Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Thế giới hình tượng trong truyện thơ Nôm Việt Nam

Thế giới hình tượng 
trong truyện thơ Nôm Việt Nam

Truyện Nôm là một bộ phận văn học độc đáo và thể hiện nét thẩm mỹ độc đáo của văn học phong kiến Việt Nam. Đây là một loại hình tự sự có khả năng phản ánh hiện thực với một phạm vi tương đối rộng và cũng là một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ta.
Giá trị của truyện Nôm được khẳng định qua sức mạnh trường tồn của nó và sự hâm mộ của quần chúng nhân dân lao động nhiều thế hệ. Ra đời và tồn tại với hình thái đầu tiên là truyện Nôm truyền khẩu, về sau các nhà Nho bình dân và bác học đã dựa trên cơ sở cốt truyện đã có ghi chép, tái tạo lại, vì thế truyện Nôm viết bắt đầu xuất hiện và sống mãi trong dân gian cho đến tận hôm nay.
Thế giới hình tượng của loại hình văn học này cũng là nét độc đáo cần tìm hiểu để góp phần khẳng định nét độc đáo - khu biệt của truyện thơ Nôm với một số loại hình văn học khác. Những khảo sát bước đầu về hình tượng nhân vật, đồ vật, người kể chuyện, không - thời gian và những yếu tố thần kỳ xuất hiện trong truyện thơ Nôm Việt Nam sẽ là minh chứng cụ thể cho vẻ đẹp đậm nét dân gian của loại hình văn học được xem là di sản văn hóa này.
I. Giới thuyết chung về khái niệm hình tượng nghệ thuật, hình tượng văn học
1. Hình tượng nghệ thuật:
Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là để nhận thức và cắt nghĩa đời sống, thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình, giúp cho người đọc thể nghiệm ý vị của cuộc đời, hiểu được những quan hệ có ý nghĩa muôn màu muôn vẻ của bản thân và thế giới xung quanh. Nhưng khác với nhà khoa học, nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp ý nghĩ và tình cảm bằng khái niệm trừu tượng, bằng định lý, công thức mà bằng hình tượng, nghĩa là bằng cách làm sống lại một cách cụ thể, cảm tính những sự việc, hiện tượng làm ta suy nghĩ về tính cách và số phận, về tình đời, tình người.
Như vậy, hình tượng nghệ thuật là khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện một cách sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Giá trị trực quan độc lập là đặc điểm quan trọng của hình tượng nghệ thuật. Nó làm cho người ta có thể ngắm nghía, thưởng thức, đó có thể là một đồ vật, một phong cảnh thiên nhiên hay một sự kiện xã hội được cảm nhận.
Hình tượng nghệ thuật tái hiện cuộc sống nhưng không phải sao chép y nguyên những hiện tượng có thật mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của nghệ sĩ, làm cho các hình tượng truyền được ấn tượng sâu sắc, từng làm cho người nghệ sĩ day dứt, trăn trở cho người khác. Hình tượng nghệ thuật vừa có giá trị thể hiện những nét cụ thể, cá biệt, không lặp lại vừa có khả năng khái quát, làm bộc lộ được bản chất của một loại người hay một quá trình của đời sống theo quan niệm của nghệ sĩ. Hình tượng nghệ thuật không phải phản ánh những khách thể thực tại tự nó mà phản ánh toàn bộ mối quan hệ sống động giữa chủ thể và khách thể. Người đọc không chỉ thưởng thức bức tranh hiện thực mà còn thưởng thức các nét vẽ, sác màu, cả nụ cười, sự suy tư ẩn trong bức tranh ấy.
Như vậy, Hình tượng nghệ thuật là kết quả hoạt động tưởng tượng, nhằm tạo ra một thế giới ứng với những nhu cầu và định hướng về tinh thần của con người, ứng với hoạt động có chủ đích với lý tưởng của con người.
2. Hình tượng văn học:
Hình tượng nghệ thuật thế hiện bằng chất liệu ngôn từ nghệ thuật gọi là hình tượng văn học hay cũng gọi là hình tượng ngôn từ.
Như vậy, hình tượng văn học chính là sự cụ thể hóa của hình tượng nghệ thuật. Loại hình tượng này xuất hiện ở những tác phẩm văn học như là một tác tạo độc đáo của nhà văn, nhà thơ.
II. Thế giới hình tượng nhân vật trong truyện thơ Nôm Việt Nam
1. Đặc điểm hình tượng con người
Nhắc đến văn học trung đại Việt Nam không thể không nhắc đến truyện thơ Nôm Việt Nam. Ngoài nội dung chuyển tải những bài học nhân sinh sâu sắc, truyện thơ Nôm còn đi vào lòng người và đọng lại trong tâm hồn mỗi chúng ta về những hình mẫu con người lý tưởng, lung linh những nét đẹp phẩm giá đáng trân trọng.
Do chủ yếu lấy truyện xưa, tích cũ làm đối tượng miêu tả nên truyện thơ Nôm mang vào mình một số đặc trưng của truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian trong cách xây dựng nhân vật, miêu tả thời gian, không gian… Hầu hết các truyện Nôm, đặc biệt là truyện Nôm bình dân đều miêu tả nhân vật để nhằm khắc họa ý đồ mà cốt truyện đã xây dựng nên chứ không phải đi sâu khắc họa tính cách nhân vật đó. Ngoại hình con người ít khi được miêu tả và nếu có chỉ miêu tả sơ sài công thức cốt chỉ để người nghe nhận ra đó là loại người xấu, hay tốt mà thôi. Cô Cám (truyện Cái Cám), Cúc Hoa (Phạm Công - Cúc Hoa), cô gái (Mộng Hiền truyện)…. đều là kiểu nhân vật như thế cả. Ngay cả nàng Nguyệt Nga của cụ Đồ Chiểu cũng không được chú trọng miêu tả ở dung mạo bề ngoài mà đặc biệt lưu ý vẻ đẹp tiết hạnh đáng quí nổi bật.  Như vậy, nhìn chung ở “truyện Nôm xu hướng phiếm chỉ hóa vẫn là đặc trưng khá phổ biến, và nhân vật trong truyện Nôm thực chất vẫn còn ở dạng loại hình nhiều hơn cá tính” [1].   
Nhân vật truyện thơ Nôm bác học thường là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ. Đặc điểm ngoại hình nhân vật cũng có liên quan đến sự phát triển của cốt truyện và thường có những dấu hiệu để nhận biết như: tên gọi, về tiểu sử, nghề nghiệp... Những dấu hiệu đó được trình bày ngay từ đầu và ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của cốt truyện. Cách miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân, Thúy Kiều khác nhau trong Truyện Kiều dường như cũng dự báo về số phận của mỗi người sau này:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"
Hay việc giới thiệu Hoạn Thư:
"Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già"
Cũng gắn liền với những suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá trình phát triển về sau của nhân vật.
Hoạt động của nhân vật truyện thơ Nôm Việt Nam cũng được miêu tả theo nguyên tắc ước lệ. Nhìn chung, nhân vật truyện thơ Nôm vẫn chưa thoát khỏi những khuôn mẫu của nhân vật truyện cổ tích và vị thế mang đầy đủ đặc trưng của nhân vật truyện cổ tích. Chúng ta hãy xem xét các nhân vật trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa… đều như được đúc ra từ một khuôn. Một số nhân vật nam như Lý Công, Phạm Công, Châu Tuấn đều mồ côi từ nhỏ, đều là những học trò nghèo phải đi ăn mày hoặc dắt mẹ đi ăn mày như vẫn nuôi chí học thành tài và cuối cùng đều thi đỗ Trạng Nguyên. Trong tình yêu họ đặc biệt thủy chung son sắt. Mặc dù thành đạt bị vua ép gã công chúa đều tìm cách chối từ cho dù bị đày ra viễn xứ, xa vợ con hàng chục năm trời vẫn không nguôi nhớ thương. Còn hầu hết các nhân vật nữ thường xinh đẹp tuyệt vời, một lòng hiếu thảo với mẹ chồng, đảm đang nuôi chồng ăn học và lúc gặp hoạn nạn khó khăn xa chồng họ vẫn luôn giữ tròn danh tiết, kiên trinh đợi chờ. Đó là nét phẩm chất chung của nhân vật truyện thơ Nôm Việt Nam. Vì vậy theo nhận xét của Kiều Thu Hoạch trong “Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại”: “Thế giới nhân vật truyện thơ Nôm có tính chất lý tưởng hóa nhiều hơn là hiện thực”.
Những nhân vật tốt, tích cực không bao giờ chịu thất bại trước những thế lực phản động có quyền uy mãnh mẽ trong xã hội để cuối cùng đi đến kết thúc tốt đẹp. Ngay cả những truyện Nôm bác học như truyện Kiều, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga… cũng xây dựng nhân vật nhằm đi tới tình huống kết thúc có hậu này. Và để thực hiện điều này tác giả truyện thơ Nôm đôi khi phải nhờ đến sự hỗ trợ của các yếu tố thần kỳ.
Mặt khác, nhân vật truyện thơ Nôm bình dân thường không thông qua việc miêu tả ngoại hình hay phân tích nội tâm mà chủ yếu được thể hiện thông qua hành động. Ngôn ngữ đối thoại được dùng để biểu hiện cảm nghĩ của nhân vật. Đây là nguyên tắc về nghệ thuật có tính chất cơ bản trong việc xây dựng nhân vật truyện.
2. Hình tượng đồ vật
Bên cạnh hình tượng về con người (nhân vật), truyện thơ Nôm còn có những hình tượng đồ vật cũng có giá trị thẩm mỹ độc đáo.
Những đồ vật như cây đàn thần, gốc đa, chiếc áo, cây trâm v.v... được xem hình tượng tiêu biểu trong truyện thơ Nôm, góp phần vào việc xây dựng cốt truyện theo ý đồ của tác giả.
Chúng ta rất dễ nhận thấy mỗi khi hình tượng cây đàn xuất hiện trong các truyện thơ Nôm như Thạch Sanh, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Truyện Kiều v.v… đều góp phần làm sống động nội dung câu chuyện và cũng luôn là yếu tố tạo ra hàng loạt những sự kiện, biến cố quan trọng của câu chuyện. Cây đàn thần giúp nàng Thoại Khanh bày tỏ nỗi niềm về cuộc đời chìm nỗi lưu lạc đau khổ của mình (Thoại Khanh - Châu Tuấn); cũng tiếng đàn thần dìu dặt khúc nhạc tha hương khiến cho binh sĩ của quân ngoại xâm cảm thấy lòng day dứt nỗi nhớ quê và buông kiếm không muốn chém giết đánh nhau nữa (Thạch Sanh); còn khúc nhạc hồ cầm của Thúy Kiều lại là muôn khúc bi ai thảm sầu về kiếp  hồng nhan bạc mệnh giúp bén duyên với chàng Kim và cũng là khúc ly tao của một kiếp đoạn trường (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Còn rất nhiều hình tượng đồ vật khác trong khuôn khổ bài viết không thể nêu hết song, chỉ nhìn nhận qua hình tượng cây đàn cũng đã thấy hình tượng đồ vật cũng là hình tượng văn học góp phần làm cho truyện thơ Nôm có thêm nét mới, độc đáo sống mãi trong lòng người đọc
3. Không gian - thời gian
Không - thời gian thể hiện trong truyện thơ Nôm cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật.
Thời gian xuất hiện ở hầu hết loại hình truyện này là thời gian tuyến tính, bắt đầu từ những câu chuyện từ đời xửa, đời xưa; không gian là không gian phiếm chỉ, thường là ở một địa danh nào đó xa xôi không nhớ rõ. Tên người, tên đất… nhiều khi chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không có ý nghĩa lịch sử cụ thể. Ví dụ, chuyện Tống Trân - Cúc Hoa được kể rằng xảy ra ở đời vua Thái Tông như đó là Thái Tông thời Lý, thời Trần hay thời Lê thì tác giả truyện không nói rõ. Sau đó có chuyện Tống Trân bị đày sang nước Tần mười năm thì địa danh càng mơ hồ vì tương ứng cả ba thời Lý, Trần, Lê đều làm gì có nhà Tần mà chỉ có Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà thôi. Ở Truyện Lý Thông kể lại sự việc của đời vua Tảo vương, nhưng đó là ông vua thời nào, nước nào thì vẫn chưa được xác định. Do vậy đây vẫn là câu chuyện phiếm chỉ về không - thời gian.
Xu hướng phiếm chỉ hóa không chỉ có trong truyện thơ Nôm bình dân mà còn xuất hiện ngay ở truyện Nôm bác học. Trong Tựa truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, người biên khảo đã viết: “Truyện Kiều xây dựng trên nền lịch sử và xã hội thực tế, nền chính trị thực tế đời Minh Gia Tĩnh; còn truyện Song Tinh thì chỉ là phiếm chỉ, đặt vào đời phong kiến nào cũng được, và cũng có thể xảy ra ở nước ta”. Tuy nhiên, ngay cả Truyện Kiều địa điểm và thời gian xảy ra các sự kiện đều ở tại Trung Hoa. Như vậy nội dung phản ảnh hiện thực tất yếu cũng là hiện thực xã hội Trung Hoa, không thể là Việt Nam. Tuy nhiên khúc xạ từ hiện thực ấy rọi chiếu vào xã hội phong kiến nước ta lúc bấy giờ vẫn có giá trị phản ánh rất lớn. Như thế, xu hướng phiếm chỉ về không - thời gian là một đặc trưng nghệ thuật của loại hình thơ Nôm nói chung. Đây là kiểu tư duy dân gian, cổ tích vì hầu hết các truyện thơ Nôm đều là chuyện kể lại, chép lại theo tích cũ, chuyện cũ, do đó cái hiện thực được phản ánh trong nó cũng là cái hiện thực của các truyện cũ, tích cũ, là cái “thực tại cổ tích”[2].
4. Người kể chuyện
4.1. Khái niệm
Hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm, đó có thể là hình tượng của chính tác giả. Tuy nhiên, không thể đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời. Có thể chỉ là nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra. Cũng có thể là một người biết một câu chuyện nào đó.
Một tác phẩm có thể có một hoặc nhiều nhân vật kể chuyện. Thường người kể chuyện đem lại cho tác phẩm một cái nhìn và sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay môi trường xã hội cho cá nhân tác giả, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống tác phẩm thêm phần phong phú, nhiều phối cảnh.
Người kể chuyện có thể phân thành hai loại:
- Loại thứ nhất, người kể chuyện là một trong những nhân vật tham gia vào các sự kiện trong tác phẩm với đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi.
- Loại thứ hai, phổ biến hơn, người kể chuyện kể lại câu chuyện như là một người ngoài cuộc, không tham gia vào diễn biến câu chuyện và gọi nhân vật của mình bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: họ, anh, nàng, hắn, thị...
Mỗi nhà văn có cách kể chuyện và giọng điệu kể chuyện riêng, có thể là giọng kể bình tĩnh, khách quan hoặc giọng kể thể hiện rõ cảm xúc, tác giả trực tiếp bình luận sự kiện, nhân vật. Cần lưu ý là ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật có sự hòa quyện chặt chẽ, do vậy giọng điệu trong tác phẩm tự sự là giọng điệu đa thanh.
4.2. Những biểu hiện cụ thể trong truyện thơ Nôm Việt Nam
Truyện thơ Nôm bình dân sinh ra là để kể chuyện, do vậy ngôn ngữ tác phẩm là ngôn ngữ kể chuyện và tất yếu người kể chuyện cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Cách nói khoa trương, phóng đại, cách nói ước lệ tượng trưng của nghệ thuật kể chuyện dân gian là một đặc trưng trong phong cách kể chuyện của các tác giả truyện thơ Nôm. Trong Lý Công, cảnh công chúa Bạch Hoa bị hành hình được người kể miêu tả thật ghê rợn:
Bảy châu tám quận thành đô
Chợ tan nhà đóng xem đưa hành hình
Thuyền tàu trả lái chông chênh
Thiên sầu địa thảm tung hoàng tới nay
Đặc biệt, ở câu mở đầu và kết thúc truyện Nôm tính công thức, ước lệ thể hiện khá rõ. Ở nhiều truyện Nôm khác nhau, chẳng biết nội dung truyện thế nào nhưng nhất thiết người kể vẫn phải mở đầu hoặc kết thúc bằng những lời ca tụng tốt đẹp, hay bằng những lời lẽ có tính chất chúc mừng:
Nay mừng Nam Bắc thuận hòa,
Chẳng còn lo ngại đường xa nỗi gần
Chữ rằng dĩ đức vi tiên
Ai ai chi lấy bút nghiên chép truyền
(Hoàng Triều)
Mừng nay vừa thuận nước an,
Lê dân lạc nghiệp bốn phương yên hòa
Oai linh vỗ bụng âu ca,
Chúc cho vạn thọ nhà nhà bình an
(Phạm Công - Cúc Hoa)
Lược bày đời vua nhà Chu
Trị vì thiên hạ phong lưu thuận hòa
(Địa Tạng bản hạnh)
Thậm chí ở Truyện Kiều mặc dù nội dung phản ánh sự thối nát, bất công  của xã hội phong kiến kinh rẽ phụ nữ và những người tài hoa bị vùi dập nhưng vẫn được mở đầu bằng câu thơ công thức:
Rằng năm Gia Tĩnh đời Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai Kinh vững vàng
Đây là một đặc điểm rất dễ nhận dạng ở loại hình truyện thơ Nôm nhưng cũng cần hiểu thêm rằng đó là những bình phẩm, bình luận mang triết lý nhân sinh của người kể chuyện - của tác giả. Đó là kiểu tư duy nhân dân mà đâu đó chúng ta vẫn thường hay gặp ở những câu thành ngữ, túc ngữ trong kho tàng văn học dân gian.
Mặc khác, người kể chuyện trong truyện thơ Nôm, đặc biệt là truyện thơ Nôm bình dân hay có lối kể dân dã, mộc mạc. Đó là nét đẹp chân chất gần gũi, bình dị nhưng không kém phần duyên dáng vốn có của người nông dân Việt Nam. Điều này cũng lý giải vì sao truyện thơ Nôm mặc dù qua kiểm soát gắt gao của triều đình phong kiến nhưng vẫn lưu truyền và sống mãi với thời gian, vẫn được nhân dân yêu thích, truyền tụng.
5. Yếu tố thần kỳ như một “hình tượng” đặc trưng của truyện thơ Nôm
Để xây dựng câu chuyện theo mô hình “kết thúc có hậu”, mô hình: gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ quen thuộc vẫn thường xuất hiện các truyện thơ Nôm, đặc biệt là truyện thơ Nôm bình dân, yếu tố thần kỳ được sử dụng như là một “hình tượng” đặc trưng. Chính vì thế Kiều Thu Hoạch trong giáo trình Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại đã khẳng định: “Yếu tố thần kỳ chẳng những chỉ là một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thực hiện mô hình cấu trúc gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ mà còn là một đặc trưng thi pháp không thể thiếu của thể loại truyện này”.
Trong mô hình cấu trúc gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ của truyện Nôm thì trường đoạn tai biến có nhiều diễn biến phức tạp nhất của cốt truyện. Tại đây nhân vật chính luôn luôn phải trải qua những biến cố cực kỳ khủng khiếp tưởng chừng như vượt quá sức chịu đựng của một con người bình thường. Trong những trường hợp như thế, đành rằng nhân vật chính giữ vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định, song bên cạnh đó vẫn không thể thiếu được sự hỗ trợ của một sức mạnh vô hình, thường được biểu hiện bằng những lực lượng siêu nhiên và những yếu tố thần kỳ. Nhờ vậy mà nhân vật chính đã có thể vượt qua hành loạt những tai ương tưởng chừng không thể vượt qua, để đi đến thắng lợi cuối cùng, đi đến kết cục đoàn tụ - một cấu trúc quen thuộc muôn thuở của loại hình truyện thơ Nôm.
Trong truyện Phạm Công - Cúc Hoa, chàng Phạm Công vì công chịu lấy công chúa Hung Nô nên bị chua Hung Nô sai quân chặt tay, khoét mắt, đục răng… Nhưng nhờ có Ngọc Hoàng sai chư tướng xuống phù phép, nên chàng đã lành lặn như xưa. Còn nàng Cúc Hoa tuy đã chết những vẫn thường hiện linh để giúp đỡ chồng con. Và cảnh tưởng ly kỳ hơn là khi Phạm Công vì quá thương nhớ vợ nên đã lặn lội xuống âm phủ tìm gặp. Chính tình yêu thủy chung của chàng khiến Diêm Vương cảm động nên cho phép Cúc Hoa trở lại trần gian sống hạnh phúc cùng chồng. Cảnh tượng này cũng xuất hiện ở truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa khi nàng Ngọc Hoa tự tự để được xuống âm phủ gặp chồng. Tại cõi âm, Ngọc Hoa cùng Phạm Tải viết cáo trạng kiện Trang Vương. Trang Vương đã bị bắt xuống âm ty xử tội và bị bỏ vạc dầu. Hai vợ chồng Phạm Tải, Ngọc Hoa hồi sinh trở về dương thế. Sau đó Phạm Tải được Ngọc Hoàng cho làm vua chăn dân thái bình an lạc.
Ở Thoại Khanh - Châu Tuấn một loạt yếu tố thần kỳ cũng liên tục xuất hiện xung quang nhân vật Thoại Khanh. Châu Tuấn chồng Thoại Khanh khi đỗ Trạng nguyên đã bị lưu đày sang nước Tề vì không chịu kết duyên cùng công chúa con vua. Mòn mỏi đợi chờ trong bảy năm không thấy chồng về, Thoại Khanh đã dắt mẹ chồng sang Tề quốc tìm chồng. Giữa đường, đói khát sức kiệt nàng đã phải cắt thịt ở cánh tay mình cho mẹ chồng ăn. Vì đã có Phật tổ phù hộ nên cánh tay nàng vẫn không hề chảy máu, sau còn được Ngọc Hoàng cho linh sơn đắp vào lành lặn như cũ. Dọc đường đi, lúc ăn xin trong ngôi miếu hoang, Thoại Khanh lại bị Dâm thần cưỡng bức, móc mù mắt. Về sau nhờ phép tiên hai tròng mắt được mua về lắp vào sáng lại như xưa. Khi đi qua rừng sâu nàng còn được lại được hổ thần cõng giúp nên nhanh chóng đến địa phận nước Tề. Đặc biệt thần kỳ là Thoại Khanh còn được Phật tổ cho cây đàn thần, đây chính là vật môi giới giúp nàng tìm lại Châu Tuấn, kết thúc chặng đường tìm kiếm đầy khổ ải của đời mình.
Ngay cả chuyện Nôm bác học Lục Vân Tiên của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu cũng lấp lánh những yếu tố thần kỳ. Theo thống kê của Nguyễn Quang Vinh trong Tạp chí Văn học số 4/1972 thì truyện Lục Vân Tiên có đến mười hai lần xuất hiện các yếu tố thần kỳ để phù trợ cho Vân Tiên, Nguyệt Nga trừng phạt những lực lượng độc ác và vượt qua được mọi khó khăn, thử thách. Trong Sơ kính tân trang - mặc dù  câu chuyện viết từ nguyên mẫu mối tình hiện thực bi thảm giữa nhà thơ tài hoa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như nhưng yếu tố thần kỳ vẫn được sử dụng như một cách thức để đi đến kiểu kết thúc có hậu. Chi tiết Trương Công đã ngoài sáu mươi tuổi lại sinh con và nàng  Thụy Châu chính là Quỳnh Như hóa kiếp vô tình gặp gỡ Phạm Thái trên chùa để rồi tái duyên chính là những chi tiết ly kỳ giúp cho câu chuyện đi đến kết cục ngập tràn hạnh phúc.
Như vậy, qua một số dẫn chứng, chúng ta nhận thấy việc sử dụng yếu tố thần kỳ là một biện pháp nghệ thuật không thể thiếu để hướng nhân vật chính đi đến kết thúc có hậu. Nếu biện pháp đó chưa được thực hiện như một quy trình chặt chẽ thì tác phẩm chắc chắn chưa thể đi đến đoạn kết thắng lợi. Có lẽ vì thế Truyện Kiều - một tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du vẫn có màn Kim Kiều tái hợp ở đoạn kết như âm hưởng bi ai, cay đắng vẫn không thể xóa bỏ. Có lẽ do nhà thơ đã không sử dụng yếu tố thần kỳ như là một thủ pháp nghệ thuật cần phải có để hướng nhân vật chính tất yếu phải đi theo con đường kết thúc có hậu như các truyện thơ Nôm bình dân mà chúng ta hay bắt gặp. Do đó “Truyện Kiều không có cái kết cấu bình dị nhưng đầy ý nghĩa lạc quan chiến đấu của một số truyện thơ Nôm chịu ảnh hưởng của văn học dân gian như Phạm Tải - Ngọc Hoa, Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa… nhạc khúc cuối cùng của kiệt tác Truyện Kiều nghe ta vẫn ngậm đắng nuốt cay thế nào. Màn “Tái hồi Kim Trọng” là một kết thúc vừa sáng tươi, vừa bi kịch” [3].
KẾT LUẬN
Như vậy qua một vài nhận xét bước đầu về thế giới hình tượng của truyện thơ Nôm Việt Nam chúng ta càng thêm hiểu, thêm yêu loại hình văn học vốn được xem là di sản văn hóa dân tộc.
Thế giới hình tượng đa dạng không kém phần đa dạng thể hiện ở các truyện thơ Nôm đã góp phần làm nên giá trị thẩm mỹ độc đáo ở loại hình văn học này. Lạc vào “khu vườn” hình tượng lấp lánh ánh sáng thần kỳ ấy chúng ta như lạc vào một thế giới cổ tích với huyền thoại bất tử của những câu chuyện về lòng hiếu thảo, thủy chung, trung hiếu, trung trinh của các nhân vật mà mỗi khi nhắc đến ít ai trong dân gian không biết đến như Thoại Khanh, Châu Tuấn, như Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, như nàng Kiều, nàng Nguyệt Nga, chàng Lục Vân Tiên v.v… Có lẽ vì vậy nên chúng ta dễ dàng nhận thấy ở nội dung truyện Nôm luôn dồn nén những khát vọng dân chủ, tiến bộ của nhân dân lao động trong giai đoạn suy vong của chế độ phong kiến và trở thành vũ khí phê phán sắc bén, mạnh mẽ chống trả quyết liệt với hệ thống đạo đức, lễ giáo, kỷ cương cổ hũ, bất công, thối nát.
Được xem là loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc, sức sống lan tỏa của truyện Nôm chắc hẳn sẽ còn mãi trong lòng người đọc Việt Nam. Và như vậy tất yêu thế giới hình tượng của nó sẽ cũng là “ám ảnh” không dứt đối với người đọc, người nghe.

Chú thích:

[1] Kiều Thu Hoạch, “Truyện Nôm - nguồn gốc và bản chất thể loại”, Giáo trình Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM, 1994.
[2] Theo thuật ngữ của V. Ia. Prop trong Fonklo và thực tại. Dẫn lại theo A.M. Nôvicova: Sáng tác thơ ca dân gian Nga, T1, bản dịch của Đỗ Hữu Chung, Xuân Diên, H.183, tr. 270.
[3] Đặng Thanh Lê - Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm, H.1979, tr. 151 (dẫn theo Kiều Thu Hoạch).
17/12/2019
Hoàng Hường
Theo http://kxhnv.duytan.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...