Thưởng thức ca trù nhớ hồn dân tộc
Ca trù, một loại hình âm nhạc sáng tạo đặc sắc, vốn có từ lâu đời ở Việt Nam và được định hình với đặc trưng, phong cách riêng vào thế kỷ XV. Hát Ca trù là một loại sinh hoạt văn hóa dân gian vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội. Đỉnh cao của loại hình này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và nhạc. Nghệ thuật Ca trù hiện nay đã được ghi nhận, trở thành một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Thưởng Ca trù và các hoạt động gìn giữ, bảo tồn Ca trù chính là khắc sâu “hồn” của dân tộc.
Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể của nhân loại năm 2009 (Ảnh: ST)
Ca trù - Một bộ môn nghệ thuật tổng hợp độc đáo
Tên gọi Ca trù đã được nhiều tài liệu cổ ghi nhận. Trong các
tài liệu Hán Nôm, chữ “trù” trong “Ca trù” nghĩa là thẻ làm bằng tre và ý nghĩa
của the tre này dùng để ghi số tiền (hoặc quy ước số ứng với một khoản tiền)
thưởng cho các đào và kép trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt;
cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho các đào và kép hoặc
giáo phường. Người quyết định thẻ này là các khách nghe hát và sử dụng trống chầu.
Cách hiểu này đã giới hạn “Ca trù” trong đình đền (tức là hát thờ), còn hát tại
các quán ca hay các tư gia về sau không sử dụng thẻ.
Ca Trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương
như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát
nói. Đây là một sự phàm tục hóa những thể thánh ca. Bởi lẽ lúc bấy giờ sau những
rối ren của xã hội, những gò bó trong khuôn phép của quy luật, của lối diễn tả
nhất định trong tư tưởng Khổng Mạnh, con người cần một khoảng không tự do bộc bạch,
phóng khoáng gửi gắm cảm xúc. Các nhà viết sách xưa cho rằng hát nói là một
hình thức biến đổi của thể ngâm song thất lục bát nhưng khi phát triển theo xã
hội, hát nói trở thành một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ
tự, nói lối...
Ca trù sử dụng ba loại nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo
mà cả về cách thức diễn tấu) đó là đàn Đáy, Phách và Trống chầu. Tùy theo từng
không gian diễn xướng mà Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình,
hát nhà trò (khi hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (hát trong cung phủ),
hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô
đầu (hát ở các ca quán)...
Một chầu hát Ca trù cần có ba thành phần chính gồm một nữ ca
(gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp;
một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng
hát; Người thưởng ngoạn Ca Trù (gọi là "quan viên") đánh trống chầu
chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý, hài lòng bằng tiếng trống. Vì là nghệ thuật âm
nhạc thính phòng, không gian trình diễn Ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào
hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài
hát Ca trù được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch",
nghĩa là "ngay ở chiếu".
Tìm hiểu và thưởng Ca trù là tìm hiểu và nhớ “hồn” dân tộc
Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn
chương, âm nhạc, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu Ca
Trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa
Việt Nam. Ca trù chứa đựng sự phong phú từ làn điệu, thể cách tới cả không
gian, thời gian biểu diễn, phương thức thưởng thức. Ca trù gắn liền với nghi thức
tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và
cả cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên lề lối biểu diễn ca trù được
gọi là thể cách. Không gian kiến trúc cây đa, mái ngói, sân đình dưới ánh trăng
sáng rọi soi rõ nét. Những ca nương ắt hẳn cũng phải thật xinh đẹp, duyên dáng
trong tà áo dài dân tộc. Ca trù khiến người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách
với lối chơi sang, tinh tế và giàu cá tính sáng tạo như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá
Quát, Tản Đà...
Có một khoảng thời gian rất dài từ sau Cách mạng Tháng Tám,
loại hình nghệ thuật này bị đánh đồng với sinh hoạt văn hóa không lành mạnh, bị
loại bỏ ở nhiều nơi, nhất là chốn thành thị. Những năm cuối thế kỷ XX, Ca trù dần
nhận được sự lên tiếng của dư luận, các cơ quan báo chí và những nỗ lực tìm kiếm,
nghiên cứu, khôi phục được thực hiện. Ca trù được thế giới lần đầu tiên qua nghệ
nhân Quách Thị Hồ (1909-2001). Nhiều nhạc sĩ, nhạc họa đã tìm đến thưởng thức,
theo học. Ca nương Phạm Thị Huệ - Một trong những người có nhiều đóng góp cho
nghệ thuật Ca trù của Việt Nam cũng từng chia sẻ sau 15 năm bén duyên: “Tôi đã
hoàn toàn gục ngã trước loại hình nghệ thuật này. Với tôi, Ca trù không chỉ là
cái nghiệp, nó còn là nghệ thuật âm nhạc dân tộc đỉnh cao. Đây là môn nghệ thuật
mà tôi quyết tâm gìn giữ và phát triển”.
Ca nương Phạm Thị Huệ (giữa): "Ca trù không chỉ
là cái nghiệp, nó còn là nghệ thuật âm nhạc
dân tộc đỉnh cao" (Ảnh: ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét