Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Đà Lạt và tôi

Đà Lạt và tôi

Tôi chẳng vay gì Đà Lạt. Đà Lạt cũng chẳng nợ gì tôi. Chẳng có cái mất nào sắp phải đối mặt, cũng chẳng có cái được nào đang ngóng chờ. Không cố nhân, chẳng tân nhân. Những chỗ đáng đi thì đều đã tới. Đà Lạt có còn xa lạ gì đâu.
Lần này vào, cũng không vì công to việc lớn, chỉ là một cuộc tập huấn rồi nghỉ cuối tuần. Tự trích ngang ra thế, tôi ngờ mình bay vào đây cũng như bay đến bao chốn khác thôi… Cớ gì khi màu thông xanh chợt xao động dưới mây, tôi vẫn nhoài ra? Cớ gì khi thấy hồ Xuân Hương lươn lướt dưới cánh máy bay, tôi vẫn cứ nghển cổ trông theo mãi? Có cái gì như xốn xang, như chực tràn bờ. Sao thế nhỉ? Tôi kì vọng điều gì ở dưới ấy? Tôi định kiếm tìm gì ở Đà Lạt? Chẳng nhẽ chỉ vì một tuần được bứt khỏi Hà Nội, được nghỉ, được quên đang đợi mình dưới kia thôi sao? Hay Đà Lạt thầm ám tôi mà tôi không hay biết?
1. Ôn đới gần
Tôi đồ rằng, do bất bình trước cái việc tạo hóa đã ném mình vào nắng nung khiến thân nhiệt lúc nào cũng nồng nã vã sáng, xứ nhiệt đới này đã gồng mình cướp lại bằng được một phần ôn đới rồi đem về cất giấu tận trên cao nguyên Di Linh làm của để dành. Vì thế mà có Đà Lạt. Đà Lạt được giấu kín như thế hàng kỉ nguyên sau mây mù và rừng núi rậm rạp. Kín đến nỗi chính xứ nhiệt đới cũng từng quên mất nó. Chỉ đến khi một người Pháp tốt bụng là Yersin kiên nhẫn dò tìm và phát hiện ra, thì Đà Lạt mới được khua dậy, được dắt tay ra khỏi lãng quên. Lập tức người Pháp ở Đông Dương chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng khi không thể về bản quốc. Lên đây, họ cảm thấy được hồi hương ngay tại xứ người. Người Việt xem Đà Lạt như một ôn đới gần, một ôn đới nằm gọn trong vòng tay nhiệt đới. Từ Hà Nội bay vào hay Sài Gòn bay ra, họ đều cất cánh từ mùa hạ, sau vài tiếng đồng hồ, đáp cánh xuống mùa thu. Người bị ngập đầu trong guồng quay công việc tìm về đây cho ngày cuối tuần thư giãn, y như thỏi sắt nung được nhúng vào nước lạnh. Người cầm tù trong nhịp sống tĩnh tại, thời gian biểu quẩn quanh, tìm về đây như một dịp thau chua rửa mặn, được sống những nhu cầu khuất lấp trong mình. Có phải ngàn thông là một bộ lọc tận tụy vô tư cho Đà Lạt không? Bao bọc Đà Lạt trong lòng mình, ru vỗ Đà Lạt trong cái nôi xanh đời đời của mình, thông cao nguyên cứ lặng thầm lọc nóng thành mát, đục thành trong, tục thành thanh, ồn ã thành êm ả, nhiệt đới thành ôn đới. Người đến Đà Lạt ngỡ như được làm mát, làm trong lại mình. Ôi, người Việt Nam những thế hệ trước, chỉ một mực sống cho người khác, đầu tắt mặt tối một đời. Các thế hệ ấy thường chia cái đời mình làm hai chặng. Chặng đầu, nai lưng làm lụng tích cóp như một con lừa. Chỉ sau khi mọi chuyện lớn bé của bổn phận người đã hòm hòm, họ mới cho phép mình sang chặng hai, ấy là hưởng đời một chút, thăm thú chỗ nọ chỗ kia một chút. Nhưng khốn nỗi, chặng trước đâu có chịu dừng, nó thường nuốt gọn cả chặng sau, khiến đời tàn lực kiệt. Lúc hưởng được thì không được hưởng, lúc được hưởng lại không hưởng được. Thế, họ cũng chẳng lấy làm tiếc. Đà Lạt thế kỉ trước là chốn xa xỉ, viển vông ngay cả với người không thiếu điều kiện. Một ôn đới ngay trong tầm tay mà họ cũng không thể đến. May thay, quan niệm về chất lượng sống cũng khác dần. Người Việt nay có vẻ hiện sinh hơn. 7X, 8X bây giờ ứng xử khác: vừa làm vừa hưởng. Địa chỉ xanh cho ngày nóng ở xứ mình đâu có ít, nhưng xem ra Đà Lạt vẫn là lựa chọn sâu kín nhất cho mỗi chuyến ngao du. Vẫn biết, gió tươi cao nguyên có thể làm dịu đời một lát, chứ không thể làm dịu mát một đời. Nhưng dù ngắn vẫn hơn không! Chẳng đổi đời thì đổi gió. Mà cứ gì 7X với 8X, chuyến bay lánh nóng này của tôi cũng đang tìm về Đà Lạt đây thôi. Chẳng phải miền ôn đới quốc nội này đang mê dụ tôi sao? Chẳng phải lúc nào tôi cũng thèm được làm tươi, làm trong lại đời mình sao? Thảo nào, lúc máy bay chớm vào miền thông xanh, mình cứ nhấp nhổm hoài.
2. Xứ tình yêu
Với những người yêu, Đà Lạt là xứ tình. Cái mát mẻ thiên phú làm cho cỏ cây non nước chốn này thảy đều gợi cảm, gợi tình. Đà Lạt khác nào một vườn địa đàng được tạo riêng cho những cặp uyên ương. Huyền thoại tình yêu ngày ngày vẫn vẽ lại thiên nhiên xứ sở. Cái ngọn núi cao nhất Đà Lạt là Langbiang vốn mang trong nó truyền thuyết về một tình yêu bất tử. Ngày đêm từ cao vời dõi trông xứ sở, hẳn Langbiang đã thành vị thần bảo trợ đất này. Uy của thần đã khiến các thắng cảnh kỳ thú nhất nơi đây kết nối với nhau chung tay biến Đà Lạt thành cõi tình. Một cõi tình luôn để ngỏ mời mọc mọi lứa đôi. Cứ thế tạo vật được design theo bản đồ tình yêu. Hay tình yêu tự lập bản đồ cho tạo vật theo ý mình? Chả biết, chỉ biết lần theo những địa danh nổi tiếng xứ này, người ta như bị dẫn dụ vào non nước của ái tình: Thung lũng tình yêu, Đồi Mộng mơ, Thác Cam ly, Hồ Xuân hương, Hồ Tuyền lâm, Hồ Than thở, Đồi thông hai mộ… Còn từng địa danh thì ngập trong thế giới của hoa yêu: dã quỳ, mimosa, foget me not, hoa đào, hoa hồng, lay ơn, bất tử… 
Chỉ sau hơn một giờ bay, từ chốn phồn tạp, những người yêu đã hạ cánh xuống địa đàng. Uyên ương hẹn hò lên đây như lên chốn Thiên Thai. Phu thê tìm đến đây như tìm về vườn Eden cho tuần trăng mật. Người vội đánh mất quãng son trẻ tìm về đây mong một dịp tái son, truy lĩnh chút nào phần lãng mạn thất thoát. Người tơi tả những vết thương sâu tìm về đây với hi vọng được băng bó, rịt lành. Người thất lạc nhau trong quãng đời trước lặn lội về đây để trao nhau những gì chưa kịp trao, nhận những gì chưa kịp nhận, như một đền bù muộn. Ai cũng mong tìm ở xứ sương rơi này một chút lãng quên, xin mây mưa chút vui vầy và nghe từ thông xanh một lời độ lượng khi nhịp tim đập loạn. Rồi thì về lại đời mình sống tiếp phận mình. Đà Lạt bí mật mở những Khau Vai, những hội chen Nga Hoàng, Giã La cho dân gian. Cùng với cái mát mẻ ôn đới, đây chính là nét quyến rũ mà Tuần Châu, Cát Bà, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc không thể có được, thậm chí Tam Đảo, Sa Pa, Bà Nà cũng không sánh được. Bao kẻ yêu cứ thế đổ bộ xuống Đà Lạt. Nhưng khốn nỗi, thời gian ở cõi yêu bao giờ chẳng trôi nhanh. Trăng mật bao giờ chẳng ngắn. Vài ngày trôi qua chóng vánh, làm sao đủ thỏa lòng nhau. Với những tái hồi muộn, đôi khi, đến bên nhau rồi, gần nhau là thế, nhưng chắc gì đã có thể tỏ bày. Biết đâu lại chẳng ngọng nghịu, khờ khạo, chẳng dấm dớ, vu vơ như cái thuở não nào… Rồi lại giã từ, về lại phận mình mà chưa kịp trao gửi nhau bất cứ điều gì. Háo hức mang đến lại lủi thủi mang về.
Nhưng, dù sao Đà Lạt vẫn là một cơ hội vàng. Bay cùng tôi trong chuyến bay này, có bao nhiêu trái tim đang hồi hộp trong những lồng ngực có vẻ điềm nhiên kia? Làm sao tôi biết rõ. Riêng anh bạn đi cùng chuyến tập huấn với tôi đây, thì ngay từ lúc kéo va li vào check in đã khó điềm nhiên rồi. Ba ngày nữa vợ anh cũng sẽ bay vào. Họ đã chọn Đà Lạt cho sự kiện mong chờ: sinh nhật vợ và 20 năm ngày cưới. Dù trước đó họ vừa có một kỳ cuối tuần Phú Quốc, và ngày tròn của con số 20 thực ra còn ở tháng sau. Nhưng, chả cản trở gì. Kỷ niệm như thế phải thuộc về Đà Lạt thôi. Họ sẽ cùng lượn xe đạp đôi ven Thung lũng tình yêu và những gương hồ Đà Lạt, sẽ lượn trên những con dốc mềm qua các vườn hoa, quầy hoa đẹp nhất, rồi sẽ cùng lên đỉnh Langbiang… Ba ngày nữa, chiếc xe đạp đôi nào dưới kia sẽ có may mắn được chọn, loài hoa nào, bông hoa nào sẽ gặp hên đây?... Hèn chi mà chẳng bồn chồn? Phần mình, đến Đà Lạt lần này, dù biết không còn trẻ, tôi vẫn mong có những hồi hộp như thế! Những hồi hộp sẽ thì thầm bên tai rằng đời chưa phải đã hết, dù mất mát rụng rơi vẫn có cơ tìm lại, những ngày Đà Lạt này sẽ vẫn là những ngày đôi lứa, như thuở mới yêu, thuở chưa đắng cay gì. Bên cửa sổ máy bay, tôi miên man nghĩ tới những bông hoa Đà Lạt, ở dưới xứ thông kia có sắc hoa nào ứng với tôi không? có bông hoa nào sẵn lòng chia sẻ với tôi không?
3. Xứ Trịnh ca
Nếu đi sâu vào Đà Lạt, bạn sẽ gặp những con phố vắng. Đi sâu vào từng phố vắng, bạn sẽ gặp những quán cà phê. Đi sâu vào mỗi quán cà phê, bạn sẽ gặp Trịnh Công Sơn. Để được chìm đắm với xứ này, tôi đã đôi lần tìm uống cà phê. Khi ấy, tôi thường trầm ngâm với những cái tên mà người đời đã dành cho Đà Lạt. Nào xứ sương rơi, xứ thông reo, xứ ngàn thương, xứ ngàn hoa, xứ tình yêu, nào thành phố buồn, rồi Pa ri nhỏ (Le petit Paris)… Cái tên nào cũng muốn gọi ra hồn vía Đà Lạt… Một đêm, trở về từ quán nhạc, lững thững ven hồ Xuân hương, tôi đã gọi Đà Lạt là “xứ Trịnh ca”, vì chợt nhận ra Trịnh là một chiều sâu khác của xứ này.
Nhạc quán ấy là Diễm xưa, một không gian thuần Trịnh. Đêm nào diễn, họ cũng thắp nến, dâng hương trước chân dung Trịnh Công Sơn. Sơn được bái vọng thờ phụng, được tri ân. Cũng phải thôi, họ đã gắn đời với Sơn, được hưởng lộc từ Sơn. Sơn giúp họ nuôi họ, cũng giúp họ thành họ. Đam mê ca hát dành cho một mình Sơn kể cũng là đặc biệt. Những kiếp cầm ca nương nhờ vào Sơn để phiêu du phận mình trong cái đời người dài dặc và hoang hoải này. Nếu không có Sơn, đời nhạc của họ rồi sẽ ra sao? Ngày nào cũng hát Trịnh, nhưng người nghe không khi nào hết chăm chú nghiêm trang. Lời bình phẩm bên ly cà phê chỉ thầm thì, ý nhị. Vì ca sĩ? Vì nhạc sĩ? Hay vì một nhã thú, một nghi lễ đang diễn ra trong không gian nhạc này? Thật khó mà tách bạch. Ở Đà Lạt, đâu đâu cũng ngân thầm nhạc Trịnh. Khi ấy tôi thấy dường như cả Đà Lạt đã thu nhỏ mình thành nhạc quán Diễm xưa.
Nhân duyên nào đã gắn Sơn với xứ này? Sao không là Huế hay Sài Gòn? Huế là quê Sơn, người Huế rất yêu Sơn. Nhưng không gian nhạc Huế đã đặc kín những Nam bình Nam ai, những nhã nhạc cung đình. Ở đó, Sơn đành khép nép thôi. Hầu như cả đời Sơn gắn với Sài thành. Nhưng Sài thành có một dạ dày nhạc khủng, ngốn tất tật các thứ nhạc trên đời. Dù được yêu, Sơn cũng chỉ là một thị phần. Có lẽ không ở đâu Sơn được thiên vị như Đà Lạt. Không sinh ở Đà Lạt, cũng không mất ở Đà Lạt, thời dạy học ngắn ngủi, thì ở Blao, cách thành phố này cả trăm cây số, không sống nhiều ở đây và dường như cũng ít sáng tác ở đây… những mối liên hệ thường thấy để một người có thể thuộc về một vùng đất dường như vắng bóng trong quan hệ của Sơn với Đà Lạt. Ngoại trừ một lý do không mấy trực tiếp: Khánh Ly. Đà Lạt là nơi Sơn gặp Khánh Ly. Nhưng đây hẳn là lý do của mọi lý do, liên hệ của mọi liên hệ chăng ? Mối duyên nhạc, duyên đời, đã nảy nở ở chốn này. Vì thế, nó là chất keo để kết dính một hồn nhạc vào xứ sở chăng? Ấy là Đà Lạt qua Ly mà có Sơn.
Nhưng, đâu chỉ thế. Ít có xứ nào trên dải đất này lại nhạy cảm như Đà Lạt. Y như một cô gái đa cảm, hễ ngoài biển Đông động bão, dù là bão tít mù phía vịnh Bắc bộ, hay bão dạt mãi tận cực Nam, thì Đà Lạt cũng lập tức rơi mưa. Người ta thấy màu hoa mimosa hay dã quỳ vào những ngày ấy cũng ngùi ngùi biến sắc, nước hồ Xuân Hương khi ấy cũng khác màu. Tiếng thông vi vút quen thuộc trên những ngọn núi kia vào ngày ấy cũng xao xác khôn nguôi. Và rồi, người ta cũng nói: đến Đà Lạt thì ngay cả sỏi đá cũng động lòng yêu. Bởi vạn vật khắp xứ đều thầm thì vào tai người cùng một câu hát thôi “hãy yêu nhau đi”. Nó khiến người đã đến đây sẽ thấm thía cái nghĩa lý của tình yêu trong cuộc nhân sinh này. Một mảnh đất như thế không thể không chọn Sơn. Còn ai hơn Sơn trong linh cảm về nỗi yên hàn mong manh của mặt đất này. Còn ai hơn Sơn trong linh cảm về những giấc mơ đời hư ảo. Và thế là như một lẽ tự nhiên, Đà Lạt thấy ở Sơn một hồn đồng điệu. Sơn là người hát lên linh cảm của mình, cũng là linh cảm của Đà Lạt. Đà Lạt mượn Sơn để bày tỏ. Những viên sỏi, hòn đá của xứ ngàn thông đã níu nhạc Trịnh lại với mình. Và, cũng chỉ có ở cõi tình Đà Lạt, trong màn sương thơm phấn thông, bên ly cà phê đơn hay đôi, nhạc Trịnh mới ru mê thế. Phải, chỉ Đà Lạt mới là xứ Trịnh Ca. Xưa thành Nam từng hãnh diện với “ăn chuối ngự đọc thơ Xương”, thì nay Đà Lạt cũng có thể kiêu sa với “uống cà phê nghe nhạc Trịnh”. Ngồi cà phê trong quán khuya ở xứ này, nghe Trịnh da vàng hay Trịnh tình ca, đều sẽ thấy âm thanh như những giọt mưa gieo xuống miền thông, lại như những hạt mầm nảy trong đêm Di Linh, thấy mình được vỡ vụn, được phiêu diêu, lại được lắng, được nguôi, được băng bó, nương náu vào một cái gì.
4. Xứ thiền
Trúc lâm thiền viện là một chiều sâu khác của Đà Lạt. Gốc gác tận Yên Tử từ tít đời Trần với vị đầu đà danh lừng khắp cõi là Trần Nhân Tông, thiền phái giàu chất Việt này như dòng nước ngầm bền bỉ, qua năm sáu thế kỷ đã chảy vào tâm linh Đà Lạt. Nhưng phải cuối thế kỉ trước, thiền viện này mới được lập nên. Và đến nay, thiền viện Đà Lạt lại đang làm một hành trình chảy ngược ra phía bắc. Đến đâu, các thiền viện theo mô hình Đà Lạt lại mọc lên đến đấy. Giờ, nó đã ra đến nơi phát tích của mình rồi.
Sau khi thắp hương, vãng cảnh như một kẻ hành hương, tôi ra ngồi trước hồ Tịnh Tâm. Trong phút giây thư thái hiếm hoi bên hồ, tôi mới thấm thía về cái được cái mất đáng giá vào bậc nhất của đời người. Thư thái là gì nếu không phải là trạng thái bình thản bên trong, khi tinh thần bằng an, không bị xô đẩy. Và đó là tĩnh tâm. Tâm tĩnh như gương nước tĩnh, cho ta thấy rõ mặt mình. Chỉ trong thư thái mình mới thật là mình. Ba động là lúc nội tâm chòng chành chao đảo nhiễu loạn, hình bóng mình bị vỡ ra muôn ngàn mảnh. Vọng động có được dẹp yên, hình và bóng mới không còn tranh chấp, mới nhập vào nhau mà nên bản thể mình. Bởi thế, thư thái trong nội tâm chính là hạnh phúc. Đánh mất sự thư thái cũng là đánh mất gương mặt mình, đánh mất cái hạnh phúc được là mình. Nhưng, một nội tâm thư thái chỉ được nảy nở và nuôi nấng trong một không gian sống bình yên. Mà cuộc sống hiện đại lại đang đánh mất dần sự bình yên. Không gian sống luôn bị tra tấn đầu độc bằng đủ mọi thứ bát nháo của công nghiệp, phố xá và thị trường. Thế giới thành cái chợ mất rồi. Cái yên ả êm đềm bị bài xích xua đuổi dần khỏi những chung cư phường phố. Sự yên bình đành rời bỏ chốn đô hội để tìm về nương náu trú ngụ ở những chốn xa. Và những ham hố, thù hận, u mê, những phụ bạc, thất thoát, phản trắc, những vết thương bị gây ra và tự gây ra cũng luôn băm nát lòng mình, chiếm đoạt mất thư thái trong tâm mình. Bất an là thường hằng, thư thái chỉ thoáng chốc. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc trong bề sâu là tìm kiếm thư thái mà có phải lúc nào mình cũng hay biết đâu. Tôi đến Đà Lạt, mong tìm kiếm gì đây? cái cảm giác ôn đới? cái cảm xúc yêu và được yêu? cái trạng thái được quên rất nhiều, được an trú trong ảo mê cùng cà phê và nhạc Trịnh? Tất cả Đà Lạt là đó sao? Những tra vấn khôn nguôi khi đứng trước Thiền viện đã đẩy tôi tới bên hồ Tịnh Tâm này. Mặt ai đang vỡ dưới hồ kia? Hình ai đang quay cuồng loạn múa? Mặt hồ khi ấy đâu đã lặng gì!... Thôi, ngồi xuống, thiền đi, thở đều, thật đều, dù giờ đây tìm lại được bình lặng cho gương hồ thật mong manh mờ mịt làm sao!
Tôi đâu phải một thiền sư. Cõi riêng tôi cũng tựa như Đà Lạt này: đỉnh là Langbiang và đáy là Tịnh Tâm. Tôi cần bình yên và cả tình yêu. Có thể cầm giữ bình yên bằng tình yêu được không? Bình yên nuôi dưỡng tình yêu hay tình yêu nuôi dưỡng bình yên? Đà Lạt có thể là một trái tim cho những lứa đôi tìm về nương náu được không? Dường như, câu trả lời của Đà Lạt là “có”. Bình yên có thể tưới tắm cho tình yêu, làm dưỡng chất của tình yêu. Mà cho dù không, thì Thung lũng tình yêu, đồi Mộng mơ vẫn có thể xoa dịu, chí ít, thì hồ Xuân hương, hồ Tuyền lâm là những đền bù. Hằng ngày, trời thả bình yên vào mây trôi, sương ướp bình yên vào ngàn thông, thông thả từng thoáng bình yên biêng biếc vào gió, còn gió thì đem dải xuống mặt hồ. Mặt hồ không đành hưởng hết mà đem lại quả một phần bình yên cho hoa lá cỏ cây qua từng viền sóng. Bao lứa đôi đang chụm môi cà phê thủy tạ, dún dín xe đạp đôi bay lượn ven hồ, hân hoan du thuyền mặt hồ, chẳng phải đôi nào cũng đang căng tất cả giác quan để cảm nhận hương vị tình yêu và dưỡng khí bình yên đó sao?
5. Chốn bình yên sâu khuất
Sinh ra ở trên cao, ngỡ Đà Lạt đã được phú cho một bình yên vĩnh viễn. Bình yên mới là gia tài lớn nhất của Đà Lạt. Để cầm giữ sự bình yên quý giá ấy, Đà Lạt đã phải đánh đổi phận mình, lùi sâu vào ẩn dật giữa sơn dã lâm tuyền. Đà Lạt đã nâng niu sự bình yên của mình bằng một nhịp sống chậm, bằng cách sống sâu, gắng gỏi cách ly với những hối hả phiền tạp của các đô thị lớn mạn dưới. Nhưng những hàng thông giàu tiên cảm kia, những vạt hoa đồi quá mẫn cảm kia dường như hằng đêm vẫn trăn trở, lo âu, vẫn nơm nớp với linh cảm về một ngày nào đó bình yên có thể bị tuột mất, đoạt mất. Với người đến từ chốn náo động xô bồ, Đà Lạt là tỷ phú của êm ả, là nơi cư trú muôn đời của bình yên. Nhưng chỉ có Đà Lạt mới thực sự biết rằng sự bình yên ấy mong manh thế nào, và Đà Lạt phải ráng mình để chắt chiu vun góp cho bình yên ấy ra sao. Mối nguy cơ đến từ vùng thấp đang lan tràn và lăm le đánh chiếm nốt miền cao này. Cái xô bồ, hỗn tạp, nhiễu loạn, quay cuồng chả đời nào chịu buông tha cho những chốn êm đềm yên ả. Sự cách ly có là phòng tuyến lâu dài? Sự ẩn dật có thể là trường thành chống đỡ? và cách sống chậm nữa, liệu có thể là lá mộc che giữ cho sự bình yên này mãi không? Tôi đọc ra niềm lo âu trong mỗi tiếng thở dài của rừng thông về đêm và những thoáng rùng mình kín đáo từ những đóa hoa hồng, lay ơn, cẩm tú cầu khi những tia nắng đầu tiên gọi về một ngày mới. Nỗi lo âu dường như cũng tỏ mờ ngay cả trong những làn hương từ mỗi ly cà phê trong quán nhỏ. Chẳng thế mà, đang nghi ngút tỏa lên yên ả vậy, sao chốc chốc làn hương lại chợt ngừng, chợt ngơ ngẩn bởi những thoáng gió lạ lúc nắng mai? Chỉ Đà Lạt mới biết hằng đêm, mỗi khi tiếng chuông điểm canh trên thiền viện ngân trong thanh vắng, thì cũng là lúc ngàn thông vào thiền định trong một lễ cầu an mênh mông thầm nguyện cầu cho xứ sở yên hàn.
Khi đêm qua đi, tôi như chợt nghe thấy tiếng nói tỉnh táo từ những cây thông tham thiền sâu nhất trong đêm Đà Lạt. Rằng: khi lòng khánh kiệt bình yên, những mất mát, đổ vỡ có không được hoàn nguyên, thì cũng được băng bó ràng rịt. Ít nhất thì cũng được quên. Đôi khi, quên là một liệu pháp để có một bình yên ảo. Nhưng dù sao nó cũng giúp rịt lại những vết thương thật. Dẫu chỉ là cầm máu trong ngày. Không có cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc. Không có những cuộc đời bình yên, chỉ có những khoảnh khắc bình yên. Sống là chi chút từng khoảnh khắc, dành dụm từng khoảnh khắc. Chắt chiu được càng nhiều khoảnh khắc, thì chuỗi bình yên hạnh phúc càng dài. Vậy thôi. Đừng ảo tưởng.
Và tôi nhận ra, trong chúng ta ai chẳng thèm một Đà Lạt, ai chẳng giấu một Đà Lạt. Có phải bình yên trong chúng ta đang gọi tên Đà Lạt không? Đến chốn này, nhìn vào lòng ta, ta mới thấy rõ, lỗ hổng lớn của đời mình trong nhịp sống này là Đà Lạt. Đà Lạt là nỗi chắt chiu trong đời sống nháo nhào của ta. Về Đà Lạt, ta đang về với chốn bình yên sâu khuất trong mình…
Tái bút:
Chiều nay, tôi đã cố hít đầy lồng ngực một Đà Lạt, trước khi bước vào trong máy bay rời mảnh đất này.
Hà Nội, 8-2012
Chu Văn Sơn
Nguồn: Vanvn.net
Theo https://dalatcity.org/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...