Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Mỹ nhân và duyên phận

Mỹ nhân và duyên phận 
Nàng Visàkhà là một vị nữ đệ tử ưu tú tại gia vào thời đức Phật tại thế. Nàng là con gái của phú hộ Dhanãnjaya và là cháu ngoại của nhà triệu phú Mendaka. Nàng có một vẽ đẹp rất duyên dáng mỹ miều; được thiên phú cho một mái tóc mượt mà, đôi môi đỏ thắm, một làm da hồng mịn, đôi hàm răng trắng ngọc ngà tựa những viên ngọc xếp đều đặn bên nhau, cùng với một vóc dáng thanh cao, thon thả. Nét đẹp duyên dáng của nàng chắc hẳn chẳng kém thua nét đẹp của Thuý Kiều được mô tả qua ngòi bút xuất chúng của Nguyễn Du:
“...Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai...”
Hay là:                                    
“... Mây thua nước tóc. Tuyết nhường màu da...”
Nàng Visàkhà xinh đẹp là thế nhưng lại có nội lực và trí tuệ hơn người. Lúc ấu thơ, có một lần Ðức Phật ghé thăm và thuyết pháp tại quê nàng, Bhaddhàya, nàng đã tháp tùng bà ngoại đến nghe pháp. Nhờ tâm trí sáng suốt cùng với lòng chí kính đến Phật, Pháp, Tăng nên ngay sau bài pháp thoại, nàng đã chứng được quả Tu Ðà Hoàn dù lúc đó nàng chỉ là cô bé lên bảy tuổi.
Nhờ có tín tâm vững chắc với ba ngôi Tam Bảo nên cuộc sống của nàng bình lặng và tràn đầy an lạc; Trên khuôn mặt thanh tú của nàng luôn được tô điểm nụ cười khả ái, yêu đời. Trong lúc đó, nàng Kiều lại mang một vẽ đẹp mà bất cứ người nào khi nhìn vào cũng đều thấy luyến tiếc, xót thương, đau buồn khi tạo hoá đã kém công bằng, tạo nên một nét đẹp mê hồn nhưng kém phần an lạc trong cuộc sống.
“...Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai...”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tín tâm với đạo Phật nhưng đến tuổi xuất giá, nàng phải đặt chân vào một gia đình ngoại đạo. Cha chồng của nàng là một đệ tử trung thành của phái Ni Kiền Tử gồm những thầy tu lõa thể. Vốn là người thanh cao trang nhã, lắm lúc nàng đã làm cho cha chồng nàng bực mình vì từ chối đảnh lễ các vị tu sĩ lõa thể ngã mạn đó. Dù trước ngày xuất giá,người cha yêu quý của nàng đã dặn dò con gái nhớ vâng giữ mười điều và một trong mười điều đó là tôn trọng cha mẹ chồng cũng như những vị trời trong nhà.
Nàng quan niệm rằng thương cha mẹ chồng không phải lúc nào cũng chìu chuộng theo ý muốn của họ. Nàng đã thương cha mẹ chồng đúng theo tinh thần Phật dạy: Ðó là tạo cơ hội và hướng dẫn ho ïđến gần với chánh pháp, tu tập theo chánh pháp. Nàng tránh sự cãi vã, luôn giữ thái độ ôn hòa, rộng lượng. Nhân có cơ duyên thuận tiện, nàng đã cung thỉnh Ðức Phật về nhà thọ trai, Ðức Phật đã thuyết giảng một bài pháp sau khi thọ trai; Cha chồng nàng ngồi sau bức rèm nghe trộm, nhờ tâm tư thuần chất, sau thời pháp ông đã chứng quả Tu Ðà Hoàn. Ông đã biểu lộ lòng biết ơn vô cùng đối với người con dâu hiếu thảo, người đã hướng dẫn ông đến với chánh pháp của đức Như Lai. Nhờ tâm trí sáng suốt, dần dần nàng đã hướng dẫn gia đình chồng thành một gia đình phật tử thuần thành.
Cùng có nét đẹp mỹ miều của tạo hoá ban cho nhưng Thuý kiều phải lăn lộn, truân chuyên hơn nữa đời người và cũng có nghĩa là trọn kiếp má hồng để trả nợ mỹ nhân.
“...Ðầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đền quá nữa thì chưa thôi...”
Phải chăng nàng Kiều thiếu may mắn hơn nàng Visàkhà, dù rằng nàng Kiều cũng là một người con chí hiếu, đã liều mình bán thân để chuộc cha khi gia đình nàng lâm vào cảnh nguy biến.
“...Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân...”
Hay:
“...Thà rằng liều một thân con...”
Nàng hiếu thảo là thế, tuy nhiên quyết định hy sinh bán mình của nàng đã phạm một sai lầm ngay từ lúc đầu, nàng phải phôi pha cả kiếp má hồng cho khách phong trần mà cái nhục, cái khổ lắm lúc đưa nàng đến quyết định quyên sinh:
“...Trên yên sẳn có con dao
Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn
Phòng khi nước đã đến chân
Dao này thì liệu với thân sau này...”
Thái độ bi quan của Thuý Kiều đã tạo ra bi kịch cuộc đời của nàng. Ở chốn giang hồ, tìm đâu niềm thương yêu đùm bọc của cha mẹ, anh em. ban bè; Tìm đâu những lời khuyên nhủ của bạn đường tri thức. Nàng chỉ biết dấn thân và xem như đó là định mệnh mà nàng đã bắt gặp bên ngôi mộ của Ðạm Tiên ngày nào trong dịp du xuân tháng ba.
“... Mà xem trong sổ đoạn trường có tên...”
Nghĩ cho cùng, người viết không muốn làm một cuộc so sánh giữa hai cuộc đời có những nét chấm phá tài sắc như nhau. Nhưng dù sao cũng thấy rõ rằng cuộc đời của nàng Visàkhà cũng đầy đủ Y báo và Chánh báo tốt đẹp; Nàng có tín tâm vững chắc đối với ba ngôi Tam Bảo. Tâm nàng giàu lòng cúng dường và bố thí. Chuyện kể rằng: “Trong ngày cưới hỏi của nàng, người cha yêu quý đã tặng một chiếc áo rất đẹp và đắc giá cho con gái. Nhân một buổi đến nghe Ðức Phật thuyết pháp, nàng đã mặc chiếc áo này; Nghĩ đến sự rực rỡ của chiếc áo không hợp thời khi nghe pháp nên nàng đã thay chiếc áo khác và nhờ người tỳ nữ giữ hộ. Khi ra về, người nữ tỳ đã bỏ quên chiếc áo trong giảng đường. Lúc nàng trở lại thì Ðại Ðức A Nan tạm giữ chiếc áo để chờ trao lại cho chủ. Thấy vậy nàng phát tâm lên Ðức Phật muốn bán chiếc áo để làm việc thiện. Ðức Phật khuyên bà nên xây cất một tịnh xá để chư Tăng có chổ trú nghỉ. Vì không ai có đủ tiền mua bộ y phục quý giá đó, nên nàng tự mình mua lại bộ y phục và dùng tiền xây dựng một tịnh xá đẹp đẽ; Tại ngôi tịnh xá này, Ðức Phật đã nhập  hạ sáu lần. Ngoài ra nàng còn chia đều công đức với cô tỳ nữ, người đã tạo cơ hội cho nàng xây cất tịnh xá cúng dường Phật và chư Tăng.        
Tâm cúng dường của nàng còn biểu hiện qua tám điều thỉnh cầu:
Dâng Y đến chư Tăng trong mùa nhập hạ cho đến khi nàng qua đời.
Ðể bát những vị Sư đến thành Sàvatthi.
Ðể bát những vị rời thành Sàvatthi.
Dâng thực phẩm đến những vị Sư đau ốm.
Dâng thực phẩm đến những vị chăm sóc những Sư  đau ốm.
Dâng thuốc men đến những vị Sư đau ốm.
Dâng lúa mạch đến các Sư.
Dâng Y tắm đến các vị Tỳ Kheo Ni.
Và chuyện kể rằng nàng cũng rất giàu lòng thương súc vật. Phải chăng đầy đủ duyên lành với Phật Pháp và nàng có nhiều may mắn hơn nàng Kiều khi có những thiện tri thức như : Ông Ngoại của nàng, như người cha yêu quý, như người tớ gái trung thành vv... Và hơn hết là nàng được đại duyên làm đệ tử của một vị Thầy khả kính, Bậc Thầy của trời ngưòi, Bậc có  khả năng hướng dẫn chúng sanh thoát khỏi biển sanh tử.
Vậy thì phải chăng số phận của con người luôn phải ở trong định mệnh như Nguyễn Du đã hiểu:
“Trăm năm trong cõi người ta,
 Chữ tài chữ mệnh vốn là ghét nhau”
Thay cho lời kết, người viết muốn trích một câu thi kệ Kinh Pháp Cú: “Hạnh phúc thay Ðức Phật ra đời” để thấy rằng chúng sanh đau khổ trong sáu cõi, mong ước có một lần gặp được Chánh Pháp của Ðức Như Lai. Và thế giới  ngày nay đang trên đường tiến đến đỉnh cao của khoa học, nhưng cuộc sống thì luôn bất an và bạo lực thì xãy ra khắp nơi. Những lời dạy của Ðức Phật vẫn mãi là thông điệp hòa bình của nhân loại. Chúng ta hãy  tiếp nhận và trân quý, đừng chậm trễ. 
Như Hiệp
Theo http://www.tuvienquangduc.com.au/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...