Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Những cuộc đối thoại về nghề nghiệp về văn học và chiến tranh

Những cuộc đối thoại về nghề nghiệp 
về văn học và chiến tranh

Những năm từ 1975 về trước khi đang công tác tại tạp chí Văn Nghệ quân đội, tôi thường có dịp trò chuyện với Nguyễn Minh Châu. Ấn tượng để lại trong tôi sau các buổi nói chuyện này sâu đậm tới mức tôi phải thường xuyên ghi chép trong một cuốn sổ riêng. Dưới đây là những suy nghĩ của nhà văn về nhiều vấn đề nghề nghiệp mà tôi đã nghe và ghi được. Mỗi lần đọc lại, tôi vẫn hằng tin rằng ghi chép này không chỉ có ích cho những ai muốn hiểu về tác giả Dấu chân người lính mà còn là những gợi ý để cùng hiểu về một lớp người viết văn và một giai đoạn văn học.
Một trong những bài phát biểu nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu trước khi qua đời là bài viết “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa“. Vậy mà cách đây ít lâu trong một hồi ức về Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyễn trung Thu có kể lại một chi tiết. Đó là bên giường bệnh, nhà văn có mấy lời nói lại về bài này: Anh tâm sự: “Ông ạ, tôi nói cả một giai đoạn văn nghệ minh họa và hãy đọc lời ai điếu nó là hồ đồ. Phải nói, dù còn nhiều cái cản trở sự sáng tạo, nhiều cái dở đấy, nhưng không ít tác phẩm văn học - nghệ thuật của ta bấy nay cũng được lắm, hay lắm, cũng thật lắm chứ!
Có minh họa đi chăng nữa mà được vậy thì cũng tốt chứ sao, không thể lờ quên nó được. Nói thế là bạc với đóng góp tâm huyết của anh em mình, kể cả của những người quản lý nữa - nhất là của anh em mình từng bỏ bao công lao, cả xương máu nữa làm ra nó”.
Tôi nghĩ rằng những lời lẽ này là đáng tin. Nó làm chứng cho một tình thế có thật trong tâm lý những người viết văn. Đó là mỗi chúng ta thường xuyên mâu thuấn, có khi vừa nghĩ song lại phủ nhận ngay ý nghĩ của mình. Thành thử trong công luận, những nhà văn thân yêu, thường hiện ra không phải chỉ có một mà qua nhiều hình ảnh khác nhau. Với Nguyễn Minh Châu cũng vậy.
1968-1972 - THỜI GIAN VIẾT DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH
(Đi Quảng Bình về) Giá kể gia đình mình ổn ổn thì mình ở luôn trong ấy mà viết cho xong. Lắm lúc nghĩ không nên trách thằng nhà văn Việt Nam bất cứ một điểm gì vì nó đã khổ quá. Nghe Bằng Việt bảo tình hình này truyện khó, thơ cũng khó, mình phải nói ngay: Tôi thì tôi cảm thấy thơ bao giờ cũng có cái khó của nó, nó có cái gì ma quái lắm.
Bây giờ người ta cho mình viết bằng cái quyển sách, mà mình muốn viết bằng được cái bàn này này. Cho nên, mình phải lựa mà viết cho hết. Nhưng cũng nhiều lúc phát chán. Tôi với ông Khải  bàn nhau, bây giờ làm sao cho nó mùi là được.
Tôi định viết một cái gì như là bà mẹ và viên tướng. Anh lính và viên tướng cùng làm công việc quân sự cả. Nhưng người lính thì làm vì nhiệm vụ, ông tướng ngoài phần trách nhiệm lại có phần nghề nghiệp của ông ấy nữa, cho nên có lúc ông ấy quên cái phần vất vả của chiến tranh đi. Trong  một trận chiến đấu, ví dụ bao giờ nó cũng có tính trước số thương vong, sau đó, trên cơ sở dự tính thế mà khớp lại xem mình dự tính tài đến mức nào. Có những ông tướng căng cả óc nghĩ về cái mức ấy. Bây giờ phải có một người mẹ người tốt dạy lại cho ông ta, thì ông mới hiểu được.
Ông tưởng tượng đoạn đối thoại ấy có ghê không?
Mấy chục năm nay, xã hội mình toàn những người đi buôn cả. Cứ tìm tiểu thương ở đâu, tiểu thương ở ngay trong tư tưởng anh ấy, diệt làm sao được. Mình đi bộ từ đây xuống Bờ Hồ, qua mỗi hè phố lại thấy bà bán ngồi chồm hổm, hỏi anh có gì bán không. Tưởng tượng chính là những người từ trong những hố cá nhân tránh mảnh bom kia mọc lên đấy, nó có bị giết thì tự nó lại mọc lên một cái đầu.
Mình vào Quảng Bình, thấy kể chuyện người ta háo hức đón đoàn mặt trận miền Nam, kêu lên với nhau rằng sao đến miền Bắc mà đoàn lại không vào Quảng Bình, và giá có vào thì người ta sẽ tiếp đón linh đình lắm. Trong khi ấy thì những thằng lính ở đường 9 Khe Sanh ra mặt xanh nanh vàng, húp bát bún con con trả đồng bạc vẫn khen rẻ mà chẳng ai quan tâm cả. Chính bọn ấy mới là đại diện chân chính của miền Nam.
… Lại nghe nói đâu Trung ương có ý định để lại một khu phố, để sau này, khách phương xa đến, làm nơi tham quan về những tội ác của địch. Mãi sau, một thằng nó phải bảo: Thôi, dân mình khổ đã nhiều rồi, cốt sao ông cho họ cái nhà họ ở đi cho chóng, còn làm gì mà phải xoay ra thế nữa.
… Người ta buôn bán ghê lắm, người ta buôn bán mọi thứ. Cả xã hội đi buôn. Nói thế mới gọi là vấn đề của văn học chứ! 
Tổng quát  Dấu chân người lính”
– Tôi sẽ viết cho nó mùi, cho nó nhiều chuyện lắt léo một tí. Nhưng cái chính mình muốn viết là một thế hệ lớp trước và một thế hệ thanh niên bây giờ. Có một chương các ông cán bộ ở một trạm giao liên mới ngồi bàn về bọn con cái của mình, mình muốn dạy song nó chán nó chỉ muốn truồi ra khỏi bàn tay của mình như thế nào?
… Chính ra đây là quyển 2, quyển ở chiến trường. Còn quyển 1, một thằng về hậu phương mình lấy quân, nó mang tất cả không khí hậu phương, của Hà Nội, của công trường 800. Nếu 2 quyển này trót lọt thì mình sẽ có một nhát chổi quét thẳng từ Nam đến Bắc.
Không biết có hay hơn so với Cửa sông hay không, nhưng mà có cái chắc rằng các nhân vật của nó khác, vấn đề của nó khác.
Hôm qua 12 giờ đi ngủ, rồi đến 2 giờ lại lục cục dậy. Mình không sao ngủ được. Cảm thấy như bao nhiêu linh hồn lính nó ốp đồng vào ngòi bút mình vậy..
– Tôi viết về sự nhận thức, nhận ra nhau của hai thế hệ. Trong tình hình hiện nay, chỉ có thể thấy hai bên đều quý nhau, phục nhau, sợ nhau.
Nhưng mà nói chung là thế hệ mới sẽ làm cho thế hệ trước ngạc nhiên. Tôi phải để cho một ông cỡ cán bộ Trung đoàn làm thơ để cho nó sợ, không có nó cứ tưởng văn nghệ là linh binh. Nhưng chính nhà thơ này lại mê một tay chiến sĩ quá chừng, nhà thơ bỏ ông bố cán bộ trung đoàn để quay về với đứa con, theo nó đi khắp mặt trận.
… Chính trong lúc viết, mình có dịp kiểm điểm lại con người mình, sự từng trải của mình, học vấn của mình xem chỗ nào thiếu, chỗ nào tạm được.
Quan hệ giữa chiến tranh và các đề tài khác
– Những người viết như làm công việc xả thân. Phải lấy tất cả các việc ra để tính toán, lo liệu lấy cho mình. Không có gì là bỏ đi, không có gì là thừa.
Lắm lúc tôi ngồi canh cháo cho con cũng nghĩ được những ý nghĩ hay đáo để, chỉ hiềm lúc khác mình lại quên biến đi mất. Ví dụ như mình nghĩ các thế hệ cứ tàn phá nhau, thế hệ con mình nó ra đời là nó phủi bố nó đi, mất bao nhiêu là sức lực của bọn mình. Thế rồi  thế nào? Thế rồi mà đâu vẫn vào đấy.
– Tôi rỗi tôi sẽ ngồi viết những loại bài nghĩ về nghề. Mình là thằng không có lý luận gì hết, nhưng mình biết cách nói về những điều mình có sẵn, thế là được rồi. Tôi sẽ nói từ phong trào hiện nay, sẽ nảy sinh ra những thằng viết trẻ thế nào. Tôi sẽ nói rằng nhà văn cần phải biết khai thác hết những khu vực mình sẵn có, nó là những miếng đất hoang trong người mình. Làm gì phải đi cho lạ lẫm thêm. Mình đã viết về mình đâu?
(Về bài thơ Bãi cỏ bên kia bờ sông của Xuân Quỳnh): Bây giờ bà ấy phải thêm cái phần cuối vào. Phải tả là bãi cỏ ấy có lúc như bị chìm ngập, nhưng sau lại mọc lên những mầm cỏ mới và cứ xanh rờn mãi đi.)
Tôi thích gửi vào văn chương những cảm xúc trong con người mình. Một lần, tôi đưa mấy đứa con đi xem, rồi lại quay về nhà. Bóng mình đổ vào bóng cái cây đằng trước rồi cứ xa dần đi. Tôi lại ngồi tôi ghi ngay được một đoạn Mình nghĩ về những người tốt, họ tản mát khắp nơi, có phải bao giờ cũng gặp nhau đâu.
… Tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách, đưa ra những đoạn quan trọng, ví dụ như đoạn thằng Lữ này nó qua sông Bến Hải như thế nào, thằng này nó nghĩ về miền Nam, về đất nước như thế nào! Bằng cách nào cũng phải đưa vào chứ.
- (Nhàn): Nhân vật Khuê thì nhiều người viết được. Nhân vật Lữ của anh là hoàn toàn của anh, là một sự nhận thức của người nghệ sĩ trước cuộc đời.
- Đúng thế, ở cuối sách, mình sẽ viết về một đám bộ đội. Họ ngồi hát những điệu hát của quê hương, thằng Hà Bắc, đứa Nam Định. Và Nhẫn với thằng Khuê đi qua, nó sẽ quát cho một hồi bắt tất cả bọn kia im. Không phải những loại như thằng Lữ, hay lão Nghi, Kinh làm nên cuộc đời mới, mà là những thằng Khuê, thằng Nhẫn kia.
Đi tìm khái quát
- Mình chỉ sợ những thứ mà mình viết, nó không được người dân thường miền Nam chấp nhận, nó không đúng là những vấn đề của miền Nam!
(Nhàn): Thì tôi vẫn nghĩ chính ông nói vấn đề của miền Bắc chứ có phải miền Nam đâu. Chúng ta biết gì về miền Nam mà viết.
– Tôi vừa đưa cho thằng Thiều đọc một đoạn, có một ông già ở Khe Sanh lên thăm con, gọi nó về. Đây là đoạn đối thoại rất quan trọng. Thằng Thiều nó bảo: Lại bịa rồi.
(Nhàn): Bây giờ truyện của mình quá nhiều chỗ thực mà lại không đủ phần bịa. - Cái phần bịa ấy, nó là phần quan trọng để đóng góp vào cuộc đời của những người viết truyện và những trang sách.
– Xong cái này, tôi viết cái sau, phải chơi cái lối là làm sẵn kế hoạch ra mà viết mới được. Tôi rất yêu cái khu 800 của tôi, vì nó như chợ phiên, lúc nào ngoài kia tròng trành có gì, thì nó lại lập tức có ảnh hưởng trở vào khu trong này của mình. Hồi  kỷ niệm Lê nin thì toàn chiếu phim Lê nin, Lê Nin ngồi Lê Nin đứng, Lê nin ăn bánh mì với Krúpxkaia - con bé con nhà mình thấy thế cứ nhoài người ra đòi ăn. Bây giờ thì lúc nào cũng phim: Cuộc chiến đấu đang tiếp diễn.
Chủ đề của văn học mình bây giờ là gì? Là lòng yêu nước. Mà thực ra, cái chủ đề ấy cũng đã cổ lắm rồi. Thế giới bây giờ nó sang chủ đề khác rồi (Nhiều lần  ông Châu nói rằng văn học mình chả có chủ nghĩa gì cả, chỉ có chủ nghĩa lớn nhất là tuyên truyền)
Tôi ngồi đọc ít bản thảo Dấu chân người lính, Ông Châu không muốn cho xem, nhưng cứ quay đi viết. Lúc nào đó, ông sẽ quay lại.
Một  ước ao làm như mọi người (Đây là thời gian ông đọc một ít kịch Arbuzov do Đặng Quý Quyền cho mượn):
– Mình tính bây giờ ở nước mình, có thể phỏng theo cái kiểu Liên Xô ấy, dựng một câu chuyện giữa hai vợ chồng. Đôi vợ chồng này gặp nhau, yêu nhau từ hồi Điện Biên, đấy là một cảnh. Cảnh thứ hai, là một cảnh nào đó trong hòa bình. Và một cảnh thứ ba, là một cảnh gặp lại tặng ở già, ở Trường Sơn. Như thế thì hay quá còn gì nữa.
Tôi đọc sang những trang tình yêu. Ông Châu theo dõi rồi hỏi ”Đọc có chán quá không. Mình cũng là thằng dốt về tình yêu thôi”. Tôi bảo: Không, cũng đọc được. Cũng có những câu gợi đến sự suy nghĩ của tôi. Hai nhân vật Lữ và cô Hiền này cũng hay hay.
Thế là Nguyễn Minh Châu sổ ra:
– Giá kể chỉ cho tôi viết về hai tay này thôi, từ lúc nó quen nhau từ ở nhà, đến lúc nó đi trên đường, thì cũng đã được nhiều lắm rồi.
– Đúng thế, văn chương bây giờ chẳng được nói cái gì cho nó kỹ cả mà cứ phớt phớt thế nào ấy, cả lớn cả bé, cả trẻ cả già như thế thì làm sao mà hay được.
– Viết độ hai đứa thôi, thì phải viết vào tận củ tỉ của người ta rồi còn gì nữa.
Rất nhiều lần, ông Châu lặp đi lặp lại.
– Tôi không tin thứ văn học mà cứ cười hô hố lên, văn học bao giờ nó cũng phải là một cái gì phẫn uất cơ. Tôi với ông chẳng đã bàn nhau là thơ thằng Duật cũng vừa phải thôi là gì?
– Các ông bây giờ son rỗi rảnh rang, nên ngồi nghĩ kỹ được. Bọn chúng tôi mải lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, nên đằng nào cũng phải viết thôi. Nhưng tôi tin rằng, nếu tôi rỗi rãi ra, cho tôi đi vào những mảnh đất mới, cứ đi dọc sông Hồng này, ra cái bến ga kia, thả nào tôi cũng viết được cái gì, không biết nó là thể loại gì, nhưng nhất định là có đóng góp.
… Mình chán viết về đánh nhau lắm rồi. Nó không phải là cái chất của mình. Sắp tới, tôi đi xem có bọn làm khoa học nào, nó kể cho mình, khéo mình có thể viết được cái gì đó. Viết về những cuộc tranh luận của bọn ấy, nghe có vẻ trí thức hơn, mà thật sự là mình cảm thấy ngòi bút có vẻ phóng túng hơn.
Theo Quang Thọ (họa sĩ) thì ở ông Châu có cái khả năng kích thích người khác nói thực. “Trông thấy cái mặt thằng này, là lại không làm sao mà giấu được mọi ý nghĩ thực của mình”.
Có lần nói với Quang Thọ
– Lắm lúc muốn chết mẹ nó đi, vợ con gia đình nheo nhóc, thân mình cứ như thân con lừa con trâu kéo cày giả nợ. Nhưng rồi lại nghĩ: Thả nào trong quyển sách sắp tới, cũng phải tương vào một ít đoạn nói về nỗi khổ của con người để báo thù mới được.
Một buổi trưa, tôi sang nhà ông chơi, Nguyễn Minh Châu bảo ta đi ra đường một tí đi. Chúng tôi nói về rất nhiều người khác nhau.
– Những người như ông Hữu Mai, ông Tào Mạt, cả như Quang Thọ nữa, anh nào nó cũng có một niềm tin rất ghê, những chỗ rất thiêng liêng. Nó sống được bằng ngòi bút là ở đó. Bọn học sinh nông thôn như thằng Duật, thằng Chu có lẽ cũng vậy. Ông là người Hà Nội, ông tiếp xúc với sách báo sớm, ông còn có thể có được cái đầu óc hoài nghi, chứ họ thì không biết. Nhưng không hiểu sao, mình cũng vậy, có một  tối Nguyễn Khải ngồi nói chuyện với mình, Khải đã định khoác áo đi mưa quay về mấy lượt, rồi lại phải ở lại, suốt từ 7 giờ đến 10 giờ. Về sau tay ấy phải nói tôi công nhận ông là người hoài nghi tới cùng cực, mà cũng có lòng tin thật ghê gớm, tôi chịu đấy.
Những thoáng tự hào
Một buổi trưa, Nguyễn Minh Châu đi từ nhà đến:
- Mình đạp xe từ nhà đến đây cũng đã mệt, chỉ thấy thích là đường nhiều con gái đẹp quá chừng. Tôi đéo tin ông tướng ông tá nào cứu được nước mình, nhưng tất cả bọn con gái đẹp ấy lại cứu được đấy.
Tôi viết lại gần xong rồi. Cũng có những chương mình thích lắm. Tôi thấy ghê nhất là mình cứ hiện lên đằng sau các trang sách, không sao giấu được. Tôi cho là ai viết văn cũng có thể để lên đầu mấy chữ thân tặng tôi vào quyển sách của mình.
Nhàn (nghe đọc một đoạn trong Dấu chân người lính): Cứ viết thế này thì có thể viết miên man được mãi đấy!
Châu: Không, cũng chỉ viết được một ít thôi, tốn vốn liếng lắm. Văn chương mà cứ ra ông ổng thì sao gọi là văn chương được - để cho bọn khác nó viết.
- Thử đọc Vòng tay học trò (của Nguyễn Thị Hoàng) thì mình thấy văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ. Có một đoạn, Nguyễn Thị Hoàng tả cô Trâm này với tay Minh ra gieo đỗ, nói về sức sống trong lòng đất. Tôi thấy mình cũng gặp nó ở chỗ ấy, trong một đoạn tôi viết Xiêm đi lấy thóc và tự hỏi tại sao không lấy gạo mà lại lấy thóc?…
… Đọc những tay này, tự nhiên dậy lên một thứ thâm thù: Mình cũng phải viết được cái gì để làm cho nó khiếp về mình mới được.
– Tôi thấy bây giờ đời sống nó căng lắm, lúc nào cũng phải đặt vấn đề là nhận thức. Các nhân vật của tôi cũng đều là nhân vật nhận thức cả.
Tôi thấy ở nước mình, nghề văn chương bao giờ nó cũng mang sẵn cái yếu tố nhảm. Như thằng Duật nhảm kiểu Duật, thằng Chu nhảm kiểu Chu, mà mình có kiểu nhảm của mình. Người ta chỉ quan niệm thằng viết như một thằng làm trò, một anh nặn bột, chứ làm gì có yếu tố xã hội. Nhưng biết đâu rằng văn chương phải có những cái khác ở đằng sau câu và chữ. Ở nước mình, ngay những người như ông Tố Hữu, người ta có chia nhà cho ông ta thì cũng chia cho cái nhà có con phượng con công trên mái, chứ không mô đéc như các nhà kia.
… Ông Khải hay nói tới sự từng trải, nhưng lại rất ít từng trải. Dạo này nghe nói ông ấy viết về pháo, tôi không tin. Dạo trước ông ấy có đi đâu một tí, thế mới nhân ra thành Ra đảo được. Bây giờ nghe kể thì làm sao nói được về rừng. Chính Khải cũng đã bảo mình viết quen tay đi mà lại.
Tôi cho rằng những thằng như thằng Triệu Bôn, thằng Duật thì khen thế cũng chưa đủ, cứ phải khen nữa. Chứ làm sao, ông Xuân Sách viết nhảm thế thì không ai phê bình, mà ông Triệu Bôn nó viết thế thì nói nọ nói này (Nhàn: Vì mình quan niệm ông Xuân Sách như một cái gì đã thành, mà ông Triệu Bôn thì còn thay đổi được).
Về những giọng điệu khác nhau của văn chương
– Bấy giờ mình đừng có khinh ai. Có những điểm mình không nói, thế là mình không nói thôi, người ta cũng thế. Sau này, không chừng tình hình sẽ khác đi. Như thằng Vũ nhé, bây giờ cái phản ứng nó bề ngoài có phần nhảm, nhưng bề trong có cái đúng của nó chứ! Sau này, ai biết Đỗ Chu sẽ viết thế nào. Biết đâu những thằng thơ mộng ấy, sau nó lại viết về những cái thật là dữ dội trong lòng người.
Ngày tết, tôi (VTN) đi vắng về, ông Châu kéo vào đọc bài thơ về cái chết của con mèo, ý chính là tôi thấy cái chết con mèo, tôi lại nhớ mẹ tôi ở nhà.
- Thằng Chu ở đây, tôi không dám đọc. Nhưng mà có lúc mình buồn quá, mình đâm ra như thể phát cuồng lên, không làm được gì nữa. Có lúc tôi buồn ghê lắm. Suy ra trên đời này, vui chỉ ở chỗ cắn răng mà làm mọi điều.
Người ta cũng có lúc phải biết buồn. Buồn được cũng không phải là dễ đâu nhé.
Tôi viết xong mấy chương đầu, loanh quanh đến mấy tháng không biết viết thế nào nữa. Mình không hiểu nên bắt đầu cho nó đánh ở đâu, xong ở đâu. Mãi rồi mới nghĩ: thôi chỉ cho nó vây áp Tà Cơn thôi. Bận sau, tôi cũng đến cạch không dám viết kiểu này nữa. Viết toàn những thứ mình không biết gì cả, đi mình không đi, hỏi mình không hỏi - cái đơn vị mà tôi viết đây, đâu có 7, 8 ngày - mình nghĩ cũng liều thật. Thế này là tôi đã phải huy động tôi rất nhiều rồi đấy. 
- Lắm lúc viết, thấy nên tự khen rằng mình viết khá, những thằng khác không đáng xách dép cho mình. (Nhớ có lần ông Châu đã viết trong một tiểu luận “Hãy tha thứ cho người viết những lúc bốc đồng khoác lác“)
Hiện thực cuộc đời là vô tận, thì không bao giờ hết chủ đề cho văn học. Ăn nhau chỉ ở cách làm việc của mỗi người.
– Tôi định viết một đoạn kết thế này: Cuối chương Hiền và cô bạn gái đi dọc bờ suối bắt cá. Những con cá suối chết khô ở suối, họ nướng ăn. Rồi họ nói chuyện về hạnh phúc, về tương lai. Khi họ bắt được một quả vả, trông rất ngon, bửa ra, thì bên trong toàn những muỗi là muỗi cả. Đêm, đoàn văn công ở một bờ này suối, tốp cán bộ của ông Kinh thì ở bên kia suối. Những suối đá. Trăng sáng quá, không ai ngủ được, ông Kinh đi dạo bên này suối. Hiền đi bên kia, nhưng không sao gặp nhau được.
Tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng cả đấy!
– Tôi bắt tay vào quyển mới cũng được,  nhưng chỉ sợ mỗi một điểm là nó dễ trùng với Cửa sông lắm. Trùng thì mình không thấy thích nữa!
Tôi đang đọc quyển Hoàng Văn Thụ của ông Tô Hoài. Ông này viết khôn lắm, chỗ nào cũng có cái hay. Nhưng đó là một lối văn để tả những chuyện bông đùa, hay những chuyện phong tục, chứ không phải là lối văn để tả những chuyện cách mạng. Nó thiếu những cái sục sôi cuồn cuộn bên trong.
- Nhàn: Ông Tô Hoài viết như người đi bộ ấy, lúc nào cũng chậm rãi vô cùng, đọc thì thấy mệt, chẳng biết bao giờ thì hết. Văn ông ấy tĩnh lắm!
Châu: Ông này giỏi tránh dùng những chữ sáo. Nhưng lại không bắt được cái hồn bên trong. Cho nên nó vẫn không được gì hết!
Nhàn: Người viết nên tránh tạo ra lắt léo.
Châu: Nhưng mà kết cấu cũng quan trọng lắm. Nó như là cái tài xếp đặt cái nọ bên cái kia. Đọc truyện của người khác, bao giờ tôi cũng tưởng tượng xem nó có hình gì? Như truyện Ráng đỏ của Đỗ Chu có hình tròn. Còn chuyện trong Vòm trời quen thuộc cũng của Chu thì chưa ra hình gì cả. Nó như hình con giun con dế vậy.
… Không thể phá kết cấu được đâu. Cái Vòm trời quen thuộc, nhiều chỗ Chu nó tả nhân vật như tiểu thuyết, rồi nó lại không tiếp tục nữa,  cũng là không được.
Nghĩ thế, nhưng chính tôi thì lại đã có lúc làm thế. Trong Dấu chân người lính, lúc đầu có nhân vật Thái Văn sau tôi bỏ bố nó đi, không cho nó phát triển. Mình nghĩ: không giống như tiểu thuyết cổ điển, rất dễ bị phê bình. Nhưng mình thấy ở đoạn trên thế là được một việc rồi.
Tôi bây giờ đang phân vân, đứng giữa hai ngả đường xem viết truyện hay ký. Giá bây giờ viết được bút ký thật hay cũng thích. Ví như không có nhân vật gì cả, chỉ có năm phần. Phần một tôi nói về 5 gia đình trong khu nhà tôi. Phần thứ hai nói về một cái xe chạy từ 559 ra đây, đến Hà Nội, thả lính xuống mỗi anh về một nơi. Phần thứ ba tả cái trạm 66. Nhưng viết thế, không đâu nó in. Viết giống các tiểu thuyết cổ điển, như tiểu thuyết Nga, thì lại vừa với trình độ người đọc bây giờ.
Với tôi viết ký thì bộc lộ được chỗ mạnh của mình, là cái phần nghĩ, sau khi bố trí sự kiện.
(Một lúc khác) Tôi mà viết cái Hà Nội, tôi toàn đưa tài liệu thôi. Vì cái phần không khí, mình làm được, mình không sợ.
Giữa các đồng nghiệp
Những người già và những người trẻ khác nhau thế nào? Tôi chỉ cảm thấy tuy cũng thuộc lớp trước, nhưng ông Châu vẫn trẻ, không phải là chỉ hay cười đùa đâu, mà là bao dung được lớp sau. Với những tay như Vũ, ông cũng chịu được. Lưu Quang Vũ: Nguyễn Minh Châu là cái ông lớp trước duy nhất mà bọn trẻ không nói xấu, mà còn muốn đến gặp.
Nhưng Châu cũng già lắm. Gu cổ điển. Hay kêu cái sự lươm tươm của Khải. Hay khen những thứ trong vắt lấp lánh của Đỗ Chu. Không chịu được Lỗ Tấn cho là nó là kiểu cùng đường. Không thích những người xông vào nói trực tiếp trong truyện. Ví dụ như Nguyễn Minh Châu không sao chịu được Nguyễn Khắc Phục.
(Viết bài về bút ký Cửa Thép của Nguyễn Khoa Điềm) Thằng này tả giỏi lắm, nó có cái thứ tự như những yếu lĩnh xạ kích vậy. Tôi viết tôi toàn trích những câu hay thôi (vừa trích vừa chữa!) Để dạy cho những thằng như thằng Nhị Ca nó biết rằng phải viết phê bình như thế nào!
Viết về cái nghĩ khó lắm. Viết như ông Nguyễn Trung Thành đã đành là cải lương quá. Ngay viết như Nguyễn Thi cũng không ra sao! Nhân dân họ nghĩ ngổn ngang hơn nhiều cơ.
Dưới con mắt của mọi người
Nguyễn Đăng Thục: Vốn của Nguyễn Minh Châu về văn học cổ không nhiều lắm đâu, cho nên văn viết không được cô đọng lắm (Nguyễn Minh Châu: Tôi cũng công nhận thế). Cái tư tưởng hoài nghi ở Nguyễn Minh Châu hơi nặng, tôi đã phải bảo mãi.
Nhị Ca (đọc Quê người lính): Ông Châu khi nào nói về những bi kịch trong gia đình thì rất giỏi. Nhưng khi nào mở rộng ra, nói về những vấn đề xã hội, thì lại không được
Mai Ngữ: ông Châu viết hồi trước còn ngu ngơ lắm cơ. Tập truyện ngắn mang sang từ hồi hòa bình, bên Văn học nó có in cho đâu. Chính chiến tranh đã nâng ông Châu với ông Thiều lên đấy chứ.
Khải: Ngay sau khi in Cửa sông, mới đây thôi, nó còn không muốn in truyện ngắn cơ mà. Căn bản đối với một người viết là việc tuyên truyền. Hồi Cửa sông nhớ, tôi đến tôi xem xong, tôi cứ giục: Tội gì mà không viết thêm. Rồi tôi ra ngoài tôi quảng cáo cho.
Có lần, tôi túm lấy ông Như Phong, nghĩa là bọn chúng tôi cứ xê ra hết, xê ra hết tôi bảo vậy. Như Phong mới dặn về giữ lấy rồi thả nào cũng đưa cho tay ấy cơ mà.
… Văn của Nguyễn Minh Châu rất chông chênh, có những chữ những đoạn mà lỏng tay một chút thì thành cải lương ngay, ví dụ như cái Mảnh trăng cuối rừng đấy. Ở nhà này, Hồ Phương là người văn đã có mặt (những cái như kiểu Hoa cúc vàng đấy). Hữu Mai viết lộn xuôi lộn ngược, khi ra vẻ chính trị, khi ra vẻ trữ tình, nhưng vẫn không có nét mặt riêng. Xuân Thiều là người cố hết sức, nhưng Hồ Phương chưa cố. May ra, sau cái Dấu chân người lính này, Nguyễn Minh Châu cũng có nét mặt.
Vẫn Nguyễn Khải: Khi ông Ngọc ông ấy in ra mấy cái truyện ngắn về sau in vào Rẻo cao thì tôi không sợ nữa. Tay Kiên bây giờ nhiều chỗ hơi cằn rồi. Bây giờ tay Châu có một cái là ông ấy phát triển rất hợp quy luật đấy. Cho nên đối với tôi bây giờ không phải Hội nhà văn, mà chính là cái nhà này với các ông mới là quan trọng.
Nhưng mà Châu bây giờ phải nhanh chóng bỏ qua cái bản năng và lo cho mình một cái quan niệm về xã hội đi. Anh không thể cứ đùa mãi như thế được. Anh phải có hướng. Nếu không, có thể từng mảng từng mảng anh giỏi, anh xôn xao, nhưng lúc lắp vào, anh lại lắp ra một cái gì giống mọi người hoặc nếu lắp theo kiểu của anh, thì lại hỏng. 
– Thực ra mình cũng cố gắng làm sao để viết ra cho nó in được, in hết quyển nọ đến quyển kia, thế là thích rồi. Tình hình này thì khó làm những cái hay. Với lại có lúc đột xuất quá, thì cũng có lúc chìm đi. Như Phạm Tiến Duật, rồi cũng có lúc chán chứ. Tôi sợ lúc lên quá, rồi lúc lại xuống quá.
– Xong quyển Dấu chân người lính này, quyển sau tôi phải nghĩ kiểu viết cho nhanh hơn. Tức là làm một kế hoạch tỉ mỉ một chút!
… Dạo này, nhà xuất bản Văn học nghe cũng đã thiếu bản thảo thì phải. Thằng Huy Phương đang bảo tôi mang bản thảo sang. Thế mới biết mình viết đứng đắn thì cũng không thiếu gì nơi dùng, những thằng viết được ở mình có mấy?
… (Đùa): Cố viết lấy mấy quyển đầu, cho nó có cái tên; những quyển sau, thả nào cũng in được thôi. Nhà văn là một người làm bạc giả, đưa bạc giả cho cuộc đời, rồi lại thu về bạc thật, là những đồng tiền.
Chất liệu chiến tranh
Những vấn đề ở bãi tha ma Mỹ ở Tà Cơn, ở những đơn vị trinh sát thích lắm.
Nói cho cùng thì Nguyễn Thi nó đi, nó cũng mới viết về chị Út, về nhân dân. Còn những mảng thật là lính chưa ai viết. Chất lính nó có một cái gì dữ dội. Chất lính ở đường 9 nó lại có một cái gì đó lộn mù lên - Cứ viết riêng về thằng lính đã đủ thích lắm rồi. Nhưng mà có những chỗ phạm húy, toàn phạm húy cả.
Ở cái Đường 9 Khe Sanh ấy, mình với nó như là anh anh cắn nhau, ngoạm vào nhau một miếng rổi lại bỏ ra rời ra…
Khải: Từ Mảnh trăng cuối rừng, tôi bắt đầu nghi ngờ ông Châu. Lại tả cảnh, lại làm duyên. Cái Phi vừa rồi cũng thế. Cửa sông chủ yếu viết về một cái gì chung (ý thức độc lập tự do). Hồi ấy, đó là một vấn đề người ta băn khoăn. Bây giờ khác. 
– (với Mai Ngữ): Viết chiến tranh phá hoại mà cứ phải bắn súng lên, bắn súng xuống thì chán lắm rồi. Trong chiến tranh phá hoại bao giờ cũng phải thêm những chuyện nội bộ nữa vào thì mới thích.
Hồi ấy tôi viết Cửa sông cũng cứ vừa viết vừa nghĩ, viết đến đâu nghĩ tiếp đến đó. Sau này tôi mới nghĩ ra cái kết như thế.
Có một hồi thằng Chu còn bị các ông ấy bịp, chạy theo vấn đề nọ, vấn đề kia. Tôi chẳng cần những chuyện ấy. Thằng viết phải để cho vấn đề nó nhuốm vào trong truyện. Cứ viết đi rồi tự nó những vấn đề nó sẽ nổi dậy.
– Đúng là tôi muốn viết những gì có tính chất bền vững lâu bền. Như viết về chiến tranh, hãy viết về những bà cụ bán hàng, những bữa cơm người ông tiễn đưa cháu.
Những câu văn của ông Tuân, ông Tô Hoài, có cái gì nó không hợp với thời đại lắm - mặc dầu nó đã rất cố gắng vặn vẹo trong đó.
Dạo này tôi chỉ toàn ngủ. Viết căng quá ròi, cứ phồng căng cả lên, như cái bánh đa nướng ấy, mệt lắm rồi, muốn viết thật buông thả, thật thoải mái xem như thế nào.
Xem quyển Đời viết văn của tôi, thấy ông Hoan ông ấy giỏi lắm. Ví dụ như ông ấy nói rằng từ bé tôi chẳng coi chuyện gì là quan trọng cả. Mình cũng nghĩ thế, nhưng mình không nói được thế. Hay là một chương trong cuốn Bước đường viết văn cũng vậy. Ông Nguyên Hồng ông ấy tả cái nghèo thì nhất.
(NMC đi nói chuyện với CAND vũ trang) Tôi có khuyên mấy thằng: việc gì phải đi đâu, các ông cứ nói cho kỹ cái nơi đang sống. Như viết về đồn biên phòng, về cửa Ba Lạt chẳng hạn
- Như thế là tiểu thuyết phong tục rồi.
- Thì văn chương mình bây giờ cũng chỉ ăn ở cái phong tục
- Chu nó giỏi nhất vẫn là về những chủ đề hậu phương
- Cái phần văn học nhất, xưa nay, cũng là về hậu phương chứ là gì?
(Nói về lụt)
Khải: Thế  là mình dự đoán về lòng người về thiên nhiên đều sai cả, trái quẻ cả.
Châu: Cái phần trái quy luật ấy chính lại là quy luật.
(Nói về thơ Duật Những cánh rừng không dân). Những đoạn như đoạn lục bát nó hay đấy, nhưng cũng là cũ, nó là cái giai đoạn ông Tố Hữu ông ấy viết rồi. Phần đầu của Duật nó mới hơn. Tôi vẫn ưa cái gì khái quát.
Khải: Ông Duật kêu lên những câu hỏi nhân loại mà thấy như ghép ở đâu vào. Bây giờ những kiểu viết sát sàn sạt vào thực tế, có khi lại không thực tế. Còn lối viết như của Đỗ Chu trong Ráng đỏ, nó có vẻ như không liên quan đến hiện thực, nhưng lại hiện thực… Dấu chân người lính có những chỗ rất là thích, cảm thấy người viết nói hết được mình đấy.
Châu: Nhiều vấn đề chỉ không nói nữa  thôi, chứ mình đã chuẩn bị cho đầy đủ rồi.
Tôi ngồi tôi đọc mấy cái truyện của bọn miền Nam: một người trước khâm phục kháng chiến nhưng cuộc sống trôi nổi vẫn ở vùng tạm bị chiếm. Sau những ngày đất nước chia cắt, bây giờ nghĩ về những người lính giải phóng, thấy hình như không gặp được ý nghĩ của họ, tức là  chợt thấy cánh giải phóng đó là không sao hiểu nổi.
… Mấy thằng nó viết dung dị quá, và mình chợt thấy sợ hãi. Khéo nó sẽ có những cái còn lại với lịch sử. Mà những cái mình viết hôm nay, chẳng còn gì cả.
Có những khu vực mà nếu tôi  viết, mình sẽ thấy còn lại - ví dụ như tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân, ví dụ như Hà Nội, như những chuyện thuộc về những cái ngàn năm của đất nước mà ông vẫn nói với tôi bấy lâu. Còn như những chuyện hôm nay, mình phải coi chừng. Hôm nọ tôi đi Vĩnh Linh, tôi có cảm tưởng rất hiểu khu vực sông Hiền Lương, nhưng đến hôm nay, nghĩ lại, thì tôi lại cảm thấy đó là cái phần mà mình không nên động tới, dù thế nào thì mình cũng không nên động tới.
Người viết bây giờ cứ phải một câu trung, một câu nịnh một câu nói giống mọi người thì mới được một câu nói khác mọi người.
Cứ bảo cánh miền Bắc mình viết giỏi. Miền Nam nó viết, câu chữ của nó chỉnh lắm.
Bây giờ thì mình chỉ viết kiếm tiền. Chả làm danh nhân danh tướng gì. Danh nhân đã hàng đống đầy đường ngoài kia. Hoặc là bây giờ mình chỉ phục cái loại nó cứ dai nhằng nhằng.
Giữa văn chương và thực tế
Tôi viết cái Dấu chân người lính này có cái gì quyết liệt lắm. Các nhân vật của tôi đều đang đi tìm đi tìm mình, kể cả những nhân vật đã chững tuổi.
(Hôm nọ tôi đi xem gặp lại Nghiêm Kinh, thì lại chán quá. Hóa ra nhân vật trong văn học bao giờ cũng là phần tưởng tượng ra, chứ không phải là phần có thật trong đời. Thực ra, tôi chỉ nói chuyện với ông ta có một lúc, vào khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ tối, nói những chuyện đâu đâu ấy, rồi thôi. Lính nó nói về ông ta cũng toàn những chuyện không đâu vào đâu)
Viết của mình bây giờ, nó giống nhau, nó đều như là ký cả. Nhưng thật ra ký viết rất khó. Ký phải bố cục thế nào đó lớp lang chừng mực, tả những cái đáng tả, viết những cái đáng viết… Vì thế cho nên viết tiểu thuyết có cái dễ của nó. Mỗi tiểu thuyết có cái khung truyện, tức  tự nó, tự số phận của nhân vật có vấn đề của nó rồi. Ví dụ như tôi nghe chuyện một thằng lính về phép xong, đến Hà Nội thì bị mất cắp, chỉ còn cái ba lô, ngồi vườn hoa tính chuyện quay về đơn vị thế nào đây. Thế mà không hay à?
Sự đa dạng của chất liệu
Nhàn: Cái tên Ký sự giữa hai bờ đất hay đấy.
Châu: Tôi định viết về những người viết văn đến cái mảnh đất Hiền Lương này, nhưng mà không viết được.
Tôi tự hỏi: không hiểu sao, ngay từ hồi đọc cái truyện Người về đồng cói của thằng Lựu, tôi đã không thích. Sau mới hiểu ra: tại vì trong truyện ấy, nó nói về một nhân vật cứ làm lung tung cả lên. Thực ra, không nhân vật nào có thể làm lung tung như thế được.
Truyện của chúng ta bây giờ hoặc là công thức, hoặc là bắt chước nước ngoài. Nhưng cái ấy của thằng Lựu vừa công thức, vừa bắt chước nước ngoài, thì mình chịu làm sao nổi được. Trong truyện ấy của nó, chỉ có mấy đoạn nói về cói là ra văn học.
Trong Dấu chân người lính ngoài cái phần viết như mọi người, về lòng yêu nước và lòng dũng cảm, thì còn có cái phần này, tôi muốn viết về sự xao động của cả  một thế hệ trong cuộc chống Mỹ cứu nước .
Nhân vật chính, kể ra chỉ được thằng Lữ. Tôi ngồi tôi viết mấy đoạn về tay chính trị viên văn công, rồi bọn văn chương. Mình nghĩ: không biết mình viết cái phần này làm gì nhỉ. Không biết dựa vào đâu để viết những ý nghĩ ấy. Nhưng sau tôi nghĩ ra: đó chính là một phần những quan niệm của thằng Lữ.
Quyển sách đến gần 500 trang. Mình viết ra nó cứ dai như đỉa. Lạ thế không biết! Mình không ăn ở sự sâu sắc, chính là ăn ở cái phần dai như đỉa ấy.
Về Tiếng gọi hai bờ đất
Nhàn - Viết cứ lung tung như thế mà lại hay
Châu - Cũng phải tài giỏi lắm mới lung tung được, chứ có phải bỡn!
- (Với Quang Thọ) Mình vẫn cay cái món Hà Nội, nói chiến tranh là cần, nói mọi thứ là cần, nhưng vẫn cần phải tìm cái chiến tranh, cái mặt trận ngay trên một khuôn mặt thằng lính bây giờ, trên khuôn mặt một người dân bây giờ. Mình nhớ nhất là cái năm 1967, trong cái mùa hè nắng cứ dựng lên, mặt người nào cũng được phát tán không khí, mặt người nào cũng rực cả lên. Tại sao chúng mình không nói được những cái đó nhỉ?
Phải bình tĩnh mà sống, là một thằng viết, phải bình tĩnh sống với những ngày hôm nay, cái cuộc sống hôm nay không thể nào khác được. Những cái lạ, anh không biết, nhưng có khi những cái chung quanh mình, anh cũng không biết.
Còn như bây giờ cho tôi mà đi vào nhà máy nào đấy được ít ngày, tôi cũng viết được. Căn bản là phần mình.
Không có nhà văn riêng của đề tài nào cả. Càng những thứ lạ, lại càng dễ viết.
Quang Thọ: Đã đành là thế rồi. Một khuôn mặt không vẽ được. Mà đến cái nắng trên trận địa càng không vẽ được, thế mới ức chứ.
Nguyễn Minh Châu: Ông Nguyễn Thi toàn viết về phụ nữ mới lại trẻ con. Tôi cho cái đó không giỏi. Cái giỏi chính là phải nói về những người đàn ông cơ.
(Sau khi nói về gầy lửa) Cái khó ở đời là một mình nhen lên được một ngọn lửa giữa đêm đông, khi niềm vui và sự ấm áp đã có thì khắc có người tới bên mình, chẳng phải đợi
– Cái chết bao giờ cũng có hình thù và mỗi người ngã xuống đều có một câu chuyện.
Nhàn: Tôi thấy cái kết cấu Dấu chân người lính của anh làm hỏng cái xu thế toát ra từ những mảng sống trong truyện của anh. (Tôi không muốn nói rõ hơn: cái kết cấu ấy có vẻ “nịnh đời“ quá)
Châu: Sự thực là từ khi tôi viết dở quyển Dấu chân người lính này, cũng như khi tôi viết xong, nhiều ông ở tổ sáng tác đều có ý lo cho tôi, không khéo tôi viết đã càn, lại hung, làm các ông cháy thành vạ lây thì khổ. Cho nên chính tôi cũng sợ. Cái chất láo nó đã có sẵn trong con người mình rồi, đến lúc nào đó tự nhiên nó bột phát. Nhìn vào  cái phần cuối. Giải phóng rồi thằng Lữ thì chết, cô Xiểm lại trở về với thằng chồng cũ. Mọi thứ đều vữa ra. Giá kể đào kỹ vào không hay à?
Nhưng mà thôi, văn chương bây giờ nhảm nhí quá. Lắm lúc mình nghĩ may lắm thì văn chương bây giờ làm được cái phần việc như Tự lực văn đoàn ngày xưa nó làm, tức là làm trong sáng tiếng nói, làm đẹp thêm cho tiếng nói.
Tiêu chuẩn để xét một  nhà văn, với Nguyễn Minh Châu, là  ngôn ngữ.  Nói về Nhị Ca: Cái thằng ấy đặt câu không nên. Nói về Xuân Thiều: Thằng  ấy hay mang vào văn học những chữ của tiếng nói hàng ngày, ví như tiếng ông bà ông vải… Còn như ông Nguyễn Tuân, ông này làm cho tiếng nói nhiều khi trở nên mách qué.
Trong một lúc tự thả lỏng:
– Trên mà giao cho mình làm một bộ từ điển mình sẽ bỏ hết những từ chính trị trong văn chương.
Đâu là vấn đề cơ bản?
Châu: Nhà văn mình lắm lúc chả biết viết cái gì. Sau chiến tranh, có viết về sự chán ghét, sự ghê tởm, thì người ta cũng đã viết đủ rồi.
Nhàn: Hãy viết về sự man rợ.
Châu: Thế mà cũng đòi lên Xã hội chủ nghĩa!
Ghi trong chuyến Vĩnh Linh
Những xu hướng chính trị đang xô đẩy chính kiến và tình cảm của con người, nhưng chưa đến lúc nói đến những xung khắc về chính kiến, văn học hôm nay hãy nói đến những giằng xé về tình cảm, chỉ làm được việc như vậy đã khó.
Con người là vật tượng trưng của sự bất lực, hay nói đúng hơn, sự bất lực của mọi nỗ lực của con người, và đừng nên buồn vì điều đó. Cái quan trọng là không bao giờ nên để rơi mất những khát vọng và hy vọng. Chủ đề của tất cả những sự kiện mà tôi đang sống chính là sự thất bại của những khát vọng. Dần dần con người còn tiến đến thực dụng.
Viết về chiến tranh từ xưa đến nay, vẫn là giải quyết cái này. Giết người? Giải thích con người giết người. Anh giết một người: Anh là ai - con người bị giết là ai?. Lòng căm thù, động cơ của sự giết người là một phạm trù của tình cảm hay phạm trù lý tính?
Cái nguy hiểm của chủ nghĩa tình cảm ở chỗ nó như một đám lửa. Vẻ đùng đùng bề ngoài che lấp mất cái gì đó sâu bên trong, cái gì đó đang khiến cho ngọn lửa bốc cháy. Nhà văn cần đề cao lý trí trong tác phẩm.
1972 - Một lần đi trong đêm
Sau này, tôi chỉ muốn viết về những cái chết, những chuyện bất đắc kỳ tử, cũng như những cái chết trong chiến tranh - muốn viết về một cái gì như là gió ông  cụt ở Vinh, cái gió nó xoáy người, xoáy cả đồ vật.
Những linh hồn chết theo cơn gió xoáy đó đi tìm đầu hồn của mình. Nó lật tung cả cái nhà của tỉnh ủy Nghệ An lên để tìm.
… Chính tôi, tôi cũng sợ cho cái lung tung của tôi. Chính cái thành phố Hà Nội tôi cũng cảm thấy lạ. (Đỗ Chu nói đùa: Chắc là ông Châu mà sang Liên Xô thì thấy nhiều chuyện lạ lắm. - Mường đi Tràng An mà lại)
Sau này, hòa bình, tôi sẽ tha hồ đi và viết bút ký (còn đi nước ngoài, thì chỉ có đi Lào)
Bây giờ người ta phải viết tiểu thuyết thôi, tiểu thuyết thì còn có chỗ trốn. Còn như bút ký, người viết cứ phải trần ra trước mặt mọi người. Viết tiểu thuyết như làm một thứ búp bê, cho nó đứng ra trò chuyện với mọi người. Còn như viết bút ký, tức là anh lôi người ta đến trước cửa nhà anh, anh phải đứng ra dàn xếp mọi chuyện. Cái đó khó lắm. Nhưng mà nếu tình hình yên yên, với lại nếu được viết một cách rộng rãi xem, thì tôi sẽ đi, tôi viết ký.
Trong những ngày này, tôi chỉ muốn viết về cái gì đẹp. Tôi cảm thấy tôi cũng khá nhạy cảm về những chuyện này, thế thôi.
Cái tập mới này của tôi - Lửa từ những ngôi nhà - sẽ viết về những chuyện vơ vẩn trong chiến tranh, sẽ làm cho người ta cảm thấy chiến tranh len vào khắp mọi chuyện, khắp mọi con người. Chiến tranh là cả một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là công việc của mấy ông lính.
Nói về nghề nghiệp
Nếu tôi viết cho ông một bài lý luận bây giờ, tôi sẽ viết sự mệt mỏi của nền văn nghệ tuyên truyền. Tôi cũng có thể viết cho ông một số bài về nghệ thuật tôi thích.
Đọc Evtusenco. Nó viết điên thật đấy nhưng mà hay. Cả Việt Nam chả có người nào có được tư cách như chính tay này. Tất cả cái Hội nhà văn của mình.
Xuân Thiều lúc nào cũng như một thằng trung nông. Xuân Sách giống như một thứ dầu nhờn. Còn những lão ở ngoài kia, tôi cũng chẳng kính trọng lão nào cả.
(Nhân nghe ông Thanh Tịnh kể chuyện) Ông này bốc phét ghê lắm. Họ cũng không còn sống chết gì với nghề nghiệp này, không còn sức sống gì nữa. Cả ông Nguyễn Tuân ngoài kia cũng thế. Lão Tô Hoài thì viết ở lời mở đầu Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ: Tất cả đều là sự thật (!!!). Cả cái hội nhà văn của mình như một lũ chó hục đầu vào chậu cơm duy nhất đó.
Từ trước tới nay tôi cũng không bao giờ bị cay cái gì. Sự thực tôi cũng chưa thấy tay nào nó viết vượt lên mình cả. Còn như trao đổi nghề nghiệp cũng chán. Chỉ có lão Khải nói tạm nghe được còn những lão khác, có bao giờ nói được cái gì ra hồn đâu. Những loại Hồ Phương, Hữu Mai, Hải Hồ, Xuân Sách chưa phải là nhà văn, viết văn không ra hồn (Ccus âu của Xuân Sách cứ cảm thấy không được chững chạc. Còn câu của ông Hải Hồ thì lại rất chênh vênh)
Về thơ Lưu Quang Vũ
Thằng này đúng là thằng tài hoa thôi, nhưng nghĩ lại thì cũng thấy nó nói lung tung không đâu vào đâu (Mấy ngày trước gặp Vũ, Nguyễn Minh Châu: Cái xô bồ cũng có phần đơn điệu).
Thơ căn bản là hình ảnh, nhưng mà cứ làm xiếc vậy thôi, rút lại thì chính hình ảnh không đủ.Tôi thấy nghe nó đọc cũng mệt, đọc bằng mắt còn mệt nhiều. Đọc bằng mắt phải dàn mặt với từng chữ một Cứ thế này mà đọc 3000 câu thì chán lắm.
… Thằng này sao lại so sánh với Evtusenco được. Thằng kia nó thực sự cầu thị hơn chứ. Vũ không thực sự cầu thị lắm
Tôi thấy văn thơ các ông ấy (Đỗ Chu Lưu Quang Vũ), đặt ra vấn đề này: Tức là người ta sống thật với văn chương như thế nào. Vì nếu người viết nói dối, cái nói dối này tiếp cái nói dối khác, rồi cuối cùng thì người đọc cũng biết. Phải sòng phẳng với văn chương lắm. Cái sòng phẳng ấy, cũng tức là cái chân thật. Ông phải tự hào rằng nhiều cái ông không bằng chúng nó, nhưng cái phần ấy, ông lại hơn chúng nó. Hay như tôi chẳng hạn. Tôi thấy rất nhiều người thích tôi, cả những tay bên báo QĐND nó cũng thích tôi, có lẽ là ở cái phần ấy có cái phần ấy thì đôi khi, mình có nói lếu nói láo một chút, người ta vẫn có thể nghe được.
Ở nhà này, những ông Phương, thằng Sách, cả ông Khải nữa, đều thiếu cái đó. Ông Thiều có cái đó, nhưng lại thiếu tầm cỡ.
Nếu có ai đặt, có thể mỗi ngày tôi viết được một truyện ngắn. Sẽ viết truyện ngắn Người đóng vai nói về Huy Du và vợ. Vợ học nước ngoài về, ông ta phải nhuộm tóc, sửa quần áo làm cho người trẻ lại - cứ phải đóng một vai khác mình như vậy.
Viết truyện ngắn Những vụ tự sát không tiếng súng. Một người ngày nào cũng nghĩ chuyện thành một người gì đó khác mình - Phải quan tâm tiêu diệt thằng người cũ trong mình. Nhưng ngày mai, lại con người cũ trở lại.
… Tôi nhớ tôi đọc một cái kịch gì đó - hình như Caragula - của Camus, viết về một bạo chúa giết cả người yêu của mình. Tức là con người ta cũng ma quái lắm.
Đơn độc
Tôi thấy sống ở đây, người nào rồi cũng có chỗ không hợp mình, rồi cũng chán. Thằng Sách tẩn mẩn và ti tiện quá - lúc nào cũng lắng nghe theo đuổi tọc mạch một chuyện gì đấy. Ông Khải trắng trợn. Không phải là ghê gì, nhưng mà cứ có phần trắng trợn. Ông Mai muốn lôi tôi vào rất nhiều chuyện mà tôi xa lạ: ông ấy cứ giới thiệu cho mình gặp người nọ người kia. Còn thằng Thiều thích đủ mọi thứ, thấy người ta làm sao thì làm vậy. Nói chuyện với nó cũng nhạt, chẳng bốc được chuyện gì. Còn như ông, sao mà ông phiền muộn sớm thế, cái tuổi của ông đáng nhẽ phải đang là tuổi đàn đúm, thì nó mới là trẻ (một lần khác: Không có gì thích bằng tuổi trẻ. Tuổi già bao giờ cũng có cái lố bịch của nó)
… Những ông khác tôi; không biết như thế nào, nhưng tôi, tôi nhận thấy cách sống của tôi đang là cách sống của một nghệ sĩ đấy. Trước những vấn đề thời sự những vấn đề của đời sống hàng ngày sự phản ứng của mình như thế là vừa phải.
Tôi cho về căn bản đời sống là phải ít yêu cầu thôi. Mình tự lượng sức mình, mình không giúp ai được chút gì, thì mình cũng đừng đòi hỏi ở ai một tí gì cả.
… Suy cho cùng, đối với thằng viết, chỉ có viết là thích nhất.
Ảo tưởng
Tôi định viết hơn 100 truyện thật ngắn trong đó có một cái truyện như thế này: Chuyện con người ta như một hòn đá buộc vào đâu đấy, rồi quay quay lên. Cứ quay cuồng như thế là sống. Giữ lại, để hòn đá chạm đầu kia của sợi dây là chết.
Tức là con người ta luôn luôn phải khác mình, luôn luôn phải sống bằng những ảo ảnh do mình tạo ra. Như hôm nọ ông Đăng Thục sang chỗ tạp chí chơi, phải nói về triết học, nói về đường lối văn nghệ, nói mọi chuyện, và cứ sống thế, dù viết không nên câu nào cả. Như ông Huy Du ở đây tưởng là mình trẻ trai. Như ông Xuân Sách tưởng mình mắng được mọi người một cách khôn khéo, tức là mình hơn được mọi người… Đây, ảo tưởng, cái mà ông Sartre ông ấy cũng đã nói trong Những chữ, nhưng mà nói không rõ. Ảo tưởng luôn luôn là có thể - nếu không có thể, lại không thành ra sự đời! Cả mình nữa, mình cũng ảo tưởng chứ. Những khi mình viết, trong con người mình phải bốc lên cái chất tín đồ… Nhưng mà mình chỉ hơn mọi người là lúc khác mình lại tỉnh, cho nên ngay trong phần ảo tưởng, cũng vẫn có cái chất thật của mình, và mình tồn tại ở chỗ ấy.
Châu: Tôi chỉ cần viết xong truyện này, với cái truyện gió ông cụt, tức là có thể nhắm mắt bỏ bút được rồi.
Nhàn: Nói đến hết như thế, anh không làm cho mọi người buồn sao?
- Buồn cũng phải nói. Thà làm cho người ta buồn, hơn là làm cho người ta vui một cách giả tạo thế này.
- Lắm lúc tôi cảm thấy không biết tin vào gì nữa. Tôi cảm thấy sống quá xa mọi người bình thường, mà sống như họ, tức là phải xoay sở, chạy vạy, thì tôi không sống nổi. Thế anh trông tôi xem, tôi sống có nổi không?
- …
- Để tôi nói tiếp. Tôi khó sống lắm. Đời sống có quá nhiều truyện mập mờ. Tôi không đủ trí khôn để tin vào mọi điều, phân biệt điều sai và điều đúng.
- Hãy tin vào cái đầu của mình.
- Nhà văn các anh, các anh sống bằng tài năng. Nhưng những người bình thường nhất không biết họ sống bằng cái gì nhỉ?
- Họ sống bằng sự hồn nhiên, bằng thói quen, bằng những ảo ảnh nữa. Trong những ngày này, ông ra phố xem, đời sống vẫn vận động ghê lắm. Người ta đi dọc đường, mấy ông thợ gõ tôn cứ choang choang, và ở Bưởi, xe ô tô xếp liền nhau, quay đầu một hướng, chỉ chờ Hòa bình là đi. Đúng như cái câu thơ của ông Chế Lan Viên vậy, cái chết đã chết rồi, cái sống bận đi lên
- Suy cho cùng, nó là cái sức sống của dân tộc mình. Nếu không thì trong bom đạn thế này, người ta sống sao nổi
Nhưng mà những ngày này, tội vạ gì mà viết (!) đi xem mọi người cho thích. Tôi thấy ông Hữu Mai, chồng bản thảo cứ dầy mãi lên một cách đáng sợ. Hôm nọ tay Tuấn (NXB Thanh Niên) lại mời tôi ăn cơm… Phải nhận là nó rất tốt, nó giúp mình đủ thứ - Nhưng mà nghe nó ngồi, nó nói, nó tưởng tượng mình viết thế nào, thì tôi cứ ghê sợ cả người. Dây với những NXB Thanh Niên, QĐND này, người viết mình cũng dễ mất tư cách lắm. Không phải nó nạt nộ mình đâu, nhưng mà trong cách hiểu, nó cứ khính khinh mình như vậy. Bây giờ nó còn bảo mình viết như Cửa sông, viết những truyện lùa con em người ta ra chiến trường, thì viết làm sao được nữa? Cái hồi ấy viết, chính là nó có cái không khí khác.
Các khu vực đề tài
Ông Chính Hữu vỗ vai bảo tôi đi viết về 559 đi. Hôm nọ, ông ấy đã bảo tôi một lần rồi. Quả là bây giờ, viết về 559 là phải. Coi như viết về cái xương sống của cuộc chiến tranh nay rồi. Tôi mà vào, chắc ông Đổng Sĩ Nguyên quý thôi. Nhưng tôi đã nghĩ rồi, vẫn chưa phải lúc viết đâu, vào làm gì. Chính sách của người ta như thế. Tôi đang viết cái Hà Nội kia, mấy hôm đi đâu, mở mồm nói ra cái gì, cũng đều oóc-giơ. Nghĩ đưa cái gì mới, thì oóc-giơ… Cho nên, mình cũng hơi ảo tưởng đấy. Cái quyền Hà Nội này, mấy chương Hà Nội vừa rồi, thế là phải tháo tung ra viết lại mất.
Sắp tới, có 3 khu vực mà các ông ấy cho viết. Viết về cuộc đấu tranh chính trị trong Sài Gòn, có ông Khải. Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, viết riêng về 559 như kiểu không quân trong Vùng trời, ông Mai giỏi việc này. Và một kiểu nữa, viết về chủ nghĩa xã hội như mấy năm vừa rồi, ông Khải đã viết. Có lẽ tôi đành sang viết về loại thứ ba này thôi. Nhà văn mà gác bút như ông Kim Lân thì cũng không nên. Viết về những chuyện lớn  bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng lại có cái thú của nó: nó mới là văn học .
Thôi, tôi cứ chọn lối viết cách người đọc - cũng là người thường - độ nửa bước chân thôi, mà cũng là cách lãnh đạo độ nửa bước chân thôi.
Lẽ dĩ nhiên, để nay mai xem tình hình như thế nào. Nếu như tình hình là các ông ấy kiểm điểm lại những ngày này, các ông ấy có một cái gì như là tự phê phán về những năm chống Mỹ cứu nước, thì mình cũng có thể viết được chứ. Khi ấy, tôi sẽ là người đầu tiên, vác ba lô vào nằm trong Trường Sơn sau chiến thắng.
- Một người viết như ông Khải, tính lại đến nay đã hơn một chục quyển sách, nhưng thử hỏi ông ta còn lại được cái gì, việc được cái gì trong nông thôn chúng ta trong những năm vừa qua.
Viết bề sâu nông thôn, Khải đọ làm sao được với những Kim Lân, Nam Cao.
Cái chết của Khải, nhiều khi lại ở sự dứt khoát quá, minh bạch quá. Tức là sự một chiều, nghĩ rất rõ ràng. Không bao giờ ở ông Khải đọc thấy một cái gì đó, thuộc về những tâm sự ẩn kín của một người viết. (Nhàn: ông Khải không có cách mà ta gọi là hai tầng hai mặt - trong cái vui có cái buồn, trong cái hy vọng có cái thất vọng).
Còn như Đỗ Chu, tôi thấy một nhà văn mà ở lại văn học với chỉ một quyển sách như thế, là nên mà cũng không nên. Một nhà văn phải ở lại văn học với cả sự hiểu biết của mình ,với cả trừng trải của mình. Đỗ Chu khi viết Trong tầm súng, thực ra là có dịp để nhìn lại mình lắm chứ, nhìn lại cả một lớp thanh niên như mình đã chiến đấu ở Hà Nội. Thế mà sao Đỗ Chu viết không nên!
– Tôi tính, lắm khi viết tiểu thuyết phải như tôi, chui vào một xó nào đó ngồi đối mặt chỉ mình với mình thôi, thì mới viết được.
Nhưng làm báo, làm báo phải xuống dưới Hà Nội. Cứ ở cái xó Hương Ngải (địa điểm sơ tán)  đó, rồi được toàn nhưng thứ như rơm rác cả.
Mặt tĩnh của chiến tranh
Tôi đi Hải Phòng độ 2 ngày, giá kể cho tôi viết thỏa thuê, tôi có thể viết được cái gì đó về cuộc chiến tranh phá hoại. Thành phố như đã chết. Con sông Hạ Lý không chảy, mặt sông không còn dầu mỡ.
Thằng em tôi nó cứ reo lên. Nó đón tôi, nhưng nó lại nhạt nhẽo với tôi.
Tôi vào Hải Phòng, để mà cứu những đứa con khỏi trở thành nạn nhân. Cả Hải Phòng đã là nạn nhân.
Nhưng tôi lại bỏ Hải phòng tôi đi, tôi đạp xe suốt bốn tiếng ngoài đường, không vào nhà ai. Tôi không muốn vào Hải Phòng, cái thành phố tôi đã lấy vợ, có những đứa con, tôi không muốn nó thành thành phố chết chóc.
Những nhà văn cái loại như Hữu Mai, như Hồ Phương, các ông ấy thiếu một sức chứa, nó chứa sẵn trong người. Các ông ấy lấy được tài liệu bao nhiêu thì viết bấy nhiêu, lấy được cái gì viết cái ấy. Tôi thì khác. Có những chuyện rất vớ vẩn, tự nhiên mình gặp, thế là cả kinh nghiệm cũ của mình nổi dậy. Có những chi tiết đến đó tự mình, mình phải bịa nó ra, không hiểu làm sao mà bịa nó ra, nhưng phải thế mới được. Có những chỗ mình tô rất đậm, và có những chỗ  mình bỏ qua đi. Đấy là cái phần tiềm thức của tài năng. Viết thì phải lý trí lắm, lý trí phân tích cả xã hội. Nhưng viết lại phải có phần buột ra tự phát vụt ra những cái gì đó, như là ngẫu nhiên bắt được và không giải thích được.
(Nghe VTN kể chuyện Tiếng động ban trưa của Dương Nghiễm Mậu) Tôi công nhận có những giây phút như thế, những khung cảnh như thế, những con người mà mình phải bắt lấy cái hồn.
Không nói Hữu Mai, Hồ Phương, ngay ví dụ như ở Đỗ Chu, hay cả cái dòng văn Thạch Lam nữa, cách cảm cách nghĩ kiểu Thạch Lam, đều là bám vào cái thực trần tục phổ biến.
– Nhìn bao quát cả cuộc đời những thằng viết, có thể rút được kinh nghiệm rất nhiều. Như Nguyễn Kiên, tôi thấy nó lắp bắp quá, nhiều tác phẩm viết nhảm quá.
Tôi đọc Chuyến xe ra, và tôi bắt gặp ông Nguyễn Kiên như một ông chủ nhiệm trong hợp tác xã của mình. Chuyện trong nội bộ hợp tác thì thạo, cái gì anh cũng biết. Người cũng vừa khắc nghiệt, vừa hiền hậu,  ông ấy nói cái gì, mình biết  cái phần ấy ông ấy biết thật. Nhưng ngoài ra, thì không thấy ông ấy hiểu rộng thêm được gì nữa.
Nhưng Nguyễn Kiên còn có gì đó chắc thiệt hơn Đỗ Chu.
Tôi yêu nhà văn nào nói được một cái gì khác ở cái quen thuộc, cái phần mà tôi không nhìn ra. Những ông như Hữu Mai, không biết làm thế. Nhiều khi lại không còn có cả cái có duyên của câu văn nữa.
Châu: Nguyễn Kiên cũng có những lúc viết lắp bắp, mấy năm gần đây là lắp bắp.
Nhàn: Lắp bắp tức là thế nào?
– Là viết ra những quyển sách, mà giá kể không có, người ta vẫn thấy anh là chính anh.
Cái gì là văn học
– Hôm nọ ông nói đúng đấy. Sức mạnh dân tộc mình nó ở sự chịu đựng. Tôi nghĩ bây giờ viết về hoàn cảnh của một người đàn bà mà bất cứ tai vạ gì cũng chịu được. Thế nào cũng ra ngày hôm nay, ra chiến tranh
… Về Hải Phòng. Sau Nguyên Hồng, cũng chưa ai viết được một cái gì nên hồn. Chính Hải Phòng là một thành phố có cá tính. Về đấy, để vài ba năm viết vài quyển, cũng khối chuyện viết. Không chừng còn hơn viết về nông thôn.
Nhàn: Tôi đi qua vùng Phố Nối, một điểm bán nem, vẫn có những cụ già ngồi thái nem trạo cho thật mềm thật săn. Có lẽ do thói quen và lòng yêu nghề mà ông cụ trụ được. Bây giờ, người viết văn là một trong số người thợ thủ công loại ấy. Dù làm cho nhà nước, làm cho mậu dịch ta cũng phải giữ lấy lương thiện.
Châu: Lắm lúc tôi nghĩ tôi cứ thấy sợ. Giả sử, những lớp người sau, họ đọc đến văn học bây giờ, thì có khi, cái bộ phận văn học hiện thực miền Nam lại có ý nghĩa hơn là những gì miền Bắc mình làm từ bảy năm nay.
- Nhiều khi người viết mình ở ngoài này, cứ muốn khôn hơn thời đại, cứ muốn ra cái điều ý thức, còn cái phần hiện thực chẳng bao nhiêu. Chính văn một người như Đỗ Chu là thứ văn rất ít chi tiết.
- Thì chi tiết lại cũng chính là tư tưởng. Tư tưởng  đã không có, thì chi tiết chỉ là trò vớ vẩn. Cái quan trọng vẫn là thực tế, như ông Lỗ Tấn đấy. Mà thực tế đó phải là cái thâm nhập vào cá nhân mỗi người thành sự thực của riêng hắn . Tiểu thuyết làm được việc ấy. Tiểu thuyết, nếu tôi được viết, sẽ có một nhân vật thế này. Hắn có mười căn buồng tư tưởng khác nhau. Ở mỗi căn buồng hắn là một người khác.
Nói thế thôi thứ tiểu thuyết lại là một thể rất điêu toa. Ký mới thực.
– Tiểu thuyết của mình thì vụ thực quá. Ký của mình thì lại quay ra hư cấu, và ít chất thực. Nó cũng phản ánh tình trạng chung của mình: cái gì cũng lem nhem, trật trạo.
Trước lúc có ý thức, Nguyễn Minh Châu đã có cái gì gần như bản năng. Khi cái ý thức kia có vị trí của nó rồi, anh sẽ đi rất xa. Có thể rồi ông Châu cũng lên đến cái cỡ như ông Khải chăng?.
Khải: công nhận là ông Châu viết lý luận đã có cách viết riêng.
Xuân Sách: Nguyễn Minh Châu lý luận tạo ra được những bất ngờ, bất ngờ trong cách nhìn nhận, đánh giá mọi thứ, bất ngờ trong ý kiến. Nói cứ như vào tận gan ruột người ta.
Châu: Ông Hải Hồ làm thủ tướng thì hàng ngày, từng công dân, phải đến trình diện, báo cáo thủ tướng tôi đi đái.
Xuân Thiều: còn ông Nguyễn Minh Châu mà là thủ tướng thì treo một cái bảng trước cửa, không tiếp ai hết. 
Bao giờ Nguyễn Minh Châu cũng có một thái độ rõ rệt với những thứ không phải văn chương. Ví dụ như nói về ông Khánh Vân báo Quân đội Nhân dân, Nguyễn Minh Châu lập tức nhăn mặt lại. Cái ông Khánh Vân ấy! Ví dụ như nói về thơ, nghe  Ngô Văn Phú khẳng định chúng ta phái phấn đấu để thơ có cái chất riêng của thơ bộ đội, Nguyễn Minh Châu nói ngay không có cái gì là cái riêng của thơ bộ đội cả.
Dưới mắt mọi người
Nhị Ca: Nguyễn Minh Châu có năng khiếu, nhưng vẫn là anh làm ăn không hợp thời, loay hoay ngồi viết, rồi cũng chả đâu vào đâu. Thằng Hữu Mai nó viết văn rất khô, nhưng nhiều khi nó vẫn đặt vấn đề, đặt ra một cách mạnh mẽ lắm.
Tại sao trong thái độ, Nguyễn Minh Châu có phần như “bênh” Đỗ Chu, như rộng rãi hơn đối với Đỗ Chu. Có phải vì Nguyễn Minh Châu vẫn thấy những chuyện gọi là quan điểm với lại tư tưởng, chả có gì quan trọng mà chỉ cần tài năng? 
Theo Nguyễn  Khải, hình như Nguyễn Minh Châu đang bước vào một thứ văn chương khác, cách nói khác, song vẫn chưa đến được chỗ mộc, khỏe, vạm vỡ.
Xuân Sách công nhận chỗ mạnh của Nguyễn Minh Châu là ở những ý nghĩ bột phát  bất ngờ, những điều lung tung không đâu vào đâu cả. Sách bảo còn mình thì đã có ý thức từ sớm, cái gì hơi là lạ đã ngăn chặn được, cho nên ngay trong cách nói, đã đánh mất hẳn cái phần hồn nhiên ấy đi.
Cũng Xuân Sách: Chính là Nguyễn Minh Châu ăn ở cái hồn nhiên, không sợ cái gì (còn mình - Xuân Sách nói - mình luôn luôn cảm thấy một cái gì đó, mà không với tới được)
Bùi  Bình Thi: (Có lẽ lại ý kiến đâu bên Hội nhà văn): Văn Nguyễn Minh Châu không có sắc thái, không có cái vẻ riêng biệt của một ngòi bút. Nguyễn Khải viết có vóc vạc hơn.
Nguyễn Minh Châu viết rất mạch lạc, trong khi nói rất lung tung. Nguyễn Minh Châu thật có phong thái một người viết tiểu thuyết, những tiểu thuyết dài, tự nó đòi hỏi một người từ tốn không vội vã.
Cái thứ hai đối với Nguyễn Minh Châu: Gần như để mắt vào cái gì, cũng nói nó lên một cách rất là văn học. Ở đây, có một bí mật nào đấy, mà tôi nhìn không ra.
Trong cách nhìn nhận về con người, Nguyễn Minh Châu nhiều khi cũng tự tin đến định kiến. Với ông, những loại như Đỗ Chu, đáng mặt viết văn lắm. Còn những loại như Lê Lựu - cái người ấy chỉ là thứ đất thó, nặn thế nào ra thế ấy, không thể nào ra văn chương được.
Đọc Tiếng gọi hai bờ đất (một tập ký NMC cho in 6-1972)
– Nếu tôi là Nhà xuất bản, tôi sẽ đặt anh viết một tập bút ký văn học - tức một tập cảm nghĩ về những người làm văn nghệ trong cuộc đấu tranh cho thống nhất hiện nay - Có một cái gì đấy, mà chỉ những người nghệ sĩ mới có thể hiểu về những người nghệ sĩ khác như vậy.
Khải: Dấu chân người lính đúng là mang lại một bước tiến mới cho văn xuôi mình đấy. tác giả thì rõ là một nghệ sĩ, cái chất hình tượng trong văn xuôi của Châu rõ lắm, đọc văn cứ như là sờ thấy được khung cảnh nhân vật.
Nhàn: Tôi cũng đã thấy nhiều người tả cảnh, nhưng như ông Tuân, ông Tô Hoài tả, thì có nhiều chỗ tả như người lần mò trên một thây chết vậy. Cứ dẫn giải từng li từng tí một. Còn nếu Nguyễn Minh Châu tả, bao giờ cũng có cái sống của nó, người nghệ sĩ có cái vui buồn xốc nổi cuốn theo sự  yêu thích đối với cảnh vật.
Nhưng mà về mặt nhân vật, thấy Nguyễn Minh Châu dừng lại ở bản năng nhân vật quá nhiều, mà thiếu từ đó viết một khái quát gì đó. Nói là không đặt ra một vấn đề tư tưởng gì đó trong tác phẩm, có lẽ ở chỗ này. Cuộc sống là thế nào thì cứ kệ nó, rồi nó sẽ tới.
Khải: Tức là ở Nguyễn Minh Châu thiếu đi một nhà tư tưởng, tuy rằng nhà nghệ sĩ, đã là rất đậm nét.
Những đoạn tự kể
Tôi thuở trước, tính cũng ngơ ngơ thế này này. Năm ấy vào Đảng, - vào từ hồi đi học chuyên khoa, - là vì ở với mấy cậu nó cũng tốt. Học xong Lục quân về 320, làm thằng trung đội phó. Sau một lão cán bộ trên về thấy tôi hay vẽ vẽ trên báo tường, mới lấy lên, chuyên môn đi vẽ bản đồ. Năm ấy tôi hơn 20 tuổi. Có lần, ngồi chung mấy thằng với nhau, mỗi thằng phải nói sau này mình sẽ làm một nghề gì đấy. Tôi bảo: Sau này tôi sẽ viết văn. Ai cũng buồn cười.
Ở Khu bốn ra Việt Bắc, rồi lại về đồng bằng, đúng là tôi có bị choáng một tí thật. Tôi có ghi lại một đoạn nhật ký khi vào những thành phố nữa, sau đánh mất mất.
Tôi, ai người ta cũng bảo là sống không có tính cảm. Tôi đóng quân ở đâu, lúc đi khỏi, người ta ít nhớ lắm.
Tôi viết cái gì cũng như là bắt được chứ lúc đầu chả định viết thế. Cái Cửa sông cứ dài mãi chứ lúc đầu chỉ là truyện ngắn. Viết Dấu chân người lính, chính là quá trình tôi khám phá ra hiểu biết của tôi về thằng lính. Viết cái gì bao giờ cũng là một sự nhận thức về cái đó thật.
– Quá trình viết cũng là một quá trình thưởng thức. Tôi không hay đọc lại những cái đã viết từ lâu, nhưng viết chương này, hay phải đọc lại chương trước. Sự viết đồng thời là một sự thưởng thức. Vì thế sự viết là một hứng thú.
Chính cái việc viết, nó làm cho mình cảm thấy mình không đủ. Viết cái này, lại nghĩ ra viết cái khác.
Sự viết, giống như là một sự phát ra một cái gì đó. Nhưng nó cũng lại là sự tích điện, là sự nạp vào trong mình một cái gì đó, ngay trong cái lúc anh phóng anh phát.
– Tôi thấy nhiều lúc viết cũng là một quá trình nhiều mặt lắm. Về những vấn đề tư tưởng, mình phải tính toán cho kỹ. Nhưng mình cũng phải chọn được truyện. Tư tưởng như là cái hồn, hồn phải tìm cho được cái xác, thì mới thể hiện được hết điều định nói. Có lúc, có hồn trước, đi tìm xác. Có lúc, từ cái xác cụ thể, mình lại phải lôi lên thành hồn.
– Viết được cái chất hình tượng như tôi, không phải là dễ đâu. Nhưng chính viết mãi như thế, mình cũng thấy chán. Tôi định bao giờ rỗi rãi, mình viết cái gì với một bút pháp xám. Tức là không khí tư tưởng, con người, câu cú trong đó, nó không phải cứ trơn tuột đi, không phải cứ toe toét màu hồng, không phải nó cứ tươi nở, mà phải là hơi lổm chổm, bứt rứt, nó nửa vời, mà nó lại sâu đậm.
Nhàn: Ở  ta, không ai đi theo lối hiện thực hư ảo, ma quái.
– Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì làm sao mà xoay sở thế được. Cái chết của văn học mình là văn học phải tuyên truyền. Bây giờ, tay nào mà đi vào thứ hiện thực ấy, là mở ra một hướng mới trong văn học đấy.
Về lao động nghề nghiệp
– Nói thì bảo sách vở, chứ thật ra văn chương là chuyện khổ công. Có nhiều ý nghĩ, mà nếu chính mình không cần viết, mình nghĩ không ra. Có nhiều chữ nghĩa, mình cứ phải xoay xở trở đi trở lại mãi mới hạ bút. Tôi đọc những ông như Xuân Sách, viết cho thiếu nhi, thấy chữ nghĩa vớ vẩn lắm, lại không chuẩn bị gì đâu. Cả nhưng ông như Hữu Mai, lấy toàn từ liệu về máy bay máy bò, cái tư liệu chết ấy không gọi là tư liệu được. Hồ Phương cũng không phải tài hoa. Lão ấy còn cái gì đểnh đoảng nữa cơ. Chính Khải nó đọc, nó đi, nó viết ghê chứ. Thằng Khải đi đơn vị, tôi đoán nó đoán nằm dưới đất. Ông Hữu Mai thì đừng hòng. Ông kia lúc nào cũng phải có cà phê với cái ăn ngon. Hay là không mò đi chơi, nghe tin tức là không chịu được.
Cái hồi tôi viết Dấu chân người lính, có lần nó chỉ bảo tôi chữa có vài chỗ, tôi ngồi tôi chữa mãi chứ có ít đâu.
Xem ra trong nhà này, tôi là người viết khó khăn nhất.
Về người cùng nghề
Tôi là thằng viết, mà không gì ngại bằng phải sống cùng nhà với những ông viết khác. Cũng ngại những người khác, khi người ta làm thân và ra ý hỏi mình về việc viết lách. Cứ y như người ta đang dòm hành vào nhà mình.
Có lần, tôi xuống chỗ ông Mai. Ông ấy đang dọn các thứ, mới đưa cho quyển sách xem, một quyển tài liệu gì mà ông Văn đưa cho ông ấy.
– Châu xem, có khi đọc cả quyển này, chỉ lấy được có vài ba dòng.
… Mình chưa thấy một anh nào lại chọe mình về việc viết lách như vậy.
Nhàn: Không hiểu sao, tôi cứ muốn anh viết về những người thủ công, ở Việt Nam mình, số phận người thợ thủ công rất tiêu biểu. Dĩ nhiên là đừng nên thi vị hóa họ, như kiểu ông Tô Hoài. Thì vị hóa người thợ thủ công không được đâu.
Châu: Như là cái Những người chân đất, nó viết giỏi lắm. Nó không sa vào cái phần phong tục thi vị hóa đâu. Trong những cảnh đói khổ nhếch nhác của con người, nó toàn ra những điều có ý nghĩa triết học… Chỉ phải cái  cũng hơi sốt ruột.
– Ở Việt Nam mình, người viết tiểu thuyết đã nhiều, mà vẫn chưa có nhà tiểu thuyết Nhưng tiểu thuyết phải như thế nào kia. (Như bọn tôi, cũng chẳng có quan niệm gì về tiểu thuyết, một lần khác - ông nói vậy).
– Về lối làm việc của nhà văn, tôi cũng thích nhiều thứ. Thích đi, thích viết bút ký đi đường. Trong khi đó, lại thích viết một cái gì, nó….nó giống những bức tranh xã hội. Rồi lại viết một cái, như là gió ông Cụt. Nhưng mà làm như thế, phải có tài, có sức khỏe, có điều kiện lắm cơ! Để làm nhiều thứ cùng một lúc. Và như thế mới là nhà văn.
Một câu buột miệng
– Ăn như tá điền thế này thì viết thế sao được
Chiến tranh muôn vàn bộ mặt
– Một bữa, tôi ngồi bên một mâm cơm, và tôi chợt nghĩ: Phải biến những cái này thành sự kiện văn học. Nhà văn ngồi đâu, thì phải biến cái đó thành sự kiện văn học ngay mới được. Mình phải viết để trả thù, trả thù lúc mình khốn khó quá.
- Ngày 4/12/72, tôi đi lang thang khắp đường. ở bên kia, ông Thọ vào bàn hội nghị. Ở bên này, dân tình xao xác.
Tôi đi trên những đoạn đường Hà Nội, tìm xem chỗ nào chỗ hết của đường nhựa, tức là mở đầu cho đường đất. Nhìn từ ngoài đường vào, dường như các nhà đều là yên tĩnh. Nhưng nhìn cho kỹ, lại như không phải. Lại như sự xáo động nằm trong tình cảm mỗi người.
– Bao giờ tập Đèo Trúc của ông Cao ra, tôi sẽ xin viết. Tôi viết rằng có người phải lao vào chỗ động, để nói cái động, như bọn mình, như thằng Duật. Nhưng lại có loại người mà cứ ở đằng xa, nghe tiếng động đó nó dội lại mình, mà vẫn có thể viết, như loại ông Cao.
Nhưng phải trách là ở cái nhà này, các ông ấy ít đi quá, ít chịu nghe mọi thứ ở ngoài mình. Có bao nhiêu là việc.
– Tôi nghĩ ra rồi. Bây giờ mình viết về những chuyện phản chiến, mình cũng không bằng mấy ông nước ngoài. Cái mới của mình văn chính là ở chỗ mình vẫn nói, tức chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phải tìm ra ở đấy, những cái mới mà viết.
Ngay cái phần mà mình ngồi mà mình nghĩ, tức cái ảo ảnh của con người, tôi cũng thấy nó là cái chung, mà đâm ra mình lại rất khó viết.
Miền Bắc mình, những năm chiến tranh phá hoại có gì rất đáng viết. Rất đáng viết về Hà Nội, Hải Phòng. Viết về cao xạ, không hiểu sao thằng Chu nó không làm được. Viết về khu Bốn, ngòi bút Mai Ngữ tĩnh lắm, không viết được đâu.
Chỗ nào có thể hay
– Khi nào tôi viết, có những chỗ bùng nhùng, biết dừng lại và nghĩ cho kỹ thì sau  tôi lại viết được. Ý tôi muốn nói  chỗ nó hơi phải nghĩ một tí, mình hơi bí, ấy. Nhưng chính vì như thế, mình phải tìm. Như tôi viết cái chương Kinh lên thăm trận địa. Nhẫn, Khuê thì lại còn hơi dễ. Đằng này ông Kinh! Tôi không biết, xoay sở như thế nào. Tôi cứ xách túi đi chơi. Mãi về sau, mình nghĩ tới cái tĩnh và cái động trong cuộc đời, khéo chừng, viết thế lại được.
Những ông như ông Văn Đa, vẽ cái gì cũng dang dở, cũng như những công trình nửa vời, cách đi đánh đứng nửa vời, chứ không phải đi hết trên con đường mình định đi
Nhàn: Dấu chân người lính tài hoa quá
– Ông phải công nhận tôi viết cái đó trong một thời gian khó khăn, chạm phải những cái khó khăn. Nếu không có cái tài hoa làm cho mình mê đi, tôi làm sao viết hết được quyển sách… Những người như ông ăn ở sự cần mẫn. Còn tôi, tôi văn ở sự thất thường. Tôi biết lợi dụng sự thất thường đó. Nhưng mà ông xem, trong số các anh em ở đây, có phải tôi là người vẫn viết một cách khó khăn hơn cả.
Đã phàm là một người viết, bao giờ ông cũng phải nhớ cái này: phải chú ý tới tiềm thức. Phải để cho cuộc sống tự nó nẩy lên vấn đề gì đó… Nếu như cái gì tôi viết, mà tôi có quá nhiều chủ định - ví như Trên vùng đất sỏi, Những vùng trời khác nhau - những cái đó toàn hỏng cả.
– Ví như tôi thấy có thể viết một làng xóm ở khu 4. Một làng mà trạm giao liên đi qua… Nó vốn  xa quốc lộ, xa mọi thứ phố xá… Chiến tranh đến với những nơi đó, sẽ rất kỳ lạ cũng thật thấm thía. Muốn được như thế cái cửa mở ra cho người viết phải rộng ra nữa, phải viết với cái bút pháp thế nào cơ.
Nhàn: Ông Nguyễn Khải  viết đối thoại giỏi đấy chứ. Muốn cho ra đối thoại, một tác giả phải để cho các nhân vật đủ mạnh, rõ cái chất người của nó ra cơ.
Châu: Đối thoại của ông Khải  không giỏi, chẳng qua các nhân vật của ông Khải cũng như ông ấy, sắc sảo lý lẽ. Mình sợ những người nào viết đối thoại thế nào để giữa các nhân vật nó cứ lạnh như không ấy cơ, mà nó lại ra được mọi chuyện.
- Tôi chỉ ức là không sao mang được cái gì đã nghĩ, đã trò chuyện đối đáp với nhau ở hậu phương này vào bài viết của mình.
- Nhưng mà thế thì làm sao mọi người in được.
Đi dự một buổi họp thông tin.
- Ở ngoài kia nó khen chê mạnh dạn hơn. Chính mình sống với nhau ở đây, khen không ra khen, chê không ra chê, chán lắm
Nhàn: Hôm nay, tôi đi ngoài đường, thấy mùa rét đến, những đám ống khói, trẻ con nó đốt lên, ra vẻ tết lắm.
- Ông phải công nhận tôi viết nhân vật Lữ thích khói, thật là giỏi chứ? Chi tiết như thế mới là chi tiết.
- Mình là cái anh nhà văn, mình phải viết không ra Hà Nội, cũng chẳng ra nông thôn. Phải viết, bao gồm được cả hai cái đó, bao gồm được mọi thứ, đứng trên mọi người, đứng trên mọi giai cấp.
- (Bàn về việc viết chiến tranh) Mình là cái nhà văn đã nhiều chất lung tung, nhiều chất phản chiến quá rồi. Nếu lại đi viết về những thứ đó thì có thể lại chẳng được cái gì hết cả.
Nhàn: Trong quyển Dấu chân người lính, anh có thấy người ta chê cái gì mà anh cảm thấy đau nhất?
– Chưa có, chưa có
– Có cảm thấy cái khu vực nào mà mình viết, nó không vào không?
– Có chứ. Ví dụ như từ nay trở đi phải viết về một thực tế huyễn hoặc, là cũng như mình cảm thấy mình còn chưa đặt chân vào được, đó là cái chỗ rất khó của văn học mình.
Những hạn chế
Nguyễn Khải: Phải công nhận văn xuôi Nguyễn Minh Châu có sức miêu tả rất lớn. Đó là một nghệ sĩ. Nhưng đó lại chưa phải là một nhà tư tưởng… Chính lúc thấy cái ông ở ngoài hội nhà văn  khen Dấu chân người lính quá đi, thì tôi lại càng thấy rõ  đó là ở ông Châu có một cái gì rất hợp thời, mà mình không cần  chú ý nữa.
Xuân Thiều: Phải nhận Nguyễn Minh Châu viết giỏi. Từng trang một đọc rất trôi, Nhưng  mà toàn bộ, đúng là không thích lắm.
1973 và NHỮNG NĂM SAU
Thế nào là viết về chiến tranh
Nhàn: Giá kể lên chỗ lính ngụy một tí.
– Xì, lên làm gì. Bây giờ tôi sợ nhất phải viết về địch, lại phải viết mình tốt nó xấu, mình thì ánh sáng, nó thì bóng tối, thật chả ra sao! Cứ viết ngay về mình đây này, cũng đã có thể được khối chuyện. Để ý cho cho kỹ là được. Viết về nó, phải viết khác. (5/31973)
( Sau khi đi Quảng Trị về) Tôi chỉ dám lên chốt một ngày. Đánh nhau kinh, bây giờ trai tráng hai bên dằn mặt nhau cũng kinh - trong khi đó thì đàn bà, con trẻ cứ moi đất cắm từng cây mạ mới trên mặt đất hàng năm nay bỏ hóa.
… Cứ cho tôi ngồi, tôi lôi  hết nhật ký ra đăng, có khi lại thấy hay không biết chừng. Cứ bảo lo viết lách kiếm tiền, chẳng qua nói thế cho người ta đỡ ghét. Chứ được viết cái gì của mình, thì giá có phải ngồi uống nước lã mà viết cũng chấp nhận.
Có lần, tôi đi từ Cam Lộ ra đường 9 - mình say sưa ngắm một đám cháy, rồi mình lại tự mắng mình là đi thưởng thức những cái trò chơi của chiến tranh.
… Biết đâu, trong những năm vừa qua, mình cũng đã làm công việc đi nhìn ngắm như vậy.
Nhàn: Tôi muốn ai đó viết về người lính 304 - cái người lính không phải của những chiến thắng, mà là của những sự chiến đấu, dai dẳng, khốn khổ.
- Nhưng để làm gì? Nói đến chiến tranh, là phải nói đến giết người.
- Không đủ! Người ta phải làm rất nhiều hành động trước, thì người ta mới có thể giết người được. Sự giết người chỉ là hành động cuối cùng. Tôi muốn viết về hành hạ con người trong những năm tháng này. Từ con người bị hành hạ mới đẻ ra con người bắn giết.
- Trong đợt đi Quảng Trị, tôi lại chú ý nhiều đến các đội điều trị. Là vì trong cái chiến dịch 1972 này, đó là cái phần việc mà mình thấy có thể nó còn là giữ gìn con người, bảo vệ con người.
… Nhưng đi vào vẫn thấy bí. Những ngày chiến dịch, những thằng Quân y làm việc cứ như một bọn hàng thịt (cho đến cả y tá cũng mổ).
… Một thằng lính Quảng Trị nó nói với tôi: Quảng Trị đúng là cái máy nghiền thịt.
Tôi ngồi tôi xem lại cái phần Lưa từ những ngôi nhà. Và tôi tự hỏi bây giờ mình phải viết thế nào. Viết ca ngợi chiến tranh cũng không được. Viết phản chiến cũng không được. Thôi thì viết cái gì đó, người ta cứ phải sống, lầy lụa mà sống, mà chịu đựng.
– Viết về kiếp người?
– Gọi thế cũng được nhưng nó hơi bi thảm quá.
– Người nào đi Quảng Trị về, cũng thấy chói lên cái câu hỏi về chiến tranh - cái câu hỏi đỉnh chạm trời, và chân sát mặt đất.
… Lắm lúc, chả muốn đọc những thứ người ta suy nghĩ nữa. Ai nghĩ cũng chẳng bằng mình. Đất nước này là đáng nghĩ nhất. Mình là thằng nghĩ có thể hay nhất.
– Phải viết thế nào đó cho hết mình. Đôi lúc như là chỉ cần ghi lấy những ý nghĩ vớ vẩn của mình cũng được, nghĩ xuôi rồi lại nghĩ ngược, quanh quẩn nghĩ gần rồi lại đẩy nó ra xa, đẩy nó ra xa, rồi lại kéo nó vào gần… Văn học là phải như thế.
Nhìn lại một số tác phẩm viết về chiến tranh
– Tôi ngồi tôi đọc Sống mãi với thủ đô. Xem như ông Tưởng ở một đầu chiến tranh ,mình ở đầu đằng này. Thấy trước từng ấy năm, mà ông Tưởng ông ấy lại còn tiến bộ hơn mình. Ông ấy còn dám nói: Cầm súng là một việc không ra sao, chúng ta buộc phải làm vậy. Còn mình, mình chỉ thấy việc cầm súng một việc anh hùng, tốt đẹp, chúng ta lầm lẫn mục đích với phương tiện. Và một số người cầm bút cũng lẫn giữa mục đích và phương tiện như vậy.
– Kiểm điểm lại thì thấy người viết mình loanh quanh lắm. Có độ 4-5 vấn đề, rồi cùng nhận ra và cùng chui cả vào đấy. Chả cứ chui vào về mặt tư tưởng, mà chui vào cả về mặt cốt truyện. Xem xem, từ ông Nguyễn Thi, ông Phan Tứ  cho đến ông Xuân Thiều, cũng một cái thôn như thế, một cô trẻ trẻ bí thư chi bộ, lại một mẹ già, rồi một thằng địch. Sao mà mình giống nhau như lột. Tự nhiên câu cú chữ nghĩa cũng phải giống nhau.
… Nhưng tình hình mười  năm tới, rồi cũng phải thế thôi. Ở mình đừng hòng viết về một cái gì hư ảo đâu, cái nền văn học ấu trĩ của mình, rồi rút cục cũng chỉ như hôm nay. Chỉ có thể thế này, độ bảy phần nịnh thì viết lấy ba phần trung. Bảy phần như mọi người, và ba phần như của mình, lên diễn đàn hét ầm lên, nhưng cũng có lúc có thể ghé vào mọi người, nói vài điều tâm sự. (Nhàn: Tôi chỉ sợ những cái anh ba phần kia cũng không có một, thì sao gọi là văn học được).
… Ở nước ngoài, đúng là nó hay viết về đất, về cát, về những chuyện đâu đâu, chính vì đó là cái phần bản năng, nó cũng là cái phần huyễn hoặc của mỗi con người.
– Con người ta, nếu cái gì cũng rõ ràng rồi, thì không phải viết nữa. Xem một nhà văn nhiều khi xem anh ta nói về phụ nữ thế nào, vì phụ nữ bao giờ cũng sống một cách bản năng như vậy.
Tính khái quát trong văn học
Hôm qua tôi ngồi nói chuyện với Khải. Một quyển như Vang bóng một thời ăn ở cái gì? Vì nội dung, nó ăn ở chỗ nó không sa vào cái hỗn tạp của thời đại bấy giờ, nó đề cao một cái gì tĩnh, đẹp, nói cho cùng cũng hợp nhân bản - mà về mặt nghệ thuật, ăn nhau ở câu chữ. Nhà văn của mình bây giờ chả ăn vào điều gì cả.
– Lúc nào đó, phải bàn lại cái chuyện như tính khái quát trong văn học, tính khái quát có phải là tính tượng trưng không. Khái quát ở mức nào (ví như truyện của Khải cũng chưa phải là khái quát lắm). Văn học nó phải là một cơ thể nội tại. Nó phải có một cuộc sống riêng - dù cách cuộc sống khi gần, khi xa, tức là nó có mô phỏng cuộc sống, hay là nó biến hình, nó thăng hoa đi, thì cũng vậy, - bao giờ nó cũng tách ra, có cái lý riêng của nó mới được.
Nhàn: tôi đọc bài Nhà thơ trẻ và cánh rừng già của anh. Tôi thấy nó có nhiều chỗ vụt một cái, từ thực tế đến khái quát. Bọn chúng tôi viết kém, hay bị lằng nhằng.
– Căn bản là có sự  liên tục trong ý nghĩ, thì không cần móc nối. Với lại phải bạo một tí.
– Hay là có những câu dài…
– Có những trường hợp, tôi đã viết một câu dài, tôi định cắt nó ra - câu ngắn có cái ghê gớm của nó chứ, nó rất quyết liệt, nhưng phá không ổn, lại cứ phải để câu dài, để cho người đọc nó đọc cả cái nhịp nghĩ của mình.
Người viết văn có thể bằng cả vào cái đó, bằng vào cả cái quá trình suy nghĩ của mình, mà nói chuyện với người đọc. Như tôi đã nói với ông một lần, chỗ nào bùng nhùng, chỗ ấy tôi lại cảm thấy viết được.
- Người viết văn phải vừa viết, vừa hoài nghi mình mới được. Cảm thấy rằng mình đang còn ngờ vực cái điều mình vừa viết, để cho người đọc tiếp tục nghĩ. Còn như cái ông Lê Khâm, ông ấy viết văn cứ như dân Quảng Bình đúc gạch táp lô. Và ông ấy vứt cái gì ra, là tin nó vừa khít như trình độ nhà văn của ông ấy đấy.
Viết về chiến tranh chính ra lại có cái đưa đẩy đi, có cái để trốn: mình phải động viên thằng lính, không thể nói hết mọi chuyện được. Viết về hòa bình mới thật khó quá, phải viết thực. Lắm lúc ngồi nghĩ, lâu nay nhà văn mình cứ xem có cần cái gì thì minh họa cái ấy, thế mà vẫn sống được, lạ thật! Rồi sau này, chả còn gì.
Bây giờ trong văn học, những thằng bất tài sống hơn những thằng có tài. Mà trong mỗi người, chính anh lại sống bằng cái phần bất tài của anh hơn là những phần anh cảm thấy phải hơn, anh tài năng hơn. Thế mới chết!
Nhàn: Cái ông Nam Cao, ông ấy rất nhân bản.
Châu: Đồng ý với ông, cái nhân bản nó là cái quan trọng. So ông Nam Cao với ông Nguyễn Công Hoan thì Nam Cao nhân bản hơn. So Nguyên Hồng với Nguyễn Tuân, thì Nguyên Hồng cũng hơn. Bây giờ, bọn viết trẻ cũng thiếu. Bây giờ, bọn viết trẻ đã đến với chủ nghĩa anh hùng, trước khi đến với chủ nghĩa nhân đạo. Không đến được với chủ nghĩa nhân đạo, anh không viết được dâu.
– Bây giờ đi đâu, tôi cứ muốn né né, tránh tránh đi. Không muốn giơ mặt ra làm gì.
– Cho nên gặp thằng Chu, thấy ai nó cũng bắt tay, mình lại đâm ra ngại.
Các vấn đề hình thức
– Là cái thằng viết anh phải chú ý đến câu chữ. Càng những chỗ bùng nhà bùng nhùng, anh lại càng phải viết cho trong sáng. Thằng viết phải nhớ rằng cả hai thứ vũ khí tay trái và tay phải, đều nguy hiểm - hình thức là tay trái, mà nội dung là tay phải.
– Hôm nọ, lão Khải  cũng đã nói rồi. Ngay ở Vang bóng một thời cũng chỉ được về văn. Văn mình bây giờ cũng không có nữa, không biết ra sao?
– Những lão như lão Tuân, lão Xuân Diệu thực ra thiếu tư cách thì cũng là điều dễ hiểu. Họ đã quen ăn ngon rồi chẳng hạn. Mình ăn miếng giò, thì giò nào cũng được. Các lão ấy còn biết củ tỉ từng thứ giò một, giò hàng nào, thịt hàng nào... Cho nên tống những thứ ấy vào mồm là viết theo đặt hàng  hết.
Ví như mình, mình cũng vẫn có những khao khát. Mình giá có khổ nữa, nhưng được viết thoải mái, còn hơn sướng hơn, mà bắt viết khốn nạn. Mình muốn nói lên một điều gì đó. Mình muốn thét lên một điều gì đó còn nghẹn trong lòng.
Nhàn: mình mới hơn?
- Cũng không biết có mới không, nhưng mà rõ ràng là trẻ, cần trẻ quá đi chứ! Trẻ để có thể vụt ra cái điều thằng già nó giấu.
– Anh có ý thức về sự thay đổi của mình? Ví dụ từ truyện ngắn sang Cửa sông
– Hồi ấy tôi cứ làm thế thôi, không tính được.
– Anh có nhận đằng viết truyện ngắn không hay bằng truyện dài?
– Truyện ngắn khó. Xưa nay có truyện ngắn nào chỉ ăn ở chỗ ca ngợi
– Thế Daudet, Paustovski?
– Đó phải là những người có tài ghê lắm cơ.
Nhàn: Tôi không phải là người học đòi lắm đâu. Nhưng tôi cứ cảm thấy là cần phải viết khác đi. Con người mình cứ rời vụn ra, đồng thời lại rất thống nhất. Con người mình vừa lạnh đi vừa ngày mỗi cuồng nhiệt lên. Nhưng tôi hỏi anh, từ lối viết Cửa sông sang đến Dấu chân người lính, anh có ý thức không?
– Cũng không hoàn toàn có ý thức, nhưng cứ cảm thấy là có khác. Đó là lần tôi đi chiến trường. Đi toàn với những người gây cho mình khó chịu, mình thấy rất rày rà. Lại nữa, tình hình đánh đấm khó khăn, chẳng ra sao cả. Có nhiều điều không giống  như dự kiến. Tự dưng trong con người mình nó sinh ra cái chất ác, cái yêu cầu phải phanh phui mọi chuyện, phanh phui chính mình. Tự dưng con người thấy phải đi đến cùng trong một số ý nghĩ. Bắt đầu bằng việc ghi vào nhật ký.
– Những chuyện hình thức, nó vào mình ghê thật
– Vì sự biến chuyển của hiện thực, nó làm cho con người anh như một người sốt, sờ vào đâu cũng thấy nóng, mồm mũi mang tai đều thở ra hơi nóng. Đúng là tất cả những cái đó phải vào trong nội dung mới được. Nội dung không có, đâm ra hình thức cứ loanh quanh
– Nhưng mà vẫn có chuyện hình thức.
– Có. Hôm nọ Bằng Việt nó có  nói chuyện này. Theo lời Nguyễn Khải, Bằng Việt nó nói là cách chia chương chia đoạn của văn xuôi mình quá cổ; đáng lẽ mình cũng phải chia theo những ý của nội dung, những ý của triết lý mới phải cơ, chứ cách chia theo thời gian không gian bình thường là hình thức lắm. Như thế là đã ngửi thấy hơi văn xuôi cả đấy.
Chất văn học
Thằng viết thật buồn cười. Lắm lúc phải khoảng khoát, mà lắm lúc phải tẩn mẩn tính toán, quá anh hàng xén. Tính bao nhiêu chuyện.
Ví như tôi. Nó mời chào ghê lắm, nhưng nhất định, tôi sẽ không viết kịch bản phim. Viết những thứ ấy, không có ngôn ngữ nữa, vì nó không yêu cầu anh về mặt ngôn ngữ. Tôi cũng sẽ không viết truyện thiếu nhi. Không viết truyện ngắn. Chỉ vài ba năm, phang ra một cái truyện dài, hay tiểu thuyết cũng được. Hỏng thì hỏng mất vài năm, nhưng cũng đành chịu, mình phải tỉnh táo mà viết.
Văn chương VNQĐ mình đại khái là lính tẩy. Loại người như thằng Thiều, Hữu Mai, cả Khải, cả tôi là văn chương kiểu cán bộ, cán bộ chính trị.
Còn bọn bây giờ, nó lại lính tráng quá, Đỗ Chu lính, lính theo nghĩa binh nhất binh nhì, anh thiếu cái chững chạc của thằng cán bộ, chững chạc trong tác phẩm.
– Tôi đi xem một bộ phim Bulgari có một thằng nó làm thùng, nó nói về cái tài năng trong cuộc đời. Hôm nọ họp, tôi đã phải nói: Họ nói toàn chuyện vớ vẩn, ra những vấn đề quan trong; mình nói toàn chuyện quan trọng, mà xem lại thì vớ vẩn.
… Nói thế thôi, quy lại bây giờ mình rất giống nhau. Học ở đâu không biết, vừa viết vừa bình luận. Không ai làm được cái lối viết như Hemingway, có vẻ lẳng lặng tả thế, mà lại ra vấn đề. Mình thì hay xông vào truyện, ngố không chịu được. Đúng là các nhà văn của một dân tộc lắm điều.
Một buổi chiều lau nhà
– Mình còn biết là mình lảm nhảm. Lại còn bao nhiêu thằng cứ ngồi đấy, uống chè, hút thuốc lá, mặc quần áo thật diện, rồi cứ phán xét những chuyện đâu đâu, thì mới nhảm đến là ngần nào.
Nhàn: Khốn khổ, tôi vẫn có thích đọc lại văn mình!
- Người viết  mà không còn cái đó, thì anh còn gì nữa?
- Viết đôi khi như là một sự bắt được. Tức là tự nhiên mình tìm thấy một cái gì đó, mà trước đó mình chỉ ang áng, chứ thật ra, mình cũng không thật hiểu.
– Người viết bao giờ cũng có những cái mà theo đuổi. Tác phẩm trôi chảy theo những cái hữu hình .Nhân vật áo xanh hay áo vàng, quen ai hay không quen ai, nhà văn phải biết. Nhưng nhà văn lại còn như đang theo đuổi một cái gì rất vô hình, một vẻ đẹp, một nhịp điệu. Về sau này, anh mới có thể nói rằng anh viết kỹ lưỡng cẩn thận, là để tỏ ra kính trọng độc giả hoặc  là vì thế này thế nọ. Nhưng thật ra, trước hết, nó là để thỏa mãn chính anh.
- Tôi thấy viết còn có cái thú vị này. Là cảm thấy chinh phục được  một cái gì đó. Cảm thấy sẽ bắt nó đi theo cái ý của mình, nó thuần phục mình hoàn toàn. Bằng chứng là người ta vốn bảo nó như thế này, anh lại có thể viết nó ra thế kia… Đó cũng phải được coi là một thứ sung sướng.
Châu: Có những người như ông Khải  khi đi thực tế ông ấy ghi rất nhiều chi tiết. Tôi thì khác. Tôi nghe người ta nói, cũng lơ mơ thôi (Dĩ nhiên, mình cũng phải ghi, văn xuôi tốn tài liệu lắm!). Nhưng ngồi với cái nhân vật tương lai của mình đó, cái trước tiên là mình tính: tính xem hắn mang lại cho mình cái gì, mình phải thông cảm với hắn điều gì - giữa người lính hậu phương với người lính ở tiền tuyến, có cái gì khác nhau? Có được cái phần đó rồi thì thôi đấy, coi như là anh đã gặp được một con người.
Nhà văn nước mình đánh giá người là căn cứ vào tốt và xấu, nhưng đánh giá mà chỉ căn cứ vào tốt và xấu thế, thì không thành nhà văn được. Trước hết anh phải bắt lấy con người, khung cảnh như một cái gì toàn bộ, với tất cả những đường viền của nó.
Nhàn: Văn chương mà viết cho tinh luyện đọc sướng thật. Nhưng tôi lại càng thích thứ văn có vẻ như xô bồ nhưng lại có được vẻ đẹp bên trong của nó.
– Nhưng như thế, cái nội dung anh viết phải thực lắm cơ.
–  Cái chữ quan trọng thật
– Chữ, đó là màu của tranh. Cùng với chữ, tư tưởng triết học của anh hình thành.
– Có nhiều người chữ dùng quá chênh vênh.
– Một số người khác, thì chữ lại nhợt nhạt. Như ông Thi chẳng hạn.
Vấn đề căn bản của văn học ở cái chế độ mình, nó là vấn đề đạo đức. Tức là xem con người ta nêu sống thế nào cho phải, cho phù hợp với xã hội (không bao giờ đặt vấn đề văn chương tồn tại hay không, như ở các nước khác)
… Một người như tôi, tôi cũng hay để ý xem ở các nước XHCN, họ làm ăn thế nào, nhìn họ đi biết con đường mình có thể đi.
…. Tôi không thể nào viết về các loại truyện mà các nhân vật bị quấn chặt trong những chức vụ, những thứ như là chính sách, thời sự 1-2 năm. Tôi có viết về xã hội chủ nghĩa, thì tôi cũng tìm được cách rồi. Những lần đi qua cái chỗ khe nước lạnh ở giữa Nghệ An - Thanh Hóa, tôi rất chú ý những công trường làm đá ở đấy. Nếu cần phải viết, thì tôi viết về một cái miền xa xôi như vậy, mà ở đó, người ta vẫn bị mọi thứ quan hệ xã hội chủ nghĩa chi phối…
- Có lẽ là anh muốn đi cái kiểu như Aitma tov
- Có thể là như thế.
Viết về chủ nghĩa xã hội
Những cái gọi là văn chương của XHCN mình, tôi đọc không chịu được. Ông Khải cứ khen om cái Đồng chí trong chủ tịch đoàn (tập truyện Liên Xô) tôi đọc thấy chả có gì, viết dở lắm. Tôi chỉ thấy được có cái phim Người đương thời với lại cái Khởi đầu.
Nhàn: Trong XHCN, thể chế xã hội đã là cái khung, văn học lại tự tạo cho mình những cái gông, như một thứ khung nữa, muốn xoay sở cũng khó.
– Đúng hai cái khung. Trong khi đó, thì con người của mình bây giờ phức tạp quá. Đất nước chia ra, trong mỗi gia đình chia ra, và trong từng gia đình, y như có vài thằng người tồn tại. Tôi nghệ sĩ và tôi cũng tính toán vặt, tôi thông minh và tôi ngu - có cả. Những cái mặt ấy chen cạnh với nhau, giằng xé lẫn nhau, rồi nó ra mình.
… Đại khái văn học XHCN cũng như con người lão Khải ấy. Cứ bóng lòng lọng lên. Cứ sắc sảo, có rất nhiều vấn đề, mà lại hóa ra không có chuyện gì cả.
Hôm nọ, tôi nói thế này, lão Khải lão ấy mếch lòng: “Những thứ văn chương nói về hợp tác hợp tộ sau này vứt đi cả thôi !”
… Không biết chừng, mình còn trong sáng hơn cả lão Khải  nữa.
Câu và chữ
Tôi đọc một cái ký của Quang Dũng. Đúng lão này có một thứ ngữ pháp rất lạ. Tức là ngữ pháp của mình, thằng này thì cứng quá, điệu bộ, thằng khác thì mềm yếu quá. Ông này ông ấy cứ vuông vức, dẽ dàng, ngữ pháp nó cứ thành những kết cấu xếp theo chiều dài đâu vào đấy.
Nhàn: Văn ông Tuân còn là do phần công phu, cho nên nhiều lúc còn thấy vàng son lộng lẫy quá. Văn ông Nam Cao cũng điệu.
Châu: Đúng rồi, văn chương như văn Tô Hoài dông dài thế nào cũng xong… mới viết về cách mạng được. Văn của Nam Cao chua chát thế, giá có viết về cái mới cũng rất khó viết.
Nhưng thôi, văn của người nào, là do tạng của người ấy. Cốt có một điều: phải cho nó rõ ràng, đâu vào đấy, đừng có nham nhở, chắp vá, vớ vẩn, hóa ra hỏng.
(Xem Đường qua đất nước phim CHDC Đức) Xem thấy thằng làm phim nó rất rành mạch với bản thân. Với lại cái chính là nó nói được về một con người. Cái  người đàn bà ấy trong chiến tranh, đi đến đâu, cũng đón lấy bọn trẻ con, y như mang trong mình những cái mầm nhân bản. Cái hướng mở như thế rồi nói được như thế, thì tức là rất hợp với  mình. Mình cũng chẳng còn mong được cái gì hơn nữa.
(Kể chuyện biên tập xưởng phim)
Bọn ấy nó thạo lắm ông ạ. Như thằng Trần Kim Thành, nó bốc ông Mai lên thế nào không biết, nhưng ngồi với tôi nó chê nhem nhẻm. Đại khái nó nói là nó chỉ mượn cái tên Vùng trời của ông này thôi, còn nó sẽ làm ra một cái phim hoàn toàn khác.
Hay là cái ông Phạm Văn Khoa, ông ấy bảo tôi. Ông có biết ở Liên xô, bọn nào nói chính trị hay nhất không? Bọn say rượu. Một lần tôi đang đi, thấy hai thằng say rượu đang đùa nhau.
– Đứng lên, đứng lên, khách nước ngoài kia kìa, người ta cười chết.
– Khách nào thế?
– Việt Nam.
– A, Việt Nam, Việt Nam. Hoan hô các đồng chí Việt Nam. Con đường XHCN rất rộng, mời các đồng chí cứ đi. (Ý muốn nói: bài xã luận tháng 8/72 của mình. Hồi ấy, cha con chuẩn bị với nhau mấy tháng mới có thể ra được cái xã luận ấy đấy chứ).
Nói chung, bọn Xưởng phim nó đều nói rất hay, vì chúng nó đều là bọn thất thế. Thằng nào nó cũng có cuộc đời cả.
Còn như mình ở đây, nói chung chúng tôi cũng như ông, tức là vào đây ngay, chẳng anh nào có gì thăng trầm. Mình là nhà văn ca ngợi chế độ này thì đúng rồi. Mình có điều suy nghĩ một tí thì cũng chỉ là nói hộ những người thất thế.
(Viết truyện phim) Mình chỉ là cái thằng nhà văn viết truyện thôi. Phim không ăn được đâu.
Nhàn: Anh phải làm nhiều thứ cho nó “hiện đại”. Trông  ông M. đấy.
Châu: Những thằng ấy nó làm một thứ không xong, cho nên nó mới phải làm nhiều thứ. Nhưng mà thôi, làm thế chỉ tổ hỏng bút. Văn học mà mất đi cái vỏ ngôn ngữ, thì còn gì là văn học nữa.
(Lại làm, rồi chán) Mình bây giờ nó cũng quen rồi. Làm cái gì phải có cả nghệ thuật lẫn kiếm tiền, có hai cánh nó mới đủ sức thôi thúc. Chỉ có nghệ thuật thôi không được. Nhưng chỉ có kiếm tiền thôi cũng không được!
Nhớ lại thời gian viết Dấu chân người lính
Hồi ấy, tôi tách hẳn mọi người ra. Ngồi ở cái tầng cuối của một ngôi nhà. Chung quanh đấy, nào là  chuồng lợn, chuồng gà, ống nước chảy, bẩn thỉu, tối om ra. Ngồi như thế mà viết, một là anh cũng dễ ấm đầu, hai là anh sẽ viết được một cái gì rất là ghê gớm. Như là ngồi ở dưới cái đáy một cái giếng.
Tôi đi chữa răng về, vừa đi vừa nghĩ được cái này: Thời buổi này, đánh nhau không xong, thì khổ nhất là thằng văn nghệ. Thắng xem, viết tha hồ tung tẩy.
Về anh em trẻ:
Trông thằng Đỗ Chu mình chả hiểu rồi nó sẽ ra sao. Về xưởng phim nữa, thì cũng thành ra lố bịch như mọi người. Chính hồi nó viết Phù sa, nó lại tĩnh trí hơn bây giờ. Bằng Việt trông nó cứ yểu yểu như thế nào đó. Từ hồi ông ấy đi Trường Sơn về đến giờ, ông ấy làm càng nhảm. Cái cô Quỳnh này, bây giờ nhiều bài đã lặp lại rồi, cái phần thực chất chỉ có thế. Lưu Quang Vũ không chỉ tài hoa. Chính là Vũ nó đi hết được một cái gì đó, theo con đường của nó.
Về văn học tiền chiến
Nhàn: anh có thể viết tí gì về văn học trước cách mạng, so sánh văn chương thời ấy với bây giờ chẳng hạn
– Mình đọc những thứ như Giông tố, thấy cũng vớ vẩn, như thứ tiểu thuyết đăng báo: cứ thế mà kéo dài câu chuyện, theo một thứ đường dây có sẵn.
Lão Nguyễn Công Hoan, thì văn chương quá là thuộc địa. Chỉ còn trường hợp khá như Khái Hưng và Thạch Lam, nhưng cả hai người, cũng chỉ là ăn vào sự tài hoa. Nói chung người viết chỉ tài hoa không đủ đâu. Ngay cả cái lớp trẻ các ông bây giờ nữa, tôi cũng không gặp được một cái gì mới.
– Chưa có một cảm hứng mới về thời đại?
– Đại khái một cái gì như thế, muốn theo được thời đại nó phải mới lắm mới được
Tĩnh và động. Mới và cũ
Mình về ở với những người hàng xóm và thấy nơi đó, cũng giống như tình hình nước mình: Người ta bận bịu, vất vả suốt ngày, nhưng chính vì thế, người ta chả làm được trò trống gì cả. Cuộc sống hoàn toàn mù tối.
(Ra xí nghiệp khai thác cát) Ở những chỗ này, nó cũng dễ thành hào thành rãnh lắm. Mình cũng rất dễ xỉa vào rãnh! Anh phải viết về một mối quan hệ nào thật mới mới được
Sự thải loại thường xuyên của đời sống
Lắm khi ngồi nghĩ lại mới thấy sợ: đang viết đã thấy chắc mình viết phải vứt đi nhiều rồi. Viết nhiều quá, chỉ có nghĩa là mắc bệnh tâm thần
– Trong anh viết văn, lúc tự tin, thì thật tự tin mà lúc hoài nghi thì cũng phải đến độ mới được. Những tay như M, chẳng có bao giờ nó hoài nghi nó một ít nào cả.
– (Đi họp NXb Văn học) Trong các mặt ngồi đấy, chỉ thấy già và cổ. Ông Nguyễn Tuân lại chửi ông Hoài Thanh (“báo Văn nghệ có cho mình ăn được một bữa, thế này không. Cái thằng nó suốt đời đi nịnh, nó lại keo kiệt. Ông Vũ Tú Nam với bà Cẩm Thạnh đáng phải vật cổ, hất tòm nó đi mới phải“). Mọi người không chấp, cũng chẳng động dạng gì. Như trong những bữa cỗ, con cháu còn mải lo các việc khác, mấy bậc bề trên  làm gì cũng mặc.
Một tay vào chạc tuổi mình như thằng Mai Ngữ, trông nó ngồi với các ông già, thấy nó cũng cổ lắm... Trong cả bọn, chỉ còn có mặt Khải là đáng nói chuyện.
– Tôi về quê, tôi thấy những người già thường hay tham, tham lam một cách trắng trợn (bà cụ tôi sống đúng như một con mẹ ăn mày, bạ ai cũng xin tiền). Ở ngoài này, trông bọn nhà văn cũ, cũng tham lam lắm. Nay mai Hội nhà văn có cái nhà xuất bản, rồi họ cũng xí phần hết cho mà xem.
Không hiểu sao, giữa  hai con đường ở với bọn cán bộ chính trị, và bọn nhà văn già tất nhiên là vẫn trong cung cách sống hiện nay, thì mình thấy ở với bọn cán bộ chính trị còn hơn. Hoặc là chính nó lại còn bênh mình nữa.
Đọc các tác giả miền Nam
Chính trong cả bọn, tôi lại thích ông này (Vũ Khắc Khoan và Thần tháp rùa) nhất - văn học không thể xa rời tính chất tượng trưng được. Dẫu sao, đọc miền Nam mình vẫn thấy gần với mình hơn là bọn Liên Xô. Đọc tập truyện ngắn Liên Xô, thấy ghê sợ cả người. Viết rất giỏi, nhưng toàn nói những cái vớ vẩn: con người phải sống có lương tâm, có trách nhiệm với chung quanh.
Không hiểu sao cả, tôi cứ nghĩ cái chính là văn học phải xui người ta phản kháng với hiện thực mới phải.
Với lại anh phải có một thế đứng như thế nào đó. Như bây giờ ở mình, ngồi mà rỉa rói phê phán nhau những cách sống bủn xỉn, ti tiện, ăn cắp, thì không biết chừng, chính anh lại tỏ ra là hèn thấp, vớ vẩn.
Viết về thói dung tục, có lẽ phải như Tchekhov. Lão cứ lạnh tạnh đi, mà lại nhân hậu, nhân hậu ghê chứ. Rồi mà xem, khó ai hơn được Tche khov. Đọc bọn miền Nam, cái cảm giác của mình cũng giống như cảm giác của một người vào Quảng Trị. Nghĩa là ở trong đó, cũ cũng có, mới cũng có, nhưng cũ ra cũ mới ra mới, cái chùa ra cái chùa, cái mả ra cái mả, thằng côn đồ ra thằng côn đồ, mà vợ lính ra vợ lính. Cũng như thế trong văn chương, ở trong kia, đâu nó ra đấy. Chính mình ở ngoài này lại nhóa nhòa mọi chuyện.
(Nghe kể về quyển Bên dòng lịch sử của Cao Văn Luận). Thế mới biết những chuyện hôm nay nó động chạm tới mình, nó buộc mình thế nọ thế kia, thực ra nó lại được quyết định ở đâu đó, lâu lắm rồi, mà mình không sao hiểu được.
Dĩ nhiên bây giờ mình không nên lảng tránh mọi chuyện. Nhưng mình cũng đừng nên nhảy chồm chồm ra làm gì. Không biết chừng, cái mà hôm nay mình thấy ở bề mặt nó là thế này, trong ruột nó lại là thế khác. Lúc bấy giờ, có thể những điểm trước đây mình tin, nó cũng hỏng hết. Bây giờ phải biết trước, mà tránh đi cái hỏng ấy.
Xem phim xxx… Diễn viên bây giờ, cũng như những người khác: Đóng người anh hùng được thôi, đóng người bình thường thì không đóng nổi.
Ông hỏi tiểu thuyết là gì ư? Cũng như hỏi hạnh phúc là gì, bố ai mà nói được.
(Nhân nghe đọc một thông cáo) Chính trị bây giờ còn đầy những chuyện ám chỉ, văn chương làm sao mà không ám chỉ được.
Cảm giác về những ngày hôm nay ư? Cảm giác về không khí. Mình đã ở với cái không khí này bao lâu nay, vậy mà mình vẫn không thật hiểu nó. Bây giờ mình mới thấy nó ở bên mình, đè lên mình, như một trái núi vậy.
Rồi mà xem. Tình hình không mở ra thì trừ Khải không kể, còn loại như tôi, Kiên, Đỗ Chu, là không kéo được đâu. Rồi chỉ còn toàn nhưng loại như H,M, hay là loại như T. là ăn. Nó không phải là văn chương, cho nên lúc nào nó cũng làm ăn được.
Văn chương bây giờ nó giống như một thứ lá số, người ta có thể đoán ra thế nào cũng được.
Mỗi cuốn sách được viết như là một thứ nhà tù, mình giam mình vào đấy rồi mình gỡ từng viên gạch ra dần dần. Cuộc đời mỗi người là gì, nếu không phải là cuộc liên hiệp dài giữa mình và hoàn cảnh. Buổi sáng dậy, bố ngồi chân tường, con ngồi chân tường. Từ chỗ ngồi đó, sang chỗ ăn chỉ cần lê có vài bước thôi. Rồi người nào lại lê về chỗ của người ấy.
Thế mà cuộc đời mình cũng đi qua, mình cũng trở thành một người viết văn nổi tiếng, mình biết không biết bao nhiêu điều về những điều mình chả tin tưởng gì.
Lâu nay, cứ nói thằng nào giỏi chính trị, viết chính trị - đó là những thằng láu cá. Ngồi nghe chuyện cảnh giác chẳng hạn, thấy những thói lừa lọc, lèo lá mà bọn viết gán cho bọn miền Nam, thực ra, cũng là của bọn miền Bắc hết. Xã hội mình là thế đấy, mọi chuyện cốt được việc ngay bây giờ.
Bấy nhiêu năm chiến tranh, thằng Mỹ nó đánh vào mình, có những thứ rất cổ hủ, mà nó không sao tàn phá nổi. Khoảng đầu năm 1973, tôi về quê hương. Tất cả là như vậy. Đi đường gặp một bà bán hàng, chào hỏi. Hóa ra con bà cụ chứ không phải bà cụ ngày xưa. Nhưng mà dáng dấp vẫn vậy.
Khi nó không đánh được cái cổ hủ ấy, thì những cái tốt đẹp kia, lại bị nó làm cho tan nát đi, không thể nào lấy lại được.
Vào trong Quảng Trị, ở với bọn cán bộ, mình chỉ buồn cười: cứ y như là con trẻ. Một lũ chim sẻ rất là buồn cười (ngoài miền Bắc mình, cán bộ có thằng tham ô, thằng hống hách, nhưng nó còn rõ mặt)
Dẫu sao đi thực tế, vẫn thích hơn ở nhà. Đi thực tế, mình tiếp xúc với cái xấu cũng rõ hơi, cái tốt cũng rõ hơn.
29/11/2009
Vương Trí Nhàn
Theo https://dangbi.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...