Tô Hoài - Nhìn từ một khoảng cách gần
Những suy nghĩ khi nhớ lại Tự truyện
Một xuất phát tốt là thiên hồi ức Cỏ dại. Hình như thời thơ
ấu không may mắn đã giúp cho người trai ấy có sự tỉnh táo, biết vị thế của mình
trong đời. Cái gốc của Tô Hoài là một linh hồn bơ vơ. Một người thợ thủ công
“cỏ dại” chính cống. Sau mới có một con người cán bộ - cán bộ viết văn -trùm ra
ngoài.
Cái giọng riêng của Tô Hoài bắt đầu từ đâu? Câu văn
như bước chân người kéo lê đi, lại như tiếng
thủ thỉ để chứng tỏ là con người đó vẫn sống, không bao giờ chấp nhận
sự cùng đường. Văn Tô Hoài không gợi cảm giác sang trọng mà thường ăn ở
cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi,
hèn hèn tội tội như thế nào đó. Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi
vẫn quen với những nhem nhọ“.
Về kỹ thuật viết
Như nhiều người đã nói (trong đó có Hoàng Tiến), Tô Hoài mạnh nhất khi tả
phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều
khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên,
người ta bị hút ngay vào những đoạn rẽ ngang rẽ dọc đó.
Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để
ý đến nhân vật bằng phong cảnh. Nhân vật của ông như người qua đường không hiện
lên như những tính cách mãnh liệt muốn thể hiện ý mình, mà chỉ để làm cớ cho
tác giả kể chuyện.
Các loại nhân vật
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có chí khí và có tầm nhìn xa - Dế mèn.
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó
là A Phủ.
Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không
thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người
ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm
thường.
Sự tồn tại giữa đời
Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh
người rẻ của như vậy, lạnh lùng như vậy, mà vẫn sống giữa người đời
rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người
đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra (Phạm Thế Ngũ trong Việt nam văn học
sử giản ước tân biên in ở Sài Gòn trước 1975 coi Tô Hoài thuộc loại ngòi
bút nhân hậu bậc nhất hồi tiền chiến).
Một số tác phẩm
Tự truyện cho thấy cái đời thường duyên dáng của một người làm nghề.
Nét nổi bật của Một quãng đường đoạn tả nhà văn lang thang đi ăn
xin. Chất “bạc nhạc”. Những đoạn không đâu vào đâu như thế, cung cấp tốt tài
liệu cho những người viết tiểu sử ông. Cho người ta hiểu thế nào là một con
người, nhất là loại ta hay gọi là “nhân dân lao động”.
+ Hóm hỉnh, gần nhân tình, nhạy bén.
+ Ngấm ngầm ham hố, cũng đi lừa mọi người sau khi đã
bị người lừa.
+ Không thể lớn được, nhưng không chết, lầm lụi dai dẳng, để rồi
lại mãi mãi sinh sôi.
Bề ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm
hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt
động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh túy, vừa là độn; con người
vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ
gần gũi với nhau.
Những con người trong đó biểu hiện rõ cuộc Cách mạng này - Nảy sinh từ
xã hội cũ, họ lại là động lực chính phủ nhận nó và lang thang đi tìm một cái gì
khác dù không biết rõ cái đích mình đến.
Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài bảo trong đời
sống văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người
nửa ma.
Theo nghĩa này có thể bảo chính ông như một con ma, trong ông có
một con người nghĩ ngược với những điều đang viết. Lúc nào ông cũng có
nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc
nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
Người sùng bái sự không thiêng liêng của cuộc đời - Tô Hoài đáng
được định nghĩa như vậy. Trong Tô Hoài luôn luôn có cái xu thế muốn xúi
giục chúng ta viết văn thực sự, làm người thực sự, tuy ông vẫn nghĩ:
– Như thế thì mệt lắm, mà cũng chả đi đến đâu.
Trong con mắt những đồng nghiệp
Ý Nhi kể: ông Tô Hoài thấy cái ảnh của mình ở 45 truyện ngắn cho một câu “Mình
mà cũng đẹp nhỉ. Mình như Tây thế này còn gì”.
Kim Lân: Tô Hoài là người rất từng trải, chịu chơi với anh em
lắm, đâu cũng đi (mà vẫn giữ được mình). Nguyễn Đình Thi khi làm Tổng Thư ký,
không dám ra quán rượu thịt chó với anh em nữa. Tô Hoài thì làm tất. Dễ dàng
lắm. Rồi lại vào kiểm điểm nhau như chơi.
Thợ Rèn có ý tương tự: Ông ta sẵn sàng uống rượu, nói bậy với anh
em, rồi lại đứng lên thay mặt chi ủy, phê phán anh em.
Lê Minh Khuê nhớ lại một lần bầu Quốc hội: Gớm, ông Tô Hoài ông
ấy ra tranh cử, ông ấy nói cũng chẳng khác gì xã luận hết, điếc cả tai.
Vũ Hùng: Tôi đọc Chuyện đường xa, thấy lạ. Tô Hoài viết quá nhiều
chuyện mà anh không biết, ví dụ chuyện vệ tinh, chuyện bay trên máy bay, đi
ngược ngày thế nào. Cái gì anh ấy không biết, anh ấy phải hỏi người khác chứ?
Trong một số truyện ngắn, Tô Hoài luôn luôn thù ghét với những người không
ở cái căng (Tiếng Pháp camp - chỉ phe nhóm, trận tuyến) của
mình. Luôn luôn thấy căng của mình mới hay ho tốt đẹp, mọi nơi khác,
không ra gì!
Tôi (Vũ Hùng) thấy anh - Tô Hoài - không bằng anh Võ Quảng.
Anh Võ Quảng hôm nọ bảo tôi: Nhà văn không nên để mình quá
bị ràng buộc vào một quan niệm nào đó. Chỉ có một quan niệm mà, theo Võ Quảng,
chúng ta phải trung thành - đó là quan niệm nhân bản.
Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ có điều cái nhân
bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi
bút kiệt xuất.
Mối quan hệ với đồng nghiệp
Sau 1975, vào Sài Gòn, Tô Hoài rủ Nguyễn Tuân thăm Vũ Bằng.
Nguyễn Tuân không đi, coi như không trở lại chuyện cũ. Tô Hoài đã đi
thăm thật. Cũng như Tô Hoài đã lặn lội về thăm Nguyễn Bính,
sau khi Nguyễn Bính mất. Hình như việc gì người khác không dám làm, thì Tô Hoài
dám làm, luôn luôn Tô Hoài muốn chứng tỏ rằng mình không sợ gì cả. Trong bụng
dám cho rằng mình đi với ai cũng được.
Bùi Hòa nhớ một vài lần đến gặp nhà chính khách Nguyễn Văn
Bổng, lại gặp Tô Hoài ở đấy. Hai ông trao đổi cho nhau mấy quyển tiếng Pháp.
Sao Tô Hoài cứ lẩn lẩn, thằng Hân cũng có cái tính hay lẩn kiểu ấy, Bùi Hòa kết
luận.
Không chừng cái cách sống ấy có ở nhiều người. Chẳng hạn
như Nguyễn Kiên. Né tránh mọi người, giữ miếng, không thích bàn kỹ về điều
gì cả, vì ngại bộc lộ đến cùng con người mình trước người khác.
Con người làm bằng chất dẻo
Chuyện ở Hội Văn nghệ Hà Nội, báo Người Hà Nội. Bằng
Việt kể: Ông Triệu Bôn có vẻ vùng vằng, nghĩ rằng mình đi vắng 2 tuần, ở nhà
báo sẽ chẳng ra sao. Ai ngờ, cũng xong. Tô Hoài mủm mỉm cười, làm tuốt.
Bùi Bình Thi kể về thái độ chịu chơi của Tô Hoài.
Tô Hoài đang có chuyện gì đó làm mọi người bực ra mặt. Văn
Linh cáu. Muốn xin lỗi, thừa lúc Văn Linh quay ra phía khác, Tô Hoài
thò tay bắt tay Văn Linh từ phía sau, nắm thật chặt. Văn Linh có cáu
mấy cũng đành đặt tay mình trong tay Tô Hoài.
Nguyễn Minh Châu: Tô Hoài bao giờ cũng có xu thế muốn làm
vừa lòng người nói chuyện với mình. Hễ mình nói cái gì động chạm
là lão chuồn ngày, lảng sang chuyện khác ngay.
Tô Hoài hỏi Xuân Quỳnh:
– Có phải cô bảo tôi là vừa đá bóng vừa thổi còi phải
không?
– Vâng, em bảo anh thế đấy! (có liên quan đến một giải thưởng)
Tô Hoài không nói gì, sau vẫn gửi sách tặng Xuân Quỳnh (cuốn Nhà Chử)
Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người
khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình. Tôi nghĩ, ông như có cái khóa
tốt, khóa tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt nam hôm nay.
Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người
rẻ của, ma giáo quá. Dương Thu Hương: Lão Tô Hoài là loại Hà Nội móc cống, xích
lô, chứ đâu có chất quý tộc như dân Hà Nội thực thụ.
Một kiểu làm ăn tùy tiện
Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác
quá. Mà do Tô Hoài làm đấy. Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của
mình biết bao.
Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả chúng ta đều là cặn
bã, thì loại như Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ,
vừa là cặn bã của xã hội mới.
Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu “Tô
Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
Có lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô Hoài đâu
có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống
gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng
có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt
khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh
lắm.
Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo
là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên
huấn họ đọc.
Nhàn: Tôi ngờ rằng lúc vào nghề, ông Tô Hoài đã bị những người trong nghề
coi thường lắm nên bây giờ ông ta mới lang thang đủ nơi mà chẳng dính vào nơi
nào hết. Kim Lân: Không, căn bản là vì Tô Hoài rất chịu chơi, lúc nào cũng sẵn
sàng đi chơi với mọi người, tuy chẳng để làm gì, chẳng để yêu bạn bè hơn, nhưng
cứ thích đi.
Nói về người khác
Thường chỉ cần một hai câu, Tô Hoài cũng đủ giết người ta rồi.
- Con người ta thật là buồn cười. Như cô Tú bây giờ, lúc nào cũng nói “in
được một bài thơ, đối với tôi bây giờ, còn sướng hơn in một tập truyện ngắn“.
- Không ngờ đời sống làm cho ông Thông ông ấy đổ đốn
như vậy chứ hồi ở Việt Bắc, ai cũng yêu nhớ. Trẻ này,
chịu học này, đọc được cả chữ Hán lẫn chữ Pháp, nên cần gì là nghiên
cứu được cái ấy, mà lại đặc biệt tín nhiệm về chính trị nữa. Mình vẫn ngờ cái
loại nhà văn về Hà Nội bằng con đường Thái Nguyên. Ít nhiều vẫn có chất tỉnh lẻ
của nó!
Tô Hoài kể về một kiểu người nhạt nhẽo.
– Chả là tôi cũng là loại tác giả được phân công có người chuyên
môn theo dõi. Người ấy chính là cô X. Một hôm cô ấy bảo tôi “Em nghe người ta
bảo anh với chị bằng mặt nhưng chả bằng lòng, mà anh lại lòng thòng với chị N.
phải không?” “Mồm thiên hạ vẫn thế. Hay là để tôi gọi nhà tôi lên cho cô tin
nhé!” “Nghĩa là không có gì?” “Toàn chuyện vớ vẩn đồn thổi!”.
Thế là cô ta sung sướng như chính cô ta được minh oan.
“Có thế chứ, có thế chứ!”
Về sau, Nguyên Kiên bình luận: Ông Tô Hoài vẫn có cái lối đóng kịch
kiểu ấy. Cứ làm như mình sòng phẳng lắm ấy!
Nói về chữ nghĩa:
– Tôi thấy luôn luôn người ta có thể viết cho gọn hơn. Từ 5
dòng, tôi có thể co lại, còn độ 3 dòng, hay 2 dòng. Trong ba
chữ một cái đèn, thể nào cũng có thể xóa bớt, chỉ còn hoặc là một
đèn, hoặc là cái đèn.
Tôi (VTN) nghĩ: đi mà xóa văn Nguyễn Tuân!
Nhưng một phát hiện khác của Tô Hoài thì có thể chấp
nhận được:
– Cái bài Chữ và câu văn của tôi còn có đoạn nói đến biền ngẫu ở
Nguyễn Khải. Thế mới biết biền ngẫu nó vào mình tự nhiên thật (đoạn chê này,
đến lúc in, thì trường Nguyễn Du, nơi in tập sách có bài Chữ và
nghĩa nói trên họ xoá hết!)
Tầm vóc văn chương
Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người
ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn Việt Nam
ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài,
luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống,
len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta
không chết.
Và nỗi lo lớn nhất là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm
trước đồng nghiệp.
Đọc lại truyện ngắn viết trước 1945, thấy nhà văn này có lý để tự
kiêu, truyện rất hay, tự nhiên. Có một chút gì đó thanh thoát hơn các
truyện của Nam Cao nữa. Nhưng thấy Tô Hoài ảnh hưởng đủ thứ kể cả Nguyễn Công
Hoan (truyện Ma đè).
Ý nghĩa xã hội
Đọc Tô Hoài, thêm hiểu tại sao lại có Cách mạng tháng Tám. Tình cảnh dân ta
trước 1945 khá rõ.
– Một xã hội đẹp nhưng quái gở. Đàn bà quyết định tất
cả (truyện Một người đi xa). Thế nào người ta cũng có lý, cũng nói
được.
– Một xã hội quá tù túng. Những yếu tố lạ, nhưng yếu
tố ánh sáng, có le lói đến (những đoạn tả người
ở quê ra tỉnh, người ở tỉnh về) những chưa giải quyết được bế
tắc. Tỉnh thành phố xá nào có ra gì, cũng buồn bã, yếu đuối, không đủ sức phá
vỡ sự tẻ nhạt của nông thôn công xã.
Những trang Tô Hoài tả việc lên phố của mình (trong Cỏ dại),
câu chuyện lên Hàng Mã ở, sao vẫn chỉ như là dấu hiệu cho thấy một sự bất lực.
Ngưng đọng, trì trệ là đặc điểm chính của những xóm ngoại ô này. Có cố thì cũng
đến thế thôi.
Có cả những bệnh không chữa mà khỏi, lẫn những bệnh không bao
giờ chữa khỏi. Có cả những ao ước mơ hồ, lẫn lời hứa phiệu
ngay từ đầu đã không ai tin.
Tô Hoài hay có lối tả con người dù đã qua nhiều bước phiêu
lưu, vẫn trơ lại trước mọi tác động, con người mặc dù có vẻ rất nhạy
cảm nhưng cuối cùng đâu vẫn đóng đấy, nhân vật đi qua cuộc đời mà rút cục mình
vẫn là mình.
Niềm tự tin
Lại Nguyên Ân kể về một ông bán sách cũ: bán ra
thì rất đắt, coi như sách của mình đi khắp cả nước tìm không ra;
mà mua vào thì nhìn dửng dưng, nhạt nhẽo, y như không cần, nhìn sách bằng nửa
con mắt.
Tôi muốn mượn mấy câu này để nói về “thần thái” của Tô Hoài. Trong Tô Hoài
có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công
chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương ,còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý
của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ
sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả
đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung đối với sự
đời chả coi cái gì ra gì hết.
Những năm chín mươi
1/1990
Một chuyện đáng nhớ ở Đại hội nhà văn III: Tô Hoài
mai đi Le Caire Ai Cập họp Hội nghị Á Phi rồi, hôm nay vẫn giữ tên trong danh
sách bầu chủ tịch đoàn. Phan Hồng Giang tố ra giữa hội trường để còn dành chỗ
cho người khác. Ai cũng nghĩ ê cả mặt.
Nhưng Tô Hoài coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau Đại Hội vẫn đến Hội
Nhà văn. Nghe đâu, số Tác phẩm văn học này, lại có bài điểm sách Tô
Hoài.
Sức sống của nhà văn này cho tôi hiểu thế nào là sự phong phú của con
người, nhất là loại người từng trải. Có thể nói ở mỗi con người loại này có
những con người khác nhau. Trước công việc, một con người khác - đôi khi là
Chúa - chi phối anh ta. Trong khi đó, thì ngoài đời, anh ta vẫn tiếp tục phiêu
lưu, lang thang, hưởng thụ, hư hỏng.
Phan Thị Thanh Nhàn kể: Ông Tô Hoài làm ở cơ quan báo, lại Hội nữa, ăn
hai lương như Bằng Việt, mà chả bao giờ đến cơ quan cả.
Theo Nguyễn Kiên, cái vụ Đại hội thì dơ thật. Nguyễn Kiên giải thích thêm,
sở dĩ lúc bấy giờ ông Tô Hoài còn nấn ná chờ có được chút gì không, theo mình
biết là vì ông nghe rằng hình như trên sẽ can thiệp vào Đại hội, nhân sự sẽ do
trên xếp, và như vậy, thể nào ông cũng có phần. Ấy, kinh nghiệm xưa nay vẫn là
như thế, chỉ có điều lần này kinh nghiệm đó không đúng nữa.
…
Nhân chuyện gì đó (à, chuyện về tạp chí của Hội), tôi bảo:
– Hình như ông Tô Hoài sẵn sàng làm.
Nguyễn Kiên:
- Ông ấy thì cái gì chẳng nhận. Rồi cũng chẳng làm mà cũng
chẳng bỏ, nghĩa là làm cứ như đùa.
Ngày thứ ba 20/2, Hội đồng văn xuôi họp. Nghe anh em
kể thì Tô Hoài giở giọng ngang phè (Ma Văn Kháng gọi
là “giả lão, bán lão”, cậy mình là già, lợi dụng tuổi
già của mình):
– Tôi bây giờ chả sợ gì nữa. Ông Tố Hữu còn sợ, tôi
chẳng sợ.
– Đọc báo là tôi cứ tìm cái dở nhất tôi đọc. Đọc thơ. Mà lại thơ Huy
Cận, thơ Nguyễn Xuân Sanh hẳn hoi. Toàn thơ in theo chiếu mà, nên muốn hiểu ai
lên ai xuống ai đứng yên mình phải đọc.
– Thời buổi bây giờ hỗn loạn, bỏ cái minh họa hôm qua,
thì lại minh hoạ cho cái đổi mới hôm nay.
– Thì những giải văn chương trên chính trường bây giờ, như giải Nobel,
nó cũng đều là chính trị cả.
Có một chút gì trơ tráo trong tất cả những lời bộc
bạch đó. Anh em người ta cãi lại, anh mà không minh hoạ à, anh
mà không có chiếu à, chiếu lớn là đằng khác. Anh bảo giải Nobel
chính trị, thế giải Bông Sen của anh (Phạm Thị Hoài: Bông Sen hay Hoa Sen
tôi cũng không biết nữa), mà không chính trị à?
Nghe Đỗ Trung Lai nói lại, Bằng Việt bảo phải cho Tô Hoài
về hưu thôi, Tô Hoài cũng 70 rồi (Bằng Việt vẫn là nhân vật số 1 của
Văn nghệ Hà Nội).
Chắc có lẽ thế, nên Tô Hoài chạy vạy đủ các nơi.
Hoàng Cầm: Tô Hoài đúng là một con chuột ngày, khôn lắm. Khi
mà Tô Hoài muốn lấy lòng mình, lão rất khéo. Để rồi sau đó, lại phản
ngay được.
19/6/1990
Loại như Tô Hoài - đó là sản phẩm của quá trình dân
chủ hoá trên thế giới này (quá trình dân chủ hoá tất
yếu mà Likhatchev đã có lần nói tới cũng là một xu
thế chung của văn học mình, từ thế kỷ XX). Nhưng dân chủ
mà thiếu phần quý tộc, chỉ là dân chủ trong tầm
thường, nhảm, thấp.
11/7/1990
Ngồi cạnh Tế Hanh nghe ông nói với ai đó rồi quay sang gật gù bảo
với tôi:
– Anh Tô Hoài còn trẻ mà nhanh nhẹn lắm.
Tôi máy mồm, không kìm được, độp luôn:
- Nhanh nhẹn và tham lam nữa, nên đúng là trẻ thật.
Nguyễn Đình Nghi:
– Tô Hoài thường bảo rằng Tự lực văn đoàn không
trả tiền mình. Nói thế chỉ là thấy việc
nhỏ mà không thấy việc lớn. Lệ hồi ấy, ai mới gửi
mà được đăng lần đầu đều không trả tiền. Còn
về truyện Con gà ri (khi đăng trên Chủ nhật còn giữ cái tên
là Mê gái - V.T.N.). Bố tôi là người đọc văn xuôi. Có đống bản thảo,
tôi biết đã định loại đi, nhưng thấy tiếc moi xem lại lần nữa. Phát hiện ra
truyện của Tô Hoài, thế là ông thuê xe lên ngay nhà Thạch Lam và hai ông cho
đăng ngay ở số gần nhất. Sao lại bảo là ông vô trách nhiệm được.
(Cũng Nguyễn Đình Nghi: Đừng tưởng như Nguyễn Công Hoan mà là chân
thực đâu. Trong Đời viết văn của tôi cũng khối chỗ nói dối!)
Người ta kể rằng, ở Hội nghị của Hội đồng văn học thiếu
nhi, Văn Linh chửi ầm lên: Tôi chán các thứ hội đồng này lắm rồi. Lúc nào
cũng từng ấy mặt chẳng nhẽ không ai thay được à?
Quang Huy cũng phụ họa cái giọng đó. Nhưng Tô Hoài kệ.
Trong đầu óc mọi người ở Hội, Tô Hoài vẫn là một nhân vật không thể thiếu.
Khi người ta có ý định lập ra tạp chí Văn học nước ngoài, thì ông Tổng
biên tập mà người ta nghĩ tới lại là Tô Hoài.
Một buổi tôi ngồi nói chuyện với Hách, Khuê.
Hách: Mình còn nhớ lần đầu thằng Trần Ninh Hồ nó gặp ông Tô Hoài về, nó bảo
ông ấy ghê lắm, hạch đủ thứ.
Khuê: Tôi viết cái truyện gì này này, nói về một nghệ sĩ. Ông ấy bảo
đừng có viết về nghệ sĩ. Hãy viết công nông ấy.
Nhân bàn về thân phận, tôi nói đùa:
– Từ công việc của Tô Hoài đôi khi thấy toát lên cái ý văn nghệ phải
được quan niệm như một công việc nhăng nhít, và người làm văn nghệ quá nhiều
tay nhảm nhí. Mà người tài nhất trong cái đám nhảm nhí này trước cách mạng có
Nguyễn Bính và có Tô Hoài. Nhưng mặt hàng Tô Hoài đa dạng hơn.
Trong bài Chữ và tiếng nói sách Sổ tay viết
văn trang 119, bản in 1960, Tô Hoài nói về nghề: Người viết văn như cái
cửa hàng bách hóa, càng nhiều mặt hàng càng dễ chạy.
14/4/1991
Vũ Quần Phương kể: Ông ấy khôn lắm, không có cái
gì bỏ qua, nhưng không dính vào việc gì cụ
thể cả. “Lúc nào cần vắng thì tôi vào viện. Ở tuổi tôi
thiếu gì bệnh để nằm viện“. Chính ông ấy nhận như thế.
(Bùi Bình Thi có lần nói: Tô Hoài như một con rán, đặc
biệt nhạy cảm với mọi tình thế)
Cơ quan có cô N. làm văn phòng. Ông Tô Hoài dùng nó,
nể nó. Đùng một cái, nó xin vào Hội. Anh em thấy chuế, ông
Tô Hoài cũng thấy chuế. Cho nó vào thì ra làm sao nữa.
Có người như Bằng Việt nói thẳng, thôi N. ơi chờ chút đã,
để bọn này viết cho N. mấy cái truyện hoặc mấy bài thơ rồi ký tên N. đã, N. hãy
vào. Nhưng N. nó không chịu.
Đến ngày Ban chấp hành bỏ phiếu thì ông Tô Hoài vắng một cách cố ý.
Ấy, ông cứ sợ một đứa khùng dại như vậy để rồi có lúc ông coi thường cả một
đại hội.
Người khác tham lộ mặt. Ông ấy thì lẩn khuất kín đáo. Khi có hai bên tranh
nhau thì ông ấy nhường ngay. Chỉ khi nào, ở chỗ nào không ai để ý, ông ấy
mới bổ nhào, và người ta phải chịu.
Cái mà tuổi tác mới dạy cho ông ấy chăng? Không, từ trẻ ông
đã thế.
Là cái mà văn hóa Việt Nam nó thấm vào ông nữa.
19/7/1991
Con người trong Tô Hoài
Đọc lại Dế mèn. Đúng là có một tính cách, sự khao khát, ý tưởng
hành động. Nhu cầu muốn làm việc lương thiện. Sự sòng phẳng, chấp nhận những
lầm lỡ của con người mình.
Tính cách kiểu Dế mèn là tính cách thông thường của con người lập
nghiệp, tuy không có cái sắc cạnh, cái quá đáng, cái gần như không thể bộc lộ
được. Lại cũng đã bắt đầu thích chức vụ xã hội.
Nhưng ngoài Dế mèn, thì các nhân vật khác đều lặt vặt không có con
người nào như Dế mèn. Trong truyện Tô Hoài trước cách mạng, loại con người hiện
ra vớ va vớ vẩn đông hơn nhiều.
Trong một phiếm luận, tôi đã từng chứng minh những variant khác
nhau mở ra trước nhân vật Tô Hoài trong việc mưu cầu hạnh phúc. Có vẻ như Tô
Hoài muốn đưa ra cả loạt, một cụm mà lại không có một phương án nào là rõ
rệt.
Tô Hoài không thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại
nhân vật chỉ để vẽ phác, và đều nham nhở. Nhân vật không có những khao khát
lớn. Nhân vật không có cái đắm đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng. Bước
đi loạng choạng, ý định thú tội - nhớ có một nhân vật Nguyên Hồng
được tả như vậy. Gắn liền với ý thức về tội lỗi, khao khát chuộc tội. Sự thông
cảm kỳ diệu với thiên nhiên, thấy ở đó một biểu hiện của Chúa, những cái ấy có
ở những trang đặc sắc nhất của Nguyên Hồng.
Cuộc đời trong Tô Hoài thì lẩn mẩn rất nhiều chi tiết mà người bình thường
quen thuộc nhưng lại hay bỏ qua. Đọc Tô Hoài người ta có thích thú nhưng không
sửng sốt. Nhân vật trong Tô Hoài thiếu hẳn bản sắc riêng, cái thật nổi trội kỳ
lạ. Có vẻ như họ sát ngay mặt đất, họ dễ lẫn đi giữa những người khác.
Nguyễn Kiên:
– Tôi và Tô Hoài cũng là một thứ bạn vong niên. Hồi tôi còn ở chỗ 65 Nguyễn
Du, ông Tô Hoài cũng hay đến chơi, thủ thỉ đủ các chuyện vẩn vơ. Gần đây tôi
chỉ nghĩ sao mà bố mày liều thế, viết bừa viết phứa, có mỗi cái Hà Nội cũ mà
viết mãi thôi.
Vào những ngày này (10/1991) Tô Hoài đang khoe là có một cuốn hồi ký
mang tên Cát bụi chân ai kể lại chuyện Hội Nhà văn 1957-1987
Báo Tiền Phong Chủ Nhật đã trích đăng hai kỳ về Nguyễn Bính, bài
viết cho thấy hình ảnh một Nguyễn Bính rạc rài rất đáng thương mà cũng đáng
giận.
Lạ thật, một mặt thì Tô Hoài rất tiêu biểu cho lối làm việc của
nghệ sĩ Việt Nam, loanh quanh tả cái cây cái lá với những
chuyện vặt vãnh. Mặt khác, ông lại là người có lối làm việc của
nhà văn hiện đại. Ông sớm viết hồi ký, viết ngay từ hồi 22-23
tuổi - tập Cỏ dại. Hình như ông hoàn toàn hiểu rằng nhà văn còn biết viết
về những gì khác ngoài chính mình nữa!
Bên cạnh cái phần đôn hậu, sự ma mãnh là một thứ bản chất
thứ hai Tô Hoài, nó giúp cho ông tồn tại nhưng cũng kéo thấp ông xuống.
– Ma mãnh nghĩa là sẵn sàng làm bậy, nói dối, viết ẩu, len lỏi để sống.
– Ma mãnh nghĩa là cứ tự nhiên mà thành, mưu
mô lặt vặt xoay xở tầm thường cũng là tự nhiên, và không đủ
sức vươn lên thành trí thức, vươn lên trong kiến thức, sách vở, phiêu lưu
vào những khu vực thiêng liêng của đời sống tinh thần.
1/1/1992
Về quyển hồi ký Cát bụi chân ai
Từ hồi gặp nhau ở Moskva, Tô Hoài đã nói với tôi về ông
Tuân, phải viết về ông ấy, viết chứ, nhưng không phải là kính
viết mà viết một cách như là vẫn sống với ông ấy vậy. Lại Nguyên Ân thì
lại còn được Tô Hoài rót vào tai đại ý là sẽ viết về một thế hệ các ông ấy gặp
chủ nghĩa Mác như gặp một cái quán, tiện chân là vào, thế thôi.
Đọc trích đoạn Cát bụi chân ai trên báo Tiền Phong, cứ
tưởng Tô Hoài viết theo kiểu Ehrenbourg, viết cho mỗi người một chương. Nhưng
không phải. Cả quyển viết về Nguyễn Tuân. Mở đầu bằng câu tôi kém Nguyễn Tuân
10 tuổi. Và đến cuối là đoạn có người đến báo Nguyễn Tuân chết. Theo cách trình
bày của Tô Hoài, thấy ông không định viết Nguyễn Tuân cho sang mà kéo Nguyễn
Tuân gần với mình, để rồi, cũng vẫn không quên cái điều căn bản, thực ra Nguyễn
Tuân là Nguyễn Tuân mà mình vẫn là mình. Cái hiện tượng Nguyễn Tuân với Tô Hoài
không gì khác, là chính văn học, là chính đời sống, chúng ta không lựa chọn
cuộc đời này, ta sống với nó, vừa hăng hái thiết tha, vừa uể oải chán chường.
Chưa bao giờ, chưa ở chỗ nào, tôi thấy Nguyễn Tuân như ở đây, nghe giọng toàn
là thứ thiệt cả. Mặc dù luôn luôn nghi ngờ Tô Hoài, cho Tô Hoài là khôn, ranh,
giấu mặt, song Nguyễn Tuân vẫn không bỏ được Tô Hoài, vẫn thấy đấy là một phần
của cuộc đời mình. Theo cách nhìn của Tô Hoài, ở con người khinh bạc ấy, vẫn có
biết bao tha thiết. Nguyễn Tuân hiện ra không như người ta nghĩ - hoặc có ác,
thì cũng là ác một cách rất hiền lành, giời sinh ra bởi lẽ cá nhân thì phải làm
cách vậy, chứ đâu có vô lương tâm. Khỉ thật, cái việc mà Tô Hoài từ Tây
Bắc về Hà Nội, Nguyễn Tuân phải đi tiễn mãi, rồi thư từ cho Tô Hoài nữa, đọc
đầy lý thú. Hoặc cảnh họ lang thang ở phố xá Hà Nội. Chiều chiều gặp nhau ở một
cái quán, trong chốc lát mà thấy cả đời. Suốt bao năm tháng, ý tứ mà sống với
nhau, anh nào lo niêu cơm anh ấy, nhưng cũng nên sống cho người khác một tí
nữa. Nhớ chi tiết Nguyễn Tuân cho Tô Hoài uống rượu, rót xong là cất chai đi.
Lại nhớ cái cảnh Tô Hoài đến Nguyễn Tuân đi vắng, lúc chủ về, thấy khách ngồi
đấy, hỏi một hai câu, tỏ ý khó chịu rồi lăn ra ngủ. Cái tài của Tô Hoài là tả,
tả kỹ, khiến cho mình tin một con người như vậy, và nhất là tin rằng cuộc sống
chỉ là một cái gì bình bình, xoàng xoàng, không nên cao giọng mà nói, mà quát
(gần đây, gặp tôi, nhân nói chuyện về Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử cũng không
quên nói rằng ông Mạnh nhiều khi cao giọng đấy, chả vừa đâu). Đoạn cuối, tả
Nguyễn Tuân già yếu, bất lực, tiếc đời, lụn bại, đúng với tình thế một người
hết thời, nhưng cũng cho thấy một cuộc đời qua đi, chớp mắt một cái, thế là đã
xong hết cả. Nhưng mấy hôm nay, người trong giới bảo nhau (tôi nghe Nguyên Ngọc
bảo) là sách không in được đâu, trên chưa định thanh toán cái hóa đơn này đâu.
Tô Hoài: Nhưng ở tuổi tôi, tôi phải viết thế chứ còn gì nữa!
Phụ lục
CON MẮT TÔ HOÀI
BÓNG DÁNG NGUYỄN TUÂN
(Đọc Cát bụi chân ai)
Khi được mời viết hồi ký, không ít nhà văn ở ta thích
trả lời: Khi nào già tôi sẽ viết. Nhưng trong phần lớn trường
hợp, họ không giữ được lời hứa. Hoặc giả, theo nghĩa đen, không
đủ sức thực hiện ý định. Hoặc giả theo nghĩa rộng, già cả, cũ kỹ đi, chỉ sợ
người ta quên, nên khi viết ra sức tô vẽ cho mình. Những thiên tự thuật kiểu đó
đánh mất đi gần hết giá trị chúng có thể có.
Về phần mình, Tô Hoài quan niệm hơi khác. Ông viết hồi
ký từ khi còn rất trẻ. Cuốn Cỏ dại ra đời năm 1944 khi ông
mới 24 tuổi.
Bước sang tuổi năm mươi, ông công bố Tự truyện (in báo từ 1971,
in thành sách 1978, từ đó về sau nhiều lần tái bản). Nay ở tuổi bảy mươi, ông
lại có Cát bụi, chân ai. Sống đến đâu, viết đến đó - dường như ông
muốn nói vậy. Và các cuốn hồi ký của ông chỉ tự nó trần trần đối diện với bạn
đọc, người viết ra nó không cần nhân danh tuổi già, nhân danh năm tháng, kinh
nghiệm để… “bắt nạt” ai cả.
Một cách nhìn, một cách viết
Thông thường ở ta hồi ký được hiểu là những cuốn sách người viết tự kể
về đời mình. Có nói về những người khác cũng là nhân tiện mà nói, nói tạt ngang
cho đậm câu chuyện. Hồi ký của Đặng Thai Mai hay Những năm tháng
ấy của Vũ Ngọc Phan. Từ bến sông Thuơng của Anh Thơ hay Bốn
mươi năm nói láo của Vũ Bằng v.v… đều chung một kiểu viết như vậy. Cho
tới Tự truyện Tô Hoài cũng không ra ngoài thông lệ vốn có.
Chỉ tới Cát bụi, chân ai, nhà văn mới tạo cho thể tài một
sự xô đẩy nho nhỏ. Khi còn trích in trên báo, người ta tưởng đây là loại hồi ký
với nhiều chân dung liên tục xuất hiện, trong đó, mỗi người bạn từng đi lại
thân quen với tác giả được ông dành riêng một chương: Nguyễn Bính, Nguyên Hồng,
Xuân Diệu. Nhưng đọc cả quyển mới vỡ nhẽ ra Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân là
chính, chẳng qua học theo A. Malraux (trong Phản hồi ký) ông cũng gặp đâu
viết đấy, nên ngòi bút mới đôi khi sa đà viết thêm về những người khác ít
trang. Vẫn là hồi ký - chân dung, nhưng Cát bụi chân ai là bức tranh
truyền thần khuôn mặt Nguyễn Tuân, như Tô Hoài được biết, một thứ Nguyễn Tuân
nhìn gần ở khoảng cách rất gần, không bị tô vẽ, bị thiêng liêng hoá, có điều
không vì thế mà mất đi vẻ khả ái và nhất là những nét đáng thông cảm.
Chỗ giống người của “kẻ khác người”
Tuy luôn luôn không quên điểm xuyết đôi nét về con người Nguyễn
Tuân giai đoạn tiền chiến, thậm chí đi ngược lại mãi về một thời rất xa, khi
Nguyễn Tuân cùng một người bạn định trốn qua Xiêm theo đường Campuchia rồi bị
bắt, nhưng trên nét lớn, Cát bụi chân ai là để nói về cuộc đời dấn
thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay. Đường đời sự nghiệp
khác nhau, tâm tính càng không giống nhau, vậy mà giữa hai người đã có chung
bao kỷ niệm. Hồi kháng chiến chín năm ở chiến khu sống chung trong một cơ quan
đầm ấm, thân mật. Lần theo bộ đội vượt sông đánh đồn. Những năm tháng sau hoà
bình 1954, đời sống văn nghệ Hà Nội ngổn ngang bao chuyện. Dăm chuyến đi dài
lên các tỉnh miền núi phía bắc những năm chống Mỹ hào hứng, lý thú cũng có, mà
giá lạnh đơn độc cũng có. Ai người quen nghĩ Nguyễn Tuân khinh bạc, ích kỷ
nghênh ngang tự thị sẽ tìm thấy ở đây, qua những chi tiết rất thật, những giây
phút Nguyễn Tuân cũng rất nồng nàn quý trọng tình nghĩa, cũng chi chút trong
từng việc nhỏ của đời sống gia đình và của sinh hoạt văn nghệ. Hơn thế nữa,
Nguyễn Tuân cũng yếu đuối, cũng làm dáng, điệu bộ, và cũng biết sợ như bất cứ
ai. Cái tài của Tô Hoài trong cuốn hồi ký này là ở chỗ phác ra rõ rệt những nét
độc đáo trong tính cách Nguyễn Tuân - một câu tiêu biểu “Ô hay, người ta ra
người ta thì phải là người ta đã chứ” (tr. 7) - song vẫn cho thấy tác
giả Vang bóng một thời thực ra rất gần với chúng ta, với tất cả những
phiền luỵ tầm thường, những hy vọng dang dở, những trái khoáy vô lý… của kiếp
người. Đã bước trong đời thì hỡi ai kia, chân người rồi cũng lẫn trong cát bụi
như mọi chúng sinh mà thôi, nhất định là thế, không thể nào khác, không phải vì
thế chúng tôi xa lạ, ngược lại, cát bụi khiến chúng tôi thêm gần gũi với người
biết mấy!
Niềm cảm khái cuối cùng
Nhưng dẫu sao, Cát bụi chân ai vẫn là một cuốn hồi ký. Dù bóng
dáng của Nguyễn Tuân có trùm lên cả quyển sách, thì cạnh đấy, vẫn hiện lên mồn
một cái bóng dáng chính của người viết, một Tô Hoài lịch lãm, ý nhị, bắt vở hết
các bậc đàn anh, biết thóp đủ mọi chuyện, khinh bạc, đáo để, song cũng lại biết
thiết tha với từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, lại càng tha thiết trước
một chén rượu quý, mấy câu tâm sự bâng quơ, những lá thư cảm động. Công bằng
với Nguyễn Tuân cũng tức là Tô Hoài có được công bằng với giới văn nghệ. Dẫu
sao, những người này cũng đã có mặt trong suốt cuộc đời tác giả, cùng ông chia
sẻ vui buồn, và suy cho cùng, giá mà chẳng tốt hơn, thì họ cũng chẳng xấu hơn
những người khác. Với sự chính xác của một thứ bộ nhớ điện tử, đầu óc Tô Hoài
thường khi nhớ lại vặt vãnh đủ chuyện. Ngòi bút ông sau những khoáng đạt chơi
vơi với những cảnh tượng hùng vĩ ở miền núi, lại thản nhiên, thủng thẳng, mà
vẫn không kém sinh động, quay về dựng lại những phút vắng lặng trong câu chuyện
mấy bạn tri kỷ, giữa một hàng quán xô bồ của chốn thị thành.
Còn như cảm hứng cuối cùng về cuộc đời? Ở cuối chương Một chặng
đường (in trong Tự truyện) Tô Hoài viết: “Trên sóng cát cuộc đời,
mình đã từng sống cái kiếp phong trần, vào đâu nên đấy, của con phù du”. Ở
cuối Cát bụi chân ai lại vẫn cái giọng mệt mỏi và biết điều ấy “Tôi
ngồi lại đây trông vào mịt mùng nhìn thấy xa lắc xa lơ một thời đã qua. Âu cũng
là cái nhộn nhạo được khuấy động chốc lát”. Tiếp đó là cái hình ảnh có sức khơi
gợi: “Bãi tắm Cát Cò. Hai bên vách đá thẫm đen, không có bóng người. Con kỳ đà
đủng đỉnh bò ra giữa đường hầm, bạnh mang, rướn chân nhìn quanh rồi lại nép vào
mép những tảng đá… Vết chân người lẫn chân con kỳ đà in vân vân trên cát”. Một
chút hư vô bàng bạc ở đây chỉ làm rõ thêm ấn tượng đã toát ra từ cả cuốn sách,
ấy là dù hay dù dở thì tác giả cũng đã viết nó bằng sự thành thực và toàn bộ
kinh nghiệm sống của mình, nên chi, nó đáng được đối xử một cách trân trọng và
cả độ lượng nữa.
Bài in trên TT&VH 1993,
in lại trong Chuyện cũ văn chương 2001
12/1/1992
Tô Hoài là người thế nào? Tôi nói đùa, là người ngồi cùng mâm với
mình ông ấy nhã nhặn, lịch thiệp lắm. Nhưng mình quay đi là ông ấy gắp tuốt.
Ông ấy dám làm cả những việc không ai dám làm.
Ở Hà Nội, có việc Trần Quốc Vượng đi Mỹ nói bậy, bị trên ghét. Có chỉ thị
bảo là phải đến vận động để Trần Quốc Vượng rút ra khỏi Chủ tịch, hay Phó Chủ
tịch gì đó, Hội sử học Hà Nội. Ai cũng sợ phải đi làm việc đó, chỉ có Tô Hoài
là không sợ, cứ đi như thường.
Lại nhớ cái chuyện Nguyễn Khải kể từ hồi chống Mỹ.
Nhà văn N. T. được một cái giải của bên Tổng công đoàn, nhưng giăng giện
với ai đó bị người ta kêu, nên phải cắt giải. Nhưng đã chót gửi giấy mời đi
rồi. Ngày phát giải, ban tổ chức lo, không biết làm thế nào. Tô Hoài bảo để tôi
làm cho. Tô Hoài đứng đón ở cổng. Khi N.T. đến, Tô Hoài ra nói hai ba câu, thế
là bà này giắt xe về. Hỏi nói gì mà tài thế thì Tô Hoài cười, tôi chỉ nói là cô
về đi, họ nhầm đấy, thế là về thôi chứ sao nữa!
31/1/1992
Nói chuyện với Phấn Đấu về Tô Hoài:
– Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp ăn uống với Tô Hoài, nhiều
người đâu đâu rủ, Tô Hoài cũng đi. Phải nhận là ông ấy giỏi né tránh thật. Cứ
có chuyện gì quan trọng là tránh hết. Rất hay cáo giữa buổi, đang chuyện dở thì
bỏ về, bỏ một cách đột ngột.
– Anh em nó kêu là cô Thanh Nhàn hay quên bài lắm,
Tô Hoài bảo ngay, chính cô ấy, cô ấy cũng quên nữa là bài với vở.
Tô Hoài cho in bài Sám hối bị anh em kêu. Cô Nhàn thích
lắm, nói toang toác lên, ra cái điều mình làm cũng sai, mà Tô Hoài cũng sai,
lão có hơn gì mình.
Tô Hoài cao tay hơn hẳn. Ông cũng lớn tiếng nói trong cơ quan, rằng
đúng là có người kêu nhưng phải xem người kêu là ai đã, chứ cứ dọa tuyên huấn,
tuyên huấn, thì không được đâu.
Cả công văn của Thành ủy gọi ông lên, ông cũng không lên.
Chỉ nhắn miệng: Bài Sám hối ấy là quan niệm của chúng tôi, chúng
tôi chịu trách nhiệm.
Có ai làm gì được ông ấy đâu.
Nguyễn Quang Thân kể: Lần ấy trong một chuyến xe lên Đại Lãi, ai đó
nói rằng Tô Hoài đã có một trăm cuốn, Tô Hoài cãi lại là không,
tôi đã có hơn một trăm. Dương Thu Hương ngồi cạnh, như một kẻ tâm
thần, lấy tay xoa đầu lão.
–
Con ơi, càng
viết nhiều càng khốn nạn đấy, con ạ.
Kim Lân kể là vừa rồi, tôi cũng có viết thư cho
Tô Hoài, tôi bảo rằng thôi tôi với ông, cũng đã bảy mươi rồi, mọi
việc có gì không phải, thì ông bỏ qua cho tôi. Và Kim
Lân không đọc Cát bụi chân ai.
Nhàn: Tại sao Tô Hoài thân Nguyễn Văn Bổng vậy?
Kim Lân: Vì có một hồi Nguyễn Văn Bổng từ B ra, bị ghẻ lạnh. Tất
cả những Thu Bồn, Liên Nam đều được đón tiếp rất linh đình, chỉ có Nguyễn Văn
Bổng là không. Chính lúc đó Tô Hoài đến với Bổng, và được Bổng tri ân mãi.
18/2/1992
Cái ý nghĩ chi phối một người như Tô Hoài - ý nghĩ rằng
cuộc đời là một thứ trò chơi. Cốt chơi, cốt được, chẳng
nhẽ mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc gì là nghiêm
chỉnh, kể cả việc viết văn, kể cả làm cán bộ cách mạng.
Một mặt, có một chút gì đó như là sự tự lo
liệu rất tài tình, mà không phải ai cũng biết lo cho mình như vậy.
Tô Hoài kể có sáu con, ba trai ba gái. Một người bà con
với tôi (VTN) kể là con của Tô Hoài, cậu Vũ, thuộc loại
nhà giàu, đến nhà nó, từ lâu rồi đã uống bia thoải mái.
Mặt khác, trước mặt mọi người, Tô Hoài tạo cho người ta một cảm giác
biết buông, biết bỏ, không cần gì, không việc gì làm ông tha thiết
cả, tiền cũng vậy, chức tước cũng vậy.
Người có nghệ thuật sống bậc thầy này trước tiên lại là cũng có
triết lý sống riêng, một thứ triết lý kiểu Việt Nam, chả tuyên ngôn tuyên bố,
nhưng thật sự là có một cách đi cách dò dẫm của mình. Triết lý của Tô Hoài là
một thứ triết lý dân gian, cuộc đời là vớ vẩn, là chả đâu vào đâu, nhưng cứ
phải sống, được làm vua thua làm giặc, tức cuối cùng ai nhiều tiền hơn ai có
tiếng hơn, người đó vẫn hơn.
Vẫn lời Tô Hoài kể, ông là người hoạt động
từ trước 1945. Ông có 8 năm hoạt động trong bóng tối. Bao gồm 4
năm ở Hội ái hữu và 4 năm ở Văn hoá cứu
quốc. Ấy vậy, ông vẫn chơi bời đi lại với cánh Vũ Hòang Chương, Nguyễn Bính,
vẫn viết như điên, vừa viết cho mình, vừa viết hộ mọi người. Lại còn lang chạ
chơi bời với chị em nữa. Một câu cuối cùng mà tôi nhớ khi nói chuyện với Tô
Hoài buổi chiều 17-2, đó là câu “ Tôi cũng có duyên với chị em nhưng lại không
có nợ” - quả là đúng thế thật, Tô Hoài chạy làng rất giỏi.
22/3/1992
Tự nhiên có việc phải làm với Tô Hoài, việc ông Hồng Phong, đề
tài Đề cương văn hóa Việt Nam. Được nói chuyện riêng với ông
khá suồng sã.
Hồi ở Văn Nghệ quân đội, tôi đã nhiễm phải cái tính hay nói vỗ
mặt. Bây giờ vẫn còn giữ thói nhà binh ấy. Trong một cơn điên, tôi nói mấy câu
liều thế này:
– Anh cứ chê Xuân Diệu chứ anh mắc đúng những cái
như thế.
– Anh nên làm một ít thứ để mà chết chứ. Cứ viết làng
nhàng thế này, dơ lắm.
Tô Hoài không nói gì (không chấp?), sau chỉ thẽ thọt:
– Tôi viết không mất thì giờ lắm, có khi ngày bốn bài. Này,
những ông như ông Tuân ông ấy không viết được nhiều đâu. Cụ ấy chỉ nghe kể,
toàn Vang bóng một thời các cụ xưa cả, chứ thời tây cụ Tuân lại
chưa viết.
Nhàn: Theo tôi hiểu, cụ Tuân không kiếm chác như anh, cũng không hư vô như
anh, nên khó viết hồi ký.
Tô Hoài lảng, không nói gì. Không chấp?
Nhân thể nói chuyện các vụ việc trong văn nghệ, Ngọc Trai nêu ra
nhận xét: Ông Tô Hoài có đánh ai thì đánh giả vờ mà trên lại cứ tưởng đánh
thật. Chứ cứ như Chế Lan Viên thì đánh người ta sặc máu mồm đấy nhá.
Một cách hình ảnh, Tô Hoài có phải quỳ gối trước cấp trên,
mắt vẫn liếc xéo, miệng vẫn cười tủm, thầm nói với anh em trông tớ quỳ có vui
không?
Nguyễn Tuân: Hai đồng chí Tổng Thư ký và Phó Tổng
thư ký Hội (Thi và Tô Hoài) đều có võ cả.
Nhưng võ Tô Hoài kín hơn - ông Tuân khái quát.
Tô Hoài tự khoe:
– Này, tôi vẫn phải viết báo cáo cho Phạm Thế Duyệt luôn đấy.
Có lần lão bảo mình thôi, trong văn nghệ, anh cũng là loại
Bộ chính trị rồi, anh viết là được - Tô Hoài thú lắm.
Tô Hoài nhận xét về người khác
Về Nguyễn Xuân Sanh:
– Ấy, cái ông này, mình có hứng lên mời ông ấy đi ăn
phở, thì độ nửa tháng, một tháng sau, thể nào ông ấy cũng mời
lại mình bằng được. Nhất nhất với ai cũng vậy.
Về Tế Hanh:
- Gặp ông ấy lên ông Tố Hữu, ông ấy bảo chẳng qua ông ấy
nhân tiện rẽ vào. Nhưng sự thật là bố ấy đi từ ở nhà.
Tôi kể Vũ Quần Phương có bài hưởng ứng vụ đánh Trần Quốc
Vượng trên báo Giáo dục và thời đại. Phương viết là nhờ báo lên tiếng, mới
được biết.
Tô Hoài lật ngay:
– Chắc thằng ấy nó định kiếm chác nên mới viết thế.
Chứ có tài liệu gì mình chả đưa nó đọc.
Về Nguyễn Đình Thi:
- Trong cả cuốn sách của tôi, tôi có thèm nói về Thi một
câu nào đâu? Một lão loại ở đâu vào văn nghệ chứ có phải đâu là văn nghệ gốc.
Này, giá kể có bảo lão ta viết một bài báo có khi cả tuần loay hoay không xong
còn mình, mình có thể viết ngày bốn bài.
Ghi chú: đây là Tô Hoài nói về Nguyễn Đình Thi trong cuốn Tự truyện,
phần Một quãng đường. Nhưng đó là khi đã thành sách. Còn bản in ở tạp
chí Tác phẩm mới, 1971, viết về ông Thi đầy đủ. Số tạp chí này phần minh
họa của Sĩ Ngọc vẫn có ông Thi.
Vào những ngày này, Tô Hoài lại trở lại cái giọng của những sáng
tác ông đã viết từ trước cách mạng. Cô đào thương - Một cô đào xinh
đẹp lắm, chuyên môn đóng những vai như Hạnh Nguyên cống Hồ. Nhưng sống hàng
ngày thì nhếch nhác vô kể, chồng sai đi kiếm cái nhắm, bảo là tuột mất một con
cá, thì là chồng đánh cho một trận.
Diễn viên mà như thợ cấy thợ cày.
Nghe nói ở cơ quan, Tô Hoài đang phải làm trưởng
ban giảm biên chế.
Lý luận của ông: Khối thằng sợ mình, tội gì không làm.
Tôi chợt phát hiện:
– Anh Tô Hoài có cái tài là biết thông cảm với sự tầm thường
của con người.
Tô Hoài không nói gì. Trước đó, ông bảo rằng bài của tôi về Nam Cao (chất
nghịch dị) là được, sự lạc quan phải đọc qua tác phẩm chứ đâu qua lời tuyên bố
của ông giáo Thứ.
Tô Hoài khoe là tác phẩm nào cũng sửa, sửa rất kỹ. Nhưng lần này, cầm
quyển Cát bụi chưa ai mới thấy ông chỉ sửa lại vài câu, vài đoạn. Song
vẫn có lúc sự tỉ mỉ đi tới quá quắt. Cần gì mà phải
sửa đến thành tới nhỉ? Nhưng Lại Nguyên Ân phát hiện ra
điều này khi cầm mấy trang Đề cương văn hoá của Tô Hoài.
Tô Hoài kể về Nguyễn Huy Tưởng. Hồi kháng chiến đến khổ vì ông ấy. Mỗi
lần đi họp ở trên về là mấy ngày kể về anh Năm trước anh em cơ quan. Mệt mà
không ai dám kêu.
– Nhưng sau hoà bình, tự nhiên tư tưởng của ông ấy
chuyển. Có nhiều điều Nguyễn Huy Tưởng không dám ghi vào nhật ký nữa
kia. ví dụ, Tưởng không thể chấp nhận việc Liên Xô vào Hungari, hoặc khai trừ
Nam Tư khỏi Cục thông tin quốc tế.
Sau 1954, Nguyễn Huy Tưởng bật bãi, không được phụ trách văn
nghệ nữa. Mà bị thay bằng Nguyễn Đình Thi. Lúc này Tưởng
rất nể Nguyễn Hữu Đang và Phạm Ngọc Khuê (Đang là tay ăn nói giỏi nhưng bị
ông Trường Chinh ghét, trong kháng chiến gần như không được làm gì).
Tô Hoài bảo hồi ấy chúng tôi thường bảo Nguyễn Huy Tưởng là anh
cộng sản annamít. Lại kể Boudarel vẫn có gửi sách tặng mình. Lão Tây
này ghét nhất hai người, ông Trường Chinh và ông Tố Hữu.
Nghe nói là vào những ngày này, Tô Hoài còn bốn năm bản thảo
kẹt ở các nhà in mà không ai in cho.
Rồi Tô Hoài kể, hôm nọ báo Văn Nghệ đăng mấy cái thư
Nguyễn Tuân đi thực tế gửi cho Tô Hoài và đếm chữ mà trả, Tô Hoài chỉ nhận được
có hai mươi ngàn. Đành mang biếu cụ bà.
Cũng thời gian này, ông gửi truyện ngắn Cô đào thương báo đăng và
ghi rõ “Hưởng ứng cuộc thi truyện ngắn”. Vậy mà, vẫn lời Tô Hoài: Khi cuộc thi
kết thúc chả thấy có lời ơ hờ cảm ơn lấy một câu.
Nhàn (tự nghĩ): Nghĩa là cái gì lão cũng nhớ, chân giò sỏ lợn hưởng
rồi, nhưng con tôm con nhộng cũng không quên, ranh thế chứ.
Tô Hoài kể về Nguyễn Tuân: Chính vì Phùng Bảo Thạch
mà Nguyễn Tuân bị bắt (trong Cát bụi chân ai, gọi là anh Phùng).
Sở dĩ Nguyễn Tuân tức vì thật ra chẳng theo ai, chẳng qua chơi bậy mà bị bắt,
và cũng không đáng bị bắt nữa.
Vì Phùng chỉ cần không phun ra là có Nguyễn Tuân
ở đây là xong chứ gì.
Sau này, Phùng Bảo Thạch chết, Nguyễn Tuân nhất định không đi đưa.
Lại như trường hợp Vũ Ngọc Phan ở tù ra, Nguyễn Tuân
túng tiền cho người đến hỏi Vũ Ngọc Phan. Vũ Ngọc Phan không những
không cho vay, mà còn không trả lời nữa. Khi Vũ Ngọc Phan chết,
Ngọc Trai đến bảo ông đi đưa.
– Thôi bác đi một tí, nghĩa tử là nghĩa tận
– Tôi với thằng ấy có nghĩa gì nữa mà tử với tận.
Nhưng rồi nói mãi, Nguyễn Tuân cũng đi. Đến nơi, không chào ai, cũng không
vàng hương, chỉ trân trân ngó vào mặt Vũ Ngọc Phan một lúc rồi
bỏ về. Vậy mà gia đình Vũ Ngọc Phan đã cảm động lắm.
Tô Hoài khái quát: Ông này phải cái cổ, cái gì cũng suy tính ngẫm nghĩ mãi
mới làm.
Cũng liên quan đến chuyện Nguyễn Hữu Đang chuyện tiền nong
và chuyện cách mạng, Tô Hoài kể: Nguyễn Hữu Đang tốt lắm, thấy Nam
Cao và Tô Hoài khổ, vận động anh em Văn hoá cứu quốc cho ít
tiền.
Chỉ có Như Phong và Nguyễn Đình Thi là không cho. Tại
sao? Để nếu có bị bắt, sẽ khai là có ủng hộ Việt Minh,
nhưng không đóng tiền. Đối với Pháp, năm đó có cái rộng về
tư tưởng, chỉ không tham gia tổ chức là được. Mà đóng tiền
tức là tham gia tổ chức.
Năm đó, gần cách mạng, cụ Mai cũng không đóng tiền, không gặp bất
cứ ai, chỉ ở nhà, và gặp mỗi Vũ Quốc Uy. Tô Hoài
kể thêm, và cũng nhếch mép cười nhạt đầy ngụ ý.
Chuyến đi Hoà Bình 1 - 6/6/1992
Khi nào Tô Hoài nói không biết, thì mới thấy ở ông một cái gì ráo
hoảnh đi, không cần, không quan tâm đến ai, cái miệng hơi dẩu lên, ích kỷ
thượng hạng.
Nhưng hàng ngày, Tô Hoài là một người dễ chịu,
dễ hoà nhập với mọi người biết đùa bỡn, sống được. Chỉ làm
phiền ông là hơi khó.
Ngày trước Xuân Quỳnh hay kể Nguyễn Tuân toàn chuyện lặp đi lặp lại.Thì Tô
Hoài cũng vậy, nhiều chuyện của Tô Hoài bao giờ cũng từng ấy chi tiết (chi tiết
về Bùi Hiển cười chậm hơn anh em chẳng hạn). Đi mấy ngày mà nhiều lần Tô Hoài
tự tái bản, nào chuyện Nguyễn Tuân, nào chuyện cuốn tiểu thuyết mới viết, nào chuyện
tên Huỳnh Cự trong cải cách ruộng đất.
Về sáng tác của người khác, Tô Hoài bảo là có đọc, nhưng
hình như chỉ đọc để biết. Không thấy phục ai, không thấy
có gì xót xa với ai cả. Cái mong mỏi của một nhà văn rằng có
người kế nghiệp, cái mong ước đó không có.
Những lời tự kể
- Loại người như tôi, độ khoảng 2-3 giờ sáng là dậy rồi, lúc ấy rất
tĩnh tha hồ mà viết.
- Về gia đình. Bà vợ tôi chả hiểu gì về nghề của tôi, bà ấy chỉ biết
tôi đưa tiền về nhà thì là được. Ở nhà, tôi sống một mình trên cái gác xép, đến
quần áo cũng phải giặt lấy vá lấy. Cả đời tôi chả xem Ti vi bao giờ cả,
chỉ nghe đài, với đọc báo.
(Nhân bàn về sự đoảng của con người bây giờ). Ấy, vợ tôi cũng thế, toàn cho
ăn mồng tơi rau đay.Tôi mà đi vắng thì ở nhà mâm dọn ra toàn xoong cả, để khỏi
phải rửa bát mà.
(Sau này nghe tôi hỏi lại, cô Sông Thao nói với tôi là bố cô tố lên, chứ
nhà đâu đến nỗi thế)
Này, nhà tôi xưa nghèo lắm. Chính ông nội tôi tên là gì tôi cũng
không biết cơ mà.
Người và việc ở Hội Nhà văn:
Tôi làm việc với lão Thi, lão ấy lười, cái gì mình cũng làm
thế là lão ấy thích. Còn tôi đi nước ngoài nhiều là do
chỗ Ban đối ngoại nhân dân họ cho đi chứ đâu phải Hội.
Lão này (N.Đ.T) có cái lạ là ngay cả với mình, người quen lâu rồi mà lão ấy
cũng giở trò lập trường tư tưởng ra. Ai mà chịu được.
Ấy là người luôn luôn ở đâu rồi về, làm Tổng kết. Vụ Nhân văn Giai
phẩm, lão ấy chả có một cái báo cáo rất dài là gì?
Vỡ bờ, đúng là một thứ hậu Tự lực văn đoàn, như thằng Trương Chính nó nói.
Về Chế Lan Viên: Năm 74, ông Hà Huy Giáp có cái giấy cho tôi và Chế
Lan Viên thôi làm Tạp chí Tác phẩm mới, lão Chế còn không nhận, lão ấy bảo
không đứng chung danh sách với tôi cơ mà.
Về Hoàng Trung Thông và Nguyễn Tuân Cái vụ Nguyễn Tuân đuổi Hoàng
Trung Thông là có thực, chả là năm đó Hoàng Trung Thông có viết cái chân dung
cụ Tuân, lại nói là cụ gặp một bà cô đầu cũ, hỏi rồi khóc. “Nó làm như mình
nhân tình nhân bánh với bà ấy, mà đâu có chuyện gì. Bà ấy chết vì bà ấy tự tự
tử trong cải cách ruộng đất. Nó biết, nhưng nó cố tình im, để cho cải cách
ruộng đất thắng lợi.”
Ông Nguyễn Tuân đuổi Hoàng Trung Thông lý do là như thế.
Nhưng làm xong thì lại hối hận.
Về Nguyễn Tuân: Những lúc ăn uống, cụ Tuân hay nói là phải viết cái nọ phải
viết cái kia. Nhưng cụ ấy chả viết. Vang bóng một thời cũng là chuyện
nghe kể lại. Có vẻ như Nguyễn Tuân thích ngẫm nghĩ để viết, thích nung nấu muốn
viết hơn là viết thực sự.
Số Nguyễn Tuân sướng ở chỗ này. Không bao giờ đi ăn
phải trả tiền cả. Mà lại cứ như là chủ đám ấy. Mình bỏ tiền
ra, nhưng bọn chủ hiệu nó lại hầu hạ cụ ấy mặn mà hơn mình. Chỉ được một
việc ngồi vào bàn hút thuốc chờ rượu là ông ấy đứng lên. Đi mời thuốc lá chủ
hiệu, xuống cả bếp mời đầu bếp, họ đang bận, thì tự tay cắm thuốc vào mồm họ,
làm cho người nào người ấy ai cũng lâng lâng cả lên, thế là bảo nhau mà phục vụ
cho tận tình. Hết việc. Từ đấy trở đi mình chỉ có sung sướng mà hưởng cái giá
trị là được ăn bên một con người sang trọng. Khổ một nỗi dù có bỏ tiền ra,
nhưng mình cũng không thể làm những việc ấy giỏi bằng, thôi thì chịu vậy.
Về Anh Thơ: Bà này luôn luôn có cái mặc cảm rằng mình quá đẹp người ta mê
mình, thế mới chết chứ. Mỗi lần Marian Tkachev sang, bà ấy vẫn viết thư cho Hội
Nhà văn nói rằng đừng để đồng chí Marian gặp tôi, vì đồng chí ấy rất mê tôi.
Thôi thì mình càng phải bố trí để tránh tai vạ cho bà ấy chứ còn biết làm
thế nào?!
Về Kim Lân: Đây vẫn là một người hóm, nói chuyện với Kim Lân bao giờ cũng
rất thích. Nhưng sau này ông ấy ngại gặp tôi. Hình như có một chút mặc cảm,
cùng dân tự học như nhau, thế mà mình lại hơn ông ấy, thế là ông ấy không thích
rồi.
Về Nguyễn Văn Bổng: Thì ông tính ở Hội Nhà văn còn biết nói chuyện với ai
nữa? Những ông như ông Đào Vũ, Phạm Hổ bao giờ cũng chỉ cười, không biết lúc
nào các ông ấy thật, lúc nào ông ấy giả nữa.
Nguyễn Văn Bổng là người mà tôi có thể nói được
mọi thứ chuyện, mà không có gì phải ân hận, phải lo lắng,
phải giữ gìn. Bây giờ mà được một người như thế cũng
khó lắm.
Sáng tác mới
Tôi mới viết xong một tiểu thuyết về cải cách ruộng đất. Chuyện
ba người khác nhau, trong đó lại kể tôi đi cải cách ruộng đất, làm cán bộ đội
mấy lượt và tôi đã làm bậy ra sao. Mà sự làm bậy của tôi cũng chẳng thấm
gì với những người chung quanh. Người ta đã viết nhiều về cải cách ruộng đất.
Như Ngô Ngọc Bội, ông ấy viết về gia đình ông ấy. Như cô Dương Thu Hương, cô ấy
viết do nghe người khác kể lại. Còn tôi, tôi viết do tôi chứng kiến, tôi đã đi
cải cách ruộng đất, đã sống, đã là một vai kịch.
Ý của tôi là, tôi đồng ý phải có cải cách, nhưng không thể cải cách theo
kiểu ấy.
(Ở chỗ Tô Hoài nhấn mạnh “đây là chuyện của tôi, tôi
có chứng kiến” thì lại có chút gì đó như là cổ
lỗ. Với tôi - VTN -, thực ra sự chứng kiến chả có gì là quan trọng, nhấn mạnh
sự có mặt, tức là lại rơi vào lý thuyết của mấy ông Tố Hữu, Hà Xuân Trường)
6/7/1992
3-7, kỷ niệm 35 năm thành lập Hội nhà văn, Tô Hoài không đi, ông
nói với Ngọc Trai rằng cái thông báo của Hội nói khá dài đến Xuân
Sách là thối quá, không ra cái gì cả, không thể chịu
được.
Trước đó, Tô Hoài cũng đã được mọi người cho xem lá đơn của mấy
chục nhà văn ký, phản đối cuốn chân dung của Xuân Sách. Nhưng không để người ta
rủ, Tô Hoài đã tỏ thái độ thế nào đó, một cách ý nhị, nhưng cũng là một cách
không thể hiểu khác được, thế là họ không rủ Tô Hoài nữa.
Tô Hoài giải thích: Tôi cho rằng người ta không nên làm khủng bố với nhau
nữa. Tất cả đã đủ.
Trong số báo Nhân Dân Chủ Nhật ra 5/7/1992 sau Vũ Tú Nam, Tô
Hoài được người ta phỏng vấn. Ông nói đại ý từng ấy năm, Hội nhà văn cũng y như
xã hội là cũng có tất cả những cái sai, những cái đúng. Hội nhà văn mấy chục
năm không đại hội, không tạo nên một thứ giải thưởng ra trò…, thế mà cũng cứ là
thành tích.
Về phần mình, ông bảo tôi công tác Hội, cũng viết báo viết văn, nay vẫn
viết báo viết văn. Không cần họ- ý ông là thế - tôi vẫn tồn tại. Tự tôi là một
thứ Hội Nhà văn.
Hình như công việc này, Tô Hoài mang vào nhiều giận dỗi
cá nhân, người ta lại coi ông như mọi Hội viên khác, thế
là không được.
Con người xưa nay vốn nhũn nhặn, phen này công khai tỏ thái độ.
Và không thấy mình có lỗi gì cả.
Nhưng khi tôi nói chuyện này ra, thì mấy người như Ngô Văn
Phú, Nguyễn Phan Hách nói ngay chính ông Tô Hoài quan liêu. Ông
Tô Hoài không làm gì cả, nhưng sự hỏng của Hội có phần tội của
ông. Không rũ tay đứng lên vô can được.
23/7
Tô Hoài có cái tài là nói về những người khác bằng một hai
chi tiết thôi. Mà đã giết người đó hoặc nếu không, cũng bắt đúng tính
cách người ấy.
Nhân nói về chuyện ông Tế Hanh đã biết có nhóm làm
cái chương trình nghiên cứu văn hóa KX. 06.
- Ở nhà này có ba người rất hiền, hình như chả đi đâu, mà cái gì
cũng biết là Tế Hanh, Nguyễn Thành Long và Phan Hồng Giang. Ông Tế Hanh này lại
còn có cái tật hay mò mẫm, xà xẩm nữa, buồn cười lắm.
Nhưng một lúc sau, Tô Hoài lại ra ngồi cạnh Tế Hanh, làm ly bia
chia tay để mai Tế Hanh đi Đà Nẵng. Lúc ngồi đấy, lại than thở các việc.
Nhàn: Đọc Cát bụi chân ai thấy anh cũng thương ông Tuân, thấy
trong cuộc đời ông Tuân có cuộc đời mình, khổ cho nhà văn mình thật.
Tô Hoài: Tôi đọc số Người đưa tin UNESCO, một nhà văn nào đó còn
than thở rằng văn học A rập không ai biết, thì còn nói chi đến văn học mình.
Tế Hanh: Các nhà văn Liên Xô cũng cực lắm, một người như Paustovski
chết có được gì đâu.
Tô Hoài: Đọc tự truyện của Pau, thấy ông bảo là
có lần ông suýt bị mang bắn rồi, đó là hồi Cách mạng. Rét quá,
ông vào chố đám sinh viên, xin cái áo bọn nó mặc. Ta đến, tưởng là sinh viên,
mang bắn tuốt. Sắp ăn đạn thì cậu đội trưởng người quen nó đến, nó bảo cậu này
không phải sinh viên, thế mới thoát.
Tế Hanh: Thì mình cũng bắn Nhượng Tống bắn Khái Hưng chứ đâu có riêng ai ?
Nhân tôi nói chuyện về Nam Cao, Tô Hoài nói ngay:
– Nam Cao đâu có được đi kháng chiến. Phải về làng. Sau
ở trên kia tôi mới đề nghị anh Xuân Thủy viết
thư về đưa lên đấy chứ.
Hồi ký của Tô Hoài gây ra xáo động ở nhiều người. Ai cũng
cảm thấy tiếc đời mình bao chuyện mà giá kể mình viết được một ít chuyện đó.
Nguyễn Kiên nhớ có lần đi với Nguyễn Công Hoan, hầu hạ Nguyễn Công Hoan vừa lố,
vừa hài. Giá làm như Tô Hoài viết viết cả ra thì khối người đọc.
Nhưng rồi Nguyễn Kiên bảo:
– Ông Tô Hoài có cái lối là ông ấy cứ vân vi với
kỷ niệm, rồi ông ta tạo nên cả một thế giới kỷ niệm,
và ông ta viết dần, nào chân dung, nào lời tựa… Mình không làm
thế được.
14/9/1992
Hoàng Cầm cũng công nhận là về khoản gái, Tô Hoài ghê lắm,
hơn bất cứ ai, chỉ có điều tâm ngẩm tầm ngầm như thế, nên chết
voi, mà chả làm sao cả. Đến vợ cũng không ghen thì thôi chứ gì?
– Tô Hoài ăn ở, trên không ghét, dưới không ghét, bạn
bè không ghét được, như thế kể cũng đã là khôn
lắm - Vẫn lời Hoàng Cầm.
Và Tô Hoài “đá” nữa. Tô Hoài vay Nguyễn Hữu Đang tiền, còn giấy
tờ hẳn hoi, mà Nguyễn Hữu Đang nhờ Phùng Quán đi đòi, Tô Hoài đếch giả, ai làm
gì được.
– Thế còn cái chuyện Tô Hoài hay đi lại với Đặng Đình Hưng lúc
bị nạn?
– À, cái đó thì có, Tô Hoài có cái thế để làm việc đó.
Sài Gòn cuối tháng 11 đầu 12/1992
Cùng đi công tác mấy lần, có một chuyện kể lại tôi không chán
là chuyện bà Phượng. Bao giờ Tô Hoài cũng
kể về nó với một chút cảm động khiến tôi phải nhận
là chân tình. Đó là một trong những trang đẹp nhất trong đời Tô Hoài.
Trong một lần say rượu trở về phòng, trên khách sạn Dâu tằm
tơ trên Đà Lạt, Tô Hoài kể với tôi những chuyện linh tinh
về đời tình ái của mình rồi kết luận:
– Thế thôi, cho qua ngày, cho đời có cái vẻ đáng sống mà nó phải có.
Với tôi, đời đẹp và buồn.
Nhàn: Còn bao nhiều điều anh chưa viết hết về Nguyễn Tuân. Nhiều
người bảo rằng có những điều, anh có thể viết khá hơn Cát
bụi chân ai.
Tô Hoài: Cái đó có chứ. Ví dụ Nguyễn Tuân là một
người rất tính toán và đã có lúc khổ về sự tính toán của mình.Tại sao
Nguyễn Tuân trả lời với người ta rằng chỉ thân với Trần Hữu Tước? Vì nói thân
tôi chẳng hạn, người ta ghét, không cho mượn xe nữa. Một lần Nguyễn Tuân vào
thăm Tố Hữu nằm viện. Thằng Phạm Văn Khoa nó nằm ngay dưới, không vào thăm. Nó
biết, nó chửi cho. Sau phải xin lỗi mãi.
Nguyễn Tuân là thế. Những ngày trước khi chết, ông ấy buồn lắm.
Nhàn: Không phải là buồn vì chưa phục vụ được nhân dân, đất
nước chứ?
Tô Hoài: Tất nhiên là không rồi. Chỉ tiếc là
chưa được hưởng mọi thứ.
Thấy nói là có thể có Hội Dâu tằm tơ, Tô Hoài
khều ngay, cho mình vào Hội với, mình cũng là dân thợ cửi
cũ mà!
Ý thức về mình
Một lần Tô Hoài đi dự chiêu đãi. Có người nói đùa: Hôm nay trông ông giống
Võ Chí Công quá.
– Nói thế làm mình buồn chứ hay ho gì! Thực ra phải nói là lão ấy
giống mình mới đúng.
Quan niệm về thời buổi này: Tôi cho không có gì là văn học lớn
cả. Không thể có. Tốt hơn hết là viết cho nhiều vào, may ra có tài liệu để đời
sau viết tiếp.
Khả năng phát hiện tính cách: Vợ sau Nguyễn Bính ở Nam Hà có cho
tôi xem một tờ giấy Nguyễn Bính để lại. Ra tờ giấy đó là giấy ly dị với vợ cũ ở
miền Nam. Cái thằng lạ thế, tất cả mọi thứ giấy tờ vứt đi, nhưng giấy ly dị thì
còn giữ lại.
Có biết tại sao Nguyễn Bính đi tập kết không? Vì hồi đó,
anh em tính thằng này mà ở lại thì hàng địch mất, cho nên phải cho ra ngoài này
thôi.
Một số suy nghĩ của tôi về Tô Hoài
Luôn luôn, tôi khâm phục cái ngổn ngang nhiều vẻ mà tầng tầng
lớp lớp của Tô Hoài. Hình như con người đó vào đâu
có cái “tủ” ở đấy để đối phó. Và thật lắm mặt hàng !
Ông là nhân vật tiêu biểu của sự tha hoá với các nhà văn và cũng tiêu biểu
cho khả năng của con người đối phó với sự tha hoá đó, khả năng vẫn là
chính mình, không chịu hỏng, không chịu chết.
Sức sống, là tài năng; trong sức sống bao gồm khả năng thích ứng, và
khả năng vẫn là mình. Đại khái nó cũng giống như cái cây, nắng gió mấy vẫn sống
được, và vẫn cho quả. Chứ không phải là khả năng làm ra thứ quả ngọt hơn ngon
hơn quả những cây khác.
(Trong các bản tin thời sự hàng ngày tôi vẫn được nghe người ta
nói là đơn vị nọ, đơn vị kia, không đủ điểu kiện làm việc, thiếu tiền… song vẫn
hoàn thành nhiệm vụ ).
Luôn luôn trước mặt chúng tôi, là cái công thức của Pavel Korsaguin, hãy
biết sống khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa.
Tô Hoài giỏi sống kiểu này nhất.
Bảo con người Việt Nam làm được cái gì to lớn, họ không làm
nổi. Nhưng bảo họ làm một việc gì vui vui, lại cần cho cuộc sống của họ nữa, họ
làm ngay và thường là làm được.
Tô Hoài là người Việt Nam theo kiểu ấy. Có cái duyên
dáng thân thuộc riêng, nó là cái phúc cái phận mà người nào cũng có, mà ông có
đẹp hơn người khác.
Một hôm tôi hỏi Tô Hoài
– Có phải ông Tuân không chơi với Nguyễn Công Hoan?
– Phải. Vì cụ Tuân thích trưng mình ra, mà cụ Hoan
thì lại sống lẩn, chỉ bằng lòng làm một kẻ đạo mạo.
Tôi chợt nhận ra một điều, hoá ra Tô Hoài là một gạch
nối giữa Nguyễn Tuân và Nguyễn Công Hoan. Mà có vẻ nghiêng
về Nguyễn Công Hoan nhiều hơn. Cũng bông lông ba la, bất cần đời,
nhặt được cái gì thì nhặt. Chỉ có khác
ở chỗ Tô Hoài có phần chơi rộng hơn, biết cái gì rộng hơn ở
người mình. Đằm hơn, kín hơn, đỡ thô hơn. Cũng còn biết nhiều kiểu làm dáng
nữa, chứ không độc một kiểu làm dáng trâng tráo như Nguyễn Công Hoan.
16/2/93
Ngày 5/2, hội thảo Tô Hoài văn và đời, tôi bận không đi được. Ân kể là
Vũ Quần Phương rất biết nói phải chăng về Tô Hoài – Tìm hiểu Tô Hoài là
niềm say mê của thế hệ chúng tôi.
Hân ở dưới ngồi kể với Ân rằng bao nhiêu lần,
Tô Hoài qua Liên Xô, bọn ở đấy được tổ chức mời ông
nói chuyện, Tô Hoài đều từ chối.
Ngô Văn Phú đang ngồi trong cơ quan ông giữa ông lái xe với chai
rượu. Thấy Tô Hoài vào, Phú cũng mời.
– Có uống thì uống loại nào cơ chứ loại này uống làm
quái gì – Tô Hoài trả lời, thật là hách.
Ông Tế Hanh kể:
– Hôm mừng sinh nhật Tô Hoài, mình nói rất ngắn. Tô Hoài có chút gì đó như
Picasso. Picasso có cái bút trong tay là vẽ. Tô Hoài là viết. Ông viết như một
bản năng bẩm sinh.
Trong Truyện Tây Bắc, nhiều người thích Vợ chồng A Phủ, tôi lại
thích Mường Giơn. Vì Mường Giơn buồn. Cuộc đời đẹp mà cứ thế
lặng đi.
Tô Hoài bảo ông chỉ thích viết chuyện buồn. Và Tô Hoài còn thích
viết những chuyện xa mình nữa cho nó đỡ phô ra vẻ nhếch nhác. Theo mình (Tế
Hanh) trong O chuột, bên cạnh các giống vật, tác giả có ý khi đặt
thêm một truyện về người, cu Lặc. Nhiều nhà phê bình chê, nhưng tôi ( Tế Hanh)
bảo đấy là hiện đại, là phương Tây thế kỷ XX, nhìn con người như một thực thể
gần con vật. ( Nhà phê bình nói ở đây là Nguyễn Đăng Mạnh. )
Phải Tế Hanh thấm văn học phương Tây mới nói được như vậy.
Trần Độ: Đọc Bố mìn mẹ mìn của ông, mình chỉ phục có nhiều
chuyện, ông rất nhớ.
Tô Hoài: Cái cảm tưởng ấy có ở anh, là do truyện của
tôi dùng được nhiều chữ của hồi ấy. Nếu không có chữ, không
tạo được không khí.
Lê Đạt kể hồi kháng chiến, ông Tưởng là người
phụ trách cơ quan văn nghệ, Tưởng thì tốt thôi, nhưng hách lắm. Tô Hoài
phê bình.
–Tôi chỉ thấy khi nào cậu X (công vụ cơ quan) đi giặt
quần áo cho anh Tưởng, trông có vẻ vênh vang lắm,
như là được làm một việc rất oách.
Tưởng cười gượng.
– Nó chửi mình, nhưng không chửi thẳng, lại mang chuyện công vụ ra,
thế mới xỏ lá.
Vẫn lời kể của Lê Đạt: Mình hỏi Tô Hoài đọc mấy bài
thơ mới của Văn Cao chưa.
– Chưa. Nhưng mình nghĩ những bài hay của Văn Cao mình đọc
cả rồi. Với lại mình không có thói quen đọc thơ nghiệp dư.
Nói về Hoàng Cầm: thơ chăng kim hàng mã.
Một nhận xét của Lê Đạt : Đúng Tô Hoài, cùng với Nguyễn Khải,
là những cây bút chuyện nghiệp. Những cây bút bao giờ cũng
nghĩ ra việc để làm, ra cách viết để viết, chứ không đầu hàng bao
giờ. Sự gia công chữ nghĩa của Tô Hoài cũng đã ghê đây chứ. Chỉ lạ một nỗi là
viết xuôi viết ngược thế, nhưng vẫn không đạt tới những cái đỉnh như Nam Cao.
5/1/1994
Tô Hoài khoe với bọn tôi, ông nhận được một lá
thư của Vụ Văn học, Bộ văn hoá Pháp, xin dịch tất
cả các tác phẩm của Tô Hoài đã viết, có liên quan đến làng Nghĩa Đô,
và xin Tô Hoài cử cho một đại diện đang sống ở Tây Âu để tiện làm việc.Tô Hoài
sẽ nhờ Đặng Tiến làm việc này.
Tô Hoài cũng vừa được Đặng Tiến gửi cho 1000 đô, do
nhà Hồng Lĩnh trả, sau khi in Cát bụi chân ai. Nghe vậy, Nguyễn Huy
Thiệp buồn lắm.
– Lão ấy được đủ mọi thứ. Còn mình, nó gửi cho
có 500, cũng bị cướp mất.
Tôi đã viết trong một bài báo, Cát bụi chân ai đạt tới cái
mức cổ điển của Hồn bướm mơ tiên, Quê mẹ, O chuột.
Liên quan đến giải thưởng Hội nhà văn, quyển Cát bụi chân
ai đưa lên chung khảo, chỉ được có 4 trong 9 phiếu, nên hỏng ăn. Trước mặt
mọi người, Tô Hoài hay nói đùa, mình dạo này cứ phải tỏ ra rỗi với Hội Nhà văn
thôi. Định cho giải mà rồi lại không cho, buồn quá.
Nhưng ở chỗ riêng tư, Tô Hoài bảo:
– Chúng nó dốt, cư xử không bằng bên Hà Nội.
Hà Nội họ cũng không dám tặng giải, sợ cấp trên phiền lòng,
nhưng họ bảo thật tôi. Và đến đưa riêng 2 triệu.
Còn ở đây, họ bảo nhau không bỏ phiếu cho tôi rồi lại tuyên
truyền rằng như vậy là sách tôi không có giá trị.
Tôi (VTN) nhớ mấy câu mà bọn Nhà xuất bản Thanh
Văn ghi ở bìa đại ý: quyển sách không có tính chất chính trị. Đọc sách ta
cảm tưởng như được nghe một người đàn bà nhà quê rỉ rả kể chuyện, thi thoảng
lại đưa gấu quần lên chấm mồ hôi và hình như cả nước mắt nữa. Nhưng chính vì
thế, sức phản công chính trị của quyển sách càng mạnh.
12/2/1994
Tại buổi họp nhóm KX 06-17 trước tết, Tô Hoài bảo với mọi người:
– Thôi nhé, mùng 4 Tết ta gặp nhau. Tết các vị khỏi phải đến tôi.
Nói chung là tết tôi không tiếp khách.
Giá người khác nói chuyện vậy, ông ta sẽ cho là kiêu ngạo
là xa mọi người. Nhưng ông Tô Hoài nói được. Ở chỗ người
ta tưởng ông bừa bãi thật, ông lại rất nguyên tắc (chẳng hạn ông thường
đi họp đúng giờ, cần duyệt một bài báo ông cũng nguyên tắc). Nhưng ở
chỗ người ta gắng sức ông lại nhởn nhơ làm bậy. Trong lúc họp ông hay ngồi viết
các bài báo vặt. Ông cũng bia rượu, gái gẩm không kém ai.
Ngọc Trai kể Nguyễn Tuân có lúc ghét Tô Hoài
lắm. Cái thằng ấy, không chơi được. Bố ai biết nó sẽ bán mình lúc nào. Thế
nhưng rồi cụ Tuân vẫn phải nhận là không bỏ được Tô Hoài.
Thái Bá Vân kể là đến chơi Nguyễn Tuân, thỉnh thoảng vẫn gặp
Tô Hoài, nhưng thường Tô Hoài không nói năng gì.
Một ý của Tô Hoài : Tôi cho là chả làm gì
có nhà văn lớn với tác phẩm lớn. Cho nên cứ viết đi, viết làm
tài liệu cho các thế hệ sau.
Tô Hoài thường không đi dự các buổi sinh hoạt Hội Nhà văn.
Ông kể với tôi là ông không đóng cả Hội phí nữa, ông đã
trả lời ông Vũ Tú Nam bằng thư rằng ông không đóng.
Tôi không việc gì mà phải đóng cả. Ở nước nào cũng vậy, đến một tuổi nhất định
là được miễn các việc nữa là tôi. Chúng nó thấy tôi khỏe, lại tưởng tôi bằng
vai với chúng nó, nhưng thế là láo, tôi đẻ ra cái Hội này chứ tưởng à.
Có nhiều việc khiến ông bất mãn ra mặt. Từ chuyện vớ vẩn : Cấp
trên cho các lão già ít tiền. Cho 50 người thì hội xẻ ra, thành cho độ 150
người. Tô Hoài cũng bị xẻ.
Tôi cảm thấy Tô Hoài ghét Hội lắm, nên để ý từng
tí một. Ví như cái chuyện nhà cửa bên Nguyễn Đình
Chiểu, cho thuê như thế nào, bọn thuê có họ hàng với ai,
chúng bị bắt vì chứa điếm ra sao, Tô Hoài biết hết. Làm thế nào để có thông tin
tỉ mỉ như vậy. Tô Hoài kể: thỉnh thoảng đến ngồi chơi cả bọn. Bà Phượng, bà
Phương, con Hoa, con Khánh. Tôi chỉ cần làm ra vẻ nhân tiện rủ bây giờ
tất cả đi uống bia. Bia gì anh, bia tôi khao, thế là cười ầm lên, kéo
nhau đi. Chuyện ở đấy mà ra chứ ở đâu nữa.
Cuối năm 1993, Trọng Hứa chết. Tôi đến viếng, xong, hỏi Linh Chi (em
trai anh Trọng Hứa)
– Anh Tô Hoài có đến ?
– Chưa thấy, chắc chiều anh đến.
Chiều có buổi họp. Tôi đoán chắc Tô Hoài nghỉ. Nhưng vẫn
thấy tò tò kéo đến họp rất thản nhiên. Tôi hỏi anh không
đi đám ma ? Lặng đi một lúc, sau Tô Hoài mới cho biết.
– Hỏi thì biết thôi, Hội có cho Trọng Hứa được cái
gì đâu. Mà anh ấy làm Chánh Văn phòng Hội từ kháng chiến chống Pháp.
Về sau, chán Đài phát thanh lại quay về với Hội. Người ấy tự trọng lắm. Đến
tuổi là về hưu thôi. Không có tiền, xin đi gác đêm ở một xí nghiệp, tưởng già
thì tha hồ thức đêm, hóa ra phải thôi, gác đêm mệt lắm không làm được. Gặp, tôi
vẫn cho tiền. Lâu rồi, mấy năm trước, tôi còn viết cả một bài dài về Trọng Hứa.
Chả đâu in, tôi lại mang về in ở báo Người Hà Nội.
Đấy, tôi với Trọng Hứa có cái tình từ ngày xưa như thế. Bây giờ đến
với họ ở Hội, chẳng hoá ra cũng như họ à. Đợi đám ma xong, tôi đến Linh
Chi sau.
1/5/1994
Những ý chính Tô Hoài đã phát biểu trong hội nghị những người viết trẻ :
–Tôi viết văn từ năm 20 tuổi, đến nay vẫn tiếp tục viết. Mấy truyện
ngắn của tôi mới viết cũng có may mắn gì. Con ma gửi
báo Lao động họ không in, tôi mang về in báo nhà. Nghĩa là tôi có
được hưởng quyền gì đâu, có cây đa cây đề gì đâu. Nhưng mà tôi vẫn yêu nghề,
thấy nghề là khó. Vẫn cho rằng chưa viết được gì hơn Dế mèn phiêu lưu ký
– Tôi sống như thế nào ? Đi thực tế có lẽ không ai đi hơn tôi.
Tôi làm tổ trưởng khu phố mấy năm. Mà học chính trị, cũng không ai hơn tôi. Tôi
đã học Nguyễn Ái Quốc 2 năm. Theo tôi hiểu, có nhiểu người không học, cả
đồng chí Tố Hữu cũng không học. Nhưng tôi cảm thấy trước sau tôi vẫn là tôi, ở
tôi không có nhận đường lột xác gì hết.
–Cách đây 12 năm, một đêm ở Krưm chia tay với các bạn Tbilisi tôi
có đọc mấy câu thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là người viết chữ đẹp. Tôi chả yêu
thơ Nguyễn Bính, cũng cứ để đầu giường và nhớ mấy câu chữ nghĩa quá đẹp.
Huyền Trân Huyền Trân Huyền Trân ơi
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi
Rồi chúng tôi ôm nhau khóc, không rõ khóc vì sao,
vì buồn vì phải xa nhau, hay vì nghĩ rằng nghề này
khó quá, không bao giờ đi đến cùng. Tôi xin kết thúc ở đây.
Trong chuyến đi Sơn Tây
Nhàn – Anh còn được đọc, vì có trong thời gian trước,
nhiều khi anh như đứng ngoài chuyện thời sự, những cái anh viết ra thường
có tính cách phong tục.
Tô Hoài – Mình viết cái gì mà không có tính chất phong tục không
viết được.
Cũng như nhà văn của mình bao giờ cũng phải có một
nghề gì đó. Và cái nghề đó ám
vào ý nghĩ của anh ta, có mặt trong trang viết của
anh ta.
Một lần nào đó, tôi hỏi rằng Tô Hoài làm sao có thể
thượng vàng hạ cám gì cũng đọc.
– Đó là thói quen của người tự học.
Bí quyết sống của Tô Hoài là trừ việc viết ngoài ra,
không bao giờ làm gì, mà cũng không bao giờ bỏ việc gì. Như chuyện
bên Hội văn nghệ Hà Nội. Trong cái việc bị bật khỏi Hội, Vũ Quần Phương đến nay
vẫn oán là Tô Hoài đã không ủng hộ hắn đến cùng.
– Thế nó quên là tôi đã ký giấy trước công an
thì nó mới được vào Quốc Hội?
Còn bây giờ, tôi phải cứu Hội, trước khi cứu nó chứ.
Mặc dù chuyển đi không làm Tổng biên tập tờ Người Hà
Nội nữa, nhưng Tô Hoài vẫn nhận làm chủ tịch Hội đồng Biên tập cho báo.
Khi tôi nhờ báo này đăng hộ mấy bài thơ
cũ của ông cụ, bố ông Nguyễn Thao Lược,
thì tự tay Tô Hoài chữa mực đỏ cẩn thận gửi cho báo.
Và ông hứa, thể nào họ cũng đăng.
Tô Hoài hay nói với tôi.
– Nếu không có Cách mạng, ông Thi ông ấy đi làm quan huyện, ông
Bổng đi làm giáo sư. Còn tôi, tôi vẫn là người viết văn.
Lê Đạt kể về Tô Hoài
— Có lần bàn chuyện gì đó, về Nguyễn Đình Thi. Mình mới bảo đối với Thi,
mình hơi khó, không dám nói đến cùng. Vì hồi kháng chiến bọn mình rất thân với
nhau. Có cái gì nó cũng kể với mình. Thi thường đọc thơ cho mình nghe. Thế là
Tô Hoài cãi, sao tôi cũng thân với nó, mà nó không đọc. Có gì đâu, ông lúc ấy
là thư ký của mấy ông to. Thi nó đọc ông nghe, để ông về ông nói giúp cho nó,
đơn giản thế thôi.
Một chi tiết lặt vặt ở miệng Lê Đạt:
– Có lần, hồi kháng chiến, phải họp để phê bình
Tô Hoài đánh vợ. Tô Hoài cho một câu gọn lỏn, các cậu không biết
chứ đánh vợ xong, vợ nó chiều lắm. Hình như, cũng Lê Đạt nói, cái lão Tô Hoài
ấy từ thuở trai tráng, đã sống trên sự nuôi báo cô của đàn bà, và sự thật là đã
ngủ không biết bao nhiều đàn bà mà kể.
– Bởi lẽ — tôi nghĩ — ông Tô Hoài có cái
thiết thực của đàn bà.
16/10
Bài Vũ Quần Phương: Tô Hoài – văn và người trên tạp
chí Văn học, số 8-1994 có đọan đại ý nói Tô Hoài đối xử giỏi. Người được
yêu thì biết, mà người bị ghét, không thấy là cần báo thù. Có mặt Tô Hoài trong
các buổi họp, người ta không cảm thấy bị lái. Không có mặt người ta không cảm
thấy bị trống. Anh em làm việc với Tô Hoài thấy có thể hợp tác được.
4/11/94
Đi Điện Biên với nhóm Đề cương văn hoá.
Ai đó định rủ đến nhà Lương Quy Nhân, nhưng Tô Hoài
gạt đi.
– Đừng đến. Đến bây giờ, các anh ấy hay buồn, vì thấy mình cũng bằng
tuổi các anh ấy, mà mình còn đi lại tung tẩy được.
Một cô soát vé máy bay gọi một cô khác đến xem mặt
Tô Hoài, người đã viết Dế mèn mà bọn mình đọc hồi bé. Đi một
quãng, Tô Hoài bảo:
– Không những nó, mà ông nó, cụ nó cũng đọc
chứ chả biết chừng.
Nhân ai cũng nói Dế mèn, tôi bảo một tác phẩm như thế, tính bằng nửa
sự nghiệp của anh, bằng tất cả các tác phẩm còn lại chứ chưa biết chừng.
– Điều đó, vừa là một niềm vui, vừa là một nỗi buồn của
mình.
( Có một điều mọi người ít biết: Khoảng 1965-66, trong thời
kỳ chống xét lại, Dế mèn bị nêu ra là có tư tưởng hòa bình chủ
nghĩa , nên ở VN người ta cũng quên luôn, chỉ cho in lại mà không đề cao, không
ai giảng giải phân tích gì hết. Từ đó thành lệ .)
Có một nhận xét chung là đến đâu Tô Hoài cũng có
nhớ như in ngay mọi chuyện. Sau này, nói với mọi người, ông cũng chỉ
lặp đi lặp lại những chi tiết cũ. Chứng tỏ sức nhớ của ông rất ổn định.
Tôi đọc Con ngựa. Ai đó đã khen Tô Hoài viết còn sinh sắc lắm.
Tôi chú ý nhớ nhất những đoạn nói về cái thời bây giờ, một thời hỗn độn,
mịt mù, mọi cái hay dở lẫn lộn, chính mỗi người cũng cảm thấy như mình đang
hỏng đi, xấu đi, trong cái hỏng cái xấu chung của cả xã hội.
Đọc những tác phẩm khác, người ta còn cảm thấy bỡ ngỡ, sao mà cuộc đời bây
giờ lại đổ đốn ra như vậy. Đọc Tô Hoài thì không, không việc gì phải thắc mắc
cả, cuộc đời bao giờ cũng khốn nạn, sự khốn nạn là không thể sửa chữa.
Tô Hoài kể về gia đình Nguyễn Tuân:
– Tôi gửi biếu quyển Cát bụi chân ai, gia đình cũng chẳng có một lời
cảm ơn!
Bởi tôi không thế là cái loại mà mang sách đến, rồi đặt
lên bàn thờ, rồi khóc lóc. Tôi chỉ đưa tay cho bà cụ.
Sau khi cụ Tuân chết, ngày giỗ đầu, tôi đã bảo với
bà cụ ngày này hàng năm, nên ngồi với nhau để tưởng nhớ cụ. Gia
đình đứng ra gọi, còn mọi chuyện để bọn tôi lo. Nhưng có bao
giờ gọi đâu.
Nghe chuyện này, Nguyễn Đăng Mạnh bảo:
– Gia đình Nguyễn Tuân rất coi thường Tô Hoài, không muốn cho
Tô Hoài dính vào cái việc bàn di sản Nguyễn Tuân, cho nên mới
có chuyện tiểu ban này không thành. Còn như Xuân Diệu, Xuân Diệu
thường bảo ở Tô Hoài, chẳng có một tư tưởng gì thành hình cả.
28/12
Chắc chắn phải nói Tô Hoài là một con người có đến hàng
chục bộ mặt.
– người thợ cửi cần mẫn và người người ngoại thành thớ lợ
– anh văn nghệ chuyên nghiệp và ông quan cách mạng, biết tất
cả đòn phép
– kẻ trọng đời và kẻ khinh bạc, thô bỉ.
….
11/1/1995
Báo Văn nghệ cuối năm 1994 mở cuộc hội thảo về
cuốn Đổi mới và văn hoá của Phạm Văn Đồng. Mời cả những Nguyễn Đình
Thi, Vũ Tú Nam, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến. Nhưng Tô Hoài không đi.
Từ năm ngoái năm kia, khi Phạm Văn Đồng đang viết cuốn này, nghe
nói Tô Hoài có viết Đề cương văn hoá, Phạm Văn Đồng đã mời Tô Hoài
lên gặp nhưng Tô Hoài không lên và Tô Hoài bảo với Trần Việt Phương là giá anh
Đồng mời tôi lên ăn cơm thì tôi lên, nhưng chuyện này thì thôi, anh miễn cho.
Nhân đây, thử làm một sự thay đổi tính cách theo hoàn
cảnh.
Tại hội nghị về văn hoá và đổi mới (sách của ông
Đồng), Nguyễn Đình Thi cũng có dự, và ông Thi phát biểu rất
hăng. Đây là lần thứ hai ông Thi dự buổi “sinh hoạt khoa
học” kiểu này (trước đó, ông ở Sài Gòn, người ta đã làm, đã mời ông
Thi), ông Thi bảo nghe được nhiều ý rất hay.
Ông Nguyễn Kiên còn nói là tại hội nghị này, ông Thi bảo có những người
sinh ra đã là nhà văn hoá, trong đó có anh Tô .
Nhưng thử nhớ lại chuyện cũ.
Năm đó, ở Liên Xô, đang chế độ Breznhev, và
người ta cho in ra mấy cuốn Đất nhỏ, Hồi sinh. Chính Bùi Văn Hoà – có vợ
làm ở báo Nhân Dân – kể với tôi rằng báo này đặt một bài về cuốn
sách, ông Thi không nhận, còn ông Tô Hoài thì nhận và viết luôn. Hồi ấy, bọn
tôi vẫn sợ cái lối bất cần của Tô Hoài. Thế nhưng hai mươi năm sau, ông
ấy lại cười vào mũi sự có mặt của Nguyễn Đình Thì, cũng như của những người
khác. Có sự đổi vai.
Một chuyện khác, liên quan đến sự biến báo khôn ngoan của Tô Hoài. Gần đây,
sách ông ra nhiều, ở đó, có sự ngẫu nhiên mà cũng có bàn tay tạm gọi là chịu
xoay xở của ông.
Ví dụ như 3 tập Tuyển tập Tô Hoài. Trừ tập một là
truyện ngắn trước đây, đến hai tập sau toàn là truyện vừa, truyện dài, hồi ký
(Quê nhà, Tự truyện, Cát bụi chân ai…) Tôi đoán: đó là vì ông muốn để truyện
ngắn sang khu vực sách riêng. Đã có người in cho ông một tuyển tập truyện ngắn
trước 1945. Giờ lại có người chọn cho sau 45 (2 tập ). Vậy thì, với cái
tính coi thường mọi thứ và lòng tham lam bẩm sinh, Tô Hoài tất phải làm thế.
Nhưng khi tôi hỏi, có phải ý anh để tuyển tập cho truyện vừa, còn cái tập tuyển
về sau cho truyện ngắn không, Tô Hoài lại bảo tất cả những việc này là do Hà
Minh Đức tính cả, tôi phó mặc cho Đức mà không có ý kiến gì hết.
Có cảm tưởng Tô Hoài thấy cần thì họp, thấy không cần
thì vắng, cố quên chuyện nào thì quên chứ thật ra chẳng quên chuyện gì — tôi
bảo:
– Anh còn chưa lẫn .
– Lẫn thì sống sao được.
– Như cụ Nguyễn Công Hoan, cụ ấy không những lẫn trong đời
sống mà là lẫn trong văn học
– Anh Hoan suốt đời sống trong ảo tưởng.
Tô Hoài “giết” mọi người
Về Nguyễn Xuân Sanh : Ông Tế Hanh làm thơ còn có lúc hay lúc dở.
Ông Nguyễn Xuân Sanh này làm thơ, lúc nào cũng như lúc nào, lạ thế ( Tế Hanh
lúc ấy cũng có mặt, nói thêm: Đúng rồi, lúc nào ông ấy cũng gió lụa, trăng non
mà. Với lại tôi nhớ, ông Nguyễn Xuân Sanh khi nói về ai, cũng chỉ nói rằng mình
gặp ở đâu, lúc nào, mà không hề nói gì về tính cách người đó cả )
Về Vũ Tú Nam: Đọc ông này, không biết khi nào nhạt thật mà
khi nào nhạt giả cả.
Về Sao Mai :Dộc (khỉ) lên làm người, cứ nhắng cả lên.
Mở lại sổ tay, một câu của Tô Hoài lúc nói chuyện
ở Văn nghệ quân đội khoảng 1971: Nghề văn là một nghề phải biết huy
động sức mình một cách đúng đắn nhất.
Lại chuyện Nguyễn Xuân Sanh. Buổi quay ti vi Vũ Đình Liên 70 hay
80 gì đó. Quay xong Tế Hanh, thì đã 11h30, tay quay phim
nó đề nghị vậy thôi, trong kịch bản còn có mấy lời về Nguyễn Xuân
Sanh, nhưng xin cũng thôi. Thế là Nguyễn Xuân Sanh kêu ầm lên.
– Tôi phản đối. Không thể gạt tôi ra ngoài được. Nếu
thế này, tôi sẽ đi kiện.
Mọi người sợ quá, phải bào vậy thì chiều làm xong.
21/2/95
Một ông học việc ở Hội văn nghệ Hà Nội khoe:
– Cụ Tô Hoài vừa gửi cho một phong bì tướng. Hoá ra hơn
một tháng tết, cụ tương ra đến hơn hai chục bài. Khối điều đáng
đọc chứ tưởng.
Về sau Tô Hoài bảo tôi:
– Trong khi 3 cuốn tuyển tập được hơn năm triệu, thì 6 bài
báo ở Sài Gòn đã được 6 triệu. Mà nó phải giả thế chứ. Nó
yêu cầu tôi viết chứ tôi có gửi cho nó đâu.
Nhân chuyện báo Người Hà Nội, bị phê bình về đăng một bài liên quan
đến pháo, rồi Vũ Quần Phương có ý kiến như thế nào đó, Tô Hoài hơi
bực, bảo với bọn tôi: Thằng Vũ Quần Phương nó không giống như anh em mình ở đây
đâu, nó nhảm lắm.
Ngọc Trai: Anh em họ đồn anh Tô Hoài duyệt bài đợt
này để hại Vũ Quần Phương.
Tô Hoài: Mình giết Vũ Quần Phương thì “như giết rận” , lúc
nào chẳng được.
Bà Hoàng Ngọc Hà kể về việc báo Người Hà
Nội bị phê bình. Ban đầu ông Tô Hoài định chống, nhưng sau bọn mình phải
nói, ông ấy mới nhận. Tại hội nghị, ông ấy bảo tôi nhận là tôi khuyết điểm
nghiêm trọng. Vì lúc nhập tôi chỉ nghĩ đến cái Đường Tăng. Tôi chỉ nghĩ đến Phật,
hoá cái pháo nó hại tôi.
8/3/1995
Tô Hoài kể: Mấy hôm trước Đại hội nhà văn, bọn Nguyễn Quang
Thân, Cao Tiến Lê, gọi điện đến bảo phen này sẽ bầu Tô Hoài
làm Tổng thư ký, Tô Hoài cười ruồi: Mình già rồi, làm sao được.
Tôi khái quát non: Tô Hoài rất phù hợp với tình hình bây giờ. Lúc này mọi
chuyện đang rã ra, giống như chiếc xe hỏng, vặn chặt quá không đi được. Ông Tô
Hoài mà làm thì ông ấy cũng chỉ lo tàm tạm một ít việc chính, còn mặc kệ, cái
đó lại hay.
( Nhớ có lần, Nguyễn Khải kể Tô Hoài rủ Khải làm
một cặp lãnh đạo Hội. Khải nói đùa :Thế thì ra hội Ba Giai Tú Xuất đích thực.)
17/3/95
Trong Đại hội nhà văn kỳ này, Tô Hoài được
mời vào chủ tịch đoàn. Ông cắt nghĩa: Nó phải dùng tôi, vì những mặt khác,
Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển hoặc quá bệt, chả ra gì, hoặc như ông Thi
lại ấm đầu thì chết.
Ban chấp hành bảo Tô Hoài tham luận, ông mặc cả: chỉ tham luận về văn nghệ
Hà Nội. Lúc kíp Vũ Tú Nam bị thay, tôi hỏi chuyện, ông bảo, chả có cảm
tưởng gì cả, bọn nó chết là phải.
Hữu Vinh khái quát, Tô Hoài, đó là tài năng, là sức bật,
nhưng trước tiên, là một ông già thực dụng.
Sau Đại hội, Tô Hoài trả lời báo Tuổi trẻ, cho
rằng Đại hội này là Đại hội tan rã. Ban chấp hành cũ đứng ngoài đời sống văn
học, đứng ngoài các cuộc tranh luận, cuối cùng lại đứng ra phán xét, và trong
trường hợp bị trên đánh, lại tố cáo nhau, đun đẩy nhau, như thế thì tan
rã cũng đáng.
Thật là không phải Tô Hoài không ai dám nói, và người ta
cũng không dám đăng.
Không có gì lọt qua mắt ông cả. Theo Tô Hoài nhớ, trước
khi bầu cử, Vũ Tú Nam còn nói với ông, anh về làm chủ tịch đi, tôi
làm Tổng thư ký cho anh. Nhưng đến khi không được bầu thì lại bảo may quá tôi
được thôi – thật là mỗi lúc một giọng.
3/6/1995
Tô Hoài kể là đã viết một loạt bài điểm sách
cho Văn nghệ quân đội, trong đó có bài về Thư mùa đông của Hữu
Thỉnh.
– Thơ phải miên man, nhưng đây đã thành ra lan man ba vạ.
– Thơ phải có chữ (Lê Đạt: nhà thơ
là phu chữ). Còn Hữu Thỉnh, có cả một bồ
chữ quẩy đi, nhưng toàn chữ đồng nát.
Bài này VNQĐ không đăng, nhưng Hữu Thỉnh khá cao tay, vẫn mang về đăng
ở báo Văn Nghệ hay Văn Nghệ trẻ gì đấy.
Tôi nghĩ ông già tai quái, và cũng biết tận dụng tuổi già của
mình, nên mới dám viết thế.
– Có phải anh từng viết một truyện tên là Tính ác?
– Ừ, tôi chỉ kể chuyện tôi thôi. Lúc nào cũng có trong cặp
những hòn gạch. Gặp chó là ném.
18/7/95
Tô Hoài, đó là văn xuôi, một thứ văn xuôi tự phát,
cứ chảy ra, rỉ ra, lan ra chung quanh lan ra trong cuộc sống hàng
ngày, mạch văn đó không bao giờ cạn. Giống như con người đó
sống vui chơi viết văn không bao giờ biết mệt.
27/12/1995
Từ sau khi “bảo vệ” cái Đề cương văn hoá thất bại (
Đình Quang làm chủ tịch Hội đồng nghiệm thu), Tô Hoài không sờ đến cái
bản đề cương này nữa thì phải.
Tháng 7 tháng 8, ông kêu nóng. Giờ thì lại kêu bận. Lại nhớ ý của Ma
Văn Kháng: Lão này hay tạo ra cái sự già của
mình, bán già, cậy già, thì làm gì được nữa.
Có một lần, tự nhiên Tô Hoài bảo tôi:
– Bọn Sài Gòn giải phóng nó biếu báo mình thường xuyên, mình
không đến lấy được, ông ở gần đấy đến lấy đọc, rồi quẳng vào nhà mình lúc nào
thì quẳng.
May quá, lần ấy tôi nghĩ ra kế từ chối.
– Chỉ mang đến nhà anh, tôi đã ngại rồi, cửa đóng im
ỉm mà lại cửa phên, gõ không kêu, trong nhà không nghe tiếng,
lắm lúc đứng mỏi cả chân ở ngoài.
Tô Hoài lảng ngay.
Nhưng quả thật, trong thâm tâm, tôi không bằng lòng, ông này coi
thường mình quá, ai đi làm cái trò khỉ ấy hộ ông được.
Nguyễn Kiên kể , có một việc ông Tô Hoài làm tôi(
N. K.) không phục. Đó là sau khi mất chức ở Hội, ông ấy lại gửi thư đến Thành
uỷ, xin tiếp tục làm Tổng biên tập tờ Người Hà Nội.
Hỏi lại Bằng Việt thì đúng là có chuyện đó thật.
Đầu năm Bính Tý, ông Tô Hoài gửi thư đến Nhà xuất bản Hội
Nhà văn, trách là sao không in cái nọ cái kia của ông và đòi lại mấy bản
thảo.
Mọi người chạy cuống cả lên, nhưng tôi cứ ì ra. Sau hãy
hay, tôi bảo Ân.
– Ông ta nói vậy để doạ thôi; người như thế, chỉ giơ cao đánh khẽ.
Tối nay 4-3-96, gặp nhau (= họp) ở chỗ Ngọc Trai về, tôi đi
bộ với Tô Hoài một quãng. Trong buổi tối
cuối đông, đường phố xao xác, Tô Hoài nhớ mấy câu
thơ Tản Đà đề ở đầu bản dịch Liêu Trai
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Vườn dưa lún phún hạt mưa rơi
…
Tôi tự nhiên cảm động, cũng nhắc những chuyện biển dâu
lạ lùng quanh mình. Ông Hoàng Ngọc Hiến nói làm nhàm về văn
hoá, đã được mời đi Mỹ. Bằng Việt chết vợ, người
vợ trụ cột của gia đình. Ông Văn Tâm đề cao Đoàn Phú Tứ đến mây xanh,
và được báo ở Sài Gòn gọi là học giả. Cái lối nói bừa của một người như Phan
Ngọc, ông ta tự nhiên trở thành nhà tư tưởng của đổi mới. Ở Thư viện, những người
thủ thư trò chuyện như ngoài chợ, bất chấp chung quanh bọn tôi mầy mò trên từng
trang sách. Thư viện nhiều sách cũ nát. Những con chuột mò vào tận ô
phích và tha cả vỏ quýt lên phích để ăn. Dưới nhà tôi ở, mỗi buổi sáng người ta
quạt lò khiến tôi không thở nổi nữa. Chiều 3-3, dẫn con đi trên chuyến
tàu hoả của trẻ con, ở Công viên Bảy Mẫu, nhìn hai bên đường, thấy cỏ cây cũng
gợi trong lòng nhiều bịn rịn, như những lúc khác đi trên chuyến tàu hoả
thực sự.
.. Lúc này, trong buổi tối này, rằm tháng giêng, nhớ lại 20 năm qua, những
buổi đi chùa, thấy như một kiếp nào khác, mình không còn là con người hôm qua,
thời gian đã huỷ hoại mình tới mức không sao tìm lại được nữa.
Bởi đi bên Tô Hoài nên tôi mới nghĩ được như vậy. Tô Hoài là người
rất hiểu cái phôi pha của kiếp người, Tô Hoài có cái chất nghệ sĩ riêng, mà khi
vứt cái phần cán bộ bon chen đi, thì nó vẫn còn nguyên vẹn ở bên trong.
9/5/1996
Ngày 24-4, đề tài KX- 06-17 bảo vệ thành công cuộc nghiệm thu
ở cấp cơ sở. Gặp tôi lần nào Tô Hoài cũng chỉ nói
là ông oằn ra mà làm, chán lắm. Cứ ghép ghép bài của mọi người
vào thành bài của mình, chỉ được cái – Tô Hoài cười mỉm – bây giờ tôi cũng vẫn
không ngại viết, tôi chép tất cả bằng chữ tôi, nên không ai nghi ngờ được. Cứ
nói mạnh về Cụ Hồ vào là đề tài nào cũng ăn tuốt.
Nhân bàn về tình hình Hội, Tô Hoài kể tôi nhận được cái thư của Ban tổ chức
sáng tác rồi. Trả lời ngay thôi. Nhưng các ông ấy lại bảo là trả lời của mình
ngắn quá. Tô Hoài cười ranh mãnh.
– Tình hình Hội bây giờ chán lắm. Văn chương phải có cây cao bóng
cả, chứ cứ cá mè một lứa thế này không được – xuất
phát từ sự chán nản sẵn có tôi kêu phụ họa.
Nhưng Tô Hoài phản ứng theo cách khác, và phản ứng
cũng rất đúng.
– Cây cao bóng cả thế nào. Ngày trước Thế Lữ lừng lẫy
là thế, mà khi Xuân Diệu xuất hiện, là Thế Lữ thôi
hẳn. Bài thơ cuối cùng của Thế Lữ là bài Khói huyền lên, người tự tay chép
để làm kỷ niệm.
Còn như Tản Đà, sau này người ta quý hoá Tản Đà
thế nào không biết, nhưng lúc bấy giờ thơ Tản Đà không báo
nào đăng. Tản Đà phải mở cừa hàng đoán số và đi dịch
thuê. Tại sao không đăng, vì, với người ta, mấy năm ấy, của Tản Đà không còn là
thơ nữa, báo nào đăng người ta cười cho.
Ở ta bây giờ bọn các ông Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh cứ chiếm chỗ sang
trọng nhất ở các báo, như thế còn ra cái nghĩa lý gì .
23/5/96
Đọc lại báo chí kháng chiến, báo Cứu quốc, thấy Tô Hoài lúc nào cũng
có mặt viết cho thiếu nhi, viết cho người lớn, viết bài ngắn, viết bài dài, đủ
cả.
Nguyễn Kiên kể về cách mắng mỏ của Tô Hoài. Chẳng hiểu
sao, Xuân Tùng cũng lại dở dói ra in Cát bụi chân ai 800
bản. Ông Tô Hoài viết thư cho Nguyễn Kiên.
Ông Kiên
In lại Cát bụi chân ai 800 bản thì in làm gì ? Tôi xấu hổ.
Ký tên: Tô Hoài
Nguyễn Kiên biết như thế là Tô Hoài giận lắm, phải
trả lời thư đầy đủ.
Bà Phương phát hành thì bảo: Chính ông Tô Hoài này
là to mồm nhất (về chuyện nhuận bút).
Tìm lại ghi chép về Tô Hoài thấy mấy ý của
Nguyễn Minh Châu
– Đọc Tô Hoài, cứ có cảm tưởng người lớn mà còn
chơi bi.
– Đọc văn tôi thấy không ai xa rời đời sống như lão ta mà không
ai tha thiết với cuộc đời này như lão.
Lại Nguyên Ân đọc lại Tiên phong và bảo rằng hồi đó, Tô Hoài
đã hiện ra như một tay hiểu hết sự đời. Vì thế mới có chuyện bá vai bá cổ kéo
nhau đi làm cách mạng, vào thành Sơn Tây để mang về lấy một cái ghế.
Nhưng nhiều lúc lại thấy ông này có cái gì khinh bạc lắm. Cách mạng là
gì, là một lũ lông bông, đi tìm cảm giác, và Nam tiến là như thế, cả cuộc chống
Pháp là như thế.
Thứ bảy 27/7, Đặng Tiến từ Paris về Hà Nội,
có tin vậy.
Lâu nay, thấy Tô Hoài coi Đặng Tiến rất thân mật. Nào là gửi sách
đi cho Đặng Tiến, nào nhận thuốc do Đặng Tiến gửi về. Hoá ra, hai người chưa
gặp nhau bao giờ. Những lần trước, toàn là trong thư từ. Nhưng Tô Hoài cũng
khoe:
– Một công việc ông ta đang theo đuổi là dịch Cát bụi chân
ai ra tiếng Pháp.
Sáng 1/8, Tô Hoài gọi điện cho biết Đặng Tiến về, kêu là bị
“bám” ghê quá, biết thế không về. Nhưng theo Tô Hoài, Đặng Tiến cũng đã kịp đi
gặp Lê Đạt, Trần Dần.
Nhân nói về sáng tác, Tô Hoài kể dông dài một hồi, rồi
nói đến bản thân.
– Tôi đang định viết một quyển sách, đã đóng giấy xong rồi, sẽ
viết được – mang tên Những câu chuyện với Lão Sóng. Trong đó, tôi dành một
chương nói về việc đi thực tế ra sao, một chương nói về những chuyến đi nước
ngoài ra sao. Đi xong rồi về lại kể cho lão Sóng — một người chả đi đâu bao
giờ.
– Có phải cụ Sóng ở Thái Bình?
– Đấy, cái nhân vật tôi từng ghi nhật ký đấy (đọan nhật ký trích in
trong Một số kinh nghiệm viết văn của tôi, 1960. )Tôi sẽ viết về nửa
thế kỷ làm văn chương, làm đủ mọi thứ trên đời, viết đủ mọi thứ mà thực ra,
không hiểu rằng mình là người thế nào.
– Cái đề tài ấy của anh thì hay quá rồi.
– Tay Đặng Tiến nó bảo nó cũng định viết về tôi
như thế. Tức là tôi cứ phập phù chơi bời, mà cũng
được một cái gì đó.
Mùa hè này, 1996, Tô Hoài sống như thế nào? Tháng bảy, từ 10-20,
lên Kim Bôi nghỉ với con cái. Tháng tám, lại lên Đầm Vạc, nghỉ theo tiêu chuẩn
một cán bộ lão thành.
Cười trong máy điện thoại.
– Mình cứ nhênh nhang thế thôi.
15/8/96
Có một việc nhỏ, tôi thấy Tô Hoài tùy tiện.
Sau khi Quê hương in ra ở NXB Hải Phòng ( sách do tôi viết lời
giới thiệu và chú thích) tôi nhờ ông liên hệ với Trần Xuân Trường (con Nguyễn
Tuân) – việc này do chính ông đề xuất. Nhưng rồi, ông lại nhắn cho Vạn Lịch,
Vạn Lịch nhắn cô Giang đến đòi tiền tôi – trong khi trước đó Tô Hoài lại bảo
tôi đừng đưa cho cô Giang. Thế là cứ loạn cả lên.
Nguyễn Đình Nghi: Thà cứ như ông Hoài Thanh khiếp
nhược, sợ hãi Tố Hữu, đằng này, Tô Hoài lúc thế này, lúc
thế khác, không chịu được.
Nhưng này,– vẫn lời ông Nghi– suy cho cùng, lúc cuối đời ông Tô Hoài ông ấy
phản tỉnh là có lợi. Vì ông ấy đã vào sâu trong giới rồi mà. Ai biết lãnh đạo
văn nghệ bằng ông ấy được.
7/9/96
Tự nhiên, nghĩ về già, Tô Hoài như muốn trả một mối hận là
lâu nay, phải nói xấu mọi người một cách lén lút, phải ép mình sống với mọi
người cho xong đi. Giờ đây, Tô Hoài muốn để cho cái con người lâu nay bị lép vế
trong mình lên tiếng, nói công khai mọi chuyện, chả sợ mất lòng mất bề gì cả.
Nguyễn Đình Nghi: Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài bảo rằng Nguyên
Hồng mắng Tô Hoài (trong vụ Nhân văn) “Tiên sư thằng Câu Tiễn “ (hay đại
khái một câu như thế). Nhưng tôi không tin, Nguyên Hồng không nói thế, Tô Hoài
nói cho sang thôi.
1/12/96
Những chuyện của Tô Hoài, ghi trong chuyến đi Tiên Yên – Móng
Cái.
Đứng trước biển Trà Cổ, buổi sáng:
– Bãi biển hoang sơ tới mức mình nghĩ cứ như miếng gỗ tươi, chả biết
dùng vào việc gì.
Mà đây là lần thứ hai tôi đến với Trà
Cổ đấy nhé. Lần trước, tôi đi làm cho hãng Bata, phải ra đây cộng sổ cho
nó vài tháng một lần. Ngỡ như từ lúc ấy đến giờ, bãi biển vẫn vậy.
Nhân đó, nghĩ về các đồng nghiệp.
– Này, Nguyễn Tuân từng có một truyện ngắn đề là tặng ông
Nguyễn Ngọc Côn thư ký giây thép, nhớ Móng Cái. Nhưng hồi ấy đã đến Móng
Cái đâu, chỉ nghe ông ấy nói trong thư mà viết lại. Chính cụ ấy bảo với tôi như
thế.
– Hôm nọ, Tố Hữu mới đến chơi mình, ông ta chửi ghê lắm. Ông ta
bảo 10 năm nay là gì, là sắp xuống hố cả một lũ.
Cái quyển Cát bụi chân ai này, tôi cũng chẳng mang tặng, lão ta
mượn đâu của lão Bổng mang về đọc. Đọc xong nghe đâu bảo tôi (tức là Tô Hoài)
toàn nói chuyện lăng nhăng. Nhưng gần đây trong một buổi họp (hình như trao
giải Hồ Chí Minh), ông ấy mới bảo rằng hồi ấy bao nhiêu anh em có sáng tác của
người ta, và đấy mới là cái mà một người viết hồi ký phải viết.
Xưa nay, những khi gặp Tố Hữu, tôi cứ đủng đỉnh suy nghĩ theo cách của
mình. Ví như cái lần ông ấy bảo, để nguyên mình nói về Định Công cho cậu nghe,
tôi nghe một lúc rồi hỏi lại.
– Thế những thằng cũ làm sai có sao không, hay chính
các ông sai hôm qua hôm nay lại trở thành ông đúng.
Thế là Tố Hữu cụt hứng, lão vẫn chửi mình là cái thằng
hoài nghi mà.
Nhưng tôi cũng vừa chơi cho Tố Hữu một vố. Tôi đến rủ lão cùng Kim Lân về
quê Nam Cao (nhân kỷ niệm 45 năm ngày mất của ông ?). Sáng hôm nay là đi đây.
Nhưng đi với các ông rồi thì còn đi sao được. Hôm qua, tôi đến viết cho Kim Lân
mấy chữ, bảo rằng hôm nay tôi bắt buộc phải đi theo một chương trình nhà nước.
Giờ này, chắc hai lão đã đi rồi.
Nói chuyện với Tô Hoài khi về già, thể nào cũng phải
có vài câu dính tới chuyện ngủ nghê trai gái. Hình như ông
không làm được nữa thì nói cho sướng miệng chăng ?
Tôi nhớ ông hay kể lại câu chuyện một lão gìà, sống bằng cái nghề đi kiếm
rác và bảo những quả bóng cao su là làm bằng ca pốt mà trai gái ngủ nghê
thải ra. Thật tởm .
Kể về Xuân Diệu
– Lão ấy hay có lối bắt mình khép hai đùi lại, để lão ấy nhổ nước bọt
vào và cui, coi mình như đàn bà.
Chính tôi (Tô Hoài ) là người được Xuân Diệu mời đi
dự cuộc nói chuyện văn chương đầu tiên. Đó là buổi nói chuyện thanh
niên với quốc văn. Lần ấy, Xuân Diệu còn lắp bắp lắm, ngay câu đầu đã nói
nhịu, tâm hồn Việt Nam thành tâm l… Việt Nam, mình nghe sợ quá, nhưng được cái
lão ấy nói giỏi, lướt ngay sang ý khác, nên cuốn được người nghe theo ngay.
Bàn chuyện in ấn:
– Này có lẽ kỳ này vào Sài Gòn mình quăng mẹ nó cuốn Ba
người cho một nhà xuất bản nào đó, có được không ?
Nói về VTNhàn và HNHiến :
– Hiến nhiều lúc có nhiều khía cạnh ngây ngô, nhưng cậu ta tận
tuỵ với tư tưởng của mình. Còn Nhàn
thì ông blaser quá, tức là chai sạn mất rồi, có nhiều ý tưởng
nhưng chưa làm đã chán, thì còn nên được trò trống gì !
23/2/97
Sau khi đi Đông Bắc về, Tô Hoài viết được một cái ký, cứ rỉ rả mà kể.
Gặp đâu kể đấy, vừa tả cảnh trước mắt vừa cài chen ý nghĩ của mình, vậy mà đọc
có duyên lạ.
Hôm nay, nhân việc giới thiệu thể tuỳ bút, đọc lại Cát bụi
chân ai, tự nhiên tôi đâm buồn. Tôi không có cái cốt cách nghệ sĩ như các nhà
văn. Một người như Tô Hoài, là một cái gì kỹ càng mà lại tự nhiên lắm. Ông sống
những cái hàng ngày, một cách bình thản, và ghi nhận nó trên giấy, như là gặp
đâu viết đấy, ông không có cái sự cố ý muốn tổng kết muốn lý sự của bọn nghiên
cứu. Cũng không lo quá những sự liền mạch, những chuyển đoạn, sang đoạn mới. Cả
câu cú cũng linh tinh nữa, chỉ được cái duyên dáng kéo đi và những đoạn nhung
tuyết nó che đi những đoạn tầm phào. Cái gọi là bản lĩnh làm người bao giờ nó
cũng quyết định văn chương. Cái điều ấy thấy ở nhiều người, với Tô Hoài lại
càng là rõ. Sự run rẩy chỉ nên là bên ngoài, còn bên trong có cái căn cốt
thật vững, thì việc đời mới giải quyết nổi.
Lại nhớ những lần gọi điện cho Tô Hoài. Bao giờ tôi
cũng nghe đâu đấy bên kia có người nhấc máy lên, nhưng không định nói.
Chờ tôi nói trước đã. Tô Hoài đây rồi, chắc là ông làm
thế, để nếu nghe bên này một người xa lạ với ông, một người ông
đang ghét, là ông bỏ máy xuống luôn. Nói chung, ông đã có nhiều thứ quan hệ
quá, nên phải tìm cách tự vệ, tức là cái làm sao cho đỡ làm phiền mình. Có việc
đến nhà, ông dặn nếu thấy khoá cửa cứ bấm chuông.Tức là ông vẫn ở nhà, nhưng vợ
đi chợ có khoá cửa lại và chỉ những người khách có dặn trước mới tiếp. Cũng
chẳng buồn rót nước mời khách nữa.
– Nhà anh có cây quất đẹp quá.
– Người ta cho đấy, chứ mình không mua bao giờ. Tuyệt đối không.
Luôn luôn là thế, một cách dửng dưng với đời, nghĩa là không hết lòng
với cái gì cả. Đúng thế, nhưng hỏi thăm đám ma Trần Dân, ông vẫn kể là ông có
đi đàng hoàng, lại có theo xuống mộ về tận Hà Đông nữa.
15/3/97
Đọc S. Zweig viết về ba bậc thầy và nghĩ tới Tô Hoài. Xưa nay, những nhân
vật lớn có gì quá khổ, và sự kỳ lạ của cái thế giới hiện đại này là cả những
nhân vật hầu như chẳng lớn gì, cũng là những thứ quá khổ. Tô Hoài kỳ lạ lắm.
Nói tới Tô Hoài hồi kháng chiến bao giờ Nguyễn Đình Nghi cũng nói rằng ông
Tô Hoài rất đúng quy lát, Tô Hoài nói về thi đua rất hay. Và cái lạ nhất theo
Nguyễn Đình Nghi là trong thời kỳ ấy, Tô Hoài viết Lão đồng chí bằng
cách lấy truyện Những người bất khuất của Gorbatov ra làm lại.
Tôi muốn suy ra rằng nếu chất người của một số người Việt Nam ta là ma, thì
Tô Hoài là một thứ ma thượng thặng, ma đến tận đường gân thớ thịt. Là ma, nên
sống thế nào cũng được. Nên không biết sợ là gì. Nên cảm thấy mình có mặt ở mọi
nơi. Nên lẩn khuất, sợ hãi, mà lại hăm hở hưởng thụ. Và có cả cái tiểu nhân của
sự hơn người, đúng ra là ta chẳng kém gì người.
Sáng nay, 15/3, tôi có công việc phải làm với con gái Tô Hoài, và tôi lại
chợt nhớ ra chất ma nơi ông.
– Làm việc với ông già, chỉ có cái thú là ông
không giận lâu, có cái gì ông cũng tha ngay được.
– Ừ, bố em tiếng thế mà quên nhanh lắm, có gì là quên luôn.
19/4/97
Lại Nguyên Ân kể về làm phim Ngày ấy bây giờ tạp chí Tiên Phong
– Ông Tô Hoài tỏ ra khá dị ứng với ông Học Phi. Ông không ngồi chung
với Học Phi. Tôi phải bố trí quay riêng.
Nhưng bỏ lão Học Phi làm sao được. Trên giấy tờ chính thức, hồi ấy Học Phi
vẫn là Tổng thư ký Hội văn hoá cứu quốc.
Ân: Nói chung, nét tâm lý chính của Tô Hoài khi nói chuyện hồi tìên khởi
nghĩa, là coi cái gì cũng nhảm cả, bản thân lão ta cũng nhảm nốt. Tuyệt đối
không thần thánh hóa như những người khác.
29/4/97
Thứ sáu 25/4, bọn tôi mấy người gặp nhau. Nguyễn Nguyên ở Sài
Gòn ra,gọi thêm Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân. Nhân đó lại bàn về Tô Hoài.
Ông Nguyễn Nguyên: Tôi chưa đọc lại những cái Tô Hoài viết sau 45, nhưng
những cái viết trước 1945 ghê thật.Tôi nhớ một truyện ngắn mang tên Xóm ao
sen, một anh chồng giận vợ đánh vợ vì có lần, gánh chèo đến hát ở làng, vợ lại
cứ cười cười với cái thằng diễn Sở Khanh. (Nhàn: cái chính là Tô Hoài tả được
cái vô lý của cuộc đời). Hoặc những trang rất nồng nhiệt trong Xóm giếng
ngày xưa, cái đó ghê chứ. Hoặc Quê người . Toàn những cái khá cả.
Hoàng Ngọc Hiến: Ông Tô Hoài hơi thiệt vì người ta
chỉ nói đến Dế mèn phiêu lưu ký. Chứ thực ra, Trăng
thề của ông ấy là một kiệt tác.
21/5
Giữa lúc có mặt mọi người nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội
nhà văn, Lê Đạt nhắc lại câu đùa mà tôi đã được nghe mấy lần :
– Tất cả già đi, và trông anh nào cũng đểu giả,
chỉ có lão Tô Hoài là đểu thật.
Tô Hoài cũng cười. Rồi Tô Hoài nói nhỏ với Lê Đạt cái
gì đó. Thì ra Tô Hoài nhắn là ít hôm nữa 100 ngày Trần
Dần, nên gặp nhau một bữa.
Quay ra phía tôi, Tô Hoài cắt nghĩa: Thằng Trần Dần lạ lắm, có gì nó cũng
gọi mình, hôm được Hội Nhà văn khôi phục, nó cũng đến mình, báo cho mình biết.
Hay là thằng Doãn Quốc Sĩ. Mấy năm trước ở tù ra, trước khi
vào Sài Gòn, nó cũng đến thăm mình đấy chứ , nhưng không gặp.
14/8/97
Vũ Quần Phương kể :
– Ông có một cái gì tạm gọi là không biết sợ. Trên Thành uỷ họ bảo Hội
Văn nghệ phải làm cuộc mít tinh giới trí thức Thủ đô phản đối bọn Campuchia
phân biệt đối xử với Việt Kiều. Mình than phiền với ông ,làm thế nào bây giờ,
trên không cho tiền, mà quỹ Hội thì tiếc tiền. Ông nghĩ một lúc rồi bảo: Thôi
được, để việc này mình làm cho.
Thế rồi, mấy hôm sau, trên báo Hà Nội mới đọc được
mấy dòng tin:
“Hội Văn Nghệ Hà Nội mít tinh phản đối nhà cầm quyền Campuchia”
Đoán ra thắc mắc của mình, ông bảo:
– Xưa nay tôi vẫn làm thế.
-…
– Cậu bảo không khôn sống sao được. Sau vụ Nhân văn, tội mình còn to
bằng mấy tội bọn ấy, thế mà chúng nó đều phải đi cải tạo tận những Lào Cai, Yên
Bái, mình cứ ở giữa thủ đô, làm đến Bí Thư Đảng uỷ Hội Nhà văn. Phải biết sống
chứ.
Vũ Quần Phương kể tiếp:
– Tôi hỏi anh nhận cái chân trưởng ban nếp sống mới thành phố làm
gì. Ông bảo tội quái gì không nhận. Họp hành có mất
thì giờ mấy tí, người như mình không họp chỗ này thì họp chỗ
khác. Năm có dăm chục triệu tiền, tiêu cho giải thưởng một phần, còn tiêu cho
mình, đi lại chơi bời tha hồ.
Hồi Nhật nó cho Phan Huy Lê cái giải thưởng, Hội Văn
Nghệ Hà Nội cũng nhận được công văn hỏi xem có ai đáng đề nghị Nhật
nó cho không. Tô Hoài bảo: Thì để cử luôn mình vào đấy, mất gì. Và ông làm hồ
sơ, đòi Vũ Quần Phương ký.
Nhiều cuộc thi, Tô Hoài vừa làm giám khảo, vừa nhận giải thưởng. Cái
thế của ông, khiến cho người ta không thể từ chối khi ông
đã tỏ ý muốn nhận cái gì. Mà cái gì ông cũng muốn nhận cả.
Nhàn: Người đó phải không một chút mặc cảm trong đời sống hàng ngày.
Vũ Quần Phương: Đúng thế, ông hay nói, với nhiều con mẹ đàn
bà, vừa ngủ nghê hôm trước, hôm sau giáp mặt không thèm chào. Ông còn
trắng trợn lộ bem với mình: “Đi thực tế, có phải điều tra nghe ngóng cái
quái gì cho mệt. Cứ kiếm một con mẹ xinh đẹp rồi đến ở với nó, suốt ngày ngồi
nghe nó nói, thế là biết hết mọi chuyện.”
2/4/98
Trần Chiến kể:
– Có một lần, báo Người Hà Nộị phê bình một việc gì đấy,
theo lời ông Tô Hoài, cô Thanh Nhàn xưa nay đã không đẹp, mà hôm ấy mặt còn như
tờ giấy trắng, nghĩa là sợ hết vía. Tô Hoài phải cười trừ:
— Thế thì để tôi lên vậy.
Và ông xách xe đi.
Nhưng loại như Tô Hoài nào có phải vừa, nên lên tới nơi, bọn
nó đã sợ như cọp. Không đứa nào dám há mồm đặt vấn đề kiểm điểm
báo. Toàn loanh quanh: Bác đi đâu ạ ? Bác có khoẻ không? Thế thì có cách rồi,
cái cách rất Tô Hoài, nghĩa là lấy sự đùa ra đối lại. Bác đi đâu ạ, đi chơi
thôi. Bác uống trà nhé, để chúng cháu đi pha. Trà thì uống làm gì, có rượu mua
về đây. Cứ thế hết buổi sáng, cho đến lúc về, lão còn hỏi có việc gì không, thì
mấy tay ở đấy cũng chỉ có cách bảo rằng không có việc gì cả.
Nhưng được một lần, về sau thì bọn ấy ngại. Những cán
bộ tuyên huấn của Thành uỷ hoàn toàn hiểu rằng, còn dùng lão già
này, còn bất lực không chỉ huy nổi.
Tô Hoài nhận định về Lê Đạt rất hay:
– Ơ cái anh chàng này không sợ chữ nhỉ.
Tôi không có mặt ở đây, không rõ ý thực của
Tô Hoài là như thế nào chỉ đoán với tất cả cái ma
mãnh của một người làm nghề, Tô Hoài rất hiểu rằng chữ như âm binh phù
thuỷ. Lê Đạt không phải là loại cao tay lắm, song lại cứ lảng vảng ở đấy, biết
đâu chả có lúc vỡ mặt!
(Nguyên Ngọc: Lê Đạt có cái thú chơi chữ, nên thích Khương
Hữu Dụng. Cả hai giống tính nhau. Nhàn: Nhưng muốn chơi là một chuyện mà
biết chơi lại là chuyện khác)
11/4/1998
Trong tháng 3/1998. Đào Vũ xoay xở để báo Văn nghệ kỷ
niệm 70 năm ngày sinh của ông ta. Đào Vũ là loại mà lúc nói chuyện riêng với
bọn tôi, Tô Hoài vẫn tỏ ý chẳng coi ra gì. Ông còn ngờ rằng Đào Vũ chép
từ văn của đám tác giả Trung Quốc mà ông ta dịch. Ấy vậy mà Tô Hoài cũng đến dự
buổi sinh nhật ấy, và tìm được một cách rất khôn khéo thế nào đó, để nói, vừa
chả nói gì cả, nói mà chung quanh không thấy Tô Hoài bị phụ thuộc vào Đào Vũ.
Lại nhớ những lần Tô Hoài đề tựa sách của Đoàn Minh Tuấn, hoặc Tô Hoài
kéo bè kéo cánh, mớm cho Đoàn Minh Tuấn đề nghị, để Nguyễn Văn Bổng cũng được
giải thưởng Hồ Chí Minh như ai.
Chi phối mối quan hệ với Hà Minh Đức là nguyên
tắc “ Ông mất chân giò , bà thò chai rượu” . Và ông
bảo vệ người cộng tác với ông đến cùng.
Hồi 1978, tôi mới về làm ở nhà xuất bản Tác
phẩm mới( sau này đổi thành nhà xuất bản Hội nhà văn), có lần gặp ông trên thư
viện của bà Huệ , tôi hỏi thẳng:
— Có phải anh đưa tất cả nhật ký của Nam Cao cho Hà Minh
Đức? Nếu đúng thế, chúng tôi sẽ ghi thành một chú thích trong cuốn sách về Nam
Cao để mọi người đều biết và sau này ai muốn tìm có chỗ mà tìm.
— Không, mình không nhớ.
Một cách lảng – đúng hơn cách nói dối –không ai làm gì được.
Có cảm tưởng con người Tô Hoài cũng giỏi — không kém những Nguyễn
Tuân lứa trước hoặc một người như Lưu Quang Vũ ở lứa sau — trong việc tạo ra
một triều đình quanh mình để phục vụ mình. Dùng người giỏi như dùng chữ.
Tô Hoài là người Việt Nam thực dụng và khi đã thực dụng thì
vô nguyên tắc, Trạng Quỳnh Trạng Lợn một cách hoàn toàn tự nhiên.
17/4/98
Nguyên Ngọc kể một lần Tố Hữu nói gì đấy, đại khái
là chúng ta phải tự do sáng tác. Tô Hoài nói ngay (Nguyên Ngọc
nhấn mạnh thêm “mà chỉ Tô Hoài mới dám nói kiểu
vậy” )
– Thôi đi ông, đừng có xui dại anh em.
Chết một nỗi là đi đâu bây giờ, Tô Hoài cũng phải gặp
Tố Hữu. Lại Nguyên Ân kể hôm đến Viện Goethe, Tô Hoài đang loay hoay thì
nghe tiếng:
– Kìa chàng Tô, chàng Tô lên đây.
Và Tô Hoài lại phải bẽn lẽn lên vậy.
Một lần Nguyễn Phan Hách vụt kể:
– Này, đừng tưởng lão Tô Hoài lão ấy tha thiết với văn chương
chữ nghĩa của mình đâu. Một lần, mình hỏi lão ấy có xem lại mo
rát một truyện ngắn không.Thế là lão ấy buột miệng “ Thôi,
không phải xem, văn chương ba vạ của mình chứ có phải nghị quyết gì đâu mà
cân nhắc từng chữ thế. “
23/4/98
Hôm nọ, Tô Hoài hỏi tôi là bây giờ, muốn đọc lại những tài
liệu về Trung Quốc hối cách mạng văn
hoá thì tìm ở đâu. Tôi bảo không biết (không biết thật,
không rõ thư viện có lưu trữ gì không).
Lại nhớ cái hồi đọc cuốn Một số kinh nghiệm viết văn
của tôi, so hai bản 1959 và 1960, thấy Tô Hoài xảo thật. Ông nhét thêm vào lần
tái bản rất nhiều đoạn của Trung Quốc (Mao Trạch Đông, Chu Dương, Mao Thuẫn )
vào để cho ăn nhập với thời sự. Đến nay lại bỏ.
Lại nhớ, năm ngoái, trong một buổi họp về Nam Cao, một nhà nghiên
cứu đối chiếu bản Chí Phèo in trong Luống cày, với Chí
Phèo về sau thấy có nhiều chỗ sai lạc sửa chữa, và có những ý mới viết
thêm. Chẳng hạn, những chi tiết như là Bá Kiến thấy tiếc đời, như là ông già,
răng móm rồi, không ăn được thịt bò nữa vẫn thèm cái sựt sựt của nó.
Cái chi tiết sau cùng, thì có vẻ Tô Hoài quá rồi.
Bản thân Tô Hoài cũng thú nhận.
– Bản thảo Sống mòn để hỏng, mất cả trang cuối, tôi viết lại theo
trí nhớ rồi cho in.
Tô Hoài là vậy. Nhơn nhơn không biết sợ là gì. Nghĩ rằng mình làm ra văn
học.
Tuy nhiên, cũng có lúc Tô Hoài nhớ sai. Khi ấy, phải
có chứng cớ có thật chắc mới cãi được.
Như là chuyện Tô Hoài nói rằng, lúc kháng chiến, Nam Cao còn gọi
tác phẩm của mình là Chết mòn, sau sửa mới chữa thành Sống mòn.
Lại Nguyên Ân: Không, tôi đọc trong tạp chí Tiên
Phong, đã thấy bảo là Sống mòn.
Đến chỗ này, thì Tô Hoài chịu.
Nói chung, Tô Hoài vẫn có cái vẻ của một người trong cuộc,
người chủ nhà, muốn bịa đặt cái gì cũng không ai dám cãi.
30/7/98
Nghĩ ra, cái đề tài sự có mặt của Tô Hoài. Thử đi hiệu
sách, thấy bày bán đủ thứ nào Chuyện cũ Hà Nội, nào Mười năm.
Ấy thế mà Tô Hoài vừa đi dự trại viết ở Đà Lạt về. Hình như, lúc nào
Tô Hoài cũng đang ở đâu ấy – mà lại cũng đang ở nhà, lại có mặt trong đủ
thứ sinh hoạt Hà Nội, từ một đám vui chén với bạn bè đến một buổi lễ kỷ niệm
long trọng.
Thoắt ẩn thoắt hiện; không trốn hẳn, nhưng biết rút lui; không
chỗ nào cũng có mặt như Nguyễn Xuân Sanh, nhưng thực ra, không
cái gì là qua được mặt, và bao nhiêu quyền lợi, vẫn hưởng đầy đủ – Tô Hoài
là thế. Là vừa làm báo, vừa soạn sách, vừa làm cái gần, vừa làm cái xa, làm tổ
chức và viết văn, và không lúc nào chịu ngồi không.
Còn nhớ một lần, cô Sông Thao bảo với tôi:
– Bố em ngồi là từ sáng đến trưa, chỉ thỉnh thoảng mới đứng lên,
vặn lưng vài cái.
Chẳng những có mặt theo nghĩa đen mà Tô Hoài còn có mặt theo nghĩa bóng (=
theo nghĩa tiểu thuyết ). Đó là biết hết mọi chuyện linh tinh trong giới văn
nghệ và lúc nào cũng sẵn sàng viết những chuyện ấy ra.
Tô Hoài là người lao động Việt Nam, lao động với nghĩa
rề rà kéo dài. Tô Hoài là người chuyên nghiệp với
nghĩa ăn tạp.
28/10/98
Hôm nay bọn tôi gặp nhau để mừng ông Tô Hoài được giải thưởng
Thăng Long. Làm ở một cửa hàng ăn phố Huế, Tô Hoài có quen riêng. Ông
chủ nhà này trước làm ở sứ quán Pháp, Tô Hoài kể. Nhà hàng nhiều khách
Tây ăn cơm tháng lắm. Có gì đâu , phải biết gu của họ. Miếng thịt bít têt không
cần to mà cần ngon. Sáng nào ông chủ cũng tự tay xách bị đi chợ.
Trong lúc chờ ăn, Tô Hoài có vẻ chả để ý gì đến chuyện giải thưởng, mà
chỉ hỏi chuyện linh tinh trong đó có tôi vừa đi du lịch bụi ở Trung Quốc.
Trong câu chuyện ai đó nói tới Nguyên Hồng và cái ý nói
rằng cái ông này cũng chán lắm.Tô Hoài góp ngay, đúng thế. Tôi hay
nói rằng Nguyên Hồng sẵn sàng tiêm cho người ta. Chỉ có một chi tiết phải nói
thêm là tiêm xong, ông ấy lấy tiền đầy đủ, không lần nào từ chối hết.
Nhìn người ta in ra cuốn Tác giả văn học Thăng Long Hà Nội do Tô
Hoài chủ biên, vẫn thấy rờn rợn về cái khả năng làm ma làm quỷ, đi với ma với
quỷ của ông ta.
Tô Hoài lạ lắm, khi nói chuyện với người ta thì gần
gặn “như ngửa bàn tay cho người ta ngồi” nhưng khi đứng xa,
thì khinh bạc, chả coi ai ra gì.
Tôi nhớ, đó là một thái độ mà tôi thấy ở Lưu
Quang Vũ thái độ đối với đàn bà. Tôi thường cũng muốn ứng xử khôn ngoan
tài ba như vậy, mà không được.
9/1/1999
Nhìn qua tập Chiều chiều của Tô Hoài được phân công biên tập.
Nhận ra một con người luôn tìm ra cái để viết, người có trí nhớ kỳ lạ cái gì
cũng nhớ, cứ làm như là mọi việc mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Từng câu
nói, cử chỉ của người khác được ông nhớ hết.
Kể chuyện là một cái tài mà không phải ai cũng có. Tôi cảm
thấy sở dĩ một người như tôi, không viết được
là vì lúc kể, tôi cứ định nhằm theo một cái hướng nào đó chứng
mình cho một sự thật nào đó, tính mục đích của tôi quá rõ mà sức viết lại yếu.
Tô Hoài thì không thế. Tô Hoài nhẩn nha kể mọi việc,
ghép chuyện nọ lẫn với chuyện kia, cũng không định thuyết phục ai, ấy
thế mà lại đọc được. Cái chất văn của Tô Hoài nó nằm ở
trong một cái gì ẩn dưới câu văn, ẩn dưới chữ nghĩa. Lẩn đi giữa các sự kiện,
là những con người cụ thể, với những vui buồn.
Như những đoạn Tô Hoài nói về M. Tkachev chẳng hạn, người
ta thường nghĩ là Tô Hoài lợi dụng Marian, hai bên lợi dụng nhau
nhưng đâu phải thế, trong lời kể về Marian, có cả những xót thương về một kiếp
nhà văn, kiếp người cầm bút lận đận, cũng như những đoạn Tô Hoài nói về anh
chàng say rượu Vlat, có sự thông cảm với mọi thói xấu của con người.
Cũng vì cái chất người đó, mà Tô Hoài đứng được trong nghề và quyền
hồi ký này cũng đứng được. Tô Hoài tả những cuộc đấu tranh văn nghệ, những nghị
quyết, những khai trừ, tổng kết tổng hợp, bằng con mắt của người bình thường và
đó chính là lý do đoạn trên tả văn nghệ sĩ, đoạn cuối lại tả mấy ông người dân,
hoặc bà cô đầu cũ. Thì có gì đâu, họ cũng là con người cả, ta đừng nên đề cao
cái này và dìm dập cái kia, chả có gì khác giữa một ông nông dân và một nhà
văn, chả có gì khác chuyện trong nước và chuyện quốc tế, cũng như chả có gì
khác giữa việc sáng tác với việc ngủ với đàn bà, hoặc làm một bữa ăn ngon.
25/1
Một ý nghĩ thoáng qua về Tô Hoài
và cuốn Chiều chiều: sao toàn chuyện vặt. Xuống xã,
đi làm nông nghiệp, làm phân. Xem cũng chẳng thấy có ý nghĩ gì mới về những
người nông dân, về văn nghệ sĩ. Chỉ thấy những con người chả đâu vào đâu.
Những người dân, người như ông Ngải thiết thực như thế, nhưng
có phải là còn mãi hay là cũng đang nhảm đi, có phải
là một lý tưởng, hay chỉ là một thực thể làng nhàng,
giữa cuộc đời nhiều va đập.
Sáng tác của Tô Hoài, đọc hấp dẫn mà nham nhở chắp
vá như cuộc đời này. Nó không có cái thanh thoát, và
vượt hẳn lên - một thứ hoàn chỉnh nghệ thuật - như ở Bùi Xuân Phái bên hội họa.
Lại đến đoạn nhà văn này đi quốc tế thì càng thấy rõ - toàn chuyện vặt, chuyện không đâu vào đâu, văn
học thế giới có nghĩa là mấy ông phiên dịch, mấy bà phục vụ khách sạn. Đọc thấy
vui, viết được như thế đã là tài, nhưng trong thế giới này họ chỉ là hạt cát là
ngọn cỏ, khác gì người mình nhà văn mình.
Cái trời phú cho ông ở con người Tô Hoài - khả năng sống trong
nước đục, sống giữa những cái nhờ nhờ, tối tối, mà vẫn sống được.
Hai thứ khả năng trời phú để làm người cho
dễ dàng, đó là:
1/ Đọc ra những mưu đồ, mong mỏi, ngụ ý của người khác trong
công việc. Hiểu rằng người đời là ham ăn, truy tìm tiền của, kiếm sống, chen
cạnh cốt hơn người. Không cần cố gắng, không cần phân tích cũng hiểu ngay cái
tầm thường .
2/ Nhưng ngay đấy, dừng lại, tức có khả năng chung sống với những cái xấu
ấy, khả năng phớt lờ, mặc kệ, không móc máy mổ xẻ, không đấu tranh muốn thay
đổi nó, để rồi tự làm khổ chung quanh, làm khổ mình.
Lại nhớ Đức Hậu ở Thái Bình bảo tôi: Anh có khả năng nhận ra cái xấu, nhưng không có khả năng chung sống
với nó.
Tô Hoài ngược lại. Cái khả năng chung sống với cái xấu ở Tô Hoài
thì tuyệt vời.
Một bên là đời sống cụ thể của đám đông, ào ạt, to
lớn, xô bồ, tạp nham, vụn vặt.
Một bên là cái đời sống cá nhân riêng tư, dù chỉ sương khói nhưng là những vu vơ, mơ hồ lãng
đãng, hư hư thực thực.
Không hiểu sao, hai cái thế giới ấy lại chứa đựng được nhau, tựa vào nhau,
nó làm cho Tô Hoài sống cân bằng nhẹ nhõm, lại tự làm giàu thêm cho mình.
Vậy Tô Hoài là loại nhà văn như thế nào, loại
người như thế nào?
– Nhà văn của những quyển sách tầm tầm, những tha thiết thường trực và
lặt vặt, nó bao trùm lên cuộc đời chúng ta.
Những người đáng nhớ trong Chiều chiều:
– Ông Ngải
– Ông coi kho
– Ông lão với con chó (Bùi Hòa bảo riêng đoạn này đã là một truyện ngắn cỡ
thế giới)
– Marian
v.v..
Tóm lại, toàn là những con người đã lửa ra, cô đơn, gắng mà chèo
chống, vừa buồn cười vừa bi đát trong sự gắng gỏi của mình.
Con người trong Tô Hoài, cũng như cái thiên nhiên chung quanh con
người mà ông hay tả, nhạy cảm mau mắn độc đáo, kỳ lạ, nhưng
mờ mờ, nhạt nhạt, vơ vơ vẩn vẩn, những thứ mà nếu không được
chúng ta để mắt tới sẽ chẳng bao giờ thấy cả đúng là cỏ dại, hoa hèn.
Một câu chia sẻ vu vơ của Tô Hoài hàng ngày:
– Nhiều cơ quan tặng cặp quá. Mang đi họp, khi nào tôi cũng dùng
nước bọt tẩy cho hết chữ trên mặt da.
Cái tài của Tô Hoài có thể thâu tóm trong mấy công thức:
– Tự tin đến mức nói gì thì nói, người ta cũng nghe
– Tàn ác một cách nhân hậu, tức là nhìn thấy cái vớ vẩn của
kiếp người nhưng cũng cho qua hết
– Táo tợn một cách kín đáo
– Miên man một cách duyên dáng
– Tinh tế trong những cái vặt
– Tạp ăn, không sợ gì cả, tự tin - tự tin một
cách dai dẳng rằng mình trời đánh không chết.
Văn chương này là một khối hỗn độn, ở đó đến không
gian thời gian cũng xáo trộn và tất cả chỉ thống nhất lại trong
ý nghĩ, trật tự duy nhất là trật tự của ý nghĩ. Tư tưởng của con
người thì như đám mây là là sát mặt đất.
Cái ấn tượng này đến với tôi mạnh nhất khi đọc Cát bụi chân
ai và nó đúng với toàn bộ nhà văn.
19/3/1999
Ngẫu nhiên chạm mặt Bùi Hòa. Với ông bạn vô danh này,
Tô Hoài tìm ngay thấy cách gần gũi, đó là những chuyện riêng về 65 Nguyễn
Du. Nhắc lại Trọng Hứa, nhắc lại một người quen chung. Hình như có một cô gái
nào quê Thanh Hóa, có dịp quen Tô Hoài ở Quốc Hội và hay biếu Tô Hoài các thứ
nem. Tô Hoài kể tiếp:
– Các ông không biết chứ, còn có một lão điên điên khùng khùng, ở bên
kia đường Nguyễn Du, xưa dọn hàng quán gì đấy, bây giờ vào tận trong Phú Yên
hay Quảng Ngãi, rất hay viết thư cho tôi, trong thư bao giờ cũng hỏi thăm bà
Hường, ông Tiếu, rồi có lần nghe đâu bà Hường chết rồi, thì nhờ bác cho cháu
gửi lời hỏi thăm tới gia đình bác Hường.
Có một người tôi biết, là Nguyễn Quân, rất dễ làm thân với
những người bán hàng bán quán rồi uống chịu, rồi trò chuyện những chuyện
rất đời thường.
Tô Hoài cũng có khả năng đó, khả năng mà tôi không có.
Tôi thú thật ở chỗ này, thì hình như tôi hơi giống Nam Cao, tôi có
một cái mặt không chơi được, chẳng hiểu tại sao nhưng người ta cứ
không tin tôi.
Tô Hoài bảo ừ, V.T.N. còn có phần giống như Nam Cao,
ở chỗ mới gặp nhạt thật, khi chơi lâu, thì thấy cũng chả tội vạ gì.
Nhưng mà này, mình hồi trước lại thường hay đi đôi với Nam Cao, đi với anh
có cái mặt không chơi được, mình lại dễ nổi lên hơn.
5/8/99
Trông Tô Hoài thấy già đi rõ quá. Ông kể, ông vẫn
viết đều hàng tuần ông giữ mục tạp bút cho Văn Nghệ
trẻ, mục đãi sạn cho báo Người Hà Nội.
“Bao giờ, tôi cũng phải để đấy 4 bài để họ dự trữ”
Tôi đọc trong Văn Nghệ trẻ, bài Hai cái cốc ( đi uống
bia, thuổng luôn 2 cái cốc, lên Hà Giang cho mấy người uống; bây giờ ở Hà
Giang vẫn còn)
– Bài hay quá - Tôi khen
– Loại ba vạ như thế, tôi viết đầy.
Mình lại vừa ngồi sửa chữa cuốn tiểu thuyết Ba người, để mình gửi
cho cậu, ông bảo vậy.
Trong điện thoại khi nghe tôi rủ đến gặp Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến
bảo hình như là cụ ốm cơ mà.
Ngọc Trai nói ngay: Lúc nào ông Tô Hoài ông ấy chả ốm được.
20/8/1999
Khi Chiều chiều còn đang in báo đã nhiều người tìm, và bây giờ,
theo lời những người buôn sách, thì Chiều chiều bán khá chạy.
Nhưng cô Thu Hà ở báo Tuổi trẻ bảo tôi:
– Cháu không thể thích được. Đọc sách chỉ thấy Tô Hoài ông ấy khôn
quá, bao nhiêu đồng nghiệp ngã ngựa, bao nhiêu người rớt lại trên đường, chỉ
mình ông ấy tới đích.
15/9
Tôi bảo với Hoàng Ngọc Hiến, và Hiến phải nhận đúng, đó là trong Chiều chiều - nhất là phần đi nước ngoài -, ông Tô
Hoài thấp nhưng ông lại không biết cái thấp đó của mình. Đó là thảm hại. Ý
tôi muốn nói đi thế mà chẳng nghĩ được cái gì cho lớn lao.
Đọc lại Ba người khác. Một mặt, tôi cũng phục, là sao con người này có
sức sống ghê thế. Đầy sức thu hút, nghe được tất cả cái nhảm nhí ở chung quanh.
Mặt khác, càng đọc càng thấy không đủ thậm chí khó chịu. Chung quanh là
sâu là kiến hết.
Tôi nhớ những nét mặt của một số con người hồi đầu cách mạng thỉnh thoảng
thấy trên tivi hoặc trong các chồng báo cũ. Họ có cái kiên nghị của họ. Họ có
thể dốt nát, nhưng không tầm thường, lưu manh tận chân răng như đám nhân vật Tô
Hoài miêu tả trong cuốn tiểu thuyết này.
Có thể, đây là một khía cạnh của đời sống chăng?
Nhưng tôi không nhìn thấy lý tưởng cao đẹp của tác giả ẩn đằng sau khi miêu tả.
20/11/1999
Chiều chiều đang bán rất chạy ở Hà Nội, trong khi đó, bọn tôi ở cơ
quan được phổ biến là không được để các nơi viết bài khen chê gì cả.
Chiều chủ nhật, sách ở một số quán sách ở
Bà Triệu bị tịch thu. Công an và quản lý thị trường
tịch thu. Buổi tối đi qua Tràng Tiền không có một cuốn.
Ông Văn Tâm ngỏ ý khen Chiều chiều:
– Có hai bồ chữ mất rồi (Nguyễn Công Hoan và Nguyễn
Tuân). Còn một bồ nữa sắp mất nốt.
– Thế kỷ XX này, nước mình có ba người viết ký giỏi.
Ông Vũ Trọng Phụng giỏi về phóng sự, Nguyễn Tuân giỏi về tùy bút, còn
Tô Hoài nhất về hồi ký.
Trong thông báo nội bộ về quyển Chiều chiều, có đoạn nói:
Nhà văn Tô Hoài là một nhà văn lớn đã được giải thưởng Hồ Chí
Minh…Quyển Chiều chiều của ông sẽ để dư luận và công chúng đánh giá
lâu dài.
Nhưng vẫn không cho in lại.
Nguyễn Văn Thành nghe ở đâu đó, về bảo nhiều người
ngờ là lão Tô Hoài này đổi giọng viết
như thế này để kiếm chác.
Nhàn: Tôi nghĩ không phải… Có những chi tiết mà nếu không
để ý từ trước, thì bây giờ không sao bịa ra nổi. Nghĩa
là ngay lúc làm cán bộ, Tô Hoài cũng đã là một người láo lếu lắm rồi. Nhưng cái
tài của ông là giấu biệt ý nghĩ hồi đó, bây giờ mới phun ra.
Những năm sau 2000
7/1/2000
Hà Minh Đức ra một tập thơ, trước khi cho in, hỏi Tô Hoài ra cái
ý không biết có nên in không. Tô Hoài bảo:
– Cậu đã ra hàng mấy chục đầu sách rồi, thì ra một quyển
thêm nữa, cũng nghĩa lý gì mà ngại.
Có cảm tưởng khi đối thoại với mỗi chúng ta, Tô Hoài luôn
luôn đồng loã với mọi hành động của ta, cả cái tốt lẫn cái xấu.
15/1
Đọc lại Cát bụi chân ai, thấy có một câu của thằng tù binh Mỹ:
– Các ông không phải là nhà báo. Có phải các ông
là quan toà, các quan toà đến hỏi cung tôi, các ông sắp đem
tôi ra xử, tôi xin hỏi thực đúng thế không?
Một cách định nghĩa chính xác về các nhà văn Việt Nam.
Cái cách viết của Cát bụi chân ai là lan man một cách khéo léo,
không lấy không gian thời gian để phân chia các đoạn của quyển sách. Mà lấy tâm
tình làm mạch chính.
Một đặc điểm của Tô Hoài thời kỳ này là không đề
rõ thể loại cho sách. Hình như ông muốn người ta hiểu là thứ gì cũng
được. Và cũng là một cách để tuyên bố tôi chẳng giống ai, tôi không chịu một sự
ràng buộc nào cả.
6/6
Tối 30/5, gặp nhau ở chỗ Ngọc Trai, để tiễn ông
Hiến đi Tây. Đúng hơn là ông Tô Hoài mua gửi cho ông Đặng Tiến
bên Pháp mấy quyển sách nhờ ông Hiến mang đi, thì tổ chức ra bữa ăn nhân thể.
Chưa bao giờ thấy Tô Hoài cảm động như vậy. Sau bữa ăn, ông nhờ lấy cái
gói. Mở ra trịnh trọng.
– Ông Hiến ạ, mai ông đi. Tôi có gửi cái này cho Đặng Tiến, một
quyển sách với cái thư.
– Vâng, vâng, anh để tôi mang.
– Sách hơi dày, thôi thì cũng mong ông thông cảm (có
vẻ đúng tâm lý người hay đi xa, sợ người khác gửi).
Và ngừng một lúc, rồi ông mới nói tiếp.
– Thôi đến ngày kia là Hiến đã đến với thành
phố hoa lệ, thủ đô của thế giới, nơi có mỗi chị Trai đã đến. Chỉ
có chúng tôi là sẽ ở lại đây thôi.
Tới chữ chúng tôi, ông nhìn tôi, Vương Trí Nhàn. Tôi cảm thấy
có một chút chua chát trong lời lẽ của Tô Hoài lúc ấy. Đã
là Tô Hoài mà vẫn còn những lúc phải thèm muốn điều gì đó,
và có những nơi chưa đi, kể cũng khổ tâm thật.
Tôi hỏi :
– Anh đang viết gì. Cái món truyện cổ tích cho trẻ con đến đâu
rồi.
(Có lần Tô Hoài nói là có nhận viết 150 truyện
cổ tích)
– À, đang viết, được 60 cái rồi cả nhà Giáo
dục lẫn nhà Kim Đồng đều in.
Và ông nghĩ ra một cách để pha trò:
– Ở Kim Đồng thì nó gọi là tranh truyện. Còn ở Giáo
dục thì gọi là truyện tranh. Giáo dục đã in 60 cái,
còn Kim Đồng mới in được 20 cái.
Khi Tô Hoài láy đi láy lại chuyện đó, Hoàng Ngọc Hiến cười
ngặt nghẽo mãi không thôi. Có gì đó có hơi hướng “bài tây” trong câu chuyện về
văn chương, đấy là điều thú vị thường thấy ở lớp trí thức An Nam mình, dù
đã sang thế kỷ XXI.
Ân hỏi: ông Vũ Ngọc Phan viết Tô Hoài là khinh bạc, cái đó đúng
không?
Nhàn : Đúng chứ! Nếu trí thức hoá lên một chút, thì ý tưởng ấy của Tô
Hoài gặp cách nghĩ của các nhà trí thức phương Tây cuối thế kỷ XIX (như ở
E.Zola) , đầu XX. Là con người có những khía cạnh gần con vật. Nhưng ở Tô Hoài,
tất cả chỉ giản đơn, bột phát, và về sau con người Tô Hoài nhà văn có phần
bị lép vế, so với Tô Hoài cán bộ. Nhưng cái chất nhà văn kia vẫn cứ còn mãi.
26/9/2000
Nhân 80 năm sinh Tô Hoài tôi viết một bài báo ngắn và phát hiện
ra một điều đơn giản. Chính là 10 năm nay, Tô Hoài lại
khởi sắc hơn ngày trước.
Bà Đặng Thị Hạnh dạy văn học phương Tây rất mê Cát bụi chân ai,
viết riêng một bài về thể hồi ký nhắc đến nhiều nhà văn lớn thế kỷ XX bên trời
Âu, có lèo thêm Cát bụi chân ai vào đó . Bài này có cách viết rất lạ
tức là trộn lẫn không gian thời gian đang chuyện nọ sọ sang chuyện kia, mà lại
rất hợp lô-gích, trong khi đó không hề bị câu thúc bởi cái khung thời
gian và cốt truyện.
Trước đó, có lần Đặng Thị Hạnh đã nhận ra cái cách
viết đó ở Tô Hoài . Đọc Cát bụi chân
ai Đặng Thị Hạnh nói thêm với tôi” hơi văn đi rất mạnh”
Đọc văn bản Tô Hoài có lẽ những cái chính, cái trần trần trên chữ nghĩa,
thì cũng thường thôi, nhưng ông Tô Hoài lại có cái tầng thứ hai ẩn ở dưới, một
cái gì lờ mờ , lấp ló đây đó mà lại quyết liệt lặp đi lặp lại.
Báo Thế giới mới, kể rằng cô Eo Sola không đồng ý đặt tài tử là
nghiệp dư mà cho rằng ở Việt Nam, chữ tài tử có nghĩa rộng lắm, tài tử là ngang
hàng với chuyên nghiệp, là sáng tạo. Tô Hoài nghe hẳn thích lắm.
4/2/2001
Những ý mà Phạm Vĩnh Cư nói về Tô Hoài ( Tôi
không nghe trực tiếp từ Cư, nhưng nghe Tạ Duy Anh kể lại)
– Ông Tô Hoài có lối viết làm như ông ấy
đã đi đến tận cùng sự thật, nhưng bên trong còn bao điều gian
dối.
– Một ví dụ, Tô Hoài không hề dám hé ra một sự thực là Marian
Tkachev nó hành ông ta thế nào. Có lần Marian Tkachev tặng Inna Zimonina một
bản dịch tiểu thuyết Tô Hoài và nói thêm “ Tôi xin tặng chị một cục gạch, chị
chớ đọc làm gì “.
Xem cách viết của Tô Hoài, vẫn luôn luôn cảm thấy đây
chỉ là giỏi quan sát chứ chẳng có tư duy tiểu thuyết
gì cả.
Khoảng tháng 12/2000, ông Hà Xuân Trường gọi tôi lên kể một số chuyện
cho xem một số thư từ, trong số có thư hoặc báo cáo củaTô Hoài. Nhớ 2 cái.
Một, cái Tô Hoài báo cáo về lý lịch và thành tích của mình, để cho cấp trên
biết, và chấp nhận ông về Hội Nhà văn Hà Nội (còn nhớ là Xuân Sách giễu mãi
chuyện này và, Bằng Việt thì hối hận đã lấy Tô Hoài về sau khi ông bị bật
bãi ở Hội nhà văn ).
Hai, hồi đầu đổi mới, Tô Hoài viết cho Hà Xuân Trường một lá thư, phân định
giới viết văn theo nhóm phái, tức là loại theo cách mạng, loại lừng chừng, loại
theo địch nay ở lại. Cũng là một thứ “báo công”.
Ở những người như Tô Hoài, ao ước về nghệ sĩ có nồng nàn đến đâu thì cũng
không bao giờ đủ sức áp đảo hẳn cái khôn ngoan của người cán bộ.
12/4/2001
Hai tuần trước nghe Khánh Thơ kể một chuyện đáng nhớ. Lâu nay
tình nghĩa Tô Hoài Nguyễn Văn Bổng thì ai cũng biết. Nên bọn Khánh Thơ, khi làm
sách các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh, đưa Bổng vào, muốn đưa theo một
ít nhận xét của Tô Hoài, đã in trong bài chân dung (Tô Hoài Những gương
mặt).
Nhưng nên nhớ đó là một bài chê Nguyễn Văn Bổng nghiệp dư. Tôi cứ tưởng
Nguyễn văn Bổng cho qua. Không ngờ ông biết hết. Đến lúc bọn Khánh Thơ đến, ông
Bổng đang đau ốm, cũng cố vùng dậy, không nói được, chỉ giành lấy bút mà viết
mấy chữ.
– Không lấy một dòng nào của Tô Hoài cả.
Tôi nghĩ trong khi phác họa chân dung của Bổng , ở Tô Hoài có sự co
kéo :
Một bên là con người Tô Hoài cán bộ Tô Hoài đời thường, sống giữ gìn, tự
vệ, cần có người chuyện trò nương tựa, và trong sự chán ngán của giới văn
chương hàng ngày, tìm thấy ở Nguyễn Văn Bổng một người trò chuyện gần gũi.
Nhưng ở phía khác, Tô Hoài đặt mình bên những Nguyễn Tuân, Nguyễn
Bính. Và ông thấy đây mới là văn chương thật hạt, còn Nguyễn Văn Bổng chỉ là
nghiệp dư.
Người nghệ sĩ đã thắng. Cuối đời rồi mà.
20/3/2002
Tô Hoài, từ 10 năm nay, đã nói với tôi về bộ
phim người ta làm về ông, mà ông nhận viết kịch bản. Và bây
giờ tôi nhận viết thuyết minh cho nó. Không biết có nói được một
số ý
-Sức sống của cỏ dại
– Cỏ dại thành người
– Lam lũ, không hoàn chỉnh.
Tư tưởng chính rút ra từ cuộc đời Tô Hoài:
Kẻ không đánh mất mình, khi hoà vào đám đông. Vừa hùa vào vừa
lùi ra. Nhưng cái sự hoà vào dễ dàng như thế lại
chứng tỏ một cái gì tầm thường ( người ta có chịu nghe không?) Lúc từ
bỏ đám đông trở về, con người ấy là một khối hỗn độn vơ vẩn đấy mà cũng sâu sắc
đấy.
28/3/2002
Hỏi xem ông đang làm gì, ông bảo nhận viết cho báo Lao
động. Còn cái chùm một trăm truyện cổ tích đã xong. Tôi không dám nói thẳng,
nhưng nghĩ ông Tô Hoài hay phí đời mình vào những việc vớ vẩn. Cô Sông Thao
cũng bảo rằng bố em quan niệm là cứ viết đi, còn cái việc thu dọn lại là việc
sau.
Vậy cảm giác về sự bất tử ở Tô Hoài ra sao,
có hay không? Có chứ. Nhưng ông không nhiệt thành lắm. Ông không làm
nó với ý thức cao , như Xuân Diệu.
Tô Hoài mang cái tính chất của văn học dân gian là
tự phát với đủ nghĩa, như nặng về bản năng lộn xộn, không trật tự
không đều, thiếu lý tính, ít nghĩ về sự sống sau khi chết.
Tôi buột miệng kể với Tràn Đình Sử: Tô Hoài là loại có sách gì tôi
cũng có thể giới thiệu để ông ấy đọc, ví như sách về danh hoạ, sách tiếng lóng.
Thế nhưng phải trừ một loại tức là những cuốn như tiểu luận về thuyết phi
lý
5/4/02
Đến nhà Tô Hoài, thì lại gặp cảnh quay phim VTV3 đến quay. Nội dung đâu là
cái chuyện ngày làm việc bình thường của ông Tô Hoài , trong đó có cả mối quan
hệ với người nước ngoài. Ngưòi nước ngoài ấy là một người Nga.
Nghe loáng thoáng cái tên Lêna. Lêna nào? Có bao nhiêu Lêna mà Tô Hoài đã
quen và không nhớ một ai. Còn lại chỉ có Tô Hoài với Marian với Inna Zimonina.
Gần đây có tin Zimonina không đọc văn học Việt Nam nữa, không trò chuyện với ai
từ Việt Nam sang, nhưng vẫn viết thư cho Tô Hoài. Đúng thế không?
Một chủ đề có thể viết, là Tô Hoài và cái gọi
là “ý nghĩa quốc tế” của văn học Việt Nam những năm này.
Phụ lục
VẪN ÔNG DẾ MÈN ẤY
( Đọc tập phiếm luận Giấc mộng ông thợ dìu ,2007)
mHồi cùng với Nam Cao viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy, Tô Hoài đã có lối
làm hàng chăm chỉ, bận việc gì đi nữa vẫn lo bán bài đều đều cho báo. Sau này
cũng vậy, ngoài viết tiểu thuyết và công tác xã hội, hễ nhận viết báo là như
ngồi trước khung cửi, có khi một ngày guồng được vài bài – nói chuyện với tôi,
ông thú nhận, có vẻ như hơi buồn cười trước một cái tật của mình.
Khoảng 1992, tôi giữ chân phụ việc cho ông trong một chương trình nghiên
cứu về văn hóa Việt Nam. Lúc ấy, Cát bụi chân ai vừa in năm trước và
đang tái bản thêm nhiều lần, một hôm ông bảo:
– Tôi lại vừa đóng một tập giấy mới. Từ mai bắt đầu viết. Kể toàn chuyện đi
thực tế sau Nhân văn với lại chuyện làm tổ trưởng dân phố Hà Nội hồi chống Mỹ,
rồi chuyện đi nước ngoài cả Nga la tư lẫn Ấn Độ, Ai Cập, đủ hết. Đặt tên
là Những câu chuyện với ông Sóng.
Sau này, khi in ra, cuốn sách mang tên Chiều chiều. Đúng như ông tự
nhận, khác với Cát bụi chân ai, tập trung kể về Nguyễn Tuân, Chiều
chiều lan man đủ thứ, vậy mà vẫn tạo một ấn tượng về một cuộc sống lam
nham dang dở. Thừa thắng xông lên, tôi gạ:
– Thảo nào anh cũng phải làm một cuốn, viết từ thời đổi mới đến nay.
– Thời này mình già, có đi đâu mà biết.
– Anh cứ kể những chuyện người ta đồn đến tai anh rồi anh
nghĩ lại ra sao, thế cũng đủ hay rồi.
Tô Hoài không nói gì tiếp. Tôi chỉ biết chắc là ông
vẫn viết, và với con người này thì giữa chuyện đời sống và chuyện văn
chương thường không có gì phân biệt, ở đâu thì cũng một cốt cách ấy, thiêng
liêng, nhăng nhít ngơ ngẩn, cái gì cũng đều có cả.
Giấc mộng ông thợ dìu đánh dấu sự có mặt của ngòi bút Tô Hoài, cái
nhìn Tô Hoài trong ngày hôm nay.
Tác phẩm gồm phần lớn các bài viết vặt đã in trên tờ Người
Hà Nội và một số báo khác. Một thứ Chuyện mới tiếp
vào Chuyện cũ Hà Nội sáu bảy trăm trang hồi trước.
Hôm bắt tay vào biên tập, mới cầm bản thảo, tôi đã định kêu lên,
sao lại thợ dìu, chắc thợ mộc đây, vậy thì viết thợ rìu mới đúng, vẫn cái tính
ẩu của ông già đây mà. Bởi bản thảo Tô Hoài thường không thiếu lỗi chính tả,
nên tôi nghĩ liều như vậy.
May quá trước khi thò bút chữa, tôi đọc lại bài viết.
Thì ra thợ dìu đây là các vũ sư nghiệp dư chuyên đi dạy nhảy đầm ở
các lớp khiêu vũ hiện nay.
Trong một bài phỏng vấn gần đây trên TT&VH, nhà văn
già gần chín mươi vui vẻ khoe là chữ nghĩa của mình còn
mới lắm, mình còn nhặt được khối chữ chỉ vừa xuất hiện trong đời
sống hôm nay. Mà còn chữ mới nghĩa là còn cảm nhận được cuộc sống mới.
Chữ thợ dìu thuộc loại mà ông tự hào.
Tôi ghi lại đây những gì mà Tô Hoài viết
trong Giấc mộng ông thợ dìu : Những nếp sống có từ ngày xưa nay phôi
pha hoặc biến dạng như chơi chim, chơi dế, đi hội. Một số thú chơi mới xuất
hiện. Cảnh dô dô bốp bốp ngoài quán. Sự nảy nở nhiều như kiến của cò đểu trong
mọi mặt sinh hoạt. Cảm giác hoang vắng trong một ngày cuối năm ở Bờ Hồ. Cảnh
người Việt di tản nay từ hải ngoại trở về trong các gia đình. Nạn dân ném đá
lên đường tàu. Cái túi ni-lông và việc phá hoại môi trường…
Lịch lãm và lẩn mẩn. Tinh tế và vơ véo nhặt nhạnh. Vui
đấy rồi buồn ngay đấy. Yêu thích sống trong nền nếp và chán chường trước
những trì trệ. Trân trọng quá khứ và biết rằng nhiều khi
quá khứ chỉ đáng quên đi. Ham hố phiêu lưu thay đổi và không bao giờ ngạc nhiên
trước mọi tàn lụi hư hỏng. Chăm chú quan sát mọi sự đang xảy ra và giữ cho lòng
mình một sự dửng dưng dài dài…
Bấy nhiêu sắc thái cùng lúc có ở văn xuôi Tô Hoài, làm chứng
cho sự có mặt của nhà văn giữa đời thường. Dường như cái gì với ông cũng mới mẻ
sinh động mà lại chẳng có gì lạ, xưa đã vậy và nay còn như vậy.
Nếu bạn còn đang phân vân không biết có nên đọc cuốn sách
này của Tô Hoài không, tôi muốn bạn hãy bắt đầu bằng mấy mẩu ông
viết về hội làng.
Chung quanh cái sinh hoạt văn hóa mà thường ai cũng tự hào,
có những điều mà ngoài Tô Hoài chẳng ai dám nói. Ông
kể rằng vùng ông xưa nay nhiều hội, nhưng toàn hội nhạt như nước ốc.
Khá nhất có hội làng Đông thì cũng là dịp để các họ
tranh chấp, trai gái đi hội để khoe khoang mấy thứ mốt mới học đòi và những cậu
choai choai trâng tráo chim gái hoặc đánh nhau.
Chính làng ông xưa nay đâu có hội, chỉ toàn đi xem nhờ thiên hạ. Làng mỗi năm vào đám một lần, nhưng cũng sơ sài
tạm bợ, có năm mất trộm áo thánh “phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai
làm áo khoác cho thánh”. Xưa những gánh chèo được mời về đám cũng toàn là
phường kiết xác, mấy bác kép vừa hát xong chạy vội vào hậu trường, rệp rơi lả
tả từ miếng gỗ làm chỗ cắm cờ đeo sau lưng.
Nay việc làng do mấy anh cán bộ đi khắp thiên hạ về khởi
xướng thì cũng chẳng khá hơn. Toàn thợ tế đi
thuê ở các làng bên cạnh. Còn ông
chủ tế thì chữ Nho bẻ làm đôi không biết, đến
thành hoàng làng tên gì cũng không biết nốt.
6/12/2009Vương Trí Nhàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét