Đặng
Thai Mai - Nhà lý luận
xác quyết văn nghệ là tuyên truyền
Nhắc đến giáo sư Đặng Thai Mai (1902-1984) là nhắc đến một
tên tuổi lớn, một học giả uyên bác, một chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực ý thức
hệ văn nghệ, một bậc thầy của nhiều thế hệ. Xuất thân trong một gia đình có
truyền thống yêu nước và cách mạng, ông suốt đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng
của Đảng, đảm nhiệm nhiều chức trách, có nhiều đóng góp quan trọng, mà quan trọng
nhất là góp phần đặc lực kiến tạo diễn ngôn lý luận văn nghệ cách mạng.
Là người thông hiểu văn hóa văn học châu Âu, lại thông hiểu văn
hóa văn học Đông Á, ông có tri thức uyên bác để tham gia nhiều hoạt động văn hóa
của đất nước. Ông hoạt động trên nhiều mặt: quản lý, đấu tranh tư tưởng, tuyên
truyền, giáo dục, chính trị, dịch thuật, sưu tầm nghiên cứu văn học cách mạng,
nhưng nghiên cứu lý luận, phê bình văn học là lĩnh vực chủ yếu. Đã có nhiều công
trình nghiên cứu, đánh giá cao ông về các mặt, nhưng một cái nhìn toàn cục
về tư tưởng lý luận của ông vẫn đang nằm ở phía trước, bởi viết về ông vẫn có
những điều không dễ. Là kẻ hậu học, người hâm mộ, tôi đã viết về Văn học
khái luận, về Giảng văn Chinh phụ ngâm của ông, lần này sau ba mươi năm
ngày mất của ông, xin mạo muội nêu vài suy nghĩ bước đầu về ông với tư cách là
nhà lý luận văn học.
Trong Hồi ký, ta biết ông “thực
sự bắt đầu viết từ khi có Mặt trận Bình dân do Đảng lãnh đạo”, ông dấn thân
theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến sau. Nhà văn Trương Chính
khi viết về Đặng Thai Mai, đã có nhận định xác đáng: do cương vị của mình mà ông
“là người thiên về phương pháp luận và chỉ đạo hơn là người nghiên cứu thực
sự.” [i] (tôi
nhấn mạnh - TĐS). Điểm lại các bài viết từ trước đến sau năm 1945 thì quả đúng
như thế. Đọc nhan đề các bài nghị luận của ông như Vần đề lập trường trong
văn nghệ, Cần phải tu dưỡng nghệ thuật về phần chính trị, Chung quanh vấn đề tu
dưỡng nghệ thuật, Kháng chiến và văn hóa, Vài ý nghĩ về nghệ thuật, Nghệ thuật
và tuyên truyền, Nhân vật và lịch sử, Vấn đề lập trường trong văn nghệ, Một vài
vấn đề lý luận về văn nghệ kháng chiến, Quán triệt tinh thần của Hồ chủ tịch vào
công tác nghiên cứu văn học, Căn bản vẫn là vấn đề lập trường tư tưởng, Vai trò
lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn học ba mươi năm nay, Trên nguyên tắc tính đảng,
phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc ngày càng phong phú, đẹp đẽ, Nắm vững
nguyên tắc văn học có tính Đảng, Xây dựng văn nghệ dân tộc,… thì thấy các
bài viết của ông được đặt ở tầm cao chỉ đạo, đứng cạnh các bài của các ông Trường
Chinh, Tố Hữu. Nếu một số nhà lý luận khi đề cập tới các vấn đề đó, thường dùng
các uyển ngữ như “Dưới ngọn cờ”, “Dưới ánh sáng”, “Noi theo”… thì Đặng Thai Mai
không bao giờ dùng đến các biểu đạt đó. Ông trực tiếp tuyên bố các nguyên tắc
quan trọng, các khẩu hiệu chính thức của cách mạng. Điều đó chứng tỏ vị thế của
ông trên mặt trận lý luận của nhà nước. Ông không viết riêng về văn học, mà
quan tâm chung về toàn bộ lĩnh vực văn nghệ, văn hóa cũng chứng tỏ điều đó. Nhưng
ông khác các ông Trường Chinh, Tố Hữu là ở tư cách học giả, tư cách người làm học
thuật và chính với tư cách ấy ông đã góp phần tích cực cho công tác tạo dựng một
hệ thống quan điểm mới, diễn ngôn mới [ii] trong
giới văn nghệ. Ông quan niệm “học thuật và hành động luôn luôn gắn bó với nhau” [iii]. Học
thuật của ông là học thuật phục vụ Đảng và phục vụ cách mạng, không có học thuật
thuần túy. Theo cương vị đó Đặng Thai Mai đã hình dung trước hết các vấn đề lý luận văn học thiết yếu, khẳng định mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và tuyên
truyền, khẳng định vai trò hàng đầu của lập trường, tư tưởng trong hoạt động văn
nghệ, biểu dương một số hiện tượng văn học tiêu biểu theo quan điểm văn nghệ mác
xít. Đặng Thai Mai là người có công lao đắc lực đối với việc thực hiện đường lối
văn nghệ của Đảng trên mặt trận lý luận.
Đặng Thai Mai đã phát huy bản sắc học
giả của mình trong suốt quá trình hoạt động lý luận. Ngay sau khi bản Đề
cương văn hóa của Đảng, một bản tuyên ngôn về đường lối văn hóa văn nghệ mác
xít ở Việt Nam do Trường Chinh khởi thảo mới ra đời năm 1943, còn rất
cô đọng và sơ lược, thì chỉ một năm sau Đặng Thai Mai đã có ngay cuốn Văn
học khái luận dày dặn in ở nhà Hàn Thuyên năm 1944 để hưởng ứng, nói rõ về
các nguyên tắc văn nghệ mác xit. Đó không chỉ là cuốn lý luận văn học mác xít đầu
tiên, mà cũng là cuốn sách lý luận văn học Việt Nam đầu tiên. Nếu ta biết rằng
ngay ở Liên Xô các giáo trình lý luận văn học mác xít của G.N. Pospelov, L.I.
Timofeev cũng chỉ xuất hiện vào đầu những năm 40 thế kỷ XX thì phải khâm phục sự
nhạy bén của giáo sư. Hải Triều tuy đã viết một số vấn đề văn nghệ mác xít,
song chưa kịp hoặc đúng hơn, khó mà có một công trình toàn diện. Nếu đề cương
của ông Trường Chinh mới chỉ là định hướng mà sau này ông sẽ còn phát triển
trong báo cáo năm 1948, thì Văn học khái luận đã là một hệ thống khá
hoàn chỉnh. Sách gồm bảy chương nói về các vấn đề lý luận thiết cốt nhất, gắn với
thực tiễn lúc bấy giờ. Chương một nêu định nghĩa hai chữ văn học, chương
hai trình bày nguyên tắc văn học biểu hiện ý thức hệ và phát triển cùng sự tiến
hóa của xã hội. Chương ba nêu vấn đề sáng tác, trong đó nhà văn bao giờ cũng đại
diện cho giai tầng xã hội (tính giai cấp), theo luật tiến hóa, từ phong kiến,
qua tư bản chủ nghĩa và đi lên xã hội chủ nghĩa. Chương 4 bàn về nội dung và hình
thức, chương 5 bàn về điển hình và cá tính, chương 6 bàn về tự do sáng tác, chương
7 bàn về tính dân tộc và tính quốc tế. Một bố cục như thế là gồm đủ các vấn đề
then chốt nhất của lý luận văn học marxism dưới dạng cô đọng nhất, không chỉ có
ý nghĩa đương thời, mà ngày nay vẫn còn được bàn bạc. Trong sách chưa có chương
bàn về thể loại và tác phẩm văn học, có thể mấy vấn đề đó lúc ấy chưa có ý nghĩa
bức thiết.
Đặng Thai Mai rất coi trọng việc đấu tranh về quan điểm, không
trình bày một chiều. Ông lần lượt đấu tranh quan điểm với Hồ Hoài Thám, Hồ
Phong, Baldensperger, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, khẳng định quan điểm của
Plekhanov, Chu Dương, đồng thời khẳng định các chủ trương dùng lý luận
duy vật mác xít mà đánh đổ các tư tưởng và nghệ thuật duy tâm tư sản như Đề
cương văn hóa đã vạch ra. Do có tầm hiểu biết rộng, cho nên khi diễn giải
về tính dân tộc của văn học, khác với hai ông Lan Khai và Lưu Trọng Lư, ông đã
hiểu rằng không có tính dân tộc thuần túy, tính dân tộc luôn có tính lai tạp và
biến đổi theo lịch sử. Ông viết: “Nhưng thế nào là hoàn toàn Việt Nam? Tiếng nói,
câu văn, tư tưởng của chúng ta, cũng như lịch sử của chúng ta đã luôn luôn có
liên lạc (tức là liên hệ - TĐS) với các “dị tộc” đã chịu ảnh hưởng của nước ngoài
thì làm sao mà có những tài liệu (tức chất liệu - TĐS) hoàn toàn Việt Nam?” [iv]
Ông đã có quan điểm khá cởi mở về việc tiếp thu văn nghệ nước ngoài để làm giàu
cho văn nghệ mình, cũng như có quan niệm đúng về quan hệ văn học dân tộc và văn
học thế giới. Ông viết: “nếu như muốn gây dựng một nền văn học quốc gia cho đầy
đủ, vững vàng thì ta càng cần thâu thái lấy những tinh hoa của thế giới, của nhân
loại” [v]. Lúc
này ông chưa nói “tiếp thu có phê phán” như sau này chúng ta vẫn nói. Về sáng tác
ông khẳng định nội dung và hình thức thống nhất với nhau, nhưng trong thực tế lịch
sử chúng thường có sự mâu thuẫn, có khi chỉ là bình cũ rượu mới, điều đó thúc đẩy
sự nảy sinh nghệ thuật mới, như văn mới, thơ mới. Ông là người tiếp nối sau ông
Hải Triều và Trường Chinh đề xuất phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.
“Trong giai đoạn ngày nay, phương pháp sáng tác cần phải đem nghệ thuật “xã
hội hiện thực chủ nghĩa” (tức chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa - TĐS) mà đánh
đổ văn học duy tâm, và nghệ thuật lãng mạn”.
Trong cuốn sách này Đặng Thai Mai đã khẳng định tính ý thức hệ,
tính giai cấp, tính công cụ của văn học, mà chưa quan tâm đầy đủ đến tính đặc
thù của văn học nghệ thuật, một vấn đề mà Hải Triều trước đó cũng chưa thấy và
chưa giải quyết. Bởi tính đặc thù như một phẩm chất độc đáo của văn học sẽ
có mâu thuẫn với các thuộc tính khác. Và ở đây thể hiện sự lựa chọn của Đặng
Thai Mai trong ngữ cảnh lịch sử. Cuốn văn học khái luận tất phải bắt đầu từ khái
niệm văn học. Nhưng văn học là gì, nội hàm thế nào? Câu hỏi này hôm nay vẫn đang
là một bài toán chưa có lời giải rốt ráo. Nhưng đương thời đã có hai đáp án. Một
là văn học theo nghĩa rộng, nghĩa là tất cả sáng tác viết bằng ngôn từ, và hai
là nghĩa hẹp, chỉ các sáng tác thơ ca tiểu thuyết có tính hư cấu và thẩm mĩ.
Hai nghĩa này đã trình bày trong các từ điển Trung Quốc, như Hán ngữ từ điển của
Lê Cẩm Hy (1933), và trong lời giới thiệu của Võ Liêm Sơn trên Văn học tạp chí
(1927). Khi định nghĩa về hai chữ văn học Đặng Thai Mai đã phải suy xét và ông
lựa chọn văn học theo nghĩa rộng. Ông viết: “Văn học cũng là một bộ môn của
văn hóa, hay là nói theo danh từ xã hội học ngày nay, một hình thái ý thức
(formes d’ideologie)”, tức là hình thái của ý thức hệ. Khi dẫn chứng, ông nêu: “Thử
mở một bộ văn học sử nước Pháp ra chẳng hạn, bên các nhà văn thi sĩ như Ronsard
và Du Bellay, Lamartine hay Hugo, ta còn thấy những nhà triết học như như
Descartes hay Victor Cousin (hai nhà triết học - TĐS). Bên cạnh những thi ca lãng
mạn hay cổ điển ta còn đọc những bài văn có tính cách hùng biện, hoặc những bài
văn tranh đấu, các tác phẩm về văn học chính trị, hoặc văn khoa học nữa.” (tr.
58 - 59) [vi].
Trong khai niệm này Đặng Thai Mai cũng có phân biệt văn học với khoa học,
nhưng không rõ ràng, ông xem sự khác biệt chỉ ở hình thức, mà không ở nội dung.
Nói chung, nội hàm và ngoại diên của khái niệm văn học hồi đó còn mơ hồ. Văn học
theo nghĩa rộng như thế vừa dễ dàng kết hợp với chính trị, tuyên truyền, và mặt
khác lại tránh được các rắc rối khi xử lý quan hệ nghệ thuật, cái đẹp và nhân
sinh như cuộc tranh luận giữa Hai Triều và Hoài Thanh năm nào. Đặng Thai Mai
trong suốt mấy chương sách bàn về văn học không có chỗ nào nói về cái đẹp hay
thẩm mỹ. Nhưng đã theo khái niệm này thì không thể xác định nội dung của ngành
nghiên cứu văn học. Và nói cho đúng, lý luận của ông cũng chưa phải là lý luận
văn học. Ông đã diễn giải khái niệm văn học thành hai nghĩa. Một là một bộ môn
của văn hóa như vừa nêu và hai là một “học khoa” nghiên cứu các áng văn nói trên.
(tr. 53). Nhưng thiết nghĩ nếu nghiên cứu tất cả các áng văn nói trên bao gồm cả
triết học, kinh tế học, chính trị, khoa học thì đâu phải là “học khoa” lý luận
văn học nữa! Ý này ông tham khảo Hồ Hoài Thám, một học giả Trung Quốc đương thời
khoảng năm 20-40 thế kỷ XX, ông này cũng cho rằng từ văn học có hai nghĩa như
thế. Nhưng Hồ Hoài Thám là một học giả Trung Hoa tầm thường, đương thời không mấy
ai quan tâm. Theo Thanh Lãng cho biết thời này ông Nguyễn Hưng Phấn trong bài Tìm
nghĩa văn học cũng có cách hiểu tương tự như Đặng Thai Mai. Thực ra quan
niệm này đã có trong sách của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn và cả
Phan Bội Châu nữa. Như thế đây cũng là một quy ước thịnh hành đương thời [vii].
Sự thiếu hụt ý niệm đầy đủ về đặc trưng nghệ thuật này còn tiếp tục sau đó.
Trong bài Chân lý nghệ thuật (1946) ông tuyên bố: “Chỗ khác nhau giữa
nghệ thuật và khoa học nói cho đúng thì chỉ là một vấn đề hình thức” [viii]. Đáng chú ý là Tố Hữu và Trường Chinh đã chịu ảnh hưởng của ông. Trong báo
cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam, đọc tại Đại hội Đảng lần thứ 2,
1951, trong mục Văn nghệ phục vụ cách mạng và kháng chiến, Tố Hữu nói: “Địa
vị chủ yếu của văn học là văn chương chính trị. Văn Hồ Chí Minh là tiêu biểu rõ
ràng nhất của văn chương mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng” [ix]. Khái
niệm “văn chương chính trị” ở đây nhất định có liên quan với quan niệm văn học
nghĩa rộng mà khái luận đã nêu. Ví dụ này cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của
quan niệm văn học của Đặng Thai Mai đối với thực tiễn văn học cách mạng.
Ngoài lý luận văn học Đặng Thai Mai còn là
người sưu tầm biên soạn cuốn Văn học cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Văn
thơ Phan Bội Châu khá phong phú và có giá trị. Cho đến bây giờ vẫn là một
tài liệu đáng tin cậy, được trích dẫn.
Đặng Thai Mai là nhà phê bình học thuật sắc
sảo, thấu đáo. Trong bài phê bình cuốn Việt Nam cổ văn học sử của
Nguyễn Đổng Chi ông đã chỉ ra nhiều thiếu sót thuần túy học thuật đối với một
cuốn văn học sử vào thời mà văn học sử nước nhà còn đang ở trong giai đoạn phôi
thai. Một bài phê bình cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của nhà văn
Trương Tửu, tuy có chỗ này chỗ khác, song cách nêu vấn đề và phân tích khá khúc
chiết, đúng đắn. Sau này ông cũng viết các bài phê bình về thơ Tố Hữu (1959), về Nhất ký trong tù đều có những ý tưởng độc đáo.
Đặng Thai Mai còn là nhà phân tích tác
phẩm văn học có phương pháp. Cuốn Giảng văn Chinh phụ ngâm năm 1949
xuất bản ở Thanh Hóa là một công trình có những gợi ý quý báu cho người dạy học
văn học còn non trẻ của nước nhà. Ông khẳng định đọc văn cần phải hiểu, và có
hiểu mới cảm được cái hay. Ông cũng cho hay giảng văn không có mẫu sẵn, mỗi người
mỗi lúc có thể có những lối giảng văn đa dạng.
Đặng Thai Mai là người hết sức yêu chuộng văn học Trung Quốc.
Ông cho rằng Trung Quốc đã ảnh hưởng nước ta và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài, nhất
là văn học hiện đại, vì thế ông có cả một chương trình giới thiệu văn học, văn
hóa, lịch sử Trung Quốc. Nhằm giới thiệu lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc vào
Việt Nam Đặng Thai Mai đã biên soạn cuốn Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc tập
1 (từ 1919-1927), nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1957, không có tập 2. Cuốn này ông soạn
dựa vào tư liệu của hai cuốn văn học sử khá có uy tín lúc bấy giờ ở Trung Quốc
của tác giả Vương Dao và tác giả Đinh Dị. Sở dĩ không có tập 2, tôi nghĩ là do
số phận cuốn sách văn học sử nói trên ở Trung Quốc. Cuốn của Vương Dao ra
đời năm 1951, và ngay sau đó, 1953, bị phê phán, đến năm 1956 tác giả của nó bị
quy là phái hữu, toàn bộ sách được coi là thể hiện quan điểm tư sản, tập 2 được
cho là biện hộ cho Hồ Phong. Ông phải viết kiểm điểm, sách không dùng dạy đại học
nữa [x].
Trong điều kiện đó tất nhiên ông Mai không thể viết tập 2 được. Do không có điều
kiện đọc và am hiểu kỹ các tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc, cuốn sách của
tác giả không khỏi sơ lược về phần văn học mà nặng về bối cảnh xã hội, chính trị
và các cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ. Trước đó, trên báo Thanh Nghị Đặng
Thai Mai cũng đã phiên dịch AQ chính truyện và nghiên cứu về Lỗ
Tấn khá toàn diện, từ cuộc đời, nhân cách, truyện ngắn và tạp văn, Lỗ Tấn gương
tranh đấu. Ông cũng đã phiên dịch, giới thiệu, phân tích kỹ lưỡng ba vở kịch nổi
tiếng của Tào Ngu là Lôi Vũ, Nhật Xuất và Người Bắc Kinh. Ông
cũng nhiệt tình giới thiệu các cuộc đấu tranh tư tưởng mà ông gọi là “đấu tranh
tư tưởng học thuật Trung Hoa gần đây” (1955), thực chất đó chẳng phải đấu
tranh học thuật gì, mà chỉ là là cuộc đấu tranh chính trị chống phái hữu ở
Trung Quốc. Trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ chúng ta lấy Liên Xô, Trung Quốc
làm gương, nhất nhất lắng nghe ý kiến của các “chuyên gia” Liên Xô và Trung Quốc,
cho nên, cũng dễ hiểu là trong quan điểm học thuật của Đặng Thai Mai dấu ấn các
quan điểm của Trung Quốc chính thống đương thời khá đậm nét. Điều này bộc lộ
khi ông biểu dương việc nhà viết kịch Tào Ngu phải sửa chữa hai vở kịch Lôi
vũ va Nhật xuất để khắc phục quan điểm tư sản [xi]. Trong
bài Hồ Thích, từ tư tưởng mại bản đến chỗ phản quốc cũng thế. Có thể
nói Đặng Thai Mai là người truyền bá quan điểm quan phương của Trung Quốc lúc bấy
giờ vào Việt Nam.
Trong tư tưởng học thuật của giáo sư Đặng Thai Mai bên
cạnh những đóng góp to lớn, ngày nay nhìn lại cũng có những điều cần được
nhận thức lại. Chẳng hạn thứ nhất, ông cho rằng bộ phận văn học chữ Hán trong văn
học Việt Nam, do viết bằng chữ Hán, cho nên thuộc văn học Trung Quốc, không thuộc
văn học Việt Nam. Tư tưởng này thể hiện trong bài báo phê bình cuốn Việt
Nam cổ văn học sử của ông Nguyễn Đổng Chi. Ông viết: “không nên quên rằng
nếu như ngày nay, một người An Nam viết văn Tầu thì áng văn ấy là phải liệt vào
văn học Trung Quốc. Thì bao nhiêu tác phẩm của người An Nam ngày xưa, viết bằng
chữ Tầu cũng phải liệt vào văn học Tầu” [xii]. Trong
bài Văn học bình dân và văn học cao cấp (viết năm 1948) ông lại viết: “Những thứ văn chương chữ Hán của người Việt, hãy chưa nói đến giá trị nội
dung của nó làm gì, nếu chỉ xét về phần tư liệu (tức chất liệu - TĐS) chính thức,
thì quyết nhiên không phải là văn học Việt Nam”. Từ nhận thức đó ông khẳng định
“xưa kia chúng ta chưa hề có một nền văn học cao cấp” [xiii] và
đi đến đánh giá thấp giá trị văn học Việt Nam: “Chúng ta chưa hề có một nền văn
học cao cấp, chưa hề có một tác phẩm nào có thể nói là có giá trị quốc tế” [xiv]. Hóa
ra người viết cuốn Văn học khái luận năm nào chưa có nhận thức đầy đủ
về văn học Việt Nam, có thể quan niệm về văn học giai cấp đã che mắt ông. Nhưng
cái nhận thức có vẻ như hư vô chủ nghĩa ấy là một vấn đề cần được tìm hiểu hơn
nữa. Hẳn giáo sư biết Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều,
Chinh phụ ngâm khúc. Bài Hịch và bài Cáo là văn học phong kiến, của giai cấp
bóc lột, còn Truyện Kiều, có thể giáo sư hiểu theo Cụ nghè Ngô Đức Kế? Các
tác phẩm văn học giai đoạn 30-45 có lẽ chỉ là văn học thị dân? Ở các bậc danh
gia đôi khi cũng có những điều khó hiểu. Tôi hiểu đó chỉ là quan niệm nhất thời
của giáo sư.
Thứ hai, ông đồng nhất văn nghệ với
tuyên truyền. Cần phải nói ngay rằng vấn đề văn học tuyên truyền là yêu cầu bức
thiết của thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Văn học không thể không tuyên
truyền cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Không một nghệ sĩ Việt Nam chân chính
nào từ chối công việc ấy. Nhưng giáo sư do thiếu quan niệm về đặc trưng văn học
nghệ thuật, lại cứ muốn giải quyết bằng lý thuyết về bản chất của nghệ thuật và
lịch sử nghệ thuật. Ông cũng như đồng chí Trường Chinh muốn rằng toàn bộ văn
nghệ đều tuyên truyền. Ông Tô Ngọc Vân trong bài Tranh tuyên truyền và hội
họa (Tạp chí Tự do, tháng 7-1947) phân biệt tranh tuyên truyền và hội họa.
Theo ông Tô, tuyên truyền là biểu lộ một chủ trương, dụng ý chính trị cho đông đảo
dân chúng hiểu, gây ở họ một thái độ chính trị, nó đòi hỏi rõ ràng, minh bạch,
dễ hiểu, có tính chất nhất thời và không đòi hỏi cá tính của nghệ sĩ. Hội họa
phải biểu hiện một tâm hồn cá nhân, một thái độ của con người đối với sự vật,
không đòi hỏi rõ ràng, nhưng đòi hỏi phải có hứng thú cá nhân, nó có tính cách
vĩnh viễn. Ông đã phân biệt tuyên truyền và nghệ thuật ở phương diện đoàn thể và
cá nhân. Và bài báo đáp lại của Đặng Thai Mai cũng rất uyên bác và hùng hồn, thú
vị. Chỉ tiếc là ông chỉ chứng minh sự đồng nhất giữa tuyên truyền và nghệ thuật,
mà không nói đến sự khác biệt của chúng, trong khi ông Tô Ngọc Vân muốn nói đến
chỗ khác biệt. Thực tiễn nghệ thuật của mấy chục năm qua cũng cho thấy sự thiếu
hụt, coi nhẹ tính đặc thù của văn học tại hại thế nào. Sự đồng nhất ấy đã thể
hiện trong các yêu cầu của tuyên truyền như loại đề tài, yêu cầu tính đảng, phương
pháp sang tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, kết quả là văn học nghệ thuật ta không
tránh khỏi sơ lược, nghèo nàn, tính chân thật bị giới hạn, cá tính sáng tạo không
được phát huy đầy đủ. Ngày nay trong các văn kiện không thấy nói văn nghệ phải
tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng như hồi đầu kháng chiến chống Pháp
nữa, bởi vì chúng ta đã vượt qua giai đoạn ấy. Và nhận thức sự khác nhau của sáng
tạo nghệ thuật và tuyên truyền.
Điểm thứ ba xin lưu ý về
biểu đạt. Trong các công trình đầu tiên của giáo sư như Văn học khái luận,
bên cạnh những chỗ văn hay, khúc chiết, hóm hỉnh, thì việc biểu đạt vẫn có phần
hạn chế do thiếu trong sáng, lạm dụng nhiều từ Hán Việt. Ví dụ ông không nói chủ
trương mà nói “chủ trì”, không nói nêu vấn đề mà nói “đề khởi” vấn đề, không nói
quan điểm rõ ràng mà nói quan điểm “thanh sở”, không nói kế thừa mà nói “tiếp tục”,
không nói liên hệ mà nói “liên lạc”, không nói chất liệu mà nói “tư liệu”, không
nói trói buộc mà nói “thúc phọc”, không nói hiểu lầm mà nói “ngộ hội”, không
nói tính dân tộc mà nói “dân tộc tính”, không nói “chỗ sai lầm lớn trong cách
nhìn”, mà nói “ngộ điểm to trong khán pháp”, cũng như sau này ông thích nói “Ngục
trung nhất ký” hơn là nói Nhật ký trong tù… Có cảm tưởng như ông tư duy bằng chữ
Hán rồi dịch ra tiếng Việt, ông sành Hán hơn Việt. Hoặc có phần dịch từ một cuốn
sách khái luận nào đó của Trung Quốc. Càng về sau ngôn ngữ của giáo sư ít tiếng
Hán hơn. Tôi đã đọc các áng văn dịch của giáo sư như tiểu thuyết Chiếc đồng
hồ của Panteleev và AQ chính truyện của Lỗ Tấn, văn rất linh hoạt,
hấp dẫn. Nêu các ví dụ trên đây để thấy sự gian lao một thời mà những người đi
trước đã vật lộn để xây dựng diễn ngôn lý luận văn học.
Điểm cuối cùng, thứ
tư, tôi lấy làm tiếc là cuốn Đặng Thai Mai toàn tập gồm 2 tập
in vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của giáo sư đã in rất tồi tệ, thiếu sự biên
tập tối thiểu, chưa nói đến sự thấu đáo. Tên các tiểu mục in chữ to giống như tên
đề bài, có khi hết một mục thì qua trang khác, nhưng có khi bài mới in liền sau
một mục của bài trước, rất lộn xộn. Nhiều lỗi morat không được sửa, ví như áng
văn thì in thành ứng văn, bát cổ thì in thành hát cổ, Chư Tử thì in là Chủ Tử… Có chỗ dịch không sát mà không sửa. Ví như câu đầu tiên trong Luận ngữ “Học
nhi thời tập chi” mà dịch thành “học và dùng thì giờ để mà “tập” - làm việc” (tr.
49). Tập không phải là làm việc. Đó là nhầm lẫn nhất thời mà người biên tập cần
phải sửa để có một văn bản chính xác. Không ai hoài nghi trình độ bậc thầy về Hán
học của giáo sư. Tôi nghĩ Toàn tập của Đặng Thai Mai phải bao gồm cả các áng văn
dịch như AQ chính truyện, bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất, cả
truyện thiếu nhi Chiếc đồng hồ, và phải chỉnh lý phần nào về văn phong, bởi
đây là sách của một nhà thuộc hàng kinh điển một thời và phải được in trang trọng,
có chú thích của người biên soạn dưới các từ mới lạ, có nhiều ảnh ghi lại hoạt động
lịch sử của nhà văn. Nhân dịp 30 năm mất của giáo sư, tôi mong muốn được thấy một
Toàn tập Đặng Thai Mai đầy đủ, hoàn chỉnh với nghĩa toàn tập, được biên tập công
phu, xứng với tầm vóc của tác gia Đặng Thai Mai. Hậu thế người ta chỉ đọc có văn
bản, suy nghĩ trên văn bản.
Đặng Thai Mai là học giả lỗi lạc, là chiến sĩ lý luận văn học
của Đảng, của nền văn học cách mạng. Ông là người tiên phong biên soạn bộ lý luận
văn học đầu tiên và cũng là lý luận văn học mác xít. Nhưng lý luận mác xít Việt
Nam là một phạm trù lịch sử. Trong tiến trình xây dựng lý luận văn học Việt Nam
hiện đại di sản của giáo sư là một nền tảng quý báu không thể thiếu để chúng ta
tiếp tục đi tới.
Chú thích:[i] Trương
Chính. Đặng Thai Mai - Một đời chiến sĩ, một đời văn. In trong Đặng Thai Mai toàn
tập, tập 1, tr. 14
[iii] Đặng
Thai Mai. Học thuật và hành động, Đặng Thai Mai toàn tập, tập 1, nxb Văn học,
2004
[iv] Đặng
Thai Mai toàn tập, tập 1, tr. 132.
[v] Văn
học khái luận, Đặng Thai Mai toàn tập, tập 1, tr. 130.
[vi] Thanh
Lãng, trong sách Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hóa xuất bản,
Sài Gòn, 1972, tập 1, cho biết, hai ông Nguyễn Hưng Phấn, trong bài Tìm
nghĩa văn học và ông Đặng Thai Mai trong Văn học khái luận đều
hiểu văn học là bao gồm tất cả mọi công trình suy tư được thực hiện bằng chữ viết,
bởi vậy nó bao gồm lịch sử, triết học, khảo luận, phê bình, tiểu thuyết, thi
ca, kịch nghệ,… tr. 57.
[vii] Xem Việt
Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm cũng thể hiện một quan niệm văn học
rộng như thế.
[viii] Xuất
xứ như trên, tr. 247.
[ix] Tố
Hữu. Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta.
Nxb. Văn học, Hà Nội, 1973, tr. 71.
[x] Tiền
Lý Quần. Nhìn lại và xây dựng lại. Nxb Giáo dục Thượng Hải, 2000, tr. 71,
trung văn
[xi] Ví
dụ vỡ kịch Lôi Vũ do quá dài, và chủ yếu là do nặng về bi kịch định mệnh,
bi kịch loạn luân theo quan điểm tư sản, sau khi bị phê bình ông đã bỏ hẳn màn đầu
và màn vĩ thanh, sửa, cắt bỏ các câu thoại để thể hiện tinh thần phản đề, phản
phong, chống tư sản mại bản. Sau kết thúc cách mạng văn hóa, Tào Ngu tuyên bố lấy
lại toàn bộ vỡ kịch như cú, bỏ vở kịch đã chỉnh lý.
[xii] Xuất
xứ như trên, tr. 140.
[xiii] Xuất
xứ như trên, tr. 312.
[xiv] Xuất
xứ như trên, tr. 311.
Hà Nội, 20/9/2014Trần Đình Sử
[iii] Đặng Thai Mai. Học thuật và hành động, Đặng Thai Mai toàn tập, tập 1, nxb Văn học, 2004
[iv] Đặng Thai Mai toàn tập, tập 1, tr. 132.
[v] Văn học khái luận, Đặng Thai Mai toàn tập, tập 1, tr. 130.
[vi] Thanh Lãng, trong sách Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tập 1, cho biết, hai ông Nguyễn Hưng Phấn, trong bài Tìm nghĩa văn học và ông Đặng Thai Mai trong Văn học khái luận đều hiểu văn học là bao gồm tất cả mọi công trình suy tư được thực hiện bằng chữ viết, bởi vậy nó bao gồm lịch sử, triết học, khảo luận, phê bình, tiểu thuyết, thi ca, kịch nghệ,… tr. 57.
[vii] Xem Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm cũng thể hiện một quan niệm văn học rộng như thế.
[viii] Xuất xứ như trên, tr. 247.
[ix] Tố Hữu. Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1973, tr. 71.
[x] Tiền Lý Quần. Nhìn lại và xây dựng lại. Nxb Giáo dục Thượng Hải, 2000, tr. 71, trung văn
[xi] Ví dụ vỡ kịch Lôi Vũ do quá dài, và chủ yếu là do nặng về bi kịch định mệnh, bi kịch loạn luân theo quan điểm tư sản, sau khi bị phê bình ông đã bỏ hẳn màn đầu và màn vĩ thanh, sửa, cắt bỏ các câu thoại để thể hiện tinh thần phản đề, phản phong, chống tư sản mại bản. Sau kết thúc cách mạng văn hóa, Tào Ngu tuyên bố lấy lại toàn bộ vỡ kịch như cú, bỏ vở kịch đã chỉnh lý.
[xii] Xuất xứ như trên, tr. 140.
[xiii] Xuất xứ như trên, tr. 312.
[xiv] Xuất xứ như trên, tr. 311.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét