Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Xuân Diệu - Người đi tìm sự sống trên trang viết

Xuân Diệu - Người đi tìm 
sự sống trên trang viết

Chương I
Những bước đường đời
Tỉnh Bình Định, mảnh đất đã nuôi dưỡng nên nhiều tên tuổi lớn trong thơ Việt Nam hiện đại, cũng là nơi chôn rau cắt rốn của Xuân Diệu. Cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong – một cách khái quát, Xuân Diệu nói về hai cái cội nguồn làm nên đời mình như vậy. Cả hai trong tâm trí người xưa xa cách đến ngàn trùng, song sự thực là đều nằm trên mảnh đất của sự quá độ, nơi con người Việt Nam đã vượt ra khỏi cái nôi xuất phát là đồng bằng sông Hồng miền bắc, nhưng cũng chưa đến được với sự định hình ở mảnh đất trù phú phương Nam. Cả quê nội và quê ngoại của tác giả Thơ thơ đều nằm trọn trong Khúc ruột miền Trung, mảnh đất buộc con người kiên trì nhẫn nại, để đối phó với cuộc sống khắc nghiệt một bên là rừng, một bên là biển, mà cùng là mảnh đất gợi nhiều bâng khuâng thương nhớ, mảnh đất của thơ.
Theo các tài liệu chỉ được công bố lẻ tẻ, như một sự ngẫu nhiên đây đó, người ta biết rằng Xuân Diệu lớn lên trong một gia đình trung lưu, cụ thân sinh ra ông là một tú tài nho học, chuyển dần từ nông thôn ra thành phố. Rất xoàng toán pháp, khá văn chương - nhà thi sĩ đã nói về mình không phải như một sự nhún nhường, mà như một sự thú nhận về mối duyên nợ sâu xa giữa ông với thơ. Thơ đã thu hút hết tâm trí ông, khiến tuổi trẻ ông có thêm một niềm hy vọng. Chân trời là mấy tờ tạp chí như Hữu Thanh, như An nam tạp chí, niềm vui của tuổi trẻ là làm được ít bài thơ mọi chuyện nghe quá tội nghiệp. Nhưng trời sinh là thế, tất cả những gì đã đến trong tuổi nhỏ Xuân Diệu không ít thì nhiều, đều có liên quan đến cái nghề mà ông sẽ sống chết trong suốt cuộc đời.
Ý chí lập nghiệp
Ta hãy hình dung lại tình hình đất nước: khi Xuân Diệu lớn lên và ra học tú tài ở Hà Nội. Sau những thể nghiệm trong những năm đầu thế kỷ, nay là lúc xã hội Việt Nam chuyển hẳn sang mẫu hình hiện đại. Người ta đua nhau mở hiệu buôn, làm đại lý cho các hãng buôn tận bên Tây, rồi đóng tàu chạy đường biển, rồi khai mỏ, mở nhà in… Tất cả gặp nhau trong một ý nghĩ: cái gì mà người phương Tây đã làm, đang làm, thì mình cũng phải làm được và sẽ làm đến nơi đến chốn. Trong lĩnh vực đời sống tinh thần cũng có tình trạng như vậy. Một lớp người mới bước vào nghề: Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư v.v… So với thế hệ Tản Đà hoặc Phạm Duy Tốn, họ có chỗ khác: Tây học thấm vào họ từ khi còn ngồi trên ghế tiểu học. Sách báo phương Tây là cái mẫu hình mà họ thấy không có cách nào khác hơn là phải noi theo. Với những bài thơ táo bạo sau này sẽ in trong Thơ Thơ, Xuân Diệu còn như là muốn chứng tỏ : lối nói, lối xúc cảm của những Rimbaud, Verlaine… không có gì xa lạ với người mình. Trong phạm vi ngôn ngữ dân tộc cho phép, người làm thơ vẫn có thể trình bày hết những ý tưởng đã đến trong tâm trí con người Việt Nam hiện đại.
Nếu sự nhạy cảm và nói chung là toàn bộ năng khiếu đã đưa Xuân Diệu đến với sáng tác văn học thì ý chí lập nghiệp sẽ là yếu tố bảo đảm cho ông thành công. Đã mang tiếng ở trong trời đất - phải có danh gì với núi sông. Mấy câu thơ ấy của Nguyễn Công Trứ luôn vang bên tai ông như lời tự nhủ. Trong khi những người khác coi văn chương là một việc tài tử vui làm, chán bỏ được chăng hay chớ thì Xuân Diệu sẵn sàng đánh vật với công việc bởi ông hiểu rằng đấy là cuộc sống thật sự của mình. Báo Ngày nay và nhóm Tự lực đang nổi lên như cồn, gần như làm chủ văn đàn ư? Thì ông sẽ tìm được cách để được coi như một thành viên trong nhóm! Làm thơ không sống nổi, thơ là thứ không thể lấp đầy một tờ báo, phải biết viết tin, viết truyện ngắn ư? Thì Xuân Diệu sẽ học để làm được tất cả những cái đó, văn xuôi của ông trong Phấn thông vàng là một thứ văn xuôi độc đáo không giống bất cứ ai khác. Tiểu luận Xuân Diệu hồi ấy đã có giọng riêng, không ai có thể bắt chước. Trong số các nhà văn tiền chiến, Xuân Diệu là một trong những ngòi bút mang chất nhà nghề rõ rệt nhất. Chất nhà nghề đó bộc lộ ở thói quen thịu thương chịu khó “nhận tất cả mọi việc về nghề văn”, nhận đủ các loại commăng, rồi việc to cũng như việc nhỏ đều làm hết lòng, làm ở trình độ hiện đại, vừa bám sát yêu cầu của khách hàng, vừa mang rõ dấu ấn riêng, để có thể đề vào đó mấy chữ “made in Xuân Diệu” mà không sợ mang tiếng gì hết.
Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng trong sự chuyên nghiệp hóa sớm sủa này lớp trí thức như Xuân Diệu tự tố cáo ở mình một chỗ yếu khác: họ không có cơ sở vững chắc. Họ không phải là tầng lớp quý tộc của xã hội. Một câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu thường được nhắc nhở để chứng minh đầu óc thực tế nơi ông.
Cơm áo không đùa với khách thơ bản thân nó cho thấy một đặc tính chủ yếu của lớp trí thức ở Việt Nam: Họ không được xã hội nuôi nấng đàng hoàng. Làm sao mà họ nghĩ ngợi được gì cho kha khá một chút - siêu hình một chút, trừu tượng một chút - trong khi những vấn đề cơm áo hàng ngày cứ đeo đẳng nơi họ?!.
Thiếu đi cốt cách quý tộc, cái ý chí lập nghiệp nói ở trên lớp trí thức thuộc địa lúc ấy chỉ còn là những con người lao động trí óc để kiếm sống với trăm ngàn day dứt trong người, và cái sự nghiệp mà người ta ước ao, suy cho cùng, cũng chỉ tương xứng với tầm vóc người ta vốn có.
Từ khủng hoảng đến dân thân
Từ khoảng 1943, Xuân Diệu tạm bỏ thi đàn đi làm nhà đoan ở Mỹ Tho, để lấy tiền giúp người bạn thân mến của mình là Huy Cận có tiền theo học Canh nông. Năm sau, Huy Cận thi đỗ, có lương thì Xuân Diệu lại quay về Hà Nội không phải quá lo lắng về cái ăn cái mặc, song con người trí thức trong Xuân Diệu, Huy Cận lúc này lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới: Khủng hoảng trong đời sống tinh thần. Về sau, Xuân Diệu thường vẫn nhớ lại một buổi chiều rét mướt ngồi vá áo cũ, trên một căn gác ở phố hàng Bông. Sự cô độc lúc này đã lên đến tột cùng, song nó không có cái vẻ sang trọng như thường thấy trong Thơ thơ, mà đây là một sự cô độc rất trần thế, nó đi liền với cảm giác hoang mang vô vọng.
Từ những năm tháng cùng quẫn này của Xuân Diệu người ta lại càng thấy rõ một cái gì như bức chân dung đích thực của giới trí thức Việt Nam, thời Pháp thuộc: dù có học theo tinh thần của văn hóa Pháp, song chưa bao giờ họ trở thành những con người có tầm vóc, có cốt cách, như những V. Hugo của thế kỷ trước, hoặc R. Rolland, A. France ở thế kỷ sau này.
Hoặc là họ sớm bỏ đi làm chính trị như trường hợp Nhất Linh, Trần Trọng Kim (và trước đó, cả Phạm Quỳnh, đầy tâm huyết mà cũng đầy tội lỗi).
Hoặc là họ sống lêu lổng vạ vật, những gì có thể làm thì đã làm rồi, còn làm tiếp ra sao thì không biết, nên cầm bằng cho gió bay đi, tự buông thả trong thở than đau xót.
Một Nguyễn Bính tài hoa chính là hình ảnh của đám thi nhân lêu lổng vạ vật đó.
Trong chừng mực nào đó, có học hơn giữ gìn hơn, song Xuân Diệu cũng không tránh được bế tắc.
Thật dễ hiểu là khi cách mạng tới, Xuân Diệu đã đón nhận với rất nhiều hào hứng. Làm tạp chí Tiên Phong. Viết trường ca Ngọn quốc kỳ, ca ngợi cờ đỏ sao vàng. Viết những bài thơ đả kích bọn Tầu Tưởng, bọn Quốc dân đảng… tham gia phái đoàn quốc hội Việt Nam sang Pháp… Dễ không ai có nhiều hoạt động sôi nổi như Xuân Diệu trong quãng thời gian hơn một năm, từ 8-1945 đến 12-1946. Có lúc, trong cơn say sưa Xuân Diệu đã đi tới những ý tưởng nông nổi. Chẳng hạn, đọc lại Tạp chí Tiên phong 1946, người ta thấy có bài trong đó, Xuân Diệu nói lấy được.
Những người có quen biết Xuân Diệu chắc không lấy làm lạ việc làm ấy: Sự bốc đồng nhẹ dạ của tác giả Thơ thơ, đã thành căn bệnh mãn tính. Nông nổi đón cái mới, cái lạ của cách mạng, rồi sẽ có lúc, trong kháng chiến, Xuân Diệu sẽ ngao ngán, mệt mỏi trước cuộc sống của rừng núi, và dù đã tự kiềm chế hết mức, vẫn phải thốt lên Sớm nay ra khỏi u tì quốc/ Một chiếc xe lăn suốt dọc đường.
Song chỉ đến thế! Sa chân lỡ bước, như cánh nhà văn dinh tê, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ thì không  có sự may mắn ngẫu nhiên nào ở đây cả. Sự sống ở Xuân Diệu, thường khi là bao gồm một lý tính khá chắc chắn, Xuân Diệu không phải loại nghệ sĩ buông thả, tụ bạ, tự hạ thấp mình vì một chén rượu, một điếu thuốc. Đấy là một phần. Tuy nhiên, lý do sâu sắc hơn, còn là khả năng cam chịu, nín nhịn nó là cái nét quán xuyến trong cuộc đời Xuân Diệu. Chính sự biết điều này đã giữ Xuân Diệu lại dù thoạt nhìn, người ta không thể tưởng tượng được là ông giỏi chịu đựng đến thế. ăn chịu với kháng chiến, tám năm ròng, rồi Xuân Diệu sẽ hiểu rằng từ nay, đời mình chỉ có một phương hướng duy nhất:
Lên non, em cũng theo lên
Xuống bể, em cũng ngồi bên mạn thuyền
Đặng Tiến, một nhà nghiên cứu sống xa quê hương, từng nhận xét một cách thân tình về sự chuyển hướng của Xuân Diệu sau Cách mạng.
Chi phối bước đi của Xuân Diệu trên phương diện thi ca, cái hướng mà Đặng Tiến nói ở đây quả thật với một trí thức như Xuân Diệu là một bước rẽ ngoặt một cuộc cách mạng.
Người công chức mới
Cuộc cách mạng như vậy đến với người làm thơ một cách từ từ không gây ra những đảo lộn có tính chất gãy gục mà nó chỉ yêu cầu một sự thích ứng mỗi ngày một ít.
Mặt khác, Cách mạng luôn luôn có sự đền đáp, sự thưởng công thích đáng. Trong xã hội mới người nghệ sĩ không thuộc ngạch bậc nào người nghệ sĩ có vẻ như đứng ngoài mọi sự sắp xếp thứ bậc song nói chung được coi trọng. Đi kèm với danh hiệu là một sự đãi ngộ đáng kể đến mức một người hay tính toán như Xuân Diệu không cảm thấy mình bị thiệt.
Chẳng những thế đồng thời với việc thiết lập một trật tự mới trong đời sống thì một trật tự mới cũng được lập nên trong hàng ngũ những văn nghệ sĩ, những trí thức, và trong cái hệ thống mới hình thành này, Xuân Diệu luôn luôn có được những vị trí tốt đẹp.
Thử điểm lại một số công việc mà Xuân Diệu đã làm từ sau Cách mạng:
– 1945: Tham gia văn hóa cứu quốc. Làm tạp chí Tiên Phong. Trở thành Đại biểu quốc hội.
– 1947 Giữ mục Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam
– 1948 Tham gia thành lập Hội Văn Nghệ. Làm trưởng ban Văn của Hội cùng với Nguyễn Huy Tưởng làm tạp chí Văn Nghệ.
– 1954 Biên tập viên của báo Văn Nghệ (bên cạnh Văn Cao - Tế Hanh – Bùi Hiển - Nguyên Hồng - Tú Mỡ - Chu Ngọc - Sĩ Ngọc - Nguyễn Đình Thi)
– 1957 Làm tạp chí Văn Nghệ
– 1969 Làm tạp chí Tác phẩm mới
Có lúc trồi lên, lúc thụt xuống ít chút song như vạy không lúc nào Xuân Diệu hoàn toàn “tay trắng”.
Trong hồi ký viết về Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu tự nhận mình luôn luôn thích làm phó cho người khác. Làm phó thì trách nhiệm không nặng lắm, không phải đương đầu, mà mọi việc vẫn có mặt. Vai trò của cấp phó trong cơ quan, như vai trò người đàn bà trong gia đình, tần tảo lam làm, chính cái đó là hợp với Xuân Diệu. Vừa có ý thức, vừa tự nhiên khéo léo, gần như là vô tình, vô ý thức, ông tạo cho mình cái cốt cách mà người nghệ sĩ lúc này cần có: cốt cách một người lao động. Nhìn lại hơn 40 năm cuối đời của Xuân Diệu người ta thấy ông đã lao động không mệt mỏi. Luôn luôn ông tìm thấy việc để làm và giá có được phân công làm gì thì cũng mang vào đấy cả sự tính toán kỹ càng vốn có. Thơ giờ đây được ông xem như một ngành sản xuất, với tiến độ, nhịp độ mức tiêu thụ nguyên liệu và mức ra sản phẩm… rành rọt. Để biện hộ cho các bài thơ phục vụ kịp thời, ông nêu lên lý luận về loạt thơ thực tế, xem đó là cả một hướng tìm tòi nghiêm chỉnh. Nhưng chỗ mạnh của mình là thơ tình thì ông vẫn nhớ! Biết rằng trước sau xã hội sẽ cần loại thơ riêng tư ấy, ông khai thác những vui buồn trong cuộc đời riêng một cách triệt để, làm sẵn thơ tình rồi công bố dần. Ông lại có ý thức tổ chức sao cho các bài thơ đó bổ sung cho nhau, nối tiếp nhau, tiến tới làm ra một thứ mà ông ước tính nên gọi là từ điển tình yêu, những cặp trai gái khi cần sẽ có cái để tra cứu từ A đến Z. Nhưng không ở đâu cái khao khát: làm mọi thứ cho ra tấm món” của Xuân Diệu bộc lộ rõ như khi ông viết tiểu luận. Sau những thành công trong việc đột phá vào sáng tác của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, ông sớm hiểu rằng đây  đây là khu vực làm nên sự nghiệp cuối đời của mình. Công cuộc khai thác được ông lên kế hoạch đâu vào đấy, ở đó, không có chuyện thú hay không thú, hợp gu hay không hợp gu, ở đó là sự đào cùng tát cạn, là xúc từng mảng, từng mảng… Số lượng trang viết trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên trong đầu óc Xuân Diệu. Ông hể hả nhìn lại số đầu sách đã ra, số trang đã viết, cũng như hể hả ghi vào sổ tay số lượng những cuộc bình thơ, nói chuyện thơ, số lần được mời làm chủ khảo chấm thơ - cái tâm lý rất trần tục ấy là một trong những dấu hiệu chứng tỏ cách cảm cách nghĩ của người lao động đã thấm hẳn vào Xuân Diệu. Như một người đàn bà suốt đời lam lũ lo liệu gây dựng cơ đồ, lúc về già, ông không thấy phải ý tứ gì nữa. Ông tham lam đòi bằng được những gì mà ông coi là quyền lợi riêng của mình, là mình phải được - để rồi sau đó, lại mang đi ban phát cho người khác và cảm thấy thế là sung sướng. Ông thích người ta phải luôn luôn nhắc đến vai trò, vị trí của ông trong đời sống văn học. Ông nói khéo với người này, quát mắng người kia, cốt sao được việc, cốt sao trong những trang văn học sử do những người ấy viết, hình ảnh ông hiện ra sáng sủa nhất, dễ coi nhất. Trong lời tựa Thơ thơ này nào, Thế Lữ từng sớm chỉ ra rằng Xuân Diệu rất quyến luyến cõi đời, tấm lòng trần gian của ông rất nặng. Nay, trong cốt cách của người lao động, nhà thơ mới bộc lộ hết mình, tấm lòng trần gian ấy mới thật hiện ra với cái vẻ trần trụi và thông tục của nó. Dẫu sao, Xuân Diệu cũng đã đạt được cái điều mà ông mong muốn, và cũng chỉ được có thế.
Chương II
Sự sống chẳng bao giờ chán nản
Trong những ấn tượng mà con người và thơ Xuân Diệu để lại trong lòng đồng nghiệp và bạn dọc (thậm chí ngay những người gặp một lần cũng có thể nhận ra ngay), có một ấn tượng rõ rệt không ai quên nổi, đấy là lòng yêu đời và ham sống của tác giả Thơ thơ. Sớm thấm nhuần nền văn hóa phương Tây, Xuân Diệu nhìn đời như một cái gì trôi chảy mà mình không thâu tóm, thì nó sẽ bay biến. Từng biểu hiện nhỏ của cuộc sống được ông chắt chiu góp nhặt. Thấy cái gì mới cũng hồi hộp, nhận được cái gì cũng biết ơn, và làm được cái gì thêm cho đời, ông cũng sẵn sàng. Giả sử ngồi bên mâm cơm cạnh tác giả, ta sẽ thấy ở Xuân Diệu vừa có cái sung sướng của trẻ nhỏ, thấy cái gì cũng ngon cũng bổ cũng muốn ăn thêm một chút, để cho khỏe cho lớn thêm, lại vừa có cái lý lẽ của người đọc sách nhiều, sành ăn, biết ăn như thế nào thì đủ chất và có lợi cho cơ thể mình nhất. Xuân Diệu đã nâng chuyện ăn uống lên thành một phương diện của đời sống, và đối xử với cái phương diện mà mọi người thường cho là phàm tục và bỏ qua ông cẩn trọng, cẩn trọng vô cùng, chứ không bao giờ xem thường coi nhẹ. Tôi nhớ một bài ký, Xuân Diệu viết, sau một đợt lên Mèo, ở đó, ông tả cảnh người ăn, giữa chợ rất sảng khoái. Lúc đầu đọc thấy thô thiển, khó chịu sau hiểu ra, thấy Xuân Diệu là thế, Xuân Diệu thi sĩ thường bắt đầu nói về cuộc sống từ cái nhỏ nhặt.
Mà chẳng cứ trong chuyện ăn uống: hình như làm được điều gì, để chứng tỏ là mình đang sống, Xuân Diệu cũng đều sẵn sàng bỏ công ra làm. Theo khoa học, sự sống tồn tại nhờ hai quá trình đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là hấp thụ tiếp nhận, làm cho mình giàu thêm. Và dị hóa tức là mang cho, bộc lộ ra ngoài, đưa ra, thải ra những gì đã tiêu hóa sau khi tiếp nhận, để rồi tạo một khoảng trống mà tiếp tục đồng hóa nữa. Một cơ thể sống như Xuân Diệu là một cơ thể đồng hóa và dị hóa được tiến hành đều đặn, mạnh mẽ, không ngừng không nghỉ. Như là trong sáng tác. Đọc sách ngốn ngấu phăm phăm đạp xe đi thực tế, ghi chép, gạn chắt lấy từng chi tiết nhỏ. Rồi về, là trả nợ, là hùng hục viết - một thời gian dài, ngày tháng của Xuân Diệu xoay quanh cái quy trình khép kín đó. Không ai hay nói đến sự thiêng liêng của việc làm thơ viết văn như ông nhưng cũng không ai biết biến hóa thành công việc hàng ngày, làm một cách đều đều, một cách máy móc, một cách phàm tục như ông (chả thế làm có lần nhìn Xuân Diệu ngồi làm thơ, Trần Đăng Khoa đã bảo rằng cha mình ở nhà quê đi cày cũng không vất vả đến như thế). Chưa hết. Sau khi đã làm xong một khối lượng công việc khổng lồ (khối lượng của một viện hàn lâm ý của Tố Hữu) lại còn phải lo đăng tải, giới thiệu,  liên hệ với người này để in, nhận lời người kia đi nói chuyện, làm sao cho thiên hạ “mục sở thị” cái tài đô lực sĩ của mình nữa chứ.
Một cách tự nhiên Xuân Diệu nhẫn nại tự mình hết lòng lo toan những việc đó, để có dịp xuất hiện.
Nguyễn Đăng Mạnh kể: Về già Xuân Diệu còn giữ được bản nháp những bài thơ đầu tiên, xóa dập rất ghê. Theo sự nhớ lại của Xuân Diệu, lần ấy, cũng như nhiều lần về sau, cái mạnh nhất ở ông là ý muốn làm thơ, là cái khao khát được viết ra, và hãy viết ra đã, viết bằng văn xuôi trước, rồi sắp xếp sau. Suốt đời Xuân Diệu ham hố vậy.
Xuân Diệu xa lạ với loại nghệ sĩ rạc dài, nghệ sĩ lang thang sống đến đâu hay đến đó, chỉ sống bằng cảm hứng thất thường sau những chuyến giang hồ vặt, rồi tồn tại theo kiểu tầm gửi trông cậy vào lòng tốt của những Mạnh Thường Quân nào đó: so với họ Xuân Diệu là một loại khác. Ông cẩn thận hành nghề, chi chút chăm lo tài năng bản thân. Viết, đối với ông, không chỉ là cảm hứng mà còn là công việc. Phải làm sao huy động hết tiềm năng để đạt tới hiệu suất cao nhất: Phải chăm chỉ chuẩn bị, dè xẻn sử dụng sức lực, để lúc có thời cơ, đi thật nhanh tới mục đích của mình. “Sau khi phấn đấu trong từng công việc cụ thể, người ta còn cần biết tập trung sức lực tạo nên những thành quả đích đáng như năm ngón tay dồn  lại thành một quả đấm”. Xuân Diệu đã nói điều đó với bao người, kể cả người viết bài này và chúng tôi hiểu đó là những điều gan ruột, Xuân Diệu rút ra từ mấy chục năm làm nghề của mình. Khoảng 1980, có lần, ở Hà Nội, Xuân Diệu đến nhà tôi vào lúc bốn giờ rưỡi chiều.
– Đã mất công đạp mấy cây số xuống đây sao anh không đến sớm một chút, anh em mình ngồi nói chuyện chơi?
– Chiều vừa đi làm việc với một bạn nhà văn Hung; tối, lại phải ngồi viết một bài bút ký để sáng mai nộp cho Đài. Thế cậu bảo không đến thăm vào lúc này thì để đến bao giờ?
Lại như cái lần tôi đến nhờ Xuân Diệu dịch một đoạn tài liệu cho cuốn Mười nhà thơ của thế kỷ, do Nguyễn Quân và tôi cùng biên soạn. Thực ra một mẩu vặt như thế này, chả bõ bèn gì đối với một nhân vật đã có đến vài chục đầu sách như Xuân Diệu. Nhưng hình như vì cuốn sách có cái tên thú vị quá, nên Xuân Diệu không tiếc sức góp cho nó một chút công bé nhỏ. Ông hỏi tôi kỹ lưỡng yêu cầu số chữ và hẹn giờ đến lấy. Và khi theo lời hẹn tôi đến tận nơi lấy bài, thì Xuân Diệu cũng chỉ vừa mới làm xong. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là cái tập hồ sơ Xuân Diệu có trong tay. Đã làm về bất cứ ai, Xuân Diệu đều để công làm tài liệu khá công phu. Sự tài tử, sự linh hoạt, cái bột phát trong ý kiến của con người này thật không làm ai lạ lùng. Cái lạ là chính sự công phu của con người có thừa lý do để sống và viết tài tử đó.
Đến như sự cày xới của Xuân Diệu trên từng trang thơ của các tác giả cổ điển thì chúng tôi lại càng vì nể. Với một tác phẩm như Truyện Kiều, hầu như bất cứ nhà văn nhà thơ nào của chúng ta cũng viết được vài trang. Nhưng riêng về Kiều và Nguyễn Du viết được mấy trăm trang sách, trong đó có những bài bàn sâu về từng chữ trong Kiều như Xuân Diệu đã làm, đâu có phải dễ.
Nhân một lần đi công tác với Xuân Diệu, tôi đánh bạo hỏi:
– Trước anh không biết chữ Hán, vậy làm thế nào?
– Cứ học dần. Và nhất là đọc thật kỹ. Các bậc tú tài cử nhân hay chữ đã làm đầy đủ công việc của họ; mọi chữ khó đã được cắt nghĩa rồi. Mình chỉ chọn lọc và phân tích thêm thôi.
Hóa ra, lại cái phương châm cũ của Xuân Diệu: không sĩ diện. Mạnh dạn hút lấy tinh hoa của người khác. Như trong làm thơ, biết nhặt từng câu nói vương vãi hàng ngày, tự nó đã mang ý thơ rồi đưa vào bài của mình. Như trong viết báo, biết trích dẫn và thuật lại các chi tiết một cách khéo léo, đến nỗi có khi người đọc đọc qua ở đâu đó rồi, đọc lại vẫn thấy mới. Giá ai bảo, chúng ta còn có thể không tin. Nhưng chính Xuân Diệu đã tự nhận như vậy cơ mà! Con người khá giàu có đó như luôn luôn giơ tay lên cả cười mà nói với chúng ta:
– Các anh nghèo vì các anh quá hoang toàng. Còn tôi, tôi chỉ hơn các anh ở chỗ tôi không bỏ phí gì hết.
Đi đến cùng trên con đường đã chọn, con đường ham bộc lộ, ham xuất hiện, nhiều khi Xuân Diệu hiện ra như một người mà ở nông thôn thường được gọi là tham lam càm quắt nghĩa là bất chấp lẽ thường, cốt có mặt và đòi bằng được cái phần của mình.
Sau khi Thơ thơ in ra lần đầu 1938, nhà phê bình Trần Thanh Mại, nhận dạng một con người có theo dõi tài năng của Xuân Diệu từ khi còn trứng nước, không quên để ý đến bài thơ Mười chữ của Xuân Diệu:
Trăng rằm - thu dưới nguyệt
Mang chảy - nước trên trời
Trần Thanh Mại bảo mấy câu thơ này không hay, mà lại có phần sáo. Rồi nhà phê bình tìm cách cắt nghĩa sự có mặt của nó trong tập:
“Đời xưa và cả đến đời nay cũng vậy, có nhiều nhà trưởng giả có một tập quán quái gở lắm; răng họ rụng ra, họ đem gói gắm cất kỹ, móng tay họ cũng thế. Không phải vì họ mê tín, sợ khi chết về âm phủ, không đủ răng mà nhá hay không đủ móng tay mà gãi. Chỉ vì họ quá yêu họ đi! Vật gì trong người họ lìa ra khỏi, là họ không nỡ bỏ rời, bỏ rớt, bỏ tồi, bỏ tàn. Chỉ thiếu chút nữa là họ cất cả những vật thường ngày họ đi tiện ra mà thôi!
Ông Xuân Diệu cũng gần như mấy nhà trưởng giả ấy. Chỉ vì ông quá tiếc một vật mà óc não ông đã cấu tạo ra nên ông không nỡ bỏ đi, mặc dầu nó chỉ gồm có mười chữ. Mười chữ sáo! (*)
Lời mỉa mai có thể là hơi nặng. Song nét tâm lý Trần Thanh Mại miêu tả là có thật. Trong khi bảo rằng tâm lý tham lam kiểu Xuân Diệu không phải là không phổ biến, nhà phê bình đã gọi đúng căn bệnh: “Chỉ vì họ yêu họ quá” Chúng ta dự đoán đọc đến chỗ này, Xuân Diệu chắc cũng phải cười khà “Chịu thày, chịu thày!” Còn ai yêu mình hơn Xuân Diệu nữa.
“Chết nhưng nết chẳng chừa” rồi Xuân Diệu sẽ giữ mãi cái tính ấy, chẳng bao giờ thay đổi cả.
Ngay từ 1958-1960, đọc một số tiểu luận của Xuân Diệu được in ra hồi đó như Những bước đường tư tưởng của tôi, Ba thi hào dân tộc, một thanh niên mới lớn như tôi đã ngạc nhiên nhận ra một chỗ lạ đập ngay vào mắt, là cái quyển sách ấy, thường có mục cùng một tác giả, đặt ngay ở đầu sách - một điều tôi chẳng bao giờ thấy ở sách của các tác giả cũng nổi tiếng khác, như Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân và Tố Hữu. Cùng với thời gian, bảng kê này ở sách Xuân Diệu ngày một kéo dài ra, và chữ ngày một nhỏ bớt đi, chúng tôi đọc, có lúc vui vui, vì thấy lao động của Xuân Diệu được ghi nhận rõ ràng - cái ý thức tác giả ở con người này thật không thể xem thường -, song cũng không khỏi có lúc thầm nói với nhau: sao nhà thơ yêu quý của mình háo danh thế.
Trong cách nhìn đời của nhiều tác giả có cốt cách, thường khi người ta bắt gặp không ít thì nhiều một sự bất mãn. Bởi họ có quan niệm riêng về cuộc đời. Khi thấy thực tế chung quanh không diễn ra như mình nghĩ họ đau đớn, dằn vặt và thường tìm cách không để cho cái ô trọc của đời thấm vào mình.
Không nói đâu xa, ngay ở một vài nhà thơ đương thời của Xuân Diệu và không thành đạt như Xuân Diệu - chúng tôi muốn nói tới Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… - hình ảnh nhà thơ hiện lên qua các sáng tác là hình ảnh một người giữ bằng được sự độc lập của mình, chống lại thói hùa theo đời, cho đến nhịp thơ của họ cũng không chịu thuận theo cái đều đều hòa hợp của thói đời của mang nhiều ngang trái nghịch phách (Xuân Diệu không thế). Trong đời sống hàng ngày Xuân Diệu có thể xoay xỏa vòi vĩnh trước sự đối xử xô bồ của chung quanh, ông cũng giận dỗi, cáu gắt. Nhưng trong thơ - là cái phần tinh túy nhất của một con người - thì hoàn toàn không. Trước sau, tức là cả khi mới bước vào đời, lẫn khi đã có tuổi rồi, chuẩn bị bước vào cõi âm vô cực của cuộc đời này, ông chỉ có một điều nói đi nói lại:
– Tôi xin cảm tạ cuộc đời
– Đời đáng sống, muôn ngàn lần đáng sống.
Hình ảnh nhà thơ hiện lên qua các tác phẩm là hình ảnh một người thèm khát, chân tay lúc nào cũng luống cuống chỉ mong làm được một điều gì đó cho vừa lòng đời, và mong đời đừng quên mình. Ôi! sẽ đau đớn làm sao, nếu trong bữa tiệc đời muôn vàn hào hứng ấy, mình lại không được có mặt.
– Uống xong lại khát là tình
Gặp rồi lại nhớ là mình với ta
Cái sự tham lam thèm khát như thế này không chỉ đặc trưng cho  Xuân Diệu trong quan hệ tình ái, mà là đặc trưng cho toàn bộ cảm quan đời sống của  Xuân Diệu nói chung.
Trước mắt nhà thơ, cuộc đời thường khi tròn đầy viên mãn
… Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngư đỉnh trời tròn
Mà vận mạng con người thì nhỏ nhoi không nơi bấu víu
Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo
Là thú nhận tội nghiệp này có lẽ là cơ sở để nảy sinh cái cảm giác thường trực ở Xuân Diệu “sát hơn nữa, thế vẫn còn đi”
Đi ra chợ chọn mấy quả cam, nhận gói kẹo người khác biếu, Xuân Diệu cũng tìm cách nâng nó lên thành một việc có ý nghĩa của đời. Mà đã gọi là việc đời thì “ trân trọng muôn vàn, muôn vàn trân trọng”
Một hiện hữu khác của lòng yêu cuộc sống, là Xuân Diệu rất… ngán cái chết.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, có lần ông được tác giả Thơ thơ cho xem một bài làm từ năm 1934. Bài thơ 18 đoạn mỗi đoạn 8 dòng đó mượn chuyện than thở cho mấy người chết trẻ để bảo rằng: Khi chết người ta rơi vào cô đơn hoàn toàn. Bạn quên; những cô gái quên; anh em cốt nhục cũng quên. Chỉ mẹ cha nhớ nhưng mẹ cha già cũng chết.
Nhớ các anh hoài chỉ mẹ cha
Song tro tàn lạnh không còn lửa
Rồi đèn mời tắt thế là thôi
Không một người thương ở cõi đời
Kết luận cái chết càng đáng ghê sợ, nếu như người chết đó không để lại dấu vết gì.
Một mẩu chuyện khác cũng do Nguyễn Đăng Mạnh kể. ấy là cái thảng thốt của Xuân Diệu khi được báo là Nguyên Hồng qua đời. Và đây là định nghĩa về cái chết của Xuân Diệu. Nó mạnh vô cùng. Nó biến người ta từ dương vô cực thành âm vô cực.
Gộp cả hai mẩu chuyện này lại, chúng ta thấy trước sau Xuân Diệu vẫn là mình. Cách hiểu về sự sống, sự chết ở ông thô thiển máy móc, và lúc trẻ thế nào, lúc trưởng thành vẫn vậy.
Giá như Xuân Diệu biết rằng sống cũng có năm bảy đường, có sự sống cao cả và sự sống loàng xoàng. Rằng chết không phải là tiêu diệt tất cả, mà cái sống cũng không phải là có sức mạnh tất cả. Có những người chết ngay khi đáng sống. Có những sự sống kéo dài lê thê vô ích, không khác gì cái chết. Chỉ có luôn luôn làm mới cuộc sống của mình luôn luôn bắt đầu lại, nhận thức lại, người ta mới có một cuộc sống có ý nghĩa thật sự. Và chỉ có luôn luôn đạt đến sự hoàn thiện. Sự thanh lọc - một cái gì giống như sự hư vô - người ta mới có được sự sống vĩnh viễn… Giá như Xuân Diệu biết được tất cả những cái đó, không chừng ông sẽ có một cuộc sống thực sự.
… Nhưng người ta không thể khác mình.
Chương III
Sự nhẫn nhịn kéo dài
Tâm lý con vợ lẽ.
Trong một tiểu luận mang tên Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Xuân Diệu kể: ông là con một tú tài nho nghèo, dạy học, từ nông thôn chuyển dần ra thành phố. Một chi tiết có ý nghĩa quan trọng hơn: ông là con vợ bé. Điều oái oăm ở đây là cho tới lúc ông lớn lên, má ông vẫn ở với bà ngoại, còn Xuân Diệu cũng như người em trai là Tịnh Hà thì ở với đại gia đình, tức bố (mà ông gọi là thầy) và vợ cả của bố (mà ông gọi là mẹ). Bên ngoại cách bên nội độ vài cây số; lâu lâu, bà má tội nghiệp mới được phép đến thăm hai cậu con trai, mà cũng chỉ đứng ngoài cửa, chứ không vào nhà; rồi lại lâu lâu, hai cậu con trai lại trốn về thăm má, thăm ngoại, cho đã nhớ thương.
Như các nhà tâm lý học từng quả quyết, tính cách một con người được hình thành chủ yếu lúc ấu thơ, khoảng trước 5 tuổi, và ở đấy, những dữ kiện trong đời sống gia đình có ý nghĩa bao trùm. Tình thế “con vợ bé” nói trên đã nhào nặn nên một khuôn mặt tâm lý đặc biệt ở Xuân Diệu: ông dễ thương người, trong ông thường có những nỗi buồn vô cớ, hậu quả của những giây phút không biết làm gì và không tìm thấy tình cảm ở những người chung quanh. Luôn luôn cảm thấy cái bơ vơ của mình trước thiên nhiên và trước cuộc đời, thường một con người như vậy hay mếch lòng, dễ bị thương, nhưng lại cũng biết thông cảm với những đau khổ không đâu của người khác.
Trong văn học Trung Hoa cũng có một nhân vật nổi tiếng có những xúc động vẩn vơ không thể cắt nghĩa nổi và Xuân Diệu thường viện dẫn để nói về mình. Đó là Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng. Người con gái này mồ côi, đơn độc trong tình cảm, lại yếu, nên càng mau nước mắt. Sự thương cảm cho mình, cho đời ở cô đã lên đến mức một căn bệnh. Có lần buồn quá, cô nhặt hoa mang vùi một đống, xong lại sụt sịt: Chôn hoa người khóc ngẩn ngơ - Đến khi ta chết, ai là người chôn. Những giây phút Lâm Đại Ngọc kiểu ấy Xuân Diệu không thiếu. Có những tình cảm chỉ ngẫu nhiên thoáng qua mà thi sĩ cứ thấy như là có duyên nợ riêng, chẳng hạn mấy lần, được chứng kiến bọn nhỏ tí khóc lần nào ông cũng như chôn vào ruột. Bởi nghịch cảnh đã dấy lên trong lòng ông một nỗi lo sợ, cảm thấy sự sống ở chính mình rất mong manh, không ghì chặt lấy, không chăm sóc giữ gìn, thì sẽ mất đi nhanh chóng.
Theo sự quan sát của các nhà nghiên cứu văn học phương Tây, tâm thế thi sĩ có nhiều nét đồng nhất với tâm lý của loại người quá nhạy cảm và không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội. Đại khái đó là tâm lý kẻ ngụ cư, tâm lý kẻ lang thang, sống bên lề những xã hội ổn định tâm lý những đứa con hoang, không được chiều chuộng và nâng đỡ về tinh thần. Một hình ảnh được sử dụng phổ biến ở phương Tây: mỗi thi sĩ là một gã Do Thái, từng người không có quê hương của mình và cả dân tộc không có Tổ quốc.
Cái tâm thế con vợ lẽ ở Xuân Diệu, cũng có nét tương tự cảm giác bơ vơ và sự dễ thương người của ông gắn liền với tình thế như là không nơi bấu víu. Nhưng nét trội nhất trong tâm lý con vợ lẽ nó ảnh hưởng nhiều đến cách xử thế của Xuân Diệu có lẽ là sự nhẫn nhục. “Qua sông nên phải lụy đò - Tối trời nên phải lụy cô bán dầu”. Vì tôi ở vào tình cảnh như thế, nên tôi phải chịu nước lép, chứ thực ra trong bụng, tôi thừa biết là tôi chẳng kém gì đời. Những ai đã sống qua cảnh con vợ lẽ nghĩa là ở vào một cái thế rất yếu trong đời hẳn dễ hiểu cái lụy ấy, và Xuân Diệu càng rất hiểu. Hồi ký Tuổi trẻ Xuân Diệu (do Tịnh Hà ghi) và cuốn sách Đi hoang của Tịnh Hà cho biết: trong khi Tịnh Hà uất ức, phẫn nộ, đã phải bỏ cái đại gia đình kia để sống kiếp lang thang thì Xuân Diệu chọn con đường cắn răng cam chịu, ngoan ngoãn sống với thấy mẹ, dồn tất cả tâm sức vào việc học, vì biết rằng chỉ có học giỏi mình mới nên người, đền đáp xứng đáng công ơn má là người đã dứt ruột đẻ ra mình. Rồi ra sức nhẫn nhục này sẽ còn đeo đẳng Xuân Diệu trong suốt cuộc đời.
Bên trong cái con người ham sống dám chường mặt ra mà đòi hỏi và cả xin xỏ cho được, bên trong cái con người tham lam vơ véo, lại tự ca tụng mình, tô chuông đúc tượng cho mình, tự coi tất cả những gì mình làm ra đều là ghê gớm, cao cả… thực ra lại có một con người khác, biết điều, nhẫn nhục sẵn sàng chịu nước lép, cốt sao được yên bề sống và viết.
Trong số các sự kiện chính của cuộc đời Xuân Diệu trước 1945, có một việc mà ai cũng biết, nhưng lại ít nhắc tới, là việc ông bỏ sáng tác, đi làm tham tá nhà đoan. Năm đó, là năm 1943, sau các giai đoạn rực rỡ 1935-37, từ 1938 trở đi, Tự lực văn đoàn đã bắt đầu lép vế. Qua năm 1940, thì sinh khí của nhóm gần như suy giảm hẳn. Tuy nhiên, mấy người rời bỏ văn đàn đều là những người có chí khí, và việc họ bỏ sáng tác là để họ đi sâu hơn nữa, vào lý tưởng của họ. Cả Nhất Linh và Hoàng Đạo đều bỏ văn chương để đi vào chính trị. Chỉ riêng có Xuân Diệu là vì sinh kế. Nói cho rõ hơn giữa cuộc đời lam lũ của cánh cầm bút, và cảnh sống khá giả của một công chức cao cấp, Xuân Diệu thấy cái thứ hai hấp dẫn hơn vì thế, mới đi làm tham tá, để tập trung tiền nuôi Huy Cận học đại học Canh nông, sau khi Huy Cận ra trường, lương cao, bổng hậu rồi, Xuân Diệu mới quay về tiếp tục sáng tác. Đối với Xuân Diệu thì không có chuyện đặt thơ văn là mục đích tối thượng. Đối với Xuân Diệu thì sáng tác bao giờ cũng là yếu tố thứ hai, mà đời sống mới là yếu tố thứ nhất.
Cũng như lòng yêu đời, sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu hiện ra muôn màu muôn vẻ. Nhất là khi động đến quyền lợi thì trước tiên bao giờ ông cũng nhẫn nhịn, để cầu sự thương hại ở người khác. những người trẻ hơn cánh biên tập chúng tôi còn nhiều kỷ niệm về chuyện này. Giả sử nhà thơ bỗng nhiên biết rằng chúng tôi đang làm một số báo đặc biệt, hoặc ra một tay sách, kỷ niệm sự kiện nào đó. Mặc dù, bận trăm công ngàn việc, song Xuân Diệu vẫn có mặt. Đến với chúng tôi Xuân Diệu tự nhiên khép nép biết điều, khác hẳn những ông lớn kiêu căng mà chúng tôi rất ngại - ông rủ rỉ hỏi han:
– Đã in ngay chưa các cậu?
– Đang làm anh ạ.
– Có đánh máy ngay không?
– Còn phải chờ đủ tập chứ anh.
– Khéo để mình mang về, mình chép lấy một bản, rồi mang đến gửi sau.
Với một bài góp chung đã thế, nữa là với một tập sách riêng đứng tên Xuân Diệu. Dù gặp một biên tập viên trẻ, ông cũng làm một cách lấy lòng. Và ông hay nài nỉ, mặc cả, muốn rằng sách mình in ra thật dày, thật chững chạc. Cái cách Xuân Diệu chăm sóc tác phẩm khiến bất cứ người bình thường nào cũng ái ngại. Nữa là chúng tôi, vốn học ông từ nhỏ, nể ông nhiều, không nhượng bộ sao được.
Bác Dương Thanh Huyên, một ký giả lớp trước có quen biết cả Nguyễn Tuân và Xuân Diệu hồi mới cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, từng kể lại mấy mẩu chuyện vui vui. Có lần
Lại một lần khác, Thanh Huyên có dịp đi chợ cùng với Xuân Diệu Thấy một cửa hàng bán, Xuân Diệu khuyên Thanh Huyên mua. Lời lẽ mỗi lần một khác nhưng tình thân là một: Xuân Diệu sợ chúng tôi say sưa quá, bốc đồng quá tử vì đạo, rồi không giữ được ngòi bút của mình. Hơn ai hết, ông hiểu về những lưỡi gươm Đêmocrit thường xuyên treo trên đầu người làm văn nghệ. Khi nói chuyện này giọng ông đột nhiên nhỏ hẳn đi khe khẽ thì thào. Rồi ông lắc đầu, ông le lưỡi, ý bảo rằng sợ lắm, chính mình cũng sợ lắm, mà cỡ các cậu thì càng phải nên biết sợ ngay thì vừa sau có hối cũng không kịp!
Lại nói những chuyện lớn lao hơn một chút: Trong tâm trí của chúng tôi Xuân Diệu là một trong những nhà thơ thông thái, nhà thơ của những kiến thức uyên bác. Từ 1946, ông đã có mặt trong đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam qua Mỹ. Nhưng do chiến tranh kéo dài, mãi 1982, tức là 36 năm sau, trong khuôn khổ một số quan hệ được nối lại với nước Pháp, người ta mới lại thấy ông trong danh sách các nhà thơ, nhà văn thăm Pháp. ở đó, như báo chí đưa tin, ông có dịp diễn giảng trước các sinh viên đại học Paris về ảnh hưởng văn hóa phương Tây trong văn học Việt Nam, về những nhà thơ cổ điển Việt Nam, đang được thế giới biết tới. Nghĩa là, ông đã diễn thuyết toàn những vấn đề cơ bản cả. Thuận miệng và rất hồn nhiên, tôi hỏi Xuân Diệu khi gặp ông đi Pháp trở về:
– Thế anh có dịp gặp Aragon hay những nhà thơ Pháp nổi tiếng, mà các anh vẫn nói với bạn này như
Câu trả lời của Xuân Diệu là hoàn toàn bất ngờ với tôi:
– Em ơi! Đâu người ta có gặp những người như mình. Xuân Diệu đến Pháp, chỉ để nói chuyện thơ với một số bạn Việt Kiều và nhà chuyên môn thôi.
Bấy giờ tôi mới sững ra. Sự biết thân biết phận, thường trực ở một người như Xuân Diệt, đang tự chứng tỏ rằng nó là một cái gì có lý.
Trong chừng mực nào đó, phải nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu là một cái gì đáng quý. Nó không chỉ là khiêm tốn, là biết điều. Sâu sắc hơn thế, nó chứng tỏ một nhận thức chính xác về tình thế, người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống tinh thần con nhiều khốn khó. Nó giúp cho người nghệ sĩ tránh khỏi những hoang tưởng bốc đồng quá đáng, làm phiền mọi người và làm phiền chính mình. Có điều đáng tiếc, là nhiều khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa, biến thành một cách sống cầu an, lãng tránh sự thực tự hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác của mình một cách vô căn cứ, miễn làm vừa lòng những người có chức có quyền.
Có những chuyện nhiều khi ban đầu Xuân Diệu không cố ý, nhưng cái lợi tự nó cứ đến, ông không đủ sức từ chối đành buông thả cho ngòi bút dễ dãi muốn viết gì thì viết. Sự cầu an đã biến thành cầu lợi, hỏng là hỏng ở chỗ đó. Hãy bắt đầu bằng một sự thực đơn giản: Thơ Xuân Diệu sau 1945, có nhiều bài rất dở. Nó gò gẫm giả tạo. Nó chỉ chứng tỏ rằng người viết cố làm cho bằng được, chứ mất hết cả cái vẻ tự nhiên hồn hậu mà thơ hay đáng lẽ phải có. Tôi không trở lại với những ví dụ đầy rẫy trong thơ Xuân Diệu trong các tập Mẹ con, Riêng chung… in ra về sau, mà muốn trở lại một số bài thơ in ra từ 1946.
Dở! Nói lấy được! Ai cũng thấy bậc thơ thật không xứng đáng với tầm vóc con người đã viết những Nguyệt cầm, Thơ duyên, Lời kỹ nữ. Tuy nhiên để kéo lại, bài thơ lại nói được cái ý mà người viết và cả không ít người đọc lúc đó cần thiết: thơ phải gia nhập vào đời sống mới. Và nếu như bài thơ lại đứng tên Xuân Diệu thì điều đó càng có ý nghĩa. Nó không còn là một bài thơ lẻ nữa. Nó là một thái độ. Bởi vậy, mới có chuyện bài thơ được in vào một tuyển tập mang tính cách tuyên ngôn Văn hóa và Cách mạng, và được đặt bên cạnh những bài viết khá tâm huyết khác.
Rồi ra, trường hợp như sẽ còn trở đi trở lại nhiều lần với Xuân Diệu. ấy không còn là những bài thơ cụ thể nữa. Mà mỗi bài hoặc gần như mỗi bài, là một tuyên ngôn. Này là Xuân Diệu đã đi kháng chiến, và tỏ lòng tin tưởng ở kháng chiến. Này là Xuân Diệu ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung Xô. Này là Xuân Diệu đã có mặt trong chiến dịch phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Là con người năng nổ hoạt động, có thói quen ép mình làm bằng được những bài thơ cần làm, Xuân Diệu không bỏ qua một sự kiện quan trọng nào mà không lên tiếng. Và việc sử dụng các bài thơ đó ở những vị trí trang trọng, mỗi lần một chút giúp vào việc hình thành ở Xuân Diệu cách hiểu mới về sự tồn tại. Từ nay mình đã thành nhân vật rồi. Cứ nín nhịn mà chịu đứng tên sau những bài thơ dở, thì rồi cuối cùng cũng vẫn có thể có một sự nghiệp. Với việc một tập thơ không mấy xuất sắc như Ngôi sao được giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955, Xuân Diệu càng có dịp củng cố cái triết lý nhẫn nhịn, của mình, nhẫn nhịn trong sáng tác, ngoài ra, không tự ái, không xấu hổ, cứ nằn nì nài nẫm một hồi là chính anh em văn nghệ cũng sẽ thương mình, dành những phần thưởng xuất sắc cho mình. Sự nhẫn nhịn rút cục hiện nguyên hình bản chất của nó, một sự tha hóa, tức là tự đánh mất mình, biến con người vốn có của mình thành một con người khác, miễn sao tồn tại, và nếu như tồn tại trong cao sang vinh hiển thì càng tuyệt.
Nhà thơ Tế Hanh, khi nghe tôi nói tới sự nhẫn nhịn biết điều của Xuân Diệu, cũng nhớ lại vài chuyện mà ông còn nhớ, và nếu không phải Xuân Diệu nói ra, thì tự ông, không dám tin là thật. Chẳng hạn, có lần Tế Hanh hỏi:
– Diệu ơi! Sao anh làm những Tặng làng Công, với Bà cụ mù lòa, lục cục thế?
– Tế Hanh nghĩ, không làm những bài ấy, thì ai trả lương cho mình?
Câu chuyện trên, có lẽ là xảy ra đã lâu, hồi Tế Hanh mới từ khu Năm ra, gặp Xuân Diệu từ Việt Bắc trở về Hà Nội, cả ai cùng làm báo Văn Nghệ. Từ đó, mấy chục năm cùng sống trong giới, Tế Hanh càng bắt gặp ở tác giả Thơ thơ cái nét nhẫn nhịn nói trên. Đến mức có lần, bấy giờ đang còn những năm chống Mỹ thấy Tế Hanh có làm bài thơ về Phạm Thái, Xuân Diệu khen:
– Tế Hanh bạo nhỉ!
Thì ra, vốn cũng rất thích Phạm Thái, nhưng Xuân Diệu sẵn sàng: “để ở bên lòng” không nói gì về tác giả Sư kính tân trang, khi trong giới nghiên cứu và sáng tác văn học đương thời lưu hành một dư luận cho rằng Phạm Thái chống Tây Sơn và thơ thì lãng mạn!
ở trên chúng ta đã nhắc chuyện ông có thời gian bỏ giới sáng tác, đi làm nhà đoan.
Về sau, không bao giờ Xuân Diệu làm công việc từ bỏ dứt khoát như thế nhưng những cuộc từ bỏ nho nhỏ, thì ông làm khá thường xuyên. Ông phải né tránh, Ông phải làm của những việc ông không muốn.
Năm ấy, nhà thơ trẻ K.M. mới xuất hiện, tuy là đang ở tuổi vị thành niên. Đi đâu cũng có người khen, nhưng lúc đầu, tôi nhớ là Xuân Diệu không khen. Với cách nói có phần nanh nọc của một người đàn bà nhà quê ông bảo khen K.M. thì có khác gì ra đường mà kêu ầm lên rằng “các ông các bà ơi, con gái tôi muốn ba tuổi mà đã có mang”
Có thể là Xuân Diệu đã nói đúng đến nay. Không ai còn nhắc đến K.M. nữa. Nhưng vào khoảng thời gian đó, hình như người ta đang cần khẳng định một tài năng trẻ. Cần chứng tỏ chúng ta đang làm rất tốt việc bồi dưỡng các thế hệ kế cận. Nghe ngóng rằng cấp trên gửi gấm nhiều hy vọng ở K.M., Xuân Diệu thay đổi hẳn thái độ. ít lâu sau trên báo Văn Nghệ, ngay trang một, thấy xuất hiện một bài khen thơ K.M. hết lời. Cái tài bình thơ vốn có tác giả Các nhà thơ cổ điển Việt Nam được Xuân Diệu vận dụng triệt để, cốt để mọi người cũng như chính ông tin rằng thơ K.M. rất hay. Sự nhẫn nhịn đã khiến cho Xuân Diệu đánh mất mình lúc nào không biết.
Chương IV
Cây hoàng lan cô đơn
So với hoàn cảnh nhà cửa ở Hà Nội, thì căn phòng riêng của Xuân Diệu ở Cột Cờ (nay là Điện Biên Phủ) phải nói là đã khá tươm tất. Căn phòng rộng đâu gần hai chục mét. Nhà thơ làm việc tại cái bàn kê sát cửa sổ. Gần đấy là bàn tiếp khách: một ấm pha trà nhỏ, vài cái chén loại cổ. Tôi nhớ mặc dù Xuân Diệu không hút thuốc, nhưng ông vẫn có một hộp thuốc lá, để thỉnh thoảng mời anh em hút chơi. Sự tiếp khách của Xuân Diệu chừng mực trân trọng thế lại luôn luôn có sự thân tình. ở đây không có chỗ cho sự sáo rỗng. Nhưng được chiều vậy, mà mấy khi chúng tôi dám ngồi lâu, vì thật ra ngày từ lúc vào, chúng tôi đã bắt gặp Xuân Diệu đang làm dở việc gì đó, thành thử, sau những trao đổi cần thiết, khách khứa cũng tìm cách rút lui cho đúng lúc. Chỗ ở của Xuân Diệu không thể là cái nơi người ta đến, dềnh dàng tán chuyện hoặc lang chạ, như nhà một vài người khác. Nhiều khi, đi ngoài đường nhìn vào, chúng tôi vẫn bắt gặp Xuân Diệu với cái đầu lắc lắc đang miệt mài làm việc bên bàn. Vũ Quần Phương bình luận rất hay: Đầu lắc lắc, luôn luôn “đấm nhẹ vào trán kêu đau óc lắm, nhưng năm nào cũng có sách xuất bản”. Thế thì ai dám ngồi lâu được?
Nhưng nói đến chỗ ở, chỗ tiếp khách của Xuân Diệu tôi không chỉ nhớ tới căn phòng, mà còn một khung cảnh nữa, khá thú vị. Vào những ngày hè, đến chơi Xuân Diệu, có lần tôi bắt gặp ông mặc quần áo cộc, khênh cái bàn trúc ra ngồi ngay lối đi. Ngồi đấy, tay phe phẩy cái quạt, mắt lim dim suy nghĩ, ông làm thơ, dịch thơ. Sự thư nhàn của một người vốn bận bịu, có cái nét duyên riêng của nó. Vào những ngày chớm thu, trời còn nóng, nhưng cây hoàng lan xế cổng đã tỏa bóng mát thật dễ chịu. Thơ Xuân Diệu từng nói tới cây hoàng lan ấy.
Hương chín hoàng lan thu tới đó
Lơ thơ trong chợ nhãn xong mùa
Năm nay em vắng không ăn nhãn
Anh một mình thôi, cũng chẳng mua.
Không hiểu làm sao, tôi cứ nghĩ vân vi mãi về cây hoàng lan cổng nhà Xuân Diệu. Quả thật, đó là một giống cây lớn cùng loại với những xà cừ, bàng, mít, loại cây lưu niên mà người ta vẫn trồng để ăn quả và lấy bóng mát. Thân cao, xù xì, là thưa và mỏng, nhiều khi hoàng lan lại có cái vẻ ngạo nghễ mà giống cây mọc cô độc thường có. Có điều, đó là thứ cây cho ta loại hoa mỏng mảnh, cánh tuy to và dày, nhưng bao giờ cũng rủ xuống yếu đuối, và hương thơm thì hơi hắc hắc. Một thứ hoa giành để cúng lễ, và theo tôi nhớ trước kia cũng là thứ hoa để những người con gái đang yêu dắt trong áo. Tự nhiên trong tâm trí tôi vụt lên một liên tưởng. Trong toàn bộ văn học, con người ấy là một thân cây cổ thụ, mà vóc vạc, dáng hình cứ lừng lững, lừng lững tồn tại. Song trong đời sống hàng ngày nhất là khi nói chuyện riêng lại là con người của sự từ tốn, ý nhị: “Cành biếc run run chân ý nhị” “Rung rinh ánh sáng bỗng rùng mình”. Những thoáng rung động tinh vi kiểu ấy đã đi vào cả trong cách sống hàng ngày của ông. Cộng với cuộc sống độc thân, kéo dài “mãn tính”, cuối cùng ở Xuân Diệu hình thành một cốt cách riêng, kết hợp cả sự chăm chỉ xốc vác, đôi khi như là hùng hục làm, làm bằng được, làm quần quật suốt ngày này tháng khác, với sự tinh tế, nhỏ nhẹ, cái sự chiều lòng mọi người! Vâng Xuân Diệu chính là một thứ cây hoàng lan cô đơn đổ bóng bên nhà ông đó.
Nếu như mọi người đàn ông đã “một nửa là đàn bà” thì cái phân số đàn bà trong người Xuân Diệu còn cao hơn một bậc nữa. Ai trong đời từng được tác giả Thơ thơ quý trọng, đều biết nét tâm lý này của Xuân Diệu, những khi ông đến chơi nhà. Con người kiêu hãnh Xuân Diệu lúc đó, như biến đi đằng nào. Ông hoàn toàn nhỏ nhẹ, khiêm nhường, rón rén, chỉ sợ làm phiền người khác, nét mặt cứ ngẩn ra trước những gì khác lạ, và muốn làm mọi cách để vui lòng người bạn của mình. Mà thường trong những trường hợp đó là Xuân Diệu mang cho, chứ đâu phải đến làm phiền! Thuở ông còn sống một số người chỉ biết Xuân Diệu hay đòi bằng được cái nọ cái kia, đòi đẵng thêm một bài thơ, đòi tổ chức thêm một buổi nói chuyện. Có biết đâu, nhu cầu mang cho ở Xuân Diệu cũng rất lớn. Một chi tiết nhỏ trong muôn vàn chi tiết liên quan đến những cuộc nói chuyện thơ của Xuân Diệu: sau những lần phục vụ thơ ở Đội cây xanh thuộc công ti quản lý công viên Hà Nội. Xuân Diệu được anh chị em công nhân coi như một thành viên của đội. Cứ đến gần tết, trong đội có một quyền lợi nho nhỏ một số cây cỗi, đã đánh về rải rác trong năm, nay mang chia đều mỗi người một ít, chở về nấu bánh chưng là hợp nhất. Xuân Diệu cũng được một phần củi như mọi người. Và bao giờ Xuân Diệu cũng đến lấy, buộc bó cẩn thận, đèo sau xe đạp, mang về… tặng gia đình Hoàng Trung Thông.
Đàn bà trong cách thương mến, chiều chuộng mọi người, và Xuân Diệu cũng rất đàn bà trong cách cáu giận, bực mình. Ngồi họp với Xuân Diệu nhiều người chúng tôi thường để ý tới hai giai đoạn: Ban đầu Xuân Diệu lơ đãng nghe, cười với một người lâu mới gặp, nhiều khi cúi đầu xuống như còn mải nghĩ về công việc đang làm dở dang. Nhưng chỉ cần có chuyện gì chạm đến điều Xuân Diệu tâm đắc, là lập tức ông như chồm dậy nói sa sả, nói hết gan ruột mình, cả miệng, mắt, đầu tóc, như cùng tham gia vào cuộc phát biểu. Và trong cái lúc bộc lộ hết mình này, cũng như khi đi nói chuyện, Xuân Diệu rất hay làm thêm động tác, lấy cái ngoắt tay, cái chẩu mỏ, để diễn tả ý tứ cần nói. Đôi khi chúng tôi nói vụng sau lưng: “y như các mẹ nhà quê cãi nhau” Cái tật nói dài, nói kỹ, nói bằng được, mà nhiều khi chúng ta bắt gặp trong thơ, và nhất là trong  tiểu luận phê bình của Xuân Diệu, thực ra cũng bắt đầu từ lối nói dứt da dứt thịt, mà chúng ta thấy trong Xuân Diệu hàng ngày đó.
ấy cáu giận thế, tham lam thế, nhưng tựu trung lại trong quan hệ với mọi người Xuân Diệu vẫn là một người khiêm cung biết nhẫn nhịn và trung hậu nói như Xuân Diệu từng nói. Sự biết điều ở ông là trên nét lớn và có bao hàm những trừ bì. Tham lam mà lại là biết điều. Vì biết mình chỉ có ít, không chịu phí phạm cái gì! Tự hào đấy, hãnh diện đấy, nhất là trước đám đông, nhưng trở về với người thân trong không khí của hậu trường, lại dễ dàng cười xòa. Tôi nhớ một lần, nói chuyện với Xuân Diệu về tình thế chung của văn học Việt Nam: Chúng ta còn nghèo, trước cách mạng thực tế một đất nước thuộc địa không khỏi ảnh hưởng đến sáng tác của cả một lớp nghệ sĩ rất tài năng. Xuân Diệu thấy cả. Và vừa như biện hộ, vừa như khẳng định chỗ yếu kém của mình, Xuân Diệu khoát tay, mượn một cách nói hơi có vẻ tục, để kết luận:
– Thì dân tộc cũng chỉ rặn ra được một lũ chúng tôi.
Tính thiết thực là một thói quen thường có ở Xuân Diệu và cũng lạ một điều bạn bè đồng nghiệp có dịp đến nhà chơi, tiếp xúc với tác giả Thơ thơ trong cái thực hàng ngày, nhớ kỹ hơn cả. Lúc về tận kháng chiến chống Pháp, Thanh Tịnh nhắc lại chuyện Xuân Diệu lục ba lô lấy cho mấy lạng muối, hoặc trước lúc chia tay, tặng cái nắp bút Paker nhặt được trên đường. Vũ Quần Phương hay kể chuyện Xuân Diệu dặn ăn kẹo phải ngậm đừng nhai, nhai là phí. Nguyễn Đăng Mạnh bắt đầu bài hồi ký bằng câu chuyện Xuân Diệu tặng mình một cuộn giấy báo chưa in, bảo rọc ra mà làm bản thảo dần. Trần Đăng Khoa có lần kể với tôi là một bận Xuân Diệu hẹn đến chơi, nhưng đến hơi sớm một chút. Thế là Xuân Diệu đưa cho mấy tờ báo bảo đọc, rồi ông tranh thủ… ngủ. Ngủ đâu mười phút, đúng giờ lại dậy, làm việc, tiếp khách.
Trong số những ấn tượng về con người Xuân Diệu lúc về già, tôi nhớ đến cái dáng ngồn ngộn của ông. Ông rất béo. Người không căng lên mà lại lõng thõng những túi thịt đầy. Da như trơn láng hơn, và cả người toát ra vẻ nồng nồng mà chỉ phụ nữ mới có. Ra đường, ông ăn mặc đúng mốt, mùa hè thì thường áo sơ mi cộc tay bỏ ngoài quần. Cả người thơm tho lịch sự. Nhưng trở về nhà, bên bộ bàn ghế bằng tre cũ càng, ọp ẹp, là lại đánh bạn với cái quần đùi lõng thõng dải rút, đã ngả bạc, cái sơ mi hình như đã lấm tấm rách rạn vài chỗ. Xuân Diệu đã vào với bao nhiêu cảnh giàu sang phú quý, mà ông vẫn giữ nếp nghèo như xưa. Và ông có ý thức về điều ấy lắm. Khoảng đầu 1980 có lần, tôi hỏi Xuân Diệu “Sao anh không vào ở Sài Gòn?” thì được đáp lại rất hồn nhiên: “Ôi, vào đấy sao nổi, chỉ nghe tiếng băm thịt của nhà hàng xóm, mình đã không sống yên ổn rồi… Nghèo như chúng mình, chớ nên vào”.
Có lẽ bởi luôn luôn nghĩ rằng mình nghèo, nên Xuân Diệu càng chăm chỉ lam làm và trước tiên, càng tự hạ mình, cho phép mình vơ véo nhặt nhạnh, nó là đầu mối của cái tính đàn bà nơi ông mà chúng tôi bắt gặp.
Này là những ngọt ngào của Xuân Diệu khi cần lấy lòng ai đó cái đầu nghiêng nghiêng, con mắt đắm đuối Xuân Diệu tự hạ mình khác chi Người kỹ nữ.
Này là những lúc Xuân Diệu đi nói chuyện, làm đủ mọi thứ bộ tịch để thiên hạ vui lòng. Một giáo viên dạy văn sau nhiều lần đi nghe Xuân Diệu nói chuyện, có tâm sự: Mình dạy học có khi còn thay đổi bài giảng từ lớp nọ, sang lớp kia. Cụ ấy thì không, cứ bài nói chuyện ấy, cụ ấy kéo, đúng đến chỗ ấy thì dừng lại cho người ta vỗ tay. Cứ thế mà làm.
Xuân Diệu đã trở thành một người lao động đơn giản theo nghĩa đen của từ này. Tô Hoài nhận xét: “Mình đã nghe nói vài lần mình biết. Chỉ loanh quanh một ít thơ Cụ Hồ, một ít ca dao, sau đó là thơ tình Xuân Diệu” (khi tác giả Thơ thơ mất, Tô Hoài viết bài kể chung quanh bài thơ Phia Khình Tô Hoài đã được nghe Xuân Diệu nói từ kháng chiến, sau sang Lào lại được nghe nói đến bài thơ ấy. Trong lời kể, có sự quý trọng, lại có sự đùa bỡn)
Cùng đi với Xuân Diệu về một nơi nào đó, sau những buổi nói chuyện tôi chỉ thấy Xuân Diệu có hai thứ nữa sung sướng là ăn và ngủ. ồ, không thể tưởng tượng được là con người ấy dễ ngủ lắm! Ngày ba buổi nói chuyện, với ông không phải là quá. ở những chỗ ông chưa nói chuyện bao giờ, mà chỉ bố trí ngày có hai lần là ông giận lắm. Và khi không có việc gì làm cho hết ngày, ông lăn ra ngủ, cái gối kê khá cao, ngủ ngáy đều đều, những lần thoáng thấy, bao giờ chúng tôi cũng cố tránh cho xa, vừa sợ kinh động đến người, vừa sợ thấy ông không sinh động, đẹp đẽ, như lúc ông thức. Không ai nói ra nhưng hầu như tất cả những người đi trong chuyến ấy gặp nhau ở ý nghĩ: tác giả Thơ thơ già rồi. ở Hà Nội ai có gia đình người ấy ngày tháng trôi đi đều đều và ai cũng cảm thấy Xuân Diệu luôn luôn có mặt trên báo chí, cho nên không ai cảm thấy Xuân Diệu già. Nhưng cùng đi công tác với nhau, chúng tôi thấy Xuân Diệu thật già. Chúng tôi chợt nhận ra một điều: từ lâu, Xuân Diệu không gây cho ai bất ngờ nữa. Và Xuân Diệu cũng yên vị với những gì đời đã cho mình. Xuân Diệu biết là mình không thể khác.
Một trong những nét thấy rõ ở con người trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng là ở tính chất cô đơn không thể hòa nhập vào cuộc đời Theo một thói quen cũ kỹ, lâu nay bao giờ người ta cũng coi đó là một chỗ đáng phê phán, có biết đâu rằng nhiều khi cảm giác cô đơn chính là mặt trái của nỗi khao khát sống, và bằng chứng trưởng thành của nhân cách. Đối với thơ Xuân Diệu sau cách mạng tình hình có khác. Ca ngợi ở Xuân Diệu cái khả năng đi vào đời sống, gần gũi với đời sống là cần thiết, nhưng đối với tác giả Thơ thơ - cũng như với nhiều người khác - đôi khi chúng ta quên không đặt ra những yêu cầu cao đối với ông. Và thế là ở Xuân Diệu xuất hiện những vệt mòn. Nếu trong thơ tình Xuân Diệu thời gian đầu (những năm 50, 60) người ta còn bắt gặp những bài hăm hở, tha thiết đau xót. Thèm muốn, bơ bơ (kiểu như Phương mười năm, Hội) thì những năm 70, 80, thơ Xuân Diệu chỉ còn nói đến sự hòa hợp vốn là một cái gì, ông không có, hoặc có một chút song ông đã đánh mất. Xuân Diệu đã nghèo đi, và chúng ta cũng nghèo đi, mà chúng ta không biết. Rồi chính cái cách sống được nói tới trong thơ, lại ảnh hưởng tới cách sống hàng ngày. Thật vậy, mặc dù trước sau Xuân Diệu vẫn sống đơn độc, không có gia đình, nhưng về già, con người ông như chai đi, ông cảm thấy bằng lòng với hoàn cảnh, ông tạo ra đủ lý lẽ để bảo vệ cho cách sống ông buộc phải sống. Để chống trả thời gian, vượt lên thời gian, mà cũng là cách tốt nhất để chống lại băng giá của sự cô đơn Xuân Diệu đã làm việc quần quật. Đến thăm Xuân Diệu so sánh cuộc sống của ông với cuộc sống những người bình thường khác một đời người cảm thấy thương xót vô hạn, chứng như mình sẽ phải chứng kiến một sự cô đơn không cùng. Nhưng hóa ra chúng ta nhầm! Xuân Diệu không cần, không biết đến ai thương xót, ngược lại, ông bằng lòng với hoàn cảnh của mình và cho rằng trong hoàn cảnh ấy, mình đã chọn được con đường tối ưu để sống và viết.
Thế có bao giờ Xuân Diệu “hố” không, lộ vở là một người yếu đuối vụng về không? Có bao giờ sự cô đơn đã giáng cho ông một cú nặng nề, ngay trước mắt mọi người? Có bao giờ giá tỉnh táo ra, ông phải hối tiếc cho cái tình thế cô đơn của mình?
Có, cũng có một lần như vậy, và câu chuyện xảy ra một cách bột phát, tới mức, như một trò chơi của tạo hóa, một số người chúng tôi có tham gia vào, về sau có hối hận cũng không kịp!
Năm đó, đã là 1985, cái năm về sau sẽ được xem là năm cuối cùng trong cuộc đời Xuân Diệu, nhưng hình như cả ông, cả chúng tôi, đều không ai tính tới chuyện đó. Xảy ra việc làm tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985, loại sách mà dần dần, đã biến thành một thú cúng giỗ, do đó cũng là một chỗ phân chia thứ bực rất quyết liệt: Ai sẽ được vào, câu hỏi đó đặt ra với đông đảo mọi người chưa giải quyết xong, thì ai sẽ được lấy 6 bài, ai 4 bài, ai 2 bài lại được đặt ra và câu hỏi này mới thật khó phân xử. Vì toàn động chạm tới các “tướng lĩnh” cỡ lớn trong giới. Theo chỗ tôi nhớ, thì mặc dù đã là người chủ trì làm nhiều tuyển tập văn thơ Việt Nam, từ hồi ở Việt Bắc (Tập văn cách mạng và kháng chiến) cho tới sau hòa bình 1953 (Thơ Việt Nam 1945-56) và vinh quang nhất là Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, song đến tập này, Xuân Diệu không được đứng ra làm nữa, mà người được giao chủ trì là nhà thơ Tế Hanh. Đứng về mặt số lượng bài được đưa vào trong tập thì Xuân Diệu vẫn thuộc loại nhất. Cũng như ông được chọn 6 bài. Tuy nhiên, lúc xem cả tập thì Xuân Diệu vẫn không bằng lòng. Câu hỏi của ông nằm ở sự so sánh:
– Tại sao Xuân Diệu 6 bài, mà loại như người này được những 4 bài, loại người kia được 3 bài.
– Những người soạn tuyển tập đã quên mất rằng: chỉ sau Tố Hữu thôi, chứ Xuân Diệu đứng ở một thế cao vòi vọi, không một nhà thơ lớp sau nào dám so sánh chăng ?
Nói tới người nọ người kia, song lần ấy mũi nhọn công kích của Xuân Diệu tập trung dồn về Xuân Quỳnh, người phụ nữ được in bốn bài.
Từ hồi bắt đầu chống Mỹ, trong thơ Việt Nam, vấn đề thế hệ bắt đầu được đặt ra rõ rệt. Có lẽ là do một sự bén nhạy nào đó, nên Chế Lan Viên rất hiểu chuyện này. Đi đâu ông cũng đặt vấn đề là phải bồi dưỡng cho lực lượng trẻ, rồi họ sẽ thay thế chúng ta. Ngược lại, Xuân Diệu nổi tiếng là một người cay nghiệt. Mặc dù chính Xuân Diệu đã thanh minh rằng bởi yêu nên mới cho roi cho vọt song ai cũng nghĩ ông cố chấp quá.
Thật ra giữa Xuân Diệu và Xuân Quỳnh không có gì xung đột.
Thậm chí, ở một phương diện nào đó mà xét, có thể bảo Xuân Quỳnh là người tiếp tục giọng thơ Xuân Diệu. Cũng tinh tế như thế, nhất là cũng ham sống, cũng nồng nhiệt như thế.
Nhưng những người giống nhau lại hay kỵ nhau. Trong nghề làm thơ, Xuân Quỳnh tìm tòi học nghề ở Chế Lan Viên chứ không ở Xuân Diệu. Ngược lại, Xuân Diệu thấy loại như Phạm Tiến Duật là lạ, chứ Xuân Quỳnh không lạ. Sự không bằng lòng nhau ngấm ngầm đã có từ lâu, đến lúc này mới có dịp bùng nổ.
Cây tuổi già, Xuân Diệu đi khắp nơi rêu rao, cho là Xuân Quỳnh không đáng  như thế, chẳng qua đây là một nhà thơ phụ nữ xinh đẹp, nên chài được mọi người (chữ chài là của Xuân Diệu) khiến cho chẳng còn thể thống gì nữa.
Xuân Quỳnh cũng chẳng phải người vừa. Thấy Xuân Diệu công khai nói mình ngay cả trong các buổi họp mà bản thân mình không dự, Xuân Quỳnh cho là bị xúc phạm, và nghĩ chuyện trả thù.
Lịch sử đã biết tới nhiều ca “điên” của phụ nữ, câu chuyện tôi kể ở đây, chẳng qua là con sóng vỗ trong cái cốc nhỏ, nhưng nó không phải là không ghê gớm. Trong thư gửi Xuân Diệu, Xuân Quỳnh dùng tới những lời lẽ đáo để nhất, cốt có thể làm cho Xuân Diệu đau đến chết điếng đi, mà không sao cựa lại nổi. Xuân Quỳnh nhắc đến quá khứ của Xuân Diệu. Người đã nổi tiếng từ trước Cách mạng như vậy, thơ làm sao đi với Cách mạng thành tâm được? Xuân Quỳnh đặt câu hỏi và trả lời: Chẳng qua Xuân Diệu cơ hội, muốn lợi dụng cách mạng.
Xuân Diệu không tài cán gì. Thơ Xuân Diệu đã hỏng hẳn rồi, mất hết sự sinh động và tự nhiên rồi, Xuân Quỳnh bảo vậy.
Đi đến cùng trên con đường triệt hạ nhà thơ lớp trước đã nói xấu mình, chê bai làm nhục mình, Xuân Quỳnh nói tới tình trạng đơn độc của Xuân Diệu và cho rằng chỉ những người thất đức mới bị trời đày như vậy.
Bức thư như một mũi tên tẩm thuốc độc, chắc chắn làm cho Xuân Diệu giãy dụa trong đau đớn. Nhưng nó còn làm cho Xuân Diệu chết đi sống lại - tôi đoán thế - do một ác ý, mà nhiều bạn bè của Xuân Quỳnh, trong đó có người viết bài này, xúi bẩy Xuân Quỳnh làm. Đó là không chỉ gửi riêng lá thư cho Xuân Diệu, vì làm thế, có thể tạo cơ hội cho Xuân Diệu tránh đòn tức là giấu biệt thư đi không cho ai biết. Muốn để Xuân Diệu đau đớn hơn, Xuân Diệu gục ngã ngay trước mặt mọi người chúng tôi bày cho Xuân Quỳnh  sao lá thư này làm vài ba bản, gửi đi vài ba nơi cần thiết.
Không cần phải nói, cũng có thể đoán Xuân Diệu đã đau đớn như thế nào.
Câu chuyện xảy ra cuối hè 1985, thì đến cuối năm đó, Xuân Diệu qua đời. Trong khi mọi người cuống quýt lo lắng cho đám tang, thì Xuân Quỳnh cảm thấy như mình có lỗi, và không biết làm gì để cứu chuộc. Đại khái Xuân Quỳnh chỉ phân bua với mọi người là mình cũng rất biết ơn Xuân Diệu, mình không có ý hại ông. Mấy kẻ xúc xiểm chúng tôi, lúc này cũng cảm thấy mình vô duyên và có phần độc ác. Tuy nhiên những khi thật tỉnh táo nhìn lại câu chuyện Xuân Quỳnh - Xuân Diệu nói trên, chúng tôi hiểu ra một điều: nhà thơ của chúng tôi có lỗi trước tiên, mà cái lỗi đó, một phần bắt nguồn không phải sự già, mà là sự đơn độc của ông. Chúng tôi hàng ngày dù đôi khi cũng tỏ ra vô lý, cứng quèo, song cuộc sống gia đình luôn mách bảo chúng tôi về một cuộc sống như nó vốn thế, vợ con ở nhà thực là những người khuyên nhủ chúng tôi thường xuyên rằng sống phải biết thông cảm hơn, phải cận nhân tình hơn.
Xuân Diệu buồn hơn nhiều.
Xuân Diệu không có được một đời sống gia đình bình thường.
Cho nên trong quan hệ với mọi người Xuân Diệu đã phạm những sai lầm không thể tha thứ được.
Trước sau, đó vẫn là cây hoàng lan cô đơn đang đổ bóng.
Chương V
Đối diện với vĩnh cửu
Những năm cuối đời Xuân Diệu rất nổi tiếng với việc phê bình giới thiệu thơ nhất là giới thiệu cách tác giả cổ điển. Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Tú Xương, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và á Nam Trần Tuấn Khải. Cái lạ của Xuân Diệu trong việc này hầu như với bất cứ nhà thơ liệt hạng nào, ông cũng đều yêu mến và tìm được cách tiếp cận. Không một ai đối với ông là bí hiểm, là khó giải thích, hoặc hơn nữa, là không thể giải thích nổi. Trong những bài phê bình và tiểu luận mà cách viết ngày càng dông dài và thông tục, nhất là trong những buổi nói chuyện lặp đi lặp lại ở cái nghề mà có người đã gọi đùa là nghề thầy cúng ấy, thì tránh sao cho khỏi lặp lại? Ông làm được một việc to lớn là phổ cập hóa thơ làm cho thơ trở nên dễ hiểu và các nhà thơ lớn, trở nên như là của mọi nhà. Tuy nhiên, cũng chính trong những lúc ấy, Xuân Diệu phô ra những nhược điểm lớn của mình - sự dễ dãi. Do đi với ai, làm cầu nối cho bất cứ ai cũng được, nên Xuân Diệu không thuộc hẳn về ai, không phát hiện được ai đến cùng. Trong khi rất kỹ lưỡng, rất thành thục với những điều ai cũng có thể thấy, thì Xuân Diệu lại không có những chỗ mà người thường không thấy và chỉ ông mới thấy. Những phát hiện của Xuân Diệu suy cho cùng, vẫn chỉ là ở vòng ngoài, chưa bao giờ thực sự bắt ngòi làm người đọc bàng hoàng ngơ ngẩn. Như người ta vẫn thường nói, đọc người khác là đọc chính mình. Hiểu biết tức là sánh ngang. Những tư tưởng sâu sắc chỉ được phát hiện khi người đọc ra chúng cũng hoàn toàn có điều kiện để nghĩ ra chúng. ở chỗ này, thì với những thiên tài độc đáo của dân tộc, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, dù Xuân Diệu đã nói rất nhiều, song không phải là đã lý giải được cái thần của các vị ấy.
Không phải là Xuân Diệu không biết vị trí của mình ở đâu. Đọc những bài ông giảng giải về các bậc thày nghề nghiệp mà Xuân Diệu đã biết, người ta luôn luôn bắt gặp cái ý:
– Tôi không sao nói hết được cái vi diệu mà cũng là cái cao cả của nghệ thuật! Các vị ấy là những tay thợ bậc 7, bậc 8 kia đấy! Vâng những người ở vào tột bậc nghề nghiệp, trong khi một người như tôi, chỉ thuộc loại bậc 4, bậc 5. Vậy thì các anh hãy nghe tôi nói đây, hỡi những tài năng lẫm chẫm bậc 1, bậc 2!
Dẫu sao, so với các nhà văn nhà thơ đương thời Xuân Diệu là người đã đến với các tác giả cổ điển thành tâm nhất, nhiệt tình nhất.
Mà đây là một việc làm hoàn toàn có ý thức
Rất hiểu tài năng phê bình ở mình - tài năng đồng cảm phân tích đánh giá cái hay cái đẹp - ông hướng nó vào một chỗ có thể tồn tại lâu bền:
– Cho che tàn, tôi cũng che tàn cho mấy ông to, chứ không làm dáng cho mấy anh trẻ ti toe.
Đối tượng so sánh của Xuân Diệu trong trường hợp này là Chế Lan Viên.
Trên cương vị trưởng tiểu ban thơ, tác giả Điêu tàn những năm ấy thường vẫn phải đứng ra giới thiệu anh em trẻ. Và có làm là có lầm lỡ. Một đôi khi Chế Lan Viên đã đứng ra phân tích sáng tác của một hai cây bút mà chỉ một hai năm sau đã không ai nhớ! Xuân Diệu không làm thế. Dù mang tiếng là hay nghiệt với lớp trẻ, ông cũng thây kệ. Cái đích mà ông khao khát chiếm lĩnh là những giá trị còn mãi trong đời. Việc tìm hiểu giới thiệu các tác giả cổ điển, với tất cả sự khó khăn có thể có của nó, chừng nào đó, vẫn bảo đảm cho Xuân Diệu có điều kiện đến với cái đích đã đề ra. Việc ông sốt sắng lao vào nó hết mình là kết quả của cả tình yêu lẫn  một sự tính toán khá chính xác.
Đến đây, chúng ta lại có dịp đối diện với một khao khát thường trực mà cũng là một động cơ chi phối toàn bộ con người Xuân Diệu, nó như nhiên liệu, tạo nên năng lượng cho mọi hoạt động của cái cỗ máy tinh vi trong con người tác giả Thơ thơ, đó là khao khát vượt lên trên thời gian, trở thành vĩnh cửu.
Là con người thiết tha với sự sống, chỉ sợ bữa tiệc đời vui vẻ kia mình không có mặt, Xuân Diệu có thích sống mãi trong đời, cũng là chuyện bình thường.
Huống chi, gần như suốt cuộc đời đơn độc, ở ông vắng thiếu hẳn mọi niềm vui trần thế như trò chuyện với vợ, chơi nghịch với con. Sự hướng về cái vĩnh cửu quả thật là cái phao lớn có thể mang lại lẽ sống cho Xuân Diệu, và chắc chắn ông đã tìm thấy ở đó một niềm vui cũng như một nguồn nghị lực to lớn.
Tuy nhiên, vấn đề sống chết, là cả một câu chuyện lớn và trong cái ham muốn phổ biến là trở thành bất tử, con người ta cũng tự chứng tỏ nhân cách của mình, trình độ hiểu cuộc sống của mình. Nếu như đã không biết sống cái ngày hôm nay, thì làm sao người ta có thể biết sống trong vĩnh viễn?!.
ở trên, chúng ta nói, do ham sống Xuân Diệu rất sợ chết và nỗi sợ ấy của Xuân Diệu đôi khi bị đẩy đi quá đà, đến chỗ tầm thường.
Không nên làm một cuộc so sánh làm gì. Nhưng mỗi lần nghe Xuân Diệu lắc đầu le lưỡi, nghĩ đến cái chết học theo Trần Thanh Mại tôi lại không khỏi nhớ tới những bà già nhà quê, lúc chớm già họ cũng bo bo bỏm bỏm, tưởng như mình chết nay chết mai đến nơi rồi và luôn chân luôn tay làm thêm, để dành dụm thêm mấy đồng, nhỡ lúc chết cần tới. Rồi tôi lại nhớ đến cái chết của mấy thi hào những người cùng quê hương Hà Tĩnh với Xuân Diệu, Nguyễn Du khi ốm đau, không chịu uống thuốc, chờ người nhà đến bảo thấy lạnh chưa, lạnh rồi hả, thế là nhắm mắt và không dặn gì thêm. Hoặc như Nguyễn Công Trứ, lúc biết mình chết bảo người thân đốt luôn cái nhà mình đang ở rồi chôn mình dưới đống tro.
Những mẩu chuyện như thế, hẳn là Xuân Diệu biết hết song vẫn cứ cái cách riêng của mình mà nghĩ, cách riêng của mình mà làm. Thật đúng như ai đó đã nói “Cuộc lựa chọn của mỗi người với chính mình cho chính mình, tạo nên một cái người ta gọi là số phận”.
Đầu năm 1982, Tuyển tập Xuân Diệu, tập một (thơ) ra đời trong sự chờ đợi. Ai cũng mong tác giả sẽ gạn đục khơi trong tạo ra cho mình một khuôn mặt khả ái. Nhưng không! Người tuyển quá tham, lấy vào tuyển quá nhiều bài thơ dở. Khi tôi hỏi Vũ Quần Phương, tại sao lại thế, thì được Vũ Quần Phương cho biết. Cố nhiên là Xuân Diệu có tham gia vào công việc. Và khi có người bàn rằng nên làm cho tinh, thì Xuân Diệu bác đi “Các cậu buồn cười thật. Chưa phải lúc làm tuyển làm tiếc gì cả. Giống như khi cháy nhà lúc này làm sao biết được cái gì hay với cái dở. Thấy bài nào bạn đọc chưa biết hãy nhặt vào đấy, sau này lịch sử định liệu”
ở đây, có cả sự biết điều chân thành lẫn sự láu cá trắng trợn, thô thiển.
Để công chăm lo là dựng tạo hình ảnh của mình với hậu thế là một việc mà không ít nhà thơ nhà văn lớn nghĩ tới, song cái cách làm của Xuân Diệu trong nhiều trường hợp thật đã trở nên vô nguyên tắc.
Vào những năm ấy, nhà phê bình Phan Cự Đệ còn đang thao túng đời sống văn học. Cùng với Hà Minh Đức, ông sớm bắt tay làm cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại 1945-75, giống như một thú đúc bia tạc tượng các nhà văn lớn đương thời. Phạn Cự Đệ bảo với Xuân Diệu:
– Anh tặng sách tôi như mang tiền gửi nhà băng, không có đi đâu mà thiệt.
Câu nói quả đã đánh trúng tim đen Xuân Diệu. Ông không tiếc gì một quyển sách và ông biết sách của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức là giáo trình bắt buộc với các sinh viên đại học.
Sau hết trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu người ta bắt gặp ở Xuân Diệu một chút gì như là… đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lại.
Sự thực dụng của Xuân Diệu trong việc này vốn có từ trước cách mạng. Chúng ta đã biết hồi mới ra Hà Nội, ông đã vô cùng tha thiết với việc tham gia vào nhóm Tự Lực. Thế nhưng, khi nhóm này tan, thì tình nghĩa của ông với các bạn cũ cũng cạn sạch. Trong khi một người như Tú Mỡ nhiều năm sau còn nhắc đến những kỷ niệm về Nhất Linh, Khái Hưng thì Xuân Diệu không bao giờ đả động đến những ngày làm việc ở Phong Hóa, Ngày nay.
Thơ thơ, in ra lần đầu (1938), bên cạnh hai chữ Xuân Diệu, còn chua rõ trong Tự Lực văn đoàn. Đến khi in ra lần thứ hai, mấy chữ trong Tự lực văn đoàn đã bị cạo hẳn.
Từ sau 1945, cái việc chia tay với Tự Lực còn được làm một cách ráo riết hơn nữa.
Nhật ký kháng chiến của Bùi Hiển (1946-47) còn ghi rõ vào những năm ấy, ở thành Vinh, Bùi Hiển có dịp gặp gỡ đủ mặt văn nghệ sĩ từ Nguyễn Tuân đến Hồ DZếnh. Lạ một điều, là vừa gặp, Bùi Hiển đã được nghe Xuân Diệu phân bua: chẳng qua khi mới đến với làng văn. Xuân Diệu còn phải nương tựa vào đám Tự Lực để lấy tiếng. Chứ thực ra có tình nghĩa gì đâu” (*)
Chúng ta đều biết, so với Hoài Thanh, Chế Lan Viên là những người có lúc triệt để phủ nhận Thơ mới thì Xuân Diệu có phần phải chăng hơn. Với những đứa con tinh thần đã dứt ruột đẻ ra, ông kiên trì bảo vệ đến cùng. Khi làm Tuyển tập của mình, ông đã lấy lại gần hết cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió. Kể ra, cũng là một hành động dũng cảm. Nhưng đây là thái độ phi lịch sử của Xuân Diệu: Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như thì giờ đây, những dây mơ rễ má đó, được ông xóa sạch.
Sợ liên lụy với những người bạn cũ, nay ở trận tuyến khác, trong các bài tiểu luận sử chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, do chính ông viết đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu ông giấu biệt chuyện mình từng là một thành viên của Tự Lực.
Và có lẽ chịu sự chi phối của ông - những lời năn nỉ thiết tha - nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, đều lờ chuyện này hoàn toàn.
Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông muốn bạn đọc biết.
Có cảm tưởng rằng, từ lúc phát hiện ra cái công việc cuối cùng của mình trong đời, là tạc lại hình ảnh mình trong tương lai, Xuân Diệu như có một cái đích. Ông băm bổ lao tới, và thấy rằng làm bao nhiêu cũng là không đủ.
Nhưng không phải Xuân Diệu đã mê muội hẳn.
Trong số những kỷ niệm trò chuyện với Xuân Diệu tôi nhớ một lần đứng với ông mấy phút trước cửa Hội nhà văn, cuối năm 1984. Theo chủ trương của nhà xuất bản Tác phẩm mới (nơi tôi làm việc), tôi gợi ý để Xuân Diệu viết hồi ký về cuộc đời mình. Nhưng ông từ chối. Ông cho rằng còn lâu mới đến lúc ấy, trước mắt ông còn nhiều việc phải làm và cần làm ngay. Chúng tôi nói lan man sang một ít chuyện khác, và có lúc, tự nhiên trở lại với đề nghị viết hồi ký của mình, tôi buột miệng:
– Tưởng như Xuân Diệu đã viết rất nhiều nhưng còn bao nhiêu chỗ, chính Xuân Diệu chưa khai thác mình!
Lần đầu tiên, tôi thấy ở Xuân Diệu có một thoáng buồn, một chút gì như là chạnh lòng. Chẳng lẽ là như thế chăng, một người đã chịu viết như ông, lại còn nhiều mảng trắng nhiều chỗ chưa viết? Như thế chẳng là buồn lắm sao?
Nhưng tôi đoán rằng với Xuân Diệu phút chạnh lòng ấy lại nhanh chóng quên đi, Và ông lại nhanh chóng trở về với công việc ông đã theo đuổi.
Khi Xuân Diệu còn sống, tôi biết rằng giữa ông với Nguyễn Tuân, có nhiều sự khác biệt, nên hai “cụ” không ưa nhau. Nhưng muốn hay không muốn đấy vẫn là hai đỉnh cao trong văn học. Từ thuở chưa về Hội nhà văn qua báo chí, tôi đã thấy nhiều chuyến đi do Hội Nhà văn tổ chức, có cả Nguyễn Tuân lẫn Xuân Diệu trong một đoàn: Có lần đi tuyến lửa Quảng bình 1965, lẫn lần đi thăm Liên Xô, cũng khoảng cuối năm đó. Có lần, tôi buột miệng hỏi Nguyễn Tuân, thì được cụ Nguyễn trả lời:
– Thì ghét của nào trời trao của ấy.
Khoảng năm 1982, Xuân Diệu vừa đi Pháp về, đang nói chuyện trên phòng họp, thì ở nhà ngang, Nguyễn Tuân rỉ tai tôi:
– Đang nói rằng chuyến đi thành công lắm, tuyên truyền cho Đảng và nhà nước được nhiều lắm. Có nói thế thì bận sau người ta mới cho đi nữa.
ấy vậy, mà khi Xuân Diệu mất, tôi nhớ Nguyễn Tuân đã thốt lên một câu từ tận đáy lòng:
– Xuân Diệu mất đi là mang đi một quãng đời của tôi đi theo.
Quãng đời mà Nguyễn Tuân nói ở đây, cũng là một chặng đường văn nghệ Việt Nam.
Các ông đều là những người ở lại với lịch sử, dù đó không phải là cái lịch sử như các ông đã nghĩ.

Chú thích:

(*) Trần Thanh Mại, Đời văn (II) 1940, tr. 47
(*) Xem Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, t.1.
 3/12/2009
Vương Trí Nhàn
Theo https://dangbi.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...