Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Tản mạn Le Pont Mirabeau

Tản mạn Le Pont Mirabeau 
Chiếc cầu là đề tài phổ biến trong Văn Chương. Người ta không thể nào biết chính xác có bao nhiều bài thơ, bài nhạc nói về chiếc cầu. Ở Việt Nam mình cũng vậy, có không biết cơ man nào là ca dao, tục ngữ, thơ, nhạc nói về cây cầu. Mấy câu  ca dao sau đây thì hầu như ai cũng thuộc:     
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Hoặc là:
Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu
Và những người ở miền sông nước Tây Nam Bộ làm sao có thể quên được hình ảnh cảm động đầy nước mắt về người mẹ năm xưa và ngày ấu thơ của mình:
Dí dầu cầu dzáng đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắc con đi
Con thi trường học, mẹ thi trường đời
Người miền Tây Nam Bộ có cách phát âm đặc biệt và ở trên là cách “ký âm” theo đúng thực tế - chứ không phải theo đúng chính tả.Các bạn nhớ những từ này nhé: dí dầu, cầu dzáng, gập ghình, dắc mà không phải là ví dầu, cầu ván, gập gềnh, dắt.
Tôi có mấy người bạn lớn tuổi ở xa, mấy chục năm trở lại  miền Tây, chỉ nghe tiếng ru con,đúng cách phát âm bài ca dao trên, mấy ông lão đầu bạc trắng đã ôm nhau khóc rưng rức! Có mấy ông khóc nức nở! Hôm đó, ai cũng rưng rưng nước mắt!
Đấy tình quê hương mạnh biết dường nào! Tiếng Việt mạnh đến dường  nào!
Nói về nhạc, thì Việt Nam cũng có nhiều bài về cây cầu.
Tuy nhiên bài Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy, giọng hát Thái Thanh, đối với tôi, quả là một tình ca tuyệt phẩm, về phần nhạc cũng như phần ca từ. Tuyệt tuyệt hay! Tôi chép ra đây để các bạn cùng thưởng thức:
BÊN CẦU BIÊN GIỚI
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa
Người đi chưa hết vương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ
Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền bền duyên xưa
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời ...
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Da - nube
Những đêm sáng sao
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mãi
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Ôi dòng tóc êm đềm!
Ôi bể mắt đắm chìm!
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa
Chỉ là mơ qua …
Bên cầu biên giới
Phạm Duy - Thái Thanh
Còn về thơ nước ngoài, tôi thấy có nhiều bài rất hay về chiếc cầu, nhưng nếu phải chọn ra một bài, thì tôi sẽ không ngần ngại chỉ ra ngay. Vâng! đó chính là bài thơ  Le Pont Mirabeau!. Một bài thơ ra đời cách đây đã 99 năm (1913), là bài thơ đã đưa tác giả của nó lên vị trí số 1 thời đó.
Le Pont Mirabeau là bài thơ nổi tiếng nhất của nhà thơ người Pháp, Guillaume Apollinaire. Và cũng là một trong những bài thơ Pháp được yêu thích nhất trên toàn thế giới. Điều đó khẳng định rằng: Le Pont Mirabeau là một bài thơ hay!.
Ở Việt Nam, Le Pont Mirabeau cũng là một trong những bài thơ được dịch nhiều nhất. Nhìn vào nguyên tác thấy có vẻ “dễ ăn”, nhưng sự thực là Le Pont Mirabeau vô cùng thâm trầm và hàm súc.
Chính vì vậy, nên tới nay, Le Pont Mirabeau vẫn không có nhiều bản dịch hay. Một số khá nhiều những bản dịch có những câu dịch nghe khá lạ tai, thí dụ: Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh, hay là câu: Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn. Hoặc là những câu dịch quá khó hiểu, mà có lẽ nhóm Xuân Thu Nhã Tập khi xưa cũng phải kính nể đôi phần.
Tôi tạm dừng đây để giới thiệu một vài câu thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong nhóm đó:
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi  
Tôi nghĩ chắc có nhiều độc giả phải buông lời cảm thán khi phải  “đối diện” với mấy câu thơ hiểu chết liền nêu trên.
Trở lại với bài thơ Le Pont Mirabeau, khi câu Des éternels regards l’onde si lasse, được dịch là: những đôi mắt đông kín với thời gian trôi trên dòng nước chậm, thì tôi nghĩ cũng không ít độc giả choáng váng trước tứ thơ mới lạ này. Tôi nghĩ Apollinaire muốn nói điều đơn giản hơn nhiều.
Bởi vậy, ở một góc độ nào đó, có thể nói rằng, ở Việt Nam, Le Pont Mirabeau vẫn đang là một thách thức, đang tiếp tục chờ đợi những người dịch mới, những bản dịch mới. Nguyên tác bài thơ tiếng Pháp như sau:
French Poem
Le Pont Mirabeau by Apollinaire - Slow Reading
Le Pont Mirabeau
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Et nos amours
Faut-il qu'il m'en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Les mains dans les mains restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
L'amour s'en va comme cette eau courante
L'amour s'en va
Comme la vie est lente
Et comme l'Espérance est violente
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Passent les jours et passent les semaines
Ni temps passé
Ni les amours reviennent
Sous le pont Mirabeau coule la Seine
Vienne la nuit sonne l'heure
Les jours s'en vont je demeure
Guillaume Apollinaire
Hồi trung học, tôi và đám bạn mê bài này lắm. Tôi nhớ thầy Hòa dạy Pháp Văn giới thiệu cho chúng tôi bài này cùng với một số bài của Victor Hugo. Đọc thấy hay mà dịch nghe không suôn sẻ mấy. Thầy Hòa chỉ giải nghĩa thôi chứ thầy cũng không dịch trọn vẹn.
Hồi đó tôi có một người bạn làm gan dịch bài này đăng bích báo, một giáo sư chấm thi là thầy Nguyễn Khắc Trừng (một người cậu họ của tôi, có lẽ là dịch giả Việt Nam đầu tiên dịch cuốn The Old Man And The Sea của Ernest Hemingway ra tiếng Việt), chấm tới bài dịch đó, gật đầu tấm tắc khen hay. Nhờ sự kiện này mà anh bạn kia trở nên nổi tiếng toàn trường. Đặc biệt được một số lượng lớn các nữ sinh yêu thơ hâm mộ, không thua gì hâm mộ diễn viên đẹp trai người Pháp Alain Delon, đang lẫy lừng thời đó. Bọn con trai, khối đứa nóng cả mặt nhưng mà dịch không lại nên đành chịu ! Hồi xưa học tập rất khác, học khá, siêng năng và có chất lãng mạn. Hồi xưa hầu như học trò nào cũng có cuốn tập chép thơ, nhạc và danh ngôn. Mùa phượng nào cũng viết lưu bút. Kể cả dân ban Toán.Tôi nhớ mình có chép lại bài dịch đó, nhưng giờ tìm không ra. Còn người bạn kia nghe nói về miền Trung rồi không thấy quay lại nữa.Thắm thoắt đã mấy mươi năm rồi! Nhưng mà trái đất tròn, biết đâu…. Nhiều năm sau, tôi cũng sưu tầm được khá nhiều bản dịch Le Pont Mirabeau, trong đó có vài bản dịch tương đối phổ biến như bản dịch của Hoàng Hưng, Tế Hanh, Xuân Diệu…
Nhưng như trên đã nói, tôi chưa thực sự ưng ý với một bản dịch nào. Tôi nghĩ không phải là không có bản dịch tốt hơn nữa.Tôi nghĩ rằng, những bản dịch ấy còn nằm lẫn khuất ở đâu đó. Quý vị độc giả nếu có biết xin chỉ giúp. Tuy nhiên, hôm nay, để vui chuyện với quý vị độc giả, tôi cũng xin khiêm tốn giới thiệu bài dịch của tôi, bài Cầu Mirabeau, dịch xong năm 2000, và có chỉnh lại chút ít vào cuối tháng 6/2012.
CẦU MIRABEAU
Hoàng Anh Dũng
Dưới cầu Mirabeau
Sông Seine trôi mải miết
cuốn theo dòng biền biệt cuộc tình ta
phôi pha rồi mà cứ ngỡ hôm qua
những phiền muộn và niềm vui nối tiếp
Đêm cứ tới và giờ cứ điểm
ngày tháng qua tôi vẫn nơi đây
Tay nắm tay bên cầu mong đợi  
mắt nhìn nhau vời vợi đắm say
dưới chiếc cầu của những vòng tay
sóng u uẩn trôi hoài trong mắt biếc
Đêm cứ tới và giờ cứ điểm
ngày tháng qua tôi vẫn nơi đây
Tình yêu qua rồi như nước chảy
tình yêu qua còn mãi cô liêu 
cuộc đời trôi chậm biết bao nhiêu
và Hy Vọng sao thổi bùng mãnh liệt  
Đêm cứ tới và giờ cứ điểm
ngày tháng qua tôi vẫn nơi đây
Ôi! Những cuộc tình xưa không trở lại
thuở yêu thương vẫn cháy giữa đời ta  
ngày qua rồi lại tuần qua
dưới cầu Mirabeau
sông Seine trôi mải miết
Đêm cứ tới và giờ cứ điểm
ngày tháng qua tôi vẫn nơi đây
Le Pont Mirabeau – Guillaume Apollinaire
Hoàng Anh Dũng dịch
10/2000 &  10/ 2012 
BÌNH LUẬN (chỉ có nghĩa là nói thêm một chút cho rõ) 
Như trên đã nói, bài dịch này tôi hoàn thành tháng 10 năm 2000, chính xác là ngày 7 tháng 10 năm 2000, tôi nhớ rõ ngày ấy vì đó là vào dịp giỗ thầy tôi, sau đó tôi chỉnh sửa chút ít vào tháng 6 năm 2012. Thế nhưng, như một sự tình cờ, ngày 5/10/2012 khi tôi gởi bài viết này tặng cho một bạn thơ thì cô ấy cung cấp thêm cho tôi một số thông tin về bài thơ nói trên, một số bản dịch khác, và đặc biệt, một bản dịch của chính cô. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, bởi tuy bản dịch của tôi xong từ lâu nhưng tôi thấy vẫn còn một cái gì đó chưa trọn, và điều chưa trọn đó đã trọn hơn một chút sau khi tôi đọc xong các bài được gởi tới. Hai câu điệp khúc trong bài thơ: Vienne la nuit sonne l’heure/ Le jours s’en vont je demeure, là khó nhằn nhất, nhưng có hai câu dịch này mà tôi cho là rất hay nhất trong tất cả các bản dịch mà tôi có được: Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp/ Tháng ngày qua, còn đây mình tôi… xin đố các bạn hai câu này là của dịch giả nào? Chính là của cô bạn ấy. Tôi cũng đặc biệt cám ơn hai tác giả Phạm Anh Tuấn và Hà Thủy đã có bài phân tích rất sâu về bài thơ Le Pont Mirabeau, và về tác giả của nó, Guillaume Apollinaire. Tôi đọc xong và “hốt nhiên” ngộ ra nhiều điều. Vậy là bản dịch lại được chỉnh lần thứ ba, đúng vào ngày này 12 năm trước. Quý vị cũng thấy, có một điểm đặc biệt trong bản dịch Tiếng Việt của tôi, cũng như trong nhiều bản dịch Tiếng Anh của các dịch giả khác: không đặt dấu chấm, dấu phẩy, bởi bản nguyên tác cũng vậy. Với lối này thì lối ngắt câu của các bạn đôi khi tạo ra cho câu thơ có ý nghĩa khác, rất bất ngờ. Tôi mượn một câu nói quảng cáo thường nghe trên TV để kết thúc bình luận này: Hãy thử một lần xem sao! Có thể bạn sẽ thích đấy! 
Khi bài này đã viết xong thì tôi mới phát hiện có bản dịch  Le Pont Mirabeaurất hay của nhà thơ Đông Yên trên dinhsong.net...
(...) Ôi tôi thật vô ý quá, tôi thành thật xin lỗi, chiều nay khi trở về, tôi đã vào dinhsong và cuối cùng tìm được bản dịch Le Pont Mirabeau qua giọng ngâm của cô Bích Ngọc...
Tuyệt phẩm! Đây là lần đầu tiên tôi biết một bản dịch TÍN-ĐẠT-NHànhư vậy.
HOÀNG ANH DŨNG
Theo http://www.dinhsong.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...