Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Cồn Cỏ - Miền đất giữa trùng khơi

Cồn Cỏ - Miền đất giữa trùng khơi

Tôi ra đảo Cồn Cỏ với những người rất đặc biệt, anh Nguyễn Hữu Thắng nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, anh Phạm Thanh Bình nguyên Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ, anh Lê Bá Dương nguyên phóng viên Báo Văn hóa - người khai sinh mỹ tục thả hoa tưởng niệm các liệt sỹ trên dòng Thạch Hãn và các dòng sông ở Quảng Trị…
Tôi nêu ra như vậy để muốn nói rằng những gì tôi sẽ viết ra sau đây có liên quan đến kinh tế, văn hóa, du lịch thì cũng chỉ là cảm nhận với tư cách cá nhân. Ba anh ấy có sứ mệnh riêng, hiểu biết sâu và đầy đủ về chuyên ngành cần phát triển của đảo Cồn Cỏ.
Khi tàu du lịch Chín Nghĩa 01 rời bờ được khoảng hai mươi phút, ngồi sau lái, nghe anh Lê Bá Dương kêu lên: “Ô kìa, một đàn cá heo!” Tôi ngoảnh lại nhìn ra vùng bọt trắng cuồn cuộn sau đuôi tàu cao tốc, thấy một đàn cá heo đen trùi trũi hăm hở vun vút đuổi theo con tàu du lịch nhỏ xinh sơn màu trắng nổi bật giữa mênh mông trời nước, chúng chìa cả chiếc vây lưng lên như cần ăng-ten, nhiều con cao hứng hùng dũng bật khỏi mặt nước trông thật ngoạn mục. Mấy thủy thủ đoàn trên chuyến hải hành chỉ trỏ trầm trồ: “Từ ngày khai trương tuyến tàu du lịch cao tốc thăm đảo Cồn Cỏ dạo tháng Tư đến giờ, ngày hai chuyến ra vào nhưng đây là lần đầu tiên gặp cá heo bơi thi với tàu…”, thì tôi nhận ra rằng, mình đang được tham gia một chuyến du lịch trải nghiệm đa cung bậc mở đầu đã gây men thú vị.
Đứng trong đất liền, dù ở Cửa Tùng hay Cửa Việt, ngày đẹp trời, nhìn về phía Đông bằng mắt thường, ta thấy đảo Cồn Cỏ hiện lên giữa trùng khơi như hình dáng một con tàu. Mũi tàu hướng về phía Bắc, đuôi tàu ở phía Nam. Đảo Cồn Cỏ ở cách đất liền điểm gần nhất 13 hải lý. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, việc tiếp tế cho đảo trông chờ vào lòng quả cảm và những nhịp chèo tay bền bỉ, kiên gan của những dân quân các xã ven biển Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang... Những chuyến hàng từ đất liền tiếp tế ra đảo mất gần trọn đêm, bốc dỡ hàng, giấu thuyền xong thì trời sáng, phải đợi đến đêm mới trở lại bờ. Ra đảo hay trở vào đất liền thì mối hiểm nguy như nhau, máu đổ trên từng ngọn sóng.
Còn bây giờ chỉ mất gần hai tiếng đồng hồ để ra đảo trên tàu khách sang trọng. Khoảng cách từ đất liền ra đảo không quá xa nên không đủ làm cho du khách say sóng mà chỉ là chút gia vị giúp du khách có cảm giác mênh mông chơi vơi, như tâm trạng của một thủy thủ viễn dương giữa biển khơi nhìn vào bờ xa vời vợi. Cũng là gió cấp 5 cấp 6, nhưng những con sóng bạc đầu do gió Lào gây ra trên biển Cồn Cỏ từ tháng Tư đến tháng Tám khác xa những con sóng cùng cấp độ do gió mùa đông bắc và áp thấp nhiệt đới gây ra từ tháng Chín năm trước đến tháng Ba năm sau. Sóng do gió Lào gây ra trong mùa du lịch Cồn Cỏ là thứ sóng thú vị làm cho du khách biết được thế nào là rung lắc, bồng bềnh, chao đảo của một chuyến hải hành viễn dương mà bất cứ thủy thủ nào cũng nhất thiết phải trải qua.
Trong suốt gần hai giờ đồng hồ ngồi trên con tàu hùng dũng đè sóng ra khơi du khách thỏa thuê ngắm trời nước và các hoạt động đánh bắt hải sản nhộn nhịp cả một vùng ngư trường rộng lớn đông nam đảo Cồn Cỏ mà ngư dân miền Trung quen gọi là ngư trường Con Hổ. Tôi nói với anh Phạm Thanh Bình: “Chỉ riêng mỗi chuyện lên tàu ra đảo Cồn Cỏ, chạy quanh đảo một vòng rồi trở về cũng đã là một gói du lịch trải nghiệm hoàn chỉnh về biển. Còn đổ bộ lên đảo tham quan thuộc gói khác”. Anh Bình tiết lộ, bây giờ Cồn Cỏ có âu tàu, việc ra vào hết sức thuận lợi. Ngày anh mới ra nhận công tác ở huyện đảo cách đây 15 năm, có lần đang ở đất liền cần phải ra đảo gấp để triển khai nhiệm vụ chống bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, anh phải đi xe từ Quảng Trị vào Đà Nẵng lên tàu lớn của Hải quân ra tiếp cận đảo rồi vào đảo bằng xuồng cứu sinh. Nghĩa là đáng lý chỉ cần đi 17 hải lý từ Cảng Cửa Việt ra, anh đã hành trình tới 250 hải lý mà mấy trăm mét cuối hải trình là mấy trăm mét đầy sinh tử.
Cũng như bao du khách khác, trước khi đến Cồn Cỏ, trong đầu tôi thường trực ba câu hỏi: Ăn nghỉ ở đâu? Tham quan những địa điểm nào? Đi lại bằng phương tiện gì? Nhưng sau hai ngày cuối tuần ở Cồn Cỏ, tôi lờ mờ nhận ra rằng, Cồn Cỏ đang tồn tại loại hình Du lịch đại chúng tiền khởi. Khách du lịch đến Cồn Cỏ đi theo một nhóm nhỏ hoặc cá nhân đến nơi mà theo nhận thức của họ là an toàn, phổ biến, khí hậu phù hợp. Họ không cầu kỳ không tìm kiếm tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn mà dễ dàng chấp nhận các điều kiện chưa đảm bảo tiêu chuẩn của đảo. Loại hình du lịch thứ hai là Du lịch khác thường. Khách du lịch là những người trẻ tuổi thích đến những nơi xa xôi, hoang dã, quan tâm đến những nền văn hóa sơ khai hoặc tìm kiếm những phần bổ sung thêm trong một tour du lịch tiêu chuẩn. Người trẻ thích nghi tốt và chấp nhận các điều kiện về sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có của đảo. Đảo Cồn Cỏ hiện đang hội đủ yếu tố để đón hai loại hình du lịch này.
Chiếm ba phần tư diện tích của đảo Cồn Cỏ hiện là rừng nguyên sinh nên có thể gọi đảo Cồn Cỏ là đảo Xanh. Tiếp liền rừng là các bãi tắm, bãi đá. Du khách mang theo túi ngủ, lều ngủ có thể ngủ ngay trên bờ biển để sớm mai được đón bình minh sớm nhất Bắc miền Trung, hoặc tìm cảm giác mạnh khi ngủ trong rừng già hoang vắng. Đảo Cồn Cỏ không có thú lớn, thú dữ nhưng không vì thế mà mất đi cảm giác u tịch, hoang vu khi ngủ trong rừng già Cồn Cỏ. Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với du khách trên đảo là rắn lục. Nhưng tất cả cư dân trên hòn đảo xanh này, nhiều thế hệ đều có chung nhận xét rằng rắn lục sống ở đảo Cồn Cỏ nọc độc không mạnh như rắn lục các nơi. Chẳng may bị nó cắn thì sơ cứu tại đảo hơn tuần là khỏi. Mọi người mềm hóa sự sợ sệt bằng lời an ủi: “Sự phóng khoáng của gió, mênh mông của biển, râm mát của bóng cây và bầu trời trong xanh lồng lộng đã góp phần trung hòa nọc độc của loài rắn được xem là nguy hiểm nhất nhì trong rừng nhiệt đới”.
Du khách nào ít lãng mạn hơn có thể nghỉ lại tại nhà khách Ủy ban nhân dân huyện đảo và nhà khách Ban Chỉ huy Quân sự huyện hoặc nghỉ lại các nhà dân theo mô hình homestay.
Từ khi chính thức có dấu chân định cư liên tục của con người trên đảo Cồn Cỏ đến nay mới gần 60 năm nhưng Cồn Cỏ có những trang lịch sử oanh liệt gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc. Ngày xưa Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu trên biển khơi, án ngữ đường hàng hải đi vào Vịnh Bắc Bộ. Ngày nay Cồn Cỏ đóng vai trò quan trọng mới trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Đến Cồn Cỏ để biết thêm điểm nhô ra ngoài cùng ở phía đông bắc đảo Cồn Cỏ được chọn là điểm mốc nối với mũi Oanh Ca thuộc đảo Hải Nam Trung Quốc, mà trung điểm của đường này cũng là điểm cuối cùng, điểm thứ 21, nơi đường phân định trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đi qua. Cũng nên biết thêm, trong 21 điểm mốc nằm trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ, từ điểm số 1 đến điểm số 7 là đường phân chia lãnh hải. Từ điểm số 7 đến điểm 21 theo quy định tại Điều II của Hiệp định này là ranh giới giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. (Lãnh hải hay hải phận là vùng biển ven bờ của quốc gia có biển tính từ đường cơ sở ra 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).
Vì vậy, du lịch Cồn Cỏ ngoài du lịch hoài niệm, thăm di tích lịch sử, thăm lại chiến trường xưa kết hợp với khám phá những danh thắng thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực đặc sắc, còn sâu xa hơn là cơ hội để hiểu và nắm vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh đảo bằng xe trung tải của Ủy ban nhân dân huyện do đích thân anh Phạm Thanh Bình cầm lái kiêm hướng dẫn viên du lịch. Anh thuộc lòng những điểm cần dừng, những địa danh cần tham quan mà du lịch Quảng Trị đã quảng bá lâu nay. Bây giờ Cồn Cỏ có những công trình hiện đại đáng tham quan như Trạm hải đăng, Bến Nghè, bãi tắm Bến Tranh, cột cờ Tổ quốc… Nhưng ngoài thực địa các công trình di tích lịch sử, các kiến trúc quân sự phòng thủ đảo khá nhiều nhưng một số công trình đang xuống cấp và chưa thực sự để lại ấn tượng thật rõ nét. Đài quan sát của Anh hùng Thái Văn A, những bến nhận hàng tiếp viện từ đất liền thời kháng chiến, những trạm quân y, giếng nước ngọt… đang mờ đi theo năm tháng.
Dừng chân bên bãi tắm Bến Tranh, nói chuyện với đôi vợ chồng trẻ đang kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách tắm biển kiêm cho thuê màn, chăn ga gối nệm, túi ngủ cho du khách có nhu cầu ngủ ngay tại bến. Anh này nói rằng sắp tới sẽ cho vợ vào đất liền học lái xe điện và luật giao thông để mua xe điện phục vụ du khách tham quan đảo. Anh cho biết, cả đảo mới có ba xe điện nhưng người lái thiếu…
Một vấn đề đang đặt ra với Cồn Cỏ là dân số tăng cơ học không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái. Nhiều người đến Cồn Cỏ muốn có diện mạo con cua đá trong thực đơn của mình bởi vì hai lẽ: Thứ nhất nó đã nổi tiếng trong bài hát “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá… góp phần bồi dưỡng bộ đội ta càng đánh Mỹ lăn quay” của Ngọc Cừ và Phan Ngạn. Thứ nhì, ở Việt Nam chỉ có hai nơi là đảo Cồn Cỏ và đảo Cù Lao Chàm mới có loài cua đá thịt thơm ngon bổ dưỡng này cư trú nhiều. Nhưng gần đây cua đá Cồn Cỏ đang giảm nhanh chóng do đánh bắt bừa bãi. Ngay từ khi mới thành lập, UBND huyện đảo đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó nêu rõ cấm đánh bắt cua đá dưới mọi hình thức; UBND tỉnh Quảng Trị cũng ra Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ để bảo tồn và phát triển các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ bị tận diệt, trong đó có cua đá.
Các nhà khoa học cho biết rằng: “Diện tích đảo Cồn Cỏ khoảng 230ha, đã xác định được thông tin bước đầu về mùa vụ sinh sản của cua đá, mỗi cá thể cua đá cái trung bình có 140.000 trứng/con. Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi chúng sẽ dễ dàng phủ khắp đảo chỉ qua vài lần sinh sản. Nếu được bảo vệ và phát triển hợp lý cua đá Cồn Cỏ sẽ phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, xây dựng thành một thương hiệu sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế cho người dân”.
Trong lúc chờ đợi sự trở lại của món cua đá, du khách đến Cồn Cỏ vẫn có thể thưởng thức những món hải vị mà không dễ tìm ở nhiều nơi khác như: Hàu sữa, hàu lớn, rong nho biển, ốc thổ, ốc hương, ốc nón, mực cơm, mực lá, hải sâm và rất nhiều loài cá biển đánh bắt ngay quanh đảo… và khi trở về đất liền nhớ mang theo một túi dược thảo giảo cổ lam, vốn là đặc sản của rừng phiêu bạt ra hải đảo.
Quá trình từ hòn đảo nhỏ hoang vu không có dấu chân người đến khói ấm đã về trên những làng mới định cư là cả một quá trình. Từ một hòn đảo chiếm đóng đến hòn đảo dân sinh hiện nay cũng là một sự chuyển mình khó nhọc. Một hòn đảo xinh đẹp vốn là một tiền đồn, một pháo đài quân sự nay chuyển mình thành một hòn đảo du lịch, có kinh tế biển phát triển cũng thực sự là một cuộc vượt cạn không dễ dàng. Tôi có dự cảm rằng bài toán phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh ở đảo Cồn Cỏ cần được hoạch định và thực hiện bằng tư duy của cấp Trung ương. Bởi vì hình như hiện nay có cái gì đó còn lấn cấn giữa quan điểm phát triển kinh tế để củng cố quốc phòng an ninh hay xây dựng quốc phòng an ninh để bảo vệ và phát triển kinh tế…
Tôi đã từng chào cờ và hát Quốc ca trên dãy Trường Sơn nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chào cờ trên biên giới phía Bắc và Tây Nam, chào cờ trong buổi lễ diễu binh quy mô đại diện các binh chủng cấp Quân đoàn… Nhưng được dự lễ chào cờ trên đảo Cồn Cỏ do đồng chí Lê Minh Tuấn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ mời và chủ trì là buổi lễ chào cờ để lại trong tôi niềm xúc động và ấn tượng nhất. Lễ chào cờ độc đáo, thiêng liêng bởi ngoài các cơ quan khối Đảng, còn có đầy đủ các quân binh chủng khối lực lượng vũ trang đồn trú trên đảo tham gia gồm Hải quân, Biên phòng, Công an, Quân sự… Quốc ca hùng tráng, mấy trăm con người nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cột cờ, hướng về phía đất liền trìu mến. Ngay sau lễ chào cờ là kể một mẩu chuyện ngắn về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nghi lễ trang nghiêm ngắn gọn, nội dung thiết thực. Nếp sống ở Cồn Cỏ trang nghiêm như người lính…
Cũng thật tình cờ, hôm lên tàu ra đảo, tôi gặp Đoàn thanh niên xã Vĩnh Thành tham gia chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại đảo Cồn Cỏ trở về. Không còn nghi ngờ gì nữa, Cồn Cỏ là điểm đến, là miền đất hứa của những người trẻ tuổi. Cồn Cỏ cần những người lao động trẻ tuổi vì chỉ có tuổi trẻ mới năng động sáng tạo, có tri thức và có sức khỏe để làm du lịch và chinh phục biển khơi…
8/11/2018
Tống Phước Trị
Theo https://tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...