Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Nhịp điệu

Nhịp điệu

Có lần tôi đã cảm giác thật rõ ràng về nó: nhịp điệu. Nó không chỉ là yếu tố sống còn của âm nhạc mà còn là bản chất của tất cả những gì hiện hữu, lúc ấy tôi bất chợt nhận ra vậy.
Đó là một trưa hè, khi tôi đang ngồi trong quán cafe đợi bạn. Một quán sàn gỗ, mái lá, nằm sát bên dòng sông Nhuệ. Đôi bờ sông không cách xa nhau nhiều lắm, nhưng đủ để sóng nước làm nhòa đi cái nhìn sang bờ bên kia, nơi có những lùm tre đang khẽ đung đưa trong gió. Cái yên ả của buổi trưa khiến tôi có cảm giác thư thái, nhất là lúc này, khi đang được một mình. Lâu lắm rồi không được một mình...
Quán mở một đĩa nhạc cổ điển. Nghe giai điệu quen quen. Hình như là một bản giao hưởng của Mozart. Tôi nhắm mắt lại để cảm nhận trọn vẹn hơn về âm nhạc, và rồi thấy mình như đang bay trên những cánh đồng, ở đó mỗi ngọn cỏ đều phát ra một thanh âm nhỏ, hòa trộn vào nhau trong một bản giao hưởng rộn ràng. Cứ thế, tôi bị chìm lấp, tôi tan ra như gió, tôi không còn tồn tại nữa hay tôi hoá thân vào tất cả. Đôi lúc con người có được những cảm giác tận cùng của sự hiện sinh. Lúc ấy cũng vậy, tôi biết mình đang tràn ngập trong sự sống và sự sống đang tràn ngập trong tôi. Bàn tay run lên vì xúc động. Mở mắt ra, tôi thấy phía trên những ngọn tre xa xa kia là một vài cánh chim đang chấp chới. Có vẻ như chúng đang vỗ cánh theo một âm điệu nào đó từ sự chỉ huy của một đấng vô hình. Sự nhịp nhàng của những đôi cánh khiến tôi có ý nghĩ: nếu chỉ lỡ một nhịp thôi, một con chim nào đó sẽ bị tách khỏi đàn. Tất cả mọi thứ xung quanh ta cũng vậy, sẽ trở nên lạc điệu nếu không giữ đúng được vị trí của nó trên khuông nhạc.
Trái đất, trái tim... cũng có nhịp điệu của nó. Quay quanh mặt trời, trái đất tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch của thời gian. Trái tim cũng vậy, nó phải đập và giữ một nhịp tương đối ổn định nào đó để duy trì sự sống. Những bước chân cũng có nhịp điệu riêng: có nhịp điệu buồn, có nhịp điệu vui, có nhịp điệu hối hả... Trong nhạc lý, người ta chia thời gian của bản nhạc thành những đoạn bằng nhau, biểu hiện trên khuông nhạc bằng những vạch, những ô nhịp. Giới hạn của mỗi ô nhịp là vạch nhịp. Giới hạn của một vòng quay trái đất xung quanh mặt trời là sự gặp lại mùa xuân. Giới hạn của một vòng trái đất tự quay quanh mình là bình minh. Giới hạn của đời người là cái chết. Giới hạn của hạnh phúc là sự cạn kiệt yêu thương. Giới hạn của vũ trụ là những điều con người chưa biết tới...
Điều kỳ diệu nhất mà từ đó âm nhạc được sinh thành, ấy là sự tồn tại của âm thanh bên trên mọi quy luật tất yếu của nó. Nghĩa là: bản thân thứ âm thanh ấy, thứ âm thanh không gây cho người ta sự ám ảnh về những quy tắc. Sự đồng hiện của những yếu tố nhạc (tiết tấu, âm giai...) khiến âm nhạc trở nên hoàn hảo vào chính lúc đó, lúc nó được hiện diện và là sự hiện diện độc nhất. Giống như sự hoàn hảo của bầy chim kia khi chúng sải cánh cùng nhau trong một nhịp điệu. Hay như tình yêu, nó sẽ nở giống một bông hoa rực rỡ khi hai người bước cùng nhau trong một nhịp điệu. Trịnh Công Sơn có một ca khúc rất hay nói về điều này: "Tôi đi bằng nhịp điệu: một, hai, ba, bốn, năm. Em đi bằng nhịp điệu: sáu, bảy, tám, chín, mười. Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu không giống nhau. Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu sao khác màu. Sông cạn đá mòn, sông cạn đá mòn, làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau..." (Tình khúc Ơ-bai).
Mỗi ngày trôi qua, tôi thức dậy và nhận ra rằng thời gian lại bước một nhịp nữa qua cuộc đời mình. Mỗi hơi thở cũng là một nhịp điệu của cơ thể giúp tôi hiểu rằng mình đang sống và phải làm thế nào để từng phút giây, từng nhịp thở, từng ngày trôi qua không vô ích. Nhiều khi tôi không làm được điều đó: tôi đã ngủ vùi, hoặc tìm đến sự lãng quên, hoặc đắm trong những nỗi buồn đau vô ích. Thật lãng phí thời gian, dù đôi lúc chúng ta cũng cần phải ngủ vùi, cần phải quên lãng, cần phải buồn đau!
Cách đây khoảng 5 năm, khi còn là sinh viên, không có điều kiện đi học đàn guitar dù rất muốn, tôi đành phải tự mày mò học ở nhà mà trước tiên là phá mấy bản nhạc cổ điển loại dễ nhất. Tôi tự chơi được vài bản của Caruli, Cacassi và ngoài ra tập vài bản quen thuộc như For Elise hay Natalia. Tôi nhớ đêm ấy, một mình trong căn phòng trọ chật chội ở làng Phùng Khoang, bản Romance quen thuộc đã lôi cuốn tôi với sức mạnh bí ẩn của những nốt nhạc, sức mạnh mà con người chỉ có thể lý giải bằng sự diệu kỳ của niềm đam mê. Ban đầu những nốt nhạc có vẻ rối rắm một cách khó chịu trên khuông nhạc, rồi cây đàn đã giúp chúng trở nên mềm mại và thánh thót trên mỗi ngón tay tôi. Bỗng dưng, những ngón tay trở thành kẻ sáng tạo. Chúng như được trao một quyền năng vô hạn là có thể tạo ra những thanh âm ngọt ngào cho cuộc sống này. Và khi nốt nhạc cuối cùng được phá, tôi đã nếm trải cảm giác hạnh phúc theo đúng  nghĩa của nó. Bản nhạc đã hoàn thiện với ý nghĩa là đối tượng khám phá của tôi, và nó trở nên hoàn hảo vào chính lúc này, khi tôi cảm nhận được sự hài hòa tuyệt đối của giai điệu. Ở đó, nhịp điệu giống như mặt toan trắng làm nền cho bức vẽ, giống như hàng cây bên đường làm bước đệm cho những tia nắng nhảy nhót, giống như từng làn sóng tạo nên cái rì rào của biển cả... Bàn tay trở nên mòn mỏi rời rã nhưng tôi không chịu để chúng ngưng lại trên các phím đàn. Hương hoa loa kèn tỏa nồng nàn khắp không gian nhỏ bé của tôi, hình như chúng cũng có nhịp điệu của riêng mình. Tôi đã có một đêm ngủ ngon nhất trong quãng đời ấy.
Đến tận bây giờ, cảm giác về sự hài hòa tuyệt diệu của bản nhạc và của cuộc sống nữa vẫn không ngừng giúp tôi nhịp nhàng bước trên con đường của mình, dẫu không phải lúc nào giai điệu của nó cũng tươi vui.
Hà Nội, 6/2008
Phạm Quỳnh An
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...