Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Làm được buổi chiều rất giống ban mai

Làm được buổi chiều rất giống ban mai
Quan hệ Cõi thiêng- Đời thường thấm đẫm chất nhân văn là một trong những phẩm chất của tâm hồn Việt. Những năm cuối thế kỉ trước, Chế Lan Viên đã từng nhận xét:
Ta không quen cau vừng trán siêu hình
Sự sống bình thường ùa cả vào chỗ thâm nghiêm
Nơi thờ cúng cũng không quên cuộc đời có thật
Thần thánh nghe cả con nghé con trên gỗ cũng đang cười...
Theo một mạch cảm xúc như vậy, Thi Hoàng viết bài: "Những đứa trẻ chơi trước cửa đền":
                   Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy
                   Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì
                   Thế là ông cười rồi ông nhỉ
                   Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi
                   Này thằng Tâm con nhà bố Tầm
                   Trước cửa đền xin đừng giồng cây chuối
                   Lại còn hét như giặc cái
                   Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia
                   Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ
                   Gạch sân đền ấm lên ửng má
                   Tiếng trẻ con non màu lá mạ
                   Vệt mồ hôi tươi mướt quệt ngang mày
                   Thật tuyệt vời thằng cháu ông Dương
                   Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi
                   Ra đây nhảy dây ra đây trốn đuổi
                   Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn
                   Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới
                   Khói hương bài thơm tỉ tê lân la
                   Cây vun tán lên vun xôi đóng oản
                   Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa
                   Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất
                   Làm được buổi chiều rất giống ban mai
                   Thánh cũng hân hoan...đố ai biết được
                   Ngài ở trong kia hay ở ngoài này.
Nhớ tới Thi Hoàng- nhà thơ đất Cảng, người ta nhớ những câu thơ tài hoa và minh triết của Ông. Chẳng hạn:
- Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
- Một đầu đường chẳng có ai trông ngóng
Một buổi chiều không biết cất vào đâu
- Hoa sen không định thơm
Không định thơm thì mới thơm như thế
- Chỉ biết đây là rừng xanh thành thực
Vỗ về xanh rồi lại nỉ non xanh
Thi Hoàng là người rất nghiêm khắc với quá trình lao động sáng tạo của bản thân. Tôi nghĩ nhiều người làm thơ hiện nay nên soi mình vào câu thơ sau đây của Ông:
Đem đốt bài thơ đi cho nước non đứng đắn
Cho trăng đàng hoàng thanh sạch sáng nghiêm minh.
Cũng như nhiều người viết khác, Thi Hoàng cũng dành một phần sáng tác của mình cho đề tài con trẻ mà bài thơ vừa dẫn ở trên là một ví dụ.
Bài thơ mở ra không gian: trước cửa đền; thời gian: buổi chiều với các nhân vật là tác giả, ông từ (người giữ đền), thần thánh, thiên nhiên và lũ trẻ, trong đó lũ trẻ là nhân vật trung tâm.
Lũ trẻ trong bài thơ là những đứa trẻ nông thôn. Tên chúng được gọi kèm theo tên bố mẹ, ông bà: thằng Tâm con bố Tầm, cái Nhân con bà Nhẫn, thằng cháu ông Dương... Chúng chơi, chạy nhảy, la hét rất "nông thôn": trồng cây chuối, ngoáy mũi, nhảy dây, trốn tìm...Và cái cách tác giả so sánh chúng với các sản vật cũng rất...nông nghiệp: "Tiếng trẻ con non màu lá mạ", "Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn"
Tác giả đã dành hết tình thương yêu trìu mến với lũ trẻ. Mở đầu là lời xin phép của nhà thơ với người thủ đền. " Thế là ông cười rồi ông nhỉ". Câu thơ vừa nghe có mùi nịnh nọt, lấy lòng, vừa như tín hiệu "đèn xanh" cho cuộc chơi của lũ trẻ. Ông- nhà thơ đồng tình, cổ vũ, động viên và nức nở khen những trò chơi của chúng. Điều mà người lớn không làm được mà thằng cháu ông Dương làm được là đút ngón tay cái vào lỗ mũi. Thật tuyệt vời!
Trong con mắt nhà thơ, thiên nhiên cũng trở thành nhân vật. Thi Hoàng đã nhân hóa chúng để chúng trở nên đồng cảm, hòa mình với chúng bạn- con người để hiệu quả cuộc chơi nâng lên tầm ý nghĩa mới: "Gạch sân đền ấm lên ửng má", hoa thì "tưng bừng í ới", khói hương "thơm tỉ tê lân la", cây "vun xôi đóng oản", gió " thấm tháp chan hòa"...
Từ cuộc chơi như ngẫu nhiên của bầy con trẻ mà nhà thơ bất ngờ "chợt ngẫm" ra điều hệ trọng, một triết lí: Ấy là khi sự sống sắp kết thúc (buổi chiều) thì sự sống lại tái sinh từ con trẻ (ban mai). Những "hạt mẩy", những "lá mạ" non sẽ hứa hẹn những mùa vàng bội thu trong tương lai. Và tôi nhìn thấy "Thánh"- những bậc tài cao đức trọng, có công với dân với nước, được nhân dân ghi ơn thờ phụng đang đứng cạnh nhà thơ, lặng lẽ mỉn cười.
Chử Anh Đào
Theo http://www.pleikucafe.com/


                                                             
                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...