Em về vạt nắng chiều xuân
Cứ như là định mệnh, cơn bão tháng Tư thổi bay tôi ra khỏi Đà Lạt vào một ngày
cuối tháng Ba năm ấy. Tôi đi mà không kịp từ giã Đà Lạt thương yêu, chập chùng
những đồi thông với mối tình đầu vừa chớm nở như nụ hoa xinh trong lòng cô gái
mới ngoài hai mươi tuổi. Thật ra mối tình ấy hình như đã đến từ lâu trước
khi Lãng ra trường và chuyển về đơn vị, suốt một thời trung học tôi và Hà,
em của Lãng đã từng có rất nhiều kỷ niệm, kể cả lần theo gia đình Hà lên trường
Võ Bị ngày lễ mãn khóa của Lãng.
Cuối tháng ba năm ấy, gia đình tôi hối hả chạy về Sài Gòn theo cơn bão lốc của
chiến tranh. Cả nhà trú ngụ trong nhà người chú đang làm việc tại Hải Quân công
xưởng, Sài Gòn tháng Ba nóng như nung, tin chiến sự mỗi ngày cho tôi biết Đà Lạt
thơ mộng của tôi đã không còn nữa. Tôi nghĩ đến Hà, đến Lãng, chẳng hiểu nhà bạn
ra sao và Lãng thế nào nơi chiến trường khói lửa, mỗi lần nghĩ đến tim tôi chừng
thắt lại, thổn thức trong nỗi chuếnh choáng của một cơn ác mộng.
Những ngày cuối tháng Tư không khí Sài Gòn lúc nào cũng như lên cơn sốt, một
ngày chú Nhân hối hả về đưa cả nhà ra bến tàu, vội vã đến mức mỗi người chỉ
mang theo một cái túi xách cá nhân đựng ít quần áo và lương khô phòng hờ lúc cần
thiết. Chuyến tàu ra biển Đông vào đêm tối, ban đầu cũng chen chúc hỗn độn vì
phải chở một số người quá đông, nhưng rồi đến lúc tàu càng đi càng xa chẳng
còn nhìn thấy chân trời đâu nữa, nhiều người đã bật khóc vì biết rằng lần
này thì mất hẳn quê hương…
Tôi không mang được gì ngoài vài tấm ảnh đen trắng chụp ở ven
hồ Xuân Hương, một tấm nơi cổng trường Võ Bị Đà Lạt với Hà và Lãng ngày anh ra
trường. Có một tấm hình màu duy nhất ngày anh về phép, như để nhớ lại ngôi trường
cũ tiện thể anh đưa tôi và Hà lên chơi rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở. Người Đà
Lạt không lạ gì cảnh buồn của nơi này khi nhìn ra phía xa đỉnh Lâm Viên mờ mờ
trong mây phủ. Làm sao tôi quên được vì tấm ảnh chụp ba người dưới gốc thông
già men theo con dốc nhỏ, nhìn ra mặt hồ lăn tăn gợn sóng và rừng thông buồn
xao xác. Lúc đó Hà kiếm cớ đi hái hoa dại, cũng là lần đầu tiên Lãng cầm lấy
tay tôi với ánh mắt êm đềm thật sâu lắng như muốn trao gửi điều gì. Tính anh vốn
vậy, ít nói và trầm lặng, lao đao trong cảm xúc đón nhận tôi cũng im lặng nhìn
anh chới với. Nắng lung linh trên rừng thông tạo những bóng nắng nhảy múa trên
mặt cỏ, tim tôi đập mạnh dù biết rằng chẳng cần phải nói ra thì cả hai cũng hiểu
được sự say đắm của tình yêu. Sau này khi xa nhau, nhìn tấm hình kỷ niệm tôi
hay bị dằn vặt bởi tấm hình chụp ba người mà người ta bảo là điềm của chia ly.
Hơn hai mươi tuổi tâm hồn tôi đã khắc khoải theo những thăng trầm của đất nước,
mối tình đầu mơ hồ vẫn đọng lại trong tâm khảm. Ra nước ngoài, hòa nhập vào xã
hội mới trong nỗi nhọc nhằn khó khăn của cha mẹ, để rồi sau một thời gian dài đủ
nguôi quên Đà Lạt trong trí nhớ, tới gần 30 tuổi tôi mới lập gia đình. Chẳng được
bao năm hương lửa chồng tôi cũng qua đời trong một tai nạn xe cộ để lại tôi một
mình chơ vơ với hai đứa con còn bé dại, từ đó tôi bắt đầu tin số mệnh. Số
tôi đường tình hình như trắc trở, tình yêu đầu với Lãng chưa ấm một vòng tay,
tình yêu sau cũng chẳng trọn con đường trần, thôi thì ở vậy nuôi con chờ ngày
chúng khôn lớn với nỗi buồn góa phụ.
Khi các con trưởng thành và đi làm xa, tự nhiên không hiểu sao tôi lại hay nghĩ
về quá khứ, đến Lãng, đến Hà và khung trời Đà Lạt, cứ mơ ước một lần trở về con
đường quen, cái xóm nhỏ có những căn nhà gỗ ở cuối dốc, từ đó có thể nhìn xuống
phía dưới là vườn rau xanh Đà Lạt. Đấy là căn nhà của Hà, ngày xưa hai đứa hay
ngồi phía sau nhà nhìn thẳng ra bãi rau xanh phía xa rồi mơ màng nghĩ vẩn vơ,
những lúc ấy không biết Hà nghĩ gì nhưng riêng tôi thì bao giờ cũng có hình ảnh
Lãng.
Quyết định trở về thăm lại Đà Lạt sau hơn ba mươi mấy năm, kể từ ngày tôi xa Đà
Lạt năm ấy. Rủ thêm Quyên người bạn mới quê ở Đà Lạt về cho có bạn, Quyên cũng
muốn đi tìm lại chốn cũ thăm người dì ruột và đám em họ. Đà Lạt hôm nay đã thay
đổi hết rồi, tôi lạc lõng trong thành phố xưa để đi tìm lại kỷ niệm cũ, ngoài
những con đường xưa không thể thay đổi nhưng nhà cửa thì đồ sộ, bóng bẩy và ồn
ào hơn như hầu hết các nơi khác. Ba tôi là công chức nên ở nhà chính phủ, căn
nhà ấy nay có chủ mới, xây dựng lại tôi nên tôi không còn nhận ra những gì thân
quen. Coi như hết, ở tuổi tôi đâu cần tìm cái mới, may ra có thể tìm lại Hà và
một số bạn học cùng trường năm xưa.
Ngày hôm sau tôi một mình tìm về xóm nhỏ ngày xưa, với hy vọng mong manh gặp lại
người bạn cũ. Nếu gặp Hà tức nhiên tôi sẽ có tin của Lãng, vì tháng Ba năm ấy
khi tôi chạy về Sài Gòn thì anh vẫn còn đang lao đao ngoài vòng lửa đạn. Trong
lòng tôi chỉ mong mỏi một điều tất cả mọi người đều bình yên, và nếu như gặp
Lãng thì cũng mong anh luôn được êm đềm hạnh phúc. Rất may là Hà vẫn còn ở căn
nhà gỗ sơn màu xanh nhạt, nhà cửa xây dựng lại trông có phần chắc chắn hơn xưa.
Bạn tôi không có nhà, người nhà cho biết Hà đang ở ngoài cửa hàng đan len và
bán hàng lưu niệm cho du khách.
Lòng khấp khởi mừng vì sắp gặp lại bạn cũ, tôi sẽ giả vờ làm khách du lịch đi
mua hàng xem Hà có nhận ra bạn cũ. Không khó lắm tôi đã tìm ra địa chỉ, Hà đang
ngồi ở trong quầy, nay đã tròn trịa, gìa dặn hơn trong chiếc áo len màu trứng
sáo, khi về gìa trông Hà thật đôn hậu. Thấy tôi vào Hà chau mày nghĩ ngợi, bất
chợt giật mình như cố nhớ xem nét mặt quen quen này ở đâu. Sau một lúc la cà
xem mấy tấm khăn phu la treo trên vách, mắt tôi chợt đập vào mấy bức tranh nhỏ
vẽ cảnh Đà Lạt đặt gần phía ngoài để thu hút khách du lịch. Tranh lộng trong
khung tre, sau những rặng thông đan nhau nhạt nhòa màu thời gian, dải Lâm Viên
chập chùng mờ mờ trong sương sớm, nơi góc của bức tranh ký một chữ “Lãng” rất
nhỏ khiến tôi bàng hoàng. Đúng lúc đó thì Hà đã theo ra đứng phía sau lưng tôi,
ngỡ ngàng gọi tên tôi rồi cứ thế bật khóc nức nở ….
Cả hai chúng tôi cùng khóc, có lẽ cả hai cùng đang nhớ về những biến động của
thời thế và tang thương của đất nước mấy chục năm trước. Giọng Hà ướt sũng khi
hỏi tôi:
“Ngọc về bao giờ thế? Hà cứ tưởng như trong mơ …”
Nghẹn lời khi không nói hết được những gì muốn nói, hai đứa im lặng nhìn nhau.
Rồi Hà kể cho tôi nghe bao nhiêu dâu bể cuộc đời xảy ra cho gia đình trong những
năm tháng đó, Lãng bị bắt làm tù binh và trở về nhà với một cái chân tật nguyền
không phải vì bom đạn. Tôi chỉ vào bức tranh rừng thông với giải núi xa màu xanh
xám phủ mây mù hỏi Hà, giọng xúc động:
“Tranh này của anh Lãng?”
Hà gật đầu:
“Phải, nhờ vẽ những bức tranh này mà anh cũng có đủ thu nhập để sống trong bấy
nhiêu năm trời. Chiến tranh băng mình trong lửa đạn không hề hấn gì, thế
mà vào tù khi đi lao động lại bị tai nạn, cây đổ gây thương tật đi đứng không
còn được như xưa, may là còn sống. Anh ấy vẫn không gặp may, nếu ở tù đủ ba năm
thì cũng được đi Mỹ theo diện H.O. Ba mẹ Hà theo nhau về trời, Hà lập gia đình
với một người lính cũ, anh ấy rất chịu khó nên cả nhà cũng thoát qua được lúc
ngặt nghèo. Đợi mình lập gia đình xong thì anh Lãng nhất định đòi lên rừng ở…”
Tôi trố mắt nhìn Hà:
“Lên rừng? Anh làm gì ở trên rừng?”
Hà bật cười giải thích:
“Nói là rừng chứ không hoàn toàn là rừng. Trên ấy có một làng nhỏ người ta sống
bằng nghề làm củi, trồng rau, mình có một bà cô già sống một mình không con
cái, cô chuyên làm chao, làm tương nổi tiếng ngon, bán cho người nghèo quanh
vùng, thời buổi ấy nhà nào cũng chỉ sống bằng rau dưa chao tương qua ngày
thôi. Cô mình chỉ ăn chay, gần như tu tại gia nên anh Lãng bảo lên đó sống với
cô hủ hỉ cho vui nhà vui cửa, giờ rảnh anh phụ cô làm tương chao, phía sau nhà
có mảnh vườn nhỏ đủ rau khoai cho hai cô cháu. Anh ấy tu rồi Ngọc ạ, sớm chiều
hai buổi công phu theo bà cô và ngồi thiền để khỏi ngẫm nghĩ chuyện đời.”
Nghe Hà kể mà tôi ngậm ngùi, tưởng tượng ra một xó rừng nào đó Lãng đã ru đời
mình theo tiếng chuông tiếng mõ. Hà tiếp tục câu chuyện:
“Nhờ sống ở đó mà anh Lãng trở thành họa sĩ, không có trò giải trí anh mới nghĩ
ra cần phải vượt lên trên số phận bằng cây cọ. Thấy anh vẽ đẹp quá nên Hà nảy
ra ý định đem lộng khung rồi bán những bức tranh nhỏ cho du khách làm quà lưu
niệm, vậy mà không hiểu sao tranh bán rất được, mỗi tháng anh phải đem về cho
mình hằng chục bức, nhờ vậy đời sống anh thoải mái hơn. Nhưng anh cũng lấy đó
làm vui và giúp mình để nuôi các cháu ăn học chứ không nghĩ gì đến bản thân, tội
nghiệp quá!”
Hà cười mà đôi mắt còn ướt vì hạnh phúc:
“Cũng nhiều chuyện vui vui khi bán tranh cho anh Lãng, nhờ vậy mà bạn anh từ nước
ngoài về thăm Đà Lạt, nhìn ra đỉnh Lâm Viên ngày xưa của mấy anh ấy trong tranh
nên đã tìm ra bạn cũ. Họ rủ nhau đến thăm anh, mua tranh với giá cao để giúp bạn
và nhờ vậy anh Lãng cũng thật ấm lòng với tình bạn đời quân ngũ. Có người còn
muốn giúp anh về lại thành phố mở xưởng vẽ, nhưng anh Lãng thật khác người, từ
khi lên rừng sống với bà cô tu tại gia thì anh ấy đã thay đổi hoàn toàn, chẳng
bao giờ vui quá hay buồn quá, anh ấy bảo đau khổ bao nhiêu cũng chỉ cần một nụ
cười là hóa giải được tất cả.”
Thì ra là vậy, tự nhiên tôi cũng tò mò muốn đến thăm Lãng để xem cuộc sống ra
sao mà anh lại “an nhiên tự tại” vui hưởng thú điền viên với rặng thông già.
Tôi chợt cười thầm và nhớ lại. Đúng là Lãng, Lãng của ngày xưa ngay cả khi tỏ
tình cũng chỉ lặng lẽ trao gửi mà đâu cần nói một lời nào, điều này khiến tôi
càng ao ước gặp Lãng, và tôi đã nói điều đó với Hà. Hà gật đầu hóm hỉnh:
“Nhưng Hà nói trước, anh Lãng bây giờ không phải anh Lãng ngày xưa, chỉ tu tâm
mà không khoác áo tu, đầu tóc râu ria trắng xóa, nếu gặp lại chắc Ngọc sẽ ngỡ
ngàng lắm đó.”
Tôi gật đầu bảo Hà:
“Ngọc sẽ không ngạc nhiên đâu!”
Hà giao cửa hàng cho con gái trông nom rồi cùng tôi rong ruổi
đó đây với đất trời Đà Lạt. Cuối năm trời vẫn trong veo và nắng vẫn óng ả,
chúng tôi lên “rừng” thăm Lãng như dự định. Không báo trước nhưng Hà biết anh
mình không đi đâu xa vì mới đem tranh xuống phố, nếu có vắng nhà chỉ là
lúc anh mang cọ, màu đi vẽ ở một góc nào đó thôi. Kể ra sống như Lãng cũng thú,
chẳng vướng bận thê nhi, chẳng lo lắng miếng cơm manh áo vì đã quen ăn chay mấy
chục năm trường. Bà cô già kể từ khi Lãng vẽ tranh kiếm được tiền để sống qua
ngày đã thôi không làm tương chao, nhưng lo nỗi Lãng là cháu trai không tiện việc
săn sóc bà khi nằm một chỗ nên đã xin vào ở hẳn trong chùa sư nữ để tìm nơi
nương tựa lúc tuổi già.
Xe ngừng ở ngoài đầu con đường nhỏ, chúng tôi còn phải lội bộ khoảng mười lăm
phút mới đến nơi ở của Lãng. Căn nhà nằm ngay đầu dốc nên cao hơn các nhà trồng
rau ở phía dưới, vài cây thông xanh trước nhà và phía sau như bao bọc lấy căn
nhà nhỏ bằng gỗ màu xám nhạt, từa tựa như những căn nhà miền quê ở Âu Châu. Tự
nhiên tôi lại thấy hồi hộp, mấy chục năm rồi kể từ khi xa nhau bây giờ sắp gặp
lại thì đã hai màu tóc, người lính trẻ năm xưa kiêu hùng trong màu áo trận, cô
gái đang độ xuân xanh má đỏ môi hồng thuở nào nay đã thay đổi nhiều với thời
gian. Sẽ như thế nào nhỉ? Thôi mặc kệ tất cả, như định mệnh là bàn tay tai quái
đã phủ chụp lên thân phận con người thì chuyện gì đến tất phải đến.
Lãng đang ngồi uống trà nhìn ra khung cửa sổ, bên ngoài là thung lũng thoai thoải
có những luống rau xanh thẳng tắp chạy dài xuống chân đồi. Nghe tiếng bước chân
anh ngoảnh nhìn lại, hơi ngạc nhiên vì thấy em gái đi với khách lạ, linh tính
cho anh biết khách từ xa đến đây, và người khách ấy chỉ có thể là Ngọc vì chả
bao giờ Hà chịu bỏ cửa hàng để đi đâu. Tôi chưa kịp lên tiếng chào thì Lãng đã
lên tiếng trước, bình thản như hỏi một người quen mới đi đâu về:
“Ngọc đấy à? Em về bao giờ thế?”
Tuy đã chuẩn bị nhưng tôi vẫn bối rối, trước mặt mình là một người đàn ông chưa
già lắm mà đầu tóc bạc phơ, sắc mặt hồng hào khỏe mạnh. Anh đấy ư? Vẻ an nhiên
tự tại trên nét mặt bình thản ấy như đã từng vượt trên đầu sóng của số phận khiến
tôi thán phục sức chịu đựng của anh, hóa ra tôi vẫn yếu ớt như ngày nào mặc dù
đã nhủ lòng đừng khóc. Đến nỗi Lãng phải bước tới bên cạnh tôi, cầm lấy bàn tay
giá lạnh vì tiết trời rét buốt tháng chạp, xiết chặt như muốn chuyền hơi ấm:
“Đừng khóc, người từ xa về mang niềm vui đến đây sao lại khóc? Anh đang vui đây
vì em đến như một giấc mơ không đợi, mới đó mà ba mươi mấy năm rồi nhỉ?”
Tôi nghe như có tiếng thở dài rất nhẹ sau câu nói đùa của Lãng, bên ngoài hàng
thông vẫn reo vi vu như hòa theo chút ngậm ngùi của ngày hạnh ngộ. Bình tâm lại
sau những cảm xúc ban đầu, ba người ngồi xung quanh chiếc bàn nhỏ trò chuyện,
Lãng rót cho tôi một tách trà nóng, giọng ân cần như xưa:
“Ngọc uống đi, anh không dùng trà từ lâu mặc dù trà là đặc sản của Lâm Đồng.
Đây là nước gạo lức rang, anh đã dùng nhiều năm thay trà để tăng cường sức khỏe. Hằng ngày chỉ tập thêm “Suối Nguồn Tươi Trẻ” là đủ, tuy đầu tóc bạc phơ nhưng
cơ thể không bịnh tật, khí hậu trên rừng cũng tốt hơn thành phố em ạ.”
Toàn những chuyện của hôm nay, tôi đang muốn biết dưới đáy biển ngầm của mối
tình xưa có vỗ lại những đợt sóng trong trái tim người đàn ông đã một thời yêu
tôi và tôi cũng một thời yêu anh say đắm. Hà ngồi đó mỉm cười nhìn anh và bạn,
như đang nhớ lại buổi trưa trong rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở năm xưa, đã gỉa
vờ đi tìm hoa dại cho hai người yêu nhau có dịp bày tỏ nỗi lòng. Bây giờ Lãng
nói nhiều chứ không trầm lặng như xưa, hay anh cũng đang bối rối che dấu bằng
những câu chuyện đâu đâu trong lần hạnh ngộ?!!
Xế chiều hôm đó khi trời còn vương vất nắng, Lãng đưa chúng tôi đi lang thang
xuống chân đồi xem vườn rau và rừng thông nằm rải rác phía xa xa, chỗ ấy có một
con suối nhỏ mà anh thường ra đó để vẽ, khung cảnh này tôi đã nhìn thấy trong một
tấm tranh của Lãng. Đêm đầu tiên ở lại với Hà trong căn nhà của Lãng, tôi chờ
nghe tiếng chuông tiếng mõ và mùi trầm hương để ru mình vào giấc ngủ, chập chờn
trong giấc mơ tôi nghe như những giọt nước mắt mằn mặn bờ môi khi vùi mặt
lên vùng ngực ấm của người lính trận trước giờ chia tay. Lãng trở ra đơn vị và
cũng chỉ vài tháng sau tôi xa Đà Lạt mãi mãi…
Sáng hôm sau mới bốn giờ đã ngửi thấy mùi nếp thơm phả trong căn nhà nhỏ. Trời
mưa, Lãng dậy sớm theo thói quen nhen lửa thổi nồi xôi đậu phọng ăn với
muối vừng. Hà còn nằm ngủ nướng vì đêm qua trằn trọc khó ngủ, tôi ra phòng
ngoài thì đã thấy Lãng đang ngồi đun nước trên bếp than hồng đỏ rực. Thấy tôi
anh nhường chỗ ngồi ấm bên bếp lửa rồi hỏi:
“Ngọc ngủ có ngon không? Lạ nhà chắc cũng hơi khó ngủ, có ấm nước nóng anh đặt
trên bếp cho mấy cô rửa mặt, trời cũng lạnh đấy. Ngồi xuống đây cho ấm, bữa nay
anh chỉ có món quà nhà quê đãi hai cô thôi. À quên, hôm qua có nải chuối chín tới,
mùa nào thức nấy anh không phải mua gì cả, muốn lên đây ăn tết với anh thì quanh
đi quẩn lại cũng chỉ bấy nhiêu thứ, không hiểu mấy cô có chịu nổi không?”
Tôi nhìn Lãng mỉm cười không nói, chưa biết tôi có chịu nổi cách sống chay tịnh
lành mạnh này được bao lâu, nhưng giờ đây lòng tôi thật êm ả sau những phong ba
bão táp trong bấy nhiêu năm đời viễn xứ. Không hiểu sao tôi lại buột miệng hỏi
Lãng:
“Sao hồi đó khi còn trẻ anh không lập gia đình cho tuổi già đỡ cô quạnh?”
Lãng nhìn lại tôi, câu trả lời hóm hỉnh mà nghe thấm đến tận tim phổi:
“Anh đã tu rồi mà, tu rồi thì lấy vợ làm gì. Thật ra nếu em ở lại trong khoảng
thời gian đó, mới cảm nhận được cái đau tinh thần nơi người ở lại. Anh đã không
hòa nhập được với cái mới nên phải tự tách ra tìm cái gì đó cho mình để khỏi phải
nghĩ ngợi. Thời gian cũng làm lành tất cả những vết thương, cái chân tật nguyền
bị gãy trong lần đốn cây trên rừng thời gian tù tội, anh đau cái đau của thể
xác đã đành mà còn mang thêm nỗi nhức nhối vì bị bỏ rơi, bị lãng quên sau khi
đã cống hiến tuổi trẻ cho đất nước. Nhiều năm nay anh không nói vì không ai hỏi,
đây chính là lý do anh lên rừng ở ẩn sau khi Hà lập gia đình.”
Thương anh quá, tôi hiểu vì sao anh hay vẽ những bức tranh có đỉnh Lâm Viên mây
mờ che phủ, với ngàn thông chập chùng trong mảng rừng chiều thăm thẳm. Buổi
sáng nơi này trời đang mưa, tự nhiên tôi muốn hát một ca khúc đã quên lời từ
lâu, “mưa rừng ơi mưa rừng, tìm đâu hỡi ơi bóng ngày xưa…”. Trôi theo những kỷ
niệm vật vờ trong quá khứ, tôi thủ thỉ nói với anh:
“Người ta cứ hay nói 'không thể tắm được hai lần trên một dòng sông', những khi
ấy em cho là ngớ ngẩn và rất buồn cười, nhưng đến bây giờ em mới lờ mờ hiểu ý
nghĩa của câu này.”
Lãng mỉm cười châm thêm nước sôi vào bình thủy, trả lời tôi bằng mấy câu thơ:
“Dẫu anh biết chẳng bao giờ có thể
Tắm được hai lần trên một dòng sông
Sông còn kia mà nước chẳng quay về
Cứ khắc khoải mà trôi ra lòng biển”
(Thơ NN)
Tôi nheo mắt nhìn Lãng và chỉ về phía những bức tranh vẽ dở dang trong góc
phòng tối:
“Theo em hiểu thì anh tu vì muốn chôn vùi dĩ vãng, nhưng trong những bức tranh
em vẫn thấy thấp thoáng hình bóng của dĩ vãng trong đó. Hàng thông ven bờ hồ
Than Thở, đỉnh Lâm Viên hai dải núi mờ trong sương, đồi Cù cỏ xanh và hồ Xuân
Hương gờn gợn sóng, ngôi trường cũ ẩn hiện không rõ nét nhưng con đường với
bóng giai nhân ngày chủ nhật thì không lẫn lộn đi đâu được. Có phải vậy không
anh?”
Lãng cười, lâu lắm rồi tôi mới thấy anh vui như thế:
“Em thật thông minh Ngọc ạ, tri âm tri kỷ tri bỉ mà định mệnh lại chia lìa nhau
chỉ vì cái tan nát của nước non. Đúng thế, anh vẫn không thể nào quên quá khứ
dù khi đến đây sống với bà cô già, anh tập tìm quên cuộc đời trong tiếng chuông
tiếng mõ. May có cô để anh bám víu nương tựa và có em Hà nâng đỡ anh trong cuộc
sống hằng ngày nếu không anh đã nhảy xuống hồ tự vận, khi nhìn lại mình những
lúc ấy mà cứ tưởng rằng ai rất xa lạ…”
Tôi ngồi im chờ đợi anh nói tiếp, vì bản tính Lãng từ ngày xưa ít khi thổ lộ nỗi
lòng với ai. Ngay cả những lần về phép rồi trở ra đơn vị, mỗi khi chia tay Lãng
cũng chỉ lặng lẽ trao gửi bằng ánh mắt thương yêu, trong khi tôi thắc thỏm âu
lo cho anh ngoài trận địa. Mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, những cây thông ướt
sũng nước mưa và gió vẫn rít từng cơn như những tiếng thở dài não nuột:
“Ở gần bà cô nhiều năm mà anh vẫn chẳng thuộc được bao nhiêu kinh kệ, nhưng đã
bình tâm lại được nhờ quen dần với tiếng chuông tiếng mõ. Đối với anh lúc đó đời
chỉ có hai nơi, một nơi là cõi bên kia và nơi anh đang sống là cõi bên này. Cõi
bên kia là bạn đời lính đã ra đi khi tuổi còn xanh, những người thân đã khuất
trong gia đình, dù sao thì họ cũng về nơi an nghỉ, anh cầu cho họ tìm được một
thế giới tốt đẹp hơn cõi đời đầy khổ lụy. Cõi bên này xem vậy mà khổ hơn, những
người dân sống xung quanh anh hay những nơi anh đã đi qua, họ cam chịu một đời
lam lũ vì không có cách nào thoát ra được, họ cũng phải chống chỏi để tồn tại
trong vất vả nhọc nhằn. Đời có gì vui đâu, chưa kể bịnh hoạn ốm đau tiền đâu mà
chạy chữa, nghĩ vậy nên anh chỉ cầu an cho họ. Nói là tu nhưng đó chỉ là cách
giúp cho tâm hồn mình bình thản hơn để chịu cái nghiệp khổ mình phải trả, vượt
lên trên cái khổ để nhìn ra hạnh phúc nhiều khi giản dị đến không ngờ. Dù
em không nói nhưng anh cũng hiểu cái khổ mà em phải ôm mang, chẳng qua cũng chỉ
là nghiệp mà em phải trả, trả chưa xong thì lòng có khi nào an ổn mà nghĩ tới hạnh
phúc.”
Tôi thổn thức lắng nghe từng lời chia xẻ của Lãng, dù chưa kể cho Lãng nghe bao
nhiêu mà sao anh đã hiểu và soi thấu tâm hồn tôi cũng đang khắc khoải vì cô
đơn. Lãng nhìn tôi đầy thương mến, như một người anh vẫn săn sóc cô em gái nhỏ
của mình:
“Nếu anh không lầm thì Ngọc vẫn còn nhiều bổn phận, em vẫn phải đi làm có đúng
không?”
Tôi gật đầu trong nỗi phiền muộn, anh nghĩ đúng, tôi còn phải vật lộn với cuộc
sống vì chưa tới tuổi nghỉ ngơi, hai đứa con chưa lập gia đình vẫn làm tôi quan
tâm nghĩ ngợi. Lại hay hoài nghi về cuộc đời và tình người, tôi khó tìm ra sự
an bình như đời sống của anh. Lãng âu yếm nhìn tôi và hỏi:
“Nếu Ngọc bằng lòng thì chiều nay trời hết mưa, anh mời em ra phía sau nhà nhìn
ra hàng thông và vườn rau xa xa, anh sẽ vẽ bức tranh để kỷ niệm ngày gặp lại.
Mai sau nếu như một lẽ gì đó mình không gặp lại, nhìn bức tranh anh vẫn thấy ấm
lòng và tưởng như mình chưa hề xa nhau.”
Hình như trời cũng chiều lòng người, cơn mưa đêm về sáng đã ngưng, trả lại cho
bầu trời sắp sang Xuân những tia nắng mềm mại óng ả. Tôi không ngờ Lãng vẽ
nhanh quá, cảnh vật quanh đây như tấm ảnh đã ghi vào trí Lãng và anh chỉ
cần quơ đôi tay ra là nắm được. Bức tranh có hồn đến không ngờ khi Lãng vẽ thêm
vào cảnh phía sau lưng một dáng người phụ nữ ngồi nhìn ra phía xa, ánh nắng chiếu
qua mái tóc và đọng lại trên đó lung linh một vạt nắng.
Suốt buổi chiều hôm đó tôi ngơ ngẩn trong trạng thái của người mộng du. Tình
yêu ngày nào đã đánh mất như nắm được trong tay, đẹp như một vạt nắng vương
trên mái tóc, nhưng chao ơi có ai nắm được nắng bao giờ. Nghĩ đến hai chữ “Định
Mệnh” tôi lại rùng mình và nếu cho là mỗi phút giây hiện tại tôi đang có là hạnh
phúc, thì hãy hưởng chút hạnh phúc nhỏ bé ấy đi. Không dám hứa với Lãng là sẽ
có một ngày gặp lại, thôi thì đến đâu hay đến đó, cũng ngay sáng hôm sau tôi
theo Hà trở về phố thị vì bạn cần phải chuẩn bị cho ngày Tết của gia đình. Trước
khi chia tay, Lãng chỉ đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ ghi mấy vần thơ:
“Lạ lùng sao có vạt nắng chiều sương
Len lén đến nghiêng vai ngoài song cửa
Ôi vạt nắng hong bàn tay buốt giá
Nắng muộn màng mà ấm cả hồn ta…”
Nguyên Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét