Hành trình về phương Đông
Mình định viết một cái post sâu sắc và không nhấn mạnh vào những
điều về tiền kiếp hậu kiếp hay ta đi đâu sau khi chết nữa (1), vì rõ là nó vô
ích và không giúp ích gì cho ai trong việc tư duy tích cực hay tiến bộ chút gì
trong tâm linh. Mình có một người thầy dạy mình rất nhiều điều sâu sắc trong
tâm linh, chắc là thầy sẽ buồn khi mình viết ở mức thấp.
Thế nhưng thôi vậy, để mình kể các bạn nghe mình cũng từng tò
mò khủng khiếp về những chuyện này. Và cũng không hoàn toàn là những tốn thời
gian vô ích.
Nhớ hồi bố mình còn sống và mình còn học tiểu học ấy, hai bố
con đã lén lút ngồi nghe những băng của cô Phan Thị Bích Hằng rồi, mình thích lắm
chứ! Xem xong bố cũng không bình luận gì, leo lên võng nằm thiu thiu ngủ thôi,
còn mình thì cứ thích muốn nghe nữa, biết kỹ biết rõ cụ thể nữa… Sau này cô ấy
cũng quy y Phật tử, gặp nhiều sóng gió thị phi, cũng tội, vì khả năng kỳ lạ
liên hệ nhiều đến thế giới vô hình, là điều hầu hết chúng ta không thể chứng nhận
được.
Nói về triết lý phương Đông, mỗi lần có bạn hỏi cuốn sách nào
về Phật giáo, y như rằng sẽ có người trả lời rằng cuốn “Hành trình về phương
Đông”, tùy bút của Baird Thomas Spalding (2), hay do đã đọc cuốn đó, ấn tượng
quá nên mới muốn tìm hiểu thêm về chủ đề tâm linh hay Phật giáo (trên group đọc
sách).
Nếu ai đã đọc cuốn này chắc cũng biết nó nhấn mạnh nhiều chi
tiết về cõi vô hình và các cõi giới, ví dụ trích một đoạn: “Sự hiểu biết về cõi
vô hình rất quan trọng, vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ
không sợ chết nữa. Nếu có chết chỉ là hình hài, xác thân chứ không phải sự sống,
và hình hài có chết đi, thì sự sống mới tiếp tục tiến hóa ở một thể khác tinh
vi hơn.” (Chương 9) Có lẽ vì thế hệ của mình, những người sinh sau năm 1975, với
hệ thống giáo dục đặc biệt duy vật, nên đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi manh nha tiếp
cận với những điều về thế giới vô hình bởi nền tảng duy vật bị lung lay mạnh mẽ.
Hay một cuốn nữa cũng gần giống cuốn Hành trình về phương
Đông của Spalding, là cuốn “Những bí ẩn của cuộc đời”, tùy bút của Nguyễn Hữu
Kiệt (3). Ngày trước mình cũng thích cuốn này lắm, bởi mình đã tò mò lắm về chủ
đề này. Nhưng với những gì xảy ra ở Việt Nam, mình mới thấy được sự tò mò đó có thể
gây hại đến mức nào khi người ta quá sợ quả, quá lệ thuộc vào mê tín.
Cho nên mình phải kết thúc post này bằng một bài viết của thầy
mình “Lãnh đạo phục vụ” - TĐH, Đọt chuối non (4). Mình dùng bài này, bởi vì thầy
rất hay nhắc đến cuốn sách Journey to the East của Hermann Hesse (5). Tình cờ
là cuốn sách này cũng dịch ra tiếng Việt là “Hành trình về phương Đông”, nhưng
tác giả Hermann Hesse là người đã từng được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn
học. Và ý nghĩa tích cực trong cuốn này thì cao hơn cuốn trên cả nghìn lần,
khác nhau như mặt trăng với mặt trời. Thầy đã phải mấy lần đính chính vì học
trò cứ nghĩ đến cuốn mặt trăng kia. Mình trích bài viết về cuốn sách này ở dưới.
Hi vọng với post này thì các bạn cũng thỏa trí tò mò như mình
và sẵn sàng cho những tư duy tích cực hơn, để phục vụ “Ở đây, lúc này”.
Phạm Thu Hường
LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ
“Lãnh đạo phục vụ” là cụm từ dịch nhẹ nhàng của từ “servant
leader”. Servant có nghĩa là người phục vụ, tôi tớ, ôsin. Lãnh đạo phục vụ là
người lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là phục vụ mọi người xung quanh. Servant
leader thì ngược hẳn với leader leader (tạm dịch “lãnh đạo kiểu sếp”), là người
lãnh đạo mà vai trò đầu tiên là làm sếp.
Leader leader lệ thuộc vào quyền lực cuả mình và ra lệnh cho
cấp dưới; đây thường là mô hình lãnh đạo trong quân đội, trong các công ty, và
trong guồng máy công quyền. Servant leader luôn xem mình là người phục vụ của mọi
người khác.
Mô hình servant leader được Robert K. Greenleaf sáng tạo khi
ông viết bài The Servant As Leader năm 1970. Trong bài này Greenleaf viết về
nguồn gốc của tư tưởng lãnh đạo phục vụ:
“Tư tưởng người phục vụ là lãnh đạo đến [với tôi] khi [tôi] đọc
cuốn Hành Trình Về Phương Đông (Journey to the East) của Hermann Hesse [viết
năm 1958]. Trong truyện này, chúng ta thấy một nhóm người đang đi trong một
hành trình thần bí… Nhân vật chính trong truyện là Leo, đi theo cả đoàn như là
người phục vụ làm các việc lặt vặt cho đoàn, nhưng cũng giữ cho đoàn mạnh mẽ với
tinh thần và các bài hát của anh ta. Anh ta là người có một sự hiện diện lạ thường.
Mọi sự đều tốt cho đến khi Leo biến mất. Cả đoàn rơi vào hỗn độn và cuộc hành
trình bị hủy bỏ. Người kể truyện, một người trong đoàn, sau khi lang thang vài
năm, thì tìm thấy Leo và được đưa vào Tu viện đã đỡ đầu cho cuộc hành trình. Tại
đó, anh ta khám phá ra rằng Leo, người mà anh ta đã biết như là một người phục
vụ, thật ra là người cầm đầu Tu viện đó, là tinh thần dẫn dắt Tu viện, một lãnh
đạo vĩ đại và thanh cao.”
Với ý tưởng đó, Greenleaf suy tư và nghiên cứu lãnh đạo phục
vụ trong 15 năm, trước khi bắt đầu viết về nó. Greenleaf nói về lãnh đạo phục vụ:
“Người lãnh đạo phục vụ là người phục vụ trước hết… Điều này
bắt đầu với một cảm giác tự nhiên là ta muốn phục vụ, phục vụ trước hết. Rồi
sau đó [ta mới có] một lựa chọn ý thức đưa ta đến mong muốn lãnh đạo. Người như
vậy thì rất khác với người mà lãnh đạo là điều trước hết, có lẽ là vì [người
này] có nhu cầu phải thỏa mãn một ham mê bất thường về quyền lực hay của cải….
‘Lãnh đạo trước hết’ và ‘phục vụ trước hết’ là hai mô hình đối nghịch. Ở giữa
là mọi loại hình và mọi kết hợp vô tận của con người… Sự khác biệt thể hiện rất
rõ ràng trong sự quan tâm mà ‘người phục vụ trước hết’ có để đảm bảo là những
nhu cầu ưu tiên cao nhất của người khác được chăm lo ngay lúc này.”
Và cách đo lường lãnh đạo phục vụ tốt nhất là:
“Cái test tốt nhất, dù là khó sử dụng, để đo lường là: Những
người được mình phục vụ có phát triển tốt như là những cá nhân không? Trong khi
được phục vụ, họ có thành mạnh khỏe hơn, thông minh hơn, tự do hơn, có nhiều độc
lập hơn, có khả năng cao là chính họ sẽ trở thành người phục vụ? Và, ảnh hưởng
trên những người yếu kém nhất trong xã hội như thế nào? Họ có được lợi ích gì
không, hay tối thiểu là cũng không bị tước đoạt thêm?”
Ngày nay người ta thường dùng hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân
cho các môn đệ hay Mẹ Têrêxa cứu giúp người nghèo trên đường phố là biểu tượng
của lãnh đạo phục vụ.
Theo truyền thống, chúng ta thường chia ra ba loại lãnh đạo
chính: Lãnh đạo chuyên quyền (hay độc tài, autocratic), lãnh đạo dân chủ
(democratic hay participatory), lãnh đạo tự do (laissez-faire). Lãnh đạo độc
tài thì ai cũng chán. Lãnh đạo tự do thì rất ít xảy ra, thường chỉ có trong các
nhóm nghệ sĩ như họa sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ…
Trong lãnh đạo dân chủ thì lãnh đạo thường hỏi ý các thành
viên và dùng nhiều ý của thành viên, dù là lãnh đạo vẫn là người có trách nhiệm
quyết định cuối cùng. Lãnh đạo phục vụ gần với lãnh đạo dân chủ nhất, nhưng
lãnh đạo phục vụ vẫn có chiều sâu tâm linh hơn rất nhiều, vì lãnh đạo không xem
các thành viên là thành viên mà là người mình phục vụ.
Greenleaf nói đến 10 nguyên lý (hay 10 kỹ năng) của lãnh đạo
phục vụ:
1. Nghe (Listening): Nghe và nói luôn quan trọng cho các
lãnh đạo xưa nay. Trong lãnh đạo phục vụ, nghe lại càng rất quan trọng. Nghe kỹ
để hiểu được từng từ của người nói, nghe cả điều không được nói ra, nghe để hiểu
tâm sự của người nói. Lắng nghe cũng để hiểu tinh thần của cả nhóm đang như thế
nào. Và lắng nghe để nghe trái tim và tinh thần của mình đang nói gì với chính
mình.
2. Đồng cảm (Empathy): Luôn cố gắng để đồng cảm với các
thành viên của mình. Chấp nhận các cá tính đặc biệt của mỗi người, và luôn đặt
giả thiết là mỗi người đều có ý tốt, kể cả khi mình không chấp nhận tác phong của
người đó.
3. Chữa lành (Healing): Chữa lành những vết thương lòng
là phương cách rất hiệu quả để chuyển hóa và hợp nhất. Kết nối giữa lãnh đạo phục
vụ và người được phục vụ sẽ rất mạnh nếu cả hai cùng thầm hiểu rằng họ đang
cùng nhau đi tìm một “lành lặn hoàn toàn”.
4. Nhận thức/nhạy cảm (Awareness): Nhận thức được mọi điều
quanh mình, nhất là nhận thức được chính mình, sẽ làm cho liên kết giữa lãnh đạo
và thành viên mạnh mẽ hơn.
5. Thuyết phục (Persuasion): Khi làm quyết định, lãnh đạo
phục vụ dùng thuyết phục, hơn là dùng quyền lực để ép buộc. Lãnh đạo phục vụ
thường rất giỏi về tạo đồng thuận trong nhóm.
6. Khái niệm hóa (Conceptualization): Greanleaf nói lãnh
đạo phục vụ cần có khả năng “mơ giấc mơ lớn” và đặt tất cả những việc làm hàng
ngày vào trong viễn ảnh về giấc mơ đó. Đây chính là điều mà ngày nay ta gọi là
“tầm nhìn” (vision).
7. Thấy trước (Foresight): Đây là khả năng hiểu quá khứ
và hiện tại, để thấy được kết quả trong tương lai của quyết định bây giờ của
mình. Greenleaf cho rằng đây là một kỹ năng sâu sắc của trực giác của ta (không
phải là lý luận).
8. Cương vị quản gia (Stewardship): Theo Greenleaf trong
mọi tổ chức, mọi người từ tổng giám đốc đến các lãnh đạo và nhân viên, đều giữ
vai trò quan trọng trong việc nắm giữ tổ chức của họ cho quyền lợi chung của xã
hội.
9. Cống hiến cho sự phát triển của mọi người (Commitment to
the Growth of People): Lãnh đạo phục vụ cống hiến sâu sắc cho sự phát triển
tính cách cá nhân, nghề nghiệp, và tâm linh của mỗi cá nhân trong tập thể của
mình.
10. Xây dựng cộng đồng (Community Building): Lãnh đạo phục
vụ biết rằng sự thay thế các cộng đồng nhỏ địa phương (làng xã) bằng những tổ
chức xã hội và chính trị lớn (quốc gia, đoàn thể quốc gia, đại công ty) như là
khí cụ chính trong việc uốn nắn cuộc sống của con người đã làm chúng ta cảm thấy
lạc lỏng thường xuyên. Lãnh đạo phục vụ sẽ tìm cách xây dựng cộng đồng cho những
người làm việc trong một tổ chức hoặc sống trong một địa phương.
Lãnh đạo phục vụ được xem là phương cách lãnh đạo lý tưởng
ngày nay, trong rất nhiều lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, trong một số lãnh đạo
cao cấp của các đại công ty, và đặc biệt thịnh hành trong các tổ chức thiện
nguyện và tôn giáo.
Làm được đến đâu là do ta giỏi đến đâu. Nhưng đương nhiên ai
cũng có thể thấy rằng đây là cách lãnh đạo sâu sắc, văn minh, và hiệu quả nhất.
1/4/2019
Phạm Thu Hường
Theo https://dotchuoinon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét