Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Sách về Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương

Sách về Lam Phương
Trăm nhớ ngàn thương

1. Gia đình ly tán
Lúc Lam Phương - nhạc sĩ bài "Kiếp nghèo" - còn bé, cha ông bỏ đi vì gia đình túng bấn, để lại người vợ làm thuê nuôi sáu con.
Sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương, do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút theo tài liệu của gia đình, vừa ra mắt nhân 70 năm làm nghề của ông (Phanbook và Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành). Tác phẩm được thực hiện trong thời gian ông điều trị tại Mỹ sau một cơn tai biến, không thể đối thoại được. Sách như những thước phim quay chậm về cuộc đời tác giả tiêu biểu của âm nhạc Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975. Dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng năm kỳ về chân dung nhạc sĩ tài hoa bậc nhất miền Nam.
Ký ức quê nghèo
Đó là một buổi sáng mùa thu của năm 1947.
Phùng dậy sớm hơn thường lệ. Ngoài sông, tiếng chuông chùa thổn thức từng vạt sương đêm. Chú bé nhìn bóng má theo ngọn đèn leo lét in lên vách thưa, rồi nhìn lại gương mặt của từng đứa em thơ đang ngủ say.
Chỉ lát nữa thôi, chú bé 10 tuổi sẽ rời bỏ quê hương Rạch Giá để lên Sài Gòn.
Chuyến xe đò lên phố thị trong buổi tù mù sáng, khi sương sớm còn chưa tan trên những khoảng sông và đầm lầy, mở ra cuộc đời tha phương đầy đa đoan, lắm thăng trầm.
Có một dòng sông chảy ngang phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Một bà má nghèo tảo tần nuôi sáu đứa con nơi con nước chia đôi mở hai hướng cảnh quan chơi vơi của vùng ngã ba sông, gọi là ấp Đầu Voi. Đối diện căn nhà tồi tàn trong xóm nhỏ là ngôi cổ tự Thập Phương cứ mỗi sáng tinh mơ lại ngân vang tiếng chuông mõ u trầm.
Nhạc sĩ Lam Phương năm ba tuổi. 
Ảnh tư liệu gia đình
Tiếng chuông mỗi sáng cứ thao thức hoài trong tâm hồn cậu trên những dặm đường gió bụi về sau. Đó là thanh âm đồng vọng buồn bã, xa vắng mà da diết nhất, thức dậy một vùng quê nhà yêu thương trong tâm hồn một người tự nhận mình là "dân quê".
"Với nhiều người dân quê, tiếng chuông chùa làm mất giấc ngủ sau một ngày vất vả ngoài đồng. Người ta khó chịu dữ lắm! Còn với tôi, tôi yêu tiếng chuông chùa Thập Phương. Tôi không thể hiểu vì sao còn rất nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận tiếng chuông đó rất buồn! Sau này, năm 1957 tôi đã viết bài Chiều tàn chỉ vì nhớ tiếng chuông xưa".
Ca từ của ca khúc này đẹp như bài thơ và một lần nữa kiếp nghèo, đời viễn xứ ám ảnh nét nhạc Lam Phương:
"Chiều tàn
Làn khói ấm mái tranh hiền bao niềm thương
Chiều ơi, mây bơ vơ từ ngàn hướng
Lạc loài nơi chốn quê
Gió không biên cương lạc đường về
Tràn bao ngõ tối qua mảnh lá nghe thở than
Gió thương những mảnh tình nghèo nàn
Cuộc đời đen tối mong hạnh phúc khi chiều tan
Đường gập ghềnh lạnh lẽo
Quanh co đường về khắp nẻo xa xôi
Có bóng con đò chiều mơ
Khách qua đò làm thơ
Êm trôi giữa trời nước bơ vơ
Nhẹ nhàng thuyền cập bến
Dòng sông nước hững hờ
Nghe không gian như thờ ơ
Có bóng cô em thẫn thờ
Nhìn áng mây trôi
Lắng nghe chuông chiều
Mà lòng thương nhớ ai nhiều"
Lâm Đình Phùng sinh ngày 20/3/1937. Ông lấy bút danh Lam Phương để làm nhẹ đi hai chữ Lâm và Phùng trong họ tên. Thân phụ của Lam Phương là ông Lâm Đình Chất, người Hoa, và thân mẫu là bà Trần Thị Nho, một thôn nữ nghèo.
Song thân của ông có sáu người con và theo cách gọi miền Nam thì Lâm Đình Phùng là anh Hai, tức là con trai lớn nhất trong nhà. Con đông, gia cảnh túng bấn, người cha bỏ xứ tìm về Sài Gòn từ khi Lam Phương còn rất nhỏ. Lúc đầu, người cha thỉnh thoảng về thăm nhà, sau thưa dần. Mỗi chuyến ghé thăm, thân phụ để lại cho thân mẫu Lam Phương một đứa em. Đến cô em út Lâm Thị Minh Khai thì gia đình nhỏ ở Rạch Giá không còn giữ chân ông được nữa!
Thiếu đi trụ cột, má của cậu bé Phùng bắt đầu tất tả xuôi ngược trên sông, lúc làm mướn, khi bán buôn để kiếm chén cơm cho bầy con dại. Vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thập niên 1930 xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực, một phần bởi những chính sách điền thổ thời thực dân làm thay đổi cảnh quan môi trường và mưu sinh của dân địa phương. Đại cảnh đó ít nhiều làm tan đàn xẻ nghé nhiều gia đình nghèo. Người nông dân phải lâm vào cảnh mưu sinh khó nhọc, trôi dạt. Gia đình chú bé Phùng cũng vậy. Người mẹ tảo tần tìm cái ăn giữa buổi loạn ly đã khó, nói chi cho con đặt chân đến những ngôi trường Tây trong vùng. Phùng và các em dù rất khát khao đi học cũng khó lòng được thỏa nguyện.

Kiếp nghèo
Lam Phương - Như Quỳnh 

Rất may cho chú bé Phùng, một người dượng phía ngoại là thầy giáo Phan Văn Mỹ từng dạy tại trường Tiểu học Vĩnh Lạc, Rạch Giá đã bảo bọc cho chú đi học "đặng biết đọc biết viết với thiên hạ". Nhờ vậy mà Phùng đã có thể học chữ một cách bài bản.
Chân dung ngày thơ ấu của người nhạc sĩ tài hoa được những người bạn cũ ở trường làng Vĩnh Lạc vẽ lại khá khép kín: Trò Phùng ít sôi nổi, thường ngồi một mình nhìn mây bay ngoài cửa sổ lớp. Dáng vẻ trầm ngâm như một người tu hành. Mỗi ngày đến trường, trò Phùng mặc độc chiếc áo rằn ri ngắn tay và chưa bao giờ có thể hiện gì về năng khiếu văn nghệ...
Nhạc sĩ Lam Phương bên mẹ. 
Ảnh: Gia đình cung cấp
Những hồi tưởng ấy khá chính xác. Đó chính là tâm trạng buồn tủi và đơn độc của một cậu học trò sớm biết lo âu về tương lai, bởi gia đình nhỏ thiếu vắng vai trò trụ cột của người cha. Ngày tháng không trọn vẹn hạnh phúc, bao nỗi cơ cực đã phủ nỗi buồn lên đôi mắt chú bé ở vùng sông nước nghèo nàn. Mỗi chiều, sau những giờ phụ mẹ ẵm em, làm việc nhà, hay rảnh rỗi lúc tan trường, Phùng lại ra khúc sông Đầu Voi ngắm vạt lục bình lững lờ, dự cảm về một ngày mai trôi nổi.
Càng lớn, Phùng càng nhận ra, dòng sông không chảy trọn vẹn theo chiều. Có bao nhiêu đoạn rẽ trên một dòng sông là có bấy nhiêu bến bờ của ly biệt... Đó là lý do một tuần trước khi lên chuyến xe đò tha phương, chú bé đi bộ khắp xóm thôn, nhìn lại hình ảnh mười tám mái tranh bệ rạc xóm nghèo và thuộc đến từng vệ cỏ... Có lẽ, Phùng đã dự cảm về ngày phải "gom góp yêu thương quê nhà" giữa trời thu Rạch Giá bàng bạc mây...
Bìa sách "Lam Phương - trăm nhớ ngàn thương"
Và trong tâm trí người nhạc sĩ duy cảm, mãi về sau, luôn hiện hữu hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó gánh vác mọi việc để nuôi sáu miệng ăn. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông nhắc lại câu nói giản dị quen thuộc: Tôi thương má tôi lắm! Má tôi mơ ước cái nhà che nắng mưa. Chỉ có vậy mà tôi làm cật lực, làm chết bỏ để có tiền mua nhà cho má.
Về sau, khi đã kiếm được chút vốn liếng, bà Nho mới mở được một sạp hàng tại nhà. Điều kiện kinh tế ổn định hơn, bà nhận ra con trai mình không thể học mãi ở trường làng cho biết con chữ rồi chỉ để trở về gốc gác của một tá điền theo kiểu "con sãi ở chùa thì quét lá đa". Đến lúc nó cần bước ra cuộc đời rộng hơn. Sài Gòn là điểm đến với nhiều hy vọng đổi đời. Bà còn có hy vọng mong manh rằng, ngày nào đó, trong dòng đời tấp nập của phố thị, đứa con trai sẽ tìm thấy cha mình.
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1947, ông đến Sài Gòn đi học và theo đuổi đam mê âm nhạc. 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay và ngay sau đó, nhanh chóng được công chúng biết đến. Ông trở thành một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970.
Năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu.
Ông trải qua đợt tai biến mạch máu não vào năm 1999 và trải qua nhiều đợt điều trị. Hiện ông sống cùng em gái ruột.
2. Thất bại đầu đời
Thời trẻ, nhạc sĩ Lam Phương vay bạn 200 đồng in các tờ nhạc ông viết rồi tìm đến các tiệm để tự phát hành song đều bị từ chối.
Hồi ức buồn của đời bán nhạc
"Cay đắng lắm! Người ta nói thẳng: Tôi không biết cậu là ai. Rồi đến cái tiệm bán tờ nhạc ở lề đường cũng nói qua loa: Cậu cứ để đó, bán được bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Tôi nghĩ về khoản nợ 200 đồng bạc đi mượn mà xót xa".
Đó là những lời tâm sự về hoàn cảnh tự mình phát hành tờ nhạc mà đến cuối đời Lam Phương vẫn không quên. Theo đó, Lam Phương đã mượn 200 đồng từ một người bạn học khá giả rồi tự liên hệ nhà in để in bản Chiều thu ấy, rồi tự đi phát hành trên khắp phố phường Sài Gòn.
Thất bại đầu đời với số nợ 200 đồng, Lam Phương tìm về ký ức quê hương như một điểm bấu víu cho cõi lòng bẽ bàng của ngày đầu sáng tác.
Lam Phương thời mới viết nhạc. Ảnh tư liệu gia đình
Thời điểm những năm 1950, miền Nam vẫn còn bình yên. Và như trước cơn bão lớn của các chiến sự sẽ nổ ra nhanh chóng sau đó, sự yên ả vốn có của miền Nam tiếp tục đi vào nhạc Lam Phương. Giai đoạn này Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác, lại mượn tiền bạn đi in, đi làm thuê lao động chân tay để có tiền trả nợ, rồi lại tiếp tục đi bán nhạc lẻ...
Đỉnh điểm của món nợ vay lên đến 600 đồng! Nếu lấy đồng tiền Đông Dương làm thước đo giá trị cho những năm 1950 khi đồng tiền này còn lưu hành, thì qua lời kể của nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Bốn mươi năm nói láo sẽ thấy đây là số tiền không nhỏ. Thời điểm này, Vũ Bằng viết, tờ Vịt Đực của ông vì châm chọc vua Bảo Đại mà phải nhận trát hầu tòa. Muốn phản tố phải nộp cho tòa án 1.000 đồng mà cả tòa soạn báo Vịt Đực đã không thể nào xoay xở được dẫn đến việc tờ báo phải đóng cửa.
Nhưng với bầu nhiệt huyết lạ lùng, Lam Phương vẫn đi vay tiền để in tờ nhạc, những mong có ngày sẽ thu được số tiền trả nợ. Năm 1954, trước thời điểm xảy ra sự kiện Hiệp định Geneve, Lam Phương đánh dấu sự nghiệp âm nhạc của mình bằng bản Khúc ca ngày mùa.
Khúc ca ngày mùa 
Lam Phương - Hoàng Oanh
Ngay khi bản nhạc xuất hiện, Lam Phương trở thành làn gió mới của âm nhạc miền Nam. Bản Khúc ca ngày mùa được báo chí Sài Gòn miêu tả là đã đưa tên tuổi Lam Phương từ bóng tối ra khung trời rực rỡ. Độ phổ biến của bài hát được ghi nhận vào năm 1954 là lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, từ sân trường đến trại lính, từ công xưởng đến những người bán hàng rong vỉa hè...
Năm 1956, thành phố Sài Gòn đón những đợt di cư mới từ miền Bắc. Trong số đó, giới nghệ sĩ tinh hoa và trung lưu mới nhập cư đã góp phần tạo nên một khí hậu văn hóa khác biệt, một thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa sôi động, từ sách báo xuất bản đến mỹ thuật, âm nhạc.
Từ một chàng trai vô danh, Lam Phương được các nhà xuất bản chào đón bằng những bản hợp đồng in nhạc để có bản quyền in Khúc ca ngày mùa. Lam Phương không giấu được niềm xúc động đến rơi nước mắt, như lời mô tả trên báo Sài Gòn Mới số ra ngày 26/3/1956 của ký giả Ngọc Huyền-Lan thì bản nhạc đã được tái bản tới lần thứ bảy. Chỉ với Khúc ca ngày mùa, ký giả này không ngại khẳng định, Lam Phương đã sánh ngang với các nhạc sĩ tiền bối mà tên tuổi đã thành danh từ 20 năm trước.
Số nợ 600 đồng với người bạn học đã được Lam Phương trả lại bằng tiền bán bản quyền Khúc ca ngày mùa.
Cũng trong giai đoạn này, chàng nhạc sĩ trẻ được thêm động lực, tiếp tục viết những bản nhạc mới, ghi đậm dấu ấn một nhạc sĩ miền Nam trong lòng công chúng, với các tác phẩm mang tình tự quê hương: Hương thanh bình, Mùa hoa phượng, Trăng thanh bình, Nhạc rừng khuya...
Sách "Lam Phương - Trăm nhớ 
ngàn thương". Ảnh: Phanbook
Tuy những bản nhạc ấy ít nổi tiếng hơn Khúc ca ngày mùa, nhưng là bước đệm quan trọng để khởi sự định hình một tên tuổi trong lòng người mê nhạc Sài Gòn. Đó cũng là nền tảng để Lam Phương giữ nhịp sáng tác đều đặn để rồi một ngày, những lưu dân, những người nhập cư nơi phố thị thấy tiếng lòng của mình đã được người nhạc sĩ trẻ cảm thấu và phổ nên giai điệu đầy cảm động. Ca khúc Kiếp nghèo ra đời.
Với Lam Phương thì sự lan tỏa của ca khúc Kiếp nghèo đã ghi một dấu ấn khác: giúp ông thoát nghèo.
Kiếp nghèo
Lam Phương - Thanh Tuyền - Như Quỳnh 
3. Thoát nghèo nhờ 'Kiếp nghèo'
Chỉ với bài "Kiếp nghèo", nhạc sĩ Lam Phương mua được ngôi nhà cho mẹ trị giá 40 cây vàng vào thập niên 1960.
Kiếp nghèo đưa nhạc sĩ Lam Phương thoát nghèo
Lam Phương mới có vài nhạc phẩm cũng có chút danh tiếng nhưng về thu nhập cũng chưa đáng là bao so với đời sống ở phố thị đắt đỏ. Trong sinh hoạt thường nhật, tuy là một nghệ sĩ, nhưng Lam Phương khá chừng mực trong chi tiêu. Một phần vì tuổi còn trẻ, phần khác vì xuất thân quê kiểng, Lam Phương không hút thuốc lá, không uống rượu hay tụ tập ở các tụ điểm, quán bar như các nghệ sĩ đương thời.
Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ. Ảnh gia đình cung cấp
Giữa năm 1954, những cơn mưa Sài Gòn trĩu nặng phủ kín phố phường, Đa Kao bị ngập úng nặng nề. Dòng kênh Nhiêu Lộc nước lé đé xóm Vạn Chài vốn chỉ được cơi nới bằng gỗ tạp, tạm bợ trên kênh. Lam Phương phờ phạc người, đạp xe về xóm trọ, thấy trước hiên nhà, má mình đang loay hoay hứng nước mưa.
Căn gác ọp ẹp hiện ra trước mắt người nhạc sĩ trẻ tuổi như một cảnh sống tối tăm của những phần đời mong manh, trôi nổi. Lam Phương đã nhẩm những nốt đầu tiên trong bài Kiếp nghèo. Có thể nói, đời sống khốn khó cơ cực từ khi mới lọt lòng cho đến lúc tha phương cầu thực đã được chàng nhạc sĩ nghèo viết xuống một cách giản dị và tự nhiên trên một giai điệu duy tình:
Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh, gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Êm êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha
Không gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa
Mưa ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường
Đời gì chẳng tình thương không yêu đương.
Thương cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.
Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời con
Một mái tranh yêu, một khối tình chung thủy không hề phai
Và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài
Đây cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.
Lần đầu tiên nghe Kiếp nghèo của Lam Phương - thế hệ nhạc sĩ đàn em và là học trò, nhạc sĩ Lê Thương đã phải thốt lên: "Người ta chỉ có thể dạy nhau kỹ thuật âm nhạc. Không ai có thể dạy nhau nghệ thuật sáng tác được. Cảm xúc mới là thứ quan trọng nhất để làm nên bản nhạc".
Kiếp nghèo
Lam Phương - Khánh Ly
Hồi tưởng lại những ký ức xót xa, Lam Phương kể về tuổi mười bảy mưa chan nước mắt:
"Tôi viết bài Kiếp nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài Kiếp nghèo bằng những dòng nước mắt... Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng thanh bình đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường học.
Nhà tôi ở Đa Kao. Thường thường muốn về Đa Kao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào... Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm 'thú đau thương'.
Lúc đó, tôi thấy mình thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình".
Lam Phương mất một tuần để chỉnh sửa lời và giai điệu cho Kiếp nghèo trước khi công bố ra công chúng thông qua hợp đồng xuất bản tờ nhạc với Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Đây là nhà xuất bản do ông Tăng Duyệt, một người Huế gốc Quảng Đông, Trung Quốc sáng lập và làm chủ; có chủ trương được ghi trang trọng ở các bìa 4 của tờ nhạc: "Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới - trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật - Nhà xuất bản Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để biếu các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý".
Tờ nhạc "Kiếp nghèo" năm 1954. Ảnh gia đình cung cấp
Và tờ nhạc Kiếp nghèo năm 1954 đã là một "công trình ấn loát mỹ thuật" với lối vẽ minh họa lập thể đầy sáng tạo của một trong những họa sĩ tài hoa bậc nhất miền Nam bấy giờ: họa sĩ Duy Liêm. Một trong những ca sĩ ăn khách bậc nhất trên trang bìa tờ nhạc Tinh Hoa Miền Nam chính là ca sĩ Thanh Thúy, người đầu tiên thể hiện ca khúc Kiếp nghèo với tiếng hát liêu trai, khiến người nghe có thể bật khóc được nếu nghe trong một quán trọ giữa đêm khuya thanh vắng. Ca sĩ "tiếng sầu ru khuya" Thanh Thúy đưa Kiếp nghèo nhanh chóng phủ khắp Sài Gòn thông qua sóng phát thanh và dĩa nhựa của hãng Shotguns. Chưa dừng lại ở đó, giọng ca Thanh Tuyền tiếp nối đàn chị đưa bản nhạc trở thành bài hát thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam.
Lam Phương tâm sự, chỉ với bài Kiếp nghèo, ông đã mua được ngôi nhà khang trang cho má mình ở cư xá Lữ Gia. Gia đình nhạc sĩ tiết lộ giá trị ngôi nhà thời điểm đó là 40 cây vàng. Năm 1960, "nhạn trắng Gò Công" - ca sĩ Phương Dung - đi hát ở mỗi phòng trà được cát-xê là 35.000 đồng/ tháng, trong khi vàng chưa tới 30.000 đồng/ cây. Trong khi đó, với Kiếp nghèo, Lam Phương thu tiền bán bản quyền lên tới 1.200.000 đồng để mua nhà cho má và các em.
Kiếp nghèo đã đưa nhạc sĩ nhập cư Sài Gòn thoát nghèo!.

4. 'Thành phố buồn'
Nhờ tiền tác quyền từ bài "Thành phố buồn", nhạc sĩ Lam Phương mua biệt thự 300 m2 ở quận 10 - hiện vẫn là tài sản gia đình ông.
Bản tình ca buồn về Đà Lạt trở thành best-seller
So với các nhạc sĩ cùng thời, Lam Phương có sáng tác về Đà Lạt hơi muộn. Trước đó, khán thính giả từng say đắm với chàng thanh niên 18 tuổi Từ Công Phụng ôm đàn guitar thùng và nghêu ngao Bây giờ tháng mấy. Đà Lạt đi vào nhạc họ Từ đẹp đến quên sự hiện diện của thời gian. Người ta cũng biết rằng, Phạm Duy đưa Đà Lạt vào Cỏ hồng đầy quyến rũ. Có thể kể thêm những tên tuổi lớn khác như Trịnh Công Sơn, Hoàng Nguyên, Lê Uyên Phương... mà gần như các sáng tác đó đều hoàn hảo, vẽ ra một thành phố lãng mạn, giàu hoài niệm.
Nhạc sĩ Lam Phương. 
Ảnh gia đình cung cấp
Thành phố buồn của Lam Phương ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội đi trình diễn ở Đà Lạt. Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, đường quanh co quyện gốc thông già, hay con đường ngày xưa lá đổ... mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe. Tất cả hình ảnh đó được dùng để kể câu chuyện đúng phong cách Lam Phương: Lồng vào một chuyện tình tan vỡ (motif nhạc tình buồn của dòng bolero bình dân thịnh hành thời điểm này)!
Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe Thành phố buồn có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm. Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt.
Có nhiều dị bản của Thành phố buồn mà tựu trung ở ca từ "trốn" hay "chốn" cho một vế tiếp theo đầy ngậm ngùi "... phong ba, em làm dâu nhà người". Các ca sĩ khi hát thường phải sử dụng ngữ âm miền Bắc nên phụ âm "tr" thành "ch". Đây là một điểm sai lầm so với nguyên bản của tác giả. Tờ nhạc Thành phố buồn in năm 1970 do Sống giữ bản quyền, được Lam Phương viết là "trốn phong ba". Tức là, người con gái trong ca khúc né tránh cơn bão lòng, lánh xa giông bão tình yêu, để chọn một bến đỗ có bề an phận.
Cũng như Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng, Thành phố buồn của Lam Phương được Đài Phát thanh Đà Lạt phát sóng lần đầu tiên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thành phố buồn lan tỏa khắp miền Nam. Và một lần nữa, theo khói sương u hoài của cuộc tình buồn trong tưởng tượng, chỉ với một ca khúc, tài khoản trong nhà băng của Lam Phương tăng đến mức khó tưởng tượng.
Thành phố buồn
Lam Phương - Chế Linh
"Ông cho biết, bài hát trên không hẳn viết cho một nhân vật cụ thể nào như nhiều người đã suy diễn và thêu dệt. Nhưng ‘số lượng xuất bản rất cao’ và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí Sài Gòn đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền, tiền Việt Nam Cộng hòa (hồi suất chính thức năm 1970 là một USD = 275 đồng, vậy 12 triệu đồng tương đương 432.000 USD) - Con số này quá lớn với một ca khúc!.
Để dễ hình dung, một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng" (Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trong Đà Lạt, một thời hương xa, NXB Trẻ, 2017)
Đối chiếu các dữ liệu từ gia đình nhạc sĩ hiện còn lưu trữ, phù hợp với thời điểm 1971 vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 mét vuông ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10, Sài Gòn. Ngôi nhà này vẫn còn là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ Lam Phương.
Tờ nhạc "Thành phố buồn" xuất bản 
năm 1970. Ảnh gia đình cung cấp
Thành phố buồn không chỉ xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh hay trên tờ nhạc mà đã trở thành bài hát quen thuộc của Ban Kịch Sống. Ký ức của người Sài Gòn xưa đi coi kịch của Ban Kịch Sống vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt với Thành phố buồn. Như một bài báo của tác giả Thanh Thủy, có lẽ là một khán giả mê kịch vào thời điểm đó, đã thuật lại:
"Thời ấy, cứ mỗi tối thứ năm hàng tuần, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở kịch của Ban Kịch Sống của Túy Hồng bao giờ cũng thu hút nhiều người xem. Thời ấy truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau tới nhà những người có tivi để xem kịch.
Trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ... đều chật cứng người xem. Tôi còn nhớ, khi bài hát Thành phố buồn của Lam Phương được hát dìu dặt trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình. Sáng hôm sau bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài Thành phố buồn về để trên kệ sách" (Sách đã dẫn).
Vở kịch tác giả Thanh Thủy nhắc đến chính là Phi vụ cuối cùng nói về binh chủng Không quân mà nghệ sĩ kịch Túy Hồng đã nhắc đến.
Ca sĩ thể hiện bài hát này xuất sắc chính là Chế Linh. Cùng với nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ Chế Linh là giọng ca người Chăm được thính giả miền Nam những năm đầu thập niên 1970 ái mộ. Ông là một trong "tứ đại danh ca Sài Gòn" cùng với Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), Duy Khánh và Hùng Cường.
Thành phố buồn đã đại chúng đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả, nhưng chỉ ôm cây guitar thùng và đi một đoạn giai điệu theo lối slow rock, âm giai Mi thứ (Em), nhiều người sẽ nhận ra. Hiện nay bản nhạc đã qua nửa thế kỷ này vẫn liên tục được các ca sĩ trong và ngoài nước biểu diễn.
Còn sống, còn viết. Và viết để được sống lâu hơn là hai vế của mệnh đề mà người nghệ sĩ theo đuổi trong sáng tác. Nếu ứng điều này vào Lam Phương và chỉ dùng Thành phố buồn để dẫn chứng cho lập luận trên, Lam Phương sẽ sống mãi cùng những người yêu Đà Lạt, yêu âm nhạc!
Phùng, sinh năm 1937, tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1947, ông đến Sài Gòn đi học và theo đuổi đam mê âm nhạc. 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay và ngay sau đó, nhanh chóng được công chúng biết đến. Ông trở thành một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970.
Năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu.

1/12/2019
Nguyễn Thanh Nhã
Nguồn: Trích sách: Lam Phương
Trăm nhớ ngàn thương
 Theo https://vnexpress.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...