Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Yếu tố tính dục trong thơ nữ cách tân Việt Nam đương đại

Yếu tố tính dục trong 
thơ nữ cách tân Việt Nam đương đại

Trong thơ nữ Việt Nam đương đại có rất nhiều vấn đề lý thú để nghiên cứu, nhưng trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá vấn đề yếu tố tính dục trong bộ phận sáng tác trẻ trung, mới mẻ này.
1. Vài nét về vấn đề tính dục trong thơ Việt Nam từ trung đại đến hiện đại
Với truyền thống văn hóa Á Đông, với sự ảnh hưởng của Nho giáo, vấn đề tính dục được coi là vấn đề nhạy cảm, tránh hoặc ít được đề cập, miêu tả trực tiếp trong thơ Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Nếu được đề cập thì các nhà thơ thường dùng uyển ngữ, nhã ngữ để phủ một “màn sương duy mĩ” lên đối tượng và hoạt động tính giao bị coi là “thô tục” này: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về” (Truyện Kiều - Nguyễn Du); hay là: “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều).
Sang đến phong trào Thơ Mới Việt Nam 1932-1945, từ sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, một số nhà thơ mới đã táo bạo hơn: “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài” (Xa cách - Xuân Diệu).
Nhưng cũng chỉ có một mình Xuân Diệu dám cách tân đến thế, còn ẩn ý tính dục trong thơ Hàn Mặc Tử cũng chỉ dám mượn thiên nhiên mà thổ lộ: “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn - Hàn Mặc Tử).
Còn Bích Khê cũng mới chỉ dám miêu tả đến mức tả người trong tranh để ngợi ca vẻ đẹp thân thể của con người trần thế: “Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây/ Ðến triển lãm cả tấm thân kiều diễm./ Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?/ Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;/ Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc./ Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc./ Vài chút trăng say đọng ở làn môi./ Hai vú nàng! hai vú nàng! chao ôi!/ Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng./ Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!/ Tôi run run hãm lại cánh hồn si…” (Tranh lõa thể - Bích Khê).
Suốt 30 năm thơ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng vốn chỉ phản ánh cái Đẹp, cái Cao cả đã không dung nạp yếu tố tính dục, vì thế trai gái yêu nhau cũng chỉ dám: “Dấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm” (Hương thầm – Phan Thị Thanh Nhàn).
Chính vì quãng thời gian “cấm kỵ” vấn đề tính dục quá dài, những câu thơ sau của Dư Thị Hoàn mới gây xôn xao đến thế trong công chúng và trên thi đàn: “Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.
Nhưng từ 1986 đến nay, ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây như những luồng gió mới ào ạt thổi vào thi đàn Việt Nam, gặp gỡ với nhu cầu mãnh liệt cách tân thơ Việt của các nhà thơ, đặc biệt là với các nhà thơ nữ trẻ. Sự gặp gỡ ấy tạo ra một “cơn bão” thổi bùng những tia lửa còn rụt rè cháy ở giai đoạn giao thời 1975 – 1987, với một số nhà thơ nữ “nửa truyền thống, nửa cách tân” như Ý Nhi, Đoàn Lam Luyến, Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Bùi Kim Anh, Thảo Phương, v.v..., để từ đây, những “tia lửa” kia trở thành một “biển lửa” với Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh, Trần Lê Sơn Ý, Phương Lan, Thanh Xuân, Nguyệt Phạm, Khương Bùi Hà, Trương Quế Chi, v.v..
Ở thế hệ giao thời, vấn đề tính dục đã được đề cập đến, nhưng còn rụt rè, chừng mực. Bài thơ “Tan vỡ” của Dư Thị Hoàn được ví như một tiếng sét nổ giữa “khu vườn thơ” truyền thống, vốn quen giấu những cảm xúc, suy nghĩ về tính dục thật sâu trong những làn “vải bọc” lễ giáo với “công - dung - ngôn - hạnh”, sự e ấp, kín đáo đã thành truyền thống ngàn năm của phụ nữ Việt bắt đầu bị “rạn vỡ”: “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/ Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/ Con nai rừng của em…/ Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành chồng vợ/ Nếu không có một lần/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ - Dư Thị Hoàn).
Với các nhà thơ nữ cách tân giai đoạn đầu, bên cạnh Ý Nhi, Dư Thị Hoàn thì không thể không nhắc đến Thảo Phương với “Người đàn bà và tấm khăn choàng”: “Đường đời chông chênh/ Người đàn bà/ choàng khăn/ che dung nhan - đức hạnh/ che tì vết - lỗi lầm/ (…)/… Rồi một hôm/ Người đàn bà buông tấm khăn choàng/ hừng hực cháy/ vô nghĩa!/ Để lịm dần trong một nụ hôn dài/ và hóa thành chiếc-xương-sườn - Adam…/ Đường/ đời/ mênh/ mang…”.
Hình ảnh “tấm khăn choàng” trở thành biểu tượng cho sự vây bủa, kìm hãm, trói buộc không chỉ tuổi xuân, nhan sắc mà còn cả những khát khao tính dục thường tình của phụ nữ, vốn bị che dấu, khuất lấp đã ngàn năm, rồi từ đây với khao khát “tự do - tự tin…” người con gái ấy đã “buông tấm khăn choàng” buộc phải sử dụng suốt bao thế hệ, để “hừng hực cháy - để lịm dần trong một nụ hôn dài”. Nhưng sau “nụ hôn dài” ấy là gì thì họ không dám kể tiếp, dù sự tự thú này đã là vô cùng dũng cảm khi so với các “đàn chị” ở thế hệ trước: “Vòng tay tròn hết tình trăng/ Xin anh hôn chỉ vết rằm tình em” (Lê Thị Mây); hay là: “Trong âm vang em giống giọt sương đọng lại/ Dưới đôi môi anh bỏng cháy” (Phạm Thị Ngọc Liên).
2. Yếu tố tính dục trong thơ nữ cách tân Việt Nam đương đại
Chỉ đến thơ nữ Việt Nam đương đại theo xu thế cách tân, yếu tố tính dục mới xuất hiện dày đặc, táo bạo nhiều khi như thách thức mọi “khuôn vàng thước ngọc” định sẵn ngàn đời cho phụ nữ. Vi Thùy Linh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vấn đề tính dục trong đời sống và trong thơ chị: “Tình yêu cần sự hòa hợp của cả thể xác và tâm hồn. Thơ tôi nói về tình dục như một khía cạnh trong tình yêu”. Hầu hết các nhà thơ nữ thuộc xu thế cách tân đã qua sáng tác của mình mà bày tỏ quan niệm về vấn đề tính dục trong thơ: thành thực với mình, với mọi người cả ở những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm như tình dục, qua việc miêu tả trực tiếp thân thể phụ nữ, hoạt động ái ân, tư thế và thái độ chủ động trong hoạt động giao hoan với người mình yêu, v.v...
Những biểu hiện lạ lẫm từng bị coi là “nổi loạn” này bộc lộ khát vọng bình đẳng giới, khẳng định giá trị độc lập, chủ động, không tòng thuộc nam giới của phụ nữ hôm nay. Nó cho thấy sự thay đổi lớn lao về quan niệm thẩm mĩ, về các chuẩn mực đạo đức trong “thang” giá trị, tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy là đúng hay sai, có điểm nào khả thi, điểm nào cần phê phán thì phải căn cứ vào những tác phẩm cụ thể của từng nhà thơ trong bộ phận sáng tác này.
* Trực tiếp miêu tả những bức họa khỏa thân đang khát khao tính dục
Các nhà thơ nữ theo xu thế cách tân đã gây shock với độc giả, với các nhà thơ sáng tác theo thi pháp truyền thống khi phơi bày vẻ đẹp thân thể đang đợi chờ, đam mê với tính dục trong thơ. Đây là hiện tượng chưa từng có trong thơ nữ Việt Nam trước đây. Ngay cả thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng chỉ dám sử dụng hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng để phản ánh điều đó, như: quả mít, ốc nhồi, cái quạt, bánh trôi nước…
Giờ đây, các thi sĩ nữ trẻ gọi đích danh các bộ phận trên cơ thể nữ bằng đúng tên gọi của nó. Thủ pháp hoán dụ được sử dụng để từ một bộ phận nhạy cảm này biểu đạt toàn bộ thân thể nữ giới mang hai đặc điểm: đẹp; đang run rẩy vì khát khao tính dục. Vi Thùy Linh quan niệm ngực là nơi gửi đi tín hiệu hòa hợp cùng tình dục: “Cảm thấy tiếng gọi lan trên hai bầu vú” (Thiếu phụ và con đường). Còn với Phan Huyền Thư, ngực lại là nơi đón nhận sự kích thích ham muốn từ một nụ hôn: “Nụ hôn gióng căng ngực miền trắc ẩn” (Do dự). Không chỉ có thế, những eo, đùi, lưng, chân, môi,… cũng được miêu tả trực tiếp trong tư thế đợi chờ giao hoan đến khát cháy: “Chầm chậm, mở một chiếc nút áo/ Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo (…)/ …Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu trời đêm trong lồng ngực/ Nhưng áo chỉ năm nút/ Nhưng đêm là vô tận/ Mở mãi, muốn mở mãi/ Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm/ Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm/ Soi vào gương/ Bất lực và khóc/ Trong vô vàn những giọt nước mắt/ Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.” (Mở nút đêm - Ly Hoàng Ly).
Hình ảnh “bầu trời đêm” tượng trưng cho khát khao ẩn ức tính dục giấu kín trong lồng ngực, còn thi ảnh “mở bầu trời đêm” lại tượng trưng cho khát vọng được đắm mình trong đam mê nhục cảm nhưng bất lực trong cô đơn, để rồi phải “bất lực và khóc” của nữ nhà thơ ấy.
Vi Thùy Linh lại tự họa thân thể nude của mình trong khát khao ân ái: “Cơ căng tia mặt trời/ Ngước mắt nhận nguồn sinh khí/ Nhịp nhàng muốt sóng/ Soi thần thái từng mi li hình vóc…/… Này đứng lên/ Vươn tay đan tay/ Như một cây vĩ cầm/ Đêm Nude/ Vili violin trắng…”(Vi Thùy Linh).
Có một nhà văn từng viết: “Cơ thể phụ nữ là một cây đàn tuyệt diệu đang chờ đôi bàn tay của người yêu chạm vào để ngân vang những âm thanh mê đắm nhất”. Vi Thùy Linh đã thơ hóa nhận định kia, vẽ bằng ngôn từ bức họa về vẻ đẹp của thân thể người phụ nữ trong tình yêu và trong khát khao tính dục.
Phan Huyền Thư còn táo bạo hơn khi miêu tả thân thể người con gái sau cuộc ái ân còn run rẩy những khát thèm: “Em thèm miết ngón tay/ Không vị mặn của anh/ Mắt/ Môi/ Lưỡi/ Răng/ Nha phiến/ Anh ở đâu sót lại trong vết xước/ Em cào ngực rách ra những vì sao” (Điệp khúc mùa đông - Phan Huyền Thư).
* Trực tiếp miêu tả những động tác giao hoan cuồng nhiệt của người con gái đang yêu
Trong thơ nữ Việt Nam truyền thống, từ thời trung đại đến hiện đại, chưa từng xuất hiện cảnh giao hoan và tư thế, động tác cuồng nhiệt của nhân vật trữ tình là phụ nữ. Chính vì vậy, khi những “bức họa” gây shock này xuất hiện đã dẫn tới những tranh luận trái chiều trong giới phê bình văn học và trong công chúng văn học.
Đây là lần đầu tiên xuất hiện trong thơ nữ Việt Nam cảnh ân ái được miêu tả từ điểm nhìn của phái nữ: “Anh/ Ngửa bàn tay/ Sấp bàn tay/ Trốn tìm rồi chạy đuổi/ (…)/… Mắt trong mắt nồng nàn như lửa/ Thách thức cả bóng đêm lẫn mặt trời (…)/… Xin anh giữ chặt vai em/ Cùng xoay những vòng chóng mặt/ Thảo nguyên rỉ máu từ những hố sâu rều rĩ đòi trở lại hoang mạc,/ Quằn quại nỗi đau tìm về khởi thủy/ Một vòng xoay/ Hai vòng xoay…” (Thụy Du  Khương Hà)
Những hình ảnh “mắt”, “vai” là hình ảnh hoán dụ biểu tượng cho thân thể người phụ nữ trong hoạt động tính giao mê cuồng đã được “thơ hóa”.
Phương Lan trong “Những mảnh ghép của ngày” còn “vẽ” cảnh tượng giao hoan bằng những nét vẽ dữ dội hơn: “Có thể một giấc mơ mất tích trong cái ngáp của một giấc mơ khác /(…)/ Em đáp lại âm âm tiếng gọi bằng từng cơn run rẩy bật cong mình/ Em bơi trong khoảng nghẹn đặc tầng sương mù bốc hơi từ ảo ảnh về ngày…”.
Nhưng có lẽ nhà thơ viết nhiều, viết táo bạo nhất về đề tài này là Vi Thùy Linh - nhà thơ tự ngắm rồi tự yêu thân thể mình trong giao hoan bất tận, với trùng điệp những thi ảnh đắm đuối và bạo liệt nhất gắn với yếu tố tình dục: “Ngón tay đón mạch máu ở gáy/ Anh, mồ hôi dọc lưng anh/ Eo nàng, đồng hồ cát tuôn chậm/ Hôm nay/ Ngày - đêm 32 giờ/ Thân thể nàng là vĩ cầm đang đợi/ (…)/ … Cây cầu tay quàng cổ anh/ Mắt rừng rực bão bùng nguyên thủy/ Cuồng lưu tìm đáy thẳm giữ dịu dàng tụ lại…” (Vũ trụ trong tay - Vi Thùy Linh); hay là: “Giang cây cầu cánh tay/ Đến nhau bằng môi nóng” (Thay - Vi Thùy Linh).
Nhưng cũng chính nữ thi sĩ gây tranh luận, thậm chí phải nhận sự chỉ trích nhiều nhất này, đôi khi quên mất đặc trưng quan trọng nhất của thơ là tính thẩm mĩ, gắn với cái đẹp, mang lại mỹ cảm cho người đọc, nên sa vào dung tục: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng (…)” (Chân dung - Vi Thùy Linh); “Trăng đêm tháng Mười như cái sừng bò đâm vào em êm dịu” (Tín hiệu - Vi Thùy Linh).
Phan Huyền Thư kín đáo hơn nhưng vẫn biết cách gợi tả về khát khao ái ân của người phụ nữ, thậm chí là hoài niệm và mong mỏi về hạnh phúc thân xác đã qua: “Tay em/ Lúc quấn quýt thành giường/ Lúc mỏi mòn ngậm miệng/ Anh biết không/ Em vẫn chìa tay/ Thế kỷ sau/ Biết đâu có một ngày…”(Van nài - Phan Huyền Thư).
Nguyễn Thị Thúy Hạnh sử dụng thủ pháp chuyển đổi cảm giác kết hợp với tượng trưng để gợi tả thân thể người phụ nữ trong hoạt động tính giao: “Chân em dài ba tiếng đồng hồ/ Ngực anh thở bốn mùa bất ổn” (Tạm biệt thành phố - Nguyễn Thị Thúy Hạnh).
Bên cạnh những bài thơ, câu thơ hay viết về yếu tố tính dục của thơ nữ Việt Nam đương đại theo xu thế cách tân, chúng tôi thấy vẫn còn xuất hiện những thử nghiệm đổi mới không thành công, nhiều khi sa vào thô tục, phản cảm.
Những bài thơ, đoạn thơ miêu tả hoạt động tình dục một cách phản cảm không nhiều, nhưng đã gây ra sự phê phán quyết liệt từ các nhà phê bình văn học và độc giả. Sự phê phán ấy lại có lý do và không sai. Khi thơ nữ Việt Nam đương đại trực tiếp miêu tả  hoạt động tính giao qua các hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ đã gây shock, vì đây là lần đầu tiên hiện tượng này xuất hiện trong thơ nữ Việt Nam. Trong khi các nhà thơ nam giới khi miêu tả hiện tượng tương tự thì được “ưu ái”, ít bị phê phán hơn?
Một số nhà thơ nữ trẻ lại gây shock gấp đôi khi miêu tả trần trụi những hoạt động vốn được giấu kín và với phụ nữ chỉ nói đến thôi đã là điều đáng xấu hổ: “Suốt một buổi chiều/ Yêu dọc từ dưới lên - và xuống/ Từng lằn chi - khớp - tường phân ly thịt da/ Nhập một/ Ấm áp - Rịn - ướt /(…)/ … Nghiêng - xoay - cong - mềm mại/ Cọ - trườn - lướt/  Sau - trước/ (…)/… Ngoài và trong - không một bỏ trống/ Gò và trũng - suốt một buổi chiều…” (Động tác yêu – Trân Sa). Lê Thị Thẩm Vân trong “Căn phòng 2.2 - âm thanh sóng” lại miêu tả cụ thể hơn tình trạng của sinh thực khí nam trước và sau cuộc ái ân. Trong bài “Đoạn kết”, Luynh Bacardi còn cố tỏ ra bí hiểm khi miêu tả hoạt động tính giao này.
Nếu ở những tác phẩm thành công khi viết về yếu tố tính dục, các nhà thơ nữ cách tân đã “thơ hóa” yếu tố này, thì ở các ví dụ kể trên, các tác giả ấy đã “vật hóa” con người, gây cảm giác khó chịu, thậm chí kinh tởm nơi người đọc. Nhưng từ giác độ phê bình văn học, chúng tôi nghĩ có lẽ nên thể tất và cảm thông cho những “thử nghiệm” thất bại của tác giả còn rất trẻ này. Họ hiểu chưa đúng về khái niệm “cách tân”, về chủ nghĩa Hậu Hiện đại, không phải cứ nói khác, nói ngược, nói về những điều mọi người giấu kín là mới mẻ, hiện đại và thành công.
Rất  nhiều thế kỉ đã qua, thơ Nữ Việt Nam đã bị “trói buộc” trong “vòng dây” luân lý, đạo đức cổ hủ, bất bình đẳng ảnh hưởng từ tư tưởng Nho giáo. Bởi vậy, khi được “cởi trói”, sự cực đoan, quá đà ở những buổi ban đầu “tìm đường” đổi mới thơ của các cây bút trẻ là điều không tránh khỏi và cần được cảm thông.
Ở phương diện nghệ thuật thơ, việc miêu tả yếu tố tình dục bằng những thủ pháp nghệ thuật khác nhau góp phần đổi mới thi pháp thơ, đưa thơ nữ Việt Nam đương đại từ hệ hình truyền thống sang hệ hình hiện đại và hậu hiện đại, với khát khao “giải thiêng”, phá vỡ những “khuôn vàng thước ngọc” của thơ ca Việt Nam một thời, ở đó tính quy phạm về các phạm trù thẩm mĩ như cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, v.v... nhiều khi đã trở thành công thức gò bó và cứng nhắc, không dung nạp nổi những cá tính sáng tạo độc đáo, không ôm chứa nổi hiện thực đời sống đang biến đổi từng ngày trong xu thế “toàn cầu hóa”. Như vậy, xét ở bình diện lí thuyết, những cách tân của thơ nữ Việt Nam đương đại nói chung (tư duy nghệ thuật và cái tôi trữ tình, hệ thống biểu tượng nghệ thuật, ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật, v.v...) và cách tân khi phản ánh yếu tố tính dục nói riêng là đáng trân trọng. Nhưng xét ở bình diện thực tiễn sáng tác (của một hiện tượng văn học đang vận động và chưa hoàn kết), chúng tôi thấy cần bình tĩnh, thận trọng hơn trong đánh giá thành tựu và hạn chế của nó. Bên cạnh một số tác phẩm thành công còn khá nhiều tác phẩm thất bại khi phản ánh yếu tố tính dục của phái nữ. Không thể cứ thế phê phán những tác phẩm đề cập đến vấn đề nhạy cảm này vì “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi” (C. Mác). Điều quan trọng hơn cần phải hướng đến của cả giới phê bình văn học và độc giả, là: Thơ nữ Việt Nam đương đại phản ánh yếu tố tính dục như thế nào? Có đem lại mĩ cảm, bồi đắp nhân cách cao đẹp cho người đọc hay không? Miêu tả vấn đề gì, đối tượng nào trong thơ giờ không quan trọng nữa, điều quan trọng nhất là tác phẩm ấy sau khi miêu tả đối tượng và vấn đề này, sẽ vun đắp, thanh lọc, hướng người đọc tới Chân, Thiện, Mỹ hay ngược lại?
Xu thế cách tân trong thơ nữ Việt Nam đương đại đang là một dòng sông mạnh mẽ trong hành trình của nó, không nên vội vàng ca ngợi một chiều hay phủ định sạch trơn với bộ phận sáng tác chưa hoàn kết này, chúng tôi chờ đợi và hi vọng vào những thành công của các nhà thơ nữ trẻ theo xu thế cách tân ở những chặng đường sắp tới.

Tài liệu tham khảo:
Lynh Bacardi, Khương Hà, Phương Lan, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Dự báo phi thời tiết, NXB Hội Nhà văn, 2006.
Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Di chữ, NXB Hội Nhà văn, 2017.
Dư Thị Hoàn, Lối nhỏ, Hội VHNT Hải Phòng xuất bản, 1988.
Vi Thùy Linh, Khát, NXB Phụ nữ, 1999.
Vi Thùy Linh, Đồng tử, NXB Văn nghệ, 2005.
Vi Thùy Linh, Linh, NXB Phụ nữ, 2007.
Ly Hoàng Ly, Lô lô, NXB Hội Nhà văn, 2005.
Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, NXB Hội Nhà văn, 2002.
Phan Huyền Thư, Rỗng ngực, NXB Hội Nhà văn, 2005.

8/10/2020
Nguyễn Đức Hạnh - Dương Hoài Thương
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...