Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Lam Phương - "Chim trời vỗ cánh tung bay..."

Lam Phương 
"Chim trời vỗ cánh tung bay..."

Tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời khiến nhiều người yêu nhạc bàng hoàng như câu hát của chính ông 'Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay...'.

Nhạc sĩ Lam Phương ký tặng PV Thanh Niên 
tập nhạc của ông tại nhà riêng ở Mỹ năm 2019
ẢNH: DẠ LY
Trong khoảng 15 năm (1960 - 1975), Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ sáng tác “mát tay” nhất ở miền Nam. Nhạc của ông không cầu kỳ, cao sâu nhưng lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt vì được viết bằng những cảm xúc chân thành qua những hình ảnh đời thường rất gần gũi, quen thuộc...
Tuổi thơ cơ cực và những sáng tác đầu tay
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá (Kiên Giang), tổ tiên gốc Hoa nhưng đến đời cha của ông (tên Lâm Đình Chất) thì đã “rặt Việt”. Là anh cả của 5 đứa em nên tuổi thơ của Lam Phương đã sớm nhọc nhằn, cơ cực. Dạo ấy miền quê của ông chìm trong khói lửa chiến tranh. Cuộc sống bất ổn, nhiều người cha ra đi, tìm chỗ trú ngụ an toàn hơn rồi sẽ về đón gia đình. Cha Lam Phương cũng thế, nhưng ông ra đi rồi không bao giờ trở lại... y hệt như trong câu hò quê ông: “Chợ Sài Gòn cẩn đá/ Chợ Rạch Giá tráng xi-mon/ Giã em ở lại vuông tròn/ Anh về xứ sở… hết còn ra vô!”. Người mẹ một nách sáu con nên đứa đầu (Lam Phương) chưa tròn 10 tuổi đã phải cùng mẹ tảo tần nuôi em. Những đêm mưa rơi, trong túp lều trống trước hở sau, gió lùa hun hút, Lam Phương nằm nghe mẹ ru em: “Đường đi Rạch Giá/ Chợ quá sơn trường/ Gió lay bông sậy, dạ buồn tái tê…” mà thương mẹ, thương em đứt ruột…
Tưởng niệm tại Mỹ và Việt Nam
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Lam Phương, chương trình lễ tang và lễ tưởng niệm ông sẽ được tổ chức tại Mỹ và Việt Nam. Gia đình cũng chia sẻ thư mời đến văn nghệ sĩ và khán thính giả, với mong muốn nhận được những dòng cảm tưởng về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông. Bài viết không quá 200 chữ, gửi về email: tinhca.nhacsilamphuong@gmail.com đến ngày 25.12.2020. Gia đình nhạc sĩ Lam Phương hy vọng những dòng thân thương về nhạc sĩ chính là một món quà ý nghĩa dành tặng cho ông và hành trình 70 năm sự nghiệp âm nhạc của ông.
N. Vân
Mười tuổi, Lam Phương lên Sài Gòn theo học Trường Les Lauriers (nay là Trường Đuốc Sống cơ sở 1) và trọ nhà bà dì trên đường Đinh Công Tráng (gần nhà thờ Tân Định). Gần nhà trọ, có lớp dạy nhạc của nhạc sĩ Hoàng Lang. Từ “cơ duyên” gặp gỡ, thấy cậu bé hiền lành, chân chất và rất có khiếu về âm nhạc nên ông thầy đồng ý dạy miễn phí. Sau đó còn được nhạc sĩ Lê Thương chỉ giáo thêm nên 15 tuổi Lam Phương đã có sáng tác đầu tay (Chiều thu ấy - 1952). Ca khúc này từng được các ca sĩ Bích Thủy, Ngọc Hà, Trọng Nghĩa hát trên Đài phát thanh Pháp - Á. Khi Lam Phương tạm ổn định chỗ ở, anh rước mẹ và các em lên Sài Gòn. Có thể nói những hoài niệm về quê hương với những đêm trăng ngập cánh đồng lúa (trong Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa…), và cả nỗi xót xa thương mẹ, thương em ở chốn quê nghèo (Kiếp nghèo, Đèn khuya…) đã góp phần làm nên sự thành công của nhạc Lam Phương ngay trong giai đoạn sáng tác đầu tay.
Ngay từ thời điểm này, nhạc Lam Phương đã len vào tận các xóm làng hẻo lánh, các khu lao động nghèo ven đô. Người ta “chế lời” của Lam Phương (mà bài hát nào được “chế lời” đều là những ca khúc được ưa thích): “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói...” (Khúc ca ngày mùa); “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời...” (Duyên kiếp). Nhạc Lam Phương không chỉ bầu bạn với dân lao động nghèo mà còn thường vang lên trong đám cưới với Ngày hạnh phúc hoặc Em là tất cả.
Thời kỳ hoàng kim
Trong khoảng 15 năm (1960 - 1975) là thời gian cực thịnh của nhạc Lam Phương, cũng là thời gian ông kết hôn với nữ kịch sĩ Túy Hồng, tạo nên sự kết hợp tuyệt vời giữa nhạc và kịch. Giai đoạn đó, ti vi mới du nhập Việt Nam; Túy Hồng lập ban kịch “Sống” và mỗi tuần đều có lịch phát trên ti vi. Kịch “Sống” được người xem chờ đợi một phần vì những ca khúc của Lam Phương được lồng vào, nhất là ở những ngoại cảnh. Còn nhớ, cảnh cuối ở một vở kịch: nhân vật chính đi lang thang giữa hàng thông cao vút, thẫn thờ nhớ đến người yêu giờ đã xa vời vợi trong tiếng hát Chế Linh với bản Thành phố buồn. Cái hay của Lam Phương là trong bài hát không có một từ nào nhắc đến Đà Lạt nhưng khi nghe ai cũng biết đó là bài hát viết cho thành phố sương mù. Ca khúc này thu được tới 12 triệu đồng tiền tác quyền (lương giám đốc thời điểm đó khoảng 50.000 đồng). Thành công giúp ông hoàn thành ước nguyện của mẹ: “Má chỉ mong có một chỗ trú ngụ đừng quá tồi tàn”.
Chia tay người
Năm 1975, ông đưa gia đình sang Mỹ trong tình trạng trắng tay, trải qua công việc nặng nhọc để nuôi gia đình. Tuy nhiên, hôn nhân của ông với Túy Hồng đổ vỡ. Chuyện đau xót này khiến ông viết một loạt ca khúc chỉ mang một chữ: Điên, Mất, Tiếc, Buồn, Lầm, Say...
Để quên buồn, Lam Phương sang Paris (Pháp) sống cùng em gái. Tại đây, ông gặp được một người phụ nữ đồng điệu, nhạc của ông lại trở nên vui tươi, yêu đời: Bé yêu, Bài Tango cho em, Mùa thu yêu đương... Nhưng rồi cuộc tình này cũng chẳng đi đến đâu. Năm 1995, Lam Phương trở lại Mỹ, cộng tác với các trung tâm âm nhạc của người Việt và có theo đoàn đi lưu diễn ở một số quốc gia châu Âu.
Ngày 13.3.1999, nhạc sĩ Lam Phương bị đột quỵ. Từ đó, ông bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, phát âm rất khó khăn... Sau hơn 20 năm chống chọi với bệnh tim và tai biến, người nhạc sĩ tài hoa đã vĩnh biệt chúng ta vào lúc 18 giờ 7 ngày 22.12.2020 tại California (giờ địa phương, tức trưa qua, giờ Việt Nam), ở tuổi 83. Xin vĩnh biệt ông bằng câu hát: “... Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay, người đi để nhớ cho đời” (Trăm nhớ ngàn thương - Lam Phương).
Trăm nhớ ngàn thương 
Lam Phương - Thái Châu - Mai Thiên Văn
Khúc ca ngày mùa
Lam Phương - Phương Mỹ Chi
Bài Tango cho em
Lam Phương - Khánh Ly
24/12/2020 
Hà Đình Nguyên
Theo https://thanhnien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...