Di sản kiến trúc Pháp ở Huế
Huế trong thời kỳ Pháp thuộc đã được quy hoạch, xây dựng một
cách bài bản và khoa học. Đặc biệt, nhiều công trình kiến trúc Pháp được xây dựng
với sự đa dạng, phong phú về phong cách kiến trúc tạo nên một quỹ di sản kiến
trúc có giá trị ở Huế. Chúng không những không xâm phạm vẻ đẹp của tổng thể kiến
trúc Huế mà dường như còn tô điểm thêm nét độc đáo của mảnh đất Cố đô Huế. Tuy
nhiên trong hai thập niên trở lại đây, dưới tác động của quá trình đô thị hóa,
nền kinh tế thị trường, tốc độ phá hủy, xuống cấp của các di sản kiến trúc Pháp
diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Sự cân bằng giữa bảo tồn di sản kiến trúc Pháp
và phát triển kinh tế - xã hội luôn là một bài toán nan giải của đô thị di sản
Huế.Khách sạn Sài Gòn Morin HuếĐộc đáo kiến trúc Pháp ở Huế
Khu phố Tây được hình thành bên bờ Nam sông Hương, đối diện với
Kinh thành Huế. Theo một điều khoản trong Hiệp ước ký với triều Nguyễn năm
1874, Pháp cử một phái bộ ngoại giao đến cư trú thường xuyên tại Huế, sau đó
vài năm bắt đầu xây dựng nhà cửa để thường trú lâu dài. Từ chỗ trú chân ban đầu
này, Pháp đã gây sức ép ngày càng mạnh lên triều đình Huế để được cấp thêm đất
xây dựng các cơ quan phối thuộc, củng cố dần bộ máy chính quyền thực dân tại chỗ.
Do những nhu cầu về sử dụng, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại Huế nhiều
công trình kiến trúc Pháp có giá trị về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật. Những
khu phố mới của người Pháp dần dần mọc lên, sau này thành “nhà Tây” - theo cách
gọi dân gian. Ban đầu phong cách kiến trúc nhà Pháp hơi cục mịch, nặng nề gồm
có các đồn lính, công sở, bệnh viện. Đến chục năm sau, mới có sự cải cách để có
nét đẹp, thanh lịch hơn, gồm có khách sạn, ngân khố, thư viện, biệt thự, trường
học. Cố đô Huế dần dần hình thành hai trường phái kiến trúc Đông Tây kim cổ, lấy
sông Hương làm địa giới.
Có thể kể tên một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu vẫn
còn hiện hữu cho đến ngày nay như: Nhà thương (Bệnh viện Trung ương Huế), Le
Grand Hotel de Hue (khách sạn Sài Gòn Morin), Tòa Công chánh (Bảo tàng Văn hóa
Huế), Nhà ga, trường Quốc Học, trường Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng),
Dòng Chúa Cứu Thế, trường Pellerin (Học viện Âm nhạc Huế), Đài Chiến sĩ Trận
vong, Câu lạc bộ Thể thao (Trung tâm dịch vụ, du lịch Festival), Viện Dân biểu
Trung Kỳ (Đại học Huế), trường Thiên Hựu (trường Đại học Khoa học Huế)… Những
công trình được xây dựng mang đậm nét kiến trúc phương Tây phục vụ bộ máy hành
chính Pháp là cách người Pháp muốn biểu dương uy thế và sức mạnh của mình để
duy trì sự kiểm soát người dân bị đô hộ. Sau đó xuất hiện những ngôi nhà, biệt
thự vẫn được xây dựng theo kiến trúc phương Tây nhưng thích nghi với điều kiện
khí hậu và truyền thống địa phương vùng Huế. Do vậy, nếu so với Hà Nội và thành
phố Hồ Chí Minh, thì di sản kiến trúc Pháp ở Huế không thua kém về sự đa dạng
các phong cách kiến trúc, chỉ khác biệt về mức độ tinh xảo và nghệ thuật trang
trí.
Bước đầu có thể chia thành 3 loại công trình kiến trúc Pháp
tiêu biểu tại Huế:
- Công thự Pháp: Là các trụ sở hành chính và công trình văn
hóa, công cộng có diện tích khuôn viên rộng, quy mô xây dựng lớn, kiểu dáng kiến
trúc mang tính mỹ thuật cao, phục vụ cho quan lại và công chức người Pháp cùng
gia đình.
- Biệt thự Pháp: Là các công trình nhà ở có khuôn viên tương
đối rộng, kiểu dáng kiến trúc đẹp dành cho quan lại và công chức người Pháp
cùng gia đình của họ. Một số biệt thự kiểu Pháp xây dựng sau này là nhà ở của
công chức người Việt công tác trong bộ máy chính quyền của người Pháp, với quy
mô nhỏ hơn và kiểu dáng kiến trúc đơn giản hơn.
- Nhà phố Pháp: Là các nhà ở kết hợp với kinh doanh chủ yếu
cho tầng lớp tư sản thành thị, được xây dựng thành từng dãy dài dọc theo một số
tuyến phố chính của thành phố.
Từ đầu thế kỷ XX, một số cung điện, phủ đệ, dinh thự của các
tầng lớp vua quan, quý tộc triều Nguyễn đã được xây dựng dưới sự ảnh hưởng của
văn hóa kiến trúc Pháp như: Lăng vua Khải Định, Cung An Định, Điện Kiến Trung,
Lầu Tứ Phương Vô Sự, Phủ Tuyên Hóa vương… Đây là những công trình kiến trúc
mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Á - Âu trong lịch
sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam, tạo ra điểm nhấn không gian tuyệt mỹ
trong quần thể di tích cung đình Huế.
Trong quy hoạch kiến trúc Pháp nổi bật hệ thống mạng đường phố
ô bàn cờ. Cơ cấu không gian kiến trúc đô thị bao gồm các phân khu chức năng cụ
thể: Trung tâm chính trị, hành chính và công sở, trung tâm thương mại buôn bán,
khu thị dân, khu công nghiệp và các không gian xanh công cộng như công viên, vườn
hoa, tượng đài ngoài trời. Sự đổi mới của kiến trúc phương Tây tạo ra nét đẹp
phù hợp giữa kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên, dòng sông Hương, An Cựu, Đông
Ba…
Trong quy hoạch kiến trúc Pháp, môi trường là sự kết hợp giữa
công trình xen lẫn cây xanh. Khi xây dựng các tòa nhà tầng đầu tiên dọc bờ Nam
sông Hương, người Pháp đã có chủ ý, làm lùi lại, khuất sau những cây xanh, thảm
cỏ ven sông. Các công trình kiến trúc Pháp với cây xanh xen lẫn nằm rải rác
trên các trục phố chính như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo... Bên cạnh
chức năng cải tạo môi trường cho bản thân công trình, không gian và cảnh quan
thiên nhiên cũng có ảnh hưởng lớn đến tạo hình trong kiến trúc Pháp. TS.KTS. Nguyễn Đình Toàn đã đánh giá cao giá trị kiến trúc Pháp tại Huế qua lời nhận định:
“Các kiến trúc sư Pháp đã lựa chọn thủ pháp quy hoạch dùng không gian chuyển tiếp
- như vườn hoa, thảm cỏ cây xanh dọc bờ sông Hương nhằm đẩy lùi xa, che khuất
và ngăn cách biệt lập khu kiến trúc Pháp với quần thể các kiến trúc cung điện.
Các ô phố mới được tạo nên đáp ứng nhu cầu đi lại ăn ở của cuộc sống hiện đại
văn minh. Những công trình kiến trúc Pháp đã khai thác tốt yếu tố cảnh quan
thiên nhiên, kể cả phong cách kiến trúc Á - Đông, ứng dụng tỷ lệ, chi tiết kiến
trúc truyền thống Huế nhằm đạt sự hài hòa, ăn nhập với khí hậu địa phương”. Kiến
trúc Pháp là một di sản đô thị có giá trị góp phần tạo nên sắc thái mới của
không gian đô thị di sản Huế, khiến Cố đô Huế có sự chuyển tiếp hài hòa từ kiến
trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại, đồng thời cũng là minh chứng quan trọng
cho lịch sử phát triển đô thị của thành phố Huế. Điều này cho thấy, thành công
lớn của các kiến trúc sư Pháp là ở chỗ họ đã đưa ra những ý tưởng quy hoạch
phát triển đô thị và kiến trúc thích hợp để bản địa hóa các công trình kiến
trúc Pháp, tạo lập sự hài hòa giữa văn hóa Đông - Tây, giữa các yếu tố bản địa
và chính quốc trong quy hoạch đô thị Huế.
Ngày nay, không gian đô thị Huế đang được quy hoạch, xây dựng
mở rộng dần về phía Tây và phía Tây Nam, đặt khu vực có nhiều công trình kiến
trúc Pháp trở thành trung tâm thương mại của thành phố. Tuy vậy, khi những khu
đô thị mới hình thành và mang lại hình ảnh mới của đô thị hiện đại, thì khu bờ
Nam sông Hương tọa lạc nhiều công trình kiến trúc Pháp trở thành nơi lưu giữ ký
ức một thời kỳ lịch sử, văn hóa Huế đặc trưng. Các công trình kiến trúc Pháp hiện
hữu trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa với thời đại. Nó
trở thành một bộ phận không thể thiếu trong không gian đời sống con người và tạo
điều kiện để các tầng lớp xã hội tiếp cận và sử dụng, qua đó có thể cảm nhận
các giá trị mà di sản kiến trúc Pháp mang đến cho đô thị Huế. Từ các công trình
công cộng như: nhà ga, bệnh viện, trường học, nhà thờ... đến các công trình nhà
ở biệt thự đã tồn tại gần 100 năm.
Những công trình kiến trúc Pháp ở Huế là những di sản,
công trình nghệ thuật ghi dấu sự giao lưu văn hóa Đông - Tây về quy hoạch, kết
cấu kiến trúc, đặc trưng phong cách, vật liệu kiến trúc và đặc biệt là kỹ thuật
xây dựng trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đô thị di sản Huế. Kiến
trúc kiểu Pháp chịu ảnh hưởng của phong cách nhà vườn truyền thống Huế. Các nhà
kiểu Pháp dù cao hai, ba tầng đều được xây dựng chính giữa khuôn viên rợp bóng
cây xanh. Tường nhà rất dày, có hành lang bao quanh, cửa vòm rộng lớn, để thích
nghi với khí hậu nóng và ẩm xứ Huế. Hầu hết cửa lớn, cửa nhỏ đều có hai lớp,
ngoài là cửa bàn khoa, trong là cửa kính, thích nghi với xứ Huế mưa nhiều hơn nắng.
Trong sân nhà đa số có hồ nước nhỏ, bồn hoa đủ màu, lối đi rải sỏi trắng càng
làm nổi bật diện mạo cổ kính, trầm mặc đặc trưng của thành phố vườn.
Để sống chung với lũ lụt triền miên, nhà kiểu Pháp ở Huế phải
tôn cao nền nhà hơn mặt sân đến 1- 1,5 mét. Khác với nhà rường Huế lát gạch,
nền nhà kiểu Pháp ở Huế được lát gạch men (còn gọi là gạch bông). Thời ấy muốn
có gạch men lát nền nhà phải đặt mua và chở gạch men, bồn cầu, lavabo, đèn chùm
đều bằng tàu thủy từ Pháp sang. Những bậc cấp dẫn vào nhà lại theo phong thủy Á
đông, thường làm 5 hay 9 bậc (trực sinh). Tránh đâm thẳng vào tâm ngôi nhà, do
đó lối đi theo hình vòng cung hai bên, mềm mại, tao nhã. Nhà đã cao, trần cũng
cao, đóng phông bằng gỗ, mở rất nhiều cửa lớn nhỏ với bên ngoài. Nhóm nghiên cứu
Phan Thuận An, Nguyễn Quốc Thông trong bài viết “Kiến trúc Pháp bên bờ sông
Hương” đã nhận xét: “Bên cạnh sử dụng vật liệu xây dựng kiên cố và kỹ thuật xây
dựng ngoại nhập, như hệ thống cửa kính, cửa chớp, pa-nô, tường hoa con tiện và
các gờ chỉ của phần bệ công trình; chúng ta còn thấy rõ phong cách kiến trúc
truyền thống Việt Nam trên các họa tiết trang trí bờ nóc tường hoa chắn mái. Thỉnh
thoảng, sự kết hợp các phong cách kiến trúc còn thể hiện ngay trên hình thức cột
trang trí: phần bệ và thân cột làm theo hình thức kiến trúc phương Tây, nhưng đầu
cột theo phong cách truyền thống Việt Nam”. Do vậy, công tác bảo tồn các công
trình kiến trúc Pháp tại Huế chính là bảo tồn một phần lịch sử, văn hóa Huế và
ghi nhận sự phát triển mối giao thoa văn hóa nói trên. Sự kết hợp kiến trúc
Đông - Tây có thể hình dung qua trường hợp công trình kiến trúc Pháp, nay là trụ
sở công ty cổ phần An Phú Tân tại số 103 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế. Công
trình này gồm có kiến trúc cổng ngõ, bình phong, bể cạn, hòn non bộ và nhà
chính theo kiến trúc Pháp đảm bảo sự hài hòa về kiến trúc.
Từ thời Pháp thuộc đến nay, kiến trúc Pháp luôn là hạt nhân
trung tâm của thành phố Huế. Huế đang phát triển mở rộng và chuyển đổi cơ cấu
kinh tế nên việc nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm về quy hoạch, tổ
chức không gian đô thị có ý nghĩa thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá
trị kiến trúc Pháp tại Huế trong quy hoạch đô thị và thiết lập bản sắc kiến
trúc đô thị di sản Huế trong tương lai.
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại
Từ năm 1990 đến nay, nhiều công trình kiến trúc Pháp đã bị
phá hủy, thay vào đó là những công trình kiến trúc hiện đại, làm phá vỡ cảnh
quan kiến trúc đô thị thời Pháp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến
trúc Pháp được triển khai thực hiện không đồng đều. Những công trình đẹp, quan
trọng do Nhà nước quản lý có giá trị kiến trúc - nghệ thuật đã được đầu tư tôn
tạo, giữ gìn, bảo vệ tốt hơn các công trình thuộc sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu.
Di sản kiến trúc Pháp phân bố dọc đường hai bên con đường Lê Lợi kể cả sau khi
được chuyển đổi chức năng hầu như vẫn là công trình công cộng, nên được bảo quản
khá tốt, sự thay đổi quá nhiều về hiện trạng kiến trúc cũng ít xảy ra như: Đại
học Huế, Trường Quốc Học, Trường Hai Bà Trưng, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Festival Huế... Còn những
công trình kiến trúc Pháp được Nhà nước giao cho các hộ dân sử dụng thì mức độ
xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Những giá trị mà di sản kiến trúc Pháp mang lại cho Huế vô
cùng to lớn, song việc xác lập cơ sở pháp lý cũng như các giải pháp để công nhận,
bảo vệ và phát huy các giá trị của loại di sản kiến trúc này còn hạn chế và
mang tính đơn lẻ, chưa đồng bộ. Các khu vực có kiến trúc Pháp ở Huế đang đứng
trước sức ép nội tại và thách thức của sự phát triển đô thị, nếu không được định
hướng, quản lý, kiểm soát phát triển kịp thời sẽ có nguy cơ làm biến mất nhiều
công trình kiến trúc Pháp trong tương lai.
Di sản kiến trúc Pháp ở Huế đang bị xuống cấp và biến dạng hoặc
bị phá hủy bởi một số nguyên nhân cơ bản sau:
- Sự tác động của thời gian và các yếu tố khí hậu khắc nghiệt
xứ Huế đã làm cho kết cấu các công trình kiến trúc Pháp trên dưới 100 năm tuổi
bị suy thoái vật liệu (gỗ mục, tường mủn, vữa xốp, gạch bở), hư hại kết cấu (nứt
do quá tải, lún hoặc do tác động nhiệt ẩm), trầm trọng nhất là hiện tượng thấm
dột xảy ra ở hầu hết các công trình.
- Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa hiện nay khiến cho nhiều
kiến trúc Pháp bị biến dạng, phá hủy và thay thế bằng các ngôi nhà có kiến trúc
hiện đại.
- Thay đổi chủ nhân của các ngôi biệt thự Pháp, nhu cầu mở rộng
diện tích của các công sở hành chính, chia sẻ không gian biệt thự Pháp do việc
chia tách các gia đình, giá đất cao và nhu cầu kinh doanh các dịch vụ hoặc xây
dựng trụ sở cơ quan mới.
- Chưa có một chính sách, đề án bảo tồn và phát huy giá trị
di sản kiến trúc Pháp ở Huế được soạn thảo và ban hành.
Sự tác động của các nguyên nhân nói trên đã làm cho nhiều công
trình kiến trúc Pháp ở Huế bị thay đổi chức năng, bị chấp vá thêm những kiểu
dáng mới lạ, bị biến dạng cơ bản về không gian và hình thức kiến trúc so với
nguyên trạng ban đầu hoặc thậm chí phá hủy hoàn toàn các công trình kiến trúc
Pháp. Việc thay đổi chức năng nội tại dẫn tới sự thay đổi chức năng hoạt động
chung, đã phần nào làm mất đi sự hài hòa của không gian kiến trúc cảnh quan kiến
trúc Pháp ở Huế. Ví dụ điển hình là trường hợp phá hủy ngôi biệt thự cổ hơn 100
tuổi có quy mô 2 tầng với diện tích sàn khoảng 277m² tọa lạc tại số 5 Lý Thường
Kiệt, thành phố Huế vào tháng 4 năm 2017. Để tránh tình trạng đáng tiếc này xảy
ra một lần nữa đối với di sản kiến trúc Pháp, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng
có những giải pháp thiết thực và khả thi để thực hiện công tác bảo tồn và phát
huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp tại Huế.
Trong bối cảnh hiện nay, để dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn
các giá trị di sản kiến trúc Pháp và yêu cầu phát triển đô thị Huế cần phải có:
Công cụ pháp lý về bảo tồn, kế hoạch trùng tu các công trình di sản kiến trúc
Pháp và phát huy giá trị di sản để phục vụ phát triển các loại hình du lịch, dịch
vụ. Thực hiện tốt quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp
nêu trên sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững và gắn kết đô thị
di sản của quá khứ và tương lai. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống kiến trúc Pháp
ở Huế vẫn chưa được tiến hành điều tra hiện trạng, đánh giá và phân loại các
công trình kiến trúc Pháp một cách bài bản và khoa học. Trong bối cảnh quỹ di sản
kiến trúc Pháp tại Huế đang ngày một giảm dần, việc khảo sát và nghiên cứu kiến
trúc Pháp thực sự cần thiết và cấp bách, để có thể bảo tồn quỹ kiến trúc này một
cách phù hợp và kịp thời. Và, tất nhiên, trong những công trình kiến trúc kiểu
Pháp cũng cần phải xác định công trình nào là công trình có ý nghĩa, giá trị về
lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật để nó trở thành di sản trong tương lai. Do vậy cần
thành lập một hội đồng khoa học bao gồm các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, kiến
trúc sư và nhà quản lý để tiến hành đánh giá, xác định giá trị văn hóa, lịch sử,
kiến trúc nghệ thuật của các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu để đưa vào
danh mục cần bảo tồn và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản
kiến trúc Pháp. Từ đó có cơ sở xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến
trúc nghệ thuật theo luật định và cơ sở pháp lý để tiến hành trùng tu, tôn tạo,
phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp. Đối với những công trình kiến trúc Pháp
chưa hội đủ điều kiện, tiêu chí cần thiết để xếp hạng di tích, cơ quan quản lý
Nhà nước cần động viên, tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ cho các chủ nhân sở hữu
công trình kiến trúc Pháp về phương pháp, kinh nghiệm trong việc bảo quản,
trùng tu đúng theo quy trình bảo tồn di sản kiến trúc Pháp.
Xây dựng quỹ bảo tồn di sản kiến trúc Pháp ở Huế, hàng năm hỗ
trợ tài chính cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc
Pháp. Động viên, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn
và phát huy giá trị di sản kiến trúc Pháp. Đó là những người dân sinh sống
trong khu vực di sản kiến trúc Pháp, những cá nhân và tổ chức có quyền lợi gắn
với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản
lý Nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia nghiên cứu
về bảo tồn di sản kiến trúc Pháp. Người dân và tổ chức gắn với di sản kiến trúc
Pháp cũng như các tổ chức và chuyên gia về bảo tồn cần được tham vấn trong toàn
bộ quá trình bảo tồn di sản kiến trúc Pháp ở Huế. Việc trao đổi tương tác giữa
cộng đồng với cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn,
các dự án bảo tồn di sản kiến trúc Pháp một cách có hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc Pháp trong quá trình
phát triển kinh tế của Huế được xem là bền vững, khi nó không tạo rào cản cho sự
phát triển kinh tế mà còn giúp kinh tế phát triển. Công trình kiến trúc Pháp cần
được bảo tồn nhưng không phải bị bảo tàng hóa. Nó có thể cộng sinh với kiến
trúc hiện đại để phát huy giá trị dưới góc độ kinh tế, xã hội. Về mặt kinh tế,
cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của kiến
trúc Pháp. Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật
chất, tài chính nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng bảo tồn di sản kiến trúc Pháp một
cách thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát
triển thông qua du lịch bằng cách thiết kế các tour du lịch tham quan các công
trình kiến trúc Pháp ở Huế. Bởi lẽ, bản thân mỗi công trình kiến trúc Pháp luôn
mang trong mình những câu chuyện lịch sử, đồng thời hàm chứa nhiều giá trị văn
hóa và kiến trúc nghệ thuật nhất định để trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn
du khách trong và ngoài nước.
Có thể nói, hệ thống kiến trúc Pháp là những di sản văn hóa sống
động, góp phần quan trọng tạo nên những giá trị nổi bật và độc đáo của đô thị
di sản Huế, song hành bên cạnh Quần thể Di tích Cố đô Huế, gắn liền với quá
trình hình thành và phát triển về cảnh quan và kiến trúc đô thị Huế trong dòng
chảy văn hóa lịch sử. Hầu hết, các công trình kiến trúc Pháp không chỉ có giá
trị về mặt kiến trúc mà còn ở khía cạnh văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, vì vậy
rất cần được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại,
tránh nguy cơ bị biến dạng hoặc phá hủy dần trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phan Thuận An, Nguyễn Quốc Thông (1997), “Kiến trúc Pháp
bên bờ sông Hương”, Tạp chí Huế xưa và nay, Số 21, trang 71,72.
2. Trần Quốc Bảo (2015), Hình thái kiến trúc khu phố Pháp ở
Hà Nội và phương pháp bảo tồn, Đăng tại Web: https://36hn. wordpress.com.
3. Nguyễn Quang Minh (2015), “Giá trị kiến trúc của nhà phố
Pháp trong khu phố Pháp tại Hà Nội”, Tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng,
Trường Đại học Xây dựng.
4. Nguyễn Đình Toàn (2003), “Kiến trúc thời thuộc địa ở Huế”,
in trong Kỷ yếu Hội nghị chuyên gia Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế, Hội
Kiến trúc sư Việt Nam, UBND thành phố Huế, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, trang
111.
5. Quốc Việt, Sắc màu nhà Pháp ở Huế, Báo mới.com/.
1/12/2020 Trần Văn Dũng
1/12/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét