Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Nghe đàn trên sông

Nghe đàn trên sông
Khác với mọi lần lang thang khám phá bằng chiếc xe máy, lần này tôi tự cho mình thong dong hưởng thụ bằng đặt một tour du lịch sông nước miền Tây. Chuyến xe lăn bánh bỏ lại bao lo toan của những ngày làm việc mệt nhoài. Ngoài ô cửa kính, không gian phố thị dần thay bằng những hình ảnh làng quê thanh bình... 
Chỉ hai giờ sau, tôi đã ngồi trên chiếc tắc ráng xuôi dòng Cửu Long Giang khám phá các cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Sóng đánh tung tóe hai bên mạn xuồng, gió thổi ào ạt và mát rượi, chạy dài hai bên bờ là những ngôi nhà mấp mé mặt nước rất đặc trưng của văn hóa miệt sông nước miền Tây. 
Chợ nổi Cái Răng
Con sông Tiền Giang, Hậu Giang hằng năm cứ bồi đắp phù sa cho vùng đất “chín rồng”, khiến cho đất đai màu mỡ, cây ngọt trái lành. Biết bao nhiêu loại trái cây đã nổi tiếng từ xưa đến tận bây giờ, như: bưởi Năm Roi, quýt Cái Bè, xoài cát Hòa Lộc, nhãn Châu Thành...
Một trong những điểm đặc sắc của hành trình này là thưởng thức đờn ca tài tử. Nằm trên chiếc võng, ru mình dưới bóng râm, lắng nghe câu hát ngọt ngào. Những cung bậc vui buồn với lời ca da diết như gửi đến người khách phương xa tất cả tấm lòng đậm nghĩa nặng tình của con người vùng sông nước Nam bộ.
Phải đâu mảnh đất sông nước Cần Thơ lại có tên gọi xuất xứ từ “cầm, thi, giang” (đàn, thơ, sông). Nếu chợ nổi là nơi buôn bán, tạo ra của cải vật chất thì đờn ca tài tử, vọng cổ nuôi dưỡng tâm hồn của con người miệt vườn sông nước.

Đờn ca tài tử
Chiều chiều khi con nước lên, đám con trẻ rủ nhau tắm táp, nô đùa rộn ràng cả một khúc sông. Mấy bà, mấy cô tranh thủ lo bữa cơm chiều, còn cánh đàn ông trải chiếu mở bữa nhậu chiều quê, trước cảnh sông nước mênh mang, mát rượi, họ lấy hơi ca vài câu vọng cổ mùi mẫn: 
“Trời tháng Tư em mặc áo hoa cà
Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón
Giả bộ vô tình, làm rớt cánh bằng lăng...”

Du khách đến chợ nổi Cái Răng khi trời chớm ửng hồng trong ánh bình minh. Sau 30 phút, một không gian chợ nổi nhộn nhịp đã hiện ra, hàng trăm chiếc thuyền, ghe lớn bé đậu san sát nhau, với đủ các loại hàng hóa, để tiện giao thương, cứ ghe bán loại hàng nào thì treo trên cây bẹo mặt hàng đó, khách có nhu cầu cứ nhìn mà ghé vào. 

Rừng tràm Trà Sư
Hàng hóa thì phong phú vô cùng, nào là nông sản: bắp, sắn, khoai, cà chua, cà rốt... cho đến các loại trái cây: xoài, dưa hấu, thơm, quýt, bưởi, cam...; rồi đủ các loại quần áo, hàng hóa tiêu dùng. Xen lẫn thuyền lớn là những chiếc xuồng nhỏ bán đủ các món ngon: bún riêu, bánh canh, phở, hủ tíu, bún bò. 
Hàng hóa trao tay thoăn thoắt, kẻ thẩy người chuyền, thật ăn ý nhịp nhàng. Tiếng mái chèo khua sóng, tiếng máy nổ ghe thuyền, tiếng bạn hàng gọi nhau í ới, tiếng chào mời, nói cười rộn rã cả một khúc sông rộng.
Thật tuyệt diệu khi được hòa mình vào thế giới thu nhỏ của nước, trời, cuộc sống của những con người hiền hậu nơi đây. Trong ký ức của nhiều người, chợ quê là một nét văn hóa khó phai mờ. Đi chợ như đi hội. Bởi chợ không chỉ là nơi mua - bán, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thậm chí trao đổi tình cảm. 

Chùa Ông Quách
Chợ nổi miền Tây với du khách nước ngoài còn sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan như Taling Chan (Bangkok), Bang Phli (Samut Prakan), Damnoen Saduak (Ratchaburi)... Bởi vì, đa phần chợ nổi Thái Lan có yếu tố “cưỡng ép” của thương mại hóa, còn chợ nổi miền Tây thì chất phác như bao đời vẫn vậy...
Tạm rời Cần Thơ với lòng đầy quyến luyến để đến với rừng tràm Trà Sư, một thế giới xanh quyến rũ khác của vùng đất chín nhánh phù sa. Rừng tràm Trà Sư là thiên đường của các loại chim muông.
Chiếc tắc ráng xẻ đôi con nước, hai bên là mênh mông rừng tràm, rồi cả rừng tràm đổ ngược mình xuống nước để cả hai thế giới cùng tồn tại song song, chiếc tắc cứ phăm phăm lướt tới và chúng tôi đang bay trong không gian xanh ba chiều kỳ diệu.
Rời ráng, chiếc xuồng nhỏ tiếp tục rẽ nước đưa chúng tôi tiến sâu hơn vào rừng, qua một khúc ngoặt, một bức tranh tuyệt diệu nhất của màu xanh thiên nhiên hiện ra trước mắt.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Những thảm bèo màu xanh chuối phủ kín cả khu rừng, cả con đường nước, chiếc xuồng như xẻ thảm cỏ mà đi, màu xanh lá của triệu thân tràm, màu xanh lơ của bao la bầu trời cứ quyện lấy nhau mà đem lại không gian bình yên mát rượi.
Trên đầu, muôn ngàn chim ríu rít, râm ran, cùng nhau hòa bản hợp ca. Quay về lại khu bến xuồng, nghỉ ngơi rồi tự thưởng cho mình bữa trưa bằng món cá lóc nướng trui, lẩu lươn với bông điên điển, ngó súng. Bông điên điển mùa này vẫn tươi vàng như làm rộn ràng thêm cảnh vật nông thôn miền sông nước.
Người dân các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu hái bông điên điển bán với giá 45.000-50.000 đồng/ký. Người ta mua về nhúng vào lẩu mắm, lẩu lươn.
Những con cá lóc tươi ngon vừa bắt dưới sông lên chỉ cần rửa sạch, không cần sơ chế, cắm xuyên que từ đầu đến đuôi rồi vùi nướng trong đống rơm. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.

Bên cạnh những đểm chính của hành trình chúng tôi còn có những điểm tham quan rất thú vị như: viếng miếu Bà Chúa xứ ở Châu Đốc, Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách gần 100 năm, do người Hoa xa xứ làm ăn dựng lên để làm nơi hội họp, giúp đỡ lẫn nhau. 
Một trong những điểm ý nghĩa khác là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, một di tích lịch sử ghi nhớ mối tình Đông - Tây của nữ văn hào nổi tiếng người Pháp Marguerite Dumas với ông Huỳnh Thủy Lê, một đại phú hào thời bấy giờ. Mối tình tuyệt đẹp mà nhiều bi thương này đã được bà Marguerite viết lại thành tác phẩm Người tình (L’Amant) và đã được chuyển thể thành phim L’Amant quay tại miền Tây Việt Nam.

Chuyến đi chỉ 3 ngày ngắn ngủi nhưng cảm xúc về vùng đất Cửu Long Giang thật sâu sắc, khó quên. Suốt hành trình qua 5 tỉnh, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp miền sông nước chan hòa, hiện hữu khắp nơi, nó loáng thoáng đâu đó trên bờ đê, trên cánh đồng xanh ngát, trong những con kênh nhỏ, những mái nhà tranh hay chiếc xuồng ba lá. 

Có lúc nó là nụ cười thân thiện, chân tình đượm nét tình quê, là những món ăn dân dã, là chén rượu nồng cùng những câu hò vọng cổ ngọt ngào quyến luyến khách phương xa.

 08/05/2012
NGÔ TRẦN HẢI AN
Nguồn Doanh nhân SG online 
Theo https://sites.google.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát...