Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Đôi điều cảm nhận về bài thơ "Điều anh không biết” của Phi Tuyết Ba

Đôi điều cảm nhận về bài thơ 
"Điều anh không biết” của Phi Tuyết Ba 
ĐIỀU ANH KHÔNG BIẾT
Riêng điều ấy anh không bao giờ biết
Có một lần em lỡ hẹn cùng anh
Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh
Em đến gần cánh cửa xanh hé mở…
Bên bậc cửa có một đôi guốc đỏ
Đôi chân em sao khó bước qua
Chỉ một bước thôi là hết cách xa
Anh gần lắm…phía bên kia đôi guốc.
Chẳng biết vì sao chân em lùi bước
Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh
Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh
Đôi guốc đỏ biết là em đã tới…
(Phi Tuyết Ba)
Lời bình:
Trong tình yêu, hẹn hò và lỡ hẹn là chuyện rất bình thường. Có đôi lứa nào yêu nhau mà không một lần lỡ hẹn? Nhưng sự lỡ hẹn của người con gái trong "Điều anh không biết" lại là điều không bình thường. Có thể lỡ hẹn một lần và mãi mãi. Có thật thế không?
Riêng điều ấy anh không bao giờ biết. Cách vào đề tự nhiên như thế đã cuốn hút người đọc ngay từ câu thơ đầu. Phải rồi! Cái điều anh không bao giờ biết ấy chính là nguyên do em lỡ hẹn cùng anh. Nhưng điều gì mà quan trọng vậy? Men theo câu chữ và ý thơ, cái điều quan trọng ấy đã dần hé mở.
Hóa ra người lỡ hẹn không phải là em. Em đã đến với anh như lời hẹn. Thời gian của cuộc hẹn là một buổi chiều nhạt nắng, nơi góc phố quen thuộc, căn phòng có cánh cửa màu xanh của anh chính là điểm hẹn hò. Không gian của buổi hẹn là một không gian lý tưởng, rất nên thơ và lãng mạn: Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh. Trong cái không gian lãng mạn ấy, màu xanh - màu của niềm tin và hy vọng được thi nhân đặc tả thành màu chủ đạo bao trùm lên cảnh vật: Chiều vàng xanh; góc phố xanh; cánh cửa xanh. Nhưng thật trớ trêu, màu xanh ấy đã không còn là màu của hy vọng, của tình yêu và hạnh phúc bởi đã có một gam màu đối lập xuất hiện cản ngăn: Màu đỏ. Màu đỏ của đôi guốc đặt bên bậc cửa chính là "thủ phạm" phá vỡ tất cả. Nó là vật chứng ngăn cách khiến Đôi chân em sao khó bước qua để rồi em lỡ hẹn cùng anh mà anh không biết.
Ngoài chi tiết đặc biệt đôi guốc đỏ, một chi tiết khác đã phụ hoạ thêm cho lý do lỡ hẹn của cô gái chính là cánh cửa xanh hé mở. Cái sự hé mở mập mờ của cánh cửa màu xanh cùng với đôi guốc đỏ bên bậc cửa như thách thức, trêu ngươi đã cùng lúc dựng bức tường vô hình ngăn cách, níu giữ bước chân em, níu giữ con tim em. Em đã ở rất gần anh và cũng đến rất gần sự thật: Chỉ một bước thôi là hết cách xa. (Câu thơ này tôi có chút băn khoăn, bởi văn bản in trong tuyển chọn "Thơ Việt Nam thế kỉ XX" được viết là: Chỉ một lần thôi là hết cách xa. Nếu viết như vậy e là ý nghĩa câu thơ không ăn nhập với câu ngay sau đó: Anh gần lắm… phía bên kia đôi guốc. Cho nên, căn cứ vào ý tứ của bài thơ tôi nghĩ cách diễn đạt Chỉ một bước thôi là hết cách xa là phù hợp).
Sự cách xa mà câu thơ nói đến là sự cách xa về không gian. Nếu không có sự xuất hiện của đôi guốc đỏ thì một bước thôi là khoảng cách sẽ xóa nhòa. Nhưng giữa anh và em sự cách xa không chỉ là một bước chân mà quan trọng là một lý do vô cùng tế nhị. Đó là sự hiện hữu của đôi guốc đỏ. Vậy nên, chỉ một bước thôi là tất cả sự thật sẽ phơi bày. Nhưng cô gái đã do dự và dừng lại. Bởi vì đôi guốc đỏ- vật vô tri vô giác ấy đã nói lên tất cả. Anh đã vô tình hay cố tình quên lời hẹn? Ở vào trường hợp này, cô vẫn có thể bước qua bậc cửa, bước qua đôi guốc đỏ…Nhưng với trái tim nhạy cảm của người thiếu nữ đang yêu, cô đã hiểu và không muốn đối diện với sự thật phũ phàng: vắng cô, anh đã có một bóng hồng khác, anh đã quên lời hẹn. Thế nên, cái sự đã rõ ràng rồi cần gì phải rõ ràng thêm nữa?
Theo sự phát triển của ý thơ ta thấy cô gái đã ý thức rất rõ hành động của mình. Nếu ở khổ thơ đầu cô hăm hở và hi vọng biết bao khi đến với anh, thì khổ thơ thứ hai cô đã do dự và chững lại. Để rồi ở khổ thơ thứ ba cô đã có quyết định dứt khoát: lặng lẽ âm thầm luì bước. Lý giải cho hành động lùi bước này, nhà thơ đã thật khéo léo khi để nhân vật trữ tình băn khoăn: Chẳng biết vì sao chân em lùi bước. Cái lý do không có vẻ gì là rõ ràng, nhưng lại rất có lý vì nó đúng với tâm trạng của người đang yêu. Hành động và cách xử sự của cô gái đã chứng tỏ cô là một người tế nhị, tự trọng và cao thượng. Ở đây người thơ đã thật khéo léo và ý nhị khi sử dụng hình ảnh đôi guốc đỏ như một điểm nhấn. Nếu không có đôi guốc đỏ bên bậc thềm ấy hẳn mọi chuyện đã khác. Vậy là, chỉ cách một bước chân mà đã phân chia hai thế giới. Khoảng cách giữa anh và em đã xa vời vợi. Trái tim yêu của người con gái đã bị tổn thương. Cô không muốn tin nhưng vẫn phải tin rằng mình lỡ hẹn: Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh. Có phải cô hỏi lòng mình để tự an ủi, hay cô đang muốn "gỡ tội" cho anh đó chăng?
Hình ảnh đôi guốc đỏ được lặp lại ở câu kết nhưng không phải là vật chứng nữa, mà nó như là một nhân chứng nhờ biện pháp nhân hóa: Đôi guốc đỏ biết là em đã tới…Tôi rất thích câu kết này, bởi nó không chỉ hoàn chỉnh một tứ thơ mà còn mở ra nhiều điều phải suy ngẫm. Rất nhẹ nhàng, tế nhị, cô gái không trách móc, không đổ lỗi mà sao đọc lên ta thấy lòng trĩu nặng?
Bài thơ "Điều anh không biết” của Phi Tuyết Ba như một câu chuyện tình buồn kể về một lần lỡ hẹn. Theo lôgic của tình yêu, tôi nghĩ cô gái không chỉ một lần lỡ hẹn mà cô đã lỡ hẹn cả đời. Lỡ hẹn mà không cần phải hối tiếc. Hay nói đúng hơn, chính anh đã lỡ hẹn cả đời với cô. Lí do lỡ hẹn cô không giải thích và anh cũng không bao giờ được biết. Nhưng cô thì đã hiểu rõ "đối tác", hiểu rõ lòng mình và nhẹ nhàng lui bước để lại Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh. Khung cảnh vẫn thế không có gì thay đổi, nhưng khoảng không gian lãng mạn ấy đã không còn là thế giới của cô mà nó đã trở thành quá vãng, thành kỉ niệm buồn. Với cách nói nhẹ nhàng như để thanh minh cho một lần lỡ hẹn, bài thơ đã cho ta hiểu rõ tấm lòng cao thượng của người thiếu nữ khi yêu. Nhưng chính cách nói ấy đã "kết tội" anh. Anh mới là người lỗi hẹn nhưng Riêng điều ấy anh không bao giờ biết!
Nguyễn Thị Bình
Theo http://vanthoviet.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội n...