Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Hoành Sơn một cõi đi về

Hoành Sơn một cõi đi về
Có lẽ tiết nàng Bân năm nay đến sớm hơn và vội vàng nói lời tạm biệt sớm hơn với bất cứ một địa danh nào! Nhưng dọc theo dãy Hoành Sơn, từ phía thượng nguồn sông Rào Trổ cho tới cảng Vũng Áng- Sơn Dương, thì dường như đất trời vẫn muốn bòn mót, vắt cho kiệt cùng cơn mưa lạnh cuối mùa, để thử thách thêm một lẫn nữa khu công nghiệp non trẻ cũng như lòng người xứ này.
Chị Trần Thị Thuận (phải) tiếp nhận 
lao động tái định cư vừa học vừa làm 
Và dưới tấm áo choàng bụi mưa lấp xấp đang vây bủa những cột khói như những chiếc nấm trời khổng lồ tua tủa mọc lên từ phía Dự án Formosa, cùng với cuộc sống hối hả của một thị xã Kỳ Anh non trẻ và tất thảy mọi cảnh vật dưới chân đèo Ngang… tôi bất ngờ gặp chị Trần Thị Thuận, một thiếu phụ trạc chừng ngoại ngũ tuần, có vóc người chắc đậm, nước da trắng hồng hơi ngã màu nâu nắng; từ dáng đi nước bước nhanh nhẹn đến cách giao tiếp cởi mở của chị… thoạt nhiên ta có cảm giác chị là con người của công việc nhưng rất gần gũi và thân thiện. Đặc biệt, với khuôn mặt chữ điền đầy đặn và đôi mắt to tròn phúc hậu hơi pha chút hoang dã của người vốn sinh ra ở núi rừng, nhưng không dấu được những góc khuất của bao nỗi bất hạnh khổ đau trên đường đời vẫn cháy rực lên niềm tin mãnh liệt!
Người thiếu phụ mà linh cảm bảo cho tôi là hết sức đặc biệt này hiện làm Chủ nhiệm Hợp tác xã may mặc Thuận Phát- Thanh Thủy, chị sinh vào năm Quý Mão (1963) trong một gia đình nghèo đông chị em dưới chân ngọn núi Nấm Vàng hoang hút, thuộc xã Kỳ Lâm huyện Kỳ Anh. Chốn rú bụi “cùng cốc thâm sơn” ấy vào những năm bao cấp gắn liền với tuổi thơ của chị là những tháng năm đầy bĩ cực, đến nỗi không ít lần chị đã từng đứng bên mép sông Rào Trổ tìm đến con đường quyên sinh. Nhưng dường như mỗi lần như thế, thượng đế lại sai sứ giả xuống trần gian dắt chị qua cửa ngục của thần chết để tiếp tục trêu ngươi chị, bắt nạt chị cần phải làm gì! Hay nói cách khác, là thượng đế đã cố tình vay mượn cuộc đời chị để thử làm một phép lập trình chi tiết nhất cho mọi ngã đường đi đến với trái ngang, đói nghèo, khổ hạnh và ước mơ vươn lên trong cuộc sống đấu tranh sinh tồn của cõi thế nhân!
Mới chưa đầy mười lăm năm trước, cả một vùng thượng Kỳ Anh rộng lớn gồm các xã: Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc còn ít người được biết đến. Nhất là  khi chưa hình thành tuyến Việt- Lào đi qua, thì chỉ có con đường độc đạo từ ngã ba Kỳ Lâm xuống thị trấn Kỳ Anh với chiều dài 20 km còn ngoằn nghèo như một con trăn già ốm đau bệnh hoạn, lổm chổn đất đá, nhiều dốc đèo ngầm suối hiểm nguy, khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ thì hầu như chia cắt hoàn toàn. Trước viễn cảnh đó, cùng với sự đói nghèo vất vả vây phủ lấy khắp nơi trên xứ sở này, hầu hết nhiều thế hệ sinh ra lớn lên nơi đây rất ít người được ăn học hết cấp III, đặc biệt đối với nữ sinh lại càng vô cùng hiếm hoi.
Vào những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, với việc chị Trần Thị Thuận rứt ra khỏi hoàn cảnh như thế để hàng tuần đi bộ về trường huyện học cấp III là điều không tưởng. Cùng thế hệ chị, cả một vùng miền thượng Kỳ Anh chỉ có bốn người là nữ sinh theo đuổi hết chương trình phổ thông đã đủ nói lên những áp lực khủng khiếp như thế nào với thì con gái của chị. Hồi đó cả bố mẹ chị đều làm cán bộ trong xã. Tuy nghèo, nhưng không muốn con phải thất học nên ngoài giờ làm việc ông bà phải lên núi Nấm Vàng chặt cây rành rành, lá nón… đem bán kiếm thêm khoai sắn nuôi con. Hàng tuần, ông bà lo xách nách cho đứa con gái thương của mình vài long gạo cùng với khoai sắn và củi khô kiếm được, để dành phần con mang theo xuống trường mà ăn học.
Suốt ba năm cấp III, sinh hoạt trong dãy nhà tranh vách đất của ký túc xá nhà trường do chính các bậc phụ huynh nghèo góp tranh tre dựng lên, chị và bạn bè cùng khóa cùng quê lại góp gạo thổi cơm chung; góp ván mộc làm sạp nằm, rơm khô để thay chăn chiếu và dầu hỏa để thắp đèn học đêm… cứ vậy, hàng tuần nhóm bạn của chị lại rủ nhau đi bộ về nhà một lần thăm gia đình và xin bố mẹ thêm khoai sắn, gạo củi… chuẩn bị cho cả tuần học sau. Trong những tuần đi bộ hàng giờ liền, không ít lần chị đã khuỵu xuống dọc đường mà cho tới nay chị vẫn nhớ như in, mỗi lúc như thế đều có người bạn trai cùng lớp nhưng hơn chị  ba tuổi luôn bên cạnh nâng đỡ bước chân chị. Dĩ nhiên, những kỷ niệm đẹp đẽ nhất một thời con gái của chị quá ngắn ngủi, bởi trong lúc hai người vừa học hết năm đầu của cấp III thì anh ấy lại theo lệnh tổng động viên năm 1979 lên đường nhập ngũ.
Tuy vậy, suốt quá trình xa nhau hai người vẫn thường xuyên thư từ trao đổi, hò hẹn đợi ngày tổ chức lễ cưới. Hình ảnh của anh luôn là động lực cho chị vượt qua khó khăn trong những năm học tiếp. Và trưởng chừng như giấc mơ bình dị của họ sắp thành hiện thực sau ngày chị tốt nghiệp cấp III về làm việc tại Hợp tác xã mua bán Kỳ Lâm, đồng thời anh ấy cũng xuất ngũ trở về. Thế nhưng, nghịch lý trái ngang không thể ngờ tới lại xô đẩy mỗi người đến một lối rẽ khác!.
Ngọn núi Nấm Vàng thuộc dãy 
Hoành Sơn, quê hương của chị  Thuận 
Nhắc đến câu chuyện hơn ba mươi năm trước, khi mà khắp vùng quê chị hằng ngày phải vật lộn trước cái đói quay quắt, nhiều người phải bỏ xứ kéo nhau vào miền Nam làm thuê cuốc mướn, tìm kiếm giấc mộng đổi đời. Anh ấy từ một người lính trở về đã bước qua ngưỡng tuổi học trò, hơn nữa hoàn cảnh càng khó khăn nên không thể trở lại tiếp tục học hết phổ thông. Anh vẫn hết mực yêu thương và tha thiết lấy chị làm vợ, nhưng trước trào lưu di cư của làng xã anh đã nhiều lần bàn với chị cùng gia đình anh vào Nam lập nghiệp, trong lúc đó chị lại chỉ muốn cùng anh gắn bó hạnh phúc nơi quê nhà. Chỉ đơn giản có vậy thôi, không hiểu duyên phận nào mà hai người đành phải chia li!
Đó là mùa đông năm Nhâm Tuất (1982), sau lần ra đi của anh ấy cho tới chín năm sau, tức năm Tân Mùi (1991) bản thân chị cũng không thể cưỡng lại nổi con đường anh và nhiều người  đã lựa chọn. Nhưng khác biệt ở đây với chị lại là một cuộc đào tẩu bất đắc dĩ, kèm theo đó là nỗi sợ hãi khủng khiếp. Bởi một tay chị phải ôm hai đứa con riêng còn quá thơ dại của mình vào lòng, và chỉ ước được làm sao kiếm đủ ăn để có sữa cho con rúc vào bầu vú của mình bú mớm, mà mẹ con nắc nẻ cho đỡ tủi buồn!
Không thể nói hết sự gian truân về chuyến đi đầy bão táp ngày ấy của chị. Chỉ biết sau khi tìm đến được địa chỉ làm thuê ở một nơi xa lạ thuộc tỉnh Đồng Nai do một người quen giới thiệu, chị không nghĩ rằng khi mẹ con vừa đặt chân tới thì gia chủ đã thẳng thừng từ chối, bởi thấy chị ốm yếu lại tay bồng, tay bế hai đứa con nhỏ. Và mặc dù cuối cùng gia chủ cũng chấp thuận cho chị làm ruộng thuê trả tiền công, nhưng nói tới đó hai dòng nước mắt chị bỗng chảy ra giàn giụa!
Dẫu xuất thân từ nông dân, vậy mà hàng ngày phải bươn mình ngoài đồng làm việc từ sáng cho tận chiều tối mới về, trong lúc đó đứa con gái đầu chưa đầy ba tuổi, đứa con trai sau chưa đầy hai tuổi chẳng biết gửi nhờ ai trông nom; cứ sáng dậy chị lại phải lấy các thanh tre buộc lại quanh chỗ nằm của các con để chúng khỏi bò ra ngoài, may chăng chỉ nhờ được hàng xóm thỉnh thoảng ngó qua đôi chút là quý lắm rồi. Nhiều hôm các cháu phải bỏ bữa đã đành, nhưng có lần vừa đi làm về chị chợt hoảng hồn, khi thấy cả đàn kiến đang bò kín giường thi nhau đốt cả hai đứa con sưng vù khắp người khiến chúng khóc tím lên mà có ai hay! May rằng, lúc đó có một người hàng xóm biết được mang đến cho chị một nắm lá xoa lên người hai cháu, sau đó dùng thứ lá đó nấu nước cho chúng uống và tắm cho chúng nó mới thôi!
Làm việc ở đây được hai tháng thấy thu nhập chẳng đáng bao, hơn nữa không có điều kiện chăm sóc con nên chị quyết định bồng con lên Sài Gòn kiếm việc làm khác. Lần này may mắn hơn, chị gặp được một người quen biết từ thời còn ở quê giới thiệu về làm tại Công ty Dệt may Legamex, tại quận 10.  Kiếm được việc như người sắp chết đuối vớ phải phao nên chị thuê ngay một phòng trọ rẻ tiền tại quận Bình Thạnh, cách nơi làm việc 10 km để tá túc. Lúc này trong dãy nhà trọ có một bà già nhà quê lên ở chăm cháu cho con gái cũng làm công nhân như chị. Thấy chị hoàn cảnh, bà già đã nhận giúp đỡ giữ cháu đầu cho chị; cháu thứ hai còn quá nhỏ, nên hàng ngày chị phải đạp xe chở theo đến công ty làm việc.
Tuy mỗi ngày chỉ làm một ca, từ 06 giờ sáng đến 14 giờ chiều, nhưng ngày nào chị cũng đăng ký làm tiếp ca 2, từ 14 giờ  đến 22 giờ đêm để kiếm thêm tiền nuôi con. Cứ vậy, ngày tháng thoi đưa, cuộc sống dẫu vất vả nhưng chị đã tìm thấy được niềm vui khi thấy hai đứa con mình ngày càng khôn lớn. Điều mà chị không dám nghĩ tới rồi cũng đến, khi ngày đầu tiên chị đưa con gái đầu lòng đi nhập học lớp một, rồi hai năm sau chị lại đưa cháu sau đến trường học như con người ta mà lòng khấp khởi buồn vui khôn xiết! 
Niềm vui chẳng tày gang thì đến giữa năm 2006 công ty bước vào giai đoạn khó khăn, trong lúc con cái bắt đầu phải ăn học tốn kém và cần sự chăm sóc nhiều hơn. Tính đi tính lại, cuối cùng chị xin nghỉ việc, mua một chiếc máy khâu cũ, nhận hàng gia công của công ty về may tại phòng trọ. Sau một thời gian thấy làm việc ở nhà hiệu quả, chị rủ thêm năm chị em công nhân khác lập tổ hợp, nhận hàng gia công của công ty về chia nhau làm. Do công việc chủ yếu lấy công làm lãi, nên ngoài giờ chính chị còn tranh thủ làm thêm bất cứ lúc nào. Thương mẹ các cháu cũng làm theo, nhiều bữa quyên ăn mà cả nhà vẫn thấy vui sướng.
Bước sang năm 2008 cả hai con của chị đã tốt nghiệp THPT và theo học Cao đẳng nghề, cũng là giai đoạn mà hàng gia công nhận về việc làm không xuể, trong lúc đó tổ hợp của mình chỉ hoạt động trong phạm vi phòng trọ chật chội không đáp ứng được nhu cầu. Nếu cứ vậy thì không những ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu, hơn nữa  lại tiếc cho công việc nên chị đã mạnh dạn thuê hẳn một nhà xưởng, mua sắm thêm máy khâu nhận thêm 15 công nhân nữa vào cùng làm.
Quay lại thời còn ở quê nhà: Không ai nghĩ, trong lúc còn làm việc suôn sẻ tại hợp tác xã bỗng dưng chị đến với bố của hai cháu trong một tình cảnh thật trớ trêu. Từ đó bi kịch bắt đầu liên tiếp dáng xuống đời chị. Nghiệt ngã nhất phải kể đến ngày chị  “vượt cạn” sinh đứa con gái đầu lòng, lúc đó ngay cả bố mẹ chị cũng chỉ biết cắn răng thương con mà không dám nhìn vào mặt con. Và cũng vì có con mà chị  bị buộc phải thôi việc. Nghĩ vậy càng thương con, nhưng không còn cách nào hơn, chị đành ôm con vào Huế học nghề may, rồi quay về dựng một túp lều tranh bên đường làng sinh sống.
Chưa dừng lại đó, trong lúc chị mang bầu cháu thứ hai, ấy là năm Kỷ Tỵ (1989) bỗng một cơn bão vô cùng khủng khiếp ập đến. Cháu đầu lúc ấy mới hơn một tuổi khóc rống lên nhưng có ai đâu buồn nghe. Đáp lại tiếng thét gào của cháu, chỉ có mưa gió  lầm lì cứ vậy mà quất xuống mỗi lúc một mạnh. Và trong chớp mắt cơn gió điên dại bỗng nhe nanh dơ vuốt bóc hết cả nóc lều cuốn đi, cả một trời nước đổ ập xuống. Chạy về góc nào cũng chỉ gió và nước, mẹ con chị đành biết ôm nhau thả mặc cho nổi trôi kiếp phận!   
Vậy nhưng, bao năm trời xa xứ lòng chị cứ vời vợi về nơi cố xứ! Nhân dịp về quê ăn Tết năm Canh Dần (2010 ) sau 19 năm biền biệt, thấy cuộc sống của quê hương quá nhiều đổi thay nhưng không hiểu sao bà con vẫn kéo nhau vào niềm Nam làm ăn mà chị không khỏi chạnh lòng nghĩ rằng, biết đâu đó trong những cuộc di cư như vậy lại có người không may rơi vào cảnh ngộ giống mình ngày ấy thì sao! Giữa lúc ấy bất giác có ai đó ngân vang câu hát: “…Quê hương ta bánh đa bánh đúc/ nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt/ nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ…”Chị tâm sự: “không hiểu sao lúc đó câu hát như càng khoét sâu vào miền thương nỗi nhớ trong chị. Và đó cũng là một phần lý do mà 2 năm sau chị quyết định quay về quê thành lập Hợp tác xã  may mặc đưa con em lao động địa phương vào làm công nhân”.
Một góc của khu kinh tế Vũng Áng 
Sau khi trở lại Sài Gòn, chị dành nhiều thời gian nghiên cứu về hoạt động sản xuất kinh doanh ở quê. Nhận thấy nhiều tiềm năng lợi thế ở quê, trong đó có nguồn lực lao động dồi dào, thị trường hấp dẫn, đặc biệt sức hấp dẫn của Khu kinh tế Vũng Áng. Đây cũng là giai đoạn khắp toàn tỉnh Hà Tĩnh quê chị đang ra sức xây dựng phong trào nông thôn mới, kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng tăng. Trong lúc đó mô hình sản xuất kinh doanh của chị xem ra quá phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, nên Hội phụ nữ xã đứng đầu là bà Trần Thị Nhung, một người từng hiểu năng lực của chị từ thời còn trẻ đã kết nối cho chị được gặp gỡ một số lãnh đạo các cấp, nghành… tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Đặc biệt, chị được Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh đứng ra đỡ đầu, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ nguồn vốn sản xuất và kết nối thị trường.
Việc thành lập Hợp tác xã may mặc của chị bước đầu còn nhiều khó khăn, do trình độ tay nghề và ý thức của người lao động chưa phù hợp với cung cách mới. Bên cạnh đó hầu hết thị trường trong khu vực nhiều năm đã quen với bạn hàng trong Nam ngoài Bắc… Vậy nhưng với ý chí quyết tâm của mình và với sự giúp đỡ từ nhiều phía, trong thời gian ngắn chị đã ký kết được một số bản hợp đồng may quần áo bảo hộ lao động cho các công ty nước ngoài làm việc tại Dự án Formosa; may áo đồng phục cho học sinh các trường học trong tỉnh. Cùng với cung cách làm việc của chị người lao động dần dần trở thành những công nhân chuyên nghiệp với vai trò làm chủ của mình, góp sức xây dựng Hợp tác xã ngày một phát triển.
Nhận thấy mô hình sản xuất kinh doanh của chị mang lại hiệu quả thiết thực, phường Kỳ Phương, một phường tái định cư điển hình của Khu kinh tế Vũng Áng  đã kêu gọi chị về đầu tư nhằm giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương. Để “rải thảm đỏ” chào đón sự  đầu tư của chị, phường còn  bố trí  hẳn một dãy nhà hội quán để chị lắp đặt máy móc, tuyển dụng lao động vừa học nghề vừa sản xuất; đồng thời làm các thủ tục đề nghị cấp trên cho chị thuê một lô đất lâu dài rộng khỏng 01 ha ngay khu tái định cư để xây dựng nhà xưởng.
Biết rằng, đó vừa là cơ hội cũng vừa là một thách thức lớn. Đặc biệt, với nguồn vốn đầu tư quay vòng sản xuất quá lớn đang là một phép tính khó. Tuy vậy, xuất phát từ suy nghĩ tại sao người tứ xứ đổ về quê mình làm ăn, trong lúc người quê mình lên tái định cư rồi lại phải rủ nhau vào niền Nam làm thuê làm mướn. Một lần nữa trong ký ức của chị lại dội về về hình ảnh cuộc dư cư của làng quê ngày ấy!
Không thể đợi lâu hơn nữa, chị quyết định cầm nhát xẻng bổ xuống khu đất được chính quyền, nhân dân địa phương tin tưởng giao cho mình vào đúng ngày làm lễ khởi công công trình nhà xưởng ngay giữa lúc cơn mưa lạnh cuối mùa đang nấn ná dưới dãy Hoành Sơn.
Nguyễn Ngọc Vượng
Nguồn Lao động và Xã hội
Theo http://baodansinh.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...