Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Nhớ tiếng gà gáy ban trưa

Nhớ tiếng gà gáy ban trưa
Hẳn những ai đã từng sinh ra và lớn lên từ một vùng quê đều thừa nhận rằng không có âm thanh nào gợi nhắc đến nét thanh bình yên ả của quê nhà bằng âm than h tiếng gà gáy ban trưa. Với một người sống đời xê dịch như tôi, khi đã ngang dọc mọi miền đất nước, chứng kiến bao cảnh đẹp thế gian, lắng nghe bao thanh âm chộn rộn của cuộc sống, vậy mà có lúc vẫn không khỏi bồi hồi khi nghe thấy thanh âm một tiếng gà đập cánh gáy giữa trưa hè. Liệu có âm thanh nào gợi nỗi nhớ quê nhà thân thương hơn thế.
Tiếng gà gáy ban trưa, ấy là thanh âm gợi nhắc đến một vùng quê yên bình nào đó đã sẵn trong tiềm thức. Một vùng quê thuần nông với cây đa giếng nước sân đình. Ở đó nhịp sống thảnh thơi chậm rãi diễn ra với những vụ mùa bội thu, những mùa rơm rạ vàng óng dát vàng đường làng ngõ nhỏ, nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, trong xóm nhỏ một đàn gà con ngày ngày líu ríu theo chân mẹ đi kiếm mồi. Nhớ biết bao một vùng quê yên bình đã sinh ra, nuôi lớn mỗi người bằng thứ tình quê thân thương hồn hậu. Nơi đó có mẹ già, có em nhỏ ngày ngày trông mong khắc khoải những đứa con xa quê trở về.
Minh họa: Trà My
Tiếng gà gáy ban trưa, ấy là âm thanh gợi nhắc về những tháng ngày ấu thơ êm đềm. Có tuổi thơ của đứa trẻ thôn quê nào thiếu vắng âm thanh một tiếng gà trưa. Đi qua làng quê nghe thấy tiếng gà gáy tè to giữa tre hè vắng lặng bỗng ngẩn ngơ tưởng như tiếng quê nhà đang tha thiết gọi mình. Nhớ làm sao mỗi sớm tinh mơ khi tiếng gà vang lên báo thức, chị em giật mình thức dậy ăn sáng rồi đạp xe đến trường, ba hối hả dắt trâu ra đồng chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới. Nhớ làm sao dáng mẹ liêu xiêu bên giàn mướp đương ra hoa, trông chừng đàn gà con tinh nghịch. Nhớ những ngày ấu thơ mỗi khi nghe thấy tiếng gà mái cục ta cục tác vang lên dưới mái tranh hai chị em tranh nhau lót ổ cho gà. Đứa đi tìm rơm rạ, đứa tìm lạt tre. Nhớ những chú gà con xinh xắn ngây thơ vừa mới nở mà mỗi lần nhìn thấy đều muốn ôm ấp cưng nựng. Có biết bao vui buồn đan xen chợt hiện về cùng tiếng gà gáy ban trưa khi một mình lạc bước vào một miền quê yên ả.
Ai đã từng sinh ra từ một miền quê hẳn sẽ thấy âm thanh một tiếng gà trưa sao nghe gần gũi thân thương đến thế. Hình ảnh một chú gà trống vươn vai đập cánh giữa không trung theo một cách nào đó còn là biểu tượng tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ đầy sinh khí của một vùng quê đang dần đi lên. Chợt nghĩ nếu mai này - khi cuộc sống ngày càng hiện đại có ai còn nhớ đến một tiếng gà trưa?
Tiếng gà gáy ban trưa, âm thanh ấy từ lâu đã đi vào thơ ca, âm nhạc như một nét đẹp của làng quê yên bình, gợi trong tâm khảm những người xa quê nỗi nhớ quê da diết. Chế Lan Viên trong nỗi nhớ quê hương cũng đã từng có lần bộc bạch:
“Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!”
Nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát Mùa xuân đầu tiên cũng có lần chọn âm thanh tiếng gà gáy bên sông như một cách thể hiện niềm tha thiết yêu người yêu đời, yêu quê hương đất nước của mình:
“Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, 
Gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”
Ngày nay cuộc sống hiện đại có biết bao âm thanh sôi động cuốn hút ta. Nhưng ở những miền quê đi qua vẫn còn đó âm thanh một tiếng gà gáy ban trưa. Để mỗi lần nghe thấy ta chợt hiểu rằng cuộc sống hối hả chen lấn ngoài kia dù mạnh mẽ cỡ nào vẫn không thể lấy đi vẻ yên bình trong đời sống thường nhật. Âm thanh một tiếng gà gáy đã trở thành thanh âm của quê nhà, mà dù sáng sớm, ban trưa hay chiều tối vẫn dội vào tâm thức mỗi người con bao nổi niềm xao xuyến, bao nhớ nhung hoài niệm.
Có người từng nói: “Nếu bạn mang theo tuổi thơ bên mình, bạn sẽ chẳng bao giờ già đi”. Những đứa con sinh ra từ làng quê dù xa quê bao năm vẫn mang theo bên mình những âm thanh thân thuộc nhất của quê nhà. Tiếng gà gáy ban trưa vẫn luôn là thanh âm dội vào lòng mỗi người con như nhắc nhở họ về một vùng quê hồn hậu yên bình, về tình người ấm áp thủy chung, nhắc họ hãy giữ lòng an nhiên dù cuộc sống ngoài kia bao bon chen chật vật. Những điều bình dị, những thanh âm nhẹ nhàng, những hình ảnh mộc mạc ấy theo thời gian vẫn mãi sẽ đi theo và làm phong phú tâm hồn mỗi người.
Nguyên Hạnh
Theo http://baodaklak.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...