Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Tô Hoài: Người hóm lẹm bậc nhất văn đàn Việt

Tô Hoài: Người hóm lẹm bậc nhất văn đàn Việt 
Kỷ niệm 96 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài 
(07/9/1920- 07/9/2016)
Nhà văn Tô Hoài là người viết khỏe và viết nhiều thể loại văn chương như: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, kịch bản phim,... chỉ có thơ thì chưa thấy ông công bố. Nhưng chưa biết chừng, một người đa tài như ông, biết đâu nay mai lại cho ra một tổng tập thơ Tô Hoài cho thiên hạ choáng luôn cả thể (!?)
Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 07/9/ 1920 tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nên ông lấy bút danh là Tô Hoài. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996, cho cụm tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ,...
Về sức viết, ông tâm sự: Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy.
Đặc biệt nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông mô tả loài chuột gồm đủ mặt từ chuột nhắt, chuột cống, đến chuột cộc, chuột bạch, chuột xù,... Tất cả bọn chúng đều ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào, cũng như lúc bò ra.
Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như là hít thở khí giời, cơm ăn, nước uống. Có lẽ trời đã phú cho ông một bộ óc quan sát tinh tế, một con mắt tình đời. Từng có người nhận xét nhà văn Tô Hoài là người hóm hỉnh. Tôi nghĩ, như vậy đúng nhưng chưa đủ, mà phải là một nhà văn hóm lẹm. Bởi hóm hỉnh là một từ láy, chỉ có một nghĩa khá rõ ràng dùng để chỉ một người có khiếu hài hước, còn hóm lẹm là cụm từ ghép không cố định với hai từ có hai nghĩa khu biệt là hóm và lẹm. Từ lẹm dùng để chỉ sự sắc, nhưng mà sắc ngọt của một vật dụng nào đấy như dao, cuốc, xẻng, rìu, đục, cưa,... Về nghĩa bóng cụm từ hóm lẹm được dùng để chỉ một người vừa có khiếu hài hước, vừa sắc xảo nhưng rất ngọt ngào như nhà văn Tô Hoài. Ông chỉ cần viết ra những cái ông quan sát thấy, như không cần làm văn chương chút nào, không cần hư cấu, thêm mắm thêm muối gì cũng đã là văn rồi, một thứ văn vừa hài hước, sắc xảo và sâu cay, nhưng vẫn gần gũi với đời sống thực diễn ra hằng ngày.
Chẳng hạn như chú Dế Mèn, Dế Trũi chơi với nhau như anh em kết nghĩa kiểu Lưu- Quan- Trương trong truyện Tam Quốc của Trung Quốc. Họ sẵn sàng quên mình vì bạn, vì nghĩa lớn. Còn chú Xiến Tóc trầm lặng, nhưng tính tình thì sáng nắng chiều mưa, yêu đời đấy, mà cũng chán đời ngay. Rồi đến chị Cào Cào ồn ào và duyên dáng luôn thích khoe bộ cánh thời trang. Bọ Ngựa kiêu căng, ngạo mạn, lúc nào cũng nhảy tanh tách, đứng ngồi không yên. Cóc huênh hoang ta đây và sẵn sàng hạ gục bất cứ đối thủ nào bằng những mũi tên thuốc độc cất giữ ở da và ở gan nó. Ếch thông thái giả. Chim Chả Non đích thị là một tay công tử bột, chỉ được cái mẽ bên ngoài, còn đầu lại rỗng tuếch, chẳng làm nên tích sự gì,...
Ông mô tả về các con vật thì không ai có thể viết hay hơn. Đây là chú Mèo Mướp lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Còn cậu Gà Trống Ri bé nhỏ sống côi cút một thân, một mình khi còn trẻ nhỏ. Ấy vậy mà lớn lên lại có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Đặc biệt là tính đa tình có tật mê gái, như cái tính chung của loài gà- cả của loài người- khi mới lớn lên. Với hạng gà và người này thì gã sẵn sàng bỏ nhà đi theo gái. Rồi lại bỏ người tình cũ ngay để lần mò đi tìm một vài ái tình khác. Cái anh chàng Gà Chọi thì ôi thôi nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem và như lúc nào cũng chỉ ngứa ngáy chân tay. Là một anh hùng hảo hán, nhưng chàng Chọi ta chẳng thiết gì đến con cái, trong đầu chỉ đem những ý tình ma chuột, hay thích đi ve gái. Oái oắm là khi gặp một cuộc bể dâu, họ nhà gà chết dần, chết mòn, chàng gà Chọi dù anh hùng, lẫm liệt nhưng rồi cũng ngoẻo, chỉ để lại một mình chị mái già, ra lại vào, ngẩn ngơ.
Thảm hại nhất là đôi vợ chống Gà Ri Đá tựa vợ chồng quê mới rủ nhau lên tỉnh. Họ lờ khờ, ngẩn ngơ, xấu xí- nghĩa là đặc nhà quê. Chúng cần mẫn xây tổ ấm như những người nông dân chưa ra phố bao giờ. Được cái chúng sống với nhau khá hạnh phúc, bình lặng, chịu khó, ít ồn ã, cứ thế mà chờ cho đến ngày sinh con đẻ cháu lần lữa qua năm tháng. Cuộc sống của gia đình Ri Đá có vẻ như bình lặng lắm.
Đùng một cái, Tết đến, tiếng pháo nổ đón năm mới trở thành tai họa với họ nhà gà, tiếng pháo kinh khủng nổ vang động trong cây, cả nhà cuống cuồng bay đi. Thậm chí người ta còn tóm cổ chú trống Ri Choai để làm thịt đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, hay bày vào mâm đem ra giời cúng thiên la địa võng, rồi xem tướng chân, tấm tắc khen chú Ri Đá này năm nay đem đến cho gia chủ nhiều điều may mắn lắm,...
Còn Mụ Ngan già vốn sẵn cái tính ngu tối, chậm chạp đến mức những thân nhân của mình như chồng con, em út gặp nạn có khi bị chết bất đắc kỳ tử vì dịch cúm gia cầm, mụ vẫn coi như không hề có chuyện gì xảy ra. Kể cả khi bị đá, bị đuổi đánh, bị bỏ tù cả họ thì mụ vẫn không hiểu chi. Hơn thế nữa khi chồng mụ bị làm thịt, mụ vẫn thản nhiên coi như đấy là chồng người khác. Mụ Ngan chỉ nhớ rõ nhất một điều là khi có hạt ngô đo đỏ, hạt thóc vàng vàng, tàu lá xanh xanh thì xô đến mà khởi cái sự ăn cho đầy diều.
Hóm lẹm đến thế này thì không biết đây là cuộc sống của loài vật hay của loài người, nhưng chắc chắn, dù là loài nào vẫn khiến người đọc cảm thấy vừa ngậm ngùi, vừa xót xa cho phận kiếp làm CON (vật/ người) (!?)
Sự hóm lẹm của nhà văn Tô Hoài không chỉ thể hiện ở việc miêu tả dáng vẻ bên ngoài, tập tính của những con vật đã từng gắn bó với cuộc đời ông từ tuổi ấu thơ, như một sự hóm hỉnh ở những người có khiếu hài hước, mà còn thể hiện rất rõ ở cách đánh giá, nhận định về con người, sự việc và tác phẩm văn chương của đồng nghiệp. Có lẽ điều ấy đã khiến một người vừa sắc xảo, vừa uyên bác như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cũng không dễ gì nhận ra tư tưởng của ông là gì. Nguyễn Đăng Mạnh cho biết: Về Tô Hoài, tôi cứ nghĩ mãi không biết tư tưởng của ông là  gì. Nhiều tác phẩm của ông tôi thích, nhưng không tìm ra một tư tưởng chung. Tư  tưởng Nguyên Tuân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc gắn với những giá trị văn hoá cổ truyền của đân tộc; Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào. Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế này... Còn tư tưởng Tô Hoài là gì? Tôi lúng túng quá! Trong khi đó, Xuân Diệu có lần nói với tôi: Tô Hoài nó chẳng có có tư tưởng gì cả. Nguyễn Đình Thi còn có tư tưởng, chứ Tô Hoài chẳng tư tưởng gì”. Tôi lại càng hoang mang. Một nhà văn cỡ như Tô Hoài mà không có tư tưởng! Vô lý quá! (1).
Theo tôi, quan sát kỹ thấy hầu hết các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều có chung một đặc tính nổi trội là viết rất tự nhiên về những cái đời thường mà ông quan sát thấy, bằng một lối diễn đạt nôm na và dân dã, đến mức người đọc rất khó nhận biết ông định nói gì, nên nhầm tưởng rằng ông không có tư tưởng, chỉ nói tếu táo cho vui. Nhưng nếu xâu chuỗi lại tất cả những điều ông nói thì mới thấy ông giấu tư tưởng vào những chuyện đời thường, khá đơn giản và rất tinh quái. Điều này thể hiện rõ nhất ở Dế mèn phiêu lưu ký, Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Giấc mơ ông thợ dìu (2)... Còn những truyện như: Truyện Tây Bắc, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Kim Đồng, Vừ A Dính, Miền Tây đều là chuyện kể về những người anh hùng, hơn là tác phẩm văn chương thực thụ. Nếu như không có những đoạn miêu tả về phong cảnh núi rừng Tây Bắc, hay những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số thì đích thị đấy chỉ là chuyện người tốt việc tốt mà thôi.
Tô Hoài có thói quen nhận định về một ai hay một tác phẩm nào đấy mà không cần dẫn chứng. Nhưng người nghe phải tâm phục khẩu phục vì sự tinh tế và sắc xảo của ông. Tô Hoài có những nhận định tinh tế và sắc xảo về một vấn đề thuộc lịch sử văn chương nước nhà. Ngay cả những người cùng thời với ông cũng chưa chắc hiểu được vấn đề ngọn ngành đến như vậy. Những tưởng một người lúc nào cũng lơ mơ như nhà văn Tô Hoài thì không mấy bận tâm đến chuyện chính trị. Nào ngờ dưới cặp mắt hấp háy kia, cái gì ông cũng biết, biết một cách thấu đáo, đến đầu đến đũa hẳn hoi, chẳng hề lơ mơ chút nào. Có thể nói, Tô Hoài là người luôn nói không với sự biết nửa vời. Bởi thế văn ông thường kể lể có vẻ như dây cà ra dây muống, dài dòng văn tự, vòng vo Tam quốc, nhưng đấy vừa là thuộc tính, bản chất của con người cá nhân ông, vừa là đặc trưng phong cách văn chương Tô Hoài. Nói như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh quả không sai, Tô Hoài là một pho từ điển sống, trong làng văn chương Việt kể cũng không mấy người được như ông.
Đỗ Ngọc Yên
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...