Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Cây cô đơn

Cây cô đơn

Diệu không đồng ý ly hôn.
Lâm cất hai tờ đơn vào ngăn bàn, anh bước ra ngoài balcon tưới nước cho cái chai đựng cây dương xỉ. Cái chai đó anh mang về từ nhà vườn của một người bạn. Cây dương xỉ bò vào trong chai và gốc của nó lại nằm ngoài miệng chai. Lâm lấy giá thể quấn vào gốc cây rồi hằng ngày tưới nước cho nó. Cây dương xỉ vẫn xanh. Màu xanh yếu ớt.
Diệu khoác ba lô lên vai đi ngang qua Lâm, anh huơ cái chai trước mặt Diệu như muốn nói rằng: cây dương xỉ vẫn sống và anh còn đủ kiên nhẫn.
Lâm là một bác sĩ giỏi.
Lần đầu hai người gặp nhau ở xóm trọ sinh viên. Khi ấy Lâm vừa dọn đến. Đồ đạc anh mang theo chủ yếu là sách, Diệu đã giữ xe cho anh, phụ anh khiêng sách vào phòng. Phòng trọ của Diệu kê bàn học nhìn ra cửa sổ - nơi đặt mấy chậu sen đá nhỏ xinh. Mỗi lần anh đi học hay đi dạy kèm về qua đều gật đầu chào. Có những buổi sáng, Diệu dậy sớm quét đám lá bàng rụng trên lối đi, anh ôm guitar gảy một giai điệu nhẹ nhàng. Tất cả đều trong sáng và đẹp đẽ. Thuở nhiều mơ mộng, Diệu thường tưởng tượng ra những tình huống kịch tính về chuyện tình cảm của mình và Lâm. Rồi Lâm về quê đúng hôm Sài Gòn mưa gió. Mưa lớn khủng khiếp, nước tràn vào nhà, miệng cống thoát nước ộc lên lênh láng. Diệu và mấy chị em trong phòng cắm cúi tát nước, chặn nước ngoài bậc cửa rồi kê cao đồ đạc. Lúc mọi thứ tạm ổn, Diệu mới nhớ ra Lâm đã về quê. Diệu đội mưa sang phòng anh, lấy búa phá khóa rồi ào vào phòng ôm từng chồng sách còn khô lên gác rồi bì bõm gom nhặt những cuốn bị ướt dốc nước gác lên kệ, xếp lên bàn. Phải mất đến hai ngày nước mới rút hết, trời lại giội nắng thênh thang. Diệu đem sách ra phơi, ngồi vuốt phẳng phiu từng cuốn, chốc chốc lại lật giở sách như người nông dân chăm chỉ thi thoảng đi dũi mẻ thóc đang phơi.
Lâm ở quê vào, anh đã bắt gặp Diệu với những giọt mồ hôi lấm tấm, khoảng gáy trắng ngần trong nắng long lanh. Đôi mắt họ bắt gặp nhau, những lời Diệu đã sắp xếp trong đầu định thốt ra bỗng trở nên lủng củng, không đầu không cuối. Lâm nhận ra ngón tay Diệu bầm đen vì bị búa đập trúng. Anh đã giữ tay Diệu trong tay mình thật lâu.
Họ thành đôi. Họ đẹp đôi.
Đã từng như thế, trước khi Diệu bắt gặp anh và cô đồng nghiệp trẻ ngồi ăn chung phần cơm mà Diệu vẫn chuẩn bị cho anh mỗi buổi sáng để anh mang theo ăn vào giờ trưa.
Con gái Diệu từng hỏi:
- Mẹ đã bao giờ thật sự tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn một quãng đời chưa?
Diệu nghĩ ngợi rồi giật mình bởi có thể trả lời ngay rằng: Chưa!
Nhưng Diệu chỉ cười với con, Diệu không biết phải nói với con thế nào cho con bớt băn khoăn. Tua nhanh những thước phim từng giai đoạn cuộc đời mình bên Lâm. Những ngày sinh viên nghèo khó. Những năm mới cưới chật vật đi ở trọ. Những ngày tháng mẹ Lâm ở quê vào ở cùng, mẹ nằm giường cao, hai vợ chồng nằm nệm thấp, một chiếc rèm mỏng che chắn chuyện riêng tư. Những đứa con lần lượt chào đời. Những người thân vĩnh viễn về bên kia thế giới. Những năm còng lưng trả nợ tiền nhà. Những đêm anh đi trực dài đằng đẵng. Phút giây mê đắm ngắn ngủi, vụng trộm trong giấc ngủ của mẹ chồng và của con thơ.
Mấy năm trước, Diệu thảng thốt nhận ra lấy nhau đã mười năm mà họ chưa từng có một chuyến đi chơi riêng. Diệu nói điều đó cho chồng nghe vào một đêm mưa, khi anh đi công tác. Diệu khóc qua điện thoại, anh dỗ dành, anh hẹn đợi vài năm nữa khi các con cứng cáp, kinh tế ổn hơn anh sẽ bù đắp cho vợ. Cuộc đời một người đàn bà, rút cục có được mấy lần mười năm tươi tắn chứ? Sau này là bao giờ?
Dạo gần đây, những cơn đau đầu thường đến lúc nửa đêm. Diệu hết nằm lại ngồi, nước mắt ứa ra giàn giụa dù chị không khóc. Thuốc giảm đau và thuốc ngủ khiến Diệu bã bượi, mệt nhoài. Mỗi đêm, cơn đau như ai đó cầm cành củi khô chọc vào bên não phải, hốc mắt nhức như mưng mủ.
Diệu chóng mặt, chị cố gắng bước xuống giường, vừa chạm chân xuống nền gạch đôi chân chị co lại như bước trên chân ai, lòng bàn chân như bị gắn một miếng nệm dày tê dại. Chị ngã ra giường, trần nhà xoay tròn, chị nhắm mắt lại, định thần rồi gắng ngồi dậy nhưng không thể. Chất nôn bắt đầu trào ra. Phòng bên kia, mẹ chồng húng hắng ho hỏi vọng sang: “Cô Diệu chưa dậy nấu đồ ăn sáng à?”.
Diệu nghe tiếng mẹ chồng. Hoàn toàn tỉnh táo, chị có thể trả lời bà cụ nhưng chị lặng im. Trước đây chưa bao giờ chị lặng im với mẹ chồng.
Đã bao nhiêu năm đủ lâu để chị quên mất cảm giác được chăm sóc, dựa dẫm vào một ai đó như là chồng chị chẳng hạn.
Chị được đưa đến bệnh viện nơi anh công tác, đồng nghiệp của anh gắn lên đầu chị một đống dây nhợ và đặt lên trán chị một cái vòng kim loại ướt. Máy đo lưu huyết não cho kết quả bình thường. Chỉ số Hemoglobin cũng ổn. Bác sĩ chỉ định tiêm Tanganil điều trị rối loạn tiền đình.
Người bị tiền đình cứ như người ốm giả vờ vậy, chỉ chóng mặt, mọi chỉ số, chức năng khác đều bình thường. Lúc lấy giấy lau miệng cho Diệu, Lâm hờ hững đủ để Diệu thấy anh làm những điều đó chỉ vì trách nhiệm thôi. Người tình bé nhỏ của anh, cô ấy đang đứng ở đâu để mỉa mai, ghen tức hay thương hại chị. Cô ấy đứng ở đâu sau những cánh cửa kia, những bức tường trắng lốp, sau những chiếc xe đẩy đầy thuốc hay trong những bộ quần áo phẫu thuật. Đôi mắt nào của cô ấy, gương mặt nào cũng kín mít khẩu trang. Trong những bước chân vội vã cứu người, những mỏi mệt khi bước ra khỏi phòng phẫu thuật, cô ấy ở đâu?
Khi Diệu sinh con gái đầu lòng, chị nói sau này sẽ hướng con theo nghề nghiệp của bố. Lâm phản đối ngay: “Không nên em ạ. Môi trường làm việc của anh căng thẳng lắm, mệt mỏi lắm. Có những lúc chỉ muốn trở thành bệnh nhân để nằm xuống nghỉ ngơi một chút, hoặc nghỉ ngơi mãi mãi”...
Con gái tiễn Diệu ở cổng dặn đi dặn lại rằng Tanganil và Tydol để ở ngăn ngoài của chiếc ba lô, mẹ cứ yên tâm đi chơi thật vui, đừng lo mọi việc ở nhà. Diệu ngoái nhìn lại nơi Lâm đứng, anh vẫn say mê với cái chai và cây dương xỉ cố tỏ vẻ không quan tâm đến chị trước một chuyến đi xa. Diệu lên xe, chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Trước khi xe chạy, một gã đàn ông cao lớn ăn mặc khá lịch sự đến ngồi vào ghế trống cạnh chị. Ở hắn, mùi thuốc lá ám vào quần áo, mùi hơi men còn phảng phất.
Hắn thở phào nói rất tự nhiên: “May quá, kịp chuyến xe”.
Diệu lấy cuốn sách trong túi, quay mặt về phía cửa sổ, lật giở trang đánh dấu. Từng dòng chữ lướt qua tâm trí chị như là hình ảnh, như là ký tự, không đọng lại một chút gì, không ghi nhớ được gì. Gã đàn ông đưa hai tay ôm lấy đầu, hơi ngả ghế, nhắm mắt như ngủ. Xe rời thành phố, đi xuyên qua một tỉnh khác. Những bãi đất trống hai bên đường cỏ dại xác xơ, cỏ lau bạc đầu, những hàng bằng lăng thưa thớt hoa tím trái khô trơ trọi. Cảnh vật tẻ nhạt và buồn bã. Cuốn sách hờ hững rơi khỏi tay Diệu. Chị chợp mắt được một lát. Khi giật mình tỉnh dậy, Diệu nhận thấy mình đã ngả đầu lên vai gã đàn ông kia mà ngủ. Diệu ngại ngùng, ngồi nhích ra. Gã tỏ ra thân thiện:
- Ngủ một lát thấy khỏe hẳn phải không em?
Diệu đáp lại: Cảm ơn anh!
Chị tựa vào cửa kính xe cố gắng ngủ tiếp. Một lát sau, Diệu cảm thấy bàn tay của hắn nhè nhẹ cuộn lấy lọn tóc của chị rồi chầm chậm tì lên ngực chị. Diệu bật dậy, gạt tay hắn ra, chị nhìn vào đôi mắt cố tỏ ra tha thiết của hắn, nói: “Đừng động vào tôi”.
Hắn nhún vai, xoay lưng lại phía chị. Trên xe đang chiếu một clip hài. Giọng của diễn viên Hồng Vân hài hước: “Người đâu, đẹp toàn diện mà không biết giữ gìn. Áo sống cứ vắt hớ hênh thế này rồi đứa nào nó đi qua, nó bén mùi, nó thư cho thì chết đời”.
Diệu khẽ cười, một ý nghĩ chợt đến: Thì ra người ta có thể bén mùi nhau dễ dàng như vậy, nếu hồi nãy chị tựa vào vai gã thêm một lần nữa thì có thể chị và gã sẽ có một cuộc tình chóng vánh, lãng mạn, sôi nổi ở nơi phố núi chị sắp dừng chân. Còn Lâm, anh đã bắt đầu với cô ấy như thế nào?
Diệu xuống xe ở đường vành đai, từ đây đến nhà chị Vân còn khoảng ba ki lô mét đường dốc. Chị Vân đã thiết tha mời Diệu đến dự đám cưới của mình. Đó là một người chị thân thiết thời sinh viên. Chị Vân dặn khi nào gần xuống xe thì gọi điện để chị chạy xe ra đón, nhưng thời tiết đẹp quá nên Diệu muốn đi bộ, vừa đi vừa ngắm nghía cảnh vật hai bên đường. Đường vành đai nằm song song với núi Hàm Rồng, bên đường cỏ hồng mọc tràn đến chân núi. Đến lưng chừng dốc, Diệu đưa mắt nhìn ra xa, cả đồi cỏ hồng xác xơ trong nắng chiều. Mặt trời đã xuống bên kia núi, từng sợi nắng hiếm hoi hắt lại chới với níu vào tầng không. Gió thông thốc thổi vào tóc Diệu, một người kéo xe bò chở đầy cỏ và những bó rau lang già vượt lên trước cô. Mùi nhựa rau lang và mùi cỏ hăng nồng. Đến gần đỉnh con dốc, chừng như đuối sức, anh ta dừng lại, ghìm càng để xe không bị trôi xuống. Diệu chạy lên, phụ đẩy xe lên dốc, lên đến đỉnh dốc chiếc xe được đà băng băng chạy xuống, Diệu cũng chạy xuống theo. Đến khi xe chậm lại, người kéo xe quay lại nói cảm ơn. Lúc này Diệu mới nhận ra anh ta khá trẻ, gương mặt vuông chữ điền, nước da bánh mật khỏe khoắn. Anh hỏi Diệu đến dự đám cưới chị Vân phải không. Thấy Diệu ngạc nhiên, anh giải thích: “Sống ở nơi này, đôi khi sẽ cảm thấy như bị cả thế giới ngoài kia bỏ quên, thi thoảng lắm mới có nhóm bạn đi phượt đến cắm trại trên đồi cỏ hồng. Chỉ khi nhà nào trong làng có đình đám thì mới gặp được những người ở xa đến. Nhà chị Vân gần cái cây cô đơn kia”...
Cây cô đơn dường như nơi nào cũng có. Ngày xưa, cánh đồng làng Diệu cũng có một cái cây cô đơn. Cái cây ấy người ta lấy làm mốc, làm điểm đến, làm nơi nghỉ chân, nơi hò hẹn. Nhìn một thân cây đứng chơ vơ giữa cánh đồng, giữa đồi cỏ, hay giữa bụi bặm ven đường bao giờ trong lòng Diệu cũng dấy lên cảm xúc khó tả. Diệu nhớ một cây xoan cô đơn nằm ven đê ở quê chồng, dưới tán cây người ta dựng lều luộc ngô bán cho người đi đường. Ngày ấy, từ quê anh sang quê Diệu, đi đường đê là gần nhất. Hai người đã dừng lại ở cái lều ấy, tay ủ trong tay, mắt ủ trong mắt và gặm ngô nóng hổi. Gió mùa đông trên đê khủng khiếp lắm, cây xoan đã trút hết lá, cành khô trơ trụi hằn lên trên nền trời sẫm màu. Những ngày bão lũ ập vào miền Trung, Diệu bắt gặp dòng tin về cây ngô đồng cô đơn tuyệt đẹp trong phim Mắt biếc bị gió bẻ xác xơ, rồi cây phong ba nổi tiếng trên đảo Bé Lý Sơn cũng bị gió quật gãy. Những cái cây cô đơn không hiểu tại sao mà bao giờ cũng tuyệt đẹp. Vài câu chuyện tầm phào của người kéo xe bò lướt qua bên tai. Lúc dừng lại trước cổng nhà chị Vân, anh ta nói ăn cưới xong mời Diệu đến trang trại của anh chơi, anh sẽ biếu ít mật ong làm quà cho người thành phố.
Chị Vân đón Diệu, choàng ôm lấy Diệu. Chị Vân chỉ vào khóm hoa tứ phương trước cửa nói: “Biết có khách quý đến nhà nên hoa nở đỏ rực đây này”.
Chị Vân dẫn Diệu vào phòng mẹ chị. Đó là người đàn bà đã rất nhiều năm không ra khỏi căn phòng của mình vì bị tai biến. Mái tóc bà đen mượt, gương mặt chị Vân giống hệt bà, có điều nhìn bà bình thản, vô lo. Bà không nói được, bà nắm lấy tay Diệu lắc nhẹ rồi mỉm cười.
- Ba đâu chị? - Diệu hỏi.
- Ở nhà bà Phương chứ đâu! - Chị Vân thở dài.
Bà Phương là vợ hai của ba chị Vân, ngay cả ngày hôm nay, trước đám cưới của con gái mình một ngày, ba cũng không về nhà được sao. Má chị chắc là buồn lắm. Hoặc cũng có thể má chị đã quen rồi, nỗi đau rồi cũng quen huống chi là nỗi buồn. Tấm áo dài đỏ chị Vân treo trên cửa sổ, gió thổi vào bay bay.
Nửa đêm, bị đánh thức bởi tiếng gà gáy ran lên, Diệu ra khỏi giường đã thấy chị Vân sửa soạn nấu xôi, cắm hoa, bày biện nhà cửa. Thành - người đàn ông kéo xe bò chiều hôm qua đến từ sáng sớm, anh dựng lại cái cổng hoa cho ngay ngắn, kê bàn ghế ngoài sân, mắc dây điện cho dàn loa. Sáng hôm ấy, cả nhà ăn sáng bằng món bánh hỏi. Buổi trưa thì nhà trai đến, lễ hỏi, lễ cưới gộp chung. Đám cưới diễn ra nhanh gọn, đội bưng tráp nhà trai có hai người. Nhận tráp là em gái chị Vân và một cô bạn. Em gái chị Vân mặc váy hồng, đôi tất da chân bên dài bên ngắn. Đôi giày của cô bé bị bong đế, thi thoảng phải dừng lại sửa giày. Một cậu thanh niên bên nhà trai tìm đâu đó được chai keo dán sắt, cả buổi chiều cậu ta gắn giày cho cô bé mấy lần. Diệu thấy những cử chỉ đó thật đáng yêu.
Tối hôm ấy, mẹ chị Vân ngồi khóc dấm dứt trong phòng, Diệu cùng hai đứa em chị Vân loay hoay nấu ăn, dọn dẹp. Căn nhà trống trải quá, mấy cành bàng khô trên mái nhà cứ sà xuống quệt vào mái tôn lạo rạo.
Buổi sáng ở đây, nước lạnh buốt. Nước giếng núi trong vắt ngọt lịm. Diệu đi bộ ra đồi cỏ hồng trước nhà. Trăng còn chưa lặn, đồi cỏ hồng đẹp nhất lúc sáng sớm, khi sương chưa kịp tan, sương mai trong suốt vít lấy từng bông cỏ mảnh khảnh như hoa tuyết. Nắng lên, sương tan cả đồi cỏ có màu hồng đậm nhất trong ngày. Diệu gặp một quán hủ tiếu. Gọi là quán nhưng thực chất là mấy bộ bàn ghế gỗ tạp được kê trong sân nhà. Quanh sân, đậu biếc nở hoa tím ngắt, món hủ tiếu khô được trộn rất đậm đà, nước dùng ngọt thanh. Đang ăn thì Thành đến, ăn sáng xong anh mời Diệu về trang trại của mình chơi. Diệu đi bên anh thật gần tấm lưng rộng, chiếc áo thun xanh tỏa ra mùi xà phòng rất đậm. Lối vào trang trại của anh trồng rất nhiều lan, có đến hàng trăm giò được chăm sóc tài tình tỉ mỉ từ rễ, lũa đến hoa.
Cả một quả đồi, Thành quy hoạch nơi trồng hồ tiêu, nơi trồng cà phê xen canh cây Macadamia, nơi nuôi dê và những cầu ong đặt khắp nơi trên đồi. Ngồi ở đây, gió lồng lộng thổi. Diệu nhìn xuống thung lũng thấy dã quỳ nở vàng rực, thảm hoa bắt nguồn từ đâu không rõ mà chạy ra xa tít tắp như dòng suối hoa. Thành mang đến một chai mật ong, Diệu nếm thử thấy hương hoa thanh mát lan ra trong miệng, vị ngọt vô cùng dễ chịu. Hai người ngồi bên nhau, lặng lẽ. Trong câu chuyện rời rạc, Diệu biết được vợ con Thành đã định cư ở nước ngoài, vợ Thành thường gọi về khuyên anh tìm một người phụ nữ để cùng bầu bạn. Lúc chia tay anh Diệu đã quay lưng đi nhưng khi ngoái lại bắt gặp ánh mắt tha thiết của anh, chị quay lại ôm lấy anh. Anh cũng ôm ghì lấy Diệu, thật lâu. Nhìn dáng anh lầm lũi bước lên đồi, lòng Diệu dấy lên thương xót. Thương anh như thương một cái cây cô đơn, thương chính mình. Đây là lần đầu trong đời, Diệu ôm một người đàn ông mà người đó không phải là chồng mình.
Lâm đón Diệu ở bến xe. Anh đỡ lấy ba lô, hơi lúng túng anh hỏi chị có mệt không? Diệu lầm lũi đi sau lưng anh, chị muốn khóc.
Sau rất nhiều năm, Diệu mới được ngồi vào bàn ăn bữa tối do Lâm nấu. Trong khi ăn, hai cô con gái cố gắng pha trò để mọi người được tự nhiên. Diệu về phòng, chị kéo ngăn bàn để lấy hai tờ đơn xin ly hôn nhưng chúng không còn nằm ở đó nữa. Diệu cũng không muốn hỏi chồng xem chúng đâu. Đêm nay Diệu đã thấm mệt vì chặng đường dài trên xe, chị chỉ muốn hong khô tóc, thoa kem dưỡng da và ngủ một giấc thật ngon trên chăn nệm tinh tươm.
Nửa đêm, Diệu tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong vòm ngực của chồng. Đôi chân lạnh của chị được ủ trong chân anh. Diệu ôm chồng, nhắm mắt lại. Chị muốn níu giữ những giây phút êm đềm, ấm áp này thật lâu. Ngày mai sẽ có gió của ngày mai thổi. Trong giấc mơ, đôi chân chị lướt đi trên đồng cỏ mềm, qua đồi cỏ hồng rồi ngồi tựa gốc cây cô đơn duỗi chân đọc sách. Những cái cây cô đơn bị gió bẻ xác xơ bật ra vô số mầm xanh. Những cái cây cô đơn biết hát.
Rồi đất sẽ chữa lành
Những mầm xanh, mầm xanh
Này địa y, này tầm gửi
Đến đây, dạo chơi
Cùng hát dưới ánh mặt trời
Và xoay xoay trong mưa rơi.
22/11/2020
Hoàng Hiền
Theo https://thanhnien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...