Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Thơ Nguyễn Bính - Từ ký hiệu sinh thái đến không gian tự tình

Thơ Nguyễn Bính - Từ ký hiệu sinh thái 
đến không gian tự tình

Trong đội ngũ tài danh của Phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính là một trường hợp, một chân dung khác lạ, “đứng riêng một cõi”. Thơ ông là sự giao hòa giữa tâm thức lãng mạn hiện đại nửa đầu thế kỷ XX với điệu hồn dân tộc xưa cũ. Đọc thơ ấy, dường như người ta quên đi sự “bùng nổ” của công cuộc giao lưu và tiếp biến, sự “va chạm” Đông - Tây để được “sống chậm”, được đắm mình vào những câu thơ thấm đượm phong vị ca dao, trong sáng, yên bình, gần gũi và rất dễ đi vào lòng người. Chính vì vậy, trong phối cảnh Thơ mới 1932 - 1945, tuy không phải là người có công sáng lập và vị trí tiên phong như Thế Lữ, cũng không mang đến cho thi đàn đương thời một luồng gió mới tràn đầy năng lượng như Xuân Diệu; song, Nguyễn Bính vẫn tạo lập được một hệ giá trị bền vững. Thi nhân đã truyền cảm hứng, thu hút một cộng đồng tiếp nhận yêu bản sắc Việt vô cùng đông đảo và mang tính ổn định cao qua nhiều thời đại văn học.
Là một chủ thể sáng tác thuộc trào lưu thơ ca lãng mạn, nguồn cảm hứng nghệ thuật thơ Nguyễn Bính nhuốm sắc thái duy tình. Các cung bậc cảm xúc về tình yêu đôi lứa, về nỗi sầu đô thị và cái tôi cô đơn “phiên bản” Nguyễn Bính được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên thấm đẫm hồn quê Bắc Bộ: từ hàng cau đến giàn trầu, từ một cơn mưa xuân như một làn sương trắng đến màu hoa xoan tím, từ dậu mùng tơi xanh rờn đến con bướm trắng, từ hoa chanh, hoa bưởi đến bến đò, dòng sông… Đó thực sự là những ký hiệu sinh thái tự nhiên nổi bật, có khả năng di chuyển, biến hóa, dệt nên không gian tự tình đằm thắm thân thương trong thế giới nghệ thuật của một nhà thơ tài hoa và “quê mùa”.
Cũng giống các nhà thơ lãng mạn cùng thời, Nguyễn Bính viết nhiều về tình yêu. Những da diết nhớ thương, lời hẹn thề, nỗi khát khao về một mối lương duyên tốt lành được nhà thơ biểu đạt bằng một hình thức diễn ngôn bình dị, ngọt ngào:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư)
Cùng viết về nỗi nhớ, nhưng nếu Xuân Diệu - nhà thơ mang dáng dấp Tây phương, “mới nhất trong các nhà thơ mới”, thổn thức một cách “ồn ào”: Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em…/ Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!... thì Nguyễn Bính nhẹ và đằm hơn, nhưng lại đẩy cảm xúc đi xa hơn về miền lứa đôi thắm thiết. Sự lai ghép “cau, trầu” được “sắp đặt” vào không gian “thôn Đoài”, “thôn Đông” đã lập nên một khuôn viên tương tư yên ả, thanh bình giữa làng quê thanh tịnh:
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào
(Tương tư)
Thơ Nguyễn Bính gần gũi với ca dao trên nhiều phương diện: không chỉ ở lối cảm nghĩ, nói năng nhiều ví von mà là kiểu tư duy, cách cấu tứ, lập ý. Mỗi bài thơ dù dài ngắn dường như đều là một câu chuyện (Chân quê, Tương tư, Chờ nhau, Qua nhà, Người hàng xóm, Lòng mẹ, Lỡ bước sang ngang…). Đặc biệt là ở thể lục bát, cảm xúc thơ hòa lẫn vào âm điệu trữ tình folklore, vào mạch tự sự của câu chuyện và lắng lại bởi một tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng như ca dao vọng lại:
Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)…
Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng…
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo
(Qua nhà)
Diễn trình tự sự và những chi tiết gây thương nhớ trong bài thơ đều thuộc về thôn quê, là ngoại cảnh nuôi dưỡng tâm trạng thi nhân. Nhưng Nguyễn Bính là nhà thơ của phong trào Thơ mới, dĩ nhiên ông có những đồng điệu sẻ chia với những người cầm bút cùng thế hệ mình, không chỉ ở tâm thế mà còn là lối viết. Đó là sự chuyển hóa tài tình giữa miêu tả và biểu hiện, giữa tả cảnh và tả tình, và đọng lại ở hai câu kết đặc sắc của bài thơ - một kiểu ẩn dụ của thi pháp hiện đại:
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
(Qua nhà)
Gắn với đời sống thôn dân cùng những nề nếp, phong tục bao đời, thơ Nguyễn Bính đã lưu giữ được nhiều “mã” văn hóa truyền thống. Thế giới nghệ thuật thơ ông được tái tạo trên một nền cảnh địa - sử văn hóa gần gũi với tâm thức Việt. Một trong những ký hiệu sinh thái, một “mẫu gốc” mang thông điệp tình yêu và ý nghĩa giao duyên trở đi trở lại khá nhiều như một biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính là cặp đôi trầu - cau. Tuy nhiên, ở mỗi trạng thái tâm tình, hình ảnh trầu cau lại mang hàm nghĩa biểu đạt khác nhau. Nếu ở bài Tương tư là ước mong được gắn kết thành lứa, thành đôi giữa “giàn trầu” nhà em với “hàng cau liên phòng” nhà anh thì ở bài Chờ nhau không còn là động thái nhớ nhung đơn phương mà đã là hẹn hò, báo hiệu một cuộc gặp gỡ đầy xao xuyến trong một không - thời gian được tính đếm bằng “chỉ số” đợi chờ rất dân gian và không thể “ước lệ” hơn:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang.
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình… với nhau.
Ai làm cả gió, đất cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?
(Chờ nhau)
Sống giữa bầu không khí trong lành của hương đồng gió nội, chan hòa, quyến luyến với vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc, từ hoa lá cỏ cây đến con người trong thơ Nguyễn Bính đều là những chỉ dấu đặc trưng của làng cảnh Việt Nam. Có thể đó là một “mùa xuân xanh” của ấn tượng thị giác. Dễ nhận thấy các chiều xa - gần, cao - thấp, trong - ngoài của không gian tình tự được bao phủ bởi sắc xanh tươi non, mượt mà, tràn ngập sức sống. Nó hài hòa với tâm hồn trẻ trung và tư thế đón đợi chỉ “một chiều” vui vẻ, phấn chấn của anh “trai làng”:
Mùa xuân là cả một màu xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành…
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh
(Mùa xuân xanh)
Song, đôi khi đó lại là một cơn mưa mùa xuân thi vị của đất trời nhưng lại chứa đựng bầu tâm sự với hai thái cực “ngược chiều” từ vui tươi sang buồn bã, từ hy vọng sang thất vọng của một cô “gái làng” qua những rung động đầu đời trong trắng, ngây thơ:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”…
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng…
(Mưa xuân)
Bên cạnh đó, những hình ảnh của bến đò, nương dâu, giậu mùng tơi, cửa tò vò… cũng đã được châu tuần, hợp thành miền giao cảm, không gian tự tình riêng của thơ Nguyễn Bính. Trên nền cảnh ấy là sự hiện hình, là bóng dáng của các nhân vật trữ tình. Họ đa phần là những cô thôn nữ trẻ: cô lái đò, cô hàng xóm, cô hái mơ (Cô lái đò, Lỡ bước sang ngang, Người hàng xóm, Không đề). Nhiều bài thơ của Nguyễn Bính mang điểm nhìn của nhân vật nữ. Có lẽ nhờ sự nhập thân cao độ của chủ thể sáng tác, thơ Nguyễn Bính phảng phất thiên tính nữ. Không chỉ ở giọng điệu kể lể sự tình mà là sự khắc họa chân dung tâm hồn, sự khái quát những thân phận tình yêu đa đoan, hồng nhan bạc mệnh. Ám ảnh nhất là cuộc tình duyên ngang trái của nhân vật người chị qua những lời tâm sự đẫm nước mắt trong Lỡ bước sang ngang. Bài thơ có một kết cấu tự sự dài, tương đương với một truyện thơ với những nốt thắt duyên phận lỡ làng, chua xót và gia cảnh trống vắng, đau buồn, cảm động đến từng câu, từng chữ:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa…
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi non sông nước đò giang chưa từng
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ…
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò
(Lỡ bước sang ngang)
Ở những bài thơ có cái nhìn từ phía chủ thể trữ tình là nam, được hiện diện bởi ngôi giao tiếp “anh”, giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi, xót xa vẫn đóng vai trò chủ đạo. Việc trai gái tương tư, đợi chờ, bâng khuâng, lưu luyến… là chuyện của muôn đời, đến văn chương lãng mạn nói chung và thơ lãng mạn nói riêng, do những ảnh hưởng từ hệ qui chiếu thẩm mỹ, lại có thêm màu sắc bi thương. Bài thơ Người hàng xóm của Nguyễn Bính là một mô thức tiêu biểu. Nếu chỉ căn cứ vào “tính chuyện” và đặc điểm thể loại thì bài thơ rất gần gũi với thi ca bình dân nhưng diễn biến trữ tình lại mang dấu ấn của loại hình nhân vật lãng mạn. Đó là thứ tình yêu không trọn vẹn, đúng hơn là bi kịch vì “bình rơi, trâm gãy”. Hai nhân vật chính trong câu chuyện là “tôi” và “nàng”, có thêm “con bướm trắng” được nhân hóa thành một “người” thứ ba để chàng trai giãi bày tâm sự. Không gian nuôi dưỡng nguồn thi hứng, thi cảm vẫn là khung cảnh thôn quê rất đỗi bình dị, mến thương và một mối quan hệ giềng xóm thân tình:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
(Người hàng xóm)
Điều đặc biệt là toàn bộ “chuỗi diễn ngôn” của bài thơ chỉ bao gồm lời độc thoại của chính chủ thể tác giả xưng “tôi” và lời đối thoại với “con bướm trắng” - vừa là một ký hiệu sinh thái, vừa như một kiểu nhân vật trữ tình mang tâm trạng, xuất hiện bên cạnh giậu mùng tơi, mái hiên nhà, nong tơ vàng, cơn mưa đổ “tầm tầm” rồi lại tạnh:
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi, bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên,
Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
(Người hàng xóm)
Tuyệt nhiên không có lời đối đáp nào giữa đôi nam nữ - những chủ thể của câu chuyện tình yêu mà chỉ là lời tự vấn của chàng trai trước mối rung động đang mỗi ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong lòng mình:
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: “Hay tôi yêu nàng”?
- Không, từ ân ái nhỡ nhàng,
Tình tôi than lạnh, gio tàn làm sao!...
(Người hàng xóm)
Sự hiện diện của con bướm trắng ở mỗi tình huống là một tín hiệu không lời, được mong chờ, gửi gắm:
Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang…
Cô đơn buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
(Người hàng xóm)
Nhưng đồng thời cũng mang theo một linh cảm báo hiệu những điều không may mắn tốt lành:
Hôm nay trời đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa bướm lười không sang…
(Người hàng xóm)
Cùng với hình ảnh chập chờn lúc ẩn lúc hiện đó là những trạng thái không thể lý giải của tình yêu, những xung đột nội tâm trái chiều… Khi cảm xúc được đẩy lên ở đỉnh điểm cao trào cũng chính là lúc người thơ đã tìm ra câu trả lời trong đau đớn, suy sụp, tuyệt vọng:
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi.
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
(Người hàng xóm)
Cái kết thúc của bài thơ đã có sự “ly tâm” với lối kết thúc có hậu quen thuộc của thi pháp dân gian. Rõ ràng ngoài những yếu tố làm nên phong cách của một nhà thơ đồng quê, Nguyễn Bính đồng thời là loại hình tác giả của Thơ mới, chịu ảnh hưởng của thi pháp lãng mạn: từ chân dung cái tôi buồn, cô đơn đến những mối tình dang dở, từ mối “sầu đô thị” đến mặc cảm lạc thời, bơ vơ, từ quan niệm thẩm mỹ, cách lựa chọn nhân vật đến các thủ pháp ngôn từ và liên tưởng thơ. Cũng là hình bóng cô thôn nữ đứng trước hiên nhà nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào công thức mặc định của “gái quê” mà đôi khi motif nhân vật quen thuộc này đã được Nguyễn Bính tạo hình bởi những nét đặc tả mới mẻ, “tân thời”, xen kẽ nét dịu dàng thôn quê là sắc thái biểu cảm thị thành, duyên dáng:
Đã thấy xuân về với gió Đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
(Xuân về)
Cũng như để biểu đạt những xao động êm ái của tâm hồn, một cái gì đó còn mơ hồ xa xăm, Nguyễn Bính đã mượn cái vỏ “lục bát tứ tuyệt” nhưng bên trong lại chứa đựng cả một bầu tâm trạng khó định hình, được diễn tả bằng những khoảng lặng văn bản mang tính chất “ý tại ngôn ngoại”, hàm ẩn, gợi cảm, tinh tế, mộng mơ và sáng tạo:
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
(Không đề)
Ngoài thể lục bát thuần thục, điêu luyện như được chiết xuất từ những gì tinh túy nhất của ca dao truyền thống, ở mảng đề tài con người cá nhân mang tâm thế bị khước từ, lạc thời, bất ổn và bế tắc, tìm sự giải thoát bằng thú phiêu lưu giang hồ đầy phong trần sương gió, Nguyễn Bính có viết một số bài thơ tự do như Hành phương Nam, Một trời quan tái, Những bóng người trên sân ga, Hai lòng… Ở những bài thơ này, sự chân thực của hình ảnh, sự phá cách, phóng túng của vần nhịp, câu chữ đã giúp nhà thơ tự khắc họa chân dung mình như một cá thể cô quạnh giữa tấp nập thế gian và chợ đời đông đúc:
Ta đi nhưng biết về đâu nhỉ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
(Hành phương Nam)
Không riêng Nguyễn Bính, các nhà thơ lãng mạn khác như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương… đều tạo được dấu ấn riêng thông qua cái tôi tự xướng. Song, dù ở cự ly xa hay gần, nếu Thế Lữ vẫn giữ được thần thái của một đấng chinh phu tuy dãi dầu mưa nắng nhưng kiêu bạc: Năm năm theo tiếng gọi lên đường/ Tóc lộng tơi bời gió bốn phương, hoặc: Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang… thì Nguyễn Bính sau bao xuôi ngược, “dan díu với kinh thành” lại cho ra một hình ảnh mệt mỏi, bất lực và khá “nhầu nhĩ”. Tuy nhiên, đây cũng là một nhà thơ có “phong độ thất thường”. Để bù lại sự “xuống cấp” đó của “hình tượng tác giả”, ông đã từng viết những câu thơ với tư thế trữ tình hào hoa, phong nhã và có sức quyến rũ:
Chiều nay… thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!
(Một trời quan tái)
Đặc biệt hơn là những khoảnh khắc xuất thần, thể hiện tài luyện câu, “đúc chữ”, đăng đối chỉn chu của thi pháp cổ điển, theo cùng lối viết đó là phong thái của một tay chơi đào hoa giữa một khuôn viên “giải trí” sang trọng:
Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ quyên
(Buồn Ngự viên)
Nhưng suy cho cùng, những câu thơ đặc sắc này không thể coi là tiêu biểu cho bút pháp của Nguyễn Bính. Nó chỉ cho thấy một khía cạnh tài hoa, trong sự đa dạng của phong cách, sâu xa hơn là sự phức tạp, những biến hóa tinh vi trong thế giới nội tâm cũng như tính chất không đơn phiến của loại hình tác giả Thơ mới. Trước sau, Nguyễn Bính vẫn là một thi sĩ chân quê, hương sắc của thơ ông được thăng hoa, chưng cất bởi cảnh quan thôn dã. Từ sở trường lục bát, ông có thể dịch chuyển khá dễ dàng sang thể thơ tự do để theo kịp xu thế hiện đại hóa của trào lưu, nhưng trong tâm tưởng bao thế hệ người đọc vẫn hiện diện một Nguyễn Bính với tài thơ bẩm sinh, làm thơ một cách hồn nhiên và bản năng. Đã có lúc ông vận dụng thể thơ tự do hiện đại nhưng hồn cốt vẫn thuộc về phần dân dã truyền thống, vẫn rất nhiều vương vấn với hoài niệm ca dao bình dân, với sinh thái tình yêu được gửi gắm qua hình tượng bến cũ, người xưa, con đò, dòng sông:
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông
(Cô lái đò)
Không phải ngẫu nhiên, trước nay, bài thơ Chân quê được coi là phát ngôn chính thống cho quan niệm nghệ thuật, quan điểm sáng tác thơ của Nguyễn Bính. Tuy có những đan cài, tương phản giữa con người thời đại với bản tính quê mùa nhưng không hề có sự “lưỡng lự phân vân” trong chọn lựa. Thái độ dứt khoát, rõ ràng được “lồng ghép” vào giọng điệu “van lơn” mềm mỏng, phảng phất chút giễu cợt nhẹ nhàng, kín đáo của chàng trai với một nửa của mình. Đằng sau câu chuyện yêu đương thú vị này là cả một triết lý sâu sắc, chứa đựng cái tâm của người cầm bút trong việc lưu giữ bản sắc dân tộc, phản ứng lại hiện tượng lai căng, vong bản. Đây chính là “cách đọc” đúng để khám phá lớp nghĩa ngầm dưới một văn bản có lời thơ dịu dàng, thanh thoát:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nói ra sợ mất lòng em
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa…
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u minh với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Chân quê)
Sống với lục bát, ngòi bút của Nguyễn Bính trở lại vẻ mặn mà như cái duyên thầm của cô thôn nữ. Tình ý, cảm xúc cứ thế tuôn ra một cách tự nhiên qua âm điệu lời thơ dễ nhớ, dễ thuộc ngay cả những chỗ nhà thơ phá vỡ những qui tắc mượt mà, êm dịu, tìm đến những cách ngắt nhịp lẻ, khỏe và mới hơn. Có thể đó là phút tự dối lòng, lấy cái mạnh mẽ bên ngoài để che đậy phần yếu mềm của những rung động tình yêu vừa được tái sinh sau một lần đổ vỡ còn rất mong manh bên trong:
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
(Người hàng xóm)
Hay nỗi đau quặn thắt của cô dâu trước một cuộc hôn nhân đau khổ, bất hạnh, đầy sóng gió vì không có tình yêu:
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão, giữa tràng giang, lật thuyền.
(Lỡ bước sang ngang)
Những tìm tòi đó đã kéo lục bát của Nguyễn Bính không bị tan hòa, chìm khuất vào ca dao. Điều mà Xuân Diệu đã từng hài hước, đại ý rằng: nếu bảo thơ lục bát đều đặn giống nhau khác gì bảo mặt ai cũng có mắt, mũi, miệng, tai như nhau và nhìn rất chán (!)… Đời sống thể loại nói chung cũng như lục bát nói riêng luôn là sự dung hòa giữa những yếu tố nguồn cội, cổ sơ và phần tiếp biến mới mẻ (M. Bakhtin). Qua nhiều thời đại văn học, lục bát Việt Nam từ ca dao, đến mô hình truyện thơ Nôm trung đại và sang thời hiện đại, nhờ tâm sức và sự cống hiến của nhiều kiểu loại tác giả, thế hệ thi nhân, thể thơ mang quốc hồn quốc túy của dân tộc đã được duy trì, hồi sinh. Trong dòng chảy với nhiều thừa kế, tiếp biến và cách tân đó, lục bát của Nguyễn Bính đã xuất hiện trước những áp lực không nhỏ của tiến trình hiện đại hóa và làn gió Tây phương. Nhưng bằng tài năng và bản lĩnh nghệ thuật, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Nguyễn Bính đã mang đến cho thi đàn dân tộc một sắc diện, một cá tính lục bát độc đáo và là một tên tuổi không thể thay thế.
Khác với văn xuôi, đặc trưng phản ánh, qui luật tái tạo hiện thực của thơ thiên về lối “mượn cảnh ngụ tình”. Theo đó, cảnh vật trong thơ dù là “hoa lá cỏ cây xinh tươi” hay trăng, gió, mây, trời “kỳ diệu đến đâu hết thảy đều tự trong lòng mà nẩy ra” (Ngô Thì Nhậm). Bằng tâm hồn thuần khiết hương quê, Nguyễn Bính đã trữ tình hóa, thơ hóa, biến những sự vật vô tri giữa khung cảnh thôn quê mộc mạc thành một không gian hữu tình, thơ mộng. Về lý thuyết, tư duy thơ thường vận động theo hai chiều hướng nội và hướng ngoại. Nhưng nhiều khi rất khó định vị bởi cảm hứng thơ là một yếu tố vô hình, đi về, bay lượn, tạo nên độ mờ nhòe giữa khách thể và chủ thể, ngoại giới và nội giới. Soi rọi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, đó là sự chuyển hóa từ ký hiệu sinh thái tự nhiên thành sinh thái tinh thần, từ ngoại cảnh đến nội tâm và ngược lại. Những trầu, cau, xoan, bưởi, mưa, nắng, sớm, trưa, chiều, tối, dòng sông, bến đò, lũy tre làng, “hoa khuê các”, “bướm giang hồ”… cũng chính là những cung bậc, giai điệu cảm xúc, là những mối tương tư, bâng khuâng, đợi chờ, vui buồn, hờn dỗi, tiếc nuối, khổ đau… Mỗi “ký tự” thiên nhiên gắn với một khoảnh khắc, một vụt hiện xúc cảm, một dòng tâm tư và cùng “tương tác”, tham dự vào câu chuyện lứa đôi. Tất cả hợp thành hệ sinh thái tình yêu và không gian tự tình của một hồn thơ chân quê, mang căn cước và tiếng nói của mẫu hình “thi sĩ đồng quê”.
Đã ngót gần ba phần tư thế kỷ trôi qua, thơ Nguyễn Bính là món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ độc giả người Việt trong và ngoài nước. Đó là một miền thơ thanh khiết, trong lành, nơi gặp gỡ, hợp lưu và đối thoại của các giá trị văn hóa Việt. Sự trân quý, mến thương những con người hiền lành, dung dị, những tấm tình chân thật đẹp như ca dao chốn quê nhà là nguồn dưỡng chất ươm mầm, nuôi lớn tài năng, tạo nên tầm vóc nhà thơ và đồng thời là kinh nghiệm thẩm mỹ sâu sắc mà thi sĩ Nguyễn Bính đã gửi lại như một tâm tình cùng hậu thế.
7/11/2018
Lý Hoài Thu
Theo https://tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...