Đường đến thơ mới của Phan Khôi
1. DẪN NHẬP:
Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ
XX nhiều biến chuyển. Môi trường văn hóa thay đổi tất yếu sẽ dẫn đến những thay
đổi về quan niệm, tư tưởng, tình cảm. Thơ ca truyền thống mất dần ưu thế vì lối
tư duy sáo mòn cùng những thị hiếu thẩm mỹ lỗi thời không còn phù hợp với thời
đại. Trước những bế tắc đó, một yêu cầu đặt là phải đổi mới thi ca [1]. Đặc biệt,
dưới ánh sáng của phong trào Tân thư và văn hóa Pháp, các tầng lớp trí thức
càng nhận thấy sự khủng hoảng của nền văn học dân tộc. Nhu cầu cần đổi mới cho
thơ ca vì thế trở nên bứt thiết hơn bao giờ hết.
Phạm Quỳnh là người đầu tiên trong đội ngũ tri thức tân học
nhận thấy sự phiền phức gò bó của thơ cũ. Trong bài viết Bàn về thơ Nôm đăng
trên Nam Phong tạp chí (số 5 tháng 11.1917) ông đã bộc lộ mong muốn
phá tung những ràng buộc, khắc nghiệt của thơ cũ rằng: “Người ta thường nói thơ
là tiếng kêu thiên nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề thơ
thật là muốn chữa lại, sửa lại tiếng kêu ấy cho nó hạp hơn, nhưng cũng nhân đó
mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy” [4, tr 169]. Ông so sánh giữa thơ Việt
và thơ Pháp [2] nhằm chỉ
ra sự tự do trong diễn tả ý tình của lối diễn đạt trong thơ Pháp qua đó bộc lộ
khao khát hướng đến cái mới cho thơ.
Sau đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch một bài thơ viết theo lối tự
do của La Fontanine là Con ve và con kiến. Bài thơ này được đăng trên
báo Trung Bắc tân văn (năm 1928) như là một biểu hiện cho sự mong muốn
hướng đến sự cách tân thơ Việt.
Tiếp theo, năm 1929 trên Phụ nữ Tân văn số 29, Trịnh
Đình Rư cũng đã mạnh dạn bộc lộ quan điểm khi cho rằng: “Lối thơ Đường luật bó
buộc người làm thơ phải theo khuôn phép tỉ mỉ, mất cả hứng thú tự do, ý tưởng dồi
dào. Nếu ngày nay, ta cứ sùng bái lối thơ ấy mãi thì làng văn Nôm ta không có
ngày đổi mới được”...
Nằm trong sự đồng thuận với tư tưởng cần giải thoát cho thơ
Việt như các nhà tri thức tân học nêu trên nhưng Phan Khôi quyết liệt và triệt
để hơn. Lần đầu tiên, trên Tập văn mùa xuân (một ấn phẩm phụ trương của
báo Đông Tây, ở Hà Nội, ra mắt vào nhịp tết Nhâm Thân 1932, bài báo Một
lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ cùng bài thơ Tình già xuất
hiện (rồi 1 tháng sau đó đăng lại ở Phụ nữ tân văn), Phan Khôi đã
công khai bày tỏ quan điểm của mình về một sự thay đổi, một sự vượt thoát cần
có cho thơ. Như vậy, đường đến thơ mới của Phan Khôi là một chặng dài cùng với
những khởi động và chuyển vận sâu xa.
2. NỘI DUNG
2.1. Những chuyển động của Phan Khôi trước khi đưa ra “tuyên ngôn thơ mới”
Trên thực tế, từ năm 1918, Phan Khôi đã nhìn thấy những vấn đề
tồn tại cần thay đổi của thơ cũ nên đã có những phân tích, kiến giải khá cởi mở,
dân chủ trong các bài viết có tính chất điểm duyệt thơ in trên mục Nam âm
thi thoại ở các tờ báo khác nhau, sau tập hợp thành tập Chương Dân
thi thoại. Tuy chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, lược tuyển, viết lời bạt, lời
bình cho thơ song Chương Dân thi thoại đã phản ảnh khá trung thực quá trình
chuyển biến của thơ Việt từ trung đại sang hiện đại. Và cũng từ kết quả bình
duyệt hết sức nghiêm túc trong công trình này mà Phan Khôi càng nhận thấy nhất định
phải làm mới thơ Việt. Ông cho rằng: “thơ là để tả cảnh tự tình mà hoặc tình hoặc
cảnh cũng phải cho quý cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt
cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ vẫn
bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng già nửa
phân. Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy.
Cứ rủ nhau khen hay thì nó hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem thì chẳng biết
cái hay ở đâu...” [1, tr 180].
Trên cơ sở nêu rõ tiến trình phát triển thơ ca Việt Nam, Phan
Khôi khẳng định các thể thơ vốn có hoặc đã cũ mòn hoặc đánh mất sự tự
nhiên của việc làm thơ. Ông nhận định khá gay gắt về những cuốn sách dạy làm
thơ Đường luật rằng: “Thấy có một vài cuốn sách quốc ngữ tự xưng dạy phép làm
thi mà cũng dạy theo lối khoa cử ấy, thì thật là tục quá. Thi quỹ cho nhã; mà
đã tục thì còn dạy ai? Bọn thanh niên bây giờ nếu muốn làm thi mà không
biết chữ nho thì học vào đâu? Túng thế tức phải học những sách quốc ngữ dạy thi
một cách tục tằn hủ bại ấy, thì trách nào chẳng đưa thơ mình vào con đường tối
tăm dốt nát?” [3, tr 73].
Theo ông, không thể làm thơ cũ được nữa xuất phát từ hai
nguyên nhân, một vì nội dung nghèo nàn, hai vì hình thức bó buộc: “Thơ chữ Hán
ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì
cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra.
Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ
nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những
vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ quanh quẩn trong lòng
bàn tay họ hoài, thật là dễ tức!” [1, tr178-179].
Song ông cũng không ảo tưởng thái quá về thay đổi của mình mà
chỉ như là một đề xuất nhằm hướng đến cái khác hơn, tìm hướng đi mới, thoát khỏi
những ràng buộc cho thơ mà thôi. Phan Khôi đã bộc bạch rất thành thật như thế
này khi đưa ra một lối thơ mới: “Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ
trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới, mà miếng đất tôi kiếm
được đó chẳng biết có được không, nên mới đem ra trình chánh giữa làng thơ...
Tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi đế đô mà
vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc cái
việc đề xướng ra đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này sẽ có người
làm như tôi mà thành công” [1, tr181]. Quan điểm này đã thể hiện khá rõ tinh thần
trách nhiệm của một học giả luôn ý thức sâu sắc và đầy tâm huyết rằng cần phải
có những thử nghiệm táo bạo để mong tìm cách đổi mới cho thơ. Không chấp nhận
cái cũ, lỗi thời khao khát hướng đến cái mới, cái khác luôn là tinh thần của một
nhà học giả chân chính.
Và có lẽ vì muốn thể nghiệm, năm 1928, Phan Khôi đã làm một
bài thơ không tuân luật cũ là Dân quạ đình công. Bài thơ mới về cảm hứng đề
tài, về cách gieo vần, giọng điệu và cả cách đặt tiêu đề (không dùng “dân đen”
mà dùng “dân quạ”). Lời thơ không còn trang trọng như lời thơ chữ Hán mà bình
dân, suồng sã:
Mồng bảy tháng bảy năm Canh Thân,
Chiếu lệ bắc cầu sang sông Ngân
Hằng hà sa số cu li quạ
Bay bổng về trời dường trảy quân...
Dường như khi viết bài thơ này Phan Khôi đã cố diễn tả
chân thật nhất những xúc cảm về hiện thực cuộc sống bằng những hình ảnh rất sống
động, giọng thơ trúc trắc, chất chứa tâm trạng mệt mỏi của “dân quạ” rệu rã với
đình công:
Hai
bên bờ sông đậu lóc ngóc
Con thì kêu đói, con kêu nhọc...
Tuy Dân quạ đình công “được nhiều người hoan
nghênh, kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ” [1, tr 180], song
bản thân Phan Khôi chưa hài lòng vì nó vẫn còn sáng tác theo lối thất cổ, ít
nhiều vẫn gò bó chưa thật sự bộc lộ được cái chân tình. Với tinh thần này ông
đã triệt để chủ trương hãy duy tân đi, đổi mới đi để tìm hướng thoát cho thơ.
Và vì thế, sau tất cả những bước chuyển vận ấy, ngày 10 tháng 5 năm 1932 trên
tờ Phụ nữ tân văn (số 22) với sự xuất hiện của Tình già cùng
bài giới thiệu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, Phan Khôi đã
chính thức đưa ra “tuyên ngôn thơ mới” và đã trở thành người tiên phong tuyên bố
phát động cuộc cách mạng lừng lẫy trong lịch sử thơ ca Việt Nam.
2.2. Khơi mào cho những cuộc bút chiến về thơ
Bằng cách công bố bài thơ Tình già, Phan Khôi đã nổ phát
súng đầu tiên công kích vào thành trì vững chắc, trì trệ của thơ Việt. Bài thơ
được công bố dưới dạng một số ví dụ minh họa trong tác phẩm văn học nhưng nó
mang nội dung và hình thức của một công trình khoa học. Nhận định về vấn đề
này, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã phát thốt lên rằng:
“lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng
hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận". Như vậy, cùng với Tình
già Phan Khôi đã công khai bày tỏ quan điểm của mình về một sự thay đổi, một
sự vượt thoát cần có cho thơ. Bài thơ ngang nhiên trình chánh giữa làng thơ
khơi mào cho cuộc tranh luận kéo dài mà thắng lợi cuối cùng thuộc về những người
chủ trương ủng hộ lối làm thơ mới.
Đề xuất “tuyên ngôn thơ mới” của Phan Khôi cũng đã tạo ra những
hiệu ứng xã hội và thẩm mỹ hết sức mạnh mẽ.
Trước hết, đề xuất này đã gây chấn động làng văn, làng báo, tạo
ra những cuộc bút chiến sôi nổi, giằng co quyết liệt về thơ cũ và thơ mới với nhiều
ý kiến trái ngược nhau.
Đại biểu của phái thơ cũ với những tên tuổi như Chất Hằng
Dương Tự Quán, Vân Bằng, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Thương Sơn, Nguyễn Hữu Tiến,
Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Nguyễn Văn Hanh... đã có rất nhiều ý kiến công kích
thơ mới, bảo vệ thành trì thơ cũ... Họ hầu hết đều qui kết Phan Khôi đã phản bội
truyền thống thơ ca, coi ông như là “cái họa”.
Cụ thể là Vân Bằng trên An Nam tạp chí, số 39 (ngày
30/4/1932) với bài Tôi thất vọng về ông Phan Khôi đã cho rằng Tình già không
phải là thơ mới mà cũng như Phan Khôi đều dị dạng như nhau, ưa làm những chuyện
ngược đời.
Chất Hằng Dương Tự Quán trên Văn học tạp chí (số
18, ngày 1.6.1933) trong bài Ấm Hiếu không thể làm Tú Khôi hay là một cái
tỉ hiệu luận giữa Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu đã chỉ trích rất nặng đối
với Phan Khôi và cho rằng vì là: “người ít tình cảm thì sự cảm giác về cái bản
ngã cũng kém nên Phan Khôi không hay làm thơ... đôi khi Phan Khôi cũng làm
thơ, nhưng thơ của ông cũng “hùng hổ” như ông... hoặc nhạt nhẽo vô duyên như
hình dáng của ông. Có lẽ vì thế mà Phan Khôi muốn thay đổi cái hình thức của
thơ mà xướng xuất ra một thể thơ mới nó thật ra chẳng mới chút nào, và cũng ít
người cùng ông hưởng ứng”[8, tr 82].
Tản Đà nặng nề hơn khi còn muốn làm đao phủ lấy đầu Phan Khôi
vì tội phỉ báng thơ cũ và làm một bài hài đàm để giễu cợt:
“Thơ có họ Phan, đờn họ Quách
Thơ có chữ đờn có tơ?
Đờn thời ngơ ngẩn thơ vẩn vơ
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa
Bút huê ngao ngán bận đề thơ”.
Theo dẫn liệu mà Vu Gia đã tìm hiểu thì một Tham tá nhu Tư pháp
Hà Nội là Tùng Thành Nguyễn Nhún trong tập thơ Nhà ngâm đã có một bài
công kích Phan Khôi. Bài thơ như sau:
Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối,
Theo gương Hồ Thích làm thơ mới.
Câu dài câu ngắn chẳng ra sao,
Vần đụp vần đơn nghe thật chối.
Hăng hái, Thị Khiêm diễn thuyết khen,
Nhiệt thành, Thế Lữ lao công mãi.
Phải chăng muốn diễn ý tân kỳ
Hay tại làm thơ cũ kém giỏi?
(Công kích thơ mới)
Tác giả này cho rằng “trăm sự “rối loạn” trên thi đàn vừa qua
đều do Phan Khôi lắm chuyện, bày vẽ tào lao và khẳng định “các lối thơ cũ không
phải là không đủ để diễn đạt tư tưởng như mấy nhà sính lối thơ mới vẫn thường
cho là thế” [2, tr 296].
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến đồng tình với
những thay đổi về thơ của Phan Khôi, đặc biệt là phía các nhà tân học như Nguyễn
Thị Kiêm, Thế Lữ, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh... Trong đó, Lưu Trọng Lư với
bài Bức thư ngỏ cùng Phan Khôi tiên sinh (đăng trên Phụ nữ tân
văn, số 153, tháng 6/1932) đã đánh giá việc làm của Phan Khôi có ý nghĩa đưa ra
một lối thoát cho thơ khi giữa lúc nó đang “triền miên trong cõi chết”, bởi thơ
cũ đã không còn phù hợp với tâm thức của thanh niên thời đại mới. Lưu Trọng Lư
ca ngợi Phan Khôi là một trong những bậc chân thi nhân, không bao giờ chịu đứng
trong cái “lãnh thổ” hẹp hòi ngột ngạt, mà có thể đưa tâm hồn người ta lên tận
mây xanh...
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ ấy là sự xuất hiện hàng loạt những
bài thơ mới như Đường đời, Vắng khách thơ (Lưu Trọng Lư), Canh
tàn, Trên con đường cũ (Nguyễn Thị Manh Manh)...
Như vậy, ở buổi đầu sơ khai tìm hướng thoát cho thơ ấy, vai
trò tạo cú hích của Phan Khôi để sau này thơ mới có những bước tiến xa hơn là một
thực tế không thể phủ nhận [3]. Vu Gia qua
công trình nghiên cứu Phan Khôi, tiếng Việt, báo chí và thơ mới đã khẳng
định rằng: “Ảnh hưởng của bài thơ Tình già là tất cả nguyên nhân làm nên
phong trào Thơ mới, song sự xuất hiện của nó đã đánh dấu một bước ngoặt, một cột
mốc quan trọng trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Và nói như Hoài Thanh là “cuộc
cách mệnh thi ca đã nhóm dậy”. Tôi nghĩ rằng, một đời thơ để lại cho đời một
bài thơ, thậm chí được vài câu thơ cũng đã quý. Đối với bài Tình già, dù
muốn hay không, Phan Khôi xứng đáng có chỗ đứng đặc biệt trong thơ ca Việt Nam
hiện đại” [2, tr. 311].
Mặt khác, quan trọng hơn là qua những cuộc tranh luận nảy lửa
trái chiều nêu trên, nhiều giá trị của thơ mới được khẳng định và quan niệm về
thơ đã có nhiều đổi mới, tạo đà cho thắng lợi về sau của phong trào Thơ mới.
2.3. Xác lập hướng đi khác của thơ Việt Nam
Như đã đề cập, để có được những bước nhảy ngoạn mục tạo nên cuộc cách mạng
trong thơ ca, văn học Việt Nam tất nhiên phải trải qua những bước chuyển với
nhiều cung bậc, dạng thức khác nhau. Vượt dần ra khỏi ảnh hưởng tư tưởng Trung
Hoa cổ, tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng, văn hóa, văn học hiện đại phương
Tây là con đường mà các trí thức Việt lựa chọn để tiến dần đến hiện đại hóa.
Từ những biến đổi về nhận thức, tư tưởng trong thơ Phan Bội
Châu, cho đến sự cách tân phá vỡ cấu trúc quen thuộc để hướng đến khát vọng khẳng
định cái tôi trong thơ Tản Đà và chuyên chở cảm thức bùi ngùi, man mác trong
thơ yêu nước Trần Tuấn Khải, là một quá trình chuyển vận quá độ làm nhịp cầu nối
cho sự xuất hiện cái mới trong thơ.
Nhận diện về vấn đề này Mã Giang Lân đã cho rằng từ đây là
quá trình không thuận chiều mà luôn có những đột biến bất ngờ, lúc lên lúc xuống,
phân nhánh, chia dòng, đứt gãy, tiếp biến....
Nhận ra sự gò bó, lệ thuộc mà quan trọng là không thể cứ quẩn
quanh mãi với những “khuôn phép tỉ mỉ” của thơ lối thơ Đường, Phan Khôi đã mạnh
dạn khởi xướng duy tân. Thật ra nhìn lại quá trình nghiên cứu và sáng tác của
ông có thể thấy: từ những dự định ban đầu ở những bài giới thiệu thơ trong mục
“Nam Âm thi thoại” trên các báo cho đến khi tổng hợp thành Chương Dân thi
thoại, rồi công khai trình chánh Tình già giữa làng thơ, Phan Khôi đã
thể hiện những bước chuyển khá rõ và sắc nét về hình thức, mỹ cảm, nội dung nhằm
hướng đến mong muốn tìm một hướng đi mới cho thơ Việt. Chủ đích của ông khá
rành mạch và nhất quán.
Như vậy, mốc thời gian 1932 thật sự đã là mốc khởi phát cho phong trào Thơ mới
chưa, (đặc biệt là khi Phụ nữ tân văn đăng bài Tình già của
Phan Khôi cùng bài giới thiệu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ) vẫn
còn nhiều tranh luận [4], song không thể
phủ nhận sức ảnh hưởng của bài thơ có tính “trình chánh” này.
Bởi về hình thức, Tình già mà Phan Khôi “trình
chánh” giữa làng thơ ấy đã phá hẳn công thức của thi ca cổ điển, thơ Đường luật.
Số câu, chữ dài ngắn tự do không đều nhau, chẳng phải từ mà cũng chẳng
phải phú. Đặc biệt cách gieo vần hoàn toàn không còn theo lối bằng trắc
như trước (vần đi ở cuối câu chẵn và lẻ, khi bằng khi trắc). Bài thơ cũng không
áp dụng lối đối ngẫu của thơ Đường luật mà chỉ duy nhất dùng phép tiểu đối ở
câu thứ 3.
Toàn bộ bài thơ được diễn đạt theo cảm xúc của tác giả nên số
chữ, số câu, số đoạn, cách ngắt nghỉ không tuân theo quy luật nào. Nhịp thơ
nghe như tiếng buồn chảy trôi theo câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau rồi
xa cách rồi gặp lại rồi sót lại chút tình nơi đuôi mắt lúc chia tay. Đặc biệt
bài thơ thoát hẳn lối độc vận của thơ cũ và âm điệu biến đổi linh hoạt.
Vu Gia đã có những phân tích khá kỹ trong cách sử dụng vần rất
lạ của Phan Khôi trong Tình già như sau:
“Vần trong bài thơ Tình già, cơ bản được Phan Khôi sử dụng
vần liên tiếp, như: nhỏ - thở, nặng - đặng, sau - nhau, chở - nỡ, nấy - vậy, chồng
- chung, sau - nhau..., nhưng cũng có chỗ không theo một thứ tự nhất định, như:
xưa - mưa - mờ - nhỏ - thở, thôi - rồi - đuôi. Nhạc điệu của bài Tình già là
nhạc điệu quen thuộc của dân tộc. Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại
vừa mưa..., tạo nên ấn tượng buồn, đơn điệu khiến ta nghe như tiếng hò ai oán
đâu đó bên bờ bãi ven sông, trên chuyến đò với nhịp chèo mái dài trong một đêm
trăng mờ sao tỏ... Tiếp đến, tác giả dùng vần liền nhau trong một câu làm gợi
thêm một ấn tượng buồn khác: Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm
liệu mà buông nhau! Đọc lên, ta thấy câu thơ đã tạo nên một cái gì mất
mát, buông xuôi với một tiếng thở dài bất lực. Kế tiếp, tác giả sử dụng lại vần
trắc liên tiếp và loáng thoáng tiếng cười gằn buồn giận: Hay! Nói mới bạc
làm sao chớ? Buông nhau làm sao cho nỡ? Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng
qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!, làm cho ta nghe như tiếng nghẹn ngào nức nở
và... tiếp tục buông xuôi theo số phận, vì Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng
mà tính việc thủy chung? Câu thơ được ngắt, kết toàn thanh bằng gợi lên một
cảm giác buồn, dàn trải, xa vắng. Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt còn có đuôi, hơi thơ dài hơn, sóng nhạc triền miên hơn và tứ cũng dồi
dào hơn. Cái ai oán ban đầu đã nhường lại cho cái rạo rực của con tim tin yêu về
con người, về cuộc đời” [2, tr309-310].
Trước Phan Khôi, các nhà thơ Pháp và Trung Quốc cũng đã đưa
ra loại thơ “tự do” không tuân thủ bất cứ qui tắc nào kể cả yêu cầu về gieo vần.
Phan Khôi ủng hộ loại thơ này song ông quan niệm rằng, dù có muốn đổi mới, tự
do đến mức như thế nào thì thơ khác văn xuôi là phải có vần. Do đó ông lập ra
bài thơ Tình già “tuy không niêm, không luật, không hạn chữ, nhưng mà
phải có vần” [1, tr 209], và khẳng định “ấy là tôi làm nó ra theo như cái
nguyên tắc tôi đã lập” [1, tr 209] xem như là bài mẫu. Như vậy, có thể nhận thấy
rằng, bắt đầu từ những đổi mới có tính sáng tạo của Tình già sẽ góp phần
cởi trói cho các nhà thơ khỏi những qui tắc gò bó, phức tạp của thơ Đường luật
và lục bát. Thơ muốn làm như thế nào là tùy vào xúc cảm của người viết và nó phải
thổi được xúc cảm ấy vào tâm hồn người đọc, được người đọc chấp nhận. Về kiểu
hình thức có phần tự do này đã làm cho thơ bộc bạch cảm xúc một cách tự nhiên,
chân thực và chuyển tải được những cung bậc tình cảm đa dạng, rất đời của con
người hiện đại.
Về nội dung, Tình già thể hiện sự hiện đại trong quan niệm yêu và sống.
Ngay từ tiêu đề bài thơ đã là một sự mới. Trong quan niệm truyền thống tình yêu
chỉ đa phần dành cho tuổi trẻ. Song ở đây, Phan Khôi lại không đến tình trẻ lại
mà tình già. Nghĩa là từ Phan Khôi, quan niệm về tình yêu không tuổi tác
đã hình thành, mà lại là yêu đương mãnh liệt. Hơn thế nữa đây không phải là kiểu
tình cảm đơn thuần của một cặp vợ chồng sống đến đầu bạc răng long, mà là tình
yêu của đôi “nhân ngãi”, tha thiết đến độ hai mươi bốn năm sau gặp lại, ôn chuyện
cũ... “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi”. Không chỉ nhớ thương nhau suốt
hai mươi bốn năm qua, mà họ sẽ còn tiếp tục nhớ thương nhau cho đến lúc lìa đời.
Ngoài ra câu chuyện Tình già không chỉ là chuyện
nam nữ đêm hôm mưa gió tự tình trong lều vắng (mặc dù trong xã hội cũ chuyện
này đã là sự khó chấp nhận) mà còn mới mẻ, táo bạo hơn nhiều ở quan niệm tình
yêu “nhân ngãi đâu phải vợ chồng mà tính chuyện thủy chung. Dù là thứ tình cảm
trái ngang và ngoài chồng ngoài vợ nhưng Tình già vẫn là một tình yêu
đích thực của con người. Chỉ riêng bài thơ này cho thấy Phan Khôi đã đi trước
thơ mới một chặng dài. Sau này trong thơ mới cũng ít thấy nhà thơ nào đi theo
hướng này, ngoài TTKH.
Như vậy, đôi nam nữ trong Tình già đã bất chấp rào cản
của lề thói cũ, có cách nghĩ, cách làm quá mới mẻ, quá táo bạo và cũng quá thú
vị. Và đúng như Hoài Thanh - Hoài Chân đã nhận định: “khi đọc Tình già “một
số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì sự táo bạo giấu
giếm của mình đã được một bậc đàn anh trong văn giới ngang nhiên thừa nhận” [7,
tr. 20].
Kiểu vượt rào Nho giáo hướng đến cổ súy cho tinh thần tự do
yêu đương này nếu so sánh với các tác phẩm của Tự lực văn đoàn sau
này có lẽ vẫn được xem là mới hơn, bởi nó được bắt nguồn từ một nhà cựu học.
Phan Khôi qua bài thơ đã gieo mầm xúc cảm mới mẻ cho người đọc và lưu lại một
chuyện tình đẹp, vượt dòng thời gian, táo bạo, rất thực, rất đời.
Sau này, Vũ Đức Sao Biển trong một nghiên cứu cũng đã có nhận
xét rằng trong Tình già “yếu tố tình dục (sex) được đưa vào một cách
kín đáo. Nếu thơ cũ, thơ cổ điển không dám nói đến tình dục thì Phan Khôi lại mạnh
dạn đưa vào thơ mới” [6, tr. 363, 364]. Rõ ràng bài thơ như một sắc điệu mới mẻ,
vượt qua những biểu hiện dè dặt, công thức của thơ ca trung đại, đề cập đến một
mối tình không có trong khuôn khổ Nho giáo. Điều này cho thấy rất rõ sự táo bạo
của Phan Khôi với mong muốn canh tân văn học, như là sự thách thức đối với các
nhà thơ truyền thống. Vào thời điểm ấy mà Phan Khôi trưng ra giữa bàn dân thiên
hạ câu chuyện tình cảm của đôi trai gái - “là nhân ngãi” với những quan niệm hết
sức mới mẻ như thế quả hiếm hoi. Đặc biệt, “lời kết thể hiện sắc nét thần thái
của đôi tình nhân, tình cũ nghĩa xưa làm sao quên “được”, nhưng mà lấy nhau thì
không “đặng”. Đây là bài thơ hay, hay vì ý và âm điệu là rung cảm lòng người”
[6, tr. 352-553]. Hơn nữa, Vũ Đức Sao Biển còn cho rằng điều thú vị nhất ở Tình
già là: “Phan Khôi đã đưa tính hay cãi và cãi hay của người Quảng Nam cũng
như ngôn ngữ thông dụng Quảng Nam vào bài thơ của mình. Thông thường, đôi lứa ở
bên nhau trong căn nhà nhỏ giữa đêm mưa gió - nghĩa là không gian và thời gian
rất lý tưởng cho việc ân ái, thì nên giành hết cho nhau những gì mình có được.
Thế nhưng, có lẽ lứa đôi này đắc thủ truyền thống hay cãi cho nên... họ tranh
thủ cãi nhau” [6, tr. 363]. Ý kiến này của Vũ Đức Sao Biển càng cho thấy bài thơ
rất đáng yêu và rất đời. Và thật sự không thể phủ nhận Tình già đánh
dấu bước chuyển, xác lập hướng đi khác cho thơ Việt.
Ngoài ra, tiếp cận với thi phẩm này có thể từ lý thuyết ký hiệu
học văn hóa để nhìn nhận thêm về giá trị của nó. “Con mắt có đuôi” không chỉ
nhìn nhận như là một hình ảnh thơ mà còn là một biểu tượng văn hóa. Ở đó có sự
kết tập yếu tố truyền thống và có phẩm chất đương đại để gợi dẫn, chỉ đường và
khai mở cho một thơ hiện đại sau đó. Về khía cạnh này cho thấy Phan Khôi đã mở ra
một con đường thơ mới thênh thang hơn.
... Rồi từ đó cho đến khi ba năm trước lúc từ giã cõi đời, một
buổi chiều mùa thu năm 1954, trong phút giây tĩnh lặng hiếm hoi của chuỗi ngày
chao đảo tình đời, Phan Khôi đã “ngột khởi” [5] bài
thơ Nắng chiều, mà kỳ lạ thay cũng mang tính bước ngoặt của cuộc đời mình:
Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dù gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng
Bài thơ đã cho thấy sức cháy của nắng, dẫu là là nắng chiều.
Và có lẽ đúng như những nhận định đầy xúc cảm mà con trai Phan Khôi đã viết
trong một cuốn hồi ký về cha mình rằng: “Ông tắm trong nắng, thở bằng nắng,
nhìn bằng nắng và chính nắng dội lên trong ông tất cả cái khá khứ dài dặc, cái
hiện tại đầy tai ương và cái tương lai ngắn ngủi ở phía trước toàn một màu
đen...” [6]. Bài thơ Nắng
chiều cũng như con đường thơ của Phan Khôi mãi gợi dẫn và chan chứa tinh
thần nhiệt huyết của một nhà học thuật luôn khao khát được sáng tạo...
3. KẾT LUẬN
Như vậy, bằng việc đề xuất một quan niệm mới về thơ kèm bài
thơ minh họa Tình già, Phan Khôi đã tỏ rõ sự nhạy bén và quyết liệt trong
tư tưởng. Bài thơ của Phan Khôi thành công hay là chưa thành công, mới hay là vẫn
chưa thật sự mới... đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Song vấn đề mà chúng ta
không thể phủ nhận là bắt đầu từ sự “gây sự” này của ông đã kích thích tranh luận
và tạo cú hích cho phong trào Thơ mới với những tên tuổi lừng lẫy trong lịch sử
văn học Việt Nam hiện đại như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân
Diệu... Và quan trọng hơn hết là đến lúc này, chúng ta đã nhận diện đường đến
thơ mới của Phan Khôi là một chặng dài đầy chủ đích và cũng thể hiện khá rõ tư
duy sắc sảo, nhạy bén của một tri thức luôn hướng đến những sáng tạo, những
thay đổi phù hợp với tâm thức thời đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lại Nguyên Ân (2009), Phan Khôi tác phẩm đăng báo
1932, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Đà Nẵng.
[2]. Vu Gia (2003), Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và
thơ Mới, Nxb Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh
[3]. Phan Khôi (1996), Chương dân thi thoại, Nxb Đà Nẵng,
Đà Nẵng.
[4]. Thanh Lãng (1932), Phê bình văn học thế hệ 1932 (tập
1 và 2), Nxb Sài Sòn, Sài Gòn.
[5]. Mã Giang Lân (2000) - (chủ biên), Quá trình hiện đại
hóa Văn học Việt Nam 1900-1945, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[6]. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam (2014), “Phan
Khôi những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”, Kỷ yếu Hội thảo,
Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam.
[7]. Hoài Thanh, Hoài Chân (2003), Thi nhân Việt Nam
1932-1941, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
[8]. Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan (Biên soạn, sưu tầm)- tập
II (2002), Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, Nxb Lao động, Hà Nội.
Chú thích:
[1] Các nhà nho duy tân là lực lượng có công trong việc tạo nên một
không khí mới trong dòng thơ ca cổ động tuyên truyền, thay đổi hình thức biểu đạt
cũ. Song do bị giới hạn trong sở học, đồng thời với mục tiêu dùng văn chương
làm phương tiện tuyên truyền cho tư tưởng yêu nước mới (họ không chủ trương mạnh
mẽ vào cách tân văn chương) nên những nỗ lực đổi mới của họ chỉ dừng lại ở đó
[2] Phạm Quỳnh so sánh bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh
Quan với bài Soir en montagne (Buổi chiều chơi núi) của Leson Depont
[3] Mặc dù sau này đã có ý kiến cho rằng ngay cả Phan Khôi cũng đã không cho
rằng mình là người đi tiên phong của phong trào Thơ mới, thậm chí phủ nhận Tình
già là thơ mới. Trong buổi tiếp Lưu Trọng Lư và Nguyễn Vỹ tại toàn soạn
báo Phụ nữ thời đàm Phan Khôi đã khẳng định nếu mà bảo ông tiên phong
thơ mới là láo… Và nhấn mạnh rằng “đừng có nói tầm bậy mà rồi sau này người ta
viết lịch sử, văn học người ta cười thúi cho cả đám. Một đứa nói bậy, rồi mấy đứa
nói bậy cho mà coi” (Nguyễn Vỹ (2007), Văn sĩ tiền chiến, Nxb Văn học, HN,
tr 386)
[4] Có nhiều ý kiến cho rằng Tình già của Phan Khôi không phải là
Thơ mới và cụ thể ý kiến của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nêu trong bài “Phan
Khôi với phong trào Thơ mới” cho rằng những ứng xử của Phan Khôi trong quá
tình diễn biến phong trào “thơ mới” có cảm tưởng ông không thuần nhất về quan hệ
của ông với phong trào. Trong Tuấn, Chàng trai nước Việt, chứng tích thời
đại đầu thế kỷ XX của Nguyễn Vỹ, đã ghi lại một đoạn đối thoại qua kí ức
nhân vật Tuấn, chàng trai nước Việt của hai nhân vật “bác - cháu” là: Tuấn được
gặp cụ hai ba lần ở Hà Nội, trong tòa báo Phụ nữ thời đàm mà cụ làm
chủ bút. Cụ có cho Tuấn xem bài thơ của cụ gọi là “thơ mới”, toàn một giọng
trào phúng. Một lần cụ bảo với Tuấn: “Người ta cứ đổ riệt cho tú Phan Khôi này
là đề ra thơ mới. Thiệt là bá láp bá xàm. Tui có ưa làm thơ bao giờ đâu, thơ cũ
không làm huống chi là thơ mới. Để trả lời những anh nói bậy đó, tui tức mình
làm bài thơ mới chơi, gọi là “thơ mới” mà chính là để ngạo thơ mới đó”.
[5] Chữ dùng của nhà báo Trần Tuấn
[6] Trích từ hồi ký của Phan An Sa có tựa đề là Nắng được thì cứ nắng,
do nhà xuất bản Tri thức ấn hành năm 2013.
17/3/2018Hoàng Thị Hường
Hoàng Thị Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét