Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

“Mong từ biển” đánh thức hồn thơ

"Mong từ biển" đánh thức hồn thơ

Sau khi đăng bài thơ ”Mong từ biển” của tác giả Duy Nguyễn, Tạp chí Người Làm Báo nhận được bài bình thơ của Lan Nguyễn. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Mong từ biển
“Mong một cơn mưa vàng
Như trẻ mong gặp Mẹ
Anh mong gặp được em
Đằng đẵng trôi mùa hạn...”
Mong và niềm mong đã mở đầu bài thơ, khơi nguồn bao cảm xúc. Phải chăng đó chính là dụng ý của tác giả?
Bốn câu thơ, 20 chữ nhưng đã có tới 3 chữ “mong”. Mong một cơn mưa; mong gặp Mẹ; mong gặp được em. Mỗi chữ mong là một chiều cảm xúc, một chiều tâm trạng được thể hiện khá tinh tế, từ xa đến gần. Mượn “cơn mưa vàng” để nói, gợi nhớ về em, về nàng thơ trong tâm.
Dường như, mạch cảm xúc của Một ngày nắng Hạ Long hôm nào vẫn nối dài, nhè nhẹ và êm đềm gợi nhắc câu chuyện mong gặp được em qua hành trình: tìm em, thấy em, hòa cùng em một nhịp hoan ca “Trong con tàu rẽ sóng” để bừng ngộ, em chính là tâm hồn, là cảm xúc chất chứa trong tâm thi sĩ. Khát khao chân - thiện - mỹ, khát khao cái đẹp, mong đợi “cơn mưa vàng” được tác giả nhân hóa qua hình ảnh rất đỗi chân thực “Như trẻ mong gặp mẹ”. Nhưng càng mong, tiếng em càng không thấy. Cảnh vật, đất trời như đổi thay “Khi em không cất lời”.
“Lời nào từ hoa ban
Nhụy nào từ bướm trắng
Cỏ nào dâng mật ngọt”
Điệp từ, điệp ngữ dồn dập càng tăng thêm sự băn khoăn, khúc mắc trong lòng tác giả. “Lời nào”, “Nhụy nào”, “Cỏ nào”. Tất cả tưởng chừng vô nghĩa, không lời giải đáp. Cảnh trí hiển bày: có mây, có sóng, có hàng thông ven bờ. Những tưởng với chất liệu, đường nét đó đủ để vẽ nên khung cảnh nên thơ, ngập tràn màu sắc, sức sống của thiên nhiên. Nhưng không: “Mây như đã ngừng trôi/ Sóng nản lòng không vỗ/ Hàng thông cành lá rũ”. Phải chăng đã có nỗi niềm tâm sự? Không đơn giản chỉ là một tâm trạng băn khoăn, khúc mắc mà chất chứa trong đó một nỗi buồn, sự nản lòng khó giãi bày. Bồi hồi nhớ lại những câu thơ cụ Nguyễn Du tả cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích. “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...”. Có sự đồng điệu giữa tâm trạng của con người và cảnh vật. Quả đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Có lẽ, đó là sự liên kết của quy luật tình cảm, đồng thời cũng là triết lý nhân sinh.
Cảnh vật hiện lên như hư, như thực và chỉ được cảm nhận qua trạng thái xúc cảm tinh tế của người yêu cái đẹp. Mây - ngừng trôi; Sóng - không vỗ; cây - lá rũ. Một bức tranh thiên nhiên tĩnh đến lạ lùng. Nản lòng pha chút thất vọng, tác giả buông tiếng thở dài “Em vẫn trong xa vời...”.
“Có gì đau Thơ ơi
Buộc lòng ta nhức nhối
Ngày qua rồi đêm tới
Mỏi mong em gửi lời...”
Nhức nhối đau, mong mỏi giải mã đến tận cùng băn khoăn “Khi em không cất lời”; “Em vẫn trong xa vời” và thiết tha “Mỏi mong em gửi lời...”. Cách đảo từ “Mỏi mong” đẩy tâm trạng chờ đợi, hy vọng lên đến đỉnh điểm. “Ngày qua rồi đêm tới”, vẫn còn nguyên nhức nhối, còn nguyên nỗi đau mong chờ. Tới khổ thơ này, tác giả đã chỉ rõ, đã gọi chính tên em - căn nguyên của bao suy tư, băn khoăn, đau đáu. “Thơ ơi”. Tiếng gọi thiết tha từ đáy lòng thi sĩ. Nặng lòng với Thơ. Nặng lòng với nghệ thuật. Chàng thi sĩ của Một ngày nắng Hạ Long hôm nào đã từng reo vui sau bao ngày bền bỉ đi tìm cái đẹp bỗng vỡ òa khi thấu hiểu mục đích tối thượng của văn chương, nay ôm ấp khát vọng mang tiếng ca về chân - thiện - mỹ đến với đời thường, để chuyển hóa cuộc đời, để cuộc đời đơm bông từ những mầm xanh cuộc sống được gieo bằng những khát vọng, niềm mong từ biển.
“Bão đã tan lâu rồi
Biển bình yên trở lại
Ngày mai sáng chân trời
Ai thầm thì sớm tối?!...”
Bão đã tan. Biển đã bình yên. Tâm trạng nặng nề, bức bối đã dần được tháo nút, được gỡ bỏ. Em đã đến, vọng âm thanh “thầm thì sớm tối”. Ánh sáng bừng hồng lên trang đời mới. Bức tranh thiên nhiên dần ngập tràn màu sắc, âm thanh và đường nét. Sức sống lan tỏa, bật lên từ những “hạt mầm”.
“Phải chăng trang đời mới
Soi hình em sáng hồng
Có tiếng chim lật sách
Gieo hạt mầm đơm bông...”
Thu Hà Nội, 2019
Lan Nguyễn
Theo http://nguoilambao.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...