Chiều Tiên Điền dịu nắng
Con sáo bay khỏi chiếc túi bằng giấy bìa, nó bay là là ngang
đầu người sang bên kia đường. Chúng tôi, một lũ người, cả già cả trẻ, cả đàn
ông đàn bà, hớn hở chạy theo nó. Để bắt. Nó vốn là thứ đồ chơi cho con người từ
lúc được sinh ra, bởi vậy nó quá bỡ ngỡ trước việc bay hay trốn chạy. Bầu không
gian rộng lớn này khác hẳn với cái không gian mà nó sở hữu/ sở hữu nó trong
lồng. Chấp chới bay, có lẽ nó giống đứa trẻ lần đầu tiên tự bước đi không cần
bàn tay mẹ. Nó đậu lên bờ tường. Chúng tôi gần bắt được thì nó lại bay lên cây.
Chúng tôi trèo lên cây. Nó bay lên cây cao hơn. Chúng tôi leo lên cây cao hơn.
Nó bay sang cây cao hơn nữa. Cứ thế, nó mỗi lúc một cao hơn và xa hơn. Có lẽ nó
phản xạ theo bản năng chứ chưa hẳn đã là một cuộc trốn chạy. Rồi nó lẫn giữa những
tán lá xanh, có lúc lại chui vào bụi hoa giấy đỏ. Vốn không hứng thú với cuộc
truy bắt ấy, tôi bỏ xuống phía bờ sông, nơi có những con thuyền neo đậu bình
yên trên sóng nước bình yên. Để mặc họ tiếp tục cuộc vui, nét mặt ai cũng hớn hở.
Tôi chụp ảnh những con thuyền. Chụp sóng nước. Chụp bầu trời với những đám mây
trắng. Chụp nỗi buồn tôi đang lênh đênh trên những gợn nước lăn tăn…
Là
đứa trẻ của đồng bằng, tôi lớn lên với nỗi khát thèm đồi núi. Tôi yêu cái lạnh
của Sa Pa giăng khắp phố núi bởi mây, bởi sương, bởi cây cỏ, bởi rừng, và có lẽ
còn bởi cái hoang hoải của núi, của đồi, cái thuần khiết của những bông hoa chỉ
biết nở trong sự im ắng của thiên nhiên. Rất nhiều khi giữa phố phường Hà Nội,
tôi điên cuồng nhớ cái lạnh miền Tây Bắc. Ở đó tôi đã thấy được sự im ắng của
núi đồi. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của núi cứ trơ trọi trong sự che phủ của
mây. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của cây ngày ngày từng cọng lá thấm đẫm sương
và lắt lay trong những chuyển động vô hồn của gió. Tôi cảm nhận được nỗi buồn của
nắng trong những gắng gỏi vô ích để lấn át sương mù… Nhưng, không sao hiểu hết
được nỗi buồn trong chính lòng mình, tôi tìm cách tự vệ, bằng sự lãng quên.
Tôi
yêu Nghệ Tĩnh bởi bất kỳ đâu trên mảnh đất ấy, tôi có thể tìm cho mình một góc
để lãng quên. Tìm trong núi, trong sông, trong tiếng thì thầm của phố xá chưa bị
lấn át bởi cái huyên náo sỗ sàng của sự cơ giới hóa và đô thị hóa. Bước chân đến
xã Võ Liệt (Thanh Chương), nhất là khi đắm mình trong một buổi chiều bảng lảng
hương khói đền Bạch Mã, tôi biết rằng thêm mỗi cảm giác vào kí ức, con người lại thêm
một lần được giải phóng khỏi sự hạn hẹp của chính mình. Mỗi lần ấy, họ lại bước
gần thêm đến Tự Do. Giống như con chim sáo kia, mỗi lần cất cánh của nó khỏi
sự vây bắt của lũ người chúng tôi, nó đến gần với Tự Do hơn. Và tri thức -
cái tri thức được hiểu theo nghĩa rộng, được tạo dựng bởi cảm xúc, bởi kiến thức,
bởi sự nhận biết cuộc sống… - giúp con người ngày càng được tự do hơn.
Chiều nay, một chiều Tiên Điền dịu nắng. Người bạn đưa tôi đi
thăm đất Hà Tĩnh, nơi Nguyễn Du được sinh ra và cũng là nơi ông được thờ phụng.
Chúng tôi ngồi trò chuyện rất lâu với anh Đinh Sĩ Hồng, Giám đốc Bảo tàng lưu
niệm. Câu chuyện tất nhiên không lạc khỏi chủ đề về đại thi hào. Cuộc gặp gỡ
vui và thân tình khiến tôi quên mất chuyện con sáo…
Nó đã chết. Một đứa trẻ
nào đó mang súng cao su bắn trúng ngực nó. Tôi rất bất bình nhưng không phản ứng
gì vì dù sao sự cũng đã rồi. Vả lại bọn trẻ có vẻ hối lỗi khi cố giải thích rằng
chỉ bắn một viên sỏi nhỏ để làm con sáo bị thương thôi rồi sẽ bắt về nuôi. Tôi
lại gần, vuốt ve con sáo - không, vuốt ve xác nó - và cảm thấy có lỗi. Trước
khi chết, lần đầu tiên con sáo biết thế nào là cành cây. Nó thấy lá xanh xôn
xao ngay trước mắt mình. Nó thấy bụi hoa giấy, thấy trên cao là bầu trời rộng
bát ngát. Nó thấy gió nữa, gió lần đầu tiên mang đến cho nó hương thơm của một
tặng vật vô cùng thiêng liêng và quý giá: hương thơm của Tự Do.
Bất chợt, tôi
nghĩ rằng con sáo chết không phải vì viên sỏi quá to. Nó chết vì bỡ ngỡ: nó
chưa từng được dạy về cách tiến đến Tự Do.
Tp.
Vinh, 5/9/2008Phạm Quỳnh An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét