Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Thơ là ngôn ngữ bộc lộ chủ thể

Thơ là ngôn ngữ bộc lộ chủ thể 
(Đọc Men rượu men tình của Phạm Minh Thông)
I. Mỗi người làm thơ, mỗi cuộc đời thơ là một biểu cách dùng ngôn ngữ bộc lộ chủ thể đa dạng, tiền đề của sự sáng tạo qua tư duy cảm xúc. Sự thăng hoa của ngôn ngữ qua đó phát triển trước suy nghĩ của tác giả bài thơ. Sức vóc của người làm thơ "nặng” hay "nhẹ” thường có nguồn từ, vốn từ được tích lũy qua trải nghiệm.
Trong số những người làm thơ không chuyên lớn tuổi đang miệt mài sáng tạo, Phạm Minh Thông là một điển hình. Quê xã Điện Minh, huyện Điện Bàn - một vùng đất lịch sử có từ khi công chúa Huyền Trân đặt bàn chân đầu tiên về làm Hoàng Hậu đất phương Nam (Việt điển sào nam chi: con chim khôn phải chọn cành phương Nam mà đậu) Hồi đó con sông Thu Bồn chưa có tên nhưng đời sông thì vẫn vô tư: Tháng mười sông chở Phù Sa/ Tháng ba sông chở Nắng pha mây trời/ Con thuyền róc rách đưa nôi/ Chở bao nhiêu những tình người sang sông. Phạm Minh Thông tham gia du kích và nhập bộ đội một năm sau cách mạng tháng tám thành công. Tập kết ra miền Bắc (năm 1955), là cộng tác viên Báo QĐND và có thơ đăng báo từ năm 1961 với bài lục bát - Giấc mơ theo Đảng:
Xin dâng lên Đảng đời tôi/ Bốn phương đất nước muôn nơi Đảng cần. Năm 1966, Phạm Minh Thông tốt nghiệp đại học và về công tác trong ngành xây dựng Hà Nội. Trong thời gian này anh cũng có bài đăng trên báo Người Hà Nội.
Năm 1976, gánh lên vai tuổi 40 - cái tuổi "cường sĩ" của người đàn ông trưởng thành cả thế lực và trí lực. Anh trở về quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng, trong không khí "Nam Bắc trọn niềm vui”. Kinh nghiệm cùng với danh tiếng của một trí thức cách mạng hào hoa, Phạm Minh Thông được tín nhiệm trở thành Giám đốc của một Công ty Xây lắp tiềm năng. Với đặc thù nghề nghiệp, lúc ở trên dàn cao, lúc bay cùng mây gió, lúc xắn quần đi chân không khảo sát công trình, Phạm Minh Thông đón những dạt dào trước bao la cảnh sắc, khi đặt chân lên vùng đất lạ, xúc động trước những mảnh đời gian nan, mềm môi trong những lần yến tiệc, se lòng khi qua sông soi bóng mình trong gương nước, khoanh tay, "cúi đầu" trước cơ chế ... trái ngang. Tất cả những trải nghiệm đó, làm cho thơ Phạm Minh Thông ghi đậm dấu ấn từng trải với nghề nghiệp. Anh đa cảm trước sự trong trẻo của một Tiếng lòng, da diết với tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, xao xuyến trước bất chợt một ánh mắt và bậc lên cảm xúc thành thơ: Mây kết thành hoa đón đôi ta/không gian mở cửa khách gần xa...Trong vòng 3 năm 1994-1996, Phạm Minh Thông cho chào đời 3 tập thơ: Cưới trăng; Có một loài hoa, Nhớ một mùa trăng - đó là những dồn nén trong anh đã bật ra. Có tập thơ như một cơn mưa rào chóng vánh, có tập thơ để lại dấu ấn, gây xôn xao, làm các phụ bậc khó chịu; Tất cả các khen chê của các nhà "lợi ích” quyện vào nhau điểm xuyết, ưu khuyết, vô chừng !
Phải một chút gì cho riêng ta/Đừng giấu nữa/Nghe em/ Đừng giấu nữa/Sự thật là vĩnh hằng/Lời ru là gió thoảng...
Trong đôi lần đối thoại văn chương về một số cây bút thơ "nổi”lên của thành phố, một nhà thơ có uy tín trong anh em thơ có nhận xét: "Thơ Phạm Minh Thông neo ở Bến tình nhiều hơn Bến việc”. Ở bến tình Phạm Minh Thông đắm đuối với ngôn từ cảnh vật, đôi khi tạo cho người đọc cùng đi vào cõi mộng "Lưu Nguyễn” ở trần gian, có bài rất hồn nhiên, ngôn từ mạch lạc tạo nên ấn tượng cho người đọc.
Không em anh sống được chăng/Dẫu tim còn đập mà băng giá rồi.
hay là:
Bao giờ cho đến bao giờ/Gọi người trong mộng ra chờ đợi ta.
Tuy nhiên, nét đặc thù của căn bệnh "nghề nghiệp” là "tiến độ” đôi khi anh đem thơ ra "ép chín” trước, nên không tránh khỏi sự thô ráp (như một bức tường xây qua một mùa mưa vì tiến độ các công trình khác chưa tô nên rêu đã lên xanh, hay như một sàn gạch men đắt tiền đường roon quá lớn). Nhìn chung thơ Phạm Minh Thông mỗi ngày đi qua, mỗi tháng, ... mỗi chặng đường thời gian đều thể hiện được trải nghiệm trong cách dùng ngôn ngữ bộc lộ chủ thể đa dạng, gây đựơc ấn tượng cho bạn đọc.
II. Thật bất ngờ. Gần cạn mùa đông năm con mèo 2011, Phạm Minh Thông lái xe đến nhà tôi chơi "trà dư” đôi điều về thơ; tôi nhìn trong mắt anh, thấy điều sâu thẳm ẩn chứa. Anh cười trước khi lấy trong người ra tập bản thảo dày đã đánh máy và trình bày công phu, có tựa đề: "Men rượu - Men tình”. Lúc này, nụ cười tuổi tác của anh tươi hơn, như muốn trao cả những nép nhăn trên khóe mắt sang cho tôi: "Mình mới rút ra một số trong 3 tập đã in, một số bài mới viết trong  suy ngẫm của những tháng ngày gác trán trong "khung trời vuông”; mình đã sửa, đã thay từ, sắp xếp lại câu... cậu xem, ra răng?”. Tôi cầm xấp bản thảo mang sức nặng thời gian này mà lòng vừa bồi hồi chen lẫn xúc động. Xúc động  vì: Dù phải trải qua bao nhiêu điều ngang trái của cuộc đời Phạm Minh Thông vẫn giữ nhịp thủy chung với thơ, vẫn muốn thể hiện, vẫn muốn có... những bài hay, câu hay mới lạ. Tôi cứ tưởng là qua bao nhiêu sự phũ phàng của hiện thực thấp hèn, Phạm Minh Thông đã vất bỏ lại phía sau tất cả để cho lòng thanh thản, chứ cần chi đến sự bạc bẽo trong những cái đầu trống rỗng nhưng mãi biết cho đầy túi những đồng tiền "rán mỡ" ở thế gian này.!
Chiều mùa đông, bên ngoài không gian như chùng xuống, thời tiết ngời ngời cái lạnh mười tám độ thập phân, (18 c) cái lạnh ngọt chỉ phù hợp với tuổi trẻ thanh niên còn với người có tuổi là cái lạnh thấu xương. Bỗng, một tia nắng hiếm hoi bất chợt ngời lên làm một khoảng trời sông Hàn bừng sáng. Chiếc ô tô màu xanh đen ôm Phạm Minh Thông và bộ măng tô xanh đen trên người anh lẫn vào bóng nắng cuối ngày.
"Men rượu - Men tình”  tập hợp 117 bài thơ, trộn lẫn mảng đề tài: Gia đình, bằng hữu, thế sự ... xin được chọn ra đây một số bài tiêu biểu để phục vụ cho bài viết này:
Bài thơ đầu tập cũng là bài tựa thay lời  tác giả: Sắc đẹp rồi cùng nhạt phai/ Tiền tài danh vọng nắng mai cũng tàn/ cái còn để lại trần gian/ men tình - men rượu ngập tràn bờ môi/ giữa đường nhặt câu thơ rơi/ cầm lên trải giữa dòng đời lại qua. Đây là bài thơ đẹp về cảm quang, cách trình bày, hay về cấu tứ nội dung - Một cách dùng ngôn ngữ bộc lộ chủ thể của Phạm Minh Thông đã rõ. Một bài thơ chỉ với 6 câu lục bát cắt đoạn mà nó gom được ý tứ thế sự, xã hội - cái rất vật chất "hữu hình”, cái triết luận nhân sinh "vô hình” để suy ngẫm. Trên đời này không có cái "hữu hình”, nào mất đi, nó chỉ biến dạng thành cái khác, và cũng chẳng có cái "vô hình” nào chịu mất đi trong suy nghĩ của người đời "hữu hình hữu diệt - vô hình bất diệt”.
Đêm đi qua, cho bình minh lên để ánh chiều rực đỏ  xua tan màng sương lạnh cho mỗi ngày đi tới - Nhớ là bài thơ thứ hai của tập, gần như là bài tổng kết, lời lẽ hào phóng của thời trai trẻ và nó là lời dặn trước cho cái biết hôm nay, trở thành định mệnh. Nỗi nhớ nhà đến khô khốc trước làn gió mỏng manh... Ba mươi năm với 10 ngàn ngày đêm –ngẩng cao đầu ngạo nghễ góp sức mình ... để cho ngày hòa bình bức tranh đó lẫn gam màu sắc mới: trắng đen hồng sáng tối lẫn vào nhau. Trong một cơ chế chưa định hình của xã hội mới đã ngoặc sang cơ chế thị trường với nhiều mánh khóe... vui sướng đấyvà cũng là đau khổ đấy / máu không rơi mà với tiếng đàn trầm.! Phạm Minh Thông đã dóng lên tiếng lòng cảnh giác : Nhớ giữ mình.
 Tập thơ "Men rượu - Men tình” tập hợp những trải nghiệm trực quang sinh động chứ chưa phải trải nghiệm từ chương. Từ cách dùng chữ trong câu, đến từ độc lập cắt đoạn khác nhiều so với các tập thơ trước. Một số bài điển hình có trước như: Cưới trăng, Tiếng quê hương, Không dưng, Biển và em... đã được người thơ Phạm Minh Thông, sửa ý, thay từ làm cho bài thơ nổi bật lên. Bài Biển và em, theo bản cũ: Chiều nay ra biển trông nhau/ lướt trên ngọn sóng bạc đầu tìm em, đã được thay bằng: Chiều nay ra biển tìm nhau/ nhìn theo con sóng bạc đầu nhớ em. Hình ảnh đôi mắt của người đàn ông nhìn theo con sóng cho thấy sự trăn trở, suy nghĩ mong chờ khi trái tim yêu rung động vì thương nhớ người mình yêu đến bạc tóc, chứ chỉ lướt trên ngọn sóng bạc đầu, tìm emthì thiếu đi chiều sâu thương nhớ. Bài thơ "Say" chẳng hạn, trình bày khúc chiết, bắt mắt, có khúc có đoạn hơn, tạo cho người đọc thấy được công dụng của từ ngữ. Chỉ một chữ được sửa, đã làm nổi bật bài thơ, làm cho người đọc thấy được quang cảnh ăn nhậu khi giao tiếp không còn "ôn tồn”, mà "Sặc” lời huyênh hoang, chữ "Sặc” đắt giá của Phạm Minh Thông, sau những tháng ngày trái ngang của cuộc đời Ông mới nhận ra thật là hết ý! Viết về quê hương Phạm Minh Thông có chữ cạn đời, không phải cuối đời hay hết đời. Ngọn đèn "sinh học” trong người Phạm Minh Thông đã đi vào giai đoạn cạn chứ chưakiệt, chưa hết, hay cuối! Đây, theo tôi là những con chữ mang được cái nghĩa làm vốn đối ứng cho ngân hàng từ của đời thơ Phạm Minh Thông. Chữ cạn đi liền với chữ đời, nó lạ đối với người đọc được xem là mới trong cách hợp câu trong thơ, chứ thật ra chữ cạn, đã có từ khi câu ngạn ngữ "sông cạn đá mòn” ra đời, kia.
Thơ là một thể loại truyền thống bao đời nay của nhiều thành phần xã hội Việt Nam , để họ nói lên tiếng lòng của họ, nhưng kỳ thực để có một câu một bài thơ hay thì thật khó. Trong một bài thơ hay được nhiều người biết đến và xưng tụng thường đi với dung lượng từ ẩn dụ, ngôn từ được dùng đúng chức năng, sẽ tạo ra câu thơ mới. Bài: Chung Thủy là một điển hình. Hai câu đầu tác giả sửa đã đành, khổ thứ hai câu đầu bản cũ: Đêm hè về ngọn cỏ ngậm đầy sương. Bản mới: Đêm hè áo cỏ mặc sương. Câu 2 bản cũ: Sánh vai nhau ta đi trong gió. Bản mới: Ta sánh vai đi trong gió, nghe hay hơn và cũng rõ ý hơn. Bài thơ thể hiện, mối tình đầu của đôi lứa, cho người đọc cảm nhận ngay được hoàn cảnh của bài thơ ra đời. Tôi có thể nói rằng : trên đời này chỉ có tình yêu mới sinh ra tính từ tha thiết, mà không có sự chân thật thì sẽ không có sự cảm động. Hai cặp tính từ này, nó như là lô-gíc không chỉ của thơ tình yêu, mà còn của đời sống thật của lứa đôi bên cạnh chúng ta.
Tôi chưa đọc hết các tập thơ, và cũng chưa biết hết ngàn nhà thơ trên dải đất hình cong chữ S này, có ai viết cho vợ nhiều như thế không? Nhưng trong tập "Men rượu - Men tình” này có đến bốn bài Phạm Minh Thông viết cho vợ, không biết anh đã vét hết kỷ niệm chưa, nhưng chỉ với bài tâm sự 1: chăn chiên một chiếc dành cho con, chồng. Tôi bồi hồi, 40 năm thử thách soi qua tấm gương người thương vợ để đến tuổi 60, đắng cay không thể chôn vùi tình yêu. Còn vợ anh thương chồng thương con chỉ biết nuôi con bằng tình yêu, tức bằng dòng sữa - suối nguồn của đời mẹ cho con lớn khôn, để có cái hôm nay, cho cháu con nồng ấm lúc đông về.hay bàiEm bảo./Trong đôi mắt anh em tất cả/Những gì anh nói ra đối với em chưa đủ...
Trong tập "Men rượu - Men tình”, đây chưa phải là tập hợp đông đủ tất cả những bài thơ hay trong đời thơ Phạm Minh Thông.Vương vấn để lại lòng người đọc, là cái bất chợt trong một bài, có câu hay, trong một câu có chữ buộc người đọc phải nhớ, và bâng khuâng đi tìm: ôi cái nhìn đốt lòng ta, cái nhìn!
Ngoài những bài đã đề cập trong bài viết này, còn có những bài vượt trội khác như bài: Khắc họa phòng khách; Dòng sông tưởng tượng; hay Nắng chiều tôi nghĩ cũng cần đôi điều luận bàn về những bài thơ này, để có cái nhìn xuyên suốt về "tính cách" của Phạm Minh Thông-con người sinh ra trên mảnh đất "chưa mưa đã thấm", có nhiều"triết gia" nói về tính cách của người Quảng Nam: Thẳng Thắn, Bộc Trực Bộc trực đến cái mức mà ruột gan tim cật phơi bày hết ra trước bằng dân thiên hạ.Tôi còn nhớ trên báo Văn Nghệ số 12-1995, có bài viết về bài  thơ:Dòng sông tưởng tượng của phạm Minh Thông là một tình yêu chưa trọn. Còn tôi, khi đọc  Phác hoạ phòng khách và Nắng chiều thì tôi hiểu tình yêu chưa trọn trong  Dòng sông tưởng tượng là mạch tình xuyên suốt cuộc đời mà Phạm Minh Thông đã trải nghiệm. Dòng sông anh mơ tưởng ấy, không làm sao trông thấy được bờ là một khía cạnh của tình yêu chưa trọn. Biết rằng, khắc họa phòng kháchlà ngôi nhà, còn dòng sông tưởng tượng là đoạn đường đầu của Phạm Minh Thông đi cùng năm tháng về phía trời chiều của Nắng chiều.
  Trần Hữu Nguyên
Theo http://vanthoviet.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những chuyến phiêu lưu của mùa hè 14 Tháng Sáu, 2023 241 Nhân dịp Hè 2023, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọn...