LỜI NÓI ĐẦU
Bạn đọc nước ta đã làm quen với nhà văn Xô viết Alếchxây
Nhicôlaiêvich Tônxtôi qua hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: Con
đường đau khổ và Pie đệ nhất. Chúng ta còn được thưởng
thức Con đường đau khổ qua một bộ phim màn ảnh thường và một
bộ phim màn ảnh nhỏ.
"Con đường đau khổ" mà các trí thức Nga Têlêghin,
Rốtsin, Đasa, Cachia đã trải qua để đến với Cách mạng cũng chính là con đường
tác giả đã phải đi qua với bao trăn trở nhọc nhằn. Vốn xuất thân từ một gia
đình quý tộc nhỏ có truyền thống văn học, A.N.Tônxtôi ngay từ những năm đầu thế
kỷ 20 đã là một trong những nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc. Khi chiến
tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ông ra mặt trận làm phóng viên, nhưng do
hạn chế về tư tưởng, ông không nhận thức được thực chất của cuộc chiến tranh đế
quốc. Ông đã hân hoan chào mừng Cách mạng tháng Hai năm 1917, nhưng khi Cách
mạng tháng Mười bùng nổ, ông lại hoang mang dao động. Bị đám văn nghệ sĩ suy
đồi lôi kéo, năm 1918, ông đã cùng với gia đình "di tản" qua Pháp,
sống cuộc đời lưu vong đầy day dứt và dằn vặt. Trong suốt thời gian này,
A.N.Tônxtôi vẫn tiếp tục viết những tác phẩm thấm đượm nỗi nhớ Tổ quốc da diết.
Tập đầu Hai chị em của tiểu thuyết bộ ba Con đường đau
khổ, truyện Thời thơ ấu của Nhikita, tiểu thuyết Aêlita đã
ra đời trong những năm lưu vong ấy.
Đầu năm 1923, A.N.Tônxtôi trở về Tổ quốc, tình nguyện đứng vào
hàng ngũ những người trí thức cống hiến mọi sức lực của mình cho công cuộc xây
dựng đất nước. Từ đấy bắt đầu một thời kỳ sáng tác mới rất phong phú của nhà
văn với nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có hai tập Năm 1918 và Buổi
sáng ảm đạm đã được viết xong để hoàn thành bộ tiểu thuyết sử thi đồ
sộ Con đường đau khổ. Pie Đệ nhất, bộ tiểu thuyết lịch
sử xuất sắc trong văn học Xô viết, cũng là kết quả lao động sáng tạo lâu dài
của A.N.Tônxtôi từ năm 1929 đến khi ông qua đời.
Trong những năm chiến tranh chống phát xít Đức, xuất phát từ lòng
yêu nước sâu sắc, thiết tha và niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh vô địch của quân
và dân Xô Viết, nhà văn đã viết nhiều bài chính luận có giá trị và tiêu biểu
nhất là tác phẩm kịch Ivan Lôi đế.
A.N.Tônxtôi không chỉ là một nhà văn lớn mà còn là một nhà hoạt
động văn hóa xã hội xuất sắc. Ông đã được bầu làm đại biểu Xô viết tối cao Liên
Xô và là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Với tư cách là đại biểu của nền
văn học Xô viết, ông tham dự nhiều hội nghị quốc tế ở nước ngoài để đấu tranh
bảo vệ hòa bình thế giới. Ông đã được Tổ quốc tặng thưởng nhiều huân chương cao
quý. Năm 1945, nhà văn qua đời ở Mátxcơva, thọ 62 tuổi.
A.N.Tônxtôi viết tiểu thuyết Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin
năm 1926-1927. Đến năm 1937, tác giả sửa lại tiểu thuyết này và thêm một số
chương mới.
Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin được đánh giá là tác phẩm mở đầu cho thể
loại truyện khoa học viễn tưởng Xô viết. Rất lâu trước khi tia lade ra đời,
A.N.Tônxtôi đã nói đến một loại tia chiếu vừa là một phương tiện khoa học, lại
vừa là một thứ vũ khí giết người và tàn phá khủng khiếp. Nhưng phải thấy rằng,
tia chiếu viễn tưởng này chỉ được dùng để làm nổi bật cái hiện thực gần gũi,
nóng bỏng lúc bấy giờ. Đó là cuộc tiến công trắng trợn, bẩn thỉu của đế quốc Mỹ
vào châu Âu và phần thế giới còn lại, với mưu đồ làm bá chủ thế giới. Đó là
thảm họa phát xít độc tài đang đe dọa hòa bình, chuẩn bị lôi kéo thế giới vào
một cuộc chiến tranh mới còn ghê gớm hơn chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó
là lực lượng cách mạng thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ với trụ cột là nước Nga
Xô viết, Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đó là vấn đề bảo vệ
"chất xám" để "chất xám" có thể phục vụ cho Tổ quốc, cho
hoà bình, chứ không phải trở thành công cụ nguy hiểm của bọn tư bản cuồng
chiến...
Cái hiện thực gần gũi, nóng bỏng trên đây đã được tác giả thể hiện
tài tình, sinh động, lôi cuốn trên từng trang Tia chiếu khủng khiếp của
kỹ sư Garin. Và lý thú thay, cho đến tận nay, hiện thực ấy vẫn không hề mất
đi tính "gần gũi, nóng bỏng". Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 70 năm
Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, đi đôi với việc tái bản bộ tiểu thuyết lịch sử Pie
Đệ nhất, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết mang
tính chất khoa học viễn tưởng nhưng rất hiện thực: Tia chiếu khủng
khiếp của kỹ sư Garin.
NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG
1
Izdatelstvo
METALLURGIJA, Moskva, 1985
Vào mùa này, bữa sáng, giới doanh nghiệp Paris thường tụ
tập ở khách sạn "Magiextích". Ở đây có thể gặp những mẫu người thuộc
mọi dân tộc, trừ người Pháp. Họ vừa ăn uống vừa bàn bạc công việc và ký hợp
đồng giữa tiếng nhạc, tiếng mở nút chai lốp bốp và tiếng phụ nữ líu lo.
Trong gian đại sảnh lộng lẫy trải toàn những loại thảm quí, cạnh
chiếc cửa quay bằng kính, một người đàn ông cao lớn bệ vệ đi đi lại lại. Tóc
ông ta đã bạc, khuôn mặt cạo nhẵn đầy cương nghị như gợi nhớ đến quá khứ anh
dũng của nước Pháp. Ông ta mặc chiếc áo đuôi tôm rộng màu đen, đi tất lụa và
đôi giày bóng lộn có khóa cài. Trên ngực ông vắt ngang một sợi móc xích bằng
bạc. Đó là người quản trị tối cao, người đại diện tinh thần cho công ty cổ phần
đứng ra kinh doanh khách sạn "Magiextích".
Chắp đôi tay mắc chứng thống phong ra sau lưng, thỉnh thoảng ông
ta lại dừng bước trước lớp tường kính, nơi khách khứa đang dùng bữa, giữa những
tàu lá cọ và những cây cối nở hoa trồng trong các thùng gỗ sơn xanh. Vào phút
đó trông ông giống như một vị giáo sư đang quan sát đời sống thảo mộc và côn
trùng qua lớp kính của thành bể nuôi cá.
Các bà các cô người nào cũng xinh đẹp. Các cô gái trẻ phơi phới
tuổi xuân ánh mắt đầy quyến rũ, mắt xanh là các cô gái Ăngglôxắcxông, mắt đen
sẫm như màn đêm là các cô gái Nam Mỹ, mắt tím nhạt là các cô gái Pháp. Những bà
đứng tuổi thì dùng cách phục sức lòe loẹt để làm cho vẻ đẹp đã tàn úa của mình
thêm hấp dẫn, chẳng khác gì gia giảm thêm món ăn bằng thứ nước chấm quá cay.
Đúng, về đám phụ nữ thì chẳng có gì đáng ngại. Nhưng người quản
trị tối cao kia không thể nói như vậy được về cánh nam giới ngồi trong phòng
ăn.
Từ đâu, từ đám cỏ dại nào mà sau chiến tranh lại xuất hiện lũ đê
tiện béo phị kia với thân hình ngắn ngủn, với những ngón tay đầy lông lá đeo
nhẫn, với những đôi má húp híp khiến lưỡi dao cạo phải vất vả lắm mới chinh
phục nổi.
Chúng vội vã nốc lấy nốc để mọi thứ đồ uống suốt từ sáng này đến
sáng khác. Những bàn tay lông lá của chúng hối hả vơ lấy vơ để tiền của như
những thứ đó vốn có từ trong không khí... Số đông bọn chúng từ Mỹ, từ cái nơi
đáng nguyền rủa, nơi người ta lội trong vàng đến tận đầu gối, luồn sang đây và
định mua rẻ toàn bộ cái thế giới cũ tốt lành này.
2
Một chiếc rônxơ- rôixơ - kiểu xe dài có phần thân bằng gỗ hồng sắc
- nhẹ nhàng lăn bánh đến thềm khách sạn. Người quản trị vội vàng chạy đến cửa
quay, sợi móc xích trên ngực ông ta kêu lẻng xẻng.
Người đầu tiên từ xe bước vào khách sạn là một gã đàn ông tầm
thước, da vàng bủng, bộ râu đen xén ngắn, mũi mập ú, hai lỗ mũi phồng lên. Y
mặc chiếc áo măng tô dài, rộng thùng thình, và đội chiếc mũ nồi kéo sụp xuống
tận lông mày.
Y dừng lại, cau có chờ đợi người phụ nữ cùng đi đang đứng nói
chuyện với một thanh niên vừa từ sau chiếc cột ở cổng khách sạn nhảy bổ ra đón
xe. Ả gật đầu với y rồi đi qua cánh cửa quay. Đấy là Dôia Mônrô nổi tiếng, một
trong những phụ nữ đẹp nhấtParis - mắt xám, vóc người thon thả, cao, mặc
bộ quần áo dạ màu trắng.
- Chúng ta sẽ ăn chứ, anh Rôlinh? - ả hỏi người đàn ông đội mũ
nồi.
- Không, anh còn phải nói chuyện với hắn đã. Sau đó mới ăn được.
Dôia nhếch miệng mỉm cười như muốn tỏ ra khoan dung với cái giọng
trả lời gay gắt ấy. Đúng lúc đó, người thanh niên đã nói chuyện với Dôia ban
nãy ở cạnh xe nhảy phóc qua cửa. Hắn mặc chiếc áo măng tô cũ kỹ để phanh ra,
tay cầm can và chiếc mũ mềm. Khuôn mặt kích động của hắn đầy tàn nhang. Bộ ria
cứng lưa thưa như dán thêm vào. Rõ ràng hắn định bắt tay Rôlinh, nhưng y không
rút tay khỏi túi áo khoác, nói bằng một giọng còn gay gắt hơn nữa:
- Anh đến chậm mười lăm phút đấy, anh Xêmiônốp ạ.
- Tôi bị giữ lại... Cũng vì công việc của chúng ta thôi... Xin ông
tha lỗi cho... Mọi việc đã thu xếp xong... Họ đồng ý... Ngày mai họ đã có thể
đi Vácsava rồi...
- Nếu anh còn gào lên cho cả khách sạn nghe thấy thì anh sẽ bị
tống đi đấy. - Rôlinh nói và chằm chằm nhìn Xêmiônốp bằng cặp mắt đục ngầu
không hứa hẹn chuyện gì tốt đẹp.
- Xin lỗi ông... Tôi sẽ nói thầm thôi... Ở Vácsava, mọi thứ đều đã
chuẩn bị xong: hộ chiếu, quần áo, vũ khí và những thứ khác nữa. Đầu tháng tư,
họ sẽ vượt qua biên giới...
- Bây giờ, tôi và bà Dôia sẽ đi ăn, - Rôlinh nói. - Ông hãy đến
gặp các ông ấy và bảo là tôi muốn gặp họ hôm nay, vào lúc hơn bốn giờ. Anh báo
trước cho họ biết là nếu họ tìm cách bịp tôi thì tôi sẽ trao họ cho cảnh sát.
Cuộc nói chuyện này diễn ra vào đầu tháng năm, năm 192...
3
Ở Lêningrát, vào lúc rạng sáng, một chiếc thuyền hai mái chèo dừng
lại cạnh dãy phao chắn của Trường huấn luyện chèo thuyền trên sông Crextôpen.
Có hai người bước ra khỏi thuyền và trao đổi vài lời ngắn ngủi với
nhau ngay cạnh mặt nước - thật ra chỉ một người nói, giọng xẵng và như ra lệnh,
còn người kia thì nhìn dòng nước mênh mông, tối sẫm, đang chảy êm đềm.
Sau đó, cả hai cúi xuống thuyền và ánh diêm đã chiếu sáng khuôn
mặt họ. Họ lấy mấy gói bọc từ đáy thuyền lên; người hồi nãy im lặng cầm lấy mấy
gói ấy và biến mất trong rừng, còn người kia nhảy xuống thuyền, đẩy thuyền khỏi
bờ và vội vã khua cọc chèo kêu ken két. Hình bóng người đang chèo thuyền lướt
qua dải nước ửng hồng rồi tan đi trong bóng tối ở bờ bên kia. Những đợt sóng
nhỏ vỗ vào dãy phao chắn.
Đêm đó, Taraskin, hội viên câu lạc bộ "Xpáctác", tay
chèo chuyên ngồi phía trước trên loại thuyền đua hai chỗ ngồi, làm nhiệm vụ
trực ban ở câu lạc bộ. Vì tuổi còn trẻ và tiết trời lại đang là mùa xuân, nên
Taraskin không chịu hoài phí những giờ phút trôi nhanh của cuộc đời vào việc
ngủ: anh ngồi bó gối trên dãy phao chắn, bên làn nước như còn ngái ngủ.
Anh có đủ chuyện để suy nghĩ trong cảnh tĩnh mịch ban mai này. Đã
hai năm liền, các tay chèo Matxcơva, những kẻ không biết đến cả mùi nước thật
sự nữa, đã liên tiếp đánh gục cánh vận động viên thuộc Trường huấn luyện chèo
thuyền trong các loại thuyền một người, bốn người và tám người. Thật bực mình!
Nhưng là một vận động viên, anh biết rằng phải nếm mùi thất bại
rồi mới có thể đạt được thắng lợi. Đó là một. Ngoài ra, lại còn vẻ mỹ lệ của
buổi bình minh mùa xuân thoang thoảng hương cỏ cay nồng và cây cối ẩm ướt này
nữa. Có lẽ, những yếu tố đó đã giúp Taraskin giữ được sự bình tĩnh cần thiết để
luyện tập trước khi tham gia những cuộc đua tài lớn vào tháng sáu.
Ngồi trên dãy phao chắn, anh nhìn thấy chiếc thuyền hai mái chèo
neo lại rồi bơi đi. Taraskin vốn khá thản nhiên với những hiện tượng của cuộc
sống. Nhưng trong chuyện này, anh cảm thấy có một chi tiết thật lạ lùng: hai
người lúc nãy bước lên bờ giống nhau hệt như hai mái chèo vậy. Cùng một khổ
người, cùng mặc loại măngtô rộng, cùng đội loại mũ mềm và kéo sụp xuống trán,
cùng để một kiểu râu dê y như nhau.
Nhưng suy đến cùng thì Nhà nước có cấm lang thang vào ban đêm, trên
bộ hoặc dưới nước, với kẻ giống hệt mình đâu cơ chứ! Chắc hẳn Taraskin đã quên
bẵng đi ngay hai kẻ râu dê kia nếu như không có một biến cố lạ lùng xảy ra ngay
buổi sáng hôm đó, gần Trường huấn luyện chèo thuyền, trong khu rừng bạch dương,
tại một ngôi nhà nghỉ đổ nát với các ô cửa sổ bịt kín.
4
Khi mặt trời hiện lên từ ánh bình minh hồng rực bên trên những lùm
cây rậm rạp của các hòn đảo thì Taraskin vươn tay vươn chân, khiến các khớp
xương kêu lên răng rắc, rồi đi vào sân câu lạc bộ để thu dọn đám rẻo gỗ vụn.
Lúc đó vào quãng hơn năm giờ sáng. Cánh cửa vườn bỗng kẹt mở, và Senga dắt xe
đạp, theo con đường nhỏ ẩm ướt, bước lại gần.
Senga là một vận động viên dày công luyện tập, lực lưỡng và nhanh
nhẹn, vóc người tầm thước, cổ rắn chắc, điệu bộ thoải mái, điềm tĩnh và thận
trọng. Anh công tác ở Ban điều tra hình sự và chơi thể thao để tăng cường sức
khỏe.
- Thế nào, tình hình ra sao, đồng chí Taraskin? Mọi chuyện đều ổn
chứ? - anh vừa hỏi vừa dựng xe đạp cạnh bậc thềm - Tôi đến làm lụng một lát
đây... Anh nhìn kìa, rác rưởi mới khiếp chứ.
Anh cởi áo va rơi, xắn tay áo sơ mi trên đôi tay gầy, gân guốc,
rồi bắt đầu thu dọn khu sân câu lạc bộ còn ngổn ngang những vật liệu để lại sau
khi sửa chữa hệ thống phao chắn.
- Hôm nay, anh em từ nhà máy sẽ đến đây và chỉ trong một đêm,
chúng tôi sẽ sắp đặt ngăn nắp hết - Taraskin nói - Còn đồng chí thì sao, đồng
chí Senga, đồng chí sẽ ghi tên vào đội đua thuyền sáu người chứ?
- Tôi chẳng biết tính toán ra sao nữa - Senga vừa đáp vừa lăn
thùng hắc ín - Một mặt, phải đánh gục đội Mátxcơva, nhưng mặt khác, tôi sợ là
không tập luyện đều đặn được... Chúng tôi đang vướng phải một vụ thật nực cười.
- Lại một bọn cướp nào đó chăng?
- Không, cao hơn nữa - một tên tội phạm cỡ quốc tế kia.
- Thật đáng tiếc, - Taraskin nói - anh mà tham gia thi đấu được
thì tốt quá.
Bước lên dãy phao chắn và nhìn những vệt nắng lấp lánh suốt mặt
sông, Senga gõ cán chổi một cái rồi thấp giọng gọi Taraskin:
- Anh có biết rõ những ai sống trong các nhà nghỉ quanh đây không?
- Có đám dân lang thang sống lẩn quất ở đâu đó.
- Thế có ai đến ở một trong các nhà nghỉ này vào khoảng giữa tháng
ba không?
Taraskin liếc nhìn dòng sông rực rỡ ánh nắng và lấy hai bàn chân
cọ vào nhau.
- Có đấy, trong khu rừng nhỏ kia kìa, - anh đáp, - Tôi nhớ là
quãng bốn tuần trước đây có trông thấy khói bốc ra từ ống khói. Chúng tôi cho
rằng đấy hoặc là bọn trẻ con bơ vơ, hoặc là bọn cướp.
- Anh có trông thấy một người nào đó trong nhà nghỉ ấy không?
- Gượm đã, anh Senga. Có lẽ đúng hôm nay tôi vừa trông thấy đấy.
Và Taraskin liền kể về hai người đã cập thuyền vào chỗ bờ sông lầy
lội vào lúc rạng sáng.
Senga khẽ nói theo: "Thế đấy, thế đấy", cặp mắt sắc sảo
của anh nheo lại.
- Ta đi thôi, anh hãy chỉ cho tôi ngôi nhà nghỉ đó, - Senga nói và
chạm tay vào bao súng lục đeo ở thắt lưng, hơi lệch về phía sau.
Ngôi nhà nghỉ trong khu rừng bạch dương còi cọc hình như vô chủ -
bậc thềm mục nát, các ô cửa sổ bị bịt chặt bằng những tấm gỗ đóng đè lên cánh
cửa. Kính trên tầng nóc đã long ra, những góc nhà bên dưới các mảnh ống máng
còn sót lại thì phủ đầy rêu; rau lê mọc rậm rạp dưới các bậu cửa sổ.
- Anh nói đúng, ở đây có người thật, - Senga nhận xét sau khi quan
sát ngôi nhà nghỉ từ sau hàng cây, rồi anh thận trọng đi vòng quanh ngôi nhà. -
Hôm nay đã có người đến đây... Nhưng chúng phải leo qua cửa sổ để làm cái quái
gì nhỉ? Taraskin, anh hãy lại đây, chỗ này có chuyện gì đó không ổn.
Họ bước nhanh đến bậc thềm. Trên bậc thềm hiện rõ nhiều vết chân.
Bên trái bậc thềm, một cánh cửa sổ treo nghiêng lơ lửng - rõ ràng là mới bị
giật ra. Cửa sổ mở toang vào bên trong. Phía dưới cửa sổ, trên lớp cát ẩm ướt,
lại hằn những vết chân người. Những vết chân đó hẳn là của một người nặng nề,
còn những vết chân khác thì nhỏ hơn, hẹp, mũi giày chếch về phía trong.
- Trên bậc thềm có những vết giày khác, - Senga nói.
Anh ngó vào cửa sổ, huýt một tiếng rồi gọi:
- Này, bác ơi, cửa sổ nhà bác mở toang thì dễ bị cuỗm lắm đấy.
Không có tiếng đáp lại. Từ căn phòng lờ mờ tối tỏa ra một thứ mùi
lờ lợ khó chịu.
Senga gọi to hơn rồi trèo lên bậu cửa sổ, rút súng lục ra và nhẹ
nhàng nhảy vào phòng. Cả Taraskin cũng theo gót anh.
Căn phòng đầu tiên rỗng tuếch, ngổn ngang gạch vỡ, vôi vữa và
những mảnh báo. Cánh cửa khép hờ dẫn sang nhà bếp. Tại đây, trên bệ đá có chụp
sắt han gỉ, trên mấy chiếc bàn và ghế đẩu là mấy cái bếp dầu, lò nồi bằng sứ,
bình cổ cong bằng thủy tinh và kim loại, hộp sắt tây và hòm kẽm. Một bếp dầu
vẫn còn xèo xèo cháy nốt.
Senga lại gọi: "Này, bác ơi!" rồi lắc đầu, thận trọng mở
hé chiếc cửa dẫn sang căn phòng tối lờ mờ bị những tia nắng lọt qua khe cửa cắt
ngang.
- Ông ta kia kìa! - Senga nói.
Trên chiếc giường sắt ở cuối phòng có một người mặc quần áo đang
nằm ngửa, tay vắt ra sau gáy và bị buộc chặt vào giát giường. Hai chân bị trói
bằng dây thừng. Khoảng áo vét tông và sơ mi trên ngực bị rách nát. Đầu ngửa ra
một cách thiếu tự nhiên, bộ râu thưa vểnh lên nhọn hoắt.
- Chà, bọn chúng ra tay mới khiếp chứ, - Senga vừa nói vừa xem xét
con dao Phần Lan cắm ngập đến tận chuôi vào ngực người bị giết. - Anh nhìn
này...
- Đồng chí Senga ạ, đây chính là kẻ đã đi thuyền đến đấy. Anh ta
mới bị giết cách đây tiếng rưỡi đồng hồ là cùng.
- Anh hãy ở lại đây canh gác, không được động đến một thứ gì và
không cho một ai vào hết. Anh hiểu chứ, Taraskin?
Vài phút sau, Senga gọi điện thoại từ câu lạc bộ:
- Cử ngay các đội công tác đặc biệt đến các nhà ga... Kiểm tra tất
cả các hành khách... Cử các đội công tác đặc biệt đến khắp các khách sạn. Kiểm
tra tất cả những ai trở về khoảng giữa sáu giờ rưỡi và tám giờ sáng. Cho một
đồng chí đến trợ giúp tôi. Đem theo cả chó nữa.
6
Trong
khi chờ đợi con chó chuyên săn lùng, Senga bắt tay vào việc khám xét kỹ lưỡng
ngôi nhà nghỉ, bắt đầu từ gian gác xép.
Đâu đâu
cũng bề bộn rác rưởi, kính vỡ, những mảnh giấy dán tường và những hộp đồ hộp
rỗng không đã han gỉ. Các cửa sổ chăng kín mạng nhện, trong các góc nhà mọc đầy
nấm và rêu mốc. Chắc hẳn ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ năm 1918. Chỉ riêng nhà bếp
và căn phòng có kê chiếc giường sắt là có người ở. Không một chỗ nào có dấu vết
gì của các tiện nghi hoặc thức ăn thừa, ngoài chiếc bánh mì trắng nướng theo
kiểu Pháp và mẩu xúc xích tìm thấy trong túi kẻ bị giết.
Không
có người sống thường xuyên ở đây, người ta chỉ tạm thời đến để làm một việc gì
đó cần giấu giếm. Đó là kết luận đầu tiên của Senga sau khi lục soát. Việc khám
xét nhà bếp chứng tỏ rằng ở đây người ta đang nghiên cứu những chế phẩm hóa học
nào đó. Sau khi khảo sát những nhúm tro trên bếp lò, nơi rõ ràng là đã tiến
hành những thí nghiệm hóa học, và sau khi xem qua mấy cuốn sách nhỏ đã quăn
góc, anh đi dến một kết luận thứ hai: kẻ bị giết chỉ nghiên cứu kỹ thuật làm
pháo bông bình thường mà thôi.
Kết
luận đó làm Senga bối rối. Anh lại lục soát một lần nữa áo của kẻ bị giết,
nhưng không phát hiện được điều gì mới. Anh bèn xem xét vấn đề từ hướng khác.
Những
vết chân cạnh cửa sổ chứng tỏ rằng có hai kẻ giết người, chúng đánh liều lọt
vào phòng qua cửa sổ, tuy biết rằng rất có thể gặp sự kháng cự, bởi vì người
trong nhà không thể không nghe tiếng giật cửa răng rắc.
Như vậy
có nghĩa là những tên sát nhân ấy phải bằng mọi giá lấy được một thứ gì đó hết
sức quan trọng, hoặc phải hạ sát người trong nhà.
Hơn
nữa, nếu giả dụ rằng chúng chỉ muốn hạ sát người đó thôi thì chúng có thể làm
việc ấy đơn giản hơn, thí dụ như rình người đó tại một nơi nào đấy trên đường
dẫn về ngôi nhà nghỉ. Và điểm thứ hai: tình trạng người bị giết ở trên giường
chứng tỏ rằng người đó đã bị tra tấn một lúc rồi mới bị đâm chết. Bọn giết
người cần người đó cho biết một điều gì đấy, nhưng người đó không chịu nói ra.
Chúng
có thể khai thác gì ở người đó nhỉ? Tiền ư? Khó có thể cho rằng một người lần
mò ban đêm đến ngôi nhà nghỉ bỏ hoang để nghiên cứu kỹ thuật làm pháo bông lại
mang theo nhiều tiền. Đúng hơn là bọn giết người muốn biết một bí mật gì đấy có
liên quan với những buổi làm việc ban đêm của kẻ bị giết.
Như
vậy, dòng suy nghĩ của Senga đã khiến anh phải nghiên cứu gian nhà bếp một lần
nữa. Anh đẩy đống hòm ra khỏi tường và phát hiện thấy một cửa sập hình vuông
thông xuống hầm nhà mà trong các ngôi nhà nghỉ người ta thường bố trí ngay dưới
sàn bếp. Taraskin thắp mẩu nến cháy dở và nằm sấp bụng, soi sáng khu hầm nhà ẩm
ướt, còn Senga thì thận trọng leo xuống theo cầu thang trơn tuột, mốc meo.
- Anh
hãy cầm nến xuống đây! - Senga gọi to từ trong bóng tối - Hắn có cả một phòng
thí nghiệm thật sự ở dưới này.
Khoang
hầm chiếm toàn bộ diện tích bên dưới ngôi nhà: cạnh những bức tường bằng gạch
là mấy chiếc bàn gỗ đặt trên giá đỡ, một lô bình cầu đựng khí, một chiếc môtơ
và máy phát điện nhỏ, vài chiếc hũ thủy tinh thường dùng để điện phân, nhiều
dụng cụ nghề nguội, và trên mặt bàn có đầy những đống tro nhỏ...
- Thử
xem hắn ta làm cái trò gì ở đây nào - Senga vừa nói với vẻ hơi phân vân, vừa
quan sát những khúc gỗ lớn và những tấm sắt dựa vào tường hầm. Một số khúc gỗ
và tấm sắt bị khoan thủng nhiều chỗ, một số khác thì bị cắt đôi, những chỗ cắt
và khoan thủng ấy hình như bị đốt cháy và nung chảy.
Trên
một tấm gỗ sồi dựng đứng, những lỗ thủng ấy có đường kính gần một milimét,
dường như bị châm kim. Ở giữa tấm gỗ có đột một hàng chữ to "P. P.
Garin". Senga lật tấm gỗ lại và thấy trên mặt sau cũng hàng chữ ấy
nhưng đảo ngược: không hiểu bằng cách nào mà tấm gỗ dày đến bảy phân rưỡi lại
bị mấy dòng chữ ấy đốt thủng như vậy.
- Chà,
gớm thật, - Senga nói, - không, anh chàng P. P. Garin không nghiên cứu kỹ thuật
làm pháo bông ở đây đâu.
- Anh
Senga, còn đây là cái gì đây anh? - Taraskin vừa hỏi vừa giơ ra một khối chóp
nhỏ, cao chừng bốn phân, đáy chừng hai phân, được ép lại bằng một chất gì đó
màu xám.
- Anh
tìm thấy ở đâu thế?
- Cả
một hòm đầy kia kìa.
Senga
lật đi lật lại, ngửi ngửi khối hình chóp rồi đặt lên mép bàn, bật diêm gí sát
vào và lùi ra xa. Que diêm cháy hết, khối hình chóp bùng lên một thứ ánh sáng
xanh nhạt chói lòa. Nó cháy khoảng hơn năm phút, không có muội than, gần như
không có mùi.
- Tôi
đề nghị lần sau không thực hiện những thí nghiệm như vậy nữa - Senga nói - biết
đâu khối chóp nhỏ này lại là một loại nến hơi độc thì sao. Khi ấy chúng ta đừng
hòng ra khỏi hầm nhà này. Tốt lắm, chúng ta đã biết được những gì nhỉ? Ta thử
xác định xem nào: thứ nhất, vụ giết người này không nhằm mục đích trả thù hay
cướp của. Thứ hai, chúng ta đã xác định được tên của người bị giết - P. P.
Garin. Tạm thời chỉ có thế thôi. Taraskin, anh muốn phản đối là biết đâu, Garin
chính là người đã chèo thuyền bỏ đi phải không? Tôi không nghĩ như vậy. Chính
Garin đã tự viết tên mình lên tấm gỗ. Về mặt tâm lý thì rõ ràng là như vậy. Giả
dụ tôi sáng chế được một vật nào đó tuyệt diệu như vậy thì tôi sẽ sung sướng
viết tên mình lên chứ nhất định không viết tên anh rồi. Chúng ta biết rằng
người bị giết đã làm việc trong phòng thí nghiệm, tức là người đó đã sáng chế
ra vật này và vì vậy người đó là Garin.
Senga
và Taraskin leo lên khỏi hầm nhà rồi châm thuốc hút, ngồi trên thềm chờ đợi
người công an dẫn chó đến.
7
Tại nhà
bưu điện trung tâm, một người nào đó thò bàn tay đỏ hồng, béo mập, vào ô cửa sổ
có nhiệm vụ nhận điện gửi đi nước ngoài và để tay lơ lửng trong không khí với
tờ giấy ghi điện tín rung rung.
Người
nhân viên bưu điện nhìn bàn tay này mấy giây rồi chợt hiểu ra. "À, thiếu
mất ngón tay út", và bắt đầu đọc tờ giấy ghi điện tín:
"Gửi
Xêmiônốp, Vácsava, phố Mácsancốpxcaia. Nhiệm vụ thực hiện được một nửa, kỹ sư
đã ra đi, không kiếm được giấy tờ, chờ chỉ thị. Xtaxi".
Anh
gạch đỏ mấy chữ Vácsava rồi đứng dậy, che lấp ô cửa sổ, nhìn người đánh điện
qua dãy chấn song. Đó là một người đàn ông to lớn, trung niên, mặt phì phị, nước
da mai mái lộ vẻ ốm yếu, bộ ria vàng khè rũ xuống che lấp miệng. Đôi mắt y ẩn
dưới hai mí mắt sùm sụp, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai nhung màu nâu.
- Có
chuyện gì thế? - y hỏi một cách thô bạo - Anh hãy nhận điện đi.
- Bức
điện viết bằng mật mã, - người nhân viên bưu điện nói.
- Viết
bằng mật mã nghĩa là thế nào? Anh đừng có nói vớ vẩn với tôi! Đây là một bức
điện thương mại, anh có trách nhiệm phải đánh đi. Tôi sẽ cho anh xem chứng minh
thư, tôi là nhân viên tòa lãnh sự Ba Lan, anh sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy
ra chậm trễ dù chỉ chút ít thôi đấy.
Gã Ba
Lan bốn ngón nổi giận, hai má giật giật, phải nói là y sủa lên mới đúng, nhưng
bàn tay y đặt trên bệ cửa sổ vẫn run run đầy lo lắng.
- Ông
thấy đấy, - người nhân viên bưu điện bảo y, - tuy ông cam đoan là dường như bức
điện của ông có tính chất thương mại, nhưng chúng tôi dám chắc rằng đó là một
bức điện có nội dung chính trị và được viết bằng mật mã.
Anh
nhếch mép cười. Gã Ba Lan giận dữ quát tháo, nhưng trong lúc đó, một cô gái đã
kín đáo cầm bức điện đem lại chiếc bàn mà Senga đang ngồi xem toàn bộ các bức
điện gửi đi trong ngày hôm đó.
Sau khi
liếc nhìn thấy mấy chữ "Vácsava, phố Mácsancốpxcaia", anh bước
ra ngoài, đứng lại sau lưng gã Ba Lan đang tức giận và ra hiệu cho người nhân
viên bưu điện. Người này nhăn mặt, lầu bầu về chính sách của nước Ba Lan địa
chủ rồi ngồi viết hóa đơn. Gã Ba Lan thở phì phì vì giận dữ, nóng nẩy giậm đôi
giầy bóng loáng kêu kin kít. Senga chăm chú nhìn đôi chân to tướng của gã. Sau
đó, anh bước về phía cửa ra, hất đầu về phía gã Ba Lan để ra hiệu cho người
công an trực ban:
- Theo
dõi ngay.
Cuộc
tìm kiếm ngày hôm qua (có chó giúp sức) đã đưa Senga từ ngôi nhà nghỉ trong
rừng bạch dương đến sông Crextốpca. Tại đây, dấu vết bị mất: hiển nhiên là bọn
giết người đã xuống thuyền. Ngày hôm qua không đem lại được những tin tức gì
mới. Chắc hẳn bọn hung thủ đã ẩn náu kỹ càng trong thành phố Lêningrát rồi. Cả
việc nghiên cứu các bức điện cũng chẳng có kết quả gì. Chỉ có bức điện cuối
cùng này - bức điện gửi Xêmiônốp ở Vácsava - là đáng chú ý ít nhiều.
Người
nhân viên bưu điện đưa hóa đơn cho gã Ba Lan, gã thọc tay vào túi áo gi lê tìm
tiền lẻ. Đúng lúc đó, một người đàn ông điển trai, mắt đen, râu dê, tay cầm tờ
giấy ghi điện tín đã điền sẵn, nhanh nhẹn bước lại gần ô cửa sổ, và trong khi
chờ đợi đến lượt mình, y thản nhiên nhìn chiếc bụng phệ của gã Ba Lan đang tức
giận với vẻ chê trách.
Sau đó,
Senga thấy người đàn ông râu dê ấy bỗng ưỡn thẳng người lên: y đã nhận thấy bàn
tay bốn ngón và lập tức nhìn thẳng vào mặt gã Ba Lan.
Mắt hai
bên gặp nhau. Hàm gã Ba Lan trễ xuống. Mi mắt sùm sụp của gã trợn tròn. Cặp mắt
đùng đục của gã thoáng lộ vẻ kinh hoàng. Mặt gã biến sắc, trở nên xám ngoét.
Chỉ khi
ấy, Senga mới hiểu - anh đã nhận ra người râu dê ấy đứng trước mặt gã Ba Lan: y
giống như đúc kẻ bị giết tại ngôi nhà nghỉ trong khu rừng bạch dương trên đảo
Crextốpxki...
Gã Ba
Lan thét lên một tiếng khàn khàn và lao vụt về phía cửa. Người công an trực ban
đã được lệnh chỉ theo dõi gã từ đằng xa nên để mặc gã chạy ra ngoài phố, rồi
anh kín đáo theo gót gã.
Người
giống hệt kẻ bị giết vẫn đứng lại bên ô cửa sổ nhỏ trong nhà bưu điện. Cặp mắt
lạnh lùng thâm quầng của y không biểu lộ một chút gì ngoài vẻ sửng sốt. Y nhún
vai, và khi gã Ba Lan đã biến mất thì y đưa tờ giấy ghi điện tín cho người nhân
viên bưu điện:
"Thư
lưu trạm, gửi đến số nhà 555, đại lộ Butinhông, Pari. Hãy bắt tay ngay vào việc
phân tích, cần nâng cao chất lượng thêm năm mươi phần trăm, chờ bưu phẩm đầu
tiên vào giữa tháng năm. P. P.".
- Bức
điện này liên quan đến những công trình khoa học mà một người bạn tôi, được
Viện Hóa học vô cơ phái đi công tác ở Pari, hiện đang nghiên cứu, - y bảo người
nhân viên bưu điện. Sau đó, y ung dung lấy hộp thuốc lá trong túi ra, búng búng
điếu thuốc rồi thận trọng châm lửa.
Senha
lịch thiệp nói với y:
- Anh
hãy cho phép tôi nói vài lời thôi.
Y liếc
nhìn anh, cụp mi mắt xuống và hết sức nhã nhặn trả lời.
- Xin
mời anh.
- Tôi
là nhân viên Ban điều tra hình sự, - Senga vừa nói vừa hơi hé mở tấm thẻ. - Có
lẽ, ta nên tìm một nơi thích hợp hơn để nói chuyện với nhau.
- Anh
muốn bắt tôi chắc?
- Tôi
không hề có ý định ấy. Tôi muốn báo trước cho anh biết là gã Ba Lan vừa chạy
khỏi đây có ý định giết anh, hệt như hôm qua gã đã giết kỹ sư Garin ở đảo
Crextốpxki.
Người
râu dê ngẫm nghĩ một phút. Y vẫn tỏ ra lịch thiệp và bình tĩnh.
- Đồng
ý, - y nói, - ta đi đi, tôi còn được rỗi rãi mươi lăm phút.
8
Tại
đường phố gần nhà bưu điện trung tâm, người công an trực ban chạy đến gặp Senga
mặt đỏ bừng, mồm lắp bắp:
- Đồng
chí Senga, hắn trốn mất rồi.
- Tại
sao anh lại để hắn chạy thoát?
- Ôtô
đã đợi sẵn hắn, đồng chí Senga ạ.
- Thế
môtô của anh đâu?
- Nó
nằm kềnh ở kia kìa, - người công an vừa nói vừa chỉ chiếc môtô nằm cách cổng
nhà bưu điện khoảng một trăm bước, - hắn nhảy vọt đến rồi dùng dao rạch thủng
lốp. Tôi huýt còi. Hắn chui tọt vào ôtô và cho xe chạy thẳng.
- Anh
có nhận ra số xe không?
-
Không.
- Tôi
sẽ đề nghị kỷ luật anh.
- Biển
số bị cố ý lấy bùn xoa kín thì làm sao mà nhận được số xe!
- Được.
Anh cứ về Ban điều tra hình sự đi, hai mươi phút nữa tôi sẽ có mặt ở đấy.
Senga
đuổi kịp người đàn ông râu dê. Họ lặng lẽ đi một lát rồi rẽ sang đại lộ Công
Đoàn.
- Anh
giống kẻ bị giết đến mức lạ lùng, - Senga nói.
- Tôi
đã nhiều lần phải nghe câu nói ấy, tên tôi là Plancốp Pítkêvích, - người đàn
ông râu dê sởi lởi trả lời. - Trong số báo ra chiều qua, tôi có đọc về vụ giết
Garin. Thật khủng khiếp. Tôi biết rõ anh ta. Đấy là một cán bộ thạo việc, một
nhà hóa học tuyệt vời. Tôi vẫn thường đến phòng thí nghiệm của anh ta ở
Crextốpxki. Anh ta chuẩn bị một phát minh lớn trong lĩnh vực hóa học quân sự.
Anh có biết gì về một loại nến gọi là nến khói hay không?
Senga
liếc nhìn Pítkêvích, anh không trả lời mà hỏi:
- Anh nghĩ
sao, việc giết Garin có liên quan gì đến quyền lợi của Ba Lan hay không?
- Theo
tôi thì không. Nguyên nhân vụ giết này sâu xa hơn nhiều. Những tin tức về công
trình của Garin đã đến tay báo chí Mỹ. Ba Lan chỉ có thể là trạm trung gian
thôi.
Ra đến
đại lộ, Senga đề nghị ngồi một lát. Đường phố vắng vẻ. Anh lấy trong cặp ra
những mảnh cắt trong các tờ báo Nga và nước ngoài rồi trải lên đầu gối.
- Anh
vừa nói là Garin làm việc trong lĩnh vực hóa học và những tin tức về anh ta đã
lọt qua báo chí nước ngoài. Trong những mảnh báo đấy có đôi điều trùng hợp với
ý kiến của anh và có đôi điều tôi chưa hiểu rõ lắm. Anh hãy đọc đi.
"... Ở Mỹ,
người ta quan tâm đến một tin từ Lêningrát nói về các công trình của một nhà
sáng chế Nga. Người ta phỏng đoán rằng bộ máy của nhà sáng chế này có sức phá
hủy ghê gớm nhất, hơn mọi bộ máy đã được biết từ trước đến nay".
Đọc
xong, Pítkêvích mỉm cười, nói:
- Lạ
thật, là tôi lại không biết... Tôi không nghe nói đến chuyện đó. Không, đó
không phải là nói về Garin đâu.
Senga
đưa ra mảnh báo cắt thứ hai:
"... Do những
cuộc thao diễn lớn sắp tới của Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng bị
chất vấn là có hay biết gì không về bộ máy có sức phá hoại khủng khiếp đang
được chế tạo ở Nga Xô".
Pítkêvích
nhún vai: "Nhảm nhí", rổi lấy mảnh báo cắt thứ ba trong tay Senga:
"... Ông vua
hóa học kiêm tỷ phú Rôlinh đã lên đường sang châu Âu. Chuyến đi của ông gắn
liền với một tổ chức liên hiệp xí nghiệp chuyên chế những sản phẩm của hắc ín
và muối ăn. Rôlinh đã trả lời phỏng vấn ở Pari và tỏ ý tin chắc rằng tổ hợp hóa
học khủng khiếp của ông sẽ đem lại an toàn cho các nước Cựu thế giới hiện đang
bị các lực lượng Cách mạng làm rung chuyển. Đặc biệt, Rôlinh tỏ ra hằn học khi
nói đến Nga Xô, nơi mà theo lời đồn đại, đang tiến hành những công trình nghiên
cứu bí ẩn, nhằm truyền nhiệt năng đi xa".
Pítkêvích
chăm chú đọc. Ngẫm nghĩ. Rồi cau mày nói:
- Phải.
Rất có thể vụ giết hại Garin có liên quan gì đó đến bài báo này.
- Anh
là vận động viên phải không? - Senga đột nhiên hỏi rồi nắm tay Pítkêvích và ngửa
bàn tay lên. - Tôi mê thể thao lắm.
- Đồng
chí Senga, anh muốn xem tôi có chai tay không vì chèo thuyền chứ gì... Anh thấy
đấy, chỉ có hai chỗ phồng rộp thôi. Điều đó chứng tỏ tôi chèo thuyền rất kém và
hai ngày trước đây quả thật là tôi có chèo thuyền gần tiếng rưỡi liền để chở
Garin đến đảo Crextốpxki... Anh hài lòng với những tin tức ấy chứ?
Senga
buông tay Pítkêvích và cười vang:
- Anh
cừ lắm, anh Pítkêvích ạ, giá mà được làm việc thật sự với anh thì hẳn là thú vị
đấy.
- Tôi
không bao giờ chối từ cuộc chiến đấu thật sự cả.
- Anh
Pítkêvích này, trước đây anh có biết gã Ba Lan bốn ngón ấy không?
- Anh
muốn biết là tại sao tôi lại sửng sốt khi trông thấy bàn tay bốn ngón của gã
chứ gì? Anh có óc quan sát thật đấy, anh Senga ạ. Đúng, tôi quả có sửng sốt...
hơn nữa, tôi hoảng sợ là đằng khác.
- Tại
sao?
- Điều
đó tôi sẽ không nói cho anh biết đâu.
Senga
cắn môi, nhìn dọc theo đại lộ vắng vẻ.
Pítkêvích
nói tiếp:
- Không
chỉ tay gã bị thương tật đâu, trên người gã còn có một vết sẹo khủng khiếp chạy
dài suốt ngực nữa kia. Đó là các vết thương do Garin gây ra vào năm 1919. Tên
gã là Xtaxi Tưclinxki...
- Sao
kia? - Senga hỏi, - Anh chàng Garin quá cố ấy đã làm gã bị thương tật bằng cái
cách mà anh ta đã dùng để cắt đứt những tấm gỗ dày bảy phân hay sao?
Pítkêvích
quay phắt đầu về phía Senga và họ nhìn một lát vào mắt nhau: một người thì thản
nhiên và kín đáo, người kia thì vui vẻ và cởi mở.
- Dù
sao anh vẫn định bắt tôi, phải không anh Senga?
-
Không... Bắt anh thì lúc nào mà chẳng kịp.
- Anh
nói đúng. Tôi biết nhiều chuyện. Nhưng dĩ nhiên, anh không thể dùng bất kỳ biện
pháp cưỡng bức nào để buộc tôi phải tiết lộ những điều tôi không muốn nói.
Chính anh cũng biết đấy, tôi không tham dự vào tội ác. Anh có muốn chơi bài
ngửa không? Điều kiện giao đấu là sau mỗi một đòn đánh hay, chúng ta lại gặp
nhau và chuyện trò thành thật với nhau. Sẽ như một ván cờ vậy. Tiện đây xin nói
thêm là trong khi chúng ta trò chuyện với nhau, anh đã đứng trước mối nguy hiểm
chết người đấy, tôi không đùa đâu, xin đoan chắc với anh như vậy. Nếu như
Tưclinxki ngồi ở chỗ anh bây giờ thì tôi sẽ nhìn quanh - xung quanh thật vắng
vẻ - và tôi sẽ ung dung đi đến quảng trường Xênátxki, còn gã thì người ta sẽ
tìm thấy trên chiếc ghế này lúc đã hồn lìa khỏi xác rồi, với những vết gớm
ghiếc trên thân thể. Nhưng tôi xin nhắc lại là tôi sẽ không áp dụng những thủ
đoạn ấy với anh đâu. Anh muốn chơi bài ngửa với tôi chứ?
- Đồng
ý, - Senga nói, hai mắt sáng long lanh. - Tôi sẽ tiến công trước, được không?
- Dĩ
nhiên rồi. Nếu anh bắt tôi ở nhà bưu điện thì chắc chắn tôi sẽ không đề nghị
như vậy đâu. Còn về phần gã Ba Lan bốn ngón thì tôi hứa sẽ giúp anh tìm ra gã.
Dù tôi có gặp gã ở đâu đi chăng nữa, tôi sẽ thông báo cho anh qua điện thoại
hay điện tín.
Pítkêvích
lắc đầu, nhếch mép cười: "Xin theo ý anh - chơi bài ngửa mà lại", và
thận trọng rút trong túi ra một hộp nhỏ nhẵn nhụi. Trong hộp có một ống kim
loại dày bằng một ngón tay.
9
Đến gần
Ban Điều tra hình sự, Senga bỗng đứng sững lại như vấp phải cột điện:
"Chà! - Anh thốt lên, - chà - và anh giận dữ giậm mạnh chân: - chà, hắn
láu cá thật, chà, hắn đóng kịch mới giỏi chứ!"
Senga
quả thật bị lừa một vố đau. Anh đứng ngay cạnh tên giết người (bây giờ thì
không còn nghi ngờ gì nữa), vậy mà đã không bắt y. Anh vừa trò chuyện với một
kẻ chắc chắn biết mọi đầu mối của vụ giết người, vậy mà y khéo léo không nói
điều gì thực chất cả. Cái gã Pítkêvích này phải nắm được một điều bí mật gì
đó?.. Senga đột nhiên hiểu ra - đấy là một bí mật có ý nghĩa quốc gia, quốc tế
nữa... Anh đã nắm được đuôi Pítkêvích, vậy mà "cái thằng khốn kiếp ấy đã
tuồn khỏi tay, lẩn thoát mất!"
Senga
chạy lên phòng làm việc của mình ở tầng ba. Trên bàn có một gói bọc giấy báo.
Ngồi trong hốc tường sâu bên cửa sổ là một người đàn ông to béo, dáng điệu hiền
lành, đi đôi ủng đen bóng. Áp chiếc mũ cát- két vào bụng, ông ta cúi chào
Senga.
- Tôi
là Babisép, - ông ta nói, phả hơi thở sặc sụa mùi rượu, - quản lý ngôi nhà số
hai mươi bốn, phố Puscaxkaia thuộc Công ty nhà ở.
- Bác
đã đem đến cái gói kia đấy à?
- Vâng.
Tôi tìm được trong căn hộ số mười ba đấy... Căn hộ này không nằm trong tòa nhà
chính đâu, mà trong dãy nhà phụ. Người ở trong căn hộ ấy đã biệt tăm hai ngày
rồi. Hôm nay, chúng tôi đã mời cảnh sát đến, phá cửa ra và lập biên bản theo
đúng pháp luật, - người quản lý nhà lấy tay che miệng, hai má ông ta đỏ bừng
lên, đôi mắt ươn ướt hơi lồi ra, mùi rượu ngang tràn ngập căn phòng. - Tôi tìm
được thêm cái gói này trong bếp lò.
- Tên
của người thuê nhà đã bặt tăm là gì?
-
Xavêliép Ivan Alếchxêêvích.
Senga
mở gói ra. Bên trong có một tấm ảnh Pítkêvích, một chiếc lược, một chiếc kéo,
một lọ nhỏ đựng thứ chất nước màu sẫm, thuốc nhuộm tóc.
-
Xavêliép làm nghề gì?
- Ông
ta làm việc bên khoa học. Khi ống dẫn ở chỗ chúng tôi bị vỡ, ban quản lý nhà có
đến nhờ ông ta... Ông ta bảo: "Tôi sẽ rất sung sướng được giúp đỡ các đồng
chí, nhưng tôi là nhà hóa học kia".
- Ông
ta có thường vắng nhà ban đêm không?
- Vắng
nhà vào ban đêm ấy ư? Không. Tôi không nhận thấy. - Viên quản lý nhà lại che
miệng. - Cứ mờ sáng là ông ta ra đi, cái đó thì đúng. Nhưng ban đêm mà vắng nhà
thì tôi không nhận thấy, cũng không có thấy ông ta say rượu bao giờ.
- Những
người quen có đến thăm ông ta không?
- Tôi
không thấy.
Senga
gọi điện thoại hỏi phòng cảnh sát khu vực Pêtơrôgrátxcaia. Hóa ra ở dãy phụ ngôi
nhà số hai mươi bốn phố Puscaxcaia quả có một người tên là Xavêliép, ba mươi
sáu tuổi, kỹ sư hóa. Xavêliép dọn đến phố Puscaxcaia vào tháng hai với chứng
minh thư do sở cảnh sát Tambốp cấp.
Senga
đánh điện hỏi Tambốp và cùng người quản lý nhà đi xe đến Phôntanca, nơi xác kẻ
bị giết ở đảo Crextôpxki đang nằm trong hòm lạnh tại Ban điều tra hình sự.
Người quản lý nhà nhận ra ngay đấy chính là Xavêliép.
10
Cũng
vào thời gian đó, người đàn ông tự xưng tên là Piancốp Pítkêvích đáp xe ngựa
che mui kín đến một bãi đất hoang ở khu vực Pêtơrôgrátxcaia. Sau khi trả tiền,
y đi trên hè phố dọc theo bãi hoang. Y mở cửa hàng giậu gỗ, bước qua sân, rồi
theo cầu thang hẹp phía cổng hậu leo lên tầng năm. Y dùng hai chìa khóa để mở
cửa, treo măngtô và mũ lên chiếc đinh duy nhất ở gian ngoài trống trải, sau đó
y bước vào căn phòng mà bốn ô cửa sổ đều trát phấn đến nửa chừng, ngồi xuống
chiếc đivăng rách nát và lấy hai tay ôm mặt.
Chỉ nơi
đây, trong căn phòng biệt lập này (chất đầy các giá sách và các máy móc vật
lý), rốt cuộc y mới có thể đắm mình trong nỗi lo sợ khủng khiếp, gần như tuyệt
vọng, đã làm y rụng rời suốt từ ngày hôm qua.
Hai bàn
tay ôm lấy mặt của y run rẩy. Y hiểu rằng mối nguy hiểm chết người chưa qua đi.
Y đang bị bao vây. Chỉ có vài khả năng nhỏ nhoi là có lợi cho y: trong một trăm
thì có chín mươi chín chống lại y. "Mình thật khinh suất quá, chà, thật
khinh suất quá đi mất!".
Y phải
cố gắng lắm mới chế ngự được nỗi lo sợ. Thọc nắm tay vào chiếc gối bẩn thỉu, y
nằm ngửa ra và nhắm mắt lại.
Những ý
nghĩ nặng trĩu nỗi căng thẳng ghê gớm nay được thư giãn. Một vài phút nằm bất
động khiến y lại tươi tỉnh. Y vùng dậy, rót rượu mađe vào cốc rồi uống một hơi
cạn. Khi làn sóng nóng bỏng dâng lên khắp cơ thể, y bắt đầu đi đi lại lại trong
phòng, thong thả tìm kiếm một cách có phương pháp những khả năng thoát thân ít
ỏi.
Y thận
trọng uốn cong lớp giấy bồi cũ còn sót lại ở chân tường, rút từ đấy ra những
bản vẽ và cuộn lại thành ống. Y lấy mấy cuốn sách trên giá, xếp chung với các
bản vẽ và các bộ phận của các thiết bị vật lý vào va li. Y vừa luôn luôn lắng
nghe động tĩnh, vừa xách va li xuống một hầm chứa củi tối tăm rồi giấu nó vào
dưới đống rác. Sau đó y lại lên phòng mình, rút trong bàn viết ra một khẩu súng
lục, xem xét cẩn thận và đút vào túi sau.
Đã năm
giờ kém mười lăm. Y lại nằm xuống, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác
và ném đầu thuốc vào góc nhà. "Nhất định chúng không thể tìm ra
được!" - y vừa nói như thét lên, vừa tung hai chân xuống sàn và lại rảo
bước đi đi lại lại trong phòng.
Lúc sẩm tối, y xỏ ủng, khoác chiếc măng tô bằng
vải thô rồi ra khỏi nhà.
11
Vào nửa
đêm, tại đồn công an số mười sáu, người công an trực ban được gọi đến máy điện
thoại. Anh nghe thấy một giọng nói vội vã:
- Cử
ngay một đội công an đặc biệt đến ngôi nhà nghỉ trên đảo Crextốpxki, nơi hôm
kia xảy ra vụ giết người...
Giọng
nói ngừng bặt. Người công an trực ban rủa một hồi vào ống nói. Anh gọi trạm
kiểm tra, hóa ra người gọi điện đến là từ Trường huấn luyện chèo thuyền. Anh
liền gọi điện đến trường. Ở đây, máy điện thoại kêu tút tút một lúc lâu, và
cuối cùng, một giọng ngái ngủ cất lên:
- Anh
cần gì?
- Có
người gọi điện từ chỗ ông phải không?
- Đúng
đấy, - tiếng trả lời vang lên tiếp sau tiếng ngáp.
- Ai
gọi đấy?... Ông có trông thấy người đó không?
-
Không. Điện chỗ chúng tôi bị hỏng. Người đó bảo là gọi điện theo lệnh của đồng
chí Senga.
Nửa giờ
sau, bốn chiến sĩ công an nhảy xuống xe cạnh ngôi nhà nghỉ đóng kín trên đảo
Crextốpxki. Sau hàng bạch dương, ánh hoàng hôn chưa tắt hẳn mờ mờ đỏ. Giữa cảnh
yên tĩnh văng vẳng tiếng rên rỉ yếu ớt. Một người mặc áo lông nằm sấp, cạnh bậc
thềm đen sẫm. Khi lật ngửa lên thì hóa ra đó là người canh gác. Nằm bên cạnh là
một nắm bông thấm đẫm Clôrôphoóc.
Cửa mở
toang - khóa bị giật đứt. Khi các chiến sĩ công an xộc vào trong nhà thì từ
dưới hầm, một giọng nghèn nghẹn của một người nào đó thét to:
- Các
đồng chí, lật cửa sập trong nhà bếp lên...
Nào
bàn, nào hòm, nào những bao nặng chất thành đống cạnh tường trong bếp. Họ dỡ
hết đi rồi lật nắp cửa sập.
Từ dưới
hầm, Senga nhảy vọt lên, khắp người anh đầy mạng nhện và bụi bặm, mắt long lên
dữ dội.
- Lại
đây mau! - anh thét to và biến mất sau cửa ra vào. - Ánh sáng đâu, nhanh lên!
Trong
phòng (có kê chiếc giường sắt), dưới ánh sáng những ngọn đèn bí mật, họ nhìn
thấy trên sàn có hai khẩu súng lục đã bắn hết đạn, một chiếc mũ cát-két nhung
màu nâu và những bãi nôn mửa gớm ghiếc, tởm lợm.
- Thận
trọng đấy! - Senga thét, - Đừng thở, hãy ra khỏi đây ngay, nguy hiểm chết người
đấy.
Vừa lùi
lại vừa đẩy các chiến sĩ công an về phía cửa, Senga kinh hoàng và ghê tởm nhìn
ống kim loại bằng ngón tay nằm lăn lóc trên sàn nhà.
12
Như tất
cả các nhà doanh nghiệp tầm cỡ khác, ông vua hóa học Rôlinh tiếp khách đến bàn
bạc công việc tại văn phòng của mình, một căn phòng được thuê riêng để làm việc
đó, nơi mà viên thư ký của y chọn lọc khách đến thăm, xác định mức độ quan
trọng của họ, đoán đọc những ý nghĩ của họ và hết sức lịch thiệp trả lời mọi
câu hỏi của họ. Cô nhân viên tốc ký thì biến những tư tưởng của Rôlinh thành
những từ ngữ cực kỳ cô đọng, những tư tưởng đó (nếu lấy giá trị trung bình kiểu
số học của chúng trong một năm và nhân với giá trị tương đương bằng tiền) có
giá trị gần đúng như sau: cứ mỗi mảnh tư tưởng của của ông vua hóa học vô cơ trôi
qua trong một giây thì ngang bằng năm vạn đô la. Những chiếc móng tay thanh tú
của bốn cô gái đánh máy liên tục lướt trên hàng phím của bốn chiếc máy chữ
"unđécvít". Cậu bé sai vặt, ngay sau khi được gọi, lập tức xuất hiện
trước mặt Rôlinh như hiện thân cho ý chí của y.
Văn
phòng Rôlinh nằm trên đại lộ Manđéc là một căn phòng ảm đạm và khắc khổ. Tường
bọc loại vải lụa nặng nề màu sẫm, trên sàn trải thảm dày màu nâu sẫm và bàn ghế
cũng bọc loại da màu sẫm. Trên những chiếc bàn sẫm màu phủ kính là những tập sách
quảng cáo, những cuốn sách tra cứu đóng bìa da nâu và những bản sơ đồ các nhà
máy hóa chất. Một vài viên đạn hơi độc đã han gỉ, năm ba khẩu súng phóng bom từ
các bãi chiến trường chở về được dùng làm vật trang trí đặt trên mặt lò sưởi.
Trong
phòng làm việc, đằng sau dãy cửa cao bằng gỗ hồ đào màu sẫm, giữa những biểu
đồ, những bản đồ và những bức ảnh là chỗ ngồi của ông vua hóa học Rôlinh. Những
người khách đã được chọn lọc nhẹ nhàng bước trên thảm vào phòng đợi, ngồi xuống
những chiếc ghế bọc da và hồi hộp nhìn vào cánh cửa bằng gỗ hồ đào. Ở đấy, sau
cánh cửa, ngay cả bầu không khí trong phòng làm việc của vua hóa học cũng cực
kỳ quý giá, bởi vì nó thấm đượm những tư tưởng giá năm vạn đô la trong một
giây.
Liệu có
người nào vẫn có thể bình tâm được nếu giữa không khí yên tĩnh tôn nghiêm trong
phòng đợi, nắm đấm cửa bằng đồng, được đúc thành hình nắm tay giữ quả cầu, bỗng
đột nhiên lay động và xuất hiện một con người nhỏ bé, mặc chiếc vét tông màu
xám sẫm, có bộ râu nổi tiếng khắp thế giới che kín hai má, vẻ mặt khó đăm đăm
đầy đau khổ, trông gần như một siêu nhân, khuôn mặt vàng bủng, bệnh hoạn, gợi
nhớ đến nhãn hiệu sản phẩm mà toàn thế giới đều biết tiếng: một vòng tròn màu
vàng với bốn sọc đen... Ông vua hóa học vừa hé mở cửa, vừa chằm chằm nhìn người
khách và nói bằng giọng Mỹ đặc sệt: "Mời vào".
13
Viên
thư ký (cực kỳ lịch thiệp) cặp chiếc bút chì mạ vàng giữa hai ngón tay và hỏi:
- Xin
lỗi, ông cho biết quý danh.
- Tôi
là tướng Xúpbôtin, người Nga... lưu vong.
Khách
bực tức nhún vai và dùng chiếc khăn tay vò nhầu lau bộ ria màu xám.
Viên
thư ký mỉm cười nhã nhặn, dường như câu chuyện đề cập đến những sự việc vô cùng
dễ chịu, ngoáy bút chì trên cuốn sổ tay rồi hỏi với một vẻ hết sức thận trọng:
- Ông
Xúpbôtin, xin ông cho biết mục đích cuộc trao đổi mà ông dự tính với ngài
Rôlinh.
- Một
mục đích rất đặc biệt, rất quan trọng...
- Có
lẽ, tôi sẽ phải trình bày tóm tắt nó để thông báo cho ngài Rôlinh đấy.
- Mục
đích của tôi có thể là rất đơn giản, một kế hoạch... Cả hai bên cùng có lợi.
- Kế
hoạch của ông đề cập đến cuộc chiến đấu bằng vũ khí hóa học chống lại bọn
Bôsêvích, tôi hiểu thế có đúng không? - viên thư ký hỏi.
- Đúng
thế đấy... Tôi có ý định đề nghị kế hoạch đó với ngài Rôlinh.
- Tôi
sợ rằng, - viên thư ký ngắt lời khách với vẻ lịch thiệp duyên dáng và khuôn mặt
đáng mến của anh ta thậm chí còn biểu lộ nỗi đau khổ nữa, - tôi sợ rằng ngài
Rôlinh đã phải bận tâm quá nhiều đến những kế hoạch như vậy rồi. Từ tuần trước,
chỉ riêng về phía người Nga, chúng tôi đã nhận được một trăm hai mươi bốn đề
nghị về cuộc chiến tranh hóa học chống lại bọn Bônsêvích. Trong cặp của chúng
tôi hiện có một kế hoạch tuyệt vời nhằm dùng lực lượng không quân hóa học tiến
công đồng thời vào Kháccốp, Mátxcơva và Pêtơrôgrát [1]. Tác giả bản kế hoạch đã triển
khai lực lượng một cách hết sức thông minh tại các căn cứ bàn đạp trên các nước
đệm - một kế hoạch lý thú, rất lý thú. Thậm chí tác giả còn đưa ra một dự toán
chính xác nữa: sáu nghìn tám trăm năm mươi tấn hơi mù tạt để tiêu diệt toàn bộ
dân chúng trong các thành phố đó.
Mặt đỏ
bừng vì máu trào lên dữ dội, tướng Xúpbôtin ngắt lời:
- Vậy
tại sao các ông không thực hiện ngay đi? Kế hoạch của tôi không thua kém gì,
nhưng kế hoạch ấy cũng đã tuyệt diệu lắm rồi! Phải hành động mới được! Phải
chuyển từ lời nói đến việc làm chứ... Vì lẽ gì mà các ông trì hoãn?
- Tướng
quân thân mến ạ, chúng tôi trì hoãn bởi vì ngài Rôlinh chưa nhìn thấy giá trị
tương đương với những chi phí của mình.
- Giá
trị tương đương loại gì vậy?
- Đối
với ngài Rôlinh thì việc dùng máy bay ném xuống sáu nghìn tám trăm năm mươi tấn
mù tạt chẳng có gì khó khăn, nhưng việc đó đòi hỏi một vài phí tổn. Chiến tranh
là phải tốn tiền, có đúng thế không? Trong những kế hoạch đang được đệ trình
ngài Rôlinh, chỉ thấy phải chi phí thôi. Nhưng giá trị tương đương, tức là
nguồn thu nhập do cuộc phá hoại chế độ Bônsêvích đem lại, thì thật đáng tiếc là
không được nêu lên.
- Thật
rõ như ban ngày vậy... những nguồn thu nhập... những nguồn thu nhập khổng lồ
cho bất kỳ kẻ nào trả lại được cho nước Nga những người cầm quyền hợp pháp và
một chế độ bình thường, hợp pháp - kẻ đó sẽ được hưởng hàng núi vàng chứ không
ít đâu! - tướng Xúpbôtin quắc mắt nhìn chằm chằm vào viên thư ký - À ra thế,
tức là cũng phải nêu lên giá trị tương đương phải không?
- Đúng
thế, phải chứng minh bằng các con số mới được: bên trái là các khoản chi, bên
phải là các khoản thu, sau đó tính hiệu số và hiệu số đó phải lớn thì ngài
Rôlinh mới quan tâm.
- À ra
thế! - Tướng Xúpbôtin thở phì phì, kéo sụp chiếc mũ phủ đầy bụi xuống rồi quả
quyết bước về phía cửa.
14
Tướng
Xúpbôtin chưa kịp ra khỏi thì ở cổng đã vang lên giọng phản đối của chú bé sai
vặt, rồi một giọng khác tỏ ý mong muốn chú ta bị ma quỷ cuỗm đi cho xong đời,
và trước mặt viên thư ký bỗng xuất hiện Xêmiônốp, áo măng tô không cài khuy,
tay cầm mũ và can, góc miệng ngậm điếu xì gà đã nhai nát.
- Chào
anh bạn, - gã vội vã nói với viên thư ký và quẳng can cùng mũ lên bàn, - hãy
cho tôi gặp ngài Rôlinh ngay lập tức.
Chiếc
bút chì mạ vàng của viên thư ký buông thõng trong không khí.
- Nhưng
ngài Rôlinh hôm nay rất bận.
- Ồ,
chuyện vớ vẩn, anh bạn ạ... Một người vừa từ Vácsava đến đang chờ trong xe của
tôi. Anh hãy nói với ngài Rôlinh là chúng tôi đến về vụ Garin.
Viên
thư ký vụt dướn lông mày lên và biến mất sau cánh cửa bằng gỗ hồ đào. Một phút
sau, anh ta ló đầu ra. "Ông Xêmiônốp, mời ông vào!" - Anh ta dịu dàng
nói khẽ và tự tay vặn nắm đấm cửa đúc hình bàn tay giữ quả địa cầu.
Xêmiônốp
đứng trước mặt ông vua hóa học. Gã không tỏ vẻ gì hồi hộp đặc biệt, trước hết
là vì tính gã vốn liều lĩnh, và thứ hai là vì vào lúc này, ông vua hóa học cần
đến gã hơn là gã cần đến ông ta. Cặp mắt xanh lè của Rôlinh nhìn như xoáy vào
gã, nhưng gã không hề bối rối, ngồi xuống phía bên kia bàn, đối diện với Rôlinh.
Rôlinh lên tiếng:
- Thế
nào?
- Công
việc xong rồi.
- Các
bản vẽ đâu?
- Ngài
Rôlinh ạ, trong chuyện này có xảy ra đôi chút nhầm lẫn...
- Tôi
hỏi là các bản vẽ đâu? Tôi không thấy những bản vẽ ấy? - Rôlinh giận dữ nói và
đập nhẹ bàn tay xuống mặt bàn.
- Xin
ngài hãy nghe đã, ngài Rôlinh ạ. Chúng ta quy định với nhau là tôi sẽ đem về
cho ngài chẳng những các bản vẽ mà cả chính bộ máy nữa... Tôi đã làm một khối
lượng công việc khổng lồ... Tôi đã mộ người... Đã phái họ đến Pêtơrôgrát. Họ đã
lọt vào phòng thí nghiệm của Garin. Họ đã thấy bộ máy hoạt động... Nhưng rồi có
quỷ mới biết chuyện gì đã xảy ra... Thứ nhất, hóa ra là có những hai Garin.
- Tôi
đã dự đoán như vậy ngay từ đầu kia! - Rôlinh kinh tởm nói.
- Chúng
tôi đã loại bỏ một trong hai tên ấy.
- Anh
giết hắn ư?
- Nếu
ngài muốn thì đại loại như vậy. Dù sao chăng nữa thì hắn cũng chết rồi. Ngài
không cần lo lắng về chuyện ấy: việc thanh toán diễn ra ở Pêtơrôgrát, bản thân
hắn là công dân Nga Xô - chẳng có gì đáng bận tâm... Nhưng sau đó xuất hiện một
kẻ hệt như hắn... Và chúng tôi đã hết sức nỗ lực...
- Tóm
lại, - Rôlinh ngắt lời, - kẻ giống hệt Garin hoặc chính Garin còn sống; và tuy
tôi đã bỏ ra biết bao nhiêu tiền, nhưng anh vẫn không đem về được cho tôi cả
các bản vẽ lẫn các bộ máy.
-
Tưclinxki đang ngồi trong xe của tôi. Y đã tham gia mọi việc này. Nếu ngài muốn
thì tôi sẽ gọi anh ta lên, anh ta sẽ kể tường tận cho ngài nghe.
- Tôi
không muốn gặp mặt một gã Tưclinxki nào hết, tôi cần các bản vẽ và các bộ máy
kia. - Tôi ngạc nhiên thấy anh táo tợn như vậy - dám đến đây với hai bàn tay
trắng...
Mặc dù
những lời lẽ này hết sức lạnh lùng, mặc dù sau khi nói xong Rôlinh quắc mắt
nhìn Xêmiônốp, tin chắc rằng gã lưu vong người Nga này sẽ bị thiêu ra tro và
biến mất không còn lại dấu vết gì, nhưng Xêmiônốp vẫn thản nhiên đút điếu xì gà
đã nhai nát vào miệng và liến thoắng nói:
- Ngài
không muốn gặp Tưclinxki thì cũng chẳng cần gặp làm gì - cũng chẳng thú vị gì
lắm đâu. Nhưng có chuyện thế này: tôi cần tiền, ngài Rôlinh ạ, tôi cần khoảng
hai vạn phơrăng. Ngài sẽ cấp séc hay trao tiền mặt?
Mặc dù
rất giàu kinh nghiệm và am hiểu người đời, nhưng đây là lần đầu tiên Rôlinh gặp
một kẻ xấc xược đến thế. Trên chiếc mũi to bự của Rôlinh thậm chí toát ra một
chất gì tựa như mồ hôi, và y phải tự kiềm chế lắm mới không ném lọ mực vào bộ
mặt đầy tàn nhang của Xêmiônốp... (lại còn mất đi bao nhiêu giây phút quý giá
vào câu chuyện vớ vẩn này nữa chứ!). Sau khi tự chủ lại, y với tay về phía
chiếc chuông.
Xêmiônốp
vừa theo dõi bàn tay Rôlinh vừa nói:
- Ngài
Rôlinh thân mến ạ, vấn đề là ở chỗ kỹ sư Garin hiện đang có mặt tại Pari.
15
Rôlinh
chồm dậy, hai lỗ mũi mở rộng, đường gân giữa hai hàng lông mày hằn lên. Y chạy
ra cửa khóa chặt lại rồi bước đến gần Xêmiônốp, một tay nắm lấy lưng ghế bành,
tay kia bíu chặt mép bàn và cúi xuống mặt Xêmiônốp:
- Anh
nói láo.
- Hóa
ra tôi lại bắt đầu nói láo nữa kia đấy... Câu chuyện như thế này này: Tưclinxki
gặp con người giống hệt Garin tại nhà bưu điện ở Pêtơrôgrát, khi hắn đang gửi
điện đi, và anh ta đã đọc được địa chỉ: đại lộ Batinhông, Pari... Hôm qua anh
ta từ Vácsava đến, chúng tôi lập tức chạy tới đại lộ Batinhông và chạm trán ở
tiệm cà phê với Garin hoặc kẻ giống hệt hắn, có quỷ mới phân biệt nổi.
Rôling
chầm chậm quan sát khuôn mặt đầy tàn nhang của Xêmiônốp. Sau đó y vươn thẳng
người lên và từ lồng ngực y phả ra hơi thở nóng bỏng:
- Anh
biết rất rõ là chúng ta đang ở Pari chứ không phải ở Nga Xô, nếu anh phạm tội
ác thì tôi sẽ không cứu nổi anh thoát khỏi máy chém đâu. Nhưng nếu anh tìm cách
lừa bịp tôi thì tôi sẽ đè bẹp anh đấy.
Y trở
lại chỗ ngồi, mở cuốn séc ra với vẻ ghê tởm: "Tôi sẽ không cho anh hai vạn
đâu, anh chỉ cần năm nghìn là đủ rồi..." Y viết séc rồi lấy ngón tay đẩy tấm
séc trượt theo mặt bàn cho Xêmiônốp, sau đó y chống khuỷu tay lên bàn không quá
một giây và đưa hai bàn tay ôm chặt lấy mặt.
Chú thích:
16
Không
phải ngẫu nhiên mà nàng Dôia Mônrô xinh đẹp lại trở thành bạn gái của ông vua
hóa học. Năm năm trước (vào năm mười chín), ả chạy từ Pêtơrôgrát sang Pari và
tại đây ả nổi tiếng là người phụ nữ kiều diễm nhất và thông minh nhất trong
giới nghệ sĩ quí tộc phóng đãng. Ả đóng phim, nhảy múa và ca hát trong các nhà
hát bình dân và thản nhiên làm khuynh gia bại sản bọn người nước ngoài vào
những năm đó đổ xô đến Pari với những túi tiền căng phồng vì kiếm bẫm trong
thời gian chiến tranh và sau chiến tranh.
Dôia là
một phụ nữ hiện đại. Giữa những cuộc chơi bời phóng túng, ả vẫn dành được thời
giờ chăm chú theo dõi tình hình chính trị.
Khi
được biết nhân vật Rôlinh lừng danh dự định sang châu Âu, ả lập tức lên đường
đi Niu Yoóc. Tại đây, ả mua chuộc được một gã phóng viên của một tờ báo lớn, và
trên các báo liền xuất hiện những bài ngắn về chuyến viếng thăm Niu Yoóc của
người phụ nữ xinh đẹp nhất, thông minh nhất châu Âu, một phụ nữ biết kết hợp
nghề nghiệp nữ diễn viên balê với niềm say mê ngành khoa học thời thượng nhất
là hóa học. Thậm chí ả không dùng loại kim cương tầm thường mà đeo một chuỗi
vòng cổ gồm những hạt pha lê chứa đầy khí sáng lấp lánh. Chuỗi hạt này đã tác
động đến trí tưởng tượng của người Mỹ.
Khi
Rôlinh đáp tàu biển đi châu Âu thì vào một buổi sáng tuyệt đẹp rực rỡ ánh nắng,
tại sân quần vợt trên boong thượng, y nhìn thấy Dôia đang chơi với huấn luyện
viên. Y cau mày, quan sát hồi lâu người phụ nữ mà tất cả các báo vừa làm rùm
beng lên, và y thấy thích ả. Ngay tối hôm đó, sau bữa ăn, khi ngồi trong quán
rượu, y đề nghị Dôia trở thành bạn gái của y. Vừa nhúng ống hút chất nước uống
lạnh buốt, Dôia vừa trả lời:
- Xin
cảm ơn ông. Tôi nhận lời đề nghị của ông. Ông sẽ không bị thất vọng đâu. Ông đã
lựa chọn rất đạt đấy. Những chuyện vặt vãnh của phụ nữ ít làm tôi bận tâm
lắm... Ông đừng quên rằng tôi đã trải qua những ngày cách mạng, đã bị sốt phát
ban và đã chiến đấu chống lại bọn Đỏ... Tôi rất hiếu danh. Ông là một nhân vật
tầm cỡ. Tôi tin vào ông. Ông phải chiến thắng mới được... Tôi muốn làm thư ký
riêng của ông.
Rôlinh
xoay xoay người trên chiếc ghế cao, miệng y hơi nhếch một nụ cười giễu cợt,
chứng tỏ y đang hết sức vui vẻ.
- Bà
điên rồi, - y nói. - Bốn cựu vương và vài đại công tước thuộc vương triều Nga
đang cố xin vào làm thư ký riêng cho tôi đấy... Nhưng tôi lại thấy thích bà mới
lạ chứ...
Thế là
bắt đầu quan hệ thân thiết giữa hai bên, và Rôlinh đã không lầm trong việc chọn
bạn gái.
Tại
Pari, y bắt đầu tiến hành thương lượng về việc hợp nhất các nhà máy hóa chất
thành một tờrớt. Nước
Mỹ đầu tư những món tiền lớn vào nền công nghiệp của Cựu thế giới. Đám nhân
viên của Rôlinh thận trọng mua trữ cổ phiếu. Ở Pari, người ta gọi y là
"con trâu Mỹ". Thật vậy, y có vẻ như người khổng lồ giữa các nhà công
nghiệp châu Âu. Y băng qua mọi trở ngại. Tầm mắt của y chật hẹp. Y chỉ nhìn
thấy trước mắt một mục tiêu duy nhất: tập trung toàn bộ nền công nghiệp hóa học
thế giới vào tay một người (người đó là y).
Dôia
mau chóng nghiên cứu xong tính cách của y, những thủ đoạn tranh đấu của y. Ả
hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của y. Y không thông thạo về chính trị và đôi khi nói
những điều ngu ngốc về cách mạng và về bọn Bônsêvích. Ả kín đáo sắp đặt những
con người cần thiết và hữu ích chung quanh y. Ả làm cho y quen thuộc với giới
báo chí và hướng dẫn những cuộc trao đổi. Ả mua chuộc những tay chuyên viết tin
vặt mà y không chú ý đến, nhưng chính họ lại giúp y được nhiều hơn các nhà báo
tầm cỡ, bởi vì họ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống như giống muỗi vậy.
Khi ả
"thu xếp" được một bài diễn văn ngắn do một nghị sĩ cánh hữu đọc tại
nghị viện "về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với nền công nghiệp Mỹ
nhằm phòng thủ nước Pháp bằng vũ khí hóa học" thì Rôlinh lần đầu tiên bắt
chặt tay ả và lắc lắc một cách thân ái, như giữa nam giới với nhau:
- Tốt
lắm, tôi sẽ lấy em làm thư ký của tôi với tiền lương là hai mươi bảy đôla một
tuần.
Rôlinh
bắt đầu tin vào sự hữu ích của Dôia và bắt đầu đối xử thành thật với ả về mặt
công việc, tức là thành thật đến cùng.
17
Dôia có
quan hệ với một vài gã lưu vong người Nga. Trong số đó có Xêmiônốp là người
được ả thường xuyên cấp lương. Gã là kỹ sư hóa học tốt nghiệp thời chiến, sau
đó làm thiếu úy rồi trở thành sỹ quan bạch vệ, và trong thời gian sống lưu vong
thì phụ trách những "ủy ban" linh tinh.
Gã điều
khiển bọn phản gián của Dôia, đem đến cho ả những tờ báo và tạp chí Xô Viết,
thông báo cho ả những tin tức, những chuyện ngồi lê đôi mách, những lời đồn
đại. Gã cần mẫn, nhanh nhẹn và không từ một việc gì không làm.
Một
lần, Dôia đưa cho Rôlinh xem một mảnh báo cắt nói về một bộ máy có sức phá hoại
ghê gớm đang được chế tạo ở Pêtơrôgrát. Rôlinh phá lên cười:
- Nhảm
nhí, chẳng ai hoảng sợ đâu... Trí tưởng tượng của chúng ta quá phong phú đấy.
Bọn Bônsêvích không có khả năng chế tạo một thứ gì hết.
-...
Vào năm mười chín, ở Pêtơrôgrát, trước khi tôi trốn ra nước ngoài ít lâu, tôi
gặp ngoài phố một anh bạn người Ba Lan đã cùng tôi tốt nghiệp trường công nghệ.
Tên anh ta là Tưclinxki. Bị khoác sau lưng, hai chân quấn chặt những mảnh thảm,
trên áo măngtô có viết những chữ số bằng phấn - dấu hiệu của những lần xếp
hàng. Tóm lại, mọi thứ đều đúng như thông lệ. Nhưng vẻ mặt anh ta đầy phấn
chấn. Mắt nhấp nháy. Có chuyện gì thế nhỉ? "Tớ đã vớ được một việc hái ra
vàng mà lại, - anh ta bảo, - phải bạc triệu chứ không ít! Phải hàng trăm triệu
ấy chứ (dĩ nhiên là hàng trăm triệu tiền vàng rồi!)" Tất nhiên tôi bám lấy
anh ta, nằng nặc đòi anh ta kể. Anh ta chỉ cười trừ. Rồi chúng tôi chia tay
nhau. Khoảng hai tuần sau, tôi lang thang trên đảo Vaxiliépxki là nơi anh ta ở.
Tôi chợt nhớ đến cái công việc hái ra vàng của anh ta. Tôi nghĩ: ta thử đến xin
nhà triệu phú này vài lạng đường xem sao. Tôi liền tạt vào nhà anh ta.
Tưclinxli đang nằm trong tình trạng gần đất xa trời - tay và ngực bị băng bó
kín mít.
- Ai
làm cậu đến nông nỗi này?
- Cứ
đợi đấy, - anh ta trả lời, - Đức mẹ đồng trinh sẽ giúp tớ bình phục, và tớ sẽ
giết chết hắn.
- Giết
ai kia?
-
Garin.
Và anh
ta đã kể chuyện cho tôi nghe. Quả thật, anh ta kể rất rối rắm và mơ hồ vì không
muốn cho tôi biết tỉ mỉ, nhưng đại để là như sau. Một người quen cũ của anh ta
là kỹ sư Garin đề nghị anh ta chế tạo loại nến than cho một bộ máy nào đó có
sức phá hoại khủng khiếp. Để làm Tưclinxki hứng thú, y hứa sẽ chia lời lãi với
anh ta. Y dự tính là sau khi kết thúc thí nghiệm, sẽ đem bộ máy đó chạy sang
Thụy Sĩ, lấy bằng phát minh ở đấy rồi tự mình đứng ra trông coi việc sử dụng.
Tưclinxki
hăm hở bắt đầu nghiên cứu việc chế tạo những khối chóp nhỏ. Nhiệm vụ đặt ra là
những khối chóp ấy càng nhỏ càng tốt nhưng lại phải tỏa ra được một lượng nhiệt
cực đại. Cơ cấu của bộ máy thì Garin giữ bí mật, y bảo là nguyên tắc của nó hết
sức đơn giản, bởi vậy chỉ cần nói bóng gió xa xôi là cũng đủ làm lộ bí mật rồi.
Tưclinxki cung cấp cho y những khối chóp nhỏ, nhưng không lần nào thuyết phục
nổi y cho xem bộ máy kia.
Thái độ
nghi kỵ đó khiến Tưclinxki giận điên lên. Hai bên cãi nhau luôn. Một hôm,
Tưclinxki theo dõi Garin đến tận nơi y tiến hành thí nghiệm - một ngôi nhà đổ
nát trên một đường phố hẻo lánh mạn Pêtơrôgrátxcaia. Tưclinxki theo gót Garin
lần tới đó và mò mẫm hồi lâu theo những cầu thang, những căn phòng trống rỗng
đã long hết cửa sổ, và cuối cùng anh ta nghe thấy dưới hầm nhà có tiếng xèo xèo
mạnh như từ luồng hơi nước phụt ra và ngửi thấy mùi quen thuộc của những khối
chóp nhỏ đang cháy.
Anh ta
thận trọng leo xuống hầm nhà, nhưng bỗng vấp phải đống gạch vỡ, anh ta ngã lăn
ra, làm vang động lên, và nhìn thấy sau vòm cửa, cách anh ta khoảng ba chục
bước, là khuôn mặt của Garin đang méo xệch dưới ánh đèn dầu. "Ai, ai
đấy?" - Garin giận dữ hét to, và đúng lúc đó, một tia sáng chói lòa không
to hơn kim đan bỗng phụt ra từ bức tường và cắt chéo qua ngực và tay của Tưclinxki.
Anh ta
tỉnh dậy lúc mờ sáng, kêu cứu hồi lâu rồi bò ra khỏi hầm nhà, khắp người bê bết
máu. Anh ta được những người qua đường vực lên rồi chở bằng xe tay về nhà. Khi
anh ta bình phục thì nổ ra cuộc chiến tranh với Ba Lan, và anh ta phải trốn
khỏi Pêtơrôgrát.
Câu
chuyện này đã gây cho Dôia một ấn tượng hết sức mạnh mẽ. Rôlinh thì chỉ nghi
hoặc nhếch mép cười: y chỉ tin vào sức mạnh của hơi ngạt. Thiết giáp hạm, pháo
đài, đại bác, những đội quân cồng kềnh, theo ý kiến y, tất cả những thứ đó đều
là tàn tích của thời đại dã man. Máy bay và hóa học - đó mới là những vũ khí
duy nhất hùng mạnh của chiến tranh. Còn những bộ máy gì đó ở Pêtơrôgrát chỉ là
chuyện nhảm nhí.
Nhưng
Dôia không yên tâm. Ả phái Xêmiônốp đến Phần Lan để từ đó tìm kiếm những tin
tức chính xác về Garin. Một viên sĩ quan bạch vệ được Xêmiônốp thuê mướn đã
trượt tuyết vượt qua biên giới Nga, tìm thấy Garin ở Pêtơrôgát, nói chuyện với
y và thậm chí còn đề nghị với y hợp tác làm việc. Garin tỏ ra rất thận trọng. Y
nói về bộ máy của mình theo ý nghĩa là người nào làm chủ được nó sẽ có được một
sức mạnh siêu phàm. Các cuộc thí nghiệm với bộ máy mẫu đã đem lại những kết quả
rực rỡ. Y chỉ chờ lúc hoàn tất việc nghiên cứu các khối chóp mà thôi
18
Vào một
tối chủ nhật mưa gió đầu xuân, ánh đèn trong các ô cửa sổ và vô số ánh đèn
đường phản chiếu trên lớp nhựa bóng nhẫy của các phố xá Pari, trông chẳng khác
gì những dòng kênh đen sẫm mà bên dưới là một vực thẳm ánh sáng.
Những
chiếc xe ướt át phóng vùn vụt, những chiếc ô ướt đẫm lấp loáng, va vào nhau,
xoay tròn. Bóng tối dầy đặc nước mưa như đặc sệt những hơi ẩm rữa nát của các
đại lộ, mùi các quầy bán rau, mùi khí xả và mùi nước hoa.
Nước
mưa chảy thành dòng trên các mái nhà bằng graphít, trên những dãy chấn song của
các ban công, trên những tấm mái che kẻ sọc khổng lồ của các quán cà phê. Những
biển quảng cáo đủ mọi loại vui chơi giải trí quay cuồng, sáng nhấp nháy, mờ mờ
trong màn sương mù.
Những
con người tầm thường, nhỏ bé - các tham tán, các quan lại thấp và viên chức -
tùy theo khả năng mà giải trí vào ngày này. Những nhân vật quan trọng, những
nhà doanh nghiệp thì ngồi bên lò sưởi tại nhà. Chủ nhật là ngày của dân đen,
dành cho các dân đen xâu xé.
Dôia
ngồi thu lu trên chiếc đi văng rộng, giữa một lô gối nhỏ. Ả hút thuốc và nhìn
lửa trong lò sưởi. Rôlinh mặc áo đuôi tôm, thả mình trong chiếc ghế bành lớn,
ghếch hai chân lên bục đặt thấp, cũng vừa hút thuốc vừa nhìn những cục than
hồng.
Khuôn
mặt được lò sưởi chiếu sáng của y dường như đỏ rực vì bị nung nóng - chiếc mũi
to mập, đôi má rậm râu, cặp mắt hơi bừng bừng hé mở dưới hàng mi của một bậc
chúa tể vũ trụ. Y chìm đắm trong nỗi buồn nhè nhẹ cần phải có mỗi tuần một lần
để đầu óc và thần kinh được thanh thản.
Dôia
giơ đôi tay kiều diễm để trần ra trước mặt và nói:
-
Rôlinh ạ, từ bữa ăn đến giờ đã hai tiếng đồng hồ rồi đấy.
- Đúng
thế, - Rôlinh đáp, - cũng như em, anh cho rằng quá trình tiêu hóa đã kết thúc
rồi.
Cặp mắt
trong veo và gần như mơ mộng của ả lướt trên mặt y. Ả khe khẽ gọi tên y bằng
một giọng nghiêm trang. Y vẫn ngồi yên trong chiếc ghế bành ấm áp mà trả lời:
- Anh
nghe em đây, con mèo nhỏ của anh ạ.
Vậy là
đã được phép nói. Ả chuyển sang ngồi ở mép đi văng và ôm lấy đầu gối.
- Anh
Rôlinh này, các nhà máy hóa chất dễ có nguy cơ bị nổ tung lắm phải không?
- Đúng
đấy. Vật phẩm phụ thứ tư của than đá - tơrôtin là một chất nổ cực kỳ ghê gớm.
Vật phẩm phụ thứ tám của than đá - axit picrin - được nhồi vào đạn xuyên thép
của các pháo hạm. Nhưng còn có một chất nguy hiểm hơn nữa, đó là têtơrin.
- Chất
ấy là gì vậy, anh Rôlinh?
- Cũng
vẫn là than đá thôi. Benzen (C6H6) khi hòa hợp với axit
nitơrích (HNO3) ở tám mươi độ sẽ tạo nên nitơrô benzen. Công thức
của nitơrô benzen là C6H5NO2. Nếu chúng ta
thay thế hai phần ôxy O2 trong đó bằng hai phần hyđrô
H2, tức là nếu chúng ta bắt đầu từ từ trộn lẫn nitơrô benzen ở tám
mươi độ với mùn gang, với một lượng nhỏ axít clohyđrích, thì chúng ta sẽ thu
được anilin (C6H5NH2). Anilin trộn lẫn với
rượu mêtylích dưới áp lực năm mươi átmốtphe sẽ tạo ra đimêtin- anilin. Sau đó,
chúng ta đào một chiếc hồ lớn, đắp lũy đất bao quanh, dựng một nhà kho bên
trong để thực hiện phản ứng giữa đimêtin- anilin và axít nitơrích. Trong thời
gian diễn ra phản ứng này, chúng ta sẽ đứng từ xa theo dõi nhiệt kế qua kính
viễn vọng. Phản ứng giữa đimêtin- anilin và axít nitơrích sẽ tạo ra chất
têtơrin. Cái chất têtơrin này chính là một con quỷ thực sự, đôi khi, do những
nguyên nhân không ai biết, nó nổ tung trong lúc phản ứng diễn ra và biến những
nhà máy lớn thành tro bụi. Thật đáng tiếc là chúng ta phải tiếp xúc với nó: khi
được xử lý bằng phốtgen, nó tạo nên những tinh thể màu xanh tím. Và chính cái
thứ đó đem lại cho tôi khối tiền đấy em ạ. Em đã hỏi tôi một cách thật ngộ nghĩnh...
Hừm... Tôi cứ tưởng em am hiểu hóa học hơn thế kia đấy. Để từ hắc ín chế tạo
được viên piramiđông chẳng hạn, thứ thuốc giúp em khỏi bệnh đau đầu ấy, cần
phải đi qua một loạt giai đoạn... Trên con đường từ than đá đến piramiđông,
hoặc đến lọ nước hoa, hoặc đến chế phẩm thông thường dùng trong nghề ảnh, là
những chất quỷ quái như tơrôtin và axít picrin, là những chất tuyệt diệu như
brôm- benzin- xianua, clo- picrin, đi- phênin- clo- ácxin và nhiều chất khác
nữa, tức là những hơi độc chiến đấu khiến người ta hắt hơi, chảy nước mắt, dứt
bỏ mặt nạ bảo vệ, ngạt thở, thổ huyết, sưng tấy, thân thể thối rữa lúc còn
sống...
Vì
Rôlinh cảm thấy buồn bã vào buổi tối chủ nhật mưa gió này nên y sẵn lòng triền
miên suy nghĩ về tương lai vĩ đại của hóa học.
- Tôi
nghĩ rằng (y phẩy phẩy gần mũi điếu thuốc đã hút hết một nửa), tôi nghĩ rằng
Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra trời đất cùng mọi sinh vật khác từ hắc ín và muối
ăn. Thánh Kinh không nói thẳng điều đó, nhưng có thể đoán ra được. Kẻ nào có
trong tay than và muối thì kẻ đó sẽ thống trị thế giới. Người Đức gây ra cuộc
chiến tranh năm mười bốn chỉ bởi vì chín phần mười các nhà máy hóa chất trên
khắp thế giới là thuộc về nước Đức. Người Đức đã hiểu được bí mật của than và
muối: họ là dân tộc có văn hóa duy nhất thời đó. Nhưng họ không ngờ rằng người
Mỹ chúng ta lại có thể xây dựng xong công binh xưởng Étvút[1]trong vòng chín tháng. Người Đức đã mở mắt
cho chúng ta, chúng ta đã hiểu là cần đầu tư vốn vào đâu, và bây giờ người
thống trị thế giới sẽ là chúng ta, chứ không phải họ, bởi vì sau chiến tranh,
tiềm lực trong tay chúng ta và hóa học cũng trong tay chúng ta. Trước hết chúng
ta sẽ biến nước Đức, rồi sau đó sẽ biến cả các nước khác nữa, những nước nào
biết cách làm việc (những nước không biết làm việc sẽ bị đào thải theo luật tự
nhiên, chúng ta sẽ giúp họ trong việc này) thành một công xưởng hùng mạnh. Lá
cờ Mỹ sẽ buộc ngang trái đất theo đường xích đạo và buộc dọc trái đất từ cực
này đến cực kia như ta buộc hộp kẹo vậy...
- Anh
Rôlinh ạ. - Dôia ngắt lời y, - tự anh sẽ chuốc lấy tai họa mất... Vì khi ấy chúng sẽ trở thành những tên cộng sản... Sẽ đến ngày chúng tuyên
bố rằng chúng không cần đến anh nữa vàchúng muốn làm việc cho bản thân chúng... Ôi, em đã trải qua
nỗi khủng khiếp đó rồi... Chúng sẽ không chịu trả cho anh hàng tỷ đô la của anh...
- Lúc
đó, anh sẽ dìm cả châu Âu trong hơi mù tạt.
- Sẽ
muộn mất, anh Rôlinh ạ. - Dôia lấy hai tay siết chặt đầu gối và nhô người ra
phía trước. - Rôlinh, hãy tin em, em chưa bao giờ khuyên anh điều gì xấu cả...
Em vừa hỏi anh: các nhà máy hóa chất có nguy cơ bị nổ tung hay không?... Trong
tay bọn công nhân, bọn cách mạng, bọn cộng sản, trong tay những kẻ thù của
chúng ta sẽ có thứ vũ khí có sức mạnh khủng khiếp... Chúng sẽ có thể từ xa làm
nổ tung các nhà máy hóa chất và các hầm thuốc súng, có thể đốt cháy các phi đội
máy bay, tiêu diệt các kho chứa hơi độc, tóm lại là tất cả những gì có thể nổ
tung và bốc cháy.
Rôlinh
bỏ hai chân khỏi chiếc bục đặt thấp, hấp háy mi mắt đỏ nhạt và chăm chú nhìn
Dôia một lúc.
- Theo
chỗ tôi hiểu thì em lại ám chỉ đến...
- Đúng
đấy, anh Rôlinh ạ, em muốn ám chỉ đến bộ máy của kỹ sư Garin... Cho tới nay,
anh vẫn bỏ ngoài tai mọi tin tức về bộ máy đó... Nhưng em thì em biết việc này
quan trọng đến chừng nào... Xêmiônốp đã đem đến cho em một vật đáng sợ, từ Nga
gởi cho anh ta.
Ả bấm
chuông. Người hầu bước vào. Theo lệnh của ả, ông ta mang đến một chiếc hòm nhỏ
bằng gỗ thông, bên trong có một mẩu thép dày chừng hơn một phân. Dôia lấy mẩu
thép ra và đưa lại gần ánh sáng lò sưởi. Trên bề dày của mẩu thép có những vạch
thẳng và đường vòng xuyên suốt qua bằng một dụng cụ sắc nhọn nào đấy và hằn rõ
những chữ xiên nghiêng như viết tháu bằng ngòi bút: "Mẫu thử lực... mẫu
thử... Garin". Những vụn kim loại bên trong một vài chữ rơi lả tả ra.
Rôlinh xem xét hồi lâu mẩu thép.
- Trông
cứ như "thử bút" vậy, - y khẽ nói, - dường như có người viết bằng kim
lên bột nhão ấy.
- Đây
là kết quả việc thử bộ máy của Garin ở một khoảng cách ba chục bước, - Dôia cho
biết. - Xêmiônốp khẳng định rằng Garin hy vọng sẽ chế tạo được một bộ máy có
thể cắt đôi một chiến hạm lớn dễ dàng như cắt bơ ở khoảng cách ba bốn cây số...
Xin lỗi anh, Rôlinh ạ, nhưng em cầu khẩn anh phải chiếm bằng được bộ máy khủng
khiếp này.
Rôlinh
đã không uổng công trải qua trường đời ở Mỹ, cả con người y đã được rèn luyện
để chiến đấu.
Ai cũng
biết là việc luyện tập có tác dụng phân bố các nỗ lực một cách chính xác giữa
các bắp thịt và khiến các bắp thịt huy động được tối đa khả năng của mình.
Rôlinh cũng như vậy khi y bước vào cuộc chiến đấu: trước hết trí tưởng tượng
bắt đầu hoạt động - nó xông vào những lĩnh vực hóc búa chưa ai đụng đến của các
xí nghiệp và phát hiện ở đấy một hiện tượng gì đó đáng chú ý. Xtốp. Hoạt động
của trí tưởng tượng kết thúc. Đến lượt lý trí làm việc - nó đánh giá, so sánh,
cân nhắc, kết luận: hữu ích. Xtốp. Đến lượt óc thực tiễn - nó tính toán, dự
tính, lập bảng cân đối: có lợi. Xtốp. Đến lượt ý chí rắn như thép môlipđen, ý
chí mãnh liệt của Rôlinh, và y như con trâu mắt đỏ ngầu, lao tới mục đích và
đạt bằng được nó, cho dù y và những người khác có phải trả giá thế nào chăng
nữa.
Hôm nay
cũng diễn ra một quá trình tương tự như vậy. Rôlinh đưa mắt nhìn bao quát lĩnh
vực hóc búa bí ẩn này và lý trí bảo y: Dôia có lý. Óc thực tiễn tức khắc lập
bảng cân đối: cái có lợi nhất là đánh cắp các bản vẽ và bộ máy, là thủ tiêu
Garin. Chấm hết. Số phận của Garin đã được định đoạt, tín dụng đã mở, và ý chí
bắt đầu hoạt động.
Rôlinh
đứng dậy khỏi ghế bành, quay lưng về phía lửa lò sưởi và nói dằn từng tiếng:
19
Bảy
tuần lễ đã trôi qua sau buổi tối hôm đó. Kẻ giống hệt Garin bị giết trên đảo
Crextốpxki. Xêmiônốp xuất hiện trên đại lộ Mandéc không có các bản vẽ và bộ
máy. Rôlinh suýt ném lọ mực vào đầu gã. Hôm qua, người ta trông thấy Garin hoặc
kẻ giống hệt y ở Pari.
Hôm
sau, như thường lệ, Dôia đến đại lộ Mandéc vào lúc một giờ trưa. Rôlinh ngồi
bên cạnh ả trong chiếc Limudin mui kín, chống cằm vào can và nói rít qua kẽ
răng:
- Garin
đang ở Pari.
Dôia
ngửa người vào đệm ghế. Rôlinh cau có nhìn ả.
- Đáng
lẽ phải đưa Xêmiônốp lên máy chém từ lâu rồi mới phải, hắn là một kẻ bừa bãi,
một tên giết người rẻ tiền, vừa xấc láo lại vừa ngu ngốc, - Rôlinh nói. - Tôi
đã tin cẩn hắn và kết quả là rơi vào tình thế lố bịch. Có thể thấy trước là hắn
sẽ lôi kéo tôi vào một chuyện tồi tệ mất...
Rôlinh
kể cho Dôia nghe toàn bộ câu chuyện giữa y với Xêmiônốp. Việc xuất hiện kẻ
giống hệt Garin đã làm Rôlinh hết sức bối rối. Y hiểu rằng địch thủ của y rất
khôn khéo. Garin hoặc đã biết về vụ mưu sát đang chuẩn bị, hoặc đã thấy trước
là nhất định sẽ bị mưu sát, do đó làm lẫn lộn dấu vết bằng cách bí mật bố trí
một kẻ giống hệt mình. Tất cả những chuyện đó đều rất mơ hồ. Nhưng điều khó
hiểu nhất là Garin đến Pari để làm quái gì mới được chứ?
Chiếc
limudin chạy giữa vô số xe cộ trên quảng trường Êlidê. Tiết trời ấm áp, oi ả.
Trong màn khói lam nhạt nhẹ bay hiện rõ hình lũ ngựa có cánh và mái vòm bằng
kính của tòa Đại Lâu, những lớp mái hình bán nguyệt của các tòa nhà cao, những
rèm cửa sổ, những đám cây dẻ sum suê.
Ngồi
trên các xe hơi - người thì dạng chân, người thì gác chân lên đầu gối, người
thì gậm gậm đầu can - chủ yếu là những tay anh chị mới phất, người ngắn ngủn,
đội mũ kiểu mùa xuân và đeo cà vạt sặc sỡ. Họ chở những cô gái kháu khỉnh đi ăn
sáng ở rừng Bulônhơ, những cô gái mà Pari hào phóng ban cho họ để giải trí cho
khách nước ngoài.
Đến
quảng trường Ngôi sao, chiếc limudin của Dôia đuổi kịp một chiếc xe thuê, ngồi
trong chiếc xe này là Xêmiônốp và một người đàn ông mặt húp híp, vàng khè, bộ
ria đầy bụi. Cả hai nhô người về phía trước, vẻ kích động đến cực độ, theo dõi
một chiếc xe nhỏ màu xanh đang lượn vòng trên quảng trường Ngôi sao để đi đến
bến tàu điện ngầm.
Xêmiônốp
chỉ chiếc xe đó cho người lái, nhưng khó mà lọt qua được dòng xe cộ chạy nườm
nượp. Rốt cuộc, họ cũng lách lên được và cho xe chạy tắt ngang chiếc xe nhỏ màu
xanh. Nhưng chiếc xe đó đã đỗ cạnh đường tàu điện ngầm. Nhảy từ trong xe ra là
một người tầm thước, mặc chiếc măng tô dày rộng thùng thình, rồi y biến mất vào
lối xuống tàu điện ngầm.
Toàn bộ
cảnh tượng đó diễn ra chỉ trong vòng hai - ba phút, ngay trước mắt Rôlinh và
Dôia. Ả hét to bảo người lái xe rẽ về phía bến tàu điện ngầm. Xe của ả dừng lại
gần như cùng một lúc với xe của Xêmiônốp. Gã vừa huơ chiếc can vừa chạy đến
chiếc limudin, mở cửa xe làm bằng pha lê và nói với vẻ hết sức kích động:
- Garin
đấy! Hắn lẩn mất rồi. Nhưng không sao. Hôm nay, tôi sẽ đến phố Batinhông gặp
hắn và sẽ đề nghị hòa giải. Ngài Rôlinh ạ, ta cần thỏa thuận với nhau một
chuyện: ngài sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để có được bộ máy? Ngài có thể yên tâm
được: tôi sẽ hành động trong khuôn khổ luật pháp. Tiện đây, xin cho phép giới
thiệu với ngài ông Tưclinxki, một con người rất mực đứng đắn.
Không
đợi được phép, gã gọi to Tưclinxki. Tưclinxki vội chạy đến bên chiếc limudin,
bỏ mũ cúi chào rồi hôn tay tiểu thư Dôia.
Rôlinh
không đưa tay cho cả Xêmiônốp lẫn Tưclinxki, mắt y sáng quắc trong xe như mắt
sư tử trong chuồng. Xuất hiện trước mặt mọi người trên quảng trường là thiếu
khôn ngoan.
Dôia đề
nghị đi ăn trưa ở bờ bên trái, tại hiệu ăn "Lapêrudơ" thường vắng vẻ
vào khoảng thời gian đó.
20
Tưclinxkin
liên tục cúi chào, vuốt thẳng bộ ria trễ xuống, nhìn Dôia bằng cặp mắt ươn ướt
và ăn với vẻ hau háu cố kìm lại. Rôlinh cau có ngồi quay lưng về phía cửa sổ,
Xêmiônốp luôn miệng ba hoa một cách suồng sã. Dôia có vẻ bình tĩnh, ả mỉm cười
mê hồn và thỉnh thoảng lại đưa mắt ra hiệu cho người hầu bàn rót rượu thường
xuyên hơn cho khách. Khi rượu sâm banh được đưa lên, ả đề nghị Tưclinxki bắt
đầu kể chuyện.
Gã cởi
khăn ăn khỏi cổ.
- Đối
với ngài Rôlinh, chúng tôi không tiếc gì hết, kể cả mạng sống của mình nữa.
Chúng tôi đã vượt qua biên giới Nga ở vùng Xêxtơrôexcơ.
- Chúng
tôi là những ai? - Rôlinh hỏi.
- Tôi
và một trợ thủ của tôi, một người Nga quê ở Vácsava, một sĩ quan trong quân đội
của Balakhêvích... Hắn ta cực kỳ tàn bạo... Cái gã sĩ quan chết tiệt ấy gây hại
cho tôi nhiều hơn là giúp đỡ tôi. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là theo dõi xem Garin
tiến hành thí nghiệm ở đâu. Tôi đã đến tận ngôi nhà đổ nát - ngài và tiểu thư
đây dĩ nhiên đã biết rằng tại ngôi nhà này, gã kỹ sư khốn kiếp ấy đã suýt cắt
đôi tôi bằng cái bộ máy của gã. Tại đấy, tôi đã tìm thấy trong hầm nhà mẩu thép
mà tôi đã gởi cho tiểu thư Dôia, và tiểu thư có thể thấy rõ sự cần mẫn của tôi.
Garin liền thay đổi địa điểm thí nghiệm. Tôi đã ngày đêm không ngủ vì muốn đáp
ứng lòng tin cậy của tiểu thư Dôia và ngài Rôlinh. Tôi đã liều bị viêm phổi
trong những đầm lầy trên đảo Crextốpxki, và tôi đã đạt được mục đích. Tôi đã lần
ra dấu vết Garin. Đêm hai mươi bảy tháng tư, tôi và người trợ thủ của tôi đã
lọt vào ngôi nhà nghỉ của Garin, trói gã vào chiếc giường sắt và lục soát hết
sức tỉ mỉ... Không thấy gì hết... Thật phát điên lên được... Không có một dấu
vết nào của bộ máy hết... Nhưng tôi biết rằng gã giấu bộ máy ấy trong nhà. Khi
ấy, viên trợ thủ của tôi đã xử sự hơi quá tay với Garin. Ngài và tiểu thư đây
chắc sẽ hiểu được nỗi xúc động của chúng tôi... Tôi không nói là chúng tôi đã
hành động theo chỉ thị của ngài Rôlinh... Không! Chẳng qua là viên trợ thủ của
tôi quá nóng nảy...
Rôlinh
nhìn đĩa thức ăn. Cánh tay dài của Dôia trước đây vẫn nằm yên trên khăn bàn,
nay động đậy nhanh các ngón, làm lấp lánh những móng tay làm bóng, những chiếc
nhẫn đính kim cương, ngọc bích, ngọc lam. Tưclinxki phấn chấn lên khi nhìn bàn
tay vô giá này.
- Như
ngài và tiểu thư đã biết, một ngày sau tôi gặp Garin ở bưu điện. Lạy Chúa, ai
mà không hoảng sợ cho được khi chạm trán với một kẻ đã chết mà nay lại sống sờ
sờ trước mắt! Đúng lúc đó bọn công an khốn kiếp còn lao theo săn tôi nữa. Chúng
tôi đã trở thành nạn nhân của một trò lừa bịp: gã Garin khốn kiếp đã đánh tráo
gã với một người khác. Tôi quyết định lại lục soát ngôi nhà nghỉ: nhất định ở
đó phải có hầm ngầm. Ngay đêm ấy, tôi trở lại một mình, đánh thuốc mê thằng cha
canh gác. Tôi bò vào qua cửa sổ... Mong ngài Rôlinh sẽ không hiểu sai tôi...
Khi Tưclinxki hy sinh tính mạng thì đó là hy sinh vì lý tưởng... Đúng lúc đó,
tôi nghe thấy trong nhà có tiếng lách cách và răng rắc khủng khiếp đến nỗi ai
cũng phải dựng tóc gáy lên. Nhảy ngược lại ra ngoài cửa sổ đối với tôi là
chuyện dễ như bỡn, nhưng tôi đã không làm thế... Đúng, ngài Rôlinh ạ, vào phút
đó, tôi hiểu rằng, Chúa đã dẫn dắt ngài khi ngài cử tôi đi chiếm lấy trong tay
bọn Nga thứ vũ khí ghê gớm mà chúng có thể dùng để chống lại toàn thế giới văn
minh. Đó là giây phút lịch sử, tiểu thư Dôia ạ, tôi xin lấy danh dự một quý tộc
ra mà thề với tiểu thư như vậy. Tôi nhảy bổ như thú dữ vào bếp là nơi phát ra
tiếng động. Tôi nhìn thấy Garin - hắn đang chất bàn ghế, bao bì, hòm xiểng
thành một đống ở cạnh tường. Thấy tôi, hắn vớ lấy chiếc va li da mà tôi đã quen
thuộc từ lâu rồi, nơi hắn thường để bộ máy mẫu, rồi nhảy vọt sang phòng bên
cạnh. Tôi rút phắt súng lục ra và lao theo hắn. Hắn đang mở cửa sổ, định nhảy
ra đường. Tôi bắn một phát, hắn cứ một tay xách va li, một tay cầm súng, mà
chạy đến cuối phòng, núp sau giường và bắn trả. Đó là một trận quyết đấu thật
sự, tiểu thư Dôia ạ. Một viên đạn xuyên qua mũ tôi. Đột nhiên, hắn lấy một mảnh
vải gì đó che kín mồm và mũi rồi chĩa một ống kim loại về phía tôi: một phát
súng vang lên, không to hơn tiếng mở nút chai sâm banh, và đúng giây phút đó,
tựa như có hàng nghìn vuốt sắc nhỏ xuyên vào mũi, vào cổ họng, vào ngực tôi,
cào xé người tôi, hai mắt tôi ràn rụa nước mắt vì một nỗi đau đớn không thể
chịu nổi, tôi bắt đầu ho, hắt hơi, ruột gan tôi đảo lộn hết, và xin lỗi tiểu
thư, tôi nôn thốc nôn tháo đến mức phải ngã vật xuống.
- Đi-
phênin- clo- ácxin trộn với phốtgen theo tỷ lệ mỗi thứ năm mươi phần trăm đấy
mà - một chất rẻ như bèo ấy, chúng ta hiện đang trang bị cho cảnh sát loại lựu
đạn này, - Rôlinh nói.
- Đúng
thế... ngài Rôlinh nói đúng đấy - đó là loại lựu đạn hơi ngạt... May thay, cơn
gió lùa vào đã mau chóng làm hơi ngạt tản đi. Tôi hơi tỉnh lại và dở sống dở
chết lê về nhà. Tôi bị ngộ độc, khắp người đau như dần, bọn công an sục sạo
khắp thành phố tìm tôi, tôi chỉ còn cách trốn khỏi Lêningrát và tôi đã trốn
được tuy phải trải qua biết bao gian nan nguy hiểm.
Tưclinxki
vung hai tay lên và cúi đầu xuống mong được khoan dung. Dôia hỏi:
- Anh
tin chắc là Garin cũng đã trốn khỏi Nga chứ?
- Nhất
định là thế. Sau khi xảy ra câu chuyện tôi vừa kể thì trước sau gì hắn cũng bị
Ban điều tra hình sự hỏi tội.
- Nhưng
tại sao hắn lại chọn Pari chứ không phải nơi nào khác?
- Hắn
cần những khối chóp than. Nếu không thì bộ máy của hắn chẳng khác gì súng không
nạp đạn. Garin là nhà vật lý. Hắn mù đặc về hóa học. Theo đơn đặt hàng của hắn,
tôi đã nghiên cứu những khối chóp này và sau tôi là kẻ đã phải trả mạng mình
cho việc này trên đảo Crextốpxki. Nhưng Garin còn có một đồng bọn nữa ở đây, ở
Pari - chính hắn đã đánh điện đến đại lộ Batinhông cho người này. Garin đến đây
để theo dõi việc nghiên cứu các khối chóp than.
- Anh
đã thu thập được những tin tức gì về tên đồng bọn của Garin? - Rôlinh hỏi.
- Hắn
ta sống tại một khách sạn xoàng xĩnh trên đại lộ Batinhông, hôm qua chúng tôi
đã đến đấy và được người gác cổng kể cho biết một số chi tiết, - Xêmiônốp trả
lời, - Hắn ta chỉ về ngủ đêm thôi. Khi ra khỏi nhà, hắn thường mặc áo khoác
bằng vải thô là loại áo mà các thầy thuốc, các thí nghiệm viên và sinh viên hóa
thường mặc. Chắc hẳn hắn làm việc ở một nơi nào đó không xa lắm.
- Diện
mạo hắn ra sao? Quỷ tha ma bắt anh đi, tôi cần quái gì đến cái áo khoác bằng
vải thô của hắn kia chứ! Lão gác cổng có tả cho anh diện mạo của hắn không?
Xêmiônốp
và Tưclinxki liếc nhìn nhau. Tưclinxki áp tay lên ngực:
- Nếu
ngài muốn thì ngay hôm nay chúng tôi sẽ đem về cho ngài những chi tiết về diện
mạo hắn.
Rôlinh
im lặng hồi lâu, lông mày nhíu lại:
- Các
anh có cơ sở gì để khẳng định rằng người mà hôm qua các anh trông thấy trong
tiệm cà phê trên đại lộ Batinhông và người đã mất hút trên quảng trường Ngôi
Sao chỉ là một, và người đó chính là Garin? Các anh đã lầm lẫn một lần ở
Lêningrát rồi. Thế nào?
Tưcclinxki
và Xêmiônốp lại nhìn nhau. Tưclinxki mỉm cười cực kỳ nhã nhặn:
- Chắc
ngài Rôlinh không muốn khẳng định rằng ở thành phố nào Garin cũng có những kẻ
giống hệt hắn...
Rôlinh
bướng bỉnh lắc đầu. Dôia ngồi yên, hai tay quấn kín trong lớp lông chồn và thờ
ơ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Xêmiônốp
nói:
-
Tưclinxkin biết Garin quá rõ nên không thể lầm được. Bây giờ, cần làm sáng tỏ
một điều khác kia, ngài Rôlinh ạ. Ngài cho phép riêng chúng tôi được giải quyết
công việc này - tức là một buổi sáng nào đó sẽ đem các bản vẽ và bộ máy đến đại
lộ Mandéc - hay ngài sẽ làm việc cùng chúng tôi?
- Không
đời nào! - Dôia đột nhiên lên tiếng, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. - Ngài
Rôlinh rất quan tâm đến thí nghiệm của kỹ sư Garin, ngài Rôlinh rất muốn có
quyền sở hữu đối với phát minh này, ngài Rôlinh bao giờ cũng làm việc trong
khuôn khổ hoàn toàn hợp pháp. Nếu như ngài Rôlinh tin những lời Tưclinxki vừa
kể, dù chỉ một lời thôi, thì tất nhiên ngài sẽ lập tức gọi điện cho giám đốc
cảnh sát để trao cho chính quyền tên vô lại và tội phạm như vậy. Nhưng vì ngài
Rôlinh biết rõ rằng Tưclinxki bịa đặt ra toàn bộ câu chuyện đó để xoay được
càng nhiều tiền càng tốt, nên ngài rộng lượng cho phép giúp đỡ ông ít nhiều
trong công việc sau này.
Lần đầu
tiên trong suốt bữa ăn, Rôlinh mỉm cười, y rút trong túi áo gilê ra chiếc tăm
bằng vàng và ngoáy sâu vào kẽ răng. Trên trán đỏ bừng của Tưclinxki mồ hôi vã
ra, hai má sệ xuống. Rôlinh nói:
- Nhiệm
vụ của các anh là thế này, cung cấp cho tôi những tin tức chính xác và tỉ mỉ
theo những vấn đề mà các anh sẽ được thông báo vào ba giờ hôm nay ở đại lộ
Mandéc. Các anh phải tiến hành dò xét cho thật cẩn thận - chỉ có thế thôi!
Không có mệnh lệnh của tôi thì không được đi một bước nào, không được nói một
lời nào.
Chú
thích:
[1] Công binh xưởng Étvút
là trung tâm công nghiệp hóa chất quân sự lớn nhất của Mỹ ở gần Étvút (Mỹ),
được bọn đế quốc Mỹ xây dựng trong những năm 1917 - 1918. (Chú thích của nguyên bản).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét