Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Tiếng đàn trên đồi thông

Tiếng đàn trên đồi thông

Hè 1964, tôi được cử làm thư ký hội đồng coi thi chấm thi tú tài 2 tại Đà Lạt.
Chủ tịch hội đồng thi là thầy Châu Trọng Ngô, thầy dạy Toán của tôi năm tôi học ở trường Khải Định (Quốc Học sau này). Hội đồng thi được đặt tại Trường TRẦN HƯNG ĐẠO. Thi xong bài vở được đem vào chấm tại hội đồng Sài gòn. Vị hiệu trưởng sở tại, anh T. T. Th., người cùng học thứ sư phạm như tôi, được cử về làm chánh chủ khảo một hội đồng thi tại Sài Gòn, nên nhường hẳn ngôi biệt thự anh ở cho thầy trò chúng tôi. Các trường trung học lớn hồi đó, trường nào cũng có nhà riêng cho hiệu trưởng, giám học cả. Ngôi biệt thự gọn gàng, nhỏ nhắn, xinh xinh, có hai tầng. Tầng trệt chỉ bố trí một phòng khách rộng. Tầng trên có hai phòng dùng làm nơi sinh hoạt ăn ngủ. Trước mặt tiền nhà là một vườn hoa nhỏ, gió thổi đong đưa, các cành hoa đủ màu lung linh trong sương sớm, nắng chiều, đẹp và lãng mạn vô cùng. Từ ngôi nhà này muốn đi qua trường THĐ, phải qua một ngọn đồi nhỏ, thoai thoải, đi khoảng 10 phút mới tới cổng lớn của trường. Tuy nhiên, để tiện lợi, người ta đã vạch  một con đường mòn nhỏ, đi từ phía sau của ngôi nhà, băng qua một hàng rào thấp, qua một khu vườn hoa nhỏ, để đến hành lang vào trường ngay, đi chừng ba phút là đến.
Thầy C.T. Ngô có dẫn theo đứa con trai nhỏ, tôi nhớ là tên , đi theo, xem như cho con đi du lịch Đà Lạt. Mới đó mà năm mươi  năm trôi qua! Mau thật! Anh con trai thầy bây giờ đã là tiến sĩ đang công tác tại Mỹ. Thầy Ngô vừa được bộ giáo dục Sài Gòn, với sự chấp thuận của bộ tư lệnh quân đoàn I, biệt phái về giữ chức vụ hiệu trưởng PCT, mặc dù lúc đó thầy đang ở thời gian tại ngũ. Thầy Ngô muốn kiện toàn ban giám hiệu PCT để làm việc. Giám học cũ là anh Ngô Anh Tuấn đã xin từ chức từ lâu, tổng giám thị mới cũng chưa có nên công việc trường tất cả đều do hiệu trưởng đảm nhận. Thầy mời anh LÊ VĂN TÂM, đại úy biệt động quân, mới được biệt phái về PCT, làm tổng giám thị thay cho tổng giám thị cũ TRẦN HỮU DUẬN. Tôi biết kỳ thi này thầy kéo tôi theo lên Đà Lạt mục đích là để gợi ý tôi làm giám học của trường. Tuy nhiên, chắc thấy tôi tài tử, nghệ sĩ quá và lại vô trách nhiệm nữa, nên còn lưỡng lự!. Thư ký hội đồng thi mà tôi để đến tối giáp ngày thi mới có mặt tại Đà Lạt, bao nhiêu chuyện của kỳ thi thầy chủ tịch đều phải làm thế cả!. Thật ra không phải tôi vô trách nhiệm mà vì mua vé máy bay từ Sài Gòn lên Đà Lạt không được!. Thuở ấy, từ Đà Nẵng muốn lên Đà Lạt bằng máy bay thì phải vào Sài Gòn đã!. Trong một lần cùng thầy và con trai đi chơi thác Cam Ly, tôi gặp anh ĐẶNG NGỌC TUẤN, tốt nghiệp Sư phạm cùng khóa với tôi, cũng đi xem thác Cam Ly với anh PHAN VĂN NGẬC, dạy tại Phan Rang. Anh TUẤN cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai và ăn nói hoạt bát. Anh TUẤN nhờ tôi giới thiệu và nói giúp với thầy Ngô giúp anh xin chuyển về PCT, vì anh hiện giảng dạy tại trường quốc gia sư phạm Quy Nhơn xa nhà bất tiện quá. Tôi nói với thầy Ngô, thầy bảo nói Tuấn làm đơn đưa đây! Không biết thế nào hè đó anh TUẤN có giấy về đảm nhiệm chức giám học tại PCT luôn. Sau này, tôi vẫn nghỉ lại, mình thật là may mắn! Nếu năm đó tôi được thầy NGÔ ngõ lời  làm giám học tại PCT thì, với tính hăng hái của tuổi trẻ, chắc tôi nhận lời ngay và bị bị gãy ngay như anh Tuấn... Thầy Ngô hết niên khóa đó thì được giải ngủ, thầy xin trở về Huế, về trường Đồng Khánh, không làm H.T. Phan Châu Trinh nữa. Anh Tuấn được cử XLTV hiệu trưởng và chuẩn bị lên hiệu trưởng thực thụ thì bị vụ giáo sư PCT phản đối bộ trưởng giáo dục ăn nói thiếu trách nhiệm, được gọi về bộ giáo dục đãi lệnh và sau đó bị cách chức, cho về dạy tại Huế. Sau này anh ĐẶNG NGỌC TUẤN lại được cử làm GIÁM HỌC trường NGUYỄN HIỀN, hậu thân của trường BLAISE PASCAL cũ. Chức vụ giám học PCT mãi sau gần 20 năm sau tôi mới phụ trách cho đến ngày đất nước thay đổi!.                                                              
Thầy NGÔ đã qua nhiều năm giảng dạy tại Huế, tại trường nữ ĐỒNG KHÁNH, nên có rất đông đồ đệ làm việc tại thành phố cao nguyên Đà Lạt này. Do đó, thầy được mời họp mặt liên miên, ít có chiều nào ở nhà. Nhiều chiều thầy rủ tôi cùng đi, nhưng tôi luôn từ chối. Cái thú vui của tôi là ngồi trên bậc thềm ngôi biệt thự, nhìn xuống các sườn đồi bao quanh, nhìn những con đường quanh co chạy ngoằn nghèo khi cao khi thấp, xa xa mờ mờ ẩn hiện những vườn rau xanh ngát bao la, những vườn hoa muôn màu lung linh, nhìn sương tỏa dần đồi núi, nhìn bóng chiều tan đi trong mờ mịt màn đêm, nghe cái rét nhẹ nhẹ lan tỏa, nghe gió trên các đọt thông thổi vi vu, cảnh vật nhiều khi huyền ảo không thể tưởng tượng. Chiều tối lại lang thang theo con đường dẫn đến mặt tiền của trường, ghé vào tiệm cơm nhỏ dưới một cây cổ thụ rậm bên cổng trường, gọi một đĩa cơm dĩa, một chai bia, ngồi ăn thư thả. Khi nào rãnh rỗi hơn thì leo lên một chiếc lambretta khách, nghe tiếng xe rú lên ậm ực trên mỗi con dốc, chạy loanh quanh xuống phố, vào một quán sang hơn, kêu một thồ cơm nóng hôi hổi  một tô canh chua, một dĩa rau lá xanh mướt. Bước từng bước nhỏ lên đồi về nhà, dấu tay trong túi áo lạnh, nghe mình bồng bềnh trong từng hơi thở núi rừng, khoan khoái, nhẹ nhỏm. Bật cây đèn trong phòng khách, lại ra ngồi bên bậc thềm, nhìn xa xa những núi những đồi nương ánh đèn lung linh ẩn hiện. Nghe tiếng chim kêu, vượn hú từ rất xa vọng lại, lòng thấy thanh thoát vô biên. Tôi chờ cho đồi núi chìm hẳn vào màng sương mới trở vào nhà, leo lên cầu thang, nằm co mình dưới tấm nệm dày, mơ mộng rồi ngủ đi lúc nào không biết. Thật là những tháng ngày diễm tuyệt của cuộc đời!.                                                                                                  
Bên phải ngôi biệt thự tôi ở, trên một ngọn đồi cao hơn, có một biệt thự nhỏ sơn màu hồng nhạt. Ngôi biệt thự nằm chơ vơ, bao quanh là một hàng thông khẳng khiu, lá lưa thưa. Hai bên lối vào nhà có hai hàng đá sắp không thứ tự, chất chồng lên nhau. Hai luống hoa lan rậm rì, 4 gốc mimosa điểm hoa vàng li ti nằm ngay trước hiên, trông có vẻ hoang vu, không được chăm sóc mấy. Tầng trên ngôi biệt thư có cửa sổ lớn, hai cánh cửa sơn màu xanh đậm, có hai cây thông đổ nghiêng che bóng, cả ngày luôn khép kín, chỉ ban đêm mới được mở rộng, trải ánh đèn từ phòng xuống ngôi vườn nhỏ hiu hắt. Nhà có vẻ ít người, chỉ thỉnh thoảng thấy có một bà giúp việc ra quét dọn sơ sài các lối đi, dáng âm thầm, lặng lẽ. Tôi bắt đầu chú ý đến biệt thự này từ đêm chợt nghe tiếng đàn vĩ cầm vọng đến chỗ mình ngồi, xao xuyến, tràn lan... Những đêm trước tôi không để ý, nhưng vào một đêm Đà Lạt mưa, ngồi bó gối trước thềm biệt thự, tự nhiên tiếng đàn như từ cao đổ ào xuống ôm chầm lấy mình: người kéo đàn đang chơi bài nhạc tôi vừa xem trong phim hồi chiều: Il pleut sur Londre. Tiếng đàn theo tiếng mưa bì bõm trên đường phố, tiếng đàn theo tiếng mưa thánh thót trên sân ga, tiếng đàn theo tiếng mưa tí tách trên vai cầu, tiếng đàn theo tiếng mưa thánh thót trên mặt sông, tôi đã để tâm hồn mình chìm nổi rồi trôi đi trong tiếng mưa chiều ấy. Bây giờ nghe lại tiếng đàn này, từ trên đồi cao rơi xuống, trong tỉnh lặng của đêm núi rừng, trong hoang liêu và cô đơn của cảnh vật, tự dưng thấy hồn mình như đang cuồn cuộn, tan dần trong cơn mưa triền miên thì thầm của Đà Lạt, đọng lại trong cái lạnh nhẹ nhàng êm ái của vùng cao nguyên. Tiếng đàn như từ trời cao đổ ào xuống núi đồi bên dưới, từ cửa sổ căn nhà xa lạ len lỏi vào tâm hồn tôi, vuốt ve, nựng nịu… Cứ thề. Một đêm. Hai đêm. Ba đêm. Tôi đâm ra nghiện tiếng đàn của người chưa quen biết bên ngôi biệt thự láng giềng... Mỗi chiều xong công việc ở Hội đồng thi, đi thơ thẩn ăn cơm xong là tôi lại vội vã về ngồi trên bậc thềm ngôi nhà mình ở. Chờ đợi. Khoảng 9 giờ đêm, khi núi đồi đã chìm vào một lớp mây mù trôi nổi, khi xa xa các ánh đèn bắt đầu lấp lánh đong đưa, cửa sổ mở và tiếng đàn bắt đầu vang lên. Tiếng đàn của một tay đàn điêu luyện. Tôi nhủ thầm trong lòng. Cứ một đêm trình bày các bài nhạc ngoại quốc: Serenata, Ave Maria, Flot du Danube, Rêverie, Il pleut sur Londre,... là đêm sau lại chuyển qua các bài hát Việt nam tiền chiến: Dư âm, Kiếp Hoa, Thiên Thai, Đêm Tàn Bến Ngự,… Tiếng đàn quyện vào không gian, đầy ấp tâm hồn tôi. Tiếng đàn khi lên cao vút, khi trầm xuống, khi thiết tha, khi nức nở như dội vào tâm hồn đang mở rộng của tôi rồi nằm im ở đó, tan chảy!. Tôi thu hai tay trong áo lạnh, thả hồn mình cho chìm trong tiếng đàn hư ảo nhiệm mầu. Mê theo tiếng đàn, tôi tưởng tượng đến  người chơi đàn. Chắc là một thiếu nữ đôi mươi, mái tóc xõa dài trên vai, đôi mắt nâu sâu thăm thẳm, hai bàn tay trắng xanh với mười ngón búp măng gầy gầy, Chắc là một nữ sinh của trường Nữ Bùi thị Xuân Đà lạt, hay một cô gái trường dòng áo Tím... Cứ khoảng đến 10 giờ đêm là tiếng đàn ngưng bặt, cánh của sổ được khép lại, ánh đèn trong phòng tắt đi. Đêm nào tiếng đàn cũng theo tôi vào giấc ngủ, bồng bềnh, huyền ảo, đầy mộng. Tôi sống trong những khoảnh khắc tuyệt vời, quên đi tất cả xung quanh.
Chỉ còn chiều nay nữa là hội đồng thi bế mạc. Chúng tôi phải đem bài vở, hồ sơ vào nha khảo thí Sài Gòn giao nộp cho hội đồng trung ương trong đó vì Đà Lạt chỉ có hội đồng coi thi. Khoảng 8 giờ xe sẽ chở ban chủ tịch hội đồng lên phi trường Liên Khương rồi. Cho tất cả bài thi, hồ sơ,… vào rương hòm xong, bàn giao những vặt vãnh cho trường sở tại, tôi vội vàng trở về chỗ trọ của mình, trong khi các bạn bè khác rũ nhau đi một vòng ngắm chợ hoa Đà Lạt để mua sắm. Tự nhiên tôi ao ước được gặp người thiếu nữ  kéo đàn hằng đêm để từ giã. Chắc cả đời rồi không gặp lại đâu. Lững thững bước qua ngôi biệt thự màu hồng, tôi ngại ngùng bước nhỏ đi vào lối cổng. May quá, người đàn bà giúp việc đang có mặt trong khu vườn, đang chăm sóc mấy luống hoa lan vừa nở. Tôi trước cũng đã mấy lần chào hỏi, trò chuyện với bà rồi. Thấy tôi bước vào vườn, bà ngẩng mặt nhìn lên, hơi ngạc nhiên.
- Tôi tối nay về lại Sài Gòn nên muốn ghé qua chào Bà và cô…
Liếc mắt nhìn vào căn phòng khách, tôi bắt gặp trên tường ảnh phóng đại của một thiếu nữ đẹp, trẻ trung, tươi rói. người trong ảnh đang cười, nụ cười làm tôi chết lặn đi:
- Thầy muốn chào cô Th.H. phải không? Cô chủ tôi hôm nay phải vào lại viện để chăm sóc đôi chân rồi. Mấy hôm nay cô thấy trở nhức đó. Nhưng chắc cũng sắp về rồi.
Đứng tần ngần trong ngôi vườn dăm phút tồi đành chào bà giúp việc, ra về. Vừa bước ra khỏi cổng, một chiếc xe hơi nhỏ đổ xịch ngay trước mặt. Cửa mở. Bà giúp việc vội chạy ra, bế từ trong xe một thân người nhỏ nhỏ, tóc xõa rũ dài, choàng một tấm chăn hồng phủ kín đôi chân, bước vội qua bậc thềm vào nhà. Tấm chăn vô tình rơi xuống. Tôi kịp thấy một đôi mắt xa vợi vợi u buồn, một khuôn mặt hốc hác và  đôi chân cụt đến đầu gối của thiếu nữ. Người tài xế  ra sau cốp xe, bê một chiếc xe lăn vào thềm nhà. Ôi! Người thiếu nữ thả tiếng đàn thần thánh liêu trai cho tôi nghe từng đêm là một thiếu nữ cụt cả hai chân?!. Tôi đứng lặng người hồi lâu, nghe cái lạnh của buổi chiều Đà Lạt đang cắt xé  đau buốt  da thịt mình, tim óc mình, thấy sương mù đang lan tỏa trên núi đồi Đà Lạt cũng đang lan tỏa mịt mù  trong hồn mình se lạnh!.
Giã từ Đà Lạt. Giã từ tiếng đàn, tôi nghe lòng buồn, tiếc nuối, thương cảm vô hạn. Tiếng đàn trên đồi thông và hình ảnh người thiếu nữ mất hai chân theo ám ảnh tôi suốt trong cuộc đời!.
Mấy năm sau, tôi lên Đà lạt để dự khóa tu nghiệp về TÂN TOÁN HỌC, 6 tháng. Ngụ tại trường ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT của Đức Cha NGÔ ĐÌNH THỤC. Buồi chiều đi thơ thẩn một mình lên đồi, tôi đến thăm ngôi biệt thự ngày xưa sau lưng trường TRẦN HƯNG ĐẠO... Ngôi nhà đã đổi chủ. Con đường lên đồi vắng hoe. Chỉ có tiếng gió rì rào và lá thông rơi phủ đầy lối đi. Nghe lòng mình buồn hiu hắt:
Tiếng đàn rơi rụng tự đồi cao
Từng giọt theo sương tỏa dạt dào
Có kẻ đêm nay choàng áo lạnh
Đi tìm thơ thẩn một vì sao.
                                            
Trần Hoan Trinh
Theo https://saigonocean.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...