Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Vài nét về giáo sư Phạm Hoàng Hộ và tác phẩm Cây cỏ Việt Nam

Vài nét về giáo sư Phạm Hoàng Hộ
và tác phẩm Cây cỏ Việt Nam
Ảnh (st): Giáo sư Phạm Hoàng Hộ [1]

Trong lĩnh vực y học cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là việc nghiên cứu về cây thuốc, chúng ta không thể không kể đến giáo sư Phạm Hoàng Hộ và bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” của ông. Có thể nói, cố giáo sư là người đầu tiên hoàn thành công trình nghiên cứu về cây cỏ ở Việt Nam, đây là công trình có tầm cỡ khoa học lớn trong nước và trên thế giới. Trải qua gần 60 năm, đến nay, kiến thức mà bộ sách mang lại vẫn giữ vai trò rất quan trọng, được ví như là quyển cẩm nang trong khoa học nghiên cứu, nhất là ngành dược.
Bộ Cây cỏ Việt Nam
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ sinh năm 1929 tại An Bình, Cần Thơ. Thuở nhỏ, ông theo học tiểu học ở các trường Bassac, Nam Hưng và College de Cần Thơ.
Năm 1946, ông sang Pháp tiếp tục bậc trung học lấy bằng Tú Tài I và II. Sau đó, ông tiếp tục theo học ở Đại học Sorbonne Paris, đậu bằng Cử nhân Khoa học (1953) và bằng Thạc sĩ về Khoa học thiên nhiên (1956). Năm 1957, ông về nước và được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Hải học Viện Nha Trang (1957-1962). Trong thời gian làm việc ở đây, ông đã thực hiện công trình nghiên cứu về rong biển Việt Nam.
Từ năm 1962-1963, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Khoa Trưởng trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1964, GS. Phạm Hoàng Hộ trở về giảng dạy tại Viện Đại học Sài Gòn.
1. Phạm Hoàng Hộ là người đã kiên trì vận động thành lập Viện Đại học Cần Thơ từ rất sớm và đến ngày 1.3.1966 thì cuộc họp trù bị cho việc thành lập được diễn ra tại tỉnh Phong Dinh. Ngày 8.3.1966, Viện Đại học Cần Thơ được thành lập, GS. Phạm Hoàng Hộ trở thành Viện trưởng đầu tiên của trường Đại học Cần Thơ.
Năm 1970, GS. Phạm Hoàng Hộ về Sài Gòn và tiếp tục công trình giảng dạy và nghiên cứu thực vật đến năm 1984. Sau năm 1984, GS. Phạm Hoàng Hộ sang Pháp và từ đó ông sang Canada sinh sống. Tại đây ông hoàn tất công trình nghiên cứu cây cỏ Việt Nam của mình. Ngày 29 tháng giêng năm 2017, GS. Phạm Hoàng Hộ qua đời tại Montréal, Canada, hưởng thọ 89 tuổi.
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS. Phạm Hoàng Hộ đã cho ra đời nhiều công trình quý giá về thực vật học Việt Nam như: Cây cỏ miền Nam Việt Nam (1960), Sinh học Thực vật (1964, 1966), Tảo học (1967), Hiển hoa bí tử (1968), Rong biển Việt Nam (1969), Thực vật ở đảo Phú Quốc (1985), Cây cỏ Việt Nam (1999), Cây có vị thuốc ở Việt Nam (2006),… Trong đó, có thể nói, tác phẩm tâm huyết nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của giáo sư chính là “Cây cỏ Việt Nam”.
Tác phẩm Sinh học Thực vật
Do từ nhỏ đã sống gắn bó với vườn tược, ruộng đồng vùng châu thổ sông Cửu Long, nên giáo sư đã rất thích cây cỏ. Thực vật học và sinh học nhiệt đới đã hấp dẫn ông lúc đi du học. Trong lúc học tập tại Paris, giáo sư đã ra sức tìm hiểu, đặt nền tảng cho ra đời bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”. Như giáo sư chia sẻ: “Và lúc học ở Đại học Khoa học Paris, tôi đã bắt đầu tìm hiểu cây cỏ Đông Dương. Tiếp xúc đầu tiên một cách khoa học với cây cỏ ấy, tôi thực hiện ở Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris. Lúc mới học Vạn vật, tôi đã vào nhà kiếng của Viện này để tìm coi có loại nào ở nước nhà hay không. Và một số loài đã được vẽ từ lúc ấy! Tôi nhớ một số Lan đã được vẽ từ năm 1950, trong nhà kiếng ấy. Đó là những hình “xưa” nhất của bộ Cây cỏ của tôi”. Ông viết tiếp: “Ở Sài Gòn, phận sự chính của tôi là giảng dạy Thực vật và Sinh học Thực vật cho sinh viên dự bị và chuyên khoa. Chính vì muốn giảng dạy tốt, thích nghi vào điều kiện nhiệt đới Việt Nam, các môn ấy mà tôi lục lạo và sau đó cho ra đời công trình mà sau này sẽ là công trình của đời tôi là Cây cỏ Việt Nam” [2].
Với lòng đam mê, giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã miệt mài nghiên cứu để cho ra đời bộ sách “Cây cỏ Việt Nam”. Đó là một chặng đường đầy gian truân, theo giáo sư, đã trải qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Hợp tác với GS. Nguyễn Văn Dương về phần dược tính và cho ra đời tác phẩm “Cây cỏ Miền Nam Việt Nam” (Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, năm 1960) mô tả 1.650 loài thông thường của miền Nam. Theo giáo sư: “đó là giai đoạn còn mò mẫm, học hỏi một thực-vật-chúng chưa quen thuộc đối với một sinh viên vừa tốt nghiệp từ vùng xa lạ mới về” [3]. Trong lời giới thiệu cho lần in đầu vào năm 1960, GS. Phạm Hoàng Hộ đã bộc bạch:
Bộ Cây cỏ miền Nam Việt Nam
“Quyển sách này không có tham vọng là một quyển thực vật chúng đầy đủ. Cây cỏ xứ ta chưa khảo cứu tỉ mỉ, các loài đã tả còn đang bàn xét; cả bộ sách to tác FLORE GÉNÉRALE DE L’INDOCHINE cũng cần bồi bổ rất nhiều. Hơn thế, trong khu vực Đông Dương (từ Xiêm đến Việt Nam), người ta phỏng vấn độ 12.000 loại (F.G.I, tome préliminaire, trang 26) như thế miền Nam Việt Nam có cỡ năm bảy ngà. Đó là chưa kể đến Rong, Rêu, Nấm.
Sách này viết ra để bổ khuyết sự giảng dạy vạn vật ở Việt Nam. Học vạn vật mà không biết sinh vật quanh ta là một sự không căn bản. Với sách này, học sinh và sinh viên từ đây có thể xác định một cách dễ dàng, nhờ những hình vẽ, cỡ hai ngàn loài mà học thường gặp. Mỗi loài đều được mô tả sơ sài, để bổ túc hình mà thường chính tay chúng tôi vẽ để thêm chắc phần chính xác.
Các loài thường được xác định theo bộ sách căn bản nói trên. Song khuyết điểm của bộ sách ấy là chứa ít hình. Vì thế mà việc định loại theo đó rất khó khăn và có thể sai lầm, vì bộ ấy chưa mô tả tất cả các loại. Chúng tôi có ý chờ dịp so sánh các loài trong cây đã xác định với mẫu vật ở “Museum d’Histoire Naturelle” tại Pháp, ở Bogor tại Nam Dương rồi mới xuất bản. Song nếu chờ việc ấy thì có lẽ rất lâu, và để thỏa mãn sự nhu cầu khẩn cấp của nền giáo huấn, chúng tôi tạm cho xuất bản sách này. Các loài mà sự xác định không chắc đều được chừa lại cho kỳ in sau” [4].
Giai đoạn 2: Cho tái bản lần hai bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” (1970), số loài lên được 5.328. Giáo sư chia sẻ trong lời giới thiệu lần tái bản này như sau: “Từ khi cho xuất bản quyển Cây cỏ miền Nam cho đến nay, số loài thực vật mà tôi nghiên cứu được tăng lên rất nhiều. Riêng ở Hiển hoa, trong số cỡ 5700 loài đã kể ở miền Nam, tôi đã nghiên cứu được trên 4500. Tôi cố gắng mô tả các loài ấy trong kỳ in thứ hai này, mặc dầu biết rằng lập một quyển thực vật chúng to tác như vậy là một điều rất khó. Vì số các loài mô tả tăng lên rất nhiều, chúng tôi buộc phải phân sách này ra làm hai quyển, và thu gọn phần công dụng, nhứt là dược tính” [5]. Và theo giáo sư, “Đây là giai đoạn mà tôi xem như vàng son của một nhà thực vật học Việt Nam chúng ta. So với bây giờ, lúc ấy tôi yên ổn làm việc, có nhiều phương tiện cá nhân và nhất là được sự khuyến khích của mọi giới, bạn bè cũng như chính quyền” [3].
Giai đoạn 3: Tiếp tục công việc nghiên cứu sau 1975, đưa vào bộ sách “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” thêm 2,500 loài và bộ, mở rộng phạm vi cho toàn cõi Việt Nam.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn giáo sư đã kiên nhẫn tìm tòi, nghiên cứu trong Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Paris ròng rã suốt sáu năm. GS. Phạm Hoàng Hộ chia sẻ: “Hiếm có một nhà Thực vật học, nhất là người Việt Nam, đã lục lạo cây cỏ ở nước nhà, lại được ở lại nghiên cứu tại Viện Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp, chứa một thảo tập phong phú vào bậc nhất thế giới, với 8 tới 10 triệu mẫu vật cây cỏ. Trong sáu năm làm việc ở Viện ấy, không một ngày nào mà khi chiều ra về, dù trời đông âm u lạnh lẽo, hay chiều hè vắng vẻ nóng khô, mà tôi không thốt ra câu “Thật là một ngày tuyệt” vì đã biết thêm cho Việt Nam ít nhất là một loài hiếm, lạ hay mới!” [3]. Trong giai đoạn này, ông bổ sung thêm cho bộ “Cây cỏ miền Nam Việt Nam” được trên 3000 loài. Số loài mô tả khoảng 10.500 và đổi tên thành “Cây cỏ Việt Nam”.
Đến năm 1999, nhà xuất bản Trẻ cho ấn hành lại tác phẩm với lời nhận xét: "CÂY CỎ VIỆT NAM" là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và mang chứa nhiều tâm huyết của giáo sư Ts. Phạm Hoàng Hộ. Nên biết hiện nay trên thế giới chưa dễ đã có mấy quốc gia, kể cả những quốc gia có nền khoa học tiên tiến có được một công trình sưu tầm biên khảo hoàn chỉnh về thảm thực vật trên đất nước mình. Để có được một công trình khoa học như Cây cỏ Việt Nam, không biết phải tốn bao nhiêu chất xám, thời gian và tiền bạc? Điều may mắn là giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã âm thầm dành hầu hết cuộc đời mình để đầu tư cho công trình này” [6].
Bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” ra đời đã tạo nên một bước ngoặc mới cho ngành thực vật học nước ta và cả thế giới, nhất là về y học. Tác phẩm đã phần nào khắc phục những hạn chế của những công trình nghiên cứu về thực vật trước đó trong việc hạn chế về hình ảnh. Các loài thực vật được giáo sư đưa ra hình ảnh rất cụ thể, giúp dễ dàng cho việc nghiên cứu và học tập.
Bên cạnh đó, bộ sách này còn rất đặc biệt ở chỗ tên gọi các loài thực vật. Trong tập sách, chúng ta có thể tìm thấy tên hàng ngàn giống loài tiêu biểu nhất. Mỗi giống loại được trình bày theo những tiêu chí khoa học và với độ chính xác cao. Cũng theo những tiêu chí đó, GS. Phạm Hoàng Hộ đã có một cách trình bày những từ kép và viết chúng thành một từ dính liền rất độc đáo, ví dụ: hiển hoa, bào tử,… Cũng có những từ được ông thêm vào những dấu gạch nối. Ví dụ: giả bao mô, gân phụ,…
Theo chia sẻ của giáo sư: “Trong quyển này chúng tôi không thể không đề cập đến vấn đề tên cây. Đành rằng chỉ có tên khoa học đôi của Linné xướng ra là có giá trị vì nó khoa học và quốc tế, song nhiều cây thường gặp còn phải có tên Việt Nam để được phổ biến hơn. Vì thế nên chúng tôi cố sức cho mỗi loài một tên Việt Nam” [7]. Các tên ấy thường là mới, được giáo sư đặt theo các nguyên tắc:
- Tên Việt Nam cũng như tên khoa học phải dành riêng cho một loài mà thôi.
- Các loài của một giống nên mang tên giống ấy. Vì thế nên chỉ cần tìm kiếm tên các giống (VD: Acalypha: tai tượng; A.vilkesiana: tai tượng nâu,…).
- Giữ tên cũ được chừng nào hay chừng nấy. Nhiều tên Việt Nam rất khó dùng, có tên ám chỉ không những nhiều loài rất khác nhau mà cả nhiều giống (cà chất, bèo,…) hay nhiều họ xa nhau. Trong trường hợp ấy, hoặc bỏ tên cũ ấy đi, hay từ nay chỉ dùng cho một loài hay giống nào mà tên đó đã được thông dụng nhất.
- Các tên giống mới đặt ra bằng cách: phiên âm (VD: Barringlonia: Bàng linh tôn), dịch nghĩa (VD: Enteromorpha: trường tảo), phỏng theo đặc sắc của giống (VD: Colpomenia: rong bao tử).
- Các tên loài nên dịch nghĩa của tên khoa học (M.Borneensis: nấm dương hình Bornêo), khi khó dịch, hay vì chữ quá rắc rối, theo đặc sắc của loài. Các tên loài đã được thông dụng thì giữ: Ficus benjamina: sung gừa).
Với cách đặt tên trên, GS. Phạm Hoàng Hộ đã tạo nên sự khác biệt cho tác phẩm và công trình nghiên cứu của mình. Sự khác biệt đó phảng phất tinh thần dân tộc, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về thực vật học và y học, tạo tiền đề cho lớp trẻ về sau nghiên cứu và phát triển thêm.
Với những giá trị to lớn của mình, bộ sách “Cây cỏ Việt Nam” dần trở thành một cuốn từ điển không thể thiếu cho những độc giả Việt Nam và nước ngoài có ý định tìm hiểu và nghiên cứu về thực vật, y học. Xứng đáng niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu thực vật, ứng dụng cho y học. Đúng như lời nhận xét của Peter Shaw Ashton, GS. Charles Bullard, ngành Lâm Học, Đại học Harvard:
“Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10.500 chủng loại, bộ sách Họa hình cây cỏ Việt Nam (Illustrated Flora of Viet nam) của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến.
Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm tại Đại học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh họa. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại” [7].
Chú thích:
[*] Bài viết được tác giả tổng hợp từ các nguồn tài liệu trong danh mục tài liệu tham khảo.
[1] Ảnh Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, nguồn: https://thegioihoinhap.vn/
[2] [Trích dẫn tư liệu gia đình GS. Phạm Hoàng Hộ: Văn bằng, Sự nghiệp Khoa học của Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Thực vật học].
[3] GS Phạm Hoàng Hộ và bộ sách Cây cỏ Việt Nam, 29/4/2019. https://www.vietchigo.vn/
[4] Phạm Hoàng Hộ với sự cộng tác của Nguyễn Văn Dương, (1960), Cây cỏ miền Nam Việt Nam, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia xuất bản, phần nói đầu, tr.7.
[5] Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ miền Nam Việt Nam (quyển 1), (1970), in lần thứ hai bồi bổ và sửa chữa, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên - Trung tâm học liệu, tr.11-12. (Lời nói đầu cho kỳ in thứ nhì)
[6] Phạm Hoàng Hộ, Cây Cỏ Việt Nam (quyển I), (2003), Tái bản có sửa chữa và bổ sung, Nhà xuất bản trẻ.
[7] GS Phạm Hoàng Hộ và bộ sách Cây cỏ Việt Nam, 29/4/2019, https://www.vietchigo.vn/
Tài liệu tham khảo:
3. Phạm Hoàng Hộ với sự cộng tác của Nguyễn Văn Dương, (1960), Cây cỏ miền Nam Việt Nam, in lần thứ nhất, Bộ Quốc gia xuất bản.
4. Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ miền Nam Việt Nam (quyển 1), (1970), in lần thứ hai - bồi bổ và sửa chữa, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên - Trung tâm học liệu.
5. Phạm Hoàng Hộ, Cây Cỏ Việt Nam (quyển I), (2003), Tái bản có sửa chữa và bổ sung, Nhà xuất bản trẻ.
6. GS. Bùi Chí Bửu, GS. Phạm Hoàng Hộ, 3/2/2017. http://iasvn.org/
7. PGS.TS Lê Anh Tuấn, GS. Phạm Hoàng Hộ - một vì sao đã tắt, (2017). https://thegioihoinhap.vn/
8. GS. Phạm Hoàng Hộ và bộ sách Cây cỏ Việt Nam, 29/4/2019. https://www.vietchigo.vn/.
MỘT VÀI HÌNH ẢNH VỀ CÁC TÁC PHẨM KHÁC 
CỦA GIÁO SƯ PHẠM HOÀNG HỘ





CÂY CỎ VIỆT NAM (3 quyển) - Phạm Hoàng Hộ

Giới thiệu
Cây Cỏ Việt Nam là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và mang chứa nhiều tâm huyết của Giáo sư Ts. Phạm Hoàng Hộ.
Thời kỳ đất nước còn chia cắt, giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã từng nổi tiếng với công trình biên khảo lấy tên là Cây cỏ Miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, giáo sư Phạm Hoàng Hộ vẫn miệt mài làm việc trong những điều kiện khó khăn hạn chế. Ông đã bổ sung vào quyển Cây cỏ Miền Nam một bộ phận thảo mộc quan trọng ở địa bàn các tỉnh phía Bắc. Với phần bổ sung này, tập sách Cây cỏ Miền Nam được giáo sư Phạm Hoàng Hộ đổi tên thành Cây cỏ Việt Nam.
Lần đầu tiên Cây cỏ Việt Nam được Nhà xuất bản Trẻ hân hạnh giới thiệu với bạn đọc. Chúng tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp ích không ít cho những người yêu khoa học, yêu thiên nhiên và yêu đất nước Việt Nam.

Cây Cỏ Việt Nam TẬP 1: DOWNLOAD
Cây Cỏ Việt Nam TẬP 2: DOWNLOAD
Cây Cỏ Việt Nam TẬP 3: DOWNLOAD

Cây cỏ Việt Nam
Lê Thị Ngọc Hà
Theo https://thuvienhuequang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...