Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Một chiều ngao du xứ trà Tây Nguyên

Một chiều ngao du xứ trà Tây Nguyên

Chiều yên ả. Ngọn gió Thu lướt thướt ngang qua miền đất bazan Lâm Đồng, quyến hương chè rải theo triền núi. Thung thăng giữa không gian khoáng đạt, điệp trùng thảm xanh của những nương chè phủ khắp núi đồi, mênh mang đến bất tận. Gió thơm. Đất trời thơm. Hương chè ủ ấp, quấn quyện trong từng chân tóc, nếp áo, vương vấn mãi… 
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chọn vùng đất Nam Tây Nguyên để “gieo” những mầm chè, tạo nên hương vị trà đậm chất xứ đất đỏ bazan. Khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên này rất thuận lợi để cây chè đâm chồi, nảy lộc. Nghiệp trà ở Lâm Đồng khởi nguồn từ những thập niên đầu thế kỷ trước, và gắn bó với đông đảo người dân ở vùng đất này đến mãi hôm nay.
Bát ngát nương chè xứ B’Lao
Tìm về nơi khởi nguồn nghề trà trên vùng đất Nam Tây Nguyên
Ngày xưa, nơi đây gọi là Sở trà Cầu Ðất do người Pháp lập ra năm 1927. Còn bây giờ, trên miền đất ấy là nơi đóng chân của Công ty CP chè Cầu Ðất, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 22 km về phía Đông Nam. Ở Lâm Ðồng, nếu gọi B’Lao là “thủ đô chè” thì Cầu Ðất có thể coi là “nguồn cội chè”. Tại nhà máy chế biến trà gần 100 năm tuổi này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn giàn máy sản xuất chè theo kỹ thuật cơ khí hồi đầu thế kỷ trước. Ðây là dây chuyền sản xuất chè đen của Pháp gồm sáu cỗ máy được coi là cổ nhất Ðông Dương hiện nay.
Trải qua biết bao thăng trầm của nghiệp trà, giờ đây luồng sinh khí mới đã thổi vào “nguồn cội” xứ trà trên cao nguyên Lâm Đồng. Vẫn giữ lại giàn máy lịch sử của nghiệp trà trên xứ sở này để phục vụ khách tham quan, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất mới, có công suất đủ lớn để chế biến sản phẩm trà chất lượng cao, cung cấp thị trường xuất khẩu và nội địa.
Sản xuất trà ô long tại vùng chè Cầu Đất - Đà Lạt
Vùng đất hình thành một tầng lớp cư dân gắn với “nghiệp trà hương”
Từ vùng Cầu Ðất, cùng với quá trình phát triển và nhu cầu khai thác đất đai, nhân công bản xứ của người Pháp mà cây chè đã “nảy mầm” ở vùng B’Lao, Di Linh theo lộ trình Ðà Lạt - Sài Gòn vào thập niên 30 thế kỷ trước. Chè bắt đầu bén rễ với đất B’Lao từ đồn điền của các ông chủ đến từ Tây Dương, như đồn điền Pônpe, Sôven, Laruy, Felit B’Lao, B’Lao Sierré… rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè của hộ gia đình, như Năm Mậu, Huỳnh Hoa, Ngô Văn, Xu Tiên và cái tên Lê Minh Xanh được đặt cho con dốc ngay ngõ vào thành phố Bảo Lộc từ hướng Bắc đến tận ngày nay… Từ đó, vùng đất bazan này đã hình thành một tầng lớp cư dân gắn với “nghiệp trà hương”, với thương hiệu được nhiều danh trà “khai sinh” tự nhiên: Hương trà B’Lao! Đó chính là khởi nguồn của thương hiệu “Trà B’Lao” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào cuối năm 2009.
Thương hiệu Trà B’Lao được xác nhận đối với bốn sản phẩm, gồm trà xanh ướp hương, trà xanh, trà đen chế biến và trà ôlong. Những người sành trà ở xứ bazan cho rằng, trà B’Lao mang phong vị riêng đã từng chinh phục “gu” thưởng trà của người “Đàng Trong”, với chè búp tươi được ép bớt nước đắng, sao khô rồi ướp hương, đóng gói. Trà hương B’Lao chủ yếu là hương sói, hương lài… mùi vị thanh tao, dễ chịu. Theo dòng chảy lịch sử, nghiệp trà trên miền bazan Lâm Ðồng cũng lúc thăng, lúc trầm. Song, nó vẫn sinh sôi nảy nở, bám lấy số phận con người trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Như câu nói chứa chan của “Bà Chúa xứ trà” Đỗ Thị Ngọc Sâm, chủ danh trà Đỗ Hữu: Đất trà, đất quý. Không theo nghề trà uổng lắm.
Bảo Lộc đã đánh thức tôi mỗi lần ngang qua phố bởi mùi hương dịu êm, gần gũi của trà B’Lao, để được thung thăng với những nương chè trải dài mải miết… Về với xứ trà B’Lao, tôi gặp “Bà chúa xứ trà”, người sáng chế sản phẩm trà hương đầu tiên ở B’Lao cách đây hơn nửa thế kỷ. Đã qua tuổi cửu tuần, nhưng ký ức về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất B’Lao của bà vẫn vẹn nguyên. Với chất Huế trong trẻo, bà kể: Năm 1950, bà từ Huế vào B’Lao lập nghiệp, thuở ấy nơi đây còn hoang vắng lắm, đầu tiên bà đi làm phu tại các đồn điền chè của người Pháp. Hằng ngày, bà lén giấu vài hạt chè vào “gô” cơm mang về. Được hạt nào ươm hạt nấy, đến khi vườn trà ra đọt, đủ sống qua ngày thì không đi làm thuê cho Pháp nữa.
Nghiệp trà ướp hương đến với bà Sâm thật tình cờ. Trong một lần uống trà, anh trai bà ngẫu hứng hái bông tường vi thả vào tách trà, uống thấy thơm ngon nên bảo bà ướp thử. “Mang sản phẩm mời nhiều người uống ai cũng thích, từ đó tôi chú tâm nghiên cứu thêm nhiều hương vị khác, như trà hương sói, hương lài, hương sen…”, bà Sâm cho biết. Năm 1956, danh trà Đỗ Hữu chính thức có mặt trên thị trường với biểu tượng chim bồ câu trắng. Theo bà Sâm, đó là biểu tượng mong ước hòa bình nổi danh đến ngày nay. Giờ đây, đối với bà, làm trà dường như không còn ý nghĩa bán mua, mà là trao gửi cho nhau những món quà văn hóa tao nhã xứ B’Lao.
Hương trà xứ bazan
Xuôi theo Quốc lộ 20, chạy dọc phố thị Bảo Lộc, những chuyến xe ngang qua vô tình vương hương trà B’Lao, thức tỉnh. Tiếp nối nghiệp trà, nhiều nông hộ ở Lâm Đồng đã chuyển hướng sang trồng chè, nhiều danh trà mới lần lượt ra đời, như Phương Nam, Bình Đông, Hoàng Thiên, Hoa Sen… Khác với chế biến trà thủ công - “trà bồ” ngày xưa, nay công nghệ ướp hương trà đã được nâng lên một bậc, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trà đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để mở rộng thị trường, đưa hương trà B’Lao ngày một lan xa.
Cây chè phôi thai ở Lâm Đồng từ năm 1927, do các doanh gia người Pháp trồng và khai thác. Trước 1975, diện tích chè ở đây khoảng năm ngàn hecta. Giờ đây, Lâm Đồng là tỉnh có vùng chè tập trung lớn nhất Việt Nam, hơn 21 nghìn hecta, được mệnh danh là “thủ phủ trà Việt Nam”. Doanh nghiệp trà, nông dân trà… cái nghiệp trà trên miền đất đỏ Nam Tây Nguyên cứ bám lấy họ, với khoảng sáu vạn lao động phục vụ ngành chè. Nhiều người bỏ phố vào rừng mà làm nên cơ nghiệp. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng sản phẩm trà trên xứ bazan Lâm Đồng đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Trung Đông… 
Những cây chè hồn nhiên ngậm sương, đón nắng; chắt chiu tơ trời, nhụy đất để tích hương, góp thêm vị cho cuộc sống con người. Ðời của mỗi người rồi sẽ qua, nhưng trên miền đất bazan Nam Tây Nguyên này, có lẽ, nghiệp trà vẫn trường tồn mãi mãi…
Mai Văn Bảo
Theo https://www.dalattrip.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mắt đỏ – Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm 19 Tháng Hai, 2023 Một buổi trưa đầu tháng Mười, khi cái nắng hanh dịu phủ lên những ngã đ...