Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Những mùa xanh qua ngõ

Những mùa xanh qua ngõ

Ở Huế mấy mươi năm giờ tôi mới phần nào hiểu khoảng không nơi này như hiểu nội tâm của một người cung nữ trong Hoàng thành xưa. Rong ruổi trên những con đường cố xứ thật chậm mới nhận ra màu xanh như rêu trên vách thành ảo huyền. Sẽ rất tuyệt vào những ngày vướng chút se lạnh mà nắng rực rỡ từ sớm, chạy xe vào Cửa Ngăn đi trên đường Đoàn Thị Điểm nắng rọi xiên qua những tàng cây và vương trên Hoàng thành.
Rồi đi tiếp, hết con đường thì rẽ phía trái để ra đường Lê Huân nhiều cây lớn hai bên, và cung xưa vẫn nằm mơ dưới nắng. Vậy là ai đó đã theo con đường hình vuông quanh Hoàng thành, với chiếc áo gió để vớt vát chút lạnh khi nắng chan hòa đổ xuống. Hết đường Lê Huân là có thể dừng xe lên bờ thành nhìn vô Đại nội, mùa thu loài cỏ tranh và bông lau trắng nhức trời. Tôi đứng và nghĩ nhiều đến một con đường phía sau, có thể nàng cung nữ nào đó đã thoát được để trở về với lời hẹn ước tình duyên.
Góc phố Ngô Quyền
Ảnh: Internet
Có những con đường gắn với hoài niệm đẹp đến lạ lùng. Nhiều con đường mấy mươi năm vẫn thanh bình như ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh với tà áo trắng tản bộ bên lề. Nhiều năm rồi tôi thường chiều chiều ngồi cà phê ở quán nơi đường Nguyễn Trường Tộ. Cô chủ nói con đường này từ xưa đến giờ vẫn thế. Tôi thích từ “vẫn thế” rồi sau đó là dấu chấm lửng. Bên kia với cây long não vạm vỡ. Tuổi đời của cây này không ít, nghĩa là từ bấy đến nay con đường không nới rộng, mà nó đã rộng lắm so với những con đường chính trong thành phố Huế. Đường rộng lại yên bình, không nhiều người qua lại và thường vắng tầm sáu giờ tối. Cái quán cà phê mộc mạc vài chục năm rồi. Không nhiều đổi thay với ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ. Con đường Nguyễn Trường Tộ thẳng lên nhà thờ Phủ Cam đẹp hồn nhiên.
Hồi sinh viên tôi mấy lần dắt xe đạp từ chỗ chắn tàu, thấy con dốc như cao hơn bây giờ nhiều. Chẳng phải đạp xe lên không nổi, mà đi bộ mới thấy vẻ đẹp của ngôi nhà thờ với ba cây thánh giá rợp bóng tâm linh trên đầu, và khoảng mênh mông lừng lững mây trời trên những cây thánh giá. Bây giờ có một người bạn lần đầu chuẩn bị đến với Huế, tôi sẽ nhắn rằng ta sẽ đến một nơi bắt đầu bằng cây phượng tím trên con đường nằm giữa ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh xưa và trường nam sinh Quốc học với những bức tường rêu điểm trên màu sơn đỏ sậm của hai ngôi trường ửng lên dưới nắng, đi thêm một đoạn sẽ gặp những cây long não già, những quán cà phê mấy chục năm vẫn bao người khách quen đến từng cử chỉ, và ở một dãy nhà xưa có căn gác một thời người nhạc sĩ nổi tiếng đã viết những tình khúc bất hủ, hình bóng thướt tha của cô gái Huế qua cây cầu thơ mộng và nhỏ dần về phía con dốc nhà thờ Phủ Cam cổ kính. Trịnh Công Sơn từng ở lâu trên tầng hai dãy nhà ấy, hẳn ông thường chiều về ngắm người qua lại dưới con đường có hàng long não, hay nhìn về phía nhà thờ để vẽ nên những nốt nhạc mưa trên tháp cổ.
Đến Huế là lạc chốn kinh đô xưa đầy cổ kính
Tôi vẫn nghĩ nhiều về con đường này, bởi theo thời gian người và phương tiện giao thông sinh sôi, những con đường đều được mở rộng do vậy cây cổ thụ sẽ mất đi, nhưng con đường này “vẫn vậy”. Sao ngày xưa người ta đã mở đường rộng đến mức bây giờ nó vẫn là một trong ít con đường rộng rãi nhất thành phố Huế. Nếu ở đây không còn những cây cổ thụ hẳn con đường không đến mức thơ mộng như vậy. Tôi nhớ hình ảnh vào chiều thu nào đó, lá rụng có chỗ dày đến cả gang tay, một đứa trẻ đã vốc lá phượng tung lên trời tạo nên một thước phim tuyệt đẹp trong tâm trí. Ban đầu người bố nạt con làm bẩn hết cả người, chút sau thấy đẹp, anh vồn vã chụp những bức ảnh.
Bây giờ ngay tại đó đã có ngôi trường mầm non hạng sang, cứ cuối chiều xe hơi nhiều, rồi lại vắng. Lần ấy tôi vừa đến đã thấy hàng tò he phía trước, hiếm gặp lắm, cả năm rồi mới thấy xuất hiện nơi này. Những đứa trẻ quây lại và nhiều trong số đó được cha mẹ mua cho những con tò he nhuốm màu sắc tuổi thơ, như tín hiệu của miền trong lặng cho mỗi ai mong mỏi quay về. Nhưng tôi thường để ý nhiều hơn đến những con người bình thường vẫn ngang qua mỗi ngày. Có dạo giữa thu lá rụng, tôi chợt thấy một người đàn ông cầm cây chổi cái dài quét sạch sẽ phía bên kia dọc theo bức tường của Trung tâm Mục vụ. Những ngày sau tôi vẫn thấy như vậy, để ý mới biết ông làm tự nguyện chứ không phải người phu quét đường…
Năm đầu tiên sống ở Huế tôi thấm thía mùa mưa dai dẳng, dầm dề. Cảm giác thích thú khi nước lũ tràn về, người dân đùm gói di chuyển lên miền cao trong lúc tôi bình thản ở lại. Rồi nước dâng nhanh chóng mặt, tôi cứ ngồi bên khung cửa sổ với điếu thuốc rẻ tiền, niềm cảm xúc là lạ kia bỗng biến mất và chợt nhiên tái mặt khi hàng xóm vội vã tay xách nách mang lội qua vườn trốn lũ. May mà có thằng bạn ở cùng, biết cách kê giường lên sát mái nhà.
Rồi mùa đông đến sớm, khi tia nắng mùa đông bắt đầu ửng hồng từ phía đầu nguồn sông hay trên những đám mây nhìn từ cầu Trường Tiền về phía Thành nội. Dọc theo con đường về chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, bên sông hoa vàng rực rỡ cùng vô số đọt xanh non đầy sức sống. Đầu tháng mười một âm lịch, ngày nghỉ tôi chạy xe khỏi thành phố, trời trong dần và mây hiện như chút bóng dáng của mùa thu sót lại. Rồi gần trưa nắng gắt hơn, dốc ngược chai nước uống liền mấy ngụm mà thầm kêu, ui chao trời đất chi lạ, mùa đông nắng dữ dằn. Lại phóng xe trên con đường bê tông cắt giữa đồng ruộng chạy đua với nắng gió chan hòa cái gam màu mê hoặc. Mùa hoa bún đã qua, chỉ còn trái tròn trĩu nặng cành xuống giường ruộng.
Từ thành phố qua phố cổ Bao Vinh, chạy theo hướng về làng biển Thai Dương, con đường dọc bờ sông ấy thật nhiều hoa bún. Dịp cây đang trụi lá, người dân nói mấy tháng nữa lá lên xanh mới bắt đầu có hoa, tức khoảng tháng ba trở đi. Lúc trở về một con đường khác, tôi nhìn thấy trong làng có những cây bún cổ thụ, và may sao bên đường còn một bông hoa duy nhất, đẹp lộng lẫy vừa lúc ánh nắng mặt trời chiếu vào. Đúng ngày mùng tám tháng ba vừa rồi tôi theo con đường ấy đi tìm hoa dại về cắm, vừa dịp cây bún nở hoa rực trời. Nắng vàng trong như mật. Hoa bún rộ trên mái quê đẹp mộng mị phù du. Kỳ lạ một loài hoa như không phải hoa, không mấy ai gọi tên nó là cây hoa bún song trời sinh ra cây bún có lẽ để tặng cho đời loài hoa tuyệt sắc, riêng một cây thôi đã cảm tưởng đứng trước cả rừng hoa.
Đất trời ngày một khác xưa, mùa đến hay đi phụ thuộc nhiều vào thời tiết của vùng đất, ít còn phụ thuộc vào định lượng năm tháng nữa. Tôi từng đến Tu viện Thiên An cảm nhận màu sắc của những ngọn lá đỏ bên đồi và ngôi tháp có cây thánh giá phía trên cũng nhuốm màu nắng vàng mơ pha chút xanh đậm như đang chuyển màu theo lá. Tôi cũng đến tháp chuông ở khu di tích văn hóa Huyền Trân vào một ngày vắng người, chút nắng chiều vừa đủ tôn vinh loài hoa đuôi chồn ửng lên trong sắc màu đang chuyển động mà lặng lẽ như áng thiền phiêu du. Mê đắm hơn là màu xanh nước biển gần bờ lúc chiều xuống.
Giai đoạn biển Đông dậy sóng, nhiều đêm thao thức nghĩ về người lính đang từng khắc bám trụ giữa sóng gió. Sáng chạy xe một mạch về chùa Túy Vân, ngôi cổ tự hướng mặt ra biển. Ngồi trên tảng đá lớn nhìn mãi biển trời quê hương thật đẹp. Ngôi chùa tựa lưng vào núi, phía sau leo mấy trăm bậc thang là đến ngọn tháp rêu phong, lại ngồi xuống ngước nhìn mảng trời xanh như màu nước biển hắt lên, mà thương biển lạ lùng. Mùa xuân nơi này trời trong hơn, nắng xiên mặt nước lăn tăn gợn vàng. Những bức tường rêu ủ nắng và nắng rải đều trên từng bậc cấp lên tháp, trên những nhành cây già cỗi. Nhớ về những chiều ngồi ở bãi biển Thuận An lúc mặt trời xuống núi và ai đó đã chụp những bức ảnh ngược sáng không rõ mặt người để lại niềm rung cảm thật sâu. Rồi lúc mặt trời sắp lặn thì nhanh bước theo khoảng thời gian chói lòa miên man ngắm dòng người vui đùa, ngắm những đứa trẻ quây quần chơi trò xây lâu đài cát và rủ nhau tìm những vỏ ốc vỏ sò lạ nhất. Xa ngoài kia những con thuyền nối nhau ra khơi lúc sóng mạnh dần, những thân tàu đen tuyền dập dềnh trong cuộc sinh tồn cùng biển nhọc nhằn.
Đến mùa hạ Huế…
Những con đường rực đỏ, cái màu phượng vừa bung đỏ thắm lấm tấm trắng đẹp mê hoặc. Cây phượng bên cầu Trường Tiền nở sớm mà tàn muộn hơn hết, và một số nhánh còn ra thêm đợt hoa mới trên cành cây đã rụng lá. Huế có mấy cây phượng tím ở đường Nguyễn Trường Tộ, thêm ít cây ở đường khác song năm ngoái duy nhất một cây nở hoa, dường như trái mùa và người xem cảm được nỗi hoang mang của hoa khi mùa hè đã phai. Con đường học trò chia giữa trường nữ sinh Đồng Khánh và trường nam sinh Quốc học xưa, bông phượng tím bung nụ khiến những thế hệ học sinh nay đã hoa râm đứng ngẩn ngơ nhìn lên nhớ về một thời áo trắng túa ra từ cổng trường, mà thương mối tình học trò tan vỡ.
Nhiều hôm dọc theo hai bên sông từ chợ An Cựu lên ga Huế, hàng cây muồng trổ hoa vàng xuộm. Muồng Huế buông cành bên sông như bức tranh xưa được tô lại gam màu tươi mới. Ấn tượng hơn phải kể đến loài muồng Hawai ở đài Kỷ niệm Thánh tử đạo gần bên mô cầu Trường Tiền. Thời điểm nở rộ ai qua cũng muốn ngoái nhìn, mà vào độ tàn càng đẹp tinh khôi. Những chuỗi hoa lơ thơ chuyển màu nhạt hơn nhưng u huyền cong vuốt nhẹ nhàng như nét họa vô ngôn dưới ban mai.
Muồng hoàng yến lại khiến kẻ sĩ bâng khuâng chợt nhớ về ân nhân xa xứ. Ở chùa Thiền Lâm có một cây hoàng yến lớn bên tượng Phật ngồi, mùa hoa nở đúng dịp Phật đản như dâng tặng cúng dường. Từng chuỗi hoa vàng mật ong đổ xuống khiến nắng cũng nhạt nhòa. Ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy, không gian tịch lặng an nhiên tựa một góc rừng thiền thời đức Thế tôn còn tại thế. Đến mùa thu, những cây thông già chuyển vàng rồi đỏ sẫm sà xuống mái chùa cổ, người thì vắng, đến ngồi dưới chân tháp nghe như huyết mạch chùng lại, vạn vật chậm dần và những áng mây chợt như ngừng trôi lúc nào không hay.
Tuồng như thời gian là một khái niệm ảo, không gian cũng ảo huyền mà đôi lúc con người biến mất hoàn toàn cho đến khi chiếc lá vàng gieo mình vào thăm thẳm. Có những hôm mệt mỏi, sáng muốn nằm mãi, cũng may là ngày nghỉ, nghĩ sao lại bật dậy. Một vừng mây ở phía đông nam rực hồng. Tôi vội khoác thêm chiếc áo bước ra khu đất mới quy hoạch phía sau nhà. Mấy ngôi cao tầng xây dở, tôi đã lên đó hướng về dãy núi chờ ngắm mặt trời lên. Đi đâu cho xa. Cả một mùa sống trải mênh mang nơi này, với cỏ hoang và nhiều loài hoa li ti bung nở dưới mặt trời và sương, có cả loài nấm lẫn trong cỏ tựa hồ những ngôi nhà bé xinh lưu giữ ngày vụng dại.
Khu đất rộng lớn đang giai đoạn chào mời khách đến mua, và mới có mấy ngôi nhà được xây, nhiều lúc tôi cứ đứng ngẩn giữa bãi trống mà tưởng đến cái ngày san sát nhà. Mới ngày nào um tùm cây cối cao lớn và cả những huyền thoại về loài quỷ trú ngụ thường vẫn nhát dân làng từ cái thời đường mới chỉ vừa trâu đi còn chật chội và chưa có điện. Tôi vẫn tin đó là sự thật, được kể ra ở những bậc cao niên và mỗi người đều gặp một hoàn cảnh khác nhau chứ không phải từ một câu chuyện thêu dệt sáo mòn.
Rồi một ngày cây cối bị đốn sạch, máy ủi máy xúc về san phẳng, công trình nước được thực hiện sớm nhất trước lúc phân lô. Khi những ngôi nhà cao tầng chưa xuất hiện, ngày nọ đoàn cải lương về diễn ở góc khu đất nơi góc đường lớn. Bao kỷ niệm thơ ấu hiện về. Nào Thoại Khanh Châu Tuấn, Đời Cô Lựu, Quan Âm Thị Kính… Bãi đá bóng thành nơi diễn, những cây tre được kéo về rào kín xung quanh, tối còn có người canh gác, không ai dễ chui rào được, mà có chui cũng dễ bị tóm. Không có tiền thì cứ đứng bên cửa xin vào cùng ai đó có vé, họ không cho thì đặt đòn xuống ngồi đợi, đợi đến lúc vở kịch qua hơn nửa mới xin được vào. Ngồi xa phía sau nhoi qua vai người khác. May mắn được một đêm cha mẹ cho tấm vé thì sướng rân từ sáng. Chiều nài mẹ cho lon lạc đậy kín trong chum, rang lên bỏ trong túi ăn từng hạt. Đến sớm đặt đòn chiếm chỗ hoặc un cát lên đánh dấu và tha hồ đùa nghịch trong bãi…
Những kỷ niệm tưởng chừng phai nhạt, chiều ấy đi làm về thấy đoàn cải lương giăng băng ron giới thiệu cùng sân khấu được dựng trên khu đất gần nhà, tự dưng phanh xe như gặp tri kỷ. Đoàn mới được lập trở lại, không bán vé, tùy tâm ủng hộ. Có ông chủ doanh nghiệp chạy xe đến ủng hộ số tiền khá, rồi muốn được đoàn diễn Phạm Công Cúc Hoa cho xem… Tối bước ra, tôi thấy nhiều nhất là các bà đã mang cả ghế đến đặt ngồi rồi. Tôi đứng ở ngoài, dưới bóng cây để nghe giọng cải lương cất lên mà lội ngược về những ngày thơ ấu. Tối hôm sau tôi ngồi ở rất xa, trên đống gạch dưới ngôi nhà tầng xây dở, chỉ có tôi nhìn về phía sâu khấu với một cảm giác lạ lùng. Sao giống ngày xưa, muốn gặp ngày xưa quá, đã đủ tiền mua vé xem rồi, mà con đường trở về thăm thẳm.
Sáng ra tôi leo lên ngôi nhà tầng cao vút, hướng xuống sân khấu lưu lại một khoảnh khắc hiếm hoi trên khu đất này, có sân khấu có bãi khán giả nắng đang lên đầy và con đường vòng quanh vàng hươm rất đẹp. Ánh nắng rọi vào những ô cửa nham nhở mạch hồ. Tôi nghĩ nhiều về những người lao động miệt mài có khi sáng sớm không kịp ngước nhìn mặt trời đang lên rực rỡ. Tuổi xuân qua đi như không. Cảm giác mùa trong họ khác hơn những gì đang hiện hữu quanh ta. Tôi quý khoảng thời gian của họ mà mình không hề có. Ấy là những chiều cuối tuần họ ngồi với nhau bên ngôi nhà xây dở, khi mặt trời đã phả lên mây cái gam màu vàng rộm. Họ cười với nhau với ít chai bia quên mỏi nhọc trong ngày, với một niềm tin tiền lương bây giờ cao hơn mươi năm trước và thời tiết Huế đã ít mưa dầm dai dẳng tước đi những ngày công quý giá. Tôi còn quý vào buổi sáng, lúc mặt trời chưa lên, anh thợ xây ở lại trông coi suốt mấy tháng nay đều đặn bắc nước pha trà ngồi nhâm nhi cho đến khi nắng tràn lên khu đất hoang còn tươi nguyên sương sớm.
Tôi ngồi với hoang vu nắng dội trên cỏ.
Rồi đột nhiên đứng dậy về xách xe chạy ra khỏi vành đai thành phố, theo con đường Võ Văn Kiệt vòng lên cầu vượt Thủy Dương để hướng về cửa ngõ phía nam của Huế. Nắng nhuốm lên các đọt cây hai bên đường vừa được trồng, màu nắng ngời trên màu đỏ của lộc lung linh đến chân cầu mới hết. Đứng lại giữa cầu nhìn xuống con đường thẳng lên thành phố với nhiều màu sắc lạ, rồi đường tàu phía bên ửng nắng hút xa. Nhiều lúc về chiều tôi cũng dừng lại đây ngắm hoàng hôn phía tây nam đô thị mới, sắc mây không cần tô điểm gì thêm cũng không cần chỉnh lại từng mảng khối thiên nhiên đã hoàn thiện. Từ đây con đường vẽ thêm đường vòng về phía phải để xuống quốc lộ thẳng về Phú Bài. Con đường thoáng rộng và có cánh đồng Thanh Lam bát ngát, một đoạn trống với gió ban ngày và trăng mênh mông vào đêm. Nhớ ngày hơn chục năm trước, chúng tôi ngang qua chừng tối, thấy phía dưới nước cạn, cả chiều người ta đã tháo nước bắt cá và giờ có cái gì ngúng nguẩy, dừng lại nhìn thì đúng như đoán là mấy con cá trầu thiệt lớn. Có lẽ chúng từ trong hang bò ra và mắc cạn trong bùn, bóng nhẫy dưới trăng, thấy sao tội nghiệp quá...
Hình ảnh cánh đồng Thanh Lam từ đấy gieo vào tâm thức những vẻ đẹp riêng. Chợt hiểu Huế đẹp ở nhiều góc nhìn, như một ngôi tháp cổ năm mặt ứng với xuân hạ thu đông, rồi lại xuân. Mỗi mặt tháp lại hiện những mùa khác nhau tùy vào thời tiết và không gian chuyển mình và tùy vào ánh mắt của người chiêm ngắm. Dẫu là trời mưa xám, vẫn là cái nhìn trong veo như thiên thần chợt sáng bừng trước huyền nhiệm lửng lơ giữa vô vàn những điều chưa hề chạm đến.
Nắng gió núi sông cây cỏ và hư vô luôn dâng tặng và thiện hưởng đến con người. Mỗi sáng sớm lúc nắng vừa lên hay chiều nhạt dần, mây trở màu và cuộn rực hồng, trong các công viên hai bên bờ sông Hương đẹp hơn những gì có thể tả đến. Vườn tượng phiêu hồn theo màu thời gian. Bên bờ bắc trên phố Nguyễn Đình Chiểu hay dưới cầu đi bộ sạch tưng vào độ xuân hồng. Con đường ven sông bên bờ nam từ cầu Dã Viên xuyên qua cầu Mới, qua cầu Trường Tiền và đi thêm đoạn nữa sẽ đến một chỗ quành vừa phải của khúc sông, ta có thể đứng đó ngắm bóng chiều bến Cồn Tộc, ngắm con đò khoan thai vô tình chở nắng chở cả những hoàng hôn nhuộm xuống dòng sông mờ ảo.
Có bận giơ máy ảnh, hình lọt vào ở góc phố từ cầu An Cựu ngoặt trái xuống đường Phan Đình Phùng, có một anh trung niên bán trà và chạy xe ôm. Mỗi sáng bên những cái ghế cũ nát và cái bàn đặt tạm là ấm trà nóng cho vài ba người vây quanh nhâm nhi. Rồi ngay ở góc cầu Trường Tiền rẽ phải, con đường nhỏ chạy vòng phía sau chợ Đông Ba, vào dịp lễ hàng hóa bày miên man sắc màu; một lần tôi qua thấy ở bờ sông tiếp giáp con đường, dưới những hàng cây đổ nắng sớm, những người công nhân đang quét lá gom lại và đốt, màu khói bay lên giữa nắng trong xanh và cái mùi xưa xa ùa về ngơ ngẩn.
Tôi hay tiếc nuối mỗi chiều nắng rực, rồi mặt trời ủ vào mây làm một cuộc hòa tan vào hoàng hôn ở phía trên Kỳ đài. Từ góc cầu Trường Tiền mà lưu giữ sắc trời sẽ là góc ký ức lộng lẫy. Những đàn cò đã về nhiều hơn, bay qua sông Hương như ước niệm xanh ngời. Những đàn cò đã bay về nhiều hơn, dập dờn trên dòng Hương mỗi sớm chiều rồi đậu dày ở hàng cây ven bờ, chợt thấy nơi hoang vu cõi mình đang sinh sôi ý niệm trở về chốn cũ bình yên.
25/8/2020
Nguồn: VNQĐ
Theo http://baoquankhu4.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...