhà lầu thì gay rồi, ở đây thế mà tiện hơn nhiều, nằm theo hình ngôi sao quanh bếp, cả chục người, đầu quay ra ngoài, chân chụm vào sát lửa, đặt ngay trên lớp tro hôi hổi, cách ngủ thật khoa học của người Tây Nguyên: chỉ cần hai chân nóng là cả người đủ ấm rang. Có cô cậu ấm quá ngủ mê mệt, đút chân vào lửa, gót cháy xèo xèo mới giật mình...
Bếp tất là "nhà" của Lửa, là nơi cư
trú của Lửa, khám phá vĩ đại nhất của con người đã khiến con người thành người.
Người Tây Nguyên không có truyền thuyết Prométhée cướp lửa của Trời cho con người
và đời đời chịu tội. Họ tin rằng tự nhiên nhân ái hơn, đã "ngậm" sẵn
lửa trong nó để từng lúc lại cho con người trên hành trình bất tận của mình.
Món quà quý nhất, được trân trọng gìn giữ, mỗi năm lai nhẹ nhàng âu yếm cất lửa
cũ đi, và lại xin lửa mới, của đất trời... Tôi có cô bạn là thạc sĩ người Xơ
Teng, một nhánh Xơ Đăng tít trên sườn tây nam chót vót của núi Ngok Link cao nhất
Tây Nguyên. Hãy nghe cô kể về nghi lễ cất lữa và xin lửa mỗi mùa xuân của dân tộc
cô. Cô viết: " (... Ở Xơ Teng) lửa là một trong số những đối tượng tin thờ
cùng với những nghi lễ quan trọng, trong đó có nghi lễ lấy lửa mới (ting on), tổ
chức đồng thời với nghi lễ máng nước (ting kleng tea) vào khoảng tháng 3 hằng
năm. Trong nghi lễ này, lửa cũ được dập tắt ở tất cả các bếp, từ nhà rông cho
đến các hộ gia đình. Nhưng lửa năm cũ không phải là thứ bỏ đi, người ta không
có quyền đối xử với nó một cách thiếu tôn trọng. Ngọn lửa năm cũ được dập tắt
bằng nước thuần khiết sinh ra trong ống nứa, được phủ lên bởi một lớp cát hay
một lớp đá vụn sạch sẽ. Lửa mới được lấy bằng phương cách truyền thống ở nhà
rông. Người phụ nữ chin rước ngọn lửa từ nhà rông vào bếp của nhà mình. Những
bẹ chuối mát lành được xếp vuông vắn quanh bếp... tại đây người chủ gia đình
hiến sinh một con gà trống hết lớn, máu và gan dâng cho hồn lửa cùng với lời khấn
"xin lửa hãy ở yên trong bếp... hãy nhận và ăn tất cả những gì ngươi
thích tại đây... đừng ăn ở nơi khác trong nhà hay ngoài kho...". Cũng tương
tự như vậy người Xơ Teng lấy lửa bằng thanh nứa hay hòn đá để đốt rẫy. Họ tin
rằng ngọn lửa mới sẽ ăn sạch những cây to, cây nhỏ được đốn ngã mà không liếm
sang phần của rừng..."
Ta thấy đấy, lửa gắn với những gì tinh khiết
nhất. Bẹ chuối để ủ cất lửa cũ là lớp bẹ trong cùng của thân chuối, mướt như lụa;
nước để ru lửa cũ vào giấc ngủ bình yên là nước từ lòng ống giang, một loại tre
rừng mỗi ống cho một bát nước trong veo, mát ngọt lạnh người. Người được cử đi
rước lửa mới là cô gái chin, con gái đồng trinh trong sạch nhất của xứ Xơ
Teng... Còn lửa mới được xin theo cách truyền thống, đúng như hàng vạn hay hàng
triệu năm trước, bằng cách siết một sợi tre cật vót mỏng và bén đến gần như sợi
tóc vào một thanh tre thật khô, hay cọ mãi vào nhau hai hòn sỏi rắn và đen bóng
chọn ở đầu ngọn suối trên đỉnh Ngok Linh; một tia lửa nhỏ nhọn ngậm sẵn từ vô tận
như một mũi tên thiêng sáng rực bật ra, bắn vào mớ bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn và
ngọn lửa sẽ bùng lên, thoạt như một giọt nắng cháy, rồi nhanh chóng chói
lòa...
Anh đại tá đã xây nhà lầu tặng ông Núp năm ấy
trở về thăm đúng vào dịp Tết lúa mới của người Ba Na. Trong căn nhà sàn bé tí
do ông Núp và bà Chrớ vợ ông lụm cụm dựng lên, chật bó và sực nức mùi khói quả
anh chưa thể quen, mùa lúa mới Ba Na năm ấy anh đại tá tốt bụng và thông tuệ của
chúng ta may mắn lần đầu tiên được biết và được chứng kiến Lửa, khám phá vĩ đại
nhất của con người được tìm ra bởi con người như thế nào.
Cuộc khám phá vĩ đại mỗi năm được diễn lại một
lần, bên bếp lửa nhà sàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét