Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Vũ Trọng Phụng và một lớp người thành thị một nền văn chương đô thị

Vũ Trọng Phụng và một lớp người 
thành thị một nền văn chương đô thị

Nhìn vào tấm ảnh Vũ Trọng Phụng còn sót lại và in ở tập I của Tuyển tập Vũ Trọng Phụng hôm nay, khó lòng có ai nghĩ rằng con người đó mất đi khi mới 27 tuổi.
Cái gì là thần thái chính hiện lên trên khuôn mặt đó? Một chút chán chường hoài nghi về thế thái nhân sinh toát ra sau cặp mắt mệt mỏi. Mà cái nhìn chậm rãi pha chút mệt mỏi ở đây lại như một điều cả quyết - không, sự chán chường của tôi là không thể nào cứu vãn được. Nó là kết luận tôi buộc phải rút ra từ cả cuộc sống sôi nổi với cái thế “day tay mắm miệng” quyết liệt của mình. Tôi đã định từ chối mà không sao từ chối nổi. Vậy tôi bằng lòng chấp nhận nó. Sống ngắn ngủi thế cũng đã đủ rồi. Ra đi không có gì phải nuối tiếc nữa. Dẫu sao cũng còn hơn chán vạn kiếp sống thiểu lực nhạt nhẽo khác.
Và Vũ Trọng Phụng đã toại nguyện.
Từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng người ta cũng bắt gặp một cái nhìn cuộc sống tương tự như vậy - một cái nhìn đã ổn định, đã vững vàng, đã đủ cay đắng chua xót, cả hăm hở lẫn chán chường rồi, nên cũng coi như đã trọn vẹn và tất cả là không thể sửa chữa được nữa.
Một điều người ta thường ngạc nhiên mỗi khi nghĩ tới những trang văn của Vũ Trọng Phụng là sao con người này có thể biết nhiều đến thế. Chữ từng trải đối với ông hình như không hợp, phải nói là ông biết lắng nghe, biết tổng hợp, biết từ một cuộc sống hữu hạn của mình thu góp lấy tinh hoa của bao cuộc sống khác, nên mới có sự thông thuộc, sự thành thạo đối với nhiều mảng sống khác nhau vậy. Từ lễ phát chẩn đông hàng ngàn người trước cổng một nhà triệu phú đến một buổi tối sáng trăng, mấy người nhà quê ngồi bóc lạc luộc gẫu chuyện; từ những đám bạc, những đám hút xách, cảnh chơi bời của đám nhà giàu và công chức Hà thành, tới một buổi việc làng, một bữa cơm chạy lụt… tất cả bấy nhiêu khung cảnh, sự việc rồi là lời lẽ của con người, những chi tiết trong trang phục, thoáng lo lắng chợt hiện ra trong tâm tư một bà mẹ già… hầu như cái gì Vũ Trọng Phụng cũng biết, cũng mô tả một cách rành mạch. Stéfan Zweig nói rằng trong Balzac “có cả một thời đại, cả một vũ trụ, cả một thế hệ”. Đôi lúc đọc những Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ, Giông tố… người đọc bất chợt nghĩ rằng cũng có thể nói về Vũ Trọng Phụng bằng một câu tương tự.
Ta sẽ ngạc nhiên hơn, nếu như nhớ rằng mặc dù trải rộng ra như vậy nhưng cũng như ở nhiều nhà văn lớn, thế giới của Vũ Trọng Phụng là một thế giới định hướng rõ rệt. Tác giả biết nhuộm cho cái nhân gian do ông vẽ ra một sắc thái chỉ riêng ông có. Trong khi chiếm lĩnh khách quan, văn chương của ông vẫn chủ quan đến từng chi tiết. Dù viết về cái gì ông cũng tìm ra được lý do để mang được cách giải thích nhân sinh của mình vào đó, và tạo ra đủ cớ để cho người ta phê phán ông là định mệnh, cay nghiệt, hoài nghi, và cả khiêu dâm nữa.
Dù viết về cái gì, ông cũng để lại dấu ấn con người mình, cách nghĩ mình, cả tính mình. Từ các trang sách, ông mỉm cười với hậu thế:
– Tôi là thế đấy. Tôi độc đáo và không lặp lại như một hiện tượng thiên nhiên. Tôi luôn luôn mời gọi người tới lý giải!
Nghị Hách và Xuân Tóc Đỏ, ông đồ Uẩn và cụ Cố Hồng, người tù chính trị được tha có tên là giáo Minh và ông già Hải Vân hành tung bí mật dám làm đủ chuyện ám muội. Rồi bà Phó Đoan, thị Mịch, Tuyết, Loan, cụ Cử, chị Tuất v.v… và v.v… Thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng khá đông và thuộc nhiều giới khác nhau. Khi được nâng lên đến mức điển hình, một số người trong họ là tài liệu quý, giúp đỡ đắc lực cho những ai muốn nghiên cứu về xã hội hoặc tìm hiểu tài nghệ ngòi bút Vũ Trọng Phụng. Nhưng còn như để hiểu tâm sự người viết, cái phức tạp đa đoan của chính tác giả, thì có những nhân vật chỉ đóng vai phụ, hoặc có vẻ không tiêu biểu gì, thật ra lại là một thứ chìa khóa khá tốt, mà người nghiên cứu không có quyền xao nhãng.
Ý chúng tôi muốn nói tới nhân vật Long trong Giông tố.
Vốn có một cuộc sống cơ cực, tủi nhục (đặc biệt về mặt tinh thần), lại tiếp thu được một ít kiến thức, và có lúc có cả triết lý nữa, nhân vật này giống như một thứ chất hỗn hợp. Chỉ có điều đáng tiếc là quá trình hỗn hợp ở đó đang dang dở, chưa hoàn thành. Khi lăn lộn ở “dưới đáy” xã hội, Long không tiếp thu được phần khỏe mạnh của cuộc sống lao động. Còn như sự học của Long  thì cũng nửa vời chắp vá nốt. Bởi vậy, càng có dịp tiếp xúc rộng - nay ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành, mai xuống Cảng, ngày kia ra ngõ Sầm Công… - Long càng chán chường, hoang mang, không tìm ra cuộc đời với cái nghĩa lý thật của nó.
“ – Thưa ông, hiện nay tôi có một điều khổ tâm không thể tả được. Tôi khổ lắm, tôi giận thân, giận đời lắm, tôi muốn liều lĩnh làm một điều gì xằng bậy, một điều gì càn dở, chỉ cốt được hả giận mà thôi (…)
– Tư tưởng phá hoại lạ.
– Vâng, chính thế. Tôi chỉ muốn được khổ sở cho nó bõ một thể.
– Ông Long, ông điên mất rồi.
– Thưa ông, chẳng phải tôi không biết như thế là điên đâu. Nhưng không hiểu vì sao tôi muốn điên lắm, không thì không chịu được nữa. Trời ơi, nếu ông có là tôi, thì ông mới hiểu được những nỗi đau đớn của tôi”
Nội dung cả đoạn đối đáp rõ, riêng câu cuối cùng của Long có một ý nghĩa đặc biệt. Nó hé ra cho thấy rằng ở Long cái ý thức về cá nhân đã lên đến cực điểm. Long mạnh, Long khác người vì phần ý thức ấy, nhưng Long cũng lại là nạn nhân của phần ý thức ấy.
Ở chỗ này, Long rất gần Vũ Trọng Phụng.
Có những ngòi bút như Vũ Trọng Phụng trong văn chương vì có không biết bao nhiêu Long trong đời sống. Những điều như Vũ viết ra, như Long nói ra, là cái phần tự ý thức của một lớp người hỗn tạp, táp nham, đau đớn, ê chề, nhưng lại biết suy nghĩ và khổ vì sự bế tắc không lối thoát của mình: lớp dân nghèo thành thị.
Do những đặc điểm lịch sử, sự phát triển của chế độ phong kiến ở Việt Nam trải qua nhiều khuất khúc và không thể gọi là mang tính chất điển hình. Ngay vào thuở cực thịnh của chế độ đó, các yếu tố thị dân vẫn là một cái gì phát triển không bình thường. Những người thành thị được gọi bằng cái tên không mấy cảm tình, dân kẻ chợ (và xách mé hơn mà cũng đúng thực chất hơn, dân tứ chiến) Trong văn học Việt Nam thời phong kiến, và rộng hơn, trong tâm lý phổ biến ở xã hội, trong đời sống tinh thần nói chung bao giờ cũng thấy đầm ấm một tinh thần lạc quan nó là cái đặc tính cố hữu của những người sống gần thiên nhiên. Một yếu tố bao trùm khác là xu thế ca tụng cái thanh cao, cái trong sạch của cuộc sống nông thôn, ca tụng thú điền viên, bài bác khinh bỉ cuộc sống thành thị, cho là ở đó, nhân tình thế thái điên đảo, đồng tiền làm hư hỏng con người.
Nhưng muốn hay không muốn, thành thị cứ phát triển. Con người kẻ chợ cứ hiện ra rõ nét dần trong văn học, hơn thế nữa, cũng ngày một rõ hơn, mạnh dạn, tự tin hơn là những tiếng nói văn học đại diện cho nếp sống, nếp nghĩ của lớp người kẻ chợ đó. Trong Cung oán ngâm khúc, người ta bắt gặp một triết lý bi quan ở dạng cô đọng; sự kết hợp giữa cung đình và thành thị đẻ ra lối nói kiêu sa pha chút nhục cảm, một thứ nhục cảm mới nẩy nòi, nên còn thô vụng (Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn - Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên…). Với Hồ Xuân Hương, các yếu tố nhục cảm được sử dụng một cách khéo léo hơn, đủ sức trêu trọc, chòng ghẹo người ta hơn, nghĩa là được tác giả quan niệm một cách tự nhiên hơn. Cái lý tưởng điền viên kia không có nghĩa lý gì với Hồ Xuân Hương cả. Trong thơ ca của người nữ sĩ sống nhiều ở Hà thành này, nhân vật trữ tình luôn luôn chon von trong một thế đứng đơn độc, mặc dù đang ở giữa mọi người nhưng không sao tìm được sự thông cảm của con người, và nhìn cái gì cũng ra kỳ hình, dị dạng (Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom - Oán hận trông ra khắp mọi chòm -Mõ thẳm không khua mà cũng cốc - Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Sự cô đơn cá nhân đó cũng là chỗ gần gũi giữa Hồ Xuân Hương với một người như Trần Tế Xương. Tuy là sống cùng thời nhưng nếu thơ Nguyễn Khuyến đi sát cái nhịp hài hòa bình thản thôn dã và không hề phân vân trong việc tìm lại sự yên tĩnh đã mất thì thơ Tú Xương là tiếng nói trực tiếp của những con người thành thị, với tất cả sự trắng trợn có thể có của nó (Vợ lăm le ở vú, Con tấp tểnh đi bồi…); tiếng nói ấy không ngại chua chát, cay nghiệt khi nói về một cuộc sống đã mất hẳn sự hòa điệu, sự thanh cao mà người ta hằng mong muốn.
Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương không phải những  hiện tượng ngoại lệ. Làm nền cho họ là cả một dòng văn học liên tục. Từ dòng văn học đó, từ Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, từ Hoàng Lê nhất thống chí (nhân vật Tuần huyện Trang với câu nói nổi tiếng: - Sợ thày chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình…) qua các truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn thời kỳ Nam phong… Chúng ta có thể tổng hợp lại để nêu lên một số nét tiêu biểu của các nhân vật thành thị trong văn học Việt Nam: ở họ, mối quan hệ quân bình với hoàn cảnh mà ta thường bắt gặp trong cả các nhân vật văn nhân hiệp sĩ lẫn người nông dân, mối quan hệ ấy không còn nữa. Những phẩm chất mà người ta hay ca ngợi - một tấm lòng nhân hậu, một chữ tâm bền bỉ, một thái độ an bần lạc đạo… chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là một lối sống ích kỷ, một thái độ chính trị có khi hoạt đầu, một chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Dưới sự hướng dẫn của những nguyên lý ấy, họ có lối sống mạnh, gấp gáp. Họ không cần được tiếng khen là chừng mực, thanh nhã. Họ thích những gì mạnh, gắt, đập vào cân não. Điều kỳ lạ là bất chấp bao nhiêu những bài báo, chê bai từ phía các bậc trí giả, các nhân vật đó vẫn sống, dòng văn học này vẫn có những đại diện của mình và suy cho cùng, gom góp lại, vẫn mang tới cho đời sống văn học những sắc thái mới lạ, cả nền văn học cũng nhờ đó, có thêm sức sống.
Đến Vũ Trọng Phụng, thì cái chất thành thị ấy cũng trở nên đậm đặc, và có thêm những biểu hiện mới. Người ta có thể cắt nghĩa điều này một phần bằng cái hoàn cảnh mà Vũ Trọng Phụng trưởng thành.
Từ một ít phố xá bé nhỏ bao quanh các thành lũy quân sự trong thời phong kiến qua thời Pháp thuộc. Hà Nội nhanh chóng trở thành một thành phố với phố xá sầm uất hơn, nhà cửa khang trang hơn và nhất là dân cư đông đúc hơn. Đấy chính là một thứ chỗ trũng, thu hút người ở nông thôn ra, trong số đó có những người nghèo không cam tâm chết mòn sau lũy tre xanh, những người bị đè nén bị oan ức, những người ngày hôm qua còn là những thầy đồ, thầy lang, thậm chí cả lý dịch nữa (1) vì những cơ nhỡ như thế nào đó, rơi tụt xuống cái miệng vực ghê gớm, là thành phố. Từ nông thôn ra Hà Nội, họ làm đủ nghề, từ con sen thằng ở “cơm thầy cơm cô”, kéo xe, canh cửa, cho tới mở cửa hàng lặt vặt, dạy tư, làm thầy ký ở các hãng buôn. Và cả viết văn viết báo nữa! Nhà văn mà con nhà nghèo, lớn lên trong sự căm uất lớp người giàu có; nhà văn mà chỉ học đến tiểu học đi làm thuê làm mướn rồi do những tất nhiên ngẫu nhiên như thế nào đó, phá ngang đi viết báo, viết văn - có lẽ không ở nước nào có đội ngũ nhà văn kỳ lạ như vậy. Nhưng đấy là một sự thực. Chính từ một thực tế như thế, văn học Việt Nam trước 1945 có cái nét mặt bình dân với cả cái hay cái dở của nó, mà đến nay, chúng ta còn chưa gọi ra đầy đủ.
ở trên, trong khi nói qua về Nguyễn Gia Thiều, chúng tôi đã lưu ý rằng ở tác giả Cung oán ngâm khúc, chất thành thị gắn liền với chất cung đình. ở cả Hồ Xuân Hương, lẫn Trần Tế Xương, người ta cũng còn luôn luôn bắt gặp những vang bóng của một cuộc sống phong lưu ổn định - một thứ chất trí thức pha chút hiển quý. Còn Vũ Trọng Phụng? Chúng tôi không nhắc lại tiểu sử nhà văn ở đây. Chỉ biết rằng không thiếu những cây bút đương thời có hoàn cảnh xuất thân như tác giả Số đỏ: đó là những người làm nghề trí thức đời thứ nhất, trước họ, trong gia đình họ, chưa ai làm nghề này cả, và muốn hiểu họ, phải hiểu cả gốc gác xa xưa của gia đình họ nữa.
Do những điều kiện mà xã hội tư sản mới hình thành mở ra (trong đó có xu hướng dân chủ hóa không cưỡng lại nổi), đây là những dịp đầu tiên mà tầng lớp dân nghèo thành thị có được tiếng nói của mình trong văn học. Nhưng những con người thành thị mới một hai đời này cũng bộc lộ một sự không thuần nhất đến lộ liễu. Rời khỏi nông thôn họ có cái may mắn là cắt đứt khỏi sự trói buộc của hoàn cảnh quen thuộc, một hoàn cảnh vô cùng tù đọng, trì trệ. Cái ngưỡng tự do của họ được rộng mở. Với chút căn cốt của dân lao động vốn có, một số trong họ vẫn giữ được cái nhân hậu của con người, lòng yêu chính nghĩa, niềm tin và cả cái khỏe mạnh trong ý nghĩ về cuộc sống (đương thời, Nguyên Hồng chính là người phát ngôn  của tầng lớp dân nghèo thành thị với cái phần căn cốt tốt đẹp đó). Nhưng ở rất nhiều người khác, thì sau những năm tháng bị đày ải ở nông thôn, những gì tốt đẹp hầu như thui chột, rụi rọ đi, thay vào đấy, là lòng căm ghét con người, cái nhìn ghen tị, thù hận - những phẩm chất gắn liền với cái mà người ta gọi là chất lưu manh. Lưu manh nghĩa là không bị ràng buộc bởi một chuẩn mực nào hết. Lưu manh trong ý muốn đạp đổ tất cả.
Cũng phải công nhận rằng so với những người nông dân thì lớp dân nghèo thành thị ở chung quanh Hà Nội những năm trước Cách mạng 1945 được tiếp nhận một nền giáo dục đáng kể hơn nhiều. Nhưng kiến thức thì có mà căn bản văn hóa thì chưa. Những người có hiểu biết về nền giáo dục mà thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam trước đây đều biết rằng nó chỉ nhằm đào tạo ra những người thừa hành mà không hề muốn làm công việc mở mang trí tuệ như thực chất của giáo dục đòi hỏi. Ngay ở bậc cao học, kiến thức được truyền thụ cũng mang tính chất primaire, nghĩa là sơ đẳng, thực dụng. Còn nói chi việc học ở các bậc tiểu học là cái trình độ mà nhiều nhà văn của chúng ta được nhận! Để bù lại, sau này vào nghề văn, một người như Vũ Trọng Phụng đã học thêm rất nhiều (ai đó kể rằng ông thường có mặt sớm nhất bên những chuyến tàu chở hàng từ Pháp sang để đón sách báo). Nhưng nhìn chung, làm sao mà tránh khỏi chắp vá, què quặt? Nhiều lần trong các văn phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng đã nhắc tới học thuyết Freud. Đúng ra, phải nói ông đã mang tiếng là tuyên truyền cho nó. Nhưng từ góc độ của ngày hôm nay mà xét, phải nhận cách giải thích về Freud của tác giả Số đỏ, Giông tố… nông nổi và mang màu sắc dung tục. Là một phát minh vĩ đại của thế kỷ này, phân tâm học của Freud và những người kế tục như (C.G. Jung) phong phú hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn và cũng… cận nhân tình hơn nhiều. Cách tiếp nhận Freud của Vũ Trọng Phụng chỉ là một ví dụ về khả năng tiếp nhận các vấn đề khoa học - tự nhiên cũng như xã hội - của nhiều người dân thành thị đương thời, kể cả những người hành nghề trí thức.
Người ta thường vẫn lấy làm lạ khi thấy một ngòi bút sáng suốt như Vũ Trọng Phụng lại mê tín và công khai trình bày sự mê tín của mình trên nhiều trang sách. Nhưng chẳng phải là chính đặc điểm đó lại thông báo chính xác hơn hết cái phương diện tinh thần ở Vũ Trọng Phụng và chỉ ra đầy đủ gốc rễ mà cũng là đặc điểm của tài năng văn học này: Ông là dân nghèo thành thị từ đầu đến chân. Với tầng lớp dân nghèo đó, khi ông gần gụi, khi ông căm ghét, nhưng bao giờ ông cũng vẫn là họ, chơi vơi và bế tắc, không tìm đâu ra lối thoát như phần lớn bọn họ.
Theo một con số thống  kê đưa ra trong cuốn Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam tập 5 (bản in 1978), thì riêng năm 1937, ở Việt Nam có 110 nhật báo (gần như tất cả là báo tư), 159 tập kỷ yếu và các tạp chí. Trong các năm 1938-1939, số nhật báo sẽ lên tới 128, còn con số kỷ yếu tạp chí cũng tăng lên ít nhiều.
Khi báo đã nhiều như vậy, thì nghề làm báo cũng phát triển. Mỗi tờ báo trên thực tế, chỉ do vài người viết giúp. Những người này nếu viết được văn thì càng tốt. Bởi lẽ ngoài phần tin tức và quảng cáo vốn là lý do để tờ báo có bộ mặt một cơ quan thông tin đại chúng, báo còn thường cùng lúc đăng nhiều tiểu thuyết, ngày nọ tiếp ngày kia (thường gọi là phơi-ơ-tông) lấy việc cần phải theo dõi liên tục câu chuyện để kéo độc giả.
Từ một trường làm báo này, đã hình thành những cây bút vừa viết văn vừa viết báo, những nhà báo kiêm nhà văn có sức làm việc đều đều, và tay nghề vững chãi.
Chẳng những Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng mà Nhất Linh, Xuân Diệu, Thạch Lam… đều đã trưởng thành từ môi trường báo chí ấy. Đương thời, có lúc cũng một số báo Phong hóa đăng theo kiểu phơi-ơ-tông mấy tiểu thuyết của Khái Hưng. Bản thân Thạch Lam cũng từng làm thư ký tòa soạn Ngày nay một thời, từ đó, viết nên Hà Nội ba sáu phố phường và nhiều tiểu luận văn học có giá trị.
Cố nhiên, đây chỉ là một sự giống nhau bề ngoài, nó là đặc điểm của những người làm nghề cùng thời (sau Cách mạng, không thấy cách tồn tại của các nhà văn như vậy nữa)
Còn trong thực tế, chỗ khác nhau giữa họ rất nhiều. Tất cả bắt đầu ngay từ câu hỏi dơn giản: Tại sao họ cầm bút?
Ở chỗ này thì trường hợp một trí thức như Nhất Linh có ý nghĩa một bằng cớ để so sánh.
Đi du học về, rồi thấy cần phải mở mang dân trí nên Nhất Linh viết văn. Cùng với Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam v.v… ông lập ra nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Họ vừa viết, vừa làm chủ tờ báo và nhà xuất bản. Viết xong, đã có cơ quan in ngay tác phẩm của mình. Lỗ lãi không cần lắm. Đã có những nguồn lợi tức khác bảo đảm sinh kế cho họ và gia đình.
Khi không phải lo chạy ăn từng bữa, người ta tha hồ ngồi nghĩ đủ việc, cả việc lông bông lẫn việc lớn!
Trước đây, với lối nghĩ dung tục đã thành nếp, một số nhà nghiên cứu văn học ở ta thường bảo những nhà văn đó chỉ viết để phục vụ cho bọn trưởng giả, không được việc gì cho dân cho nước mà dễ dàng làm tay sai cho đế quốc phong kiến. Ngày nay rõ ràng không thể nghĩ hợm hĩnh vô lối như thế được nữa. Ngày nay chúng ta nói rằng sự bảo đảm vật chất cũng là một điều kiện quan trọng để nhà văn có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị, còn cái căn bản trí thức thì thật cần, nó tạo cho người viết văn một cái phông vững vàng để chạy đường trường.
Chỉ có điều đáng tiếc là số nhà văn kiểu ấy trước Cách mạng đếm không đầy mười đầu ngón tay.
Về mặt chủng loại mà xét, đặt bên cạnh Nhất Linh, Khái Hưng, kiểu nhà văn như Vũ Trọng Phụng phổ biến hơn nhiều.
Trong số này, có người là nhà nho lỡ thời, không thi cử nữa, xoay ra viết giúp cho tờ báo nào đó, sống độ nhật. Có người trước cũng giàu có, nay thất cơ lỡ vận, thù đời mà đi viết văn. Lại có chàng trai quê, ngơ ngơ ngác ngác, trước chỉ lêu lổng rượu chè rồi làm thơ cảm khái, hoặc thơ… chọc ghẹo mấy cô hàng xén, nay nhận ra rằng hình như những điều gọi là tâm sự của mình đó, có người mua, thế là mang bán; mới đầu bán rẻ, sau khôn hơn, bán đắt hơn, đủ sống và có thể nhận cả đơn đặt hàng nữa. Thế là thành nhà thơ nhà văn.
Chỗ bi đát thứ nhất của lớp người viết văn kiểu này là họ buộc phải sinh nhai bằng ngòi bút. Qua những điều mà chính họ kể lại, cuộc săn tìm miếng cơm manh áo cho mình và gia đình mình lắm khi hiện ra như một quang cảnh vừa buồn cười, vừa ứa nước mắt. Bản thân những kỷ niệm mà các bạn văn của Vũ Trọng Phụng kể lại khi ông vừa nằm xuống đã chứng minh cho điều ấy.
Nhưng thực tế đời sống còn bi đát hơn ở chỗ mặc dù luôn luôn bị cái hàng ngày kéo xuống như vậy, các ông vẫn phải làm nhà văn, với tất cả những yêu cầu cao cả mà nghề nghiệp này đòi hỏi.
Thật vậy, cái trớ trêu của nghề văn là ở chỗ nó không biết đến điều kiện cụ thể của người viết và điều này có vẻ như đánh thẳng vào lớp nhà văn dân nghèo thành thị. Với cái vốn sơ học yếu lược khi vào nghề, họ phải luôn luôn nghĩ rằng những (A. France), (R. Rolland), (L. Tolstoi), (Dostoievski) là đồng nghiệp của mình. Trong những căn phòng tranh tối tranh sáng, hoặc là lúc nào cũng ồn lên tiếng chửi nhau đánh nhau… họ phải nói tới lương tâm chính nghĩa. Họ đã khổ, nhưng còn có lớp dân quê và những phu phen, thợ thuyền bên hàng xóm, còn khổ hơn, lúc nào cũng tính chuyện nhờ họ giải bày niềm oan uổng. Trong khi những chuyện mè nheo hàng ngày không ngừng giày vò họ, họ vẫn phải nghĩ rộng tới người khác, phải nghĩ mình có trách nhiệm chấn hưng phong hóa, giáo huấn người đời, và kín đáo tố cáo chế độ thuộc địa cũng là thức tỉnh lòng yêu nước, nếu có thể.
Trên đôi vai bé nhỏ của các nhà văn ấy chồng chất tầng tầng gánh nặng mà ở các nước, chỉ bọn trí thức no đủ mới làm nổi.
Biết bao nhiêu nhà văn nhà báo loại này đã đầu hàng, đã nhẫn nhục coi công việc viết lách như một nghề kiếm sống thuần túy, đã viết nhanh, viết ẩu, viết theo thời thượng, cốt cho các ông chủ báo bằng lòng, rồi lại chán chường khinh bỉ công việc của mình. Một ngòi bút như Vũ Trọng Phụng không xa lạ với những đồng nghiệp như vậy. Nhưng Vũ Trọng Phụng đã đi xa hơn họ. đồng thời với việc làm nghề thành thạo, Vũ Trọng Phụng biết mang lại cho nghề văn một chút ý nghĩa mà nó thường có ở mọi thời và mọi nước:
Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tế đời sống không bao giờ họ cảm thấy bằng lòng và sự thật  là không bao giờ hiểu hết.
Nếu biết nhìn kỹ thì mỗi một hiện tượng riêng lẻ đều mang những đặc điểm chung của chủng loại, nghĩa là đều có ý nghĩa tiêu biểu. Chỉ riêng nó thôi, cá nhân nào cũng mang sẵn trong nó chất điển hình rồi, điển hình ấy chỉ chờ ta đến khám phá.
Cái chân lý sơ giản ấy đã đúng cho mọi người thì cũng đúng cho các nhà văn. Một lúc nào đó, tôi ngờ rằng trong một cuốn từ điển làm riêng về văn học Việt Nam, người ta sẽ gọi Vũ Trọng Phụng là một nhà văn tiêu biểu của thế kỷ XX. Nhà văn này xuất thân từ một tầng lớp đã cung cấp cho văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945 nhiều cây bút nổi tiếng. Như một giống cây khỏe, trong khi vươn lên mãnh liệt, tài năng của Vũ Trọng Phụng vẫn bắt rễ rất sâu vào cái khu vực tranh tối tranh sáng là cuộc sống lớp dân nghèo thành thị đã sản sinh ra ông. Và ông khai thác nó một cách triệt để. Với tất cả vẻ chua chát, phũ phàng, cay đắng hằn học khiến người ta vừa thích vừa ngại, giọng văn Vũ Trọng Phụng tưởng là xa lạ, thực ra là sự tiếp tục ở giai đoạn mới cái dòng văn học thành thị trong văn học Việt Nam, cái dòng văn học được làm nên bởi những tên tuổi như Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương và bao người khác.
Chẳng những thế, hiện tượng Vũ Trọng Phụng còn có ý nghĩa tiêu biểu ở một phương diện khác: qua ông người ta hiểu tâm tình, hoàn cảnh, lối làm việc, chỗ mạnh chỗ yếu của số đông những người cầm bút Việt Nam. Phần lớn họ sống lầm lụi giữa nhân dân lao động (cái điều người ta thường chê trách rằng họ sống xa nhân dân chẳng qua là một câu chuyện bịa đặt); bản thân việc cầm bút của họ trước tiên cũng là một thứ lao động cật lực. Nếu như đôi lúc, sau những trang văn phần lớn do sinh kế thúc ép mà phải viết vội ấy, họ có hiện ra như những người hàm hồ, lắm lời, nói quá nhiều chuyện tầm phào, thuyết minh cả những điều mình chưa biết cặn kẽ, để rồi sau đó lại chán ngán, buông xuôi, kêu to lên tiếng kêu bất lực, v.v… và v.v… thì ngẫm cho kỹ, tất cả đều đáng thông cảm. Vả chăng mặc dù, lẫn vào bao nhiêu trấu sạn và cả rác rưởi nữa, cái phần tinh hoa tốt đẹp của mỗi người vẫn là không gì thay thế được. ít nhiều công việc mà những người cầm bút như Vũ Trọng Phụng đã làm đều có gắn với hồn thiêng đất nước và cái mong mỏi khôn cùng là mong cho xã hội ngày một văn minh tấn tới. Đấy cũng là lý do khiến tác phẩm của họ sẽ còn lại mãi với lịch sử.
1989
Đã in Tạp chí văn học 1990, số 2
Bước đi tự phát ở một ngòi bút ghi chép lịch sử
Ấn tượng sâu sắc nhất mà có lẽ tất cả bạn đọc đều chia sẻ khi đọc Số đỏ, ấy là cái sự nhố nhăng nhảm nhí của đời sống được nhà văn phác họa theo lối châm biếm. Nói như Lưu Trọng Lư, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã “chế nhạo tất cả những cái rởm cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của một hạng người một thời  đại“. Hiện đại ở đây đồng nghĩa với sự tàn phá nhân cách, làm hỏng con người. Hiện đại là một bước đi không thể chấp nhận được. Thế nhưng liệu đã có thể nói đó là tất cả cái cuộc sống trên đường hiện đại hóa được nói tới trong  tác phẩm Số đỏ? Có phải xã hội đương thời chỉ có tàn lụi mục nát vô phương cứu vãn hay thực ra nó đang vận động theo một phương hướng đầy triển vọng  và chính ngòi bút Vũ Trọng Phụng cũng đã tham gia vào việc ghi chép lại cái quá trình đổi khác  đó - một việc chắc chắn là chính ông cũng không ngờ tới?
Hiện đại hóa là gì và ý nghĩa lịch sử của nó
Đặt xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX trong toàn bộ sự vận động chung của lích sử dân tộc, chúng ta thấy nó là một bước rẽ ngoặt mà nội dung căn bản là hình thành nên một xã hội kiểu mới khác hẳn xã hội Việt Nam từ đó về trước. Trong cả sử học lẫn các bộ môn khác của khoa học xã hội, trong đó có lịch sử văn học, người ta thường gọi đó là quá trình hiện đại hóa.
Trong một bài viết mang tên Tìm nghĩa khái niệm hiện đại (có in trong sách Nhìn lại một thế kỷ văn học, NXB Chính trị quốc gia, H.2002) chúng tôi đã có dịp trình bày cách hiểu về quá trình này, dưới đây là mấy nét tóm tắt:
- Đó là sự chuyển biến từ kiểu xã hội phong kiến trung đại sang một xã hội công nghiệp hóa, có đô thị phát triển. Bắt đầu từ cơ sở kinh tế, cuộc chuyển biến này kéo theo hàng loạt biến động, nhiều quan niệm của con người về bản thân mình cũng như về thế giới có thay đổi. Đồng thời với sự trưởng thành của ý thức xã hội thì con người cá nhân trong họ cũng được giải phóng.
- Bởi đây là sự chuyển biến từ một xã hội theo kiểu phương Đông sang một xã hội xây dựng theo mẫu hình phương Tây lúc ấy, nên người ta còn  gọi nó là Âu hóa. Thực chất của hiện đại hóa trong điều kiện lịch sử đầu thế kỷ XX chính là Âu hóa. Không chỉ ở Việt Nam mà ở Trung quốc và ở nhiều nước châu á khác, hiện đại hóa đều được  sử dụng với nghĩa cụ thể như vậy. (Còn tới cuối thế kỷ XX nó vẫn được dùng nhưng có hàm nghĩa mới thì đó lại là chuyện  khác).
- Muốn hay không muốn cũng phải xem đây là một bước tiến bộ. Tính đến hoàn cảnh đương thời, thì đây là  công thức duy nhất có thể đưa xã hội ra khỏi điểm chết mà sự vận động của lịch sử trước đó đẩy tới. Không phải hiện đại hóa hoàn toàn đối lập lại quyền lợi chính đáng của dân tộc. Ngược lại, chính trong hoàn cảnh hiện đại hóa mà ý thức dân tộc, vốn có từ trong quá khứ, bắt đầu mang một nội dung mới thích hợp hơn do đó trở nên  hoàn thiện và có sức thúc đẩy lịch sử tiến tới. Đặc biệt với công cuộc công nghiệp hóa, ý thức dân chủ có dịp nảy nở mạnh mẽ.
Một trong những tư tưởng cơ bản được trình bày trong Văn minh tân học sách của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục (tổ chức tập hợp những bậc trí giả thức thời hồi đầu thế kỷ XX), đó là tình trạng lạc hậu cổ hủ của xã hội Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn minh Tây phương. Đến một nhà yêu nước như Phan Chu Trinh thì tư tưởng đó là cả một ám ảnh. Theo Phan Chu Trinh, sự lạc hậu nếu không được nhận thức và được khắc phục thì mọi nỗ lực dành lại độc lập đều vô nghĩa. Trong Thư gửi chính phủ Pháp, ông viết “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức... Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn; có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ (đây là chính phủ thực dân Pháp - VTN chú) cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi (…)” (1)
Có thể nói sự sáng suốt của những người vừa yêu nước thương nòi vừa nhìn xa trông rộng và có tư tưởng canh tân xã hội trên đây đã có sức chi phối đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam mà quá trình hiện đại hóa nói ở đây là bằng chứng. Dù  công cuộc hiện đại hóa đó tiến hành dưới sự kiểm soát của bộ máy thực dân, song vẫn phải ghi nhận một sự thật dẫu sao quá trình đó đã xảy ra. Không có quá trình hiện đại hóa này thì không có xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như chúng ta đã thấy, không những không có đô thị, nhà trường kiểu mới, đường sắt, bưu điện, báo chí…, mà cũng không có sự tiếp xúc bình thường giữa Việt Nam và thế giới. Nói cho hết lẽ, phải thấy không có quá trình hiện đại hóa thì không có luôn cả sự phân hóa giai cấp như các nhà nghiên cứu lịch sử thường phân tích, không có giai cấp công nhân và một bộ phận trí thức kiểu mới, không có sự du nhập của ý thức hệ Mác Lênin, dẫn đến những biến động có tính chất bước ngoặt từ sau Tháng Tám 1945.
Hiện đại hóa đã tự phát có mặt trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như thế nào?
Hãy bắt đầu bằng một chi tiết nhỏ trong chương II của Số đỏ, cái đoạn tả cảnh xảy ra tại một bóp cảnh sát khi một viên quản ngồi than thở sự đời với một thầy cảnh sát dưới quyền, thầy min đơ (1002):
- Thầy có tiếc cái thời buổi ngày xưa, cách đây mười năm không?
- Tiếc lắm ! Mười năm trước đây, dân ta còn ngu...
- Ngày nay dân ta văn minh mất rổi rõ thảm hại! Thầy phải biết là xưa kia, xã hội tinh những du côn với nặc nô, tinh những người bất lịch sự chỗ nào cũng phóng uế, cũng đánh nhau. Hồi ấy có khi bốn người ngồi một xe! Họ chửi nhau hàng nửa giờ, đánh nhau vỡ đầu, nhà cửa của họ thì rác rưởi, nước cống nước rãnh tung tóe, ngập lụt. Chó của họ cũng chạy ra ngoài đường nhông nhông… Xe đi đèo, hay không đèn là nhan nhãn. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả...
Điều bất ngờ là ở chỗ đằng sau câu chuyện mà tác giả thuật lại để chế giễu tự nó có một ý nghĩa khác. Không gì khác, cái thời buổi ngày xưa mà hai nhân vật nói ở đây chính là xã hội Việt Nam trước hiện đại hóa, với một nếp sống phải nói là lạc hậu và chẳng có gì là đáng ước ao, nếu không nói rằng đáng từ bỏ. Còn thay thế nó lại là xã hội nền nếp quy củ. Và sự thay đổi mà các viên cảnh sát than phiền là hỏng là đáng chê trách thì theo lương tri thông thường, lại là một sự thay đổi theo hướng tiến bộ hợp với tinh thần của nhân văn và đạo lý.
Nếu tiếp tục khảo sát tác phẩm theo hướng này, người ta sẽ thấy Số đỏ vô hình trung đã phác họa một khuôn mặt khác của xã hội trong một giai đoạn lịch sử có những đảo lộn hàng trăm năm chưa từng có. Từ đầu thế kỷ XX trong lòng xã hội phong kiến, những nhân tố của một xã hội theo kiểu phương Tây đã nảy sinh và tới những năm ba mươi có thể nói cái nền nếp mới ấy đã trở nên ổn định thay cho nền nếp xưa “thế là hết nhẵn nhụi“. Đóng vai trò đầu tàu cho lịch sử là những đô thị mới vừa hình thành. Trong kiến trúc trong đường xá cầu cống trong kiểu ăn ở đi lại... của con người, chúng khác hẳn so với cái gọi là đô thị thời trung đại. Phân công lao động trong xã hội đã khá cao, nhiều nghề mới nảy sinh, không phải chỉ có me tây đĩ điếm như nhiều người thích bêu riếu, mà quan trọng hơn có người đi du học, có luật sư bác sĩ, có các loại cửa hàng và khách sạn đầy đủ tiện nghi, có cả các loại sân thể thao được xây riêng trong từng gia đình và thày dạy đánh quần vợt. Đặc biệt ý thức công cộng của mỗi thành viên trong xã hội được nâng lên một bước. Đằng sau cái câu nói đơn sơ “Lúc này đến cả thằng phu xe cũng biết luật“ là một sự thật: xã hội đã vượt qua giai đoạn tự phát mạnh ai nấy sống. Làm gì người ta cũng phải chú ý xem phản ứng xã hội với mình là như thế nào. Báo chí có mặt ở mọi nơi mọi chỗ.
Cũng nên lưu ý thêm là theo sự miêu tả của tác giả thì Xuân tóc đỏ có lúc ăn vận theo kiểu hề Charlot để gây chú ý, cũng như ông Joseph Thiết có nhắc đến Léon Daudet - họ là những nhân vật nổi tiếng mà xã hội Việt Nam thời thuộc địa có biết và tên tuổi thường xuất hiện trên mặt báo; ấy là không kể có cả một buổi hội thảo không chính thức về học thuyết của Freud (đoạn đầu chương XIII). Những mẫu hình của văn hóa hiện đại đã xuất hiện để thay thế cho những khuôn vàng thước ngọc dẫn lại từ thời Nghiêu Thuấn mà mọi người đều đã ngán đến tận cổ!
Ở trên chúng ta đã nói rằng con người trong Số đỏ hiện ra với nhiều nét khó coi ,ồn ào học đòi, tham lam dâm đãng. Song suy cho cùng những thói xấu ấy vẫn là bề ngoài. Nếu không xem các tiêu chuẩn đạo đức vốn có từ thời phong kiến là bất biến mà xét kỹ cái trình độ sống của con người, nhất là văn hóa chung sống của những con người đó, cái ý thức của họ về sự tiến bộ chung của xã hội, chúng ta thấy gì? Rõ ràng, đặt bên cạnh những con người đơn giản, sống cầm chừng, chậm rãi rời rạc của xã hội trung đại, thì con người lúc này luôn hiện ra với vẻ gấp gáp linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi biến chuyển lúc nào cũng có thể xảy ra. Mọi người, từ Xuân đến bà phó Đoan, từ vợ chồng Văn Minh đến ông TYPN (Tipphờnờ)… và cả mấy người già như cụ cố Hồng đều có ý thức về cuộc đời mà họ đang sống, muốn sống theo những tiêu chuẩn mới mẻ mà họ tin tưởng chứ không phải thế nào cũng được muốn đến đâu thì đến.
Đây là lời bà Văn Minh giảng giải cho một khách hàng về ý nghĩa của cửa hàng Âu hóa do hai vợ chồng bà ta chủ trương:
- Thưa bà chúng tôi chỉ tiến theo luật tiến hóa chung của xã hội. Giữa buổi canh tân này cái gì là bảo thủ thì bị đào thải đi. Bà có biết rằng từ khi chúng tôi mở cửa  hiệu này ra thì đã bao nhiêu người vợ được cứu vớt, tìm thấy lòng yêu của chồng, lại được hưởng hạnh hạnh phúc gia đình rồi đó  không?
Còn đây, cái quan niệm về ăn mặc mà cửa hàng của bà ta noi theo:
- Thưa bà, những nguyên tắc về y phục đã thay đổi. Chúng tôi mà có chế ra kiểu này cũng là vì theo cái quan niệm y phục của các nhà thợ may lớn ở Tây phương. Quần áo để tô điểm, đẻ làm tăng sắc đẹp chứ không phải để che đậy…
Đặt trong mạch chung của tác phẩm thì đây có vẻ như lời lẽ mòn sáo  của một kẻ học đòi. Nhưng thử tách nó ra như một văn bản độc lập,  chúng ta thấy đây là những ý tưởng nghiêm chỉnh (một số điều đến nay chúng ta cũng đang áp dụng). Con người bấy giờ đặc biệt có ý thức về một cuộc sống khác với những gì họ sẵn có chứ không một chiều nệ cổ. Họ đã nhìn rộng ra cả thế giới chứ không chỉ chăm chăm quay đầu về cái sân nhà mình hoặc cái làng con con của mình. Họ lại đã có được ý thức đúng đắn về thời gian và mối quan hệ giữa thời gian và bản thân mình. “Nó cảm thấy đời nó từ nay mà đi dễ thường đã vào một kỷ nguyên mới.” - Không nên một chiều cười giễu cái câu tự nhủ ấy của Xuân tóc đỏ, ngược lại  nên ghi nhận ở nhân vật cả cái ý chí lập nghiệp lẫn một sự tiên cảm chính xác về tương lai.
Số đỏ kết thúc bằng việc Xuân nhường chức vô địch quần vợt cho đối thủ người Xiêm La. Câu chuyện có vẻ hoàn toàn bịa đặt song đằng sau nó cần phải ghi nhận một điều: một cá nhân như Xuân đã biết làm chủ hành động của mình, và sự tính toán ở đây chẳng những là hợp thời mà còn là khôn ngoan.
Trong khi làm lại  cuộc sống, cố nhiên, trong tiềm thức, con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX tự hiểu rằng mình có một quá khứ hết sức nặng nề. Trên mọi phương diện, họ đều nhận ra một sự đối đầu giữa cũ và mới, giữa lối cổ và lối kim. Nếu như thường xuyên chúng ta bắt gặp ở họ cái vẻ huênh hoang thì chẳng qua cũng chỉ là một cách nói to lên những điều lớn lao để tự động viên mình. Sự thay đổi quá nhanh không khỏi dẫn tới những sự vội vã ép uổng, những nét kệch cỡm, nhưng không phải vì thế mà đáng sổ toẹt tất cả.
Có hai con người trong một Vũ Trọng Phụng
Âu hóa không chỉ là tên gọi của cái cửa hàng thợ may nơi nhân vật Xuân trong Số đỏ đến học việc và bắt đầu một cuộc tiến thân. Âu hóa cũng chính là nội dung của quá trình chuyển biến của cái xã hội nho nhỏ mà tất cả các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này - từ những nhà cải cách xã hội như vợ chồng Văn Minh, các trí thức như ông Josef  Thiết, ông đốc tờ Trực Ngôn… đến lớp người mạt hạng như Xuân cùng mấy ông thày bói mấy cô bán hàng mấy chị vú em - bị cuốn hút theo.
Suy rộng ra, dễ ước đoán là qua cuốn tiểu thuyết, tác giả muốn làm một cuộc tổng kết cơ bản, khái quát cả quá trình chuyển biến của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Đã rõ là có hai tầng hiện thực khác nhau được ghi nhận trong các trang sách của nhà văn họ Vũ: một đằng là cái đời sống ở cái vẻ nó đập ngay vào mắt mọi người; và một đằng nữa là cái đời sống ở bề sâu, cái phần ẩn dấu và chỉ bộc lộ ra một cách tự phát, người đọc cũng dễ bỏ qua.
Thái độ của tác giả với hai mảng hiện thực ấy cũng khác nhau rõ rệt. Có vẻ như với Vũ Trọng Phụng, cái phần xấu xa của đời sống đương thời là đáng quan tâm hơn cả. Ông tố cáo. Ông lên án. Toàn bộ kiệt tác Số đỏ của ông được xây dựng trên cảm hứng phê phán đó. Ngược lại, cái mảng hiện thực thứ hai có vẻ nằm ngoài ý thức của ông. Ông chỉ nhân tiện mà nói tới. Sự chểnh mảng của ông với cái phần đời sống này rõ rệt đến mức mà người ta chỉ nắm được nó bằng cách tách sự việc đứng riêng ra, để chúng độc lập bên cạnh cái nhìn của các nhân vật vốn là nhân vật phản diện, thậm chí độc lập với tác giả.
Có điều không phải vì thế mà nó cái đời sống ở bề sâu ấy không hiện ra một cách rõ rệt. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả. Một câu như vậy quả đã thâu tóm được quá trình biến đổi của xã hội, và ở chỗ này có thể bảo Vũ Trọng Phụng là một người chép sử trung thành, mặc dù ông không có ý thức đầy đủ  khi làm công việc ghi chép quan trọng ấy.
Đọc các nhà văn cổ điển cỡ như Balzac, người ta đã được chứng kiến không ít trường hợp trong con người nhà văn có sự đối lập, trong khi thái độ ông ta đối với thực tế thế này thì bức tranh xã hội được ông vẽ ra lại có ý nghĩa khác hẳn.
Trường hợp Vũ Trọng Phụng ở đây cũng có gì na ná như vậy.
Thử giải thích cái nhìn và thái độ của Vũ Trọng Phụng: 

Yếu tố chủ quan…
Các nhà viết tiểu sử đã sớm ghi nhận Vũ Trọng Phụng thuộc loại dân nghèo mới từ bỏ làng quê để nhập tịch vào đô thị. Nhưng lên với Hà Nội ông và gia đình vẫn sống rất thanh bạch. Thay cho cái nghèo chân chất của người nông dân là cái nghèo nhếch nhác luộm thuộm của đám người nằm ở dưới đáy của Hà Nội băm sáu phố phường.
Có những người nghèo song cam phận, nhẫn nhục, có cái nhìn nhân hậu đối với sự đời, song lại có những người do nghèo mà sinh ra cay nghiệt hằn học chỉ muốn đập phá hết cả. Vũ Trọng Phụng chính là thuộc típ người thứ hai. Dù đã nhọc lòng đi tìm sự thay đổi, song ông và những người như ông vẫn không tìm thấy miền đất hứa để có thể tạm bằng lòng với số phận mà sống trong thanh thản. Bởi vậy, ông nhìn mọi biến thiên xảy ra trong xã hội như là những chuyện vô lý. Sự đối mặt thường xuyên với mọi loại sa ngã hư hỏng  bất công giả dối khiến ông đớn đau căm uất.
Nói cách khác, nhà văn thân yêu của chúng ta không thoát khỏi mình để có một cách nhìn khách quan với xã hội và xem tiến bộ xã hội như một tiêu chuẩn đánh giá đời sống. Khách quan mà xét, phải nói rằng ông bảo thủ, cố chấp. (2)
Qua các hồi ức của những người quen biết riêng với Vũ Trọng Phụng, từ lâu người ta đã biết rằng tác giả Số đỏ là một người, trong sinh hoạt hàng ngày, có nhiều phần nệ cổ chứ không mô-đéc như những người bạn của ông (mà Nguyễn Tuân là một ví dụ). Tới đây chúng ta lại thấy ông nệ cổ cả trong cách nhìn đời nói chung. Từ sự bảo thủ trong quan niệm đạo đức tới bảo thủ trong quan niệm xã hội, kể ra cũng là một bước đi tự nhiên, không thế thì mới là chuyện lạ.
… Và yếu tố khách quan
Đặc điểm của hiện đại hóa ở Việt Nam là nó diễn ra không bình thường. Nó không nảy sinh như một sự phát triển nội tại mà là từ bên ngoài ấn vào. Mà yếu tố bên ngoài đây lại là nước Pháp thực dân, lúc đó đang đóng vai trò của một thế lực đi xâm lược. Một thời gian dài, với người Việt Nam, chấp nhận hiện đại hóa tức là chấp nhận hành động đồng hóa của bọn xâm lược. Điều đó trái với tinh thần quật cường chống ngoại xâm (bằng bất cứ giá nào đẩy các thế lực ngoại nhập ra khỏi đất nước) đã thành một truyền thống của lịch sử dân tộc.
Chẳng những thế, trong thực tế, công cuộc hiện đại hóa diễn ra trong máu và nước mắt. Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đã quá trì trệ và con người quen lặn ngụp trong sự lạc hậu rất ngại thay đổi. Đổi mới đối với họ thường khi là một việc làm quá sức.
Bởi vậy (kết hợp cả hai yếu tố trên), người ta không ngạc nhiên nhận thấy rằng ngay từ khi mới bắt đầu, hiện đại hóa đã không được người Việt Nam tiếp nhận một cách tích cực. Kẻ biết nhìn ra ý nghĩa tiến bộ của nó rất ít. Trong lòng mọi người, sự ngại ngần trở đi trở lại. Đủ thứ áo khoác mỹ miều được lôi ra sử dụng để che đậy cho sự thù ghét và sợ hãi cái mới. Đọc lại văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, người ta thấy với Tú Xương rồi Tản Đà tiếp đó là các nhà văn xuôi như Trọng Khiêm, Đặng Trần Phất…, hiện đại hóa đều được miêu tả như một quá trình gây ra đau khổ cho con người. Tiếp đó, nhiều ngòi bút cùng thời với Vũ Trọng Phụng, những Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Nguyên Hồng, Nam Cao… đều miêu tả đời sống theo cái cách ít nhiều lên án hiện đại hóa. Sự bảo thủ mà trên đây chúng tôi nói ở Vũ Trọng Phụng suy cho cùng cũng là nét bảo thủ của khá nhiều người, kể cả những người thuộc diện tinh hoa của xã hội. Thậm chí còn có thể nói nó là một thứ vô thức tập thể đang chi phối cách nghĩ một thời. Trong trường hợp này, các nhà văn thực sự chỉ là công cụ của lịch sử.
Chẳng những sinh thời Vũ Trọng Phụng, quá trình hiện đại hóa xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được một số người xem là có ý nghĩa tiêu cực mà ở nhiều thế hệ tiếp theo, cho đến ngày hôm nay của chúng ta, lối nhìn nhận đó vẫn đóng vai trò chủ đạo. Có lẽ chính vì thế mà khi tiếp xúc với các tác phẩm ra đời trong thời kỳ này, người ta thường chỉ đọc ra cái phần có ý nghĩa phê phán, còn như cái phần mà ngòi bút chép sử của các nhà văn đã hoạt động một cách tự phát - như trong trường hợp của Vũ Trọng Phụng với Số đỏ - thì lại bị đẩy vào bóng tối quên lãng. Về phần mình, chúng tôi cho rằng nếu nhìn nhận về hiện đại hóa như trong bài này và trong một số bài viết trước đây chúng tôi đã thử đề nghị, thì ngay với Vũ Trọng Phụng người ta đã có thể đi tới những kết luận khác hẳn. Trong khi có vẻ làm giảm hào quang ở ngòi bút nhà văn họ Vũ do chỗ bộc lộ ở ông một ít yếu tố bảo thủ -, thì đồng thời cách nhìn nhận và đánh giá này làm cho  ông -, trước mắt chúng ta, trở nên sâu sắc hơn và những trang văn của ông cũng trở nên nhiều tầng nhiều lớp phong phú hơn. Dù không cố ý, song nhà văn này đã làm được cái thiên chức mà các nhà văn lớn của một thời đại thường được giao phó, đó là phản ánh được một phần, theo cái cách riêng của mình, những phương diện cơ bản cùng là cái xu thế phát triển của thời đại (xin hiểu thời đại nói ở đây là khái niệm thời đại lớn mà nhà nghiên cứu văn học người Nga đồng thời là nhà triết học M.M. Bakhtin đề nghị). Riêng đối với con người Việt Nam hôm nay, trong một giai đoạn mới của công việc hiện đại hóa - trường hợp của Vũ Trọng Phụng vẫn đang là một bài học, ít nhất thì nó cũng có thể giúp chúng ta tham khảo rút kinh nghiệm để có được một cách nhìn đúng đắn đối với mọi biến thiên đang xảy ra trước mắt, phân biệt được những biểu hiện bề mặt vốn nhiều rác rưởi và cái xu thế lớn của lịch sử.
Chú thích:
(1) Dẫn theo Tuyển tập Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Dương biên soạn, NXB Đà Nẵng 1995, các tr.352, 353.
(2) Thực ra đọc lại đoạn đối thoại giữa thầy quản và viên cảnh sát ở tr. 21-22 thì thấy những điều mà họ nói về thời đại trước Âu hóa tự nó  với những người có lương tri bình thường đã thành một sự phê phán, và lời than tiếc cuối cùng của họ rằng ”Cái thời tốt đẹp của các cụ nhà ta không còn nữa “cất lên có chút gì đó ngớ ngẩn và giống như một sự mai mỉa. Trong thực tế người đời dù có cổ hủ đến mấy chắc cũng không ai ăn nói như vậy. Có lẽ nên giả thiết thêm là trong sự lẫn lộn giữa đùa và thực, ngòi bút nhà văn  đã có phần sa đà hơi quá? Hay là ý thức bảo thủ đã vào sâu trong Vũ Trọng Phụng tới mức nó khiến ông bất chấp cả mọi lôgíc thông thường?
Biện hộ cho Xuân tóc đỏ
Trong thực tế giao thiệp, cũng nh­ư khi tiếp xúc với các tác phẩm văn chương, ng­ời ta rất dễ quan liêu, tức là mặc sức cho những ấn t­ượng ban đầu thao túng, từ đó, tạo nên những huyền thoại, kể cả huyền thoại về những con ng­ời đ­ược xem là tốt, lẫn những con ng­ời bị gán cho đủ mọi thói xấu. Và việc lật lại các huyền thoại bao giờ cũng mang trong nó tính chất một cuộc thể nghiệm, cần đư­ợc trao đổi nghiêm chỉnh.
Sự trùng hợp kỳ lạ
Trong chương mở đầu Số đỏ, Vũ Trọng Phụng có đoạn tả lại cái cảnh Xuân đi xem bói, và khi ông thầy bảo khai ngày sinh tháng đẻ, thì nhân vật này - tạm gọi là nó như Vũ Trọng Phụng thường gọi - đáp lại gọn lỏn “Hai mươi lăm tuổi đấy bố ạ. Tháng mười, ngày rằm, giờ gà lên chuồng“. Trong cuộc hội thảo vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng (10/2002), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải có một tham luận (1) phát hiện ra sự liên hệ thú vị: những con số nói trên liên quan đến người đã tác thành ra nhân vật chính của Số đỏ. Tức ngày sinh tháng đẻ của Vũ Trọng Phụng cũng là ngày sinh tháng đẻ của Xuân. Cho đến ngoại hình của tác giả cũng có những nét của nhân vật. Không cần là người thạo tử vi, chỉ theo lẽ thường mà suy, người ta đã có thể nghĩ: giữa nhân vật chính của Số đỏ và tác giả như vậy là có một mối duyên nợ kỳ lạ. Nhân vật không còn là một thứ chúng sinh bình thường, một thứ công cụ để ông trình bày tấn trò đời. Mà phải nói cái anh chàng mà ông thác sinh ra đó có một mối quan hệ riêng với ông, nó là một phần con người của ông. Đây là loại nhân vật có lô gích nội tại, có quy luật phát triển riêng; sau khi đã đẻ ra nó, nhà văn không thể đứng từ một khoảng cách rất xa để tùy tiện điều khiển, mà phải nhập thân vào nó, coi nó như người có thật, tìm hiểu, lắng nghe, đối thoại với nó. Đến lượt mình, người đọc cũng phải có cách nghĩ khác về Xuân. Lâu nay khi bàn về một con người, hoặc nhân vật của một tác phẩm văn học, ở ta có một thói quen là cố tìm cách sắp xếp xem nhân vật hay con người đó thuộc vào dạng tích cực hay tiêu cực, được tác giả đưa biểu dương hay phê phán. Với Xuân, người ta có thêm cơ hội để gắng đi tới một hệ thống phân loại cận nhân tình hơn. Việc tìm ra và xác định rõ cái chất người ở Xuân đòi hỏi một cái nhìn cởi mở, vượt qua mọi thành kiến mà hàng ngày ta không để ý.
Chưa hẳn đã là lưu manh thứ thiệt
Cái danh hiệu “quý hóa” mà nhiều người nghĩ tới và không ngần ngại gán cho Xuân tóc đỏ gói gọn lại trong hai tiếng lưu manh. Theo cách hiểu thông thường, nhân vật lưu manh thường là loại người sống bên lề xã hội; lưu manh đồng nghĩa với những gì xấu xa: hư hỏng, lừa bịp, dối trá. Như vậy, Xuân bị gán cho những tội vạ nặng nề nhất. Thậm chí có thể nói, trong tâm trí của nhiều người, ngay đến Chí Phèo suốt ngày say khướt và mang mọi người ra chửi, sẵn sàng gây vạ cho cả làng Vũ Đại, xem ra còn có gì đó dễ chấp nhận hơn là Xuân tóc đỏ. Thành kiến này, cố nhiên, có cái lý riêng của nó. Chính tác giả đã sớm tóm tắt cho người đọc biết trước mặt họ là một con người hoàn toàn vô giáo dục (câu đầy đủ trong nguyên văn như sau: “Cảnh ngộ tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm thạo đời lắm“). Đúng là trong suốt cuốn truyện, Xuân có làm vài việc dễ gây phản cảm. Nhưng Xuân không hoàn toàn hư hỏng như người ta thường nhầm và khái quát một cách vội vã. Trong cách ăn nói và trước tiên là cách nghĩ của Xuân không có dấu hiệu của sự hèn mọn, đểu giả (2). Thứ nữa, một thói xấu thuộc loại khó chấp nhận nhất của lưu manh là lười biếng, không chịu làm việc thì Xuân không mắc. Khi tham gia vào việc phục vụ các bà các cô ở tiệm Âu hóa, cũng như khi trở thành nhân vật của giới thể thao quốc gia, nó chỉ làm những việc mà nó thông thạo và có năng khiếu (3). Rồi khi ngẫu nhiên tham gia vào việc chữa bệnh cho ông già tám mươi tuổi thân sinh của cụ cố Hồng, nó đâu có tự đứng ra khoác lác, chẳng qua bị giới thiệu là sinh viên trường thuốc với ông đốc thì nhận tràn đi, mà không cải chính, thế thôi; cũng như cái việc chữa cho ông cụ bằng thuốc thánh xin ở đền Bia, thì đó là do thói quen mà làm, chứ không thể nói Xuân cố tình bịp bợm.
Chung quanh hai chữ lưu manh, cùng lúc tồn tại những cấp độ ý nghĩa khác nhau. Đúng là nói tới lưu manh, người ta nghĩ ngay tới những hành động cụ thể. Nhưng trong sự giao tiếp hàng ngày, lưu manh còn được dùng với nghĩa sâu sắc hơn. Đó là tinh thần khinh rẻ đồng loại, bỏ qua những chuẩn mực thông thường, bất cần, nổi loạn. Đứng đằng sau các hành động lưu manh thường là một triết lý có màu sắc hư vô: Chúa đã chết, chẳng còn có gì là lương tâm thiêng liêng nữa, và cái gì  con người ta cũng có quyền làm. Bởi vậy, không chỉ thấy ở dân vô học mà trong nhiều trường hợp, tinh thần bất chấp đạo lý toát ra cả trong hành động cũng như tư tưởng của những người có bằng cấp cẩn thận, và hai tiếng lưu manh hoàn toàn thích hợp để gọi họ. Như trong Hoàng Lê nhất thống chí, một nhân vật là huyện Trang trong cảnh hỗn loạn, công khai làm chuyện động trời là bắt vua lấy thưởng, nhân vật này đã tự giải thích hành động của mình bằng câu “triết lý” xanh rờn: “Sợ thày không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân. Sự bất cần ở đây đã lên đến mức cùng cực, và phải gọi đó là một triết lý lưu manh. So sánh với các nhân vật loại “có học“ như vậy, thì Xuân của chúng ta chưa đến nỗi. Nó không ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa tới mức đi ngược đạo lý thông thường. Đứng trước cuộc đời, nó còn biết sợ. Còn đây, một sự so sánh khác: trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam, có hẳn một chùm  truyện viết riêng về hai nhân vật nổi tiếng là Ba Giai Tú Xuất. Vốn họ cũng là người có được học hành đàng hoàng, thi cử đâu ra đấy, song sống trong một hoàn cảnh ngang trái, cụ thể là hoàn cảnh một xã hội nhố nhăng hỗn loạn (thuở giao thời khi Việt Nam vừa mới trở thành thuộc địa của người Pháp), niềm tin của một trí thức ở Ba Giai cũng như Tú Xuất tan nát hoàn toàn. Họ lao ra đường làm bậy. Gặp ai họ cũng tìm cách trêu chọc thậm chí hạ nhục. Nói như cách nói của những năm đầu thế kỷ XXI này, phải gọi Ba Giai Tú Xuất làm nên một cặp bài trùng, chuyên nghề khủng bố lẻ, cười cợt ngay trên nỗi đau khổ của người khác. Nhân vật ở đây thực đã rơi xuống vũng bùn của thứ chủ nghĩa hư vô ở dạng thấp hèn, trong cơn tuyệt vọng tự cho phép mình tha hồ phá phách. Xuân tóc đỏ xa lạ với những cách cư xử kiểu ấy. Nó không bao giờ làm những việc đáng để gọi là bất nhân bất nghĩa. Ngược lại, ở nó chỉ có một ám ảnh là làm sao ra khỏi tình trạng khốn quẫn và tìm cho mình “một chỗ đứng dưới ánh mặt trời“. Nên biết thêm rằng bản chất lưu manh không chỉ thể hiện ở tình trạng bần cùng hóa về đường vật chất, mà còn bao hàm thái độ khinh miệt đối với trí tuệ và các giá trị tinh thần, kể cả kiến thức và sự uyên bác. Sự khinh miệt này làm cho các nhân vật lưu manh trở nên đối lập hoàn toàn, tức một thứ khắc tinh của những người trí thức chân chính; sự thắng thế của tư tưởng lưu manh góp phần vào việc hủy diệt niềm tin nơi các trí thức ấy, làm cho họ không còn tin ở mình, ngấm ngầm khuyến khích họ biến chất, tức cũng chung một triết lý sống với những kẻ vô học càn rỡ, láo lếu. Nhìn lại, thấy những “ưu điểm” loại này cũng không có chỗ đứng trong tâm trí Xuân. Liều lắm, nó chỉ suồng sã vỗ vai đùa bỡn với đốc tờ Ngôn hoặc Josef Thiết, nhưng dừng lại ở đó, và trong bụng vẫn dành cho họ sự kính trọng, khi cần thì thành thực nhờ họ giúp đỡ.
Một người lập nghiệp
Các nhân vật được xếp vào loại tích cực (với nghĩa đáng khen đáng noi theo) trong văn học cổ cũng như văn học hiện đại ở Việt Nam thời kỳ 1932-45 thường là những người yếu đuối, bị chèn ép. Như trường hợp chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Trong sự cảm thụ thông thường, nhân vật này thường được xem như có nhiều phẩm chất tích cực, đáng biểu dương ca ngợi. Nhưng hãy thử đọc lại tác phẩm: Nét nổi bật ở chị Dậu là thương chồng thương con. Nghĩa là người đàn bà nông dân này có một đời sống tình cảm thuần phác và đôn hậu. Song, khi chỉ vào đời với những phẩm chất ấy, người ta rất dễ chuốc lấy bất hạnh. Về nhiều phương diện, trong chị Dậu thấy lặp lại cái phần thiếu xót nằm sâu trong tính cách cô Kiều thân thiết của tất cả chúng ta: Họ đều là những người không có được sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh xã hội nói chung, về tình thế của mình nói riêng, do đó trên đường đời nhiều phen rơi vào bị động bất lực. Trong Truyện Kiều, khi gia đình khó khăn thì Kiều chỉ biết có cách khóc lóc rồi sẵn sàng bán mình cứu cha, dấn thân vào cuộc sống phong trần; cũng như sau này, qua ít ngày theo Từ Hải ngang dọc, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Còn trong Tắt đèn, hành động khá nhất của chị Dậu là dám túm lấy cổ cai lệ đến thu thuế, ấn dúi hắn ra cửa, tiếp đó túm tóc lẳng cho tên người nhà lý trưởng ngã nhào ra thềm, rồi  bị giải lên phủ, cuối cùng phải đi làm vú lấy tiền trả nợ. Nhìn lại các nhân vật được nhiều cảm tình của bạn đọc như Mai trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng, cô hàng xén hoặc mẹ Lê trong các truyện ngắn của Thạch Lam, chúng ta cũng thấy những nét tương tự. Dù hiện ra với nhiều tính tốt, như mau mắn, tử tế, nhân hậu, song thật khó lòng nói rằng đó là những nhân cách trưởng thành và đạt tới một triết lý sống chắc chắn. Trong khi khâm phục giá trị đạo đức của họ, đồng thời phải nhận rằng cái tư cách nạn nhân có làm cho họ bé nhỏ đi ít nhiều.
Một loại nhân vật khác cũng gần với Xuân là những Tám Bính, Bảy Hựu… trong các tác phẩm của Nguyên Hồng. ở đây, các vai lưu manh được miêu tả với đủ chuyện kinh thiên động địa. Chủ ý của Nguyên Hồng là nhấn mạnh rằng ở những con người tưởng như đã tha hóa ấy, cái phần lương tri tốt đẹp vẫn còn. Nhưng cũng chỉ có thế. Nhân vật của Nguyên Hồng chưa ra khỏi thế giới nhỏ hẹp chật chội của lớp người bần cùng. Còn Xuân của Vũ Trọng Phụng thì được ném vào một trường hoạt động mới, để gia nhập vào cái thế giới rộng lớn mà người ta tưởng như chẳng liên quan gì đến nó. Biết mình xuất thân hèn hạ, Xuân không mặc cảm, mà vẫn hồn nhiên tham gia vào những việc có vẻ như rất trọng đại. Và nhất là vẫn giữ được một sự chủ động hiếm có. Đằng sau câu chuyện mê tín (vốn là một thói xấu dễ tha thứ), việc Xuân đi bói hé ra cho thấy một ám ảnh ghê gớm trong lòng nhân vật: Nó muốn có một ngày mai khác với hôm nay. Và nó tin rằng nếu biết cố gắng, thì cái hậu vận tươi sáng đó trước sau sẽ đến. Đây là một nét tâm lý chỉ thấy ở những con người có lòng tự tin mạnh mẽ. Bàn về Chí Phèo như một siêu mẫu, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cho rằng qua anh Chí, Nam Cao đã thâu tóm được một khát vọng nóng bỏng của con người trong mọi thời đại, đó là khát vọng hoàn lương, khát vọng đổi đời (4). Trở lại với Số đỏ, có thể thấy cả hai khát vọng đó cũng nằm sâu mãi trong tâm trí Xuân và dần dần được thực hiện. Trong chương XVI, khi dẫn Xuân đi khai tên ở Tổng cục thể thao (ngày nay gọi là đi đăng ký dự thi), Văn Minh đã giúp chúng ta khái quát một chân dung. Chẳng những nhác trông thấy Xuân, Văn Minh đã thầm nghĩ ngay rằng “Ừ cái mặt thằng này thế mà cũng đỡ ma cà bông rồi đây” -, ở đoạn dưới, ông chủ cửa hàng Âu hóa còn nói thẳng với Xuân: “Từ khi anh về giúp việc cho chúng tôi, là địa vị anh cứ dần dần thay đổi, cho đến bây giờ thì anh đã nghiễm nhiên là một người khác“. Sự đổi đời không còn là cái ao ước xa vời. Mà với Xuân nó đã trở thành hiện thực! Có dễ trong văn học Việt nam từ 1945 về trước, ít có nhân vật nào thành công một cách chính đáng như vậy. Để đạt mục đích, đúng là Xuân có gặp may, nhưng sự may mắn đó chỉ đến với những con người có sự chuẩn bị đón nhận. Sự đổi đời ở đây là một kết quả hợp lý, nó là phần thưởng sau bao kiên trì nỗ lực. Cái ý thức “mình cũng có thể như mọi người, thậm chí làm hơn mọi người“ đã ăn sâu vào Xuân để rồi cộng với những nỗ lực thích đáng, tự nó làm nên những cú vượt thoát ngoạn mục.
Một bước phát triển trong đời sống tinh thần
Để có thể thành công trên đường lập nghiệp, một cá nhân phải có sự trưởng thành trong trình độ làm người. Trên nhiều phương diện, Xuân của Vũ Trọng Phụng đã đáp ứng nhu cầu đó. Nghe ra có vẻ hơi kỳ, nhưng vẫn có thể nói Xuân là một tính cách chắc chắn, ổn định, ít nhất là trên mấy khía cạnh sau đây:
1/ Xuân rất nhạy cảm, nên thường nhận thức rõ tình cảnh mà mình rơi vào và có sự đáp ứng khá hợp lý. Vừa sống, nó vừa nhìn vào những người chung quanh lo học hỏi và tìm cách đáp ứng cái vai trò mà mọi người trông chờ ở mình. Vả chăng, đó không phải là cách thích ứng hèn hạ, thích ứng với bất cứ giá nào đến nỗi tha hóa, tức đánh mất mình. Với cái vẻ “thạo đời và tinh quái sẵn có“, dù phải làm gì thì Xuân vẫn là Xuân, nếu như không nói là dần dà nâng được địa vị của mình lên một cách đàng hoàng. Đọc những câu như “Xuân trầm tư mặc tưởng“, hoặc “tự nhiên nó quá đứng đắn, rất có ý tứ“, mới đầu nhiều người có thể bỏ qua, tưởng chỉ là một câu đùa giỡn của Vũ Trọng Phụng, song những nét chấm phá đó hoàn toàn nhất trí với tính cách Xuân nói chung. Thành thử có thể nói nếu có đùa thì đó là một trò đùa rất nghiêm chỉnh. Và cả cuốn Số đỏ được viết theo kiểu “đùa rất nghiêm chỉnh“ ấy.
2/ Xuân sống tự trọng. Nhiều lần ta bắt gặp ở nó “cảm giác hổ thẹn“. Hứa với ai điều gì, là nó lo thực hiện. Ai làm ơn cho nó, nó đều nhớ. Có lỗi với ai (kể cả cái lỗi lớn là chiều ý bà Phó Đoan khi về ở nhà bà), nó áy náy không yên và tìm đủ cách chuộc lỗi. Vậy là có một chút gì đó thuộc về lương tâm vẫn còn sống mãi trong lòng Xuân. Chính tác giả cũng đã mấy lần viết những câu tạt ngang đại loại “Vốn là người cũng có lương tâm nó nhận thấy rằng…” hoặc “Nó hiểu ngay ra nghĩa chữ tín ở đời“. Với niềm tự tin sẵn có, Xuân sẵn sàng đối mặt với sự thật: Thấy có người nói xấu mình, nó đi hỏi bằng được. Tức là nó muốn tìm tới một sự sòng phẳng, một điều mà người ta hay nghĩ rằng những ai xuất thân hèn hạ và thiếu tự tin  không bao giờ có.
3/ Ở Xuân sớm hình thành một thói quen, đúng hơn một định hướng sống khá chính xác: Nó không nhẫn nhục cam chịu sống với cái vị trí mà người ta đẩy nó vào hoặc khép mình theo những chuẩn mực mà xã hội áp đặt cho loại người lưu manh. Những nền nếp cũ không hề có mặt để trói buộc nó. Một cách chủ động, nó dám sống khác với thói thường, miễn thấy đó là phải. Nói cho to tát, tức nó muốn sống theo đúng tầm vóc của con người nói chung. Trong việc này, cái lý lịch “trên không chằng dưới không rễ“ của nhân vật trở nên một điều kiện thuận lợi. Nó dễ dàng tìm cho mình một sự tự do với đúng nghĩa của từ này. Trên đường lập nghiệp, nó không sớm cầu an và dừng lại giữa chừng, mà quyết đoạt được tới hiệu quả cao nhất có thể có. Việc Xuân vươn ra ở trình độ quốc gia (dù là trên lĩnh vực thể thao), cho thấy về căn bản, định hướng sống của nó là đúng.
4/ Một điều kiện nữa giúp Xuân thành công mà cũng là dấu hiệu cho thấy nó đã đạt đến trình độ khá cao trong sự phát triển lý tính, ấy là việc Xuân rất hiểu mình cũng như vị trí của mình trong con mắt mọi người. Có lần tả Xuân cáu, tác giả bảo rằng “lúc ấy Xuân quên hẳn mình. Nó đã bất tự tri”. Một lời chê nhỏ như vậy thực ra là một lời khen lớn: Tức là hàng ngày Xuân vẫn tự tri, cái sự tự tri (tự biết chính mình) ấy đã thành một bản tính tự nhiên, chỉ thỉnh thoảng nó mới quên. Hãy đọc lại đoạn Văn Minh báo với Xuân cái việc định gả em gái là Tuyết cho nó. Những tưởng đang trong cảnh long đong kiếm sống, vớ được vợ giàu chẳng khác chết đuối vớ được cọc, Xuân phải túm ngay lấy cơ hội. Đằng này không, Xuân lập tức trả lời là mình không dám nhận. Và trước mặt ông anh vợ tương lai, nó nói thẳng rằng mình “không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt ban quần, bán phá sa, đã làm nhiều nghề hèn“. Nói như các cụ ngày xưa, vậy là Xuân thuộc loại tri kỷ tri bỉ, biết mình biết người; hoặc theo thuật ngữ của tâm lý học, ở nó có một sự tự ý thức khá đầy đủ. Nó không quên quá khứ, càng không mắc bệnh hoang tưởng. Trong cái năng lực tự ý thức ấy, có mặt cả sự tự tin, tỉnh táo, lẫn sự lương thiện, bấy nhiêu lý do cùng lúc khiến cho người đọc buộc phải nhận rằng mặc dầu thuộc loại ở mãi dưới đáy xã hội nhưng Xuân chưa bị làm hỏng. Chẳng những thế, còn có thể nói nó đã hấp thụ được một trong những cách nghĩ mới mẻ mà xã hội hiện đại vừa mang tới cho con người đương thời. Sự tỉnh táo của Xuân lúc này có thể sánh ngang với Chí Phèo khi Chí cãi lại Bá Kiến “Không được! Ai cho tao lương thiện… Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!“ mà nhiều người vẫn ca ngợi.
Con người hiện đại, anh là ai?
Sau khi kể lại tỉ mỉ việc Xuân gia nhập vào xã hội của những bà phó Đoan, Văn Minh, đến chương XIV, Vũ Trọng Phụng để hẳn mấy trang nói riêng về việc Xuân tóc đỏ được mọi người đánh giá ra sao. Điều này không chỉ là nhu cầu của người trong cuộc mà còn là của chính độc giả theo dõi câu chuyện. Thế nhưng rút cuộc Xuân là người thế nào? Chịu, những người thường xuyên tiếp xúc với Xuân mỗi người một ý,  không ai xác định được cho chính xác. Người yêu người ghét, người này thấy Xuân vô tích sự, người khác lại thấy Xuân được việc. “Người chê Xuân vô học, người lại quả quyết rằng về học thức của Xuân thì đã mấy ai bằng“. Và tác giả chốt lại bằng một câu buông lửng: “Sau cùng thì không còn một ai biết rõ cái giá trị của Xuân là đáng khinh trọng thế nào nữa“. Việc một nhân vật trở nên một cái gì người ta không kết luận được như thế này không chỉ khiến cho câu chuyện đọc thêm hấp dẫn, mà suy cho cùng, nó càng chứng tỏ nhân vật có phần vượt khỏi tầm tay của tác giả như phần trên chúng tôi đã lưu ý. Hơn nữa đây cũng chính là một đặc điểm người ta thường thấy ở loại nhân vật hiện đại trong văn học. Những ai có dịp tìm hiểu văn học phương Tây thế kỷ XX hẳn biết nhân vật trong các tiểu thuyết thời nay có sự phát triển khá lạ lùng. Nói chung, không bao giờ họ nằm yên trong những cái khung xã hội mà người đọc quen hình dung. Họ vào đời như dấn thân vào những cuộc phiêu lưu. Dường như mỗi người bị đẩy đi giữa một đám đông hỗn độn và toàn bộ nỗ lực của họ là tìm cách tự khẳng định mình trong sự hỗn độn đó. Có khi họ thấy đời là một cuộc chơi và quá trình chơi thú vị hơn kết quả. Lại có khi họ bị ám ảnh bởi ý nghĩ điều gì cũng có thể xảy ra đối với mình, cả điều xấu nhất lẫn điều tốt nhất. Khi giả thiết rằng thế giới này là điên rồ và mình cũng chẳng thoát khỏi cơn điên ấy, con người trong tiểu thuyết hiện đại không còn bị ám ảnh quá đáng bởi lương tâm và các vấn đề đạo đức. Đường đời của nhiều nhân vật lúc này phần lớn phụ thuộc vào việc họ tự chế ngự những mặc cảm cuối cùng còn sót lại trong người, để hiện thực hóa cho được những tiềm năng sẵn có. Bảo rằng họ thành công cũng được, thất bại cũng được.
Không cần khiên cưỡng gì lắm, cũng có thể nói rằng người ta dễ dàng tìm thấy một số đặc điểm trên đây trong tính cách và số phận Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, và chắc chắn là rồi đây, khi cần nghiên cứu kỹ càng đầy đủ hơn vấn đề hiện đại hóa của con người Việt Nam thế kỷ XX, Xuân còn được nhắc tới như một dẫn chứng độc đáo.
Sở dĩ văn học thế kỷ XX đưa ra loại nhân vật nói trên, bởi ngay trong đời sống, những con người loại này đã hình thành, và chính sự đổi khác của đời sống buộc tiểu thuyết phải khác trước thì mới biểu hiện được cái đời sống đã thay đổi đó. “Nay là thời mà lối viết trữ tình hoặc để cho dốc bầu tâm sự không còn được thịnh hành, và một khi bị mang áp đặt, thì cả những tình cảm tốt cũng dễ bị dị ứng”. “Những hài kịch phi lý, đó là cách tốt nhất để viết về cái thế giới kỳ cục mà người ta đang sống”. “Tính hiện đại mang trong nó sự giải phóng cá nhân, sự thế tục hóa toàn bộ những tiêu chuẩn giá trị, sự phân hóa không thể kết hợp của chân thiện mỹ “- những nhận định loại đó rất dễ gặp trong các tài liệu nghiên cứu viết về phương Tây hiện đại.
Tương tự như vậy, có thể nói sở dĩ Xuân tóc đỏ có thể có mặt và tự do đi về trong kiệt tác của Vũ Trọng Phụng, ấy là bởi chính sự phát triển của hoàn cảnh đã mở ra những tiền đề cho loại nhân vật này phát triển. Từ chỗ là một thực thể cổ lỗ ngưng đọng, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã trở thành một xã hội hiện đại một cách nhanh chóng đến mức tự nó cũng kinh ngạc về sự biến chuyển của chính mình. Trong lúc chưa thể tự nhận diện một cách chính xác, người ta đành tạm bằng lòng với những giả thiết chung chung, kể cả những nhận thức tưởng là gần đúng mà thực ra là lầm lẫn. Ở chương VII của Số đỏ, tác giả kể khi cụ tổ tám mươi ốm, có một người con (cũng đã già) gọi là ông Hai ở nhà quê ra chơi, và Vũ Trọng Phụng không quên nói rằng trong con mắt của ông Hai mọi chuyện lúc bấy giờ thật là kỳ quặc. Quả thật, hai chữ kỳ quặc đã diễn tả chính xác cái ấn tượng mà nhiều người bình thường có được từ cuộc sống và con người ở Hà thành khoảng những năm ba mươi của thế kỷ trước. Bởi suy cho cùng cái nhìn của ông Hai nói ở đây có liên quan tới cái nhìn của những người nông thôn, là nơi mà công cuộc hiện đại hóa chỉ tác động tới một cách hời hợt. Điều quan trọng hơn là cho đến những năm cuối của thế kỷ XX, đầu XXI, cái nhìn loại này vẫn được nhiều người vô tình lặp lại. Thành thử, những thành kiến kéo dài với một nhân vật như Xuân tóc đỏ từ trước đến nay kể ra cũng là tự nhiên, và chỉ có cơ thay đổi khi tiến trình hiện đại hóa mà Xuân đã sống, đã vùng vẫy để tự khẳng định, được chúng ta nghĩ lại cũng như đánh giá lại.
Chú thích:
(1) Một phần tham luận này đã được in trong Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm Vũ Trọng Phụng NXB Văn học 2003.
(2) Ngay từ 1990, Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ đã sớm nhận xét “Xuân tóc đỏ thực sự không chơi đểu với ai cả, chẳng qua những người chung quanh nhầm hoặc lợi dụng y“. Bài viết in trong Vũ Trọng Phụng, tài năng và sự thật, NXB Văn học 1998, tr 110.
(3) Khi sửa chữa lại bài trên và cho nó một cái tên khác là Dị ứng với cái rởm một phương diện của trào phúng Vũ Trọng Phụng (in trong Bản sắc hiện đại…, sđd, tr 91) Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “ Xuân là sinh viên trường thuốc rởm là ”thượng lưu trí thức“ rởm, là thi sĩ rởm… nhưng năng lực đánh quần vợt của Xuân là tài năng thực, hơn nữa một tài năng xuất chúng“
(4) Khả năng tái sinh của Chí Phèo, bài viết này có in lại trong Nam Cao, con người và tác phẩm, NXB Hội nhà văn, 2000, tr 283.
(1) Theo một lối nghĩ công thức nào đó, thì lý dịch không thể bị bần cùng hóa trở thành dân nghèo thành thị. Nhưng đây vẫn là trường hợp có thật, bản thân gia đình Vũ Trọng Phụng là ví dụ.
 13/12/2009
Vương Trí Nhàn
Theo https://dangbi.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...